Luận Vô Tâm
Xét về lý thì không lời, cốt nhờ lời mà hiển bày lý. Đạo lớn thì không tướng, vì tiếp vật thô mà có hiện hình. Nay hãy tạm lập ra hai người để cùng bàn luận về vô tâm:
Đệ tử hỏi Hòa thượng: Có tâm hay không có tâm?
Đáp: Không tâm.
Hỏi: Đã không tâm, vậy cái gì thấy nghe giác biết? Caí gì biết là không tâm?
Đáp: Lại là không tâm thấy nghe giác biết, và không tâm hay biết không tâm.
Hỏi: Nếu đã không tâm lẽ ra không có thấy nghe giác biết, làm sao thấy nghe giác biết được?
Đáp: Dù ta không tâm mà hay thấy, hay nghe, hay giác, hay biết.
Hỏi: Đã hay thấy nghe giác biết, tức là có tâm, đâu nói được không tâm?
Đáp: Chỉ là thấy nghe giác biết đó là không tâm, chỗ nào lại lìa thấy nghe giác biết riêng có không tâm! Nay ta sợ ông còn chưa hiểu, sẽ tuần tự vì giải rõ khiến ông tỏ ngộ chân lý. Giả như thấy, trọn ngày thấy mà do vì không có thấy, nên thấy cũng không tâm. Nghe, trọn ngày nghe mà do vì không có nghe, nên nghe cũng không tâm. Giác, trọn ngày giác mà do vì không có giác, nên giác cũng không tâm. Biết, trọn ngày biết mà do vì không có biết, nên biết cũng không tâm. Trọn ngày tạo tác, làm mà không có làm nên làm không tâm. Vì vậy nói: Thấy nghe giác biết thảy điều không tâm.
Hỏi: Làm thế nào hay biết được là không tâm?
Đáp: Ông hãy chính chắn suy tìm xem, tâm có tướng mạo gì? Tâm đó có thể là tâm? Là chẳng phải tâm? Là ở trong? Là ở ngoài? Là ở khoảng giữa? Như thế, cả ba chỗ tìm tâm trọn chẳng thể được, cho đến đối với tất cả chỗ tìm cầu cũng chẳng thể được. Phải biết chính đó là không tâm.
Hỏi: Hoà thượng đã nói rằng, tất cả chỗ thảy là không tâm, lẽ ra không có tội phước, cớ sao chúng sanh luân hồi trong sáu thú, sanh tử chẳng dứt?
Đáp: Chúng sanh mê vọng, ở trong Không Tâm mà vọng sanh tâm, rồi tạo bao nhiêu thứ nghiệp, vọng chấp hữu vi, đủ để khiến cho luân hồi trong sáu thú, sanh tử chẳng dứt. Ví như có người ở trong tối thấy gốc cây trơ trụi cho là quỷ, thấy sợi dây cho là rắn, liền sanh sợ hãi. Chúng sanh vọng chấp cũng lại như vậy, ở trong Không Tâm vọng chấp Có Tâm, rồi tạo bao nhiêu thứ nghiệp (tuy vọng) mà thật không ai là chẳng luân hồi nơi sáu thú. Chúng sanh như thế, nếu gặp bậc Đại thiện tri thức dạy cho tọa thiền giác ngộ Không Tâm, thì tất cả nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt hết, sanh tử liền dứt. Ví như trong tối, ánh sáng mặt trời một phen chiếu lên thì bóng tối đều mất. Nếu ngộ Không Tâm thì tất cả tội nghiệp cũng lại như thế.
Hỏi: Đệ tử ngu muội, tâm vẫn chưa thấu rõ, tất cả chỗ dụng từ sáu căn ứng ra? Nói năng, mọi thứ hành động, phiền não, bồ đề, sanh tử, niết bàn nhất định là Không Tâm chăng?
Đáp: Nhất định là không tâm. chỉ vì chúng sanh vọng chấp có tâm liền có tất cả phiền não, sanh tử, niết bàn. Thế nên Như Lai vì người có tâm nói có sanh tử; bồ đề thì đối với phiền não mà được tên; niết bàn đối với sanh tử mà được tên, những thứ này đều là pháp đối trị. nếu không tâm có thể được, tức phiền não, bồ đề cũng chẳng thể được, cho đến sanh tử, niết bàn cũng chẳng được.
Hỏi: Bồ đề, niết bàn đã chẳng thể được, vậy chư Phật ở quá khứ đều được bồ đề, điều này nghĩa là sao?
Đáp: Chỉ do văn tự của thế đế mà nói là được, đối với chân đế thật không thể được. Cho nên Kinh Duy Ma nói: “Bồ đề, chẳng thể do thân được, chẳng thể do tâm được.” Kinh Kim Cang lại nói: “Không có một chút pháp có thể được, chư Phật Như Lai chỉ do chẳng thể được mà được.” Phải biết, có tâm tức tất cả có, không tâm tức tất cả không.
Hỏi: Hòa thượng đã nói rằng, đối tất cả chỗ trọn đều không tâm, vậy cây đá cũng không tâm, há chẳng đồng với cây đá sao?
Đáp: Không tâm của ta và ông, tâm đó chẳng đồng với cây đá. Tại sao? Ví như trống trên cõi Trời, tuy rằng không tâm mà tự nhiên phát ra bao nhiêu thứ diệu pháp để giáo hoá chúng sanh. lại như hạt châu như ý, tuy rằng không tâm mà hay biến hiện ra nhiều thứ. Không tâm của ta và ông cũng lại như thế, tuy rằng không tâm mà khéo hay giác rõ thật tướng các pháp, đầy đủ bát nhã chân thật, ba thân, tự tại ứng dụng không ngại. Cho nên kinh Bảo Tích nói: “Do không tâm ý mà hiện hành.” Đâu đồng với cây đá ư! Cái không tâm đó tức là chân tâm. Chân tâm tức là không tâm.
Hỏi: Nay đây ở trong tâm làm sao tu hành?
Đáp: Chỉ ở trên tất cả việc, giác rõ không tâm chính đó là tu hành, chẳng riêng có tu hành nào khác. Cho nên biết, không tâm tức tất cả, tịch diệt tức không tâm.
Vị đệ tử ngay đó bỗng nhiên đại ngộ, mới biết ngoài tâm không vật, ngoài vật không tâm, mọi cử chỉ hành động đều tự tại, dứt hết các lưới nghi, không còn ngăn ngại, liền đứng lên làm lễ khắc sâu Không Tâm, bèn làm bài tụng:
Tâm thần vốn lặng,
Không sắc không hình.
Nhìn nó chẳng thấy,
Lắng nghe không tiếng.
Tợ tối chẳng tối,
Dường sáng chẳng sáng.
Bỏ đi chẳng diệt,
Lấy lại không sanh.
Lớn tức rộng trùm pháp giới,
Nhỏ thì đầu lông chẳng dừng.
Phiền não lẫn vào chẳng đục,
Niết bàn lóng lặng chẳng trong.
Chân như vốn không phân biệt,
Hay biện hữu tình, vô tình.
Thu lại tất cả chẳng lập,
Tan ra khắp giáp hàm linh.
Diệu thần trí không lường biết,
Chánh giác bặt chỗ tu hành.
Diệt ắt chẳng thấy nó hoại,
Sanh ắt chẳng thấy nó thành.
Đạolớn lặng lẽ: không tướng.
Muôn tượng im bặt: không tên.
Như đây vận dụng tự tại,
Thảy là tinh yếu KHÔNG TÂM.
Hòa thượng lại bảo: Trong các Bát nhã lấy Không Tâm Bát nhã làm trên hết. Cho nên Kinh Duy Ma nói: “Do không tâm ý, không thọ hành mà xô dẹp hết thảy các ngoại đạo.” Kinh Pháp Cổ nói: “Nếu biết không tâm có thể được, pháp tức chẳng thể được, tội phước cũng chẳng thể được, sanh tử niết bàn cũng chẳng thể được, cho đến tất cả đều chẳng thể được, chẳng thể được cũng chẳng thể được. Ngài bèn nói bài tụng:
Ngày trước mê thời là có tâm,
Giờ đâu đã ngộ trọn không tâm.
Tuy rằng không tâm, hay chiếu dụng.
Không chiếu, không dụng tức vô vi.
Và tiếp:
Không tâm không chiếu cũng không dụng,
Không chiếu không dụng tức vô vi.
Chính đó Như Lai chân pháp giới,
Chẳng đồng Bồ Tát làm Bích Chi.
(Tích nhật mê thời vi hữu tâm,
Nhĩ thời ngộ bãi liễu vô tâm.
Tuy phục vô tâm năng chiếu dụng,
Vô chiếu vô dụng tứ vô vi.
Vô tâm vô chiếu diệc vô dụng,
Vô chiếu vô dụng tức vô vi.
Thử thị Như Lai chân pháp giới,
Bất đồng Bồ Tát vi Bích Chi.)
Nói không tâm đó, tức không tâm vọng tưởng.
Lại hỏi: Sao gọi là thái thượng?
Đáp: Thái là to lớn. Thượng là cao. Vì diệu lý cao tột nên nói là thái thượng.
Lại, thái là ngôi to tát thông suốt, những vị Trời trong ba cõi dù có tuổi thọ dài lâu mà phước cũng hết, thế nên cuối cùng vẫn luân hồi nơi sáu thú, chưa đủ cho là Thái. Hàng Bồ Tát Thập Trụ tuy ra khỏi sanh tử mà diệu lý chưa cùng tột, cũng chưa cho là Thái. Hàng Thập Trụ tu tâm, quên Có vào Không, lại không cả cái “Có Không” ấy, trừ hết cả hai mà chẳng quên trung đạo, cũng chưa cho là Thái. Lại quên trung đạo, ba chỗ đều dứt sạch, địa vị là Diệu Giác. Bồ Tát tuy trừ hết ba chỗ mà chẳng thể khôgn chỗ diệu kia, cũng chưa cho là Thái. Lại quên cả cái Diệu kia ắt Phật đạo rất tột, ắt không còn giữ lại điều gì, không còn giữ thì nghĩ ắt không, nghĩ lo gồm quên, tâm trí hằng dứt, giác chiếu đều sạch, lặng lẽ vô vi, đây gọi là Thái. Thái là nghĩa tột lý, thượng là nghĩa không ngang bằng, vì vậy nói là Thái Thượng, tức tên khác của Phật Như Lai.
HẾT