LUẬN TỊNH ĐỘ SINH VÔ SINH
MỘT QUYỂN
Hán dịch: Sa-môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên thai.
Cúi lễ Năng nhân trí viên mãn
Vô Lượng Thọ giác đại Đạo sư
Nói ra kinh An dưỡng Đại thừa
Liễu nghĩa liễu nghĩa rất viên đốn.
Diệu đức Phổ Hiền, Quán Tự Tại
Thế Chí, Thanh tịnh đại hải chúng
Mã Minh, Long Thọ và Thiên Thân
Lô Sơn Liên xã tổ nơi đây.
Thiên Thai Trí giả và Pháp Trí
Xưa qua nay đến Hoằng pháp sư
Nay con quy mệnh lễ Tam bảo
Cầu xin thầm hộ phát thần thức.
Kính chọn kinh luận bí mật chỉ
Mở mang Tịnh độ sinh, vô sinh
Khắp khiến tương lai ngộ môn này
Dứt nghi, sinh tín đều bất thoái.
Luận này chia làm “Thập môn” (mười phần).
- Nhất chân pháp giới môn.
- Thân độ duyên khởi môn.
- Tâm độ tương tức môn.
- Sinh Phật bất nhị môn.
- Pháp giới vi niệm môn.
- Cảnh quán tương thốn môn.
- Tam quan pháp nhĩ môn.
- Cảm ứng nhậm vận môn.
- Bỉ thử hằng nhất môn.
- Hiện vị hỗ tại môn.
1/ Nhất chân pháp giới môn.
Trong pháp tánh Nhất chân, có đủ mười pháp giới, y chính vốn dung thông, chúng sinh Phật chẳng khác.
Luận rằng: “Pháp giới Nhất chân”, tức là chỉ cho tâm tính vốn có của chúng sinh. Tâm tính này “có vô lượng đức, gọi bằng vô lượng tên”. Vì sao nói là có vô lượng đức? Ở đây có “tính thể, tính lượng và tính cụ”.
“Tính thể” nghĩa là tâm tánh này chính là thể tính kiên cố bất động, thanh tịnh vô nhiễm, bất sinh bất diệt, thường trú vô hoại, lìa bốn câu, dứt trăm phi.
“Tính lượng” nghĩa là tâm tính này dọc cùng ba đời ngang khắp mười phương, thế giới hữu biên, hư không vô biên, hư không hữu biên, tâm tính vô biên, hiện tại hữu biên, quá khứ, vị lai vô biên, quá vị hữu biên, tâm tính vô biên, vô tận vô tận, vô lượng vô lượng.
“Tính cụ” nghĩa là tâm tính này “có đủ mười pháp giới” đó là Phật pháp giới, Bồ-tát pháp giới, Duyên giác pháp giới, Thanh văn pháp giới, Thiên pháp giới, Tu-la pháp giới, nhân pháp giới, súc sinh pháp giới, ngạ quỷ pháp giới và địa ngục pháp giới, đây đều là giả danh. Lại có “chính báo”, nghĩa là Phật ngũ ấm, Bồ-tát ngũ ấm cho đến địa ngục ngũ ấm, đó là “thật pháp”. Lại có y báo, đó là Phật quốc độ, Bồ-tát quốc độ, cho đến địa ngục quốc độ là để cho dễ hiểu. Chia làm ba kiểu khác nhau, từ ý này mà nói thì tính cụ là tính thể, tính lượng. Tính thể thì thể tính kiên cố bất động, thanh tịnh vô nhiễm, bất sinh bất diệt, thường trú bất hoại, tính cụ mười cõi cũng như vậy.
“Tính lượng” dọc cùng ngang khắp, vô tận vô tận, vô lượng vô lượng, tính cụ mười cõi cũng như vậy.
Chánh báo ngũ ấm, đồng tính thể tính lượng, thanh tịnh trùm khắp, y báo quốc độ cũng như vậy.
Ba pháp ở đây còn gọi là “ba Đế”. Tính thể tức là trung đế, tính lượng là chân đế, tính cụ là tục đế. Vì vậy kinh Lăng-nghiêm nói rằng: “Mà Như Lai tạng, diệu minh nguyên tâm, chẳng phải tâm, chẳng phải không, chẳng phải địa thủy hỏa phong, chẳng phải mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng phải nhãn giới cho đến chẳng phải thức giới, chẳng phải vô minh cho đến chẳng phải lão tử, chẳng phải vô minh hết, cho đến chẳng phải lão tử hết, chẳng phải khổ tập diệt đạo, chẳng phải trí, chẳng phải đắc chẳng phải đàn na, cho đến chẳng phải Bát-thích-nhã, chẳng phải Đản-đạt-a-kiệt, chẳng phải A-la-ha, chẳng phải Tam-gia-tam-bồ, chẳng phải thường lạc ngã tịnh”. Đây tức là tính lượng vô tướng, gọi là chân đế. Và Như Lai tạng, nguyên minh tâm diệu, tức tâm tức không, tức địa thủy hỏa phong, tức sáu phàm, tức nhị thừa, cho đến tức Như Lai thường lạc ngã tịnh” đây tức là chỉ tính cụ mười giới, gọi là tục đế.
Như Lai tạng, diệu minh tâm nguyên, ly tức ly phi, thị tức phi tức, đây tức là tính thể thống nhiếp, đó là Trung đế.
Lại Như Lai tạng rằng: “Tính sắc chân không, tính không chân sắc, thanh tịnh bổn nhiên, trùm khắp pháp giới, địa thủy hỏa phong không kiến thức, thảy đều như thế.” Địa thủy hỏa phong không kiến thức tức là tính cụ. “Thanh tịnh bổn nhiên” tức là tính thể, “trùm khắp pháp giới” là tính lượng.
Lại “địa thủy hỏa phong không, thanh tịnh bổn nhiên, trùm khắp pháp giới”, tức là y báo quốc độ tính thể, tính lượng.
Kiến thức thanh tịnh bản nhiên, trùm khắp pháp giới, tức là chính báo năm ấm tính thể tính lượng.
Thế nào là “Có vô lượng tên”? Nay nói rõ hơn, tâm tính này hoặc gọi là không Như Lai tạng, hay chân như Phật tính, hay Am-ma-la thức, Đại viên cảnh trí, hay gọi là “Bồ-đề Niết-bàn”. Tính thể tính lượng là Không Như Lai tạng, tức tính cụ mười cõi năm ấm quốc độ, gọi là “Không Như Lai tạng” “Tính thể tính lượng” gọi là “Chân như Phật tính”, tức tính cụ… gọi là “chân như Phật tính”.
“Tính thể tính lượng” gọi là “Am-ma-la thức” thì tính cụ,… cũng gọi là “Am-ma-la thức”.
Tính thể, tính lượng gọi là “Đại viên cảnh trí” thì tính cụ,… cũng gọi là Đại viên cảnh trí.
Tính thể, tính lượng gọi là “Bồ-đề Niết-bàn” thì tính cụ cũng gọi như vậy, thế nên mới nói là “Pháp tính trong nhất chân, có đủ mười pháp giới, y chính vốn dung thông, chúng sinh Phật chẳng khác”
Hỏi: Nhất chân pháp giới này, là sơ tâm hay hậu tâm? Nếu là sơ tâm thì đáng lẽ không có bảy tên gọi, nếu là hậu tâm thì đáng lẽ không có chín cõi. Sơ hay hậu đều không đúng, lập nghĩa không thành.
Đáp: Đây chính là hiển bày sơ tâm, vì sơ tâm nên mới có hậu tâm, vì có hậu tâm nên mới hiển bày sơ tâm.
Vì sao nói là sơ tâm mới có hậu tâm. Như quả địa y chính là dung
thông, sắc tâm không hai, có mặt trong chín cõi, phương tiện độ sinh, đều do chứng nhân tâm này mà có, vì vậy nói rằng: “Chư Phật quả địa dung thông, đãn chứng chúng sinh lý bổn, nên được xứng tánh thi thiết, không cầu mà ứng. Nếu không như thế thì đâu khác gì Tiểu thừa ngoại đạo, tác ý thần thông, vì vậy Đại sư Pháp Trí nói rằng “Nghĩa của sáu tức không chỉ ở Phật, tất cả giả thật, Tam Thừa trời người, dưới đến bọ hung, địa ngục sắc tâm, đều cần sáu tức để phân biệt sơ hậu.”
Cái gọi là lý bọ hung cho đến cứu cánh bọ hung do nói thập giới đều là lý tánh, mọi sự mọi vật đều là pháp giới, một cũng không thể thay đổi, ngoài danh tự ra, không chỉ một cõi hiển thị Phật mà chín cõi còn lại cũng vậy. Đến khi quả thành tựu thì cả mười đều rốt ráo. Vì sao nói hậu tâm đúng mới hiển bày sơ tâm đúng? Đó là do quả địa hậu tâm và chúng sinh toàn chứng đều lấy lý làm gốc. Bảy thứ quả địa đều là tên gọi đẹp đẽ của tánh đức chúng sinh, nhưng vì chúng sinh mê tính nên không hiển bày nên không được gọi tên đó, do vậy đâu thể nói là không có tánh đức, từ đó nghĩa sơ hậu đều thiện được lập.
2. Thân độ Duyên khởi môn.
Tánh pháp giới nhất chân, bất biến nhưng tùy duyên, ba thân và bốn cõi, đều do tâm biến tạo.
Luận rằng “Tánh pháp giới nhất chân” tức là tính thể, tính lượng, tính cụ đã nói ở phần trước. Trong giáo pháp nói rằng “Chân như bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến, là do tính thể tính lượng và tính cụ. Nếu quân tử bất khí, thiện ác đều có thể làm. Vì vậy kinh Hoa Nghiêm bản dịch đời Tấn nói rằng “năng tùy duyên nhiễm tịnh, tạo đủ mười pháp giới, để chỉ rằng chín pháp giới chứa trong chân như tính có thể theo duyên nhiễm, chín pháp giới trong tạo sự, Phật pháp giới có trong tính chân như tùy theo duyên tịnh. Sở dĩ Phật pháp giới trong tạo sự có thể được là do tính cụ, nếu tính không cụ, thì làm sao có thể nói là được. Thiên Thai nói rằng “do lý cụ mới có sự dụng” chính là nghĩa ấy. Cho nên biết rằng “trong sự có mười pháp giới, ba thân, bốn cõi, đều do chân như tùy duyên biến tạo, tùy duyên bất biến thì thân cõi nhiễm tịnh, trong sự đương thể tức chân, không thể mảy may gây tổn hại, ở trong đó. Kinh Lăng-nghiêm chép: “Kiến (kiến phần của tám thức) và kiến duyên và tướng sở tưởng như hoa đốm trong hư không, vốn không thật có. Kiến và duyên này vốn là Bồ-đề diệu tịnh minh thể. Nếu như vậy thì Ta-bà, Cực lạc và chúng sinh thế giới này sẽ sinh lên chín phẩm, Di-đà đã thành tâm ta sẽ là quả, đều do sự biến tạo của tâm tính. Tâm đầy đủ tạo ra làm sao phân được năng sở, ngay nơi tâm là Phật, ngay
nơi Phật là tâm, ngay nơi tâm là cõi, ngay nơi cõi là tâm, ngay nơi tâm là quả, ngay nơi quả là tâm, nhân duyên năng tạo và pháp sở tạo ngay nơi đó đều là tâm tính, cho nên làm sáng tỏ tông này và người cầu sinh cõi Cực lạc là chỗ chí đạo thầm hòa hợp giữa sinh và vô sinh.
3. Tâm độ Tương tức môn.
Cõi an lạc Tây phương, cách đây mười vạn ức Cùng với tâm của ta, không thấy khác kia đây.
Luận rằng: Kinh Phật thuyết A-di-đà chép: “Từ đây đi về Tây phương qua mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực lạc, có trăm tỷ mặt trời, mặt trăng, bách ức núi Tu-di, trăm tỷ biển lớn, bách ức núi Thiết vi, gọi là một cõi Phật, mười ngàn là muôn, mười muôn là ức. Một cõi Phật đã rộng lớn như thế, huống chi là ức cõi Phật? Huống chi là mười muôn ức? Cho nên biết rằng cõi nước Cực lạc cách đây rất xa, bác địa phàm phu niệm Phật cầu sinh, trong khoảng thời gian búng ngón tay đã đến chính là do trong tâm chúng sinh đã sẵn có cõi Phật. Giới nhĩ tâm, tức là tâm phàm phu niệm Phật, tâm sát-na, nhỏ nhoi nhất, kém cỏi nhất, nên gọi là giới nhĩ. Nói rằng cõi Phật ở xa hàng muôn dặm tồn tại trong giới nhĩ tâm của kẻ phàm phu, tức là ngay nơi tâm là cõi, ngay nơi cõi là tâm, nên nói rằng không thấy khác kia đây.”
Hỏi: Tâm giới nhĩ được chứa trong một nơi chừng gang tất, thì làm sao có thể bao trùm được cõi Phật ở xa như thế?
Đáp: Tâm giới nhĩ, người mê muội thì cho là nhỏ, người thông đạt thì thấy là lớn, chân vọng không hai, do vọng tâm này từ toàn tính mà khởi. Tính vô biên thì tâm cũng vô biên, tính như biển lớn, tâm như hòn bọt, toàn biển là hòn bọt, bọt trở về biển. Vì vậy chân như bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến. Đã gọi là tùy duyên bất biến, thì làm sao có thể hạn chế lớn nhỏ theo chân vọng được?
4. Sinh Phật Bất nhị môn.
Di-đà phàm phu, mê ngộ tuy có khác, tâm Phật tâm chúng sinh, rốt ráo không có hai.
Phật A-di-đà tức gồm người và quả, thành tựu các công đức như ba Thân, bốn Trí, mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng…. Phàm phu tức là người và nhân, có đủ vô lượng hằng sa phiền não, tạo tác vô lượng hằng sa nghiệp ràng buộc, đương chịu vô lượng hằng sa sinh tử. Tướng mê ngộ, thí như mây kia, ý nói rốt ráo không hai, nghĩa là nếu nói theo tướng, thì không hai mà hai, nếu luận về tính thì hai mà không hai. Chư Phật là chư Phật trong tâm chúng sinh đã giác ngộ, chúng sinh là chúng sinh trong tâm chư Phật còn mê muội. Sở dĩ ngộ, là ngộ chúng sinh vốn có tính thể, tính lượng, tính cụ. Sở dĩ mê, là mê tính thể, tính lượng, tính cụ mà chư Phật chứng. Tâm tính nhiệm mầu, làm sao bị mê cho được, mê mà không mê, lời này luôn tồn tại, vì chúng sinh vốn có tính thể, tức pháp thân mà chư Phật chứng, tính lượng tức báo thân, tính cụ tức ứng thân. Bốn Trí, mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng… hợp lại có thể biết là dường nào. Vì thế người xưa rằng: Chúng sinh trong tâm chư Phật thì mỗi hạt bụi đều là Cực lạc, chư Phật trong tâm chúng sinh thì niệm niệm chứng chân. Nên, Di-đà tức tâm ta, tâm ta tức Di-đà. Khi chưa khởi niệm đã thành tựu, vừa khởi tâm niệm thì liền viên thành đạo cảm ứng giao nhau. Vì có lý này nên người niệm Phật công đức không luống uổng.
5. Pháp giới vi niệm môn.
Pháp giới thể viên dung, làm một niệm tâm ta, nên ta niệm tâm Phật, toàn thể là pháp giới.
Luận nói: Khi hành giả xưng niệm danh hiệu Phật, khi thực hành quán Phật, khi thực hành chủ bạn y chính quán, khi tu ba thứ Tịnh ng- hiệp, khi nhất tâm bất loạn, khi tán tâm xưng danh, cho đến khi kiến tư mênh mông, Hằng sa phiền não, hễ có các tâm này đều do chân như bất biến tùy duyên tạo ra, toàn thể tức là pháp giới. Vì vậy Đại sư Pháp Trí nói rằng: Thể không thể nghĩ bàn của pháp giới viên dung, tạo ra một niệm tâm của ta, cũng lại thể này làm chúng sinh làm Phật, làm y làm chính. Nếu thế thì tâm khác còn như vậy, huống chi là tâm niệm Phật. Vì vậy khi hành giả niệm Phật, tâm này là viên dung thanh tịnh bảo giác, với diệu tâm này mà niệm Di-đà, thì ba thân kia thân nào chả niệm, cầu bốn cõi kia, cõi nào mà chẳng sinh, nhưng tùy theo công hành cạn sâu mà phẩm vị cao hay thấp mà thôi.
6. Cảnh quán tương thốn môn.
Mười sáu cảnh vân vân, sự lý hai thứ quán. Kia đây nuốt lẫn nhau, như lưới Nhân-đà-la.
Cảnh quán nuốt nhau chính là do sự sự vô ngại. Mọi sự sở dĩ vô ngại là do vốn có như thế. Do thể không thể nghĩ bàn của pháp giới viên dung, làm ra một niệm tâm của ta, cũng thể này làm chúng sinh làm Phật, làm y làm chính, đều do toàn thể làm ra, có pháp nào không tức là pháp giới. Nên nói rằng: Một hạt bụi pháp giới không nhỏ, biển cõi pháp giới không lớn, nhiều cũng là pháp giới, ít cũng là pháp giới. Là do mười sáu cảnh Tây phương, hai pháp quán sự lý của tâm ta, tất cả đều là toàn thể pháp giới. Như mành lưới Nhân-đà-la trong cung Đế Thích, tuy kia đây đều là những hạt châu khác nhau nhưng mỗi hạt đều soi bóng vào các hạt châu khác. Tuy soi vào các châu khác, nhưng tác dụng chiếu sáng Đông Tây có khác nhau, cảnh quán cũng như vậy. Nếu cho cảnh là sự thì quán là lý, lý có thể bao trùm sự nên tức là dùng quán nuốt cảnh. Dùng quán làm sự, thì cảnh là lý, lý bao gồm sự, đó là dùng cảnh nuốt quán. Hoặc quán hoặc ảnh, một thứ là sự, thứ kia là lý, hoặc xem một thứ là lý, thứ kia là sự, hai bên nuốt lẫn nhau (bao trùm lẫn nhau), nên nói là như mành lưới Nhân-đà-la. Nếu như thế thì khi ta thực hành quán thì y chính Tây phương đã ở trong quán của ta, nay thân tâm của ta đã ở trong y chính, rõ được lý này mà cầu sinh An dưỡng thì có thể gọi là: Nhạn bay qua lưng trời, bóng chìm đáy nước, nhạn không có ý để lại dấu vết, nước không có tâm giữ bóng.
7. Tam quán pháp nhĩ môn.
Năng quan là ba quán, sở quán là ba đế. Từ toàn tính khởi tu, nên gọi là pháp nhĩ.
Ba đế là chân đế, tục đế và trung đế. Ba quán gồm: Không, giả và trung. Quên tình dứt hiểu, chẳng còn màng đến chân, tùy duyên ứng dụng, đâu còn màng đến tục, dung thông không hữu, không còn màng đến trung. Hư linh bất muội, đó là tâm ta tự không. Vật đến tư ứng, đó là tâm ta tự hữu, không hữu tức nhau, đó là tâm ta tự trung. Tánh này chẳng do tu, ba đế chẳng phải ba quán. Do tu thì gọi là tính chiếu liễu, cho nên thể đạt tâm này, rỗng suốt vô vật thì gọi là không, chiếu liễu tâm này, đầy đủ muôn pháp gọi là “giả”, Dung thông hai bên, không phải một, không phải khác gọi là “trung”. Như thế thì hư linh mà ứng vật, tức ứng vật mà hư linh, không tức gả trung, giả tức không trung, trung tức không giả, đó là xứng tánh mà tu, bặt dứt đối đãi mà chiếu, ba quán không thể nghĩ bàn, là kim chỉ nang của Thủ-lăng-nghiêm đại định. Nói theo chiều ngang thì cũng như vậy. Nếu nói theo chiều dọc thì hoặc vì tâm ta hư linh là không, dùng sở quán muôn vật là giả, vì tâm cảnh không hai là trung. Vật là vật trong tâm ta, vì sao giả mà bất không? Tâm là tâm của muôn vật, vì sao không mà bất giả? Tức tâm tức vật, tức vật tức tâm, vì sao trung mà bất không, giả, cho nên quán y chánh Cực lạc, dùng nhất tâm ba quán của ta, chiếu một cảnh ba đế của kia, cũng không phải là không thể. Đại sư Hổ Khê nói: Cảnh là diệu giả quán là không, cảnh quán song vong tức là trung, vong chiếu không hề có trước sau, nhất tâm dung hợp hoàn toàn không dấu vết, làm gì có pháp ba quán.
8. Cảm ứng nhậm vận môn.
Tâm ta cảm chư Phật, Di-đà tức huyền ứng.
Thiên tính tự liên quan, như nam châm hút sắt.
Lại nói: Chư Phật và chúng sinh cùng một nguồn giác, tuy rằng mê ngộ khác nhau, nhưng lý thường bình đẳng, nên nói “chư Phật là chư Phật trong tâm chúng sinh, chúng sinh là chúng sinh trong tâm chư Phật. Căn cứ vào đây mà xét, thì chư Phật và chúng sinh, tâm tánh luôn thông suốt với nhau. Nhưng chư Phật lúc nào cũng muốn độ sinh, còn chúng sinh thì luôn luôn mê và xoay lưng lại, cho nên Bồ-tát Thế Chí nói: Một người lúc nào cũng nhớ, một người lúc nào cũng quên, gặp thì cũng như không gặp, hoặc thấy cũng như không thấy. Như con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con thì mẹ con sẽ không cách xa nhau. Nếu trong lòng chúng sinh nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tại và tương lai chắc chắn sẽ được nhìn thấy Phật, cách Phật không xa, do nhất lý bình đẳng, thiên tánh tương quan. Vì thế nhậm vận dứt khổ ban vui, huống gì Phật Vô Lượng Thọ trong nhân có phát bốn mươi tám nguyện, thề tạo nên cõi Cực lạc, nhiếp thọ hữu tình. Nay đạo quả từ lâu đã thành tựu, tăng-na viên mãn đã lâu, nên tất cả chúng sinh chớ lo là Phật không đến ứng, chỉ cần có lòng tin sâu, nhớ niệm, thường phát nguyện, nguyện sinh Tây phương, như thỏi nam châm hút sắt. Nam châm có thể hút sắt nhưng không hút ngọc, giống như Phật có khả năng độ người hữu duyên nhưng không thể độ kẻ không có duyên. Chúng sinh dễ cảm Di-đà mà không dễ cảm chư Phật, không phải là do chúng sinh và Phật thệ nguyện không cùng nhau, mà là do những kẻ muốn cầu sinh Tịnh độ, thiếu một trong ba điều “tín, hạnh, nguyện”.
9. Bỉ thử hằng nhất môn.
Nếu người sắp qua đời mà không mất chính niệm. Thấy hoa, thấy ánh sáng, đã được sinh ao báu.
Lại nói: Vãng sinh truyện chép: Trương Kháng Sĩ, Thạch Tấn là học sĩ Hàn lâm, vào thời khóa tụng chú Đại bi mười muôn biến, nguyện sinh Tây phương. Một hôm bị bệnh, chỉ niệm danh hiệu Phật, chợt nói với người nhà rằng: Tịnh độ Tây phương chỉ ở ngay phía Tây nhà, Phật A-di-đà ngồi trên hoa sen, thấy Ông Nhi ở trên đất cát vàng trong ao hoa sen lễ bái vui đùa. Hồi lâu niệm Phật rồi hóa, Ông Nhi là cháu của Kháng, cho nên như thế. Bởi thế giới Cực lạc ở phương Tây là một cõi trong tâm ta. Thế giới Ta-bà cũng là một cõi trong tâm ta. Nói về cõi thì có đến mười muôn ức, kia đây khác nhau. Y cứ vào tâm thì vốn không có xa gần. Nhưng chúng sinh từ khi thọ sinh đến nay bị năm ấm che lấp chân tính, không khế hợp nguồn tâm. Người niệm Phật quả báo thành thục, khi sắp bỏ hiện ấm, thú hứng sinh ấm, Tịnh độ hoa
sen, bỗng nhiên ở trước mắt, cảnh giới duy tâm, chẳng có tướng đến đi, kia đây, nên kinh Thủ-lăng-nghiêm chép: Khi sắp qua đời, chưa xả hơi ấm, thiện ác trong một đời đồng thời hiện ra, thuần tưởng thì bay lên, sẽ sinh lên cõi trời, nếu trong tâm bay lên ấy mà gồm cả phúc và tuệ và cả tịnh nguyện thì tự nhiên tâm khai, thấy Phật mười phương, tất cả Tịnh độ, tùy nguyện vãng sinh. Đại sư Pháp Trí nói: Nên biết lúc lâm chung tự thấy mình đang ngồi trên hoa sen vàng, đã là sinh ấm ở nước kia chính là ý này.
10. Hiện vị hỗ tại môn.
Nay Hành giả niệm Phật, công đức không luống uổng. Trong nhân đã có quả, như hoa sen nở ra.
Luận rằng: Người tu theo viên đốn giáo, đốn ngộ tâm tính, vô tu mà tu, tu về Lạc bang kia, Cực lạc có sẵn trong tánh, do tu mà hiển phát, tâm tính này dọc thì khắp ba đời, ngang thì bao trùm hư không mười phương. Phật pháp sinh pháp, chánh pháp y pháp, nhân pháp quả pháp, một niệm viên thành. Vì vậy người niệm Phật gọi là toàn tính khởi tu, toàn tu tại tánh. Toàn tánh khởi tu, tuy gọi là nhân, toàn tu tại tính trong nhân có quả, vì đầy đủ nhân pháp và đầy đủ quả pháp, đồng cư nhất tính. Tâm tính dung thông, không pháp nào không nhiếp. Nên như hoa sen khai nở, trong hoa có quả, huống gì tâm này thường trụ không có sinh diệt, đến đi, tức tâm niệm Phật ngày nay chính là lúc thọ sinh trong ao hoa ở đương lai. Nên nói rằng, người mới phát tâm thì trong ao báu ở Cực lạc đã có mầm hoa sen, nếu tinh tiến không lùi sụt, tăng trưởng mỗi ngày, thì hoa dần dần nở, tùy theo công đức mà lớn nhỏ hay rực rỡ, héo úa khác nhau, nên lười nhác thối chí thì hoa sẽ mỗi ngày sẽ dần dần héo tàn. Nếu biết tự tinh tấn lên thì hoa sẽ lại tươi đẹp. Bằng không thì sẽ tàn lụi. Đối với hoa sen này, người nào đã gieo trồng thì hiện tại và vị lai đều vẫn còn, lời này đáng tin.
LỜI TỰA TRÙNG KHẮC TÂY PHƯƠNG HỢP LUẬN
Nho giáo lấy ba cương năm thường và thờ kính càn khôn để giúp loài người được ngay chính. Còn việc cắt ngang sinh tử, đi ngược dòng, ra khỏi nhà lửa ba cõi thì cần phải nhờ Phật giáo. Mười phương ba đời chư Phật, Phật A-di-đà đứng đầu, đều có Tịnh độ thâu nhiếp riêng mà thế giới Cực lạc đứng đầu. Công hạnh, quán môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ nhiều vô cùng nhưng việc nắm giữ danh hiệu đến nhất tâm bất loạn là đứng đầu. Các Bậc hiền Thánh xưa nay đều khen ngợi Tịnh độ, dạy chúng sinh niệm Phật như Thập Nghi luận của Thiên Thai, Vạn Thiện đồng quy của Ngài Vĩnh Minh, Hoặc vấn của Ngài Thiên Nhủ, Tịnh độ văn của Ngài Long Thơ, các sách đều viết rõ ràng nhưng vì nghĩa loại tản mác, long bìa sút gáy, đến đời Đại Minh, Ngài Vân Thơ đại sư đã tập hợp lại viết thành bộ Di-đà sớ sao. Lại có Sở Công An, Viên Thạch Công tiên sinh húy là Hoằng Đạo viết Tây phương hợp luận làm sáng tỏ mọi chỗ khác và giống nhau của các sách, giải thích những vướng mắc nghi ngờ, nêu bật nghĩa sâu xa mầu nhiệm, chỉ thẳng đường về. Kinh Phật mà Tổ viết luận, huynh nêu lên mà đệ phát dương, thật như Nho gia có Vô Trước, Thiên Thân, luận bộ có Mã Minh, Long Thọ. Có thể nói, hiện thân cư sĩ, tể quan mà mở mang pháp nhiếp đồng cư đồng sự. Niệm Phật đến như vậy mới là Viên giáo, Tịnh độ được như thế mới gọi là duy tâm. Bậc thông lý viết lách liên tục, thế nhưng sớ sao thịnh hành ở đời còn Hợp luận lại hiếm người biết đến. Nay là thời Mạt pháp suy vi, vận kiếp mới khởi, bốn chúng Ta-bà nên mau nguyện vãng sinh, nhưng mọi tông giáo đều có nhánh rẽ, mối nghi tình đối với Thiền và Tịnh làm cho hoa sen chợt nở chợt tàn, cõi Tịnh bỗng gần bỗng xa. Tấm lòng thiết tha của Phật A-di-đà vì cần kíp, đã mượn tướng lưỡi rộng dài trong sách của họ Viên để hối thúc. Con quỳ vốn được nhận ân Phật, trầy trật nơi cõi trược, quy mạng là đạo này, nghĩ rộng là sách này nhưng lại khó khăn về lực. Có đạo hữu là cư sĩ Cam Nhĩ Dực, tự Hữu Dân và Trọng Thị Sân tự là Tả Dân, hai vị đồng hướng đến Tịnh ng- hiệp, khi thấy Hợp luận cả hai đều vừa ý, vui mừng khen ngợi và quyên tiền để in ấn. Mọi người cùng hợp lực tạo nó thành để trăng nước của họ Viên lại sáng và hoa quả trong ao sen đều đầy khắp, để mọi người niệm Phật thấy Phật do được thấy sách này. Người được lợi ích từ sách này đèu do in ấn lại bản này. Thêm một người vãng sinh Tịnh độ thì dần dà sẽ là bậc thầy dẫn dắt ta, sớm một ngày chứng vô sinh thì vĩnh viễn tiếp nối tuệ mạng của Phật. Phàm là kẻ trung thần, con hiếu, nam nghĩa nữ tiết và loài bò bay máy cựa đều là bạn lữ nơi Lạc bang. Phàm những việc như tham thiền tụng chú, trì giới tu phước cùng mưu sinh đều là tư lương vãng sinh. Phàm khuyên niệm Phật một tiếng, lặng xem một khắc, diễn nói một chữ, lưu hành một xứ đều là công đức và tuổi thọ vô lượng. Sự lý chân thật không dối gạt, chúng sinh và Phật bình đẳng, chẳng dễ chẳng khó, Tịnh độ ngay trước mắt ta, nguyện lớn ngay nơi một niệm. Hãy cố gắng lên.
Mân Trung Chu kính viết.
Pháp môn họ Viên chỉ hướng tâm đến cõi Tịnh, ghi lại sự chứng nghiệm của giấc mộng. Tôi đọc tập sách của Trung Lang tiên sinh, đến phần gia báo đều chắp tay tán tụng. Sách ấy viết: Nghe đại nhân và quyến thuộc một nhà đều quy tâm về bạch nghiệp, đây là điều hiếm có nhất trong thế gian. Việc chuyên trì danh hiệu nào có khó gì mà con người tự sinh ra nghi ngờ, ngăn trở. Bởi những người đại giàu sang này, ông trời còn chẳng hay xem thường như mọi người. Nếu lại làm theo những thiện pháp một cách bền bỉ vì lợi lạc cứu tế chúng sinh mà nhẫn nhục, phá vỡ tướng nhân ngã, tham, sân…, xem làm Thánh làm Phật là việc cấp bách, dù ít ỏi nhưng là món lương dược hiệu nghiệm ngày nay. Trong mộng tiên sinh đã siêng thực hành phương tiện, thương xót mọi chúng sinh, dặn dò kỹ càng. Đọc thiên này mà không cảm khái, tỉnh ra thì há là tình người sao! Vừa lúc Châu Chương Phủ tiên sinh chỉ bày con đường niệm Phật mà Hợp luận của họ Viên còn thiếu nên đã trao cho viết lại giấc mộng để làm sự thù thắng của Hợp luận. Tôi mới được quyển sách này để xem, em tôi là Sân và Đồn Tử Hựu, đang bệnh mà nghe thuyết này đều phát khởi lòng tin và in ấn lại để sách tấn lẫn nhau, nhân đây bảo rằng: Trưởng giả trí tuệ nếu cho tôi là lạnh lẽo nên đã dâng tặng hơi ấm mặt trời thì rất đáng hổ thẹn.
Cam Nhĩ Dực viết.