LUẬN NHẬP A TỲ ĐẠT MA
Tác giả: A-la-hán Tắc-Kiến-Đà-La
Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng, Đời Đường vâng chiếu dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN THƯỢNG

Kính lạy Nhất thiết trí
Mặt trời Phật không nhơ
Lời sáng mở người trời
Nẻo ác che bản tâm
Và các lý đối pháp
Dứt trừ tướng ngu si
Con đảnh lễ như thế
Nhất Thiết trí nói Tạng,
Tuệ kém tối vọng ngữ
Ngăn lấp lời Phật dạy
Chiếu soi do đèn sáng
Kính lạy bậc thắp đèn.

Người có trí tuệ thông minh có thể thọ trì các nghĩa văn giáo huấn tôn quý của đấng Mâu-ni nhưng do câu nệ sự nghiệp nên chưa được bất thối.

Người có trí tuệ kém cỏi, nghe danh, nghĩa trong pháp đối trị quá phức tạp như rừng rậm, rồi sinh ra nỗi sợ hãi. Nhưng người ấy thường có tâm tìm tòi, hiểu biết rõ ràng.

Vì muốn cho người đó đối với vị trí sâu thẳm trong biển pháp tướng của A-tỳ-đạt-ma, được vui thích dễ vào, nên tôi soạn luận này.

Nói là Tông Thiện Thệ có tám cú nghĩa:

  1. Sắc.
  2. Thọ.
  3. Tưởng.
  4. Hành.
  5. Thức.
  6. Hư không.
  7. Trạch diệt.
  8. Phi trạch diệt.

Đây là gồm chung tất cả nghĩa. Sắc có hai thứ: Đại chủng và Sắc được tạo đại chủng có bốn thứ: Đất, nước, lửa, gió. Giới có thể giữ gìn tướng riêng, tướng chung, hoặc các sắc được tạo, nên gọi là giới.

Bốn đại chủng này, như thứ lớp của chúng, lấy chất cứng, ẩm ướt, ấm áp, lay động làm tự tánh, dùng sự gìn giữ, thâu tóm, thành thục, tăng trưởng làm nghiệp. Vì chủng loại to lớn nên gọi là Đại chủng. Do đó hư không chẳng phải thuộc về Đại chủng. Vì có thể sinh ra quả của mình, gọi là nghĩa chủng, vì sắc được tạo ra cùng khắp, nên gọi là Đại. Như vậy đại chủng chỉ có bốn thứ.

Hơn nữa, vì không có công dụng khác, vì không có khả năng kham nhận, như chân giường.

Sắc được tạo ra có mười một thứ:

  1. Mắt.
  2. Tai.
  3. Mũi.
  4. Lưỡi.
  5. Thân.
  6. Sắc.
  7. Âm thanh.
  8. Mùi hương.
  9. Vị.
  10. Một phần xúc.
  11. Sắc Vô biểu.

Vì ở đại chủng có, nên gọi là được tạo ra, tức là nghĩa nương tựa đại chủng để khởi. Mắt trong đây, nghĩa là chỗ nương tựa của nhãn thức, vì việc thấy sắc là dùng tịnh sắc làm thể. Tai, mũi, lưỡi, thân y theo đây nên nói.

Sắc có hai thứ: Hiển sắc và hình sắc. Như Đức Thế Tôn nói: “Hiển ác thì hình ác”. Hiển sắc ở đây có mười hai thứ: xanh, vàng, đỏ, trắng, khói, bụi, sương mù, ảnh quang, ánh sáng và bóng tối. Hình sắc có tám thứ: Dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, ngay, không ngay.

Sương mù nói ở đây là hơi của đất, nước. Ánh nắng mặt trời gọi là ánh sáng. Mặt trăng, tinh tú, lửa, thuốc, ngọc báu, ánh chớp, v.v… các thứ ánh sáng ấy gọi là sáng. Che khuất ánh nắng mặt trời, ánh sáng sinh ở trong đó. Sắc khác có thể trông thấy, gọi là ảnh. Trái với ảnh này, gọi là bóng tối. Vuông là giới vuông, tròn là vòng tròn, bằng v.v… gọi là ngay, hình không bằng thẳng gọi là không ngay. Vì các màu sắc khác rất dễ hiểu, nên ở đây không giải thích.

Hai mươi hai thứ này đều là cảnh riêng của nhãn thức, và dẫn riêng ý thức để phân biệt cảnh.

Âm thanh có hai thứ: Có chấp thọ và không chấp thọ, Đại chủng làm nhân có khác nhau, nên rơi vào tự thể, gọi là có chấp thọ, là nghĩa có giác biết. Trái với nghĩa này gọi là không chấp thọ. Cái được sinh trước gọi là có chấp thọ. Đại chủng làm nhân, nghĩa là âm thanh của lời nói, tay chân, v.v… Về sau mới sinh gọi là không chấp thọ. Đại chủng làm nhân, nghĩa là âm thanh của gió, rừng cây, v.v…

Ở đây, tiếng hữu tình, tiếng phi hữu tình có bốn loại khác nhau: Tiếng nói trong tiếng trước kia gọi là tiếng hữu tình. Âm thanh khác gọi là tiếng phi hữu tình, tiếng nói nơi lời giáo hóa trong tiếng sau này, được gọi là tiếng hữu tình, tiếng khác gọi là tiếng phi hữu tình.

Trong ấy, lại có tám thứ tiếng vừa ý và không vừa ý. Tám thứ như vậy đều là cảnh riêng của nhĩ thức và ý thức được dẫn kèm để rõ biết.

Mùi hương có ba thứ:

  1. Mùi hương thơm.
  2. Mùi hương hôi.
  3. Mùi hương không thơm không hôi.

Nghĩa là có thể nuôi lớn đại chủng của các căn, gọi là mùi hương thơm, nếu gây nên sự tổn hại đại chủng của các căn gọi là mùi hương hôi. Nếu đều trái với cả hai thứ trên gọi là mùi hương thơm không hôi.

Ba thứ như vậy đều là cảnh phân biệt của tỷ thức và ý thức rõ biết.

Vị có sáu thứ khác nhau: ngọt, chua, mặn, cay, đắng, lạt. Sáu thứ như vậy đều là cảnh phân biệt của thiệt thức và ý thức rõ biết.

Một phần xúc có bảy thứ: tính chất trơn, nhám, nặng, nhẹ và lạnh, đói, khát. Mềm gọi là trơn, là nghĩa của ý xúc. Thô cứng gọi là nhám. Có thể cân đo gọi là nặng, trái lại là nhẹ. Do bị ép ngặt muốn ấm gọi là lạnh. Nhân muốn ăn gọi là đói, nhân muốn uống gọi là khát, những thứ này đều từ nhân mà đặt tên quả, nên nói như thế. Như nói: v.v… “Chư Phật xuất hiện v.v…”.

Vì nước, lửa trong nhóm đại chủng tăng nên có tánh trơn. Vì đất, gió tăng nên có tánh nhám. Vì đất nước tăng nên có tánh nặng. Vì lửa, gió tăng nên có tánh nhẹ. Vì nước, gió tăng nên có tánh lạnh. Vì gió tăng nên có cảm giác đói. Vì lửa tăng nên có cảm giác khát.

Sắc Vô biểu: Nghĩa là vì có thể tự biểu lộ sự chuyển biến khác nhau của các tâm, tâm sở, nên gọi là biểu. Vì đồng loại với sự chuyển biến của tâm, tâm sở kia mà không thể biểu hiện, nên gọi là vô biểu. Đấy là do ở sự giống nhau nên lập ra giới hạn, như đối với Sát-đế-lợi v.v… nói là không phải Bà-la-môn, v.v…

Tướng vô biểu: Nghĩa là do tâm biểu lộ sự khác nhau của đại chủng. Vào lúc ngủ, thức, tâm tán loạn, hay không tán loạn, và ở phần vị vô tâm có sắc thiện, bất thiện, chuyển biến nối tiếp nhau, không thể chất chứa, là có thể kiến lập nhân của Bí-sô, v.v… là tướng vô biểu. Nếu không có tướng vô biểu này, thì không nên kiến lập có Bí-sô, v.v… như Đức Thế Tôn nói: “Dựa vào nghiệp phước mà phước thường hằng kia tăng trưởng”. Như vậy, vô biểu gồm có ba thứ: luật nghi, bất luật nghi, đều thuộc về trái nhau.

Luật nghi có ba thứ: Biệt giải thoát, tĩnh lự và luật nghi vô lậu.

Luật nghi biệt giải thoát lại có tám thứ:

  1. Luật nghi Bí-sô.
  2. Luật nghi Bí-sô-ni.
  3. Luật nghi cần sách (Sa-di).
  4. Luật nghi Chánh học.
  5. Luật nghi Cần sách nữ (Sa-di-ni).
  6. Luật nghi Cận sự nam.
  7. Luật nghi Cận sự nữ.
  8. Luật nghi cận trụ.

Tám thứ như vậy chỉ thuộc cõi Dục. Luật nghi Tĩnh lự, nghĩa là Tam-ma-địa của cõi Sắc, chuyển biến theo sắc. Luật nghi này chỉ thuộc cõi Sắc.

Luật nghi vô lậu, nghĩa là Tam-ma-địa vô lậu chuyển biến theo sắc, luật nghi này không lệ thuộc ba cõi.

Bất luật nghi, nghĩa là kẻ giết mổ thợ săn, bắt chim cá, trộm cướp, giữ ngục, trói rồng, nấu chó, đặt bẫy, làm nem thịt thái. Vô biểu sắc bất thiện trong các thân này được nối tiếp chuyển biến.

Phi luật nghi, phi bất luật nghi, nghĩa là xây dựng Tỳ-ha-la, Tốtđổ-ba, Tăng-già-la-ma v.v… và lễ tháp miếu, đốt hương, rải hoa, tán, tụng, chú nguyện v.v… đồng thời đánh đập, v.v… khởi ra các thứ vô biểu sắc thiện, bất thiện nối tiếp chuyển biến. Cũng có vô biểu chỉ trong một sát-na. Vì dựa vào chủng loại chung nên nói là nối tiếp nhau.

Luật nghi biệt giải thoát do thệ nguyện lãnh thọ bảy luật nghi trước, cho đến khi qua đời, thọ luật nghi thứ tám trong một ngày, đêm, lại xả bảy thứ luật nghi trước do bốn duyên:

  1. Vì xả giới mình đã học.
  2. Vì qua đời.
  3. Vì đoạn căn thiện.
  4. Vì sinh hai hình.

Luật nghi thứ tám, tức do bốn duyên trước và xả do đêm đã tàn mà xả.

Luật nghi tĩnh lự do được tâm thiện cõi Sắc nên được. Vì bỏ tâm thiện cõi Sắc nên xả. Vì thuộc về tâm người kia, nên luật nghi vô lậu được xả cũng vậy. Vì tùy tâm vô lậu mà được xả, được bất luật nghi do tạo ra và lãnh thọ.

Do bốn duyên nên xả bất luật nghi:

  1. Vì thọ luật nghi.
  2. Vì qua đời.
  3. Vì sinh hai hình.
  4. Pháp như thế mà được.

Vô biểu trong xứ tâm thiện của cõi Sắc, hoặc vì làm ra mà được, là tâm tịnh ân cần, phiền não mạnh mẽ, nhạy bén, lễ tán tháp miếu và đánh đập, v.v… Hoặc vì lãnh thọ mà được, nghĩa là nghĩ rằng: “Nếu không được Đức Phật tạo ra Mạn-đồ-la thì trọn sẽ không ăn trước”. Lời nguyện ấy hoặc do xả mà được, nghĩa là xây cất chùa, tăng xá, tọa cụ, vườn rừng, bố thí cho Bí-sô, v.v… Xả vô biểu này là do tâm cùng khởi và việc đã làm vì đều có tâm dứt trừ.

Vô biểu như vậy và như trước đã nói năm căn như nhãn, v.v… chỉ là cảnh của ý thức đã biệt rõ. Ngang đây được gọi là nghĩa câu sắc ban đầu, nhưng các pháp tướng tóm tắt có ba thứ:

  1. Tự cộng tướng.
  2. Phần cộng tướng.
  3. Biến cộng tướng

Tự cộng tướng: Nghĩa là như vì biến đổi, hư hoại, hoặc bị đổi thay, trở ngại, nên nói tên là sắc. Như vậy, tức là nói nghĩa có thể gây khổ não, hư hoại. Như đấng Pháp Vương nói: “Bí-sô nên biết! Do sự đổi thay, hư hoại, nên gọi là sắc thủ uẩn”.

Cái gì có thể đổi thay, hư hoại ? Là vì tay tiếp xúc, tức là sự đổi thay hư hoại, cho đến nói rộng. Như vì có thể đi nhanh, nên gọi là ngựa.

Vì có thể đi chậm, nên nói là bò, v.v…

Phần cộng tướng: Nghĩa là như tánh phi thường và tánh khổ v.v…

Biến cộng tướng: Như tánh phi ngã và tánh không, v.v… Do khuôn khổ này đối với tất cả pháp, nên biết là ba tướng.

Nghĩa câu Thọ: Nghĩa là ba thứ nhận lãnh:

  1. Vui.
  2. Khổ.
  3. Không khổ không vui.

Đây tức là sự nhận lãnh ba thứ nghĩa tùy theo sự tiếp xúc, từ sự xúc chạm sinh ra ưa thích, không ưa thích hoặc không phải cả hai. Vì phần vị của thân tâm, sinh ra hai sự tiếp xúc khác nhau, mà đối với cảnh sinh ra vui, buồn, không phải cả hai làm tướng hay làm nhân cho ai, nên gọi là thọ. Như Đức Thế Tôn nói: “Xúc duyên thọ, thọ duyên ái”.

Thọ này lại tùy theo sự khác nhau của thức mà có sáu như nhãn tiếp xúc phát sinh thọ, cho đến ý tiếp xúc sinh ra thọ. Năm thức đều sinh gọi là thân thọ. Ý thức đều sinh gọi là tâm thọ.

Do căn khác nhau nên kiến lập năm thứ: Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn. Các thân thọ nhận sự vui vẻ và tâm tĩnh lự thứ ba. Thọ nhận sự vui vẻ gọi là lạc căn. Sự vui vẻ là thuộc về nghĩa lợi ích.

Các thân nhận sự không vui, gọi là khổ căn. Sự không vui là nghĩa tổn não, trừ tĩnh lự thứ ba. Tâm khác nhận niềm vui, gọi là hỷ căn. Các tâm nhận sự không vui gọi là ưu căn. Các thân và tâm nhận không phải vui, không phải chẳng vui, gọi là xả căn. Phân biệt rộng về căn này, như chỗ nói về căn v.v…

Tưởng nghĩa câu, nghĩa là có thể đã hợp danh nghĩa của tướng để hiểu, tức là đối với các màu sắc xanh, vàng, dài, ngắn.v.v.. tiếng ốc, tiếng trống v.v… mùi hương trầm, xạ hương v.v.. vị mặn, đắng v.v.. sự tiếp xúc vật cứng, mềm v.v… pháp tướng của nam, nữ v.v.. gọi là trong nghĩa giả hợp mà hiểu.

Vì là nhân của tâm, tứ nên gọi là tưởng, tưởng này tùy theo thức có sáu thứ riêng như thọ.

Sự khác nhau lớn nhỏ của vô lượng có ba thứ: nghĩa là vì duyên cảnh ít, nên gọi là tưởng nhỏ. Vì duyên các cảnh pháp lớn, mầu nhiệm, cao siêu, v.v… nên gọi là tưởng lớn. Tùy theo không vô biên xứ, v.v… gọi là tưởng vô lượng, hoặc tùy theo ba cõi mà đặt ba tên này.

Hành có hai thứ: Hành tương ưng và hành bất tương ưng.

Hành tương ưng nghĩa là tư, xúc, dục, tác ý, thắng giải, niệm, định, tuệ, tầm, tứ, tín, tinh tiến, tàm, quý, , khinh an, bất hại, xả, hận, yểm, bất tín, biếng nhác, không buông lung, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, kiết, phược, tùy miên, tùy phiền não, triền, lậu, ách, bộc lưu, thủ, thân hệ cái (cái lệ thuộc thân) và trí nhẫn, v.v… Các pháp tâm sở này đều đối với tâm có đủ năm nghĩa: Chỗ dựa, đối tượng duyên, hành tướng, thời gian và sự… nên gọi là tương ưng. Trái với tương ưng này, gọi là bất tương ưng, nghĩa là đắc, phi đắc, định Vô tưởng, định Diệt tận, Vô tưởng sự, mạng căn, chúng đồng phần, sinh, trụ, già, vô thường, danh thân, cú thân, văn thân…

Như vậy, hành tương ưng, bất tương ưng, gọi chung là hành uẩn. Vì vậy, nên đấng Đại Tiên nói: “Hành uẩn như thân cây chuối”.

Tư, là có thể khiến tâm tạo tác, tức là ý nghiệp, cũng là nghĩa làm cho tâm vận động, vì tư này khác với thiện, bất thiện, vô ký, có ba thứ khác nhau.

Xúc là căn, cảnh, thức hòa hợp phát sinh khiến tâm tiếp xúc với cảnh, lấy khả năng nuôi sống tâm làm tướng, có ba thứ thuận lạc thọ v.v… khác nhau.

Dục, nghĩa là mong cầu, làm sự nghiệp thuận theo, tinh tiến, có nghĩa là ta phải làm sự nghiệp như thế.

Tác ý, nghĩa là có thể khiến tâm cảnh giác, tức là nghĩa dẫn tâm hướng đến cảnh, cũng là sự ghi nhớ, gìn giữ, đã từng là cảnh của thọ v.v… Cảnh này có ba thứ: Là học, vô học, phi học phi vô học. Tác ý vô lậu trong bảy thân hữu học, gọi là Học. Tác ý vô lậu trong thân A-lahán, gọi là Vô học. Tác ý tất cả hữu lậu đều gọi là Phi học phi vô học.

Thắng giải, nghĩa là có thể chấp nhận đối với cảnh, tức là nghĩa có thể giúp cho tâm không khiếp sợ, yếu đuối đối với cảnh sở duyên.

Niệm: Khiến tâm ghi nhớ rõ cảnh tượng, tức là không quên, nghĩa là đã tạo ra các sự nghiệp chánh đáng.

Định: Khiến tâm chuyên chú một cảnh, tức là chế ngự tâm như vượn, khỉ, chỉ có nghĩa chuyển ở một cảnh. Phái Tỳ-bà-sa nói như vầy: “Như con rắn ở trong ống, di chuyển không cong. Nếu tâm ở trong định, sẽ chuyển ngay thẳng”.

Tuệ: Đối với pháp hay chọn lựa, tức là tương ưng với sự thâu nhận, thành tựu các quả nhân duyên. Trong tám thứ pháp tự tướng, cộng tướng, tùy theo ở sự thích hợp mà lấy sự quán sát làm nghĩa.

Tầm: Nghĩa là đối với cảnh, khiến tâm thô tháo làm tướng, cũng gọi là sự phân biệt tư duy thuộc về gió tưởng, chuyển biến thô động, pháp này chính là nhân chuyển biến của năm thức.

Tứ: Nghĩa là đối với cảnh, khiến tâm nhỏ nhặt làm tướng. Pháp này chính là nhân thuận theo ý thức chuyển biến ở cảnh.

Tín là khiến tâm lắng sạch đối với cảnh, tức đối với tướng nhân quả của Tam bảo thuộc về sự chấp nhận hiện tiền trong tánh có, v.v… nên gọi là tín. Điều này có thể loại trừ pháp cấu uế của tâm, như bỏ phèn lóng xuống ao, sẽ làm cho nước đục nhơ trở thành lắng trong. Cũng vậy bỏ phèn tín vào ao tâm, mọi thứ nhơ đục của tâm đều được loại bỏ ngay.

Tin Phật chứng Bồ-đề, tin Pháp thì khéo nói, tin tăng có đủ diệu hạnh. Cũng tin tưởng hết thảy ngoại đạo đều bị mê mờ. Pháp tánh duyên khởi là sự nghiệp của niềm tin.

Tinh tiến, nghĩa là đối với pháp thiện, bất thiện, lấy sự mạnh mẽ vượt lên trong sự sinh diệt làm tánh, tức là kẻ đang chìm đắm trong vũng bùn sinh, tử thì dốc tâm, cố sức sao cho mình nhanh chóng được ra khỏi.

Tàm, nghĩa là thuận theo pháp bạch của chánh lý, tăng thượng mà nảy sinh tánh tự tại của tâm đẳng lưu trái với ái. Do uy lực này, đối với các công đức và người có đức độ, cung kính mà trụ.

Quý, nghĩa là tu tập công đức làm trước nhất, trái với đẳng lưu si, quở trách pháp yếu kém. Do uy lực này nên sợ tội lỗi.

Không buông lung nghĩa là tu các pháp thiện. Trái với hại, buông lung, gìn giữ tâm tánh. Tâm tánh kham nhận gọi là khinh an. Trái với hại, hôn trầm, thuận theo pháp thiện. Tâm tánh thiện vững chắc, gọi là không hại. Do uy lực này, nên không gây tổn não cho người khác. Hay trái với việc ưa làm tổn hại người khác, tâm tánh bình đẳng, gọi là xả. Vì xả bỏ phi lý và hướng đến chân lý. Do uy lực này khiến tâm đối với chánh lý và phi lý, không hướng, không bỏ, bình đẳng mà trụ, như cầm cán cân.

Hận: Là vui thích ở phẩm Hoàn diệt, thấy công đức rồi khiến tâm hân hoan, mến mộ, thuận theo tu thiện, vì có tâm này nên sự ưa thích Niết bàn tương ưng với tâm này, gọi là Hận tác ý.

Yểm: Nghĩa là nhàm chán các thứ tai hại đối với phẩm lưu chuyển. Thấy lỗi lầm rồi, khiến tâm chán lìa, thuận theo lìa nhiễm. Vì nhờ có tâm này, nên nhàm chán sinh tử xấu ác, tương ưng với tâm ấy, gọi là Yểm tác ý.

Tâm không lắng sạch, gọi là Bất tín, như trước đã nói, là trái với tín.

Tâm không mạnh mẽ, gọi là biếng nhác, trái với tinh tiến đã nói ở trước.

Không tu pháp thiện, gọi là buông lung, trái với tánh không buông lung đã nói ở trước, tức là nghĩa không thể gìn giữ tâm.

Ba thứ như bất tín v.v… đã nói, như vậy không lập tùy miên và triền cấu, vì lỗi lầm nhẹ, vì dễ trừ bỏ.

Căn thiện có ba thứ: Vô tham là trái với pháp tham, vô sân là trái với pháp sân, vô si là trái với pháp si, tức là lấy trí tuệ làm tự tánh như trước đã nói.

Ba pháp này là tự tánh của thiện, cũng có thể là cội rễ sinh ra pháp thiện khác, nên gọi là căn thiện. Nghĩa yên ổn là nghĩa thiện, vì có thể dẫn đến thân sau khả ái và mầm mống của sự giải thoát, hoặc là đã tập học, trở thành nghĩa phương tiện khéo léo, là nghĩa thiện. Do pháp thiện này có thể làm xong hình tượng của sắc mầu nhiệm. Như họa sĩ tô màu bức tranh vẽ, tạo ra ra bức tượng với màu sắc tươi đẹp, thế gian đều khen là khéo léo.

Căn bất thiện có ba thứ, tức là ba thứ tham, sân, si mà ở trước đối trị. Tham là năm bộ tham cõi Dục. Sân là năm bộ sân. Si là ba mươi bốn vô minh của cõi Dục, trừ hữu thân kiến và vô minh tương ưng với biên chấp kiến.

Ba pháp như vậy là tự tánh của bất thiện, cũng có thể là cội rễ nảy sinh các bất thiện khác, gọi là căn bất thiện. Nghĩa không yên ổn, là nghĩa bất thiện, vì có thể dẫn đến phi ái, mầm mống của các hữu. Hoặc chưa tập học, không phải là nghĩa phương tiện khéo léo, đó là nghĩa bất thiện. Do bất thiện này có thể phân biệt sắc tượng xấu, như họa sĩ tạo ra bức tranh không đẹp, nên gọi là không thiện.

Căn vô ký có bốn thứ: Ái, kiến, mạn, vô minh.

Ái: Cõi Sắc, Vô Sắc đều có năm bộ tham.

Kiến: Cõi Sắc, Vô Sắc đều có mười hai kiến và cõi Dục hữu thân kiến, biên chấp kiến.

Mạn: Cõi Sắc, Vô Sắc đều có năm bộ mạn.

Vô minh: Tất cả vô minh của cõi Sắc, cõi Vô Sắc và cõi Dục, có thân kiến và biên chấp kiến tương ưng với vô minh.

Bốn căn vô ký này là tự mình đã thừa nhận.

Người tu tĩnh lự vì có ba hạng khác nhau:

  1. Hạng người yêu thích tĩnh lự cõi trên.
  2. Hạng người đã thấy tĩnh lự cõi trên.
  3. Hạng người kiêu mạn đối với tĩnh lự cõi trên.

Ba hạng người này đều do năng lực vô minh khởi lên. Phái Tỳ-bàsa lập căn vô ký chỉ có ba thứ: Vô ký ái, vô minh, tuệ. Sự nghi ngờ trụ không vững chắc, tánh khinh mạn, tự cao, vì không phải pháp căn, nên đối với nghĩa thiện, bất thiện đều không ghi nhận, nên gọi là vô ký.

Lại vì không thể ghi nhớ của ái, phi ái, nên gọi là vô ký, vì không thể chiêu cảm quả dị thục. Tánh vô ký này cũng có thể sinh ra pháp nhiễm vô ký khác, hoặc các pháp vô ký, nên gọi là căn vô ký

Kiết có chín thứ: Kiết ái, kiết sân, kiết mạn, kiết vô minh, kiết kiến, kiết thủ, kiết nghi, kiết san và kiết tật.

Kiết ái, nghĩa là sự tham của ba cõi là tướng đắm nhiễm như keo sơn nên gọi là ái. Vì ái chính là kiết, nên gọi là kiết ái.

Kiết sân, nghĩa là năm bộ sân. Đối với niềm vui của hữu tình v.v… bị tổn hại, với tướng không lợi ích, như hạt giống cay đắng, cho nên gọi là sân. Vì sân chính là kiết, nên gọi là kiết sân.

Kiết mạn, nghĩa là sự kiêu mạn của ba cõi. Vì mình khác với đức độ của người khác, nên sinh tâm khinh rẻ, ý đây gọi là mạn, như kẻ kiêu ngạo, lấn át, khinh miệt người khác. Mạn này lại có bảy thứ:

  1. Mạn.
  2. Quá mạn.
  3. Mạn quá mạn.
  4. Ngã mạn.
  5. Tăng thượng mạn.
  6. Ty mạn.
  7. Tà mạn.

Nghĩa là nhân những việc về dòng họ, tài sản, địa vị, sắc lực, giữ giới, học rộng, nghề nghiệp, nên đối với người yếu kém thì cho là mình hơn, hoặc đối với kẻ ngang bằng mình thì cho mình là ngang bằng. Do quan niệm này, nên làm cho tâm cao cử, gọi là mạn.

Nếu đối với người ngang bằng với mình mà cho là mình hơn, hoặc đối với những kẻ giỏi hơn mình, mình lại cho là bằng họ. Do quan niệm này khiến tâm cao cử gọi là Quá mạn. Nếu đối với người hơn mình mà cho là mình hơn. Do ý nghĩ này nên làm cho tâm tự cao, cử gọi là Mạn quá mạn.

Nếu đối với năm thủ uẩn chấp ngã và ngã sở, do sự chấp này khiến tâm cao cử gọi là ngã mạn.

Nếu chưa chứng được các đức thù thắng trong quả Dự-lưu mà cho mình đã chứng được, do đó khiến cho tâm cao cử gọi là tăng thượng mạn.

Nếu cho mình là phần tử kém cỏi trong phần đông dòng họ đều vượt hơn, do đó đã khiến tâm cao cử gọi là Ty mạn.

Nếu thật sự không có đức mà cho mình có đức, do đấy khiến tâm cao cử gọi là tà mạn.

Bảy sự khinh mạn như thế, gọi chung là kiết mạn

Kiết vô minh: Nghĩa là ba cõi không biết, lấy sự không hiểu rõ làm tướng, như kẻ đui mù. Vì trái với ánh sáng, nên gọi là vô minh.

Lời ngăn cấm này là dựa vào nghĩa đối trị, như không phải bạn thân, lời nói không thật v.v…, tức là nói kẻ thù, lời nói dối trá, v.v…Vì vô minh tức là kiết, nên gọi là kiết vô minh.

Kiết kiến: Là ba kiến, tức hữu thân kiến, biên chấp kiến và tà kiến.

Không có ngã, ngã sở trong năm thủ uẩn mà chấp là thật có tướng của ngã, ngã sở, tuệ nhiễm ô này gọi là hữu thân kiến. Vì thân là nghĩa nhóm họp, vì có mà là thân, nên gọi là hữu thân, tức năm thủ uẩn. Ở ngay thân này khởi lên kiến chấp, gọi là hữu thân kiến, tức năm thủ uẩn không phải đoạn, không phải thường, qua đó lại chấp có hai tướng đoạn, thường. Tuệ nhiễm ô này gọi là biên chấp kiến, vì chấp cả hai bên.

Nếu quyết định chấp không có nghiệp, không có quả của nghiệp, không có sự giải thoát, không có ai được đạo giải thoát, bác bỏ không có sự thật thì tuệ nhiễm ô này gọi là tà kiến. Ba kiến như vậy gọi là kiết kiến.

Kiết thủ, nghĩa là hai thủ, tức kiến thủ, giới cấm thủ. Nghĩa là ba kiến trước và năm thủ uẩn. Thật sự không phải là mình hơn mà chấp cho là hơn. Tuệ nhiễm ô này gọi là kiến thủ, thủ là nghĩa tìm tòi và chấp khư khư.

Giới: Xa lìa các thứ phá giới cấm ác, nghĩa là thọ trì các giới của quạ, gà, nai, chó, hoặc lõa thể, nhổ tóc, bỏ ăn, nằm trên tro. Hoặc vọng chấp sinh phước, diệt tội, hoặc thường tắm gội dưới ao. Hoặc ăn rễ, trái cây, cỏ, rau cải, vật thuốc để tự nuôi sống. Hoặc bôi tro vào mình, để búi tóc trên đầu v.v… đều gọi là cấm. Cả hai thứ này đều không phải là đạo thanh tịnh mà vọng chấp là đạo thanh tịnh. Tuệ nhiễm ô này gọi là giới cấm thủ. Các Bà-la-môn có người học rộng, phần đông chấp pháp này cho là đạo tịnh mà họ không thể rốt ráo thanh tịnh. Hai thủ như vậy, gọi là kiết thủ.

Kiết nghi: Khiến tâm do dự đối với bốn Thánh đế, như đến khoảng đường rẽ, thấy một người đang bó cỏ một cách rụt rè không quyết định.

Như vậy, vì đối với khổ, tâm sinh ra do dự, không biết là phải hay quấy, cho đến nói rộng. Vì nghi tức là kiết, nên gọi là kiết nghi.

Kiết tật: Thấy người khác hơn mình khiến tâm bất nhẫn, cho là đối với người khác được sự cung kính, cúng dường, tài sản, địa vị, sự học rộng và pháp vượt hơn khác, nảy sinh lòng ganh ghét không nhịn. vì sự ganh tị tức là kiết, nên gọi là kiết tật.

Kiết san: Nghĩa là đối với tài pháp của mình, khiến tâm bỏn sẻn, luyến tiếc, cho vật của ta, đừng đến với người, vì sự keo kiệt tức là kiết, nên gọi là kiết san.

Nghĩa kiết là nghĩa ràng buộc. Như Đức Thế Tôn nói: “Không phải mắt buộc lấy sắc, không phải sắc buộc lấy mắt. Trong việc này, lòng tham dục được gọi là kiết. Như không phải trâu đen buộc với trâu trắng, cũng không phải trâu trắng buộc với trâu đen, cho đến nói rộng”.

Kiết đã nói ở trước cũng tức là sự ràng buộc, vì chính nghĩa kiết là nghĩa buộc ràng. Tuy nhiên trong khế kinh lại nói có ba sự trói buộc:

Tham trói buộc: Nghĩa là tất cả tham, như nói về tướng của kiết ái.

Sự giận dữ trói buộc: Tất cả giận, như nói về tướng của kiết giận.

Sự ngu si trói buộc: Nghĩa là tất cả sự ngu si, như nói về tướng của kiết vô minh

Tùy miên có bảy thứ:

  1. Dục tham.
  2. Sân.
  3. Hữu tham.
  4. Mạn.
  5. Vô minh.
  6. Kiến.
  7. Nghi.

Về tướng riêng của bảy tùy miên này đã nói trong kiết. Nhưng nên dựa vào bộ riêng biệt của hành tướng giới.

Sự phân biệt bảy thứ tùy miên như vậy, nghĩa là vì tham các dục, nên gọi là dục tham. Vì dục tham này tức là tùy miên, nên gọi là tùy miên dục tham. Tùy miên dục tham này chỉ có năm bộ cõi Dục có năm thứ, đều gọi là kiến khổ dứt trừ, cho đến tu đạo dứt trừ.

Tùy miên sân cũng chỉ có năm bộ của cõi Dục là năm thứ. Hữu tham tùy miên chỉ có cõi Sắc, Vô Sắc, mỗi cõi đều có năm bộ là mười thứ. Vì sự chuyển biến bên trong, vì ngăn che tưởng giải thoát của tĩnh lự Vô Sắc, nên tham của hai cõi là hữu tham.

Tùy miên mạn chung có ở cả ba cõi, mỗi cõi có năm bộ thành mười lăm thứ, tùy miên vô minh cũng vậy.

Tùy miên kiến có ở cả ba cõi, mỗi cõi có mười hai thứ thành ra ba mươi sáu thứ. Nghĩa là cõi Dục kiến khổ dứt trừ, đủ năm kiến, kiến tập, diệt dứt trừ chỉ có hai là tà kiến và kiến thủ. Kiến đạo dứt trừ chỉ có ba thứ là tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tổng cộng là mười hai thứ. Hai cõi trên cũng vậy là ba mươi sáu thứ.

Tùy miên nghi chung có ở cõi ba cõi, mỗi cõi đều có bốn bộ, thành mười hai thứ, là kiến khổ, tập, diệt, đạo dứt trừ. Dục tham trong đây và tùy miên sân chỉ có bộ riêng, không có hành tướng riêng của cõi.

Tùy miên hữu tham, nghi, mạn, vô minh có giới, bộ riêng, không có hành tướng riêng, tùy miên kiến có đủ bộ, hành tướng, giới riêng.

Hành tướng riêng nghĩa là ngã và ngã sở.

Sự chuyển biến của hành tướng, nghĩa là hữu thân kiến. Sự chuyển biến của hành tướng đoạn, thường gọi là biên chấp kiến, không có hành tướng chuyển biến, gọi là Tà kiến.

Hành tướng chuyển biến vượt hơn, gọi là kiến thủ, chuyển biến của hành tướng tịnh, gọi là giới cấm thủ.

Nghĩa vi tế là nghĩa tùy miên, vì lúc nó hiện khởi rất khó hay biết. Hoặc theo nghĩa trói buộc là nghĩa tùy miên, tức là tùy theo sự tiếp nối nhau của thân tâm mà chuyển biến. Như người đi trên hư không, bóng của họ sẽ đi theo dưới nước. Hoặc nghĩa theo đuổi là nghĩa tùy miên, như dầu trong hạt vừng, chất nhờn trong nắm tay.

Hoặc nghĩa tùy tăng là nghĩa tùy miên. Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, vì tương ưng với đối tượng duyên mà tùy tăng. Nói tùy tăng, có nghĩa tùy theo đối tượng duyên và môn tương ưng mà tăng trưởng.

Bảy thứ tùy miên như vậy đều do sự khác nhau của bộ, của hành tướng giới, nên thành chín mươi tám tùy miên. Nghĩa là cõi Dục kiến khổ dứt trừ mười tùy miên, tức hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, tham, sân, mạn, vô minh.

Kiến tập dứt trừ có bảy tùy miên, trừ hữu thân kiến, biên chấp kiến, giới cấm thủ, trong mười tùy miên trước, kiến diệt dứt trừ có bảy tùy miên cũng vậy.

Kiến đạo dứt trừ có tám tùy miên, nghĩa là tức bảy tùy miên ở trước cộng thêm giới cấm thủ.

Tu dứt trừ có bốn tùy miên, đó là tham, sân, mạn, vô minh.

Như vậy, ở cõi Dục có ba mươi sáu tùy miên, cõi Sắc có ba mươi

mốt tùy miên. Nghĩa là trừ năm bộ sân trong ba mươi sáu tùy miên của cõi Dục. Cõi Vô Sắc cũng vậy, nên có chín mươi tám tùy miên, trong đó tám mươi tám thứ do kiến dứt trừ, mười thứ do tu dứt trừ.

Có ba mươi ba tùy miên là biến hành. Nghĩa là các kiến nghi do Kiến khổ, tập dứt trừ trong mỗi giới, và vô minh bất cộng tương ưng với tùy miên đó. Số tùy miên còn lại đều không phải là biến hành.

Mười tám tùy miên là duyên vô lậu. Nghĩa là mỗi giới, kiến diệt, đạo dứt trừ tà kiến, nghi và vô minh bất cộng tương ưng với nó. Vì mười tám thứ này duyên diệt, đạo, nên gọi là duyên vô lậu, ngoài ra đều duyên hữu lậu.

Duyên hữu lậu trong đây, nghĩa là do tương ưng với đối tượng duyên cho nên tùy tăng.

Duyên vô lậu chỉ ở nhóm mình, vì tương ưng, nên tùy tăng. Có chín thứ là duyên vô vi, nghĩa là trong mỗi cõi, kiến diệt dứt trừ tà kiến nghi và vô minh bất cộng tương ưng với nó.

Vì duyên diệt đế, nên gọi là duyên vô vi. Ngoài ra, đều là duyên hữu vi.

Mười thứ tùy miên theo thứ lớp sinh ra, nghĩa là trước đây do vô minh nên không hiểu rõ đế lý. Nghĩa là đối với khổ không ham muốn, cho đến đối với Đạo cũng không mong muốn. Vì không hiểu nên sinh nghi ngờ. Nghĩa là vừa nghe hai phẩm tà, chánh là ôm lòng nghi, do dự là khổ hay không phải khổ, cho đến là đạo hay không phải đạo. Từ sự do dự này dẫn sinh tà kiến, nghĩa là gặp phải bạn ác, do nghe, nghĩ quấy, nên sinh ra quyết định tà, không có bố thí, không có ưa thích, không có cúng tế, cho đến nói rộng. Từ tà kiến này sinh ra hữu thân kiến, đó là bác bỏ không có lý khổ trong thủ uẩn, rồi chấp là có ngã, hoặc có ngã sở. Từ thân kiến, biên chấp kiến sinh ra, nghĩa là chấp ngã có đoạn, có thường biên. Từ biên chấp kiến, giới cấm thủ nảy sinh, cho là lối chấp một bên này là năng tịnh.

Từ giới cấm thủ nảy sinh kiến thủ, cho là năng tịnh, vì là hơn hết. Từ kiến thủ kế dẫn sinh tham, cho là vì đó sinh ra yêu tiếc sâu nặng trong kiến chấp của mình. Từ lòng tham này, kế là dẫn sinh ra mạn. Nghĩa là yêu đắm trong kiến chấp sâu đậm của mình rồi, tỏ thái độ ỷ thị, tự cao, lấn hiếp người khác. Từ mạn này sau đó dẫn sinh nóng giận. Nghĩa là cậy vào kiến chấp của mình, lòng không thể chịu được cho nên ganh ghét. Hoặc trong phần vị thủ, xả kiến chấp của mình mà khởi ra ganh ghét, nên mười thứ tùy miên theo thứ lớp như vậy.

Do ba nhân duyên mà khởi các phiền não:

  1. Vì chưa dứt trừ tùy miên.
  2. Vì tác ý phi lý.
  3. Vì cảnh giới hiện ở trước.

Do ba sức của cảnh giới gia hạnh mà phiền não biểu hiện ở trước, đó là nói đủ. Nghĩa là cũng có trường hợp chỉ dựa vào sức của cảnh giới mà khởi phiền não rối loạn, gây nên nỗi bứt rứt thân tâm liên tục, nên gọi là phiền não, phiền não tức tùy miên.

Tùy phiền não: Chính các phiền não cũng gọi là tùy phiền não, lại còn có tùy phiền não, nghĩa là tâm sở nhiễm ô thuộc về tất cả hành uẩn khác, cùng với các phiền não đều thuộc về uẩn.

Ở đây là thế nào? Nghĩa là đã có vô lượng thứ, như: Cuống, kiêu, hại, não, hận, siểm v.v… như Thánh giáo nói: “Cuống là mê hoặc người”.

Kiêu là đắm nhiễm tất cả sắc lực của tự thân nên về dòng họ tịnh giới, học rộng, biện tài, khôn khéo của mình rồi, khiến tâm kiêu ngạo, buông lung bất kể người khác.

Hại: Làm bức bách người khác. Do đó có những hành động đánh, mắng v.v…

Não: Chấp chặt mọi việc có tội, do đó không chịu nghe lời can ngăn đúng.

Hận: Trong việc mình duyên, sinh ra tức giận, thường tầm, tứ, kết oán không bỏ.

Siểm: Nghĩa là tâm cong vạy.

Sáu thứ như vậy đều sinh ra từ phiền não với tướng cấu uế, thô bỉ, gọi là phiền não cấu. Trong sáu thứ phiền não cấu uế này, hai thứ cuống, kiêu là đẳng lưu của tham, v.v… vì thuộc loại tham. Hai thứ hại và hận là đẳng lưu của sân, vì thuộc loại sân.

Vết nhơ của não, tức là đẳng lưu kiến thủ. Vì chấp kiến thức của mình là hơn người nên gây não loạn mình và người.

Vết nhơ của siểm là đẳng lưu của các kiến, vì các kiến gia tăng là đa số dua nịnh, như nói: “Sự dua nịnh tà vạy là các ác kiến”.

Những vết nhơ này và triền, các nhiễm ô khác thuộc về hành uẩn. Các tâm sở pháp vì từ phiền não sinh, nên gọi là tùy phiền não.

Triền có mười thứ: Hôn trầm, thùy miên, trạo cử, ác tác, tật, san, vô tàm, vô quý, phẫn, phú. Thân, tâm nối tiếp nhau, không có tính chất kham nhậm, gọi là hôn trầm. Nghĩa là mờ tối nặng nề, không thể gánh vác được việc gì. Thân tâm nối tiếp nhau làm cho tâm tối tăm, yếu ớt, gọi là thùy miên. Sự thùy miên này được gọi là triền, vì chỉ dựa vào sự nhiễm ô.

Trạo cử: Khiến tâm không vắng lặng, của nó là ác tác, gọi là ác tác. Có tâm sở riêng duyên ác nảy sinh, đặt tên là ác tác. Nghĩa là ăn năn, thể của quả giả đặt tên nhân. Như duyên với hư không, gọi là duyên không, bất tịnh gọi là bất tịnh.

Thế gian cũng lấy xứ sở để nói: “Dựa nơi xứ, như nói: Tất cả thôn, ấp, đến v.v…”. Ở đây được đặt tên triền, cũng chỉ dựa vào nhiễm mà có hai tướng là tật và san, như đã nói qua trong kiết.

Đối với các công đức và người có đức, khiến tâm không cung kính, gọi là vô tàm (không hổ), tức là pháp trái lại với cung kính.

Không hề cảm thấy sợ hãi đối với các tội, gọi là vô quý (không thẹn) có thể chiêu cảm đường ác, bị người thiện quở trách, gọi là tội.

Trừ sân và hại, đối với tình, phi tình, khiến tâm nổi cơn giận dữ, gọi là phẫn.

Che giấu tội mình, gọi là phú.

Mười điều này ràng buộc thân, tâm nối tiếp nhau, nên gọi là triền.

Hôn trầm, thùy miên, vô quý trong đây là đẳng lưu của vô minh. Ác tác là đẳng lưu nghi. Vô tàm, san, trạo cử đều là đẳng lưu của tham. Tật, phẫn là đẳng lưu của sân. Phú là đẳng lưu của tham và vô minh.

Hành tướng của pháp tâm sở rất nhỏ nhặt. Sự phân biệt của mỗi hành tướng nối tiếp nhau còn khó khăn, huống chi trong một sát-na cùng có, mà người trí rất tinh tế, kín đáo, dựa vào lời Phật đã nói, quán sự khác nhau của quả, biết tánh nó khác, vì các người học mà tuyên nói không điên đảo. Kẻ có trí tuệ yếu kém, các sự chưa chính mình làm việc giải thích không điên đảo về lời Phật nói, nên tâm họ bị mê lầm, rồi bài bác, hoặc nói chỉ có ba thứ, hoặc là hoàn toàn không có.

Lậu có ba thứ: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Phiền não và triền của cõi Dục, trừ vô minh, gọi là dục lậu. Có bốn mươi mốt vật là ba mươi mốt tùy miên và mười triền. Phiền não và triền của cõi Sắc, cõi Vô Sắc, ngoại trừ vô minh, gọi là hữu lậu. Có năm mươi bốn vật là ở cõi trên, mỗi cõi có hai mươi sáu tùy miên và hôn trầm, trạo cử, vì đồng là vô ký, vì chuyển biến bên trong và vì dựa vào địa định.

Hai cõi được lập chung một tên hữu lậu, vô minh ba cõi gọi là Vô minh lậu, có mười lăm vật. Vì vô minh là gốc của các hữu, lập riêng lậu v.v… để lại cho hữu tình trụ ba cõi lâu dài. Vì ngăn trở hướng đến sự giải thoát, nên gọi là lậu. Hoặc làm cho lưu chuyển từ trời Hữu Đảnh đến ngục Vô gián, nên gọi là lậu. Hoặc hữu lậu kia tiếp nối với sáu thứ ung nhọt tiết ra không cùng, nên gọi là lậu.

Bộc lưu có bốn thứ: Dục, hữu, kiến, vô minh. Bộc lưu trừ kiến trong dục lậu, gọi là Dục bộc lưu. Có hai mươi chín vật, trừ kiến trong hữu lậu, gọi là bộc lưu, có ba mươi vật, các kiến của ba cõi, gọi là bộc lưu kiến. Có ba mươi sáu vật, vô minh bất cộng tương ưng với ba cõi, gọi là bộc lưu vô minh. Có mười lăm vật làm trôi nổi, cướp đi sự tốt đẹp của tất cả hữu tình, nên gọi là như thác nước (bộc lưu).

Ách có bốn thứ, như thuyết nói về bộc lưu. Hòa hợp hữu tình, khiến chịu đau khổ ở các đường, các sanh, các địa, nên gọi là ách. Nghĩa là hòa hợp, khiến cảm nhận mọi thứ thọ khổ nhẹ, nặng.

Trang: 1 2