LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 92
GIẢI THÍCH PHẨM TÁM MƯƠI HAI: LÀM THANH TỊNH CÕI PHẬT
KINH: Bấy giờ Tu-bồ-đề suy nghĩ: Thế nào là đạo Bồ-tát? Bồ-tát trú trong đạo ấy như vậy có thể phát đại thệ nguyện trang nghiêm?
Phật biết ý nghĩ của Tu-bồ-đề, bảo Tu-bồ-đề: Sáu Ba-la-mật là đạo Bồ-tát; ba mươi bảy pháp trợ đạo là đạo Bồ-tát; mười tám không là đạo Bồ-tát; tám bội xả, định chín thứ lớp, mười lực của Phật cho đến mười tám pháp không chung là đạo Bồ-tát. Hết thảy pháp cũng là đạo Bồ-tát. Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, có pháp Bồ-tát nào không học mà có thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Này Tu-bồ-đề! Không có pháp nào mà Bồ-tát không nên học. Vì sao? Vì Bồ-tát không học hết thảy pháp thì không được trí Nhất thiết chủng.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp đều không, thì vì sao nói Bồ-tát học hết thảy pháp? Như vậy há ở trong chỗ không có Thế Tôn, không có hý luận mà thành ra có hý luận chăng? Nghĩ rằng hý luận cho là đây, là kia, là pháp thế gian, là pháp xuất thế gian, là pháp hữu lậu, là pháp vô lậu, là pháp hữu vi, là pháp vô vi, là pháp phàm phu, là pháp A-la-hán, là pháp Bích-chi Phật, là pháp Phật.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng vậy, đúng vậy! Hết thảy pháp thật không; nếu hết thảy pháp chẳng không, thì Bồ-tát không thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nay hết thảy pháp thật không, nên Bồ-tát có thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Như lời ông nói, nếu hết thảy pháp không, há không phải ở trong chỗ không có hý luận, Thế Tôn khởi lên hý luận phân biệt có kia có đây, có pháp thế gian, pháp xuất thế gian cho đến pháp Phật. Này Tu-bồ-đề! Nếu chúng sinh biết hết thảy pháp không, thì Bồ-tát không học hết thảy pháp mà được trí Nhất thiết chủng. Nay chúng sinh thật không biết hết thảy pháp không, vì thế nên Bồ-tát được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, phân biệt các pháp, vì chúng sinh mà giảng nói. Này Tu-bồ-đề! Ở trong đạo Bồ-tát ấy, từ khi mới phát tâm lại dây, đối với tính nhất định của hết thảy pháp là không thể có được, chỉ vì nhân duyên hòa hợp khởi lên nên có danh từ các pháp. Ta nên suy nghĩ như vầy: Các pháp thật tính Không dính mắc gì, như tính sáu Ba-la-mật hoặc ba mươi bảy pháp trợ đạo, hoặc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì hết thảy pháp, hết thảy pháp tính Không, không chẳng dính mắc không, không cũng không thể có được, huống gì trong không mà có dính mắc? Bồ-tát suy nghĩ như vậy nên không chấp trước hết thảy pháp mà học hết thảy pháp, ở trong sự học ấy quán tâm hành của chúng sinh, biết tâm ấy hành ở chỗ nào. Biết chúng sinh hành ở trong hư vọng không thật, khi ấy Bồ-tát nghĩ rằng: Chúng sinh ấy chấp trước pháp hư vọng không thật nên dễ độ thoát. Bồ- tát trụ trong Bát-nhã Ba-la-mật, dùng sức phương tiện giáo hóa như vầy: Chúng sinh các ngươi nên hành bố thí, có thể được giàu của cải, cũng chớ ỷ thị quả báo bố thí mà tự cao. Vì sao? Vì trong đó không có pháp gì chắc thật; trì giới, thiền định, trí tuệ cũng như vậy. Chúng sinh hành pháp ấy có thể được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, đạo Bích- chi Phật, Phật đạo; chớ nghĩ rằng có pháp ấy giáo hóa như vậy hành đạo Bồ-tát mà không vướng mắc gì, vì trong ấy không có gì chắc thật. Nếu giáo hóa được như vậy thì gọi là hành đạo Bồ-tát, vì đối với các pháp không dính mắc gì. Vì sao? Tướng các pháp không dính mắc, vì tự tính Không có, vì tính Không. Này Tu-bồ-đề! Khi hành đạo Bồ-tát như vậy không trú chỗ nào. Bồ-tát vì không trú pháp nên cũng không trú trong ấy mà hành Giới Ba-la-mật, cho đến cũng không trú trong ấy mà hành Bát-nhã Ba-la-mật; hành Sơ thiền cũng không trú trong ấy. Vì sao? Vì Sơ thiền ấy, tướng Sơ thiền không, người hành thiền cũng không, pháp dùng để hành thiền cũng không; đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ thiền cũng như vậy; từ, bi, hỷ, xả cho đến định chín thứ lớp cũng như vậy. Được quả Tu- đà-hoàn cũng không trú trong ấy, cho đến được đạo Bích-chi Phật cũng không trú trong ấy.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì nên không trú trong ấy?
Phật dạy: Có hai nhân duyên nên không trú trong ấy. Những gì là hai? Một là các đạo quả tính Không, không có chỗ trú, cũng không có pháp sở dụng, cũng không có người trú; hai là không cho chút ít việc là đủ nên không trú, nghĩ rằng: Ta không nên không được quả Tu-đà-hoàn, ta chắc chắn nên được quả Tu-đà-hoàn, chỉ vì ta không nên trú trong ấy; cho đến đạo Bích-chi Phật ta chẳng nên không được, ta chắc chắn nên sẽ được, chỉ vì ta không nên trú trong ấy, cho đến được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không nên trú. Vì sao? Vì từ khi ta mới phát tâm lại đây không có tâm gì khác, chỉ nhất tâm hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát nhất tâm hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, xa lìa các tâm khác; gây nghiệp thân, miệng, ý đều nên hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát trú vào nhất tâm ấy có thể phát sinh đạo giác ngộ.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp chẳng sinh, làm sao Bồ-tát có thể phát sinh đạo giác ngộ?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng vậy, đúng vậy! Hết thảy pháp không sinh. Vì sao không sinh? Vì không có gì làm, không có gì khởi, vì hết thảy pháp chẳng sinh.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Có Phật hay không có Phật thì thật tướng các pháp vẫn thường trú ư?
Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy! Thật tướng các pháp thường trú, vì chúng sinh chẳng biết thật tướng các pháp thường trú nên Bồ-tát vì chúng sinh mà phát sinh đạo giác ngộ, dùng đạo ấy kéo chúng sinh ra khỏi sinh tử.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Dùng đạo sinh được giác ngộ ư?
Phật dạy: Không được.
Bạch đức Thế Tôn! Dùng đạo không sinh được giác ngộ ư?
Phật dạy: Không được.
Bạch đức Thế Tôn! Dùng đạo không sinh chẳng phải không sinh được giác ngộ chăng?
Phật dạy: Không được.
Bạch đức Thế Tôn! Làm thế nào được giác ngộ?
Phật dạy: Chẳng phải dùng đạo được giác ngộ, cũng chẳng phải dùng chẳng phải đạo được giác ngộ, vì tính giác ngộ tức là đạo, đạo tức là giác ngộ.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu giác ngộ tức là đạo, đạo tức là giác ngộ, nay ở đây Bồ-tát khi chưa làm Phật lẽ ra đáng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cớ sao nói các đấng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, mười lực, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, Phật được giác ngộ chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn! Phật không được giác ngộ. Vì sao? Vì Phật tức là giác ngộ, giác ngộ tức là Phật.
– Như lời Tu-bồ-đề hỏi, khi còn Bồ-tát không nên được giác ngộ. Bồ-tát ấy đầy đủ sáu Ba-la-mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, tam-muội Kim Cang, một niệm tương ưng với tuệ mới được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khi ấy gọi là Phật, được tự tại đối với hết thảy pháp.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát nghiêm tịnh cõi Phật?
Phật dạy: Bồ-tát từ khi mới phát tâm trở lại đây tự trừ nghiệp thô nơi thân, tự trừ nghiệp thô nơi miệng, tự trừ nghiệp thô nơi ý, cũng làm thanh tịnh nghiệp thô nơi thân, miệng, ý của người khác.
Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là nghiệp thô nơi thân, miệng, ý của Bồ-tát?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nghiệp bất thiện: Hoặc sát sinh cho đến tà kiến là nghiệp thô nơi thân, miệng, ý của Bồ-tát.
Lại nữa, tâm xan tham, tâm phá giới, tâm sân hận, tâm giải đãi, tâm tán loạn, tâm ngu si là nghiệp thô nơi ý của Bồ-tát.
Lại nữa, giới không thanh tịnh là nghiệp thô nơi thân, miệng của Bồ-tát.
Lại nữa, nếu Bồ-tát xa lìa bốn niệm xứ mà tu hành, gọi là nghiệp thô của Bồ-tát; xa lìa bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám phần thánh đạo, tam-muội Không, Vô tướng, Vô tác cũng là nghiệp thô của Bồ-tát.
Lại nữa, Bồ-tát tham chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến tham chứng quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật là nghiệp thô của Bồ-tát.
LUẬN: Từ trước lại đây Tu-bồ-đề thường hỏi về pháp Không. Bấy giờ trong hội chúng nghi: Tu-bồ-đề đã thể ngộ pháp tịch tịnh không hý luận, cớ sao còn hỏi nhiều? Vì thế nên không hỏi mà chỉ tâm niệm.
Lại nữa, có những Bồ-tát và chư Thiên vào sâu thiền định, không ưa ngôn ngữ mà chỉ muốn được ích lợi của pháp, thế nên Tu-bồ-đề không phát ngôn mà chỉ tâm niệm.
Hỏi: Vì sao Tu-bồ-đề tuy không nói mà Thế Tôn vẫn dùng lời đáp?
Đáp: Sắc thân của Phật trông thấy không nhàm chán; thấy sắc không nhàm chán, nghe âm thanh cũng như vậy, nên tuy nói mà không chướng ngại hạnh thiền định vi tế; thế nên Phật dùng lời để đáp.
Lại nữa, Phật an lập nơi tướng tịch diệt, trú trong Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không phân biệt hết thảy pháp hoặc thiện hoặc bất thiện. Chúng sinh có nghi mà hỏi, Phật theo chỗ hỏi, chỗ suy nghĩ mà đáp, vì thế nên không giống với Tu-bồ-đề. Tu-bồ-đề nghe sáu Ba-la-mật nghĩa lý rất sâu, không thể nắm bắt được bờ mé của nó, nên hỏi: Thế nào là đạo Bồ-tát mà hành đạo ấy được thanh tịnh, không có chỗ đắm trước các thiện pháp, sáu Ba-la-mật trang nghiêm? Phật biết ý Tu-bồ-đề nghĩ nên đối với Tu-bồ-đề tuy lợi ích ít mà vì lợi ích cho các Bồ-tát nên đáp: Sáu Ba-la-mật là đạo Bồ-tát. Sáu Ba-la-mật là đạo của Bồ-tát mới phát tâm; tiếp đến hành bốn thiền, tám bội xả, định chín thứ lớp và ba mươi bảy pháp trợ đạo, chỉ cầu Niết-bàn; hành mười tám không, mười lực của Phật, là các thiện pháp vi tế, chỉ vì cầu Phật đạo. Sáu đạo Ba-la- mật phần nhiều vì chúng sinh mà nói; ba mươi bảy pháp trợ đạo chỉ vì cầu Niết-bàn; mười tám không, từ Niết-bàn xuất ra, là đạo vượt quá địa vị Thanh-văn, Bích-chi Phật mà vào vị Bồ-tát. Ba đạo ấy đều là sở hành của sinh thân Bồ-tát; vì không thấy các pháp có tốt xấu mà an lập tướng bình đẳng của các pháp. Trong Kinh này Phật tự nói nhân duyên: Bồ-tát nên học hết thảy, nếu có một pháp không học thì không thể được trí Nhất thiết chủng. Học hết thảy pháp là dùng hết thảy pháp môn, suy nghĩ, trù lượng, tu quán mà được thông suốt.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Nếu hết thảy pháp một tướng đó là không tướng thì Bồ-tát làm thế nào học hết thảy pháp mà ở trong chỗ Không có hý luận lại khởi lên hý luận? Nghĩa là cho rằng có pháp này pháp kia!
Lược nói tướng hý luận là đây Đông kia Tây, đây trên kia dưới, là thường là vô thường, là thật là không, là thế gian là xuất thế gian, cho đến là pháp nhị thừa, là pháp Phật.
Phật hứa khả lời Tu-bồ-đề rằng: Hết thảy pháp tướng là không; nếu pháp thật có định tướng chẳng không tức là không sinh không diệt; không diệt nên không có bốn đế; không có bốn đế nên không có Phật, Pháp, Tăng bảo; như vậy, Tam bảo đều bị phá hoại. Nay các pháp thật không có, cho đến tướng không cũng không có, chỉ do chúng sinh ngu si điên đảo nên chấp trước. Thế nên đối với chúng sinh, Bồ-tát khởi tâm thương xót, muốn kéo ra khỏi chấp trước nên cầu sức thân Phật; muốn làm cho chúng sinh tin chịu lời kia để bỏ điên đảo, ngộ vào thật tướng. Thế nên Bồ-tát tuy biết các pháp là không, mà vì lợi ích chúng sinh nên phân biệt nói. Nếu chúng sinh tự biết các pháp là không, thì Bồ-tát chỉ tự trú trong tướng không ấy, không cần học phân biệt hết thảy pháp.
Bồ-tát khi hành đạo Bồ-tát, từ khi mới phát tâm trở lại đây suy nghĩ như vầy: Hết thảy pháp không hề có tính nhất định, chỉ do nhân duyên hòa hợp nên sinh khởi; các nhân duyên ấy cũng mỗi mỗi do hòa hợp sinh cho đến rốt ráo không. Rốt ráo không chỉ là một pháp thật, ngoài ra đều không có tự tính nên đều hư dối. Ta từ vô thỉ lại đây chấp đắm pháp hư dối ấy chán việc thọ khổ não trong sáu đường. Ta nay là con của chư Phật trong mười phương ba đời, Bát-nhã là mẹ ta, nay ta không nên trở lại đeo đuổi pháp hư vọng. Do vậy, Bồ-tát cho đến đối với rốt ráo không cũng không hề dính mắc, huống gì các pháp khác như Thí Ba-la-mật…
Bấy giờ Bồ-tát đầy đủ đạo Bồ-tát, tâm kia an ổn, tự nghĩ rằng: Ta chỉ dứt tâm chấp trước, còn đạo tự nhiên đến. Biết pháp ấy rồi nghĩ đến chúng sinh đang nhiễm trước thế gian mà rốt ráo không cũng không, không có tự tính, không có chỗ ở, nên chúng sinh ấy khó có thể tin chịu. Vì khiến chúng sinh tin chịu pháp ấy nên học hết thảy pháp, tu hành pháp phương tiện độ chúng sinh, quán tâm hành của chúng sinh đi về đâu, biết nó ưa pháp gì, nghĩ việc gì, có chí nguyện gì. Khi quán sát biết chỗ chấp trước của chúng sinh đều là hư vọng điên đảo, do ức tưởng phân biệt nên chấp trước chứ không có căn bản chắc thật. Bấy giờ Bồ-tát rất hoan hỷ, nghĩ rằng: Chúng sinh dễ độ. Vì sao? Vì chỗ đắm trước của chúng sinh đều là hư dối không thật, thí như người có một đứa con ưa giỡn chơi trong chỗ bất tịnh, nhóm đất làm lúa, lấy cây cỏ làm chim thú mà sinh ra ưa đắm; bị có người giựt lấy liền nổi giận khóc la. Cha nó biết vậy rồi, nghĩ rằng: Đứa con ấy nay tuy ưa đắm nhưng việc ấy dễ bỏ, đến khi khôn lớn nó tự bỏ. Vì sao? Vì vật ấy không chân thật. Bồ-tát cũng như vậy, xem thấy chúng sinh ưa đắm thân bất tịnh hôi hám, và năm dục là pháp vô thường, nguyên nhân của các khổ; biết chúng sinh ấy tuy có được năm thiện căn tín, tấn, niệm, định, tuệ thành tựu liền có thể xả bỏ. Nếu trẻ nhỏ đắm trước vào vật cho là thật thì tuy lớn đến trăm tuổi, mà lòng tham đắm càng sâu không thể xả bỏ. Nếu chúng sinh chấp trước vào vật cho là thật có nhất định thì tuy có được năm thiện căn song lòng chấp trước vẫn càng sâu nặng, cũng không thể xa lìa. Vì các pháp là tính Không, hư dối không thật, nên khi được mắt tuệ vô lậu thanh tịnh, xa lìa pháp chấp trước, lớn lên tự biết hổ thẹn. Thí như người bị bệnh cuồng làm điều sai trái, sau khi tỉnh ngộ thấy mất mặt xấu hổ.
Bồ-tát đã biết chúng sinh dễ độ nên an trú trong Bát-nhã, dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sinh rằng: Các ông hãy nên bố thí, sẽ được của nhiều, chớ ỷ thị quả báo bố thí mà tự cao ngạo. Trong đây không có gì chắc thật, đều sẽ bị phá hoại, với khi chưa bố thí không khác nhau. Trì giới, nhẫn nhục cho đến mười tám pháp không chung, cũng như vậy. Các pháp ấy tuy thanh tịnh, có ích rất lớn, nhưng đều là pháp hữu vi, do nhân duyên sinh, không có tự tính, các ông nếu đắm trước pháp ấy thì sinh ra khổ não; thí như thỏi vàng nóng bỏng, tuy là vật báu mà nắm đến thì cháy tay. Như vậy, Bồ-tát giáo hóa chúng sinh, hành đạo Bồ-tát, tự mình không chấp trước gì, cũng dạy chúng sinh không chấp trước; vì tâm không chấp trước hành bố thí nên không trú trong bố thí. Không trú là khi bố thí không chấp thủ ba tướng, cũng không chấp trước quả báo mà tự cao, sinh ra nghiệp tội, khi quả báo diệt hoại cũng không sinh ưu não. Giới Ba-la-mật cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng như vậy. Trong đây Phật tự nói nhân duyên không trú: Một là Bồ-tát vào sâu tính Không, không thấy các pháp có tự tính nên không trú; hai là không cho việc nhỏ là đủ không nên trú. Bồ-tát không có tâm khác, chỉ một mặt hướng đến việc phát sinh đạo giác ngộ.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Nếu hết thảy pháp không sinh thì Bồ-tát làm thế nào có thể phát sinh đạo giác ngộ?
Phật hứa khả ý Tu-bồ-đề và nói: Hết thảy pháp không sinh, Ta thật đã nhiều nơi nói pháp không sinh, chẳng phải vì hàng phàm phu nói, mà chỉ vì hàng được vô tác giải thoát, không khởi ba nghiệp mà nói.
Hỏi: Phật tự nói có Phật hay không có Phật thì tính của các pháp vẫn thường trú; như pháp tướng không của các bậc Thánh, phàm phu cũng như vậy?
Đáp: Phật hứa khả lời nói ấy rằng: Thật tướng các pháp thường trú, vì chúng sinh không hiểu không biết nên khởi lên đạo giác ngộ, chỉ vì trừ điên đảo cho phàm phu nên gọi là đạo. Nếu chắc chắn có đạo có thể chấp trước thì trở lại là điên đảo. Đạo và chẳng phải đạo bình đẳng tức là đạo; thế nên không nên vấn nạn.
Tu-bồ-đề hỏi: Làm sao có thể được giác ngộ? Dùng đạo sinh được ư?
Phật dạy: Không được. Vì sao? Vì nhân đạo sinh là Bồ-tát quán đó là pháp hữu vi sinh diệt nên cho rằng thật, thế nên đáp không; như trước nói thí dụ thỏi vàng cháy đỏ. Còn pháp không sinh (tức đạo không sinh) tức là vô vi, vì pháp vô vi nên cũng không thể dùng để được giác ngộ. Đạo sinh và đạo không sinh cả hai đều có lỗi, vậy đạo chẳng phải sinh chẳng phải không sinh được giác ngộ chăng? – Đáp: Không được.
Hỏi: Nếu đạo sinh và đạo không sinh đều có lỗi , vậy đạo chẳng phải sinh chẳng phải không sinh không nên có lỗi, cớ sao nói không được?
Đáp: Nếu phân biệt chẳng phải sinh chẳng phải không sinh là tốt, là xấu, đó là vì thủ tướng sinh chấp trước, nên nói có lỗi; nếu không chấp trước thì là đạo giác ngộ.
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu không do bốn cú được giác ngộ, vậy làm sao được đạo?
Phật dạy: Chẳng phải đạo không do chẳng phải đạo được giác ngộ. Vì sao? Vì giác ngộ tức là đạo, đạo tức là giác ngộ; mà giác ngộ tức là thật tướng các pháp, là thật tướng của chư Phật chứng ngộ, không có đổi khác. Hết thảy pháp đều vào trong giác ngộ, là tướng tịch diệt, như hết thảy nước vào trong biển cả đều cùng làm một vị. Thế nên Phật nói tính giác ngộ tức là tính đạo. Nếu tính giác ngộ và tính đạo khác nhau thì không gọi là giác ngộ, vì tướng tịch diệt, không có hí luận; thế nên nói giác ngộ tức là đạo, đạo tức là giác ngộ.
Lại nữa, nếu hai pháp ấy khác nhau thì hành đạo không thể đến giác ngộ, vì nhân quả chẳng phải một chẳng phải khác.
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu như vậy thì Bồ-tát hành đạo lẽ ra đáng là Phật. Vì sao? Vì đạo tức là giác ngộ! Lại, Phật lẽ đáng là Bồ-tát. Vì sao? Vì giác ngộ tức là đạo! Nay cớ gì nói có sai khác: Phật có mười lực, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình?
Tu-bồ-đề vì hàng Bồ-tát mới học nên phân biệt nạn hỏi Phật rằng: Bồ-tát lý đáng tức là Phật, Phật đáp bằng cách hỏi ngược lại rằng: Phật được giác ngộ chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Không được. Vì sao? Vì giác ngộ không lìa Phật, Phật không lìa giác ngộ; hai pháp hòa hợp nên gọi là Phật, là giác ngộ. Thế nên không nên nạn rằng Bồ-tát tức là Phật. Đây là đáp về tướng chung vậy.
Hỏi: Phật thuộc chúng sinh hữu tình, giác ngộ thuộc pháp, cớ sao nói Phật tức là giác ngộ?
Đáp: Trước tiên có ba mươi hai tướng trang nghiêm thân và công đức sáu Ba-la-mật trang nghiêm tâm, nhưng không gọi là Phật, mà vì được giác ngộ nên mới gọi là Phật; thế nên nói Phật với giác ngộ không khác. Năm uẩn thanh tịnh vi diệu hòa hợp giả gọi là Phật; pháp tức là năm uẩn, năm uẩn không lìa giả danh. Giác ngộ tức là thật tướng năm uẩn; hết thảy pháp đều vào trong giác ngộ; thế nên Phật tức là giác ngộ, giác ngộ tức là Phật, chỉ vì trong tâm phàm phu phân biệt nên có sai khác.
Hỏi: Ông trước luận nghị nói giác ngộ với đạo chẳng một chẳng
khác, còn trong kinh nói đạo tức là giác ngộ, giác ngộ tức là đạo; Phật tức là giác ngộ, giác ngộ tức là Phật?
Đáp: Một và khác tuy đều chẳng thật, nhưng phần nhiều dùng một, thế nên trong đây nói: Giác ngộ tức là đạo, đạo tức là giác ngộ, không có gì lỗi. Như hai bên thường và vô thường, vì thường phần nhiều sinh phiền não nên ít nhắc đến; vô thường có thể phá phiền não nên nói đến nhiều, mà khi việc thành tựu thì vô thường cũng xả bỏ. Trong đây cũng như vậy, nếu quán các pháp sai khác dễ sinh tâm chấp trước, nếu quán các pháp một tướng hoặc vô thường, khổ, không.. thì phiền não không sinh. Vì tâm chấp trước ít, thế nên phần nhiều dùng một tướng, còn ở trong thật nghĩa thì một tướng cũng vô dụng. Nếu chấp trước một tướng tức lại là tai họa.
Lại nữa, vì sai khác không có nên một tướng cũng không thể có được, vì là tướng đối đãi nhau. Chỉ đem tâm chấp trước, không chấp thủ một tướng nên nói, không có gì lỗi; song vì một tướng không thật nên Bồ-tát không được là Phật.
Lại nữa, nay Phật lại đáp với Tu-bồ-đề và tự nói nhân duyên: Giác ngộ tuy là tướng tịch diệt, nhưng Bồ-tát có thể đầy đủ các công đức Ba-la-mật, trú trong tam-muội kim ca, do một niệm tương ưng với tuệ mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bấy giờ đối với hết thảy pháp được tự tại, được gọi là Phật. Bồ-tát tuy biết được đạo và giác ngộ chẳng khác nhau, nhưng chưa đầy đủ công đức nên không gọi là Phật; và Phật đã đầy đủ hạnh nguyện, mọi việc đã rốt ráo nên không gọi là Bồ-tát. Người được là Phật, pháp được là giác ngộ, người cầu giác ngộ là Bồ-tát.
Tu-bồ-đề theo Phật nghe nói tướng giác ngộ, tướng đạo, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh rồi, nay hỏi Phật về việc nghiêm tịnh cõi Phật. Các A-la-hán, Bích-chi Phật không có năng lực biết việc nghiêm tịnh cõi Phật cho nên hỏi: Thế nào là cõi Phật thanh tịnh?
Phật đáp: Cõi Phật là trăm ức mặt trời mặt trăng, trăm ức núi Tu-di, trăm ức trời Bốn thiên vương; ấy gọi là thế giới ba ngàn đại thiên. Vô lượng vô biên thế giới ba ngàn đại thiên như vậy gọi là một cõi Phật. Phật ở trong đó khi làm Phật sự, thường thường ngày ba thời đêm ba thời dùng Phật nhãn nhìn khắp chúng sinh xem ai có thể gieo trồng căn lành, ai căn lành đã thành thục nên làm cho tăng trưởng, ai căn lành đã thành thục nên đáng được độ. Thấy rồi dùng sức thần thông theo chỗ thấy mà giáo hóa. Tâm chúng sinh giong ruỗi theo cảnh bên ngoài: Nếu được việc hợp ý thì không sinh tâm sân não; nếu được nhân duyên bất tịnh, vô thường thì không sinh phiền não tham dục; nếu được nhân duyên pháp không, không có sở hữu thì không sinh phiền não ngu si. Thế nên Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật là vì làm cho chúng sinh dễ độ, trong cõi nước không có thiếu thốn gì, vì tâm không có ngã thì không sinh xan tham, sân giận. Có cõi nước Phật, hết thảy cây cối thường phát ra pháp âm thật tướng là không sinh, không diệt, không khởi, không làm. Chúng sinh chỉ nghe diệu âm ấy, không nghe âm thanh khác, vì chúng sinh lợi căn nên liền ngộ được thật tướng các pháp. Như vậy, cõi Phật trang nghiêm gọi là cõi Phật thanh tịnh, như trong Kinh A-di-đà nói.
Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây tự thanh tịnh nghiệp thô nơi thân, miệng, ý, cũng dạy người khác thanh tịnh nghiệp thô nơi thân, miệng, ý.
Hỏi: Nếu Bồ-tát nghiêm tịnh cõi Phật là Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn, trú trong Thần thông Ba-la-mật, vậy sau có thể nghiêm tịnh cõi Phật, nay cớ gì nói từ khi mới phát tâm lại đây làm thanh tịnh nghiệp thô nơi thân, miệng, ý là có thể nghiêm tịnh cõi Phật?
Đáp: Ba nghiệp thanh tịnh chẳng phải chỉ là nghiêm tịnh cõi Phật, mà hết thảy đạo Bồ-tát đều được thanh tịnh. Ở đây, trước hết làm thanh tịnh ba nghiệp vậy rồi sau làm nghiêm tịnh cõi Phật: Tự làm thanh tịnh thân mình, cũng làm thanh tịnh người khác. Vì sao? Vì chẳng phải một người sinh ra ở trong cõi nước, mà đều do nhân duyên nhiều người hợp lại sinh ra.
Nhân duyên hợp lại của pháp trong, pháp ngoài, hoặc thiện, hoặc bất thiện là vì nghiệp ác khẩu nhiều nên đất sinh ra gai góc; vì tâm dua nịnh quanh co nhiều nên đất sinh ra không bằng phẳng; vì xan tham nhiều nên nước không điều hòa, đất sinh cát sạn; vì không gây các ác nói trên nên đất được bằng phẳng, có nhiều trân bảo. Như lúc đức Phật Di lặc ra đời, mọi người đều tu mười thiện nên đất có nhiều trân bảo.
Hỏi: Nếu nhờ các thiện pháp bố thí… được quả báo cõi Phật thanh tịnh, cớ gì chỉ nói thanh tịnh ba nghiệp?
Đáp: Tuy biết các pháp thiện ác là nhân duyên của khổ vui nhưng trong hết thảy tâm tâm số pháp, khi được đạo thì tâm sở trí tuệ là lớn; trong khi nhiếp tâm thì tâm sở định là lớn; trong khi tạo nghiệp thì tâm sở tư là lớn; có nghiệp của tâm sở tư ấy rồi thì khởi lên nghiệp của thân và miệng. Tu bố thí, thiền định… lấy tâm sở tư làm đầu; thí như may áo lấy kim dẫn đường; khi thọ quả báo đời sau thì sức của nghiệp là lớn; thế nên nói ba nghiệp thu nhiếp tất cả nghiệp. Hết thảy tâm số pháp đều thu nhiếp vào trong ý nghiệp; hết thảy sắc pháp đều thu nhiếp vào trong nghiệp của thân và miệng. Hành nghiệp của thân có ba thứ, mỗi khi phước đức đầy đủ thì cõi nước thanh tịnh. Bên trong thân thanh tịnh nên cảnh giới bên ngoài cũng thanh tịnh; thí như mắt sạch nên bóng trong gương cũng sạch, như trong kinh Tỳ-ma-la-cật nói: Vì không sát sinh nên được làm người sống lâu…
Hỏi: Nghiệp thô của thân, miệng, ý là việc dễ biết, cớ sao Tu-bồ-đề còn hỏi?
Đáp: Thô hay tế đều không nhất định; như đối với người cầu đạo, việc bố thí là điều kiện thô, còn đối với kẻ bạch y, việc bố thí là điều kiện tế; như đối với Tiểu thừa, nghiệp bất thiện là thô, nghiệp thiện là tế, còn đối với Đại thừa, từ chấp thủ tướng thiện pháp cho đến chấp thủ tướng Niết-bàn đều là thô. Vì thô tế không nhất định cho nên hỏi. Phật thứ lớp nói về tướng thô tế: Từ việc cướp mạng sống cho đến tà kiến; ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, ba nghiệp của ý đều là thô. Lại, phá sáu Ba-la-mật thì tâm xan tham… đều là thô.
Hỏi: Trước kia nói mười đạo bất thiện đã thu nhiếp xan tham… cớ gì lại còn nói riêng?
Đáp: Sáu pháp ấy không nhiếp vào trong mười đạo bất thiện. Mười đạo bất thiện đều là pháp bức não chúng sinh, còn sáu pháp ấy chỉ không bức não chúng sinh; như tâm xan tham chỉ tự mình tiếc của mà không não hại chúng sinh. Tâm tham có hai: 1. Chỉ tham của người khác mà chưa bức não chúng sinh; 2. Tâm tham càng mạnh, tìm cầu không được thì muốn não hại; ấy gọi là nghiệp đạo, vì hay khởi nghiệp; sân giận cũng như vậy. Sân giận ít không gọi là nghiệp đạo, vì nó có thể đưa đến ác xứ nên gọi là đạo; thế nên nói riêng sáu pháp, không có gì lỗi.
Hỏi: Trong sáu Ba-la-mật đã nói có giới, nay cớ gì lại nói giới bất tịnh?
Đáp: Phá giới là tội thô nặng, như sát sinh… còn giới bất tịnh là tội vi tế, không não hại chúng sinh; như uống rượu không nhiếp vào mười đạo bất thiện.
Lại nữa, phá năm tụ giới gọi là phá giới; không phá giới được thọ. Thường vì ba độc che tâm, không nhớ nghĩ giới, hồi hướng đến phước báo sinh cõi trời mà tà kiến giữ giới; như vậy gọi là giới bất tịnh.
Lại nữa, nếu tâm Bồ-tát xa lìa ba mươi bảy pháp trợ đạo, ba môn giải thoát, ấy gọi là nghiệp thô. Vì sao? Vì trong đây tâm đều quán thật pháp, theo Niết-bàn, không theo thế gian; nếu ra ngoài bốn niệm xứ… thì tâm tán loạn; thí như rắn bò, bản tính thường ưa quanh co, nếu vào trong ống tre thì phải đi thẳng, ra khỏi ống lại quanh co.
Lại nữa, nếu Bồ-tát tham chứng quả Tu-đà-hoàn, ấy là nghiệp thô; như người nghe Phật nói quả Tu-đà-hoàn không đọa vào ba đường ác, sạch hết vô lượng khổ; như ao nước rộng năm mươi do tuần, ngoài ra chỉ như một giọt hai giọt thì sinh tâm tham. Vì tâm kia không bền chắc, vốn cầu làm Phật, vì chúng sinh mà nay vì tự thân lại muốn thủ chứng quả Tu-đà-hoàn; như thế là dối Phật, mang tội với chúng sinh. Thế nên tham chứng quả Tu-đà-hoàn gọi là thô; thí như người mời khách, muốn thiết đãi ăn uống mà rốt cuộc không cho gì thì mắc tội nói dối với khách. Bồ-tát cũng như vậy, từ khi mới phát tâm lại đây phát nguyện; ta sẽ làm Phật độ hết thảy chúng sinh, mà lại tham quả vị Tu-đà-hoàn, như thế là mang tội với chúng sinh. Như tham chứng của Tu-đà-hoàn cho đến tham đạo Bích-chi Phật cũng như vậy.