LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 80

GIẢI THÍCH PHẨM SÁU MƯƠI BẢY: PHƯƠNG TIỆN VÔ TẬN

KINH: Bấy giờ Tu-bồ-đề nghĩ rằng: Vô thượng Chánh đẳng chánh giác của chư Phật rất sâu, ta sẽ hỏi Phật. Nghĩ rồi bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật có thể cùng tận chăng?

Phật dạy: Hư không không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật không thể cùng tận.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao có thể phát sinh Bát-nhã Ba-la-mật?

Phật dạy: Sắc không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật có thể phát sinh; thọ, tưởng, hành, thức không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba- la-mật có thể phát sinh; Thí Ba-la-mật không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật có thể phát sinh; Giới Ba-la-mật, Nhẫn Ba-la-mật, Tấn Ba- la-mật, Thiền Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật có thể phát sinh, cho đến trí Nhất thiết chủng không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật có thể phát sinh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vô minh không, không thể cùng tận nên Bát- nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; hành không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; thức không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; danh sắc không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; sáu nhập không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; sáu xúc không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; thọ không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba- la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; ái không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; thủ không, không thể cùng tận nên

Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; hữu không, không thể cùng tận, nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; sinh không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; sinh không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la-mật Bồ-tát có thể phát sinh; già, chết, lo, buồn, khổ, não không, không thể cùng tận nên Bát-nhã Ba-la- mật Bồ-tát có thể phát sinh … Như vậy, Tu-bồ-đề! Mười hai nhân duyên đây là pháp riêng của Bồ-tát hay trừ các điên đảo biên kiến. Khi ngồi đạo tràng nên quán như vậy sẽ được trí Nhất thiết chủng.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát vì hư không không thể cùng tận mà tu Bát-nhã, quán mười hai nhân duyên, thì không rơi vào Nhị thừa mà an trú Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Nếu cầu đạo Bồ-tát mà bị thoái chuyển trở lại, thì đều do lìa Bát-nhã Ba-la-mật. Người ấy chẳng biết thế nào là tu Bát-nhã Ba-la-mật, do hư không không cùng tận pháp quán mười hai nhân duyên. Tu-bồ-đề! Nếu người cầu đạo Bồ-tát mà thoái chuyển trở lại là vì không có sức phương tiện nên thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát không thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là đều vì có đủ sức phương tiện.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên do hư không, không thể cùng tận mà quán Bát-nhã Ba-la-mật, nên do hư không, không thể cùng tận mà phát sinh Bát-nhã Ba-la-mật. Như vậy, khi Bồ-tát quán mười hai nhân duyên, không thấy pháp nào không do nhân duyên sinh, không thấy pháp nào thường trú bất diệt, không thấy pháp nào có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, mạng giả, cho đến kẻ biết, kẻ thấy; không thấy pháp vô thường; không thấy pháp khổ; không thấy pháp vô ngã; không thấy pháp tịch diệt chẳng phải tịch diệt. Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát tu Bát-nhã Ba-la- mật nên quán mười hai nhân duyên như vậy. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tu Bát-nhã Ba-la-mật được như vậy, thì khi ấy không thấy sắc hoặc thường hoặc vô thường, hoặc khổ hoặc vui, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịch diệt hoặc chẳng phải tịch diệt; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Khi ấy cũng không thấy Bát-nhã Ba-la-mật, cũng không thấy do pháp ấy thấy Bát-nhã Ba-la-mật, không thấy Thiền Ba-la-mật cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy Tu-bồ-đề! Vì hết thảy pháp không thể có được ấy mà nên tu Bát-nhã Ba-la-mật. Nếu Bồ-tát khi tu Bát-nhã không có gì sở đắc, thì ác ma sầu não như bị mũi tên bắn vào tim, như người có cha mẹ mới chết.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Chỉ có một ma sầu muộn hay các ma trong ba ngàn đại thiên thế giới cũng sầu muộn?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ác ma trong ba ngàn đại thiên thế giới đều sầu muộn như bị mũi tên bắn vào tim, không thể ngồi yên. Tu-bồ-đề! Bồ-tát tu Bát-nhã được như vậy, khi ấy hết thảy thế gian trời, người, A-tu-la không thể tìm được thuận tiện để làm cho người kia ưu não. Vì vậy, Bồ- tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hãy nên tu Bát-nhã Ba-la-mật.

Bồ-tát khi tu Bát-nhã Ba-la-mật là đầy đủ tu Thí Ba-la-mật, Giới Ba-la-mật, Nhẫn Ba-la-mật, Tấn Ba-la-mật, Thiền Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát khi tu Bát-nhã Ba-la-mật, làm sao đầy đủ tu Thí Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la- mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát bố thí gì đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, như vậy, Bồ-tát khi tu Bát-nhã Ba-la-mật đầy đủ tu Thí Ba-la-mật; Bồ-tát tu trì giới đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Giới Ba- la-mật. Bồ-tát tu nhẫn nhục đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Nhẫn Ba-la-mật. Bồ-tát tu tinh tấn đều hồi hướng Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Tấn Ba-la-mật. Bồ-tát tu thiền định đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Thiền Ba-la-mật. Bồ-tát tu Trí tuệ đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, thế là đầy đủ Bát-nhã Ba-la-mật. Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát tu Bát-nhã Ba-la-mật đầy đủ sáu Ba-la-mật.

LUẬN: Tu-bồ-đề theo Phật nghe nói mỗi mỗi tướng của Bát-nhã Ba-la-mật, ban đầu nghe nói tướng rốt ráo không; giữa nghe lời phú chúc thì tuồng như có; sau lại nghe nói không, đó là vì nghĩa của Bát-nhã Ba- la-mật vô lượng mà danh tự, chương cú của Bát-nhã Ba-la-mật thì có hạn lượng. Khi ấy, Tu-bồ-đề nghĩ rằng: Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật rất sâu, ta sẽ hỏi Phật vì sao rất sâu. Phật nói cho Tu- bồ-đề một ít phần, chỉ để phá tâm điên đảo của chúng sinh nên không nói đầy đủ. Vì sao? Vì không có người lãnh thọ được. Nếu người chấp thủ tướng Như, Phật nói Như cũng không, vì không có sinh, trụ, diệt; nếu pháp không có sinh, trụ, diệt, thì tức là pháp là không có; pháp tính, thật tế cũng như vậy.

Nếu có người chấp thủ rốt ráo không, Phật cũng nói không phải. Vì sao? Vì nếu rốt ráo không là định tướng có thể thủ, thì chẳng phải rốt ráo không. Thế nên nói rất sâu. Ta sẽ lại hỏi Phật, Tu-bồ-đề nghĩ như vậy rồi, như lời Phật tự nói: Chư Phật ba đời đều dùng Bát-nhã Ba-la-mật mà đắc đạo, vì Bát-nhã Ba-la-mật không cùng tận; đã không tận, nay không tận, và sẽ không tận. Thế nên ta nay chỉ hỏi nghĩa không tận. Phật đáp: Như hư không không tận, nên Bát-nhã cũng không tận, như hư không không có thật pháp, chỉ có danh tự, Bát-nhã Ba-la-mật cũng như vậy. Bát-nhã Ba-la-mật như hư không, không có gì của chính nó, nên không thể tận, làm sao Bồ-tát có thể phát sinh Bát-nhã Ba-la-mật ấy? Nếu có thể phát sinh, làm sao trong tâm Bồ-tát lại phát sinh việc tu được, chứng được? Phật đáp: Vì sắc vô tận nên Bát-nhã Ba-la-mật có thể phát sinh; như sắc lúc đầu, lúc sau, lúc giữa sinh không thể có được, vì sắc sinh sắc, không thể có được; lìa sắc sinh sắc, không thể có được, sinh không thể có được, như đã phá tướng sinh ở trước. Vì sinh không thể có được, nên sắc cũng không thể có được, vì sắc không thể có được nên sắc sinh không thể có được; vì hai pháp không thể có được nên sắc như huyễn, như mộng, chỉ dối gạt mắt người. Nếu sắc có sinh ắt có tận, vì sắc không sinh nên cũng không có tận; sắc chân tướng tức là Bát-nhã Ba-la-mật. Thế nên nói sắc không thể tận, Bát-nhã Ba-la-mật cũng không tận, Thọ, tưởng, hành, thức, Thí Ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết chủng cũng như vậy.

Lại nữa, Kinh nói: “Có thể sinh Bát-nhã” là vì vô minh hư không không thể cùng tận. Nếu người chỉ quán rốt ráo không, thì phần nhiều đọa vào bên đoạn diệt; nếu quán có thì phần nhiều đọa vào bên thường. Lìa hai bên ấy nên nói mười hai nhân duyên không. Vì sao? Vì nếu pháp từ nhân duyên hòa hợp sanh, pháp ấy không có định tính; nếu pháp không có định tính tức là pháp tịch diệt rốt ráo không; lìa hai bên ấy nên giả gọi là trung đạo. Thế nên nói mười hai nhân duyên như hư không, không có pháp, nên không tận. Vô minh cũng do nhân duyên hòa hợp sinh nên không có tự tướng; không có tự tướng nên rốt ráo “không”, như hư không.

Lại nữa, vì nhân duyên sinh nên không thật, như kinh nói: Nhân mắt duyên sắc sinh giác xúc, giác xúc từ vô minh sinh. Giác xúc không ở trong mắt, không ở trong sắc, không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chặng giữa; cũng không từ mười phương ba đời đến, định tướng của pháp ấy không thể có được. Vì sao? Vì hết thảy pháp vào Như. Nếu nắm bắt được định tướng vô minh, tức là trí tuệ, không gọi là vô minh; thế nên tướng vô minh, tướng trí tuệ không khác nhau, thật tướng của vô minh tức trí tuệ, chấp trước tướng trí tuệ tức vô minh. Thế nên, thật tướng vô minh rốt ráo thanh tịnh như hư không, không sinh, không diệt. Vì thế nói rằng: Có được quán ấy mà hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Nếu không có vô minh, cũng không có các hành v.v… làm sao nói mười hai nhân duyên?

Đáp: Nói mười hai nhân duyên có ba loại: Một là đối với phàm phu, dùng mắt thịt trông thấy, tâm điên đảo chấp ngã khởi các phiền não nghiệp, qua lại trong đường sinh tử.

Hai là đối với Hiền Thánh, dùng mắt pháp phân biệt các pháp; thấy già, bệnh, chết sinh tâm nhàm chán, muốn ra khỏi thế gian. Tìm nguyên nhân của già, chết do sinh; sinh ấy do các phiền não nghiệp. Vì sao? Vì người không có phiền não thì không sinh, nên biết phiền não làm nhân duyên cho sinh. Làm nhân duyên cho phiền não là vô minh, vì vô minh, nên điều đáng bỏ lại lấy, đáng lấy lại bỏ. Đáng bỏ gì? Đáng bỏ già, bệnh, khổ và phiền não; nhưng vì điên đảo cho khổ là vui nên lấy. Trì giới, thiền định, trí tuệ là gốc của sự lành, là nhân duyên của cái vui Niết-bàn, việc ấy đáng lấy lại bỏ. Trong ấy không có kẻ biết, kẻ thấy, kẻ làm. Vì sao? Vi pháp ấy không có định tướng, chỉ do nhân duyên hư dối tương tục sinh ra. Hành giả biết là hư dối không thật thì không sinh hý luận, chỉ vì muốn diệt khổ vào Niết-bàn, không cứu xét cùng tận tướng các khổ.

Ba là đối với các đại Bồ-tát, là người đại trí, lợi căn nên chỉ cứu xét cùng tận tướng cội gốc của mười hai nhân duyên, không vì lo Sợ mà tự thoái thất. Bấy giờ không thấy có định tướng, già và chết rốt ráo không, chỉ do hư dối, giả gọi là có. Vì sao? Vì người phân biệt tướng các pháp thì nói già, chết là pháp tâm bất tương ưng hành, tướng ấy không thể có được. Đầu bạc v.v… là tướng màu sắc, không phải tướng già; hai việc không thể có được nên không có tướng già.

Lại nữa, người đời gọi tướng già là tóc bạc; răng long, mặt nhăn, thân cong, gầy gò, sức yếu, các căn mờ ám, nhưng việc ấy không đúng. Vì sao? Vì tóc bạc chẳng phải chỉ người già; có người tuổi trẻ tóc lại bạc, người già tóc lại đen; gầy gò, thân cong, mặt nhăn … cũng như vậy. Có người già mà các căn sáng suốt, lanh lợi; người trẻ mà mờ ám; lại uống thuốc hoàn đồng tuy già mà trẻ. Như vậy, tướng già không có định tướng, chỉ do các pháp hòa hợp giả gọi là già; lại như mượn bánh, trục, thùng, căm … gọi là xe, đó chỉ là giả danh, chẳng phải thật.

Lại nữa, trong các pháp rốt ráo không, tướng sinh không thể có được, huống gì có già! Do các nhân duyên như vậy, tìm pháp già không thể có được. Vì không thể có được nên không có tướng, như hư không không thể tận; cũng như già cho đến vô minh cũng như vậy. Phá tướng vô minh như trên nói. Bồ-tát quán thực tướng các pháp rốt ráo không, không có gì của chính nó, không có sở đắc; cũng vì không chấp trước việc ấy nên đối với chúng sinh sanh tâm đại bi: chúng sinh vì vô minh nên đối với pháp hư dối điên đảo không thật, chịu các khổ não. Mười hai nhân duyên nói đầu chỉ là vì người phàm phu không tìm phải trái trong đó; mười hai nhân duyên nói thứ hai là chỗ quán sát của hàng Nhị thừa và Bồ-tát chưa được vô sinh pháp nhẫn; mười hai nhân duyên nói thứ ba là chỗ quán sát của các Bồ-tát từ khi được vô sinh pháp nhẫn cho đến khi ngồi đạo tràng. Thế nên nói, vô minh hư không không thể tận cho đến lo, buồn, khổ, não hư không không thể tận, nên Bồ-tát tu Bát-nhã Ba-la-mật.

Quán sâu về pháp nhân duyên như vậy, xa lìa các bên và điên đảo. Bên là bên thường, bên đoạn, bên có bên không, bên thật, bên hư, bên thế gian hữu biên, bên thế gian vô biên; điên đảo là nơi vô thường khởi lên phiền não chấp thường v.v… Quán mười hai nhân duyên ấy thì các bên và điên đảo dứt. Các phiền não có hai phần: Một là theo người ngoại đạo tà kiến gọi là bên; hai là theo các chúng sinh khác, phiền não gọi là điên đảo. Quán mười hai nhân duyên thì hai thứ phiền não ấy đều dứt. Đó là quán mười hai nhân duyên thứ ba rất sâu, chỉ các Bồ-tát ngồi đạo tràng mới có thể quán; trước tuy nói có thể quán nhưng chưa đầy đủ. Như trong kinh Thành Dụ, Phật nói: Khi Ta chưa đắc đạo, suy nghĩ như vầy: Chúng sinh đáng thương, đi sâu vào đường hiểm, thường thường sinh, thường thường già, thường thường chết, qua lại ba cõi không biết đường ra. Ta liền nghĩ rằng: Vì nhân duyên gì có già chết? Trong khi tìm cầu như vậy được trí tuệ chân thật, biết rằng sinh làm nhân duyên cho già, chết v.v… Thế nên, biết lối quán mười hai nhân duyên nói lần thứ ba, khi ngồi đạo tràng mới có được, như Kinh nói rộng.

Lại nữa, quán mười hai nhân duyên như vậy, vượt qua hàng Nhị thừa, được trí Nhất thiết chủng. Nếu có người thoái lui đối với Phật đạo, là vì không được lối quán sâu xa ấy, nếu được lối quán ấy thì không thoái lui. Vì sao? Vì đã vào sâu rốt ráo không thì không thấy Thanh văn, Bích- chi Phật địa; vì không thấy nên không trú ở trong đó.

Lại nữa, người quán nhân duyên được như vậy thì không thấy có một pháp nào chắc chắn, tự tại, không do nhân duyên sinh, hết thảy pháp không tự tại đều thuộc nhân duyên sinh, có người tuy thấy hết thảy pháp từ nhân duyên sinh, nhưng lại cho là từ tà nhân duyên sinh. Tà nhân duyên là cho rằng vi trần, thế tánh v.v… làm nhân duyên sinh các pháp. Thế nên nói, không thấy pháp nào không do nhân duyên sinh, cũng không thấy pháp nào từ thường nhân duyên như vi trần, thế tánh sinh. Như hư không thường, thường thì không có sinh; hư không cũng không làm nhân cho vật khác sinh, vì thế nên không có pháp nào từ thường nhân duyên sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp thuộc nhân duyên sinh như vậy không tự tại, vì không tự tại nên không có ta, cho đến không có kẻ biết, kẻ thấy. Bấy giờ Bồ-tát an trú trong mười hai nhân duyên rốt ráo không, không thấy một pháp nào hoặc có hoặc không v.v… không thấy Bát-nhã, cũng không thấy dùng pháp ấy tu Bát-nhã, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng như vậy; ấy gọi là Bát-nhã Ba-la-mật không có sở đắc của Bồ-tát. Được Bát-nhã Ba-la-mật không có sở đắc ấy, đối với hết thảy pháp bèn được Bát-nhã không có chướng ngại gì. Bấy giờ ác ma rất sầu khổ. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy vào sâu mười hai nhân duyên rốt ráo không, không vướng vào trong lưới ma về sáu mươi hai tà kiến chấp có, chấp không, chấp chẳng phải có, chẳng phải không v.v… Ma nghĩ, ta nay không có cách thuận tiện để phá Bồ-tát. Thí như người bắt cá, thấy một con cá lặn sâu trong dòng nước lớn, lưỡi câu không tới kịp thì tuyệt vọng ưu sầu và cũng như người mới mất cha mẹ.

Lại nữa, Bồ-tát tu Bát-nhã Ba-la-mật không có sở đắc, được như vậy thì đầy đủ Thí Ba-la-mật v.v… Vì sao? Vì tu pháp ấy thì các phiền não làm chướng ngại Bát-nhã đều bị bẻ gãy; ma chúa, ma dân không tìm được thuận tiện để phá, nên các Ba-la-mật được đầy đủ; từ trước lại đây tuy tu sáu Ba-la-mật nhưng chưa thể được đầy đủ như vậy.

Tu-bồ-đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm sao tu Bát-nhã Ba-la-mật được như vậy, có thể đầy đủ Thí Ba-la-mật v.v…?

Phật đáp: Nếu Bồ-tát có bố thí gì đều hồi hướng đến Nhất thiết trí. Có hai hạng người: Độn căn và lợi căn. Người độn căn có bố thí nhiều ít đều chấp thủ tướng hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; người lợi căn phá chấp thủ tướng những hý luận sai lầm về pháp “không”, tín lực cạn mỏng, không dùng Nhất thiết trí, chỉ tìm thật tướng các pháp. Hai hạng người ấy đều không thể đầy đủ Thí Ba-la-mật. Một là hạng người vì tín lực nhiều, tuệ lực ít; hai là người vì tuệ lực nhiều, tín lực ít. Nay Phật nói tín lực, tuệ lực bằng nhau nên có thể hồi hướng đến Nhất thiết trí. Tưởng niệm Nhất thiết trí là tín lực; đúng như Nhất thiết trí mà hồi hướng là trí lực, cho đến Bát-nhã Ba-la-mật cũng lại như vậy.

 

GIẢI THÍCH PHẨM SÁU MƯƠI TÁM: SÁU ĐỘ THU NHIẾP NHAU

KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ- tát trú trong Thí Ba-la-mật mà được Giới Ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi bố thí, đem công đức bố thí ấy hồi hướng đến Nhất thiết trí, đối với chúng sinh giữ thân nghiệp từ, khẩu nghiệp từ, ý nghiệp từ; ấy là trú trong Thí Ba-la-mật mà được Giới Ba- la-mật.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát trú trong Thí Ba-la-mật mà được Nhẫn Ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi bố thí, bị người lãnh thọ thí sân giận, nhục mạ, nói lời hung dữ, khi ấy Bồ-tát nhẫn nhục không sinh tâm giận, ấy là Bồ-tát trú trong Thí Ba-la-mật mà được Nhẫn Ba-la-mật.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát trú trong Thí Ba-la-mật mà được Tấn Ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát khi bố thí bị người lãnh thọ sân giận, nhục mạ, nói lời hung dữ, Bồ-tát càng bố thí thêm và tâm nghĩ rằng: Ta nên cấp thí, không nên tiếc gì, tức thời thân tinh tấn, tâm tinh tấn, ấy là Bồ-tát trú trong Thí Ba-la-mật được Tấn Ba-la-mật.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát trú trong Thí Ba-la-mật được Thiền Ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát khi bố thí chỉ hồi hướng đến Nhất thiết trí, không hồi hướng đến Thanh văn, Bích-chi Phật địa, chỉ nhất tâm quán niệm Nhất thiết trí; ấy là Bồ-tát trú trong Thí Ba-la-mật được Thiền Ba-la- mật.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao trú trong Thí Ba-la-mật được Bát-nhã Ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát khi bố thí biết việc bố thí là không, như huyễn, không thấy vì bố thí cho chúng sinh là hữu ích, vô ích; ấy là Bồ-tát trú trong Thí Ba-la-mật được Bát-nhã Ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Làm sao Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Thí Ba-la-mật, Nhẫn Ba-la-mật, Tấn Ba-la-mật, Thiền Ba-la-mật và Bát-nhã Ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật, thân, miệng, ý sinh phước đức bố thí, giúp thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; với công đức ấy không thủ chứng Thanh văn, Bích-chi Phật địa; trú trong Giới Ba-la-mật không cướp mạng sống kẻ khác, không cướp tài vật kẻ khác, không hành tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời hung dữ, không nói thêu dệt, không tham lam tật đố, không sân giận, không tà kiến. Thực hành bố thí, người đói cho ăn, người khát cho uống, cần xe cho xe, cần áo cho áo, cần hương cho hương, cần chuỗi anh lạc cho chuỗi anh lạc; hương xoa, đồ nằm, phòng nhà, đèn đuốc, các vật cần nuôi sống đều cấp cho hết. Đem công đức bố thí ấy chia sẻ cho chúng sinh cùng hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Hồi hướng như vậy không rơi vào Thanh văn, Bích-chi Phật địa. Tu-bồ-đề! Ấy là Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Thí Ba-la-mật…

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Nhẫn Ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật, nếu có chúng sinh đi đến cắt xẻ từng mảnh thân thể Bồ-tát không sinh tâm sân giận, dù chỉ trong giây lát, tự nói rằng: “Ta được lợi lớn, chúng sinh đi đến lấy từng chi tiết thân ta để dùng, ta không một niệm sân giận”, ấy là Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Nhẫn Ba-la-mật.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Tấn Ba-la-mật?

Phật dạy: Nếu Bồ-tát thân tinh tấn, tâm tinh tấn thường không bỏ, nghĩ rằng: Hết thảy chúng sinh ở trong sinh tử, ta sẽ cứu vớt đem đặt trên đất cam lồ, ấy là Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Tấn Ba-la-mật.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Thiền Ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát vào Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, không tham vào Thanh văn, Bích-chi Phật địa, nghĩ rằng: Ta sẽ trú trong Thiền Ba-la-mật, độ hết thảy chúng sinh khỏi sinh tử; ấy là Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Thiền Ba-la-mật.

Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Bát-nhã Ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật không có pháp có thể thấy, hoặc tác pháp, hoặc hữu vi pháp, hoặc số pháp, hoặc tướng pháp, hoặc có, hoặc không; chỉ thấy các pháp không ngoài tướng Như. Vì có Bát-nhã Ba-la-mật và sức phương tiện nên không đọa vào Thanh văn, Bích-chi Phật địa; ấy là Bồ-tát trú trong Giới Ba-la-mật được Bát-nhã Ba-la-mật.

LUẬN: Cuối phẩm trước nói: Làm sao Bồ-tát tu Bát-nhã Ba-la-mật đầy đủ sáu Ba-la-mật? Phật đã mỗi mỗi đáp. Trong phẩm này Tu-bồ-đề hỏi: Làm sao Bồ-tát tu một Ba-la-mật mà thu nhiếp năm Ba-la-mật. Hỏi rằng: Sáu Ba-la-mật mỗi tướng khác nhau làm sao tu một Ba-la-mật mà thu nhiếp năm Ba-la-mật? Đáp rằng: Bồ-tát do sức phương tiện nên tu một Ba-la-mật có thể thu nhiếp năm Ba-la-mật.

Lại nữa, pháp hữu vi vì nhân duyên quả báo nối tiếp nhau nên tạo thành nhau; thiện pháp làm nhân duyên cho thiện pháp; các Ba-la-mật đều là thiện pháp, nên tu một thì nhiếp được năm; lấy một Ba-la-mật làm chủ, các Ba-la-mật khác làm chi phần. Có Bồ-tát tu sâu về Thí Ba- la-mật, an trú trong Thí Ba-la-mật, khi bố thí cho chúng sinh, có được tâm từ, từ tâm từ khởi lên thân nghiệp từ, khẩu nghiệp từ, khi ấy Bồ-tát liền được Giới Ba-la-mật. Vì sao? Vì nghiệp từ là ba thiện đạo, căn bản của Giới Ba-la-mật là không tham, không sân và chánh kiến. Ba nghiệp từ ấy sinh ra ba nghiệp nơi thân, bốn nghiệp nơi miệng. Từ tức là thiện nghiệp, vì lợi ích chúng sinh nên gọi là từ.

Được Tấn Ba-la-mật là, Bồ-tát vì Nhất thiết trí nên bố thí.

Bị người lãnh thọ giận là, nếu thí chủ xướng rằng: Ta có thể bố thí hết thảy, nhưng người lãnh thọ không được vừa ý liền nói rằng: Ai bảo ông mời ta đến mà không theo ý ta? Giận là ý nghiệp ác, mắng là khẩu nghiệp ác, đánh hại là thân nghiệp ác. Giận có thượng, trung, hạ. Thượng là giết hại; trung là mắng nhiếc; hạ là tâm giận. Bấy giờ Bồ-tát không sinh ba thứ ác nghiệp, ý nghiệp là gốc nên chỉ nói ý nghiệp, nghĩ rằng: Đó là tội của ta. Ta mời người kia đến mà không thể làm vừa ý họ, do ta phước mỏng nên không thể bố thí đầy đủ. Nếu ta sân giận thì đã mất tài vật lại mất luôn phước đức, thế nên không nên giận.

Được Tấn Ba-la-mật là, nếu Bồ-tát khi bố thí bị người lãnh thọ đánh hại, tâm không thoái thất, không bỏ. Vì bố thí nên thân tâm siêng năng tinh tấn, nghĩ rằng: Ta đời trước không cố gắng bố thí nên nay không thể làm vừa lòng người lãnh thọ, hãy nên siêng bố thí, không nên tính kể các việc nhỏ khác.

Được Thiền Ba-la-mật là, Bồ-tát bố thí không cầu phước lạc đời nay, không cầu làm Chuyển luân Thánh vương, vua trời, vua người đời sau; cũng không cầu cái vui thiền định thế gian, vì chúng sinh nên không cầu cái vui Niết-bàn. Chỉ thu nhiếp các ý vào trong trí Nhất thiết chủng không cho tán loạn.

Được Bát-nhã Ba-la-mật là, Bồ-tát trong khi bố thí, thường quán hết thảy pháp hữu vi tạo tác đều hư dối không kiên cố, như huyễn, như mộng. Khi bố thí cho chúng sinh, không thấy có ích, không ích, vì sao? Vì vật bố thí chẳng phải nhất định là nhân duyên của vui, hoặc có khi được ăn no bụng sình trướng mà chết; hoặc có khi được của cải mà bị giặc hại; hoặc cũng vì được của cải nên sinh tâm xan tham mà đọa vào ngạ quỷ. Lại, tài vật là tướng hữu vi, niệm niệm sinh diệt vô thường, là nhân duyên sinh ra khổ.

Lại nữa, của cải vào trong các pháp thật tướng rốt ráo không, không phân biệt có lợi, không lợi. Thế nên, Bồ-tát đối với người lãnh thọ không cầu báo ân, đối với việc bố thí không mong quả báo. Giả sử cầu quả báo, nếu người kia không đền đáp thì sinh oán hận. Bồ-tát nghĩ rằng: Các pháp rốt ráo không, nên ta không có cho gì; nếu cầu quả báo, hãy nên cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rốt ráo không. Như tướng bố thí, nên không thấy có ích; vì rốt ráo không nên cũng không thấy có ích. Như vậy, ở nơi Thí Ba-la-mật có được năm Ba-la-mật.

Bồ-tát lấy Giới Ba-la-mật làm chủ, có thân, miệng, ý thiện nghiệp, bố thí, đa văn, tư duy, trì giới giúp thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; vì sức trì giới lớn nên tổng quát gọi là Giới Ba-la-mật. Vì sao? Vì ở trong cõi Dục, việc trì giới là trên hết, còn việc bố thí, đa văn, tư duy, tu tập trí tuệ, vì tâm ở cõi Dục tán loạn nên đắc lực mỏng manh. Như trong A-tỳ-đàm nói: Pháp để ra khỏi sự trói buộc vào cõi Dục, Sắc và Vô Sắc chính là thiền định thanh tịnh; pháp học, vô học, và Niết-bàn, Bồ-tát cho việc trì giới v.v… ấy không hướng đến Thanh văn, Bích-chi Phật địa, chỉ an trú trong Giới Ba-la-mật, không cướp mạng sống của chúng sinh cho đến không trụ trong tà kiến; đó là Giới trợ đạo, đầy đủ mười giới thiện đạo. Bồ-tát trú trong hai thứ giới ấy mà bố thí cho chúng sinh. Nếu cần ăn cho ăn v.v… như trong phẩm đầu đã nói rõ. Và đều đem phước ấy hồi hướng đến Phật đạo, không hướng đến Nhị thừa. Vì sao? Vì Bồ-tát có hai thứ phá giới: Một là làm mười bất thiện đạo; hai là hướng tới Thanh văn, Bích-chi Phật địa, trái với hai thứ ấy là hai thứ trì giới.

Được Nhẫn Ba-la-mật là, Bồ-tát ở trong Giới Ba-la-mật muốn đầy đủ Nhẫn nhục Ba-la-mật. Nếu có chúng sinh đi đến cắt xẻo thân thể từng mảnh đem đi, cho đến Bồ-tát không sinh một niệm giận, huống gì khởi lên thân, khẩu, ác nghiệp.

Hỏi: Nhẫn nhục là đối với hết thảy việc xâm hại đều nhẫn được, cớ gì chỉ nói nhẫn trước việc cắt xẻo thân thể?

Đáp: Vật được ưa đắm có trong, có ngoài. Trong là tự thân đầu, mắt, tủy, não v.v…; ngoài là vợ con, châu báu v.v… tuy đều là vật ưa đắm, nhưng vật ưa đắm bên trong sâu hơn. Có người nói tham đắm theo của cải mà chết, ấy cũng là thân. Lại, người ta phần nhiều tiếc thân, có khi tiếc của, vì tiếc của ít nên không nói. Lại, người ấy còn không tiếc thân, huống gì tiền của! Thế nên chỉ nói việc lớn là đủ nhiếp việc nhỏ.

Hỏi: Bồ-tát cho đến không sinh một niệm giận, đó là đối với thân biến hóa hay là đối với thân cha mẹ sinh? Nếu đối với thân biến hóa thì không có gì kì lạ; nếu đối với thân cha mẹ sinh thì người chưa đoạn kiết sử, làm sao không sinh một niệm giận được?

Đáp: Có người nói: Do phiền não nghiệp làm nhân duyên sinh thân, Bồ-tát trong vô lượng kiếp vì chúng sinh mà ưa tu tập tâm từ, dầu có bị cắt xẻ cũng không giận, như cha mẹ lành nuôi con dại, tuy nó đái ỉa trên thân, vì lòng quá thương yêu mà không giận, lại thương nó không biết gì, Bồ-tát đối với chúng sinh cũng như vậy, những người chưa được Thánh đạo đều như trẻ nít, ta là Bồ-tát, nên sinh tâm từ như cha mẹ, dầu chúng sinh có gây ác đến với ta, ta không nên giận. Vì sao? Vì chúng sinh bị phiền não sai sử, không được tự tại.

Lại nữa, Bồ-tát từ vô lượng kiếp,lại đây thường tu pháp rốt ráo không, không thấy người hại, người mắng, người lành, người dữ, hết thảy đều như huyễn, như mộng; những người sân giận đều là vô minh; nếu ta đáp trả họ, thời ta với họ không khác.

Lại nữa, Bồ-tát nghĩ rằng: Chỗ đáng giận mà ta không giận thì là lợi lớn.

Được Tinh tấn Ba-la-mật là ở trong Giới Ba-la-mật phần nhiều là hạng người xuất gia, thỉnh thoảng có hạng người tại gia. Hết thảy người xuất gia đều được vô lượng giới luật nghi, đầy đủ bốn mươi thứ thiên đạo, sâu vào thật tướng các pháp, vượt qua Thanh văn, Bích-chi Phật địa. ba thứ giới ấy gọi là Giới Ba-la-mật. Người tại gia không có vô lượng giới luật nghi, thế nên không đầy đủ ở trong Giới Ba-la-mật. Bồ- tát nghĩ rằng: Ta nay bỏ cái vui thế gian mà vào đạo, không thể chỉ trú ở trì giới, vì trì giới là trú xứ của các công đức khác; nếu chỉ được trú xứ, không được các công đức khác thì được lợi rất ít; thí như người ở trong hòn đảo châu báu mà chỉ lấy được ngọc thủy tinh thì lợi rất ít. Vì thế nên, Bồ-tát muốn đủ năm Ba-la-mật nên thân tâm siêng năng tinh tấn. Thân tinh tấn là đúng như pháp làm ra của cải dùng đem bố thí; tâm tinh tấn là các ác tâm xan, tham v.v… hiện đến phá sáu Ba-la-mật, không để cho vào. Được hai thứ tinh tấn ấy rồi, nên nghĩ rằng: Hết thảy chúng sinh chìm đắm trong sinh tử, ta nên cứu vớt, đặt lên chỗ cam lồ, người Thanh văn chỉ độ một thân còn không nên giải đãi, huống gì Bồ-tát độ mình, độ chúng sinh mà giải đãi; vì lẽ ấy nên ta không nên giải đãi, phế bỏ; tuy thân khổ nhọc mà tâm không nên ngừng. Vì sao? Vì pháp Đại thừa này nếu không vận dụng thời bị bại hoại.

Được Thiền Ba-la-mật là, Bồ-tát ở trong Giới Ba-la-mật hoặc vì chưa được pháp Vô sinh nhẫn nên gió phiền não thổi động cây đại nguyện, muốn phá hoại Giới Ba-la-mật ấy. Bấy giờ nên cầu cái vui thiền định, trừ bỏ cái vui năm dục lạc; cái vui năm dục trừ, nên giới được thanh tịnh, phiền não tuy chưa dứt hết, cũng đã bị nhiếp phục nên không thể gây loạn. Thí như rắn độc, vì bị sức chú thuật nên độc không thể phun nhằm. Thiền là bốn thiền, bốn định vô sắc, bốn tâm vô lượng. Bồ-tát được thiền, tâm tuy mềm dịu song vì an trú trong Giới Ba-la-mật nên cũng không thủ lấy Thanh văn, Bích-chi Phật địa. Bồt tát nghĩ rằng: Ta nên tu Thiền Ba-la-mật, không vì Niết-bàn Tiểu thừa, cũng không vì quả báo, chỉ vì độ chúng sinh nên nói thật tướng các pháp. Trí thật tướng ấy từ thiền định sinh, tâm ấy không bị giác quan làm lay động, cũng không bị tham dục, sân nhuế làm ô trược, buộc tâm một nơi thanh tịnh, mềm dịu, thời phát sinh thật trí. Như nước đứng lặn thì chiếu sáng phân minh. Bồ-tát ở trong Giới Ba-la-mật được thiền ấy, được thiền định nên tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh nên biết các pháp như thật. Pháp hữu vi do nhân duyên hòa hợp sinh, hư dối. Bồ-tát lấy mắt tuệ quán sát không thấy pháp hữu vi ấy có thật. Pháp hữu vi có nhiều tên gọi là tác pháp, hữu vi, số pháp, tướng pháp, hoặc có hoặc không, vì hữu vi nên có thể nói vô vi; tướng hữu vi còn không thể có được, huống gì vô vi.

Hỏi: Pháp hữu vi là có tướng, pháp vô vi là không tướng, nay sao trong pháp hữu vi lại nói không có tướng?

Đáp: Vô vi có hai thứ: Một là tịch diệt không có tướng, không có hý luận, như Niết-bàn; hai là đối đãi nhau, không có nhơn nơi có mà sanh. Như ở tại miếu đường không có con ngựa, có thể sinh vô tâm, vô tâm ấy là nhơn duyên sinh phiền não, làm sao là pháp vô vi được? Vì Bồ-tát không thấy pháp có không, chỉ thấy các pháp như, pháp tánh, thật tế.

Hỏi: Ông trước nói lìa “có” thì không có “không” nay sao nói thấy như, pháp tánh, thực tế?

Đáp: Không thấy pháp hữu vi hoặc thường, lạc, ngã, tịnh, pháp hư dối ấy nếu không có, tức là pháp thật. Vì thấy pháp vô sinh nên có thể xa lìa pháp hữu sinh; pháp vô sinh ấy không có định tướng có thể thủ đắc, chỉ có khả năng khiến người ta xa lìa pháp hữu sinh hư dối, nên gọi là vô sinh. Nếu có được trí tuệ như vậy, lại do sức phương tiện và bổn nguyện bi tâm nên không thủ chứng Nhị thừa mà thẳng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; ấy gọi là Bồ-tát ở trong Giới Ba-la-mật được đầy đủ năm Ba-la-mật.