LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 20
32. GIẢI THÍCH PHẨM BA TAM MUỘI
KINH: Tam muội Không, tam muội Vô tướng, tam muội Vô tác, Bốn thiền, Bốn tâm vô lượng, Bốn định vô sắc, Tám bội xả, Tám thắng xứ; Chín thứ đệ định, Mười nhất thiết xứ.
LUẬN: Hỏi: Vì sao sau Ba mươi bảy đạo phẩm nói tám loại pháp?
Đáp: Ba mươi bảy đạo phẩm là con đường đi đến Niết-bàn. Đi trọn con đường ấy là được đến thành Niết-bàn. Thành Niết-bàn có ba cửa là Không, Vô tướng, Vô tác. Đã nói con đường thì tiếp theo phải nói cửa vào đến nơi. Bốn thiền v.v… là pháp giúp mở cửa.
Lại nữa, Ba mươi bảy đạo phẩm là pháp thượng diệu; tâm ở Dục giới tán loạn, hành giả phải nương đất nào, phương tiện nào mới được? Phải nương các thiền định Sắc giới, Vô sắc giới. Đối với Bốn vô lượng tâm, Bốn vô sắc định, Tám bội xả, Tám thắng xứ, Chín thứ đệ định, Mười nhất thiết xứ, thử nghiệm tâm để biết đã được nhu nhuyến tự tại tùy ý chăng? Ví như người cầm cương thử ngựa chạy quanh co tùy ý, vậy sau mới vào trận chiến đấu. Mười nhất thiết xứ cũng như vậy, quán lấy một vật có sắc xanh, rồi quán thấy hết thảy vật đều khiến xanh cả, hết thảy vàng cả, hết thảy đỏ cả, hết thảy trắng cả, đều như vậy. Lại đối trong các duyên của Tám thắng xứ được tự tại. Sơ và nhị bội xả là quán thân bất tịnh, đệ tam bội xả là quán thân trở lại tịnh. Bốn tâm vô lượng, từ vô lượng thì quán chúng sanh đều vui; bi vô lượng thì quán chúng sanh đều khổ; hỷ thì quán chúng sanh đều mừng. Xả là đối với ba tâm ấy, chỉ quán chúng sanh mà không có tâm thương ghét.
Lại nữa, có hai thứ quán: 1- Được liễu giải quán. 2- Thật quán. Thật quán là Ba mươi bảy đạo phẩm. Vì thật quán khó được nên lần lượt nói được liễu giải quán. Trong liễu giải quán thì tâm được nhu nhuyến, dễ được thật quán. Dùng thật quán được vào ba cửa Niết-bàn.
Hỏi: Thế nào là cửa không của Niết-bàn?
Đáp: Quán các pháp không có ngã, ngã sở. Các pháp do nhân duyên hòa hợp sanh, không có ai làm, không có ai chịu; ấy gọi là cửa không.
Lại nữa, cửa không như trong chương Nhẫn Trí đã nói.
Biết là vô ngã, ngã sở, tại sao chúng sanh đối với các pháp sanh tâm ưa đắm? Hành giả suy nghĩ rằng: Các pháp do nhân duyên sanh, không có pháp thật, chỉ có tướng; các chúng sanh thủ lấy tướng ấy chấp là ngã, ngã sở. Nay ta hãy quán tướng ấy là có thể có thật hay chăng? Quán xét kỹ càng thấy không thể có được. Hoặc tướng nam, tướng nữ, tướng nhất, khác v.v… các tướng ấy thật sự đều không thể có. Vì sao? Vì các pháp vô ngã, ngã sở cho nên không; không cho nên không có pháp nam, nữ, nhất, khác. Trong ngã, ngã sở có danh tự là nhất là khác. Vì thế pháp nam, nữ, nhất, khác thật sự không thể có được.
Lại nữa, bốn đại và bốn đại sở tạo sắc (là sắc, hương, vị, xúc) bao bọc chỗ trống không nên gọi là thân. Trong ấy do nhân duyên của nội nhập và ngoại nhập hòa hiệp sanh thức chủng, thân được hòa hiệp với thức chủng ấy mà làm mọi công việc, nói năng, ngồi đứng, đi lại. Nói trong chỗ hư không có sáu đại chủng (đất, nước, gió, lửa, không, thức) hòa hiệp, miễn cưỡng gọi là nam, miễn cưỡng gọi là nữ. Nếu sáu đại chủng là nam, thì phải có sáu nam chứ không thể lấy một làm sáu, sáu làm một; trong địa chủng cũng không có tướng nam nữ, cho đến trong thức chủng cũng không có tướng nam nữ. Nếu trong mỗi địa chủng không có tướng nam nữ, thì trong khi hòa hiệp cũng không thể có. Ví như sáu con chó, mỗi con không thể sanh ra sư tử; sáu con hợp lại cũng không thể sanh, vì vô tự tánh.
Hỏi: Vì sao không có nam nữ? Tuy thần ngã không có phân biệt, nhưng chính thân thì có phân biệt nam nữ khác nhau. Thân ấy không thể lìa thân phần, thân phần cũng không thể lìa được thân; như thấy phần chân của thân, là biết có pháp để có phần ấy (hữu phần pháp); pháp ấy gọi là thân. Phần chân v.v… của thân khác với thân; thân tức là tướng nam nữ?
Đáp: Thần ngã đã bị phá trước kia, thì thân tướng cũng bị hoại, nay sẽ nói lại: Nếu có pháp hữu phần ấy gọi là thân, thân ấy có đủ ở trong các phần (của nó) hay là thân phần chia ở khắp các phần? Nếu trong các phần đầy đủ các thân, thì trong phần đầu phải có phần chân. Vì sao? Vì trong phần đầu đầy đủ có thân vậy. Nếu thân phần chia ở khắp trong các phần, thì thân và từng phần không có khác nhau. Thân hữu phần tùy thuộc theo các phần vậy.
Hỏi: Nếu phần chân của thân v.v… với pháp có ra phần đó khác nhau, thì có lỗi. Còn nay phần chân của thân v.v… với thân có ra phần ấy không khác nhau, nên không có lỗi?
Đáp: Nếu phần chân của thân v.v… với thân có ra phần ấy không khác nhau, thì đầu tức là chân. Vì sao? Vì hai thứ đó là thân không khác nhau. Lại từng phần của thân có nhiều, mà thân có ra từng phần đó chỉ có một, không thể nhiều làm một, một làm nhiều được.
Lại nữa, vì nhân không có nên quả không có, chẳng phải quả không có nên nhân không có. Nếu từng phần của thân với thân có ra phần ấy không khác nhau, thì có thể quả không có nên nhân không có. Vì sao? Vì nhân quả là một vậy. Trong hoặc một, hoặc khác, tìm thân đều không thể có được. Thân đã không có, thì ở chỗ nào có nam nữ? Nếu có nam nữ, thì nam nữ ấy là thân, hay khác thân? Là thân thì không thể có được. Nếu cho nó ở nơi pháp khác, thì pháp khác chẳng phải là sắc, nên không có tướng nam nữ sai khác. Chỉ do nhân duyên hai đời hòa hiệp, vì tâm điên đảo cho nên gọi là nam nữ, như kệ nói:
Cúi, ngưỡng, co, duỗi, đứng, đi, lại,
Trong, xem, ngó, nói năng, không thật.
Gió nghiệp nương thức có tạo tác,
Thức ấy diệt mất, niệm niệm không.
Kia đây nam nữ khởi tâm ta,
Vì không trí tuệ vọng thấy có,
Xương móc liền nhau da thịt phủ,
Máy móc động tác như người gỗ.
Trong tuy không thật, ngoài tợ người,
Ví như nấu vàng rót vào nước,
Cũng như lửa đồng đốt rừng tre,
Do nhân duyên hợp phát ra tiếng
Các tướng như vậy, như trước đã nói rồi, ở đây nói rộng thêm, ấy gọi là môn Vô tướng.
Vô tác là đã biết vô tướng đều vô tác, ấy gọi là môn Vô tác.
Hỏi: Ba thứ ấy, do trí tuệ quán Không, Vô tướng, Vô tác. Trí tuệ ấy vì sao gọi là Tam muội?
Đáp: Ba thứ trí tuệ ấy, nếu không ở trong định, thì là cuồng tuệ, phần nhiều rơi vào tà nghi, không thể làm được gì. Nếu ở trong định thì có thể phá các phiền não, ngộ được thật tướng các pháp.
Lại nữa, đạo lý này khác với thế gian, trái ngược thế gian. Các thánh nhân ở trong định, chứng được thật tướng mà nói ra, chẳng phải do cuồng tâm nói ra.
Lại nữa, trong các thiền định mà không có ba pháp này, thì không gọi là Tam muội, vì sao? Vì còn thối thất, đọa vào sanh tử, như kệ nói:
Hay trì tịnh giới, gọi Tỳ-kheo,
Hay quán không, gọi người tu định,
Người nhất tâm thường siêng tinh tấn,
Gọi là người chân thật hành đạo.
Vui nhất ở trong các thứ vui,
Đoạn hết khát ái dứt pháp cuồng,
Bỏ thân ngũ uẩn vào đạo pháp,
Ấy là thường vui được Niết-bàn.
Do vậy Phật nói ba môn giải thoát là Tam muội.
Hỏi: Sao gọi là giải thoát môn?
Đáp: Thực hành pháp ấy thì được giải thoát, vào Vô-dư Niết-bàn; do vậy gọi là cửa giải thoát. Vô-dư Niết-bàn là chơn giải thoát, thoát khỏi khổ nơi thân tâm, lấy Hữu-dư Niết-bàn làm cửa. Ba pháp này tuy chẳng phải là Niết-bàn, song là nhân của Niết-bàn, nên gọi là Niết-bàn. Thế gian trong nhân nói quả, trong quả nói nhân. Không, Vô tướng, Vô tác này là tánh định, là tâm tâm sở pháp tương ưng với định, thân nghiệp khẩu nghiệp hành động theo; trong đây khởi lên các tâm bất tương ưng hành hòa hiệp, đều được gọi là Tam muội. Ví như vua đến, chắc chắn có đại thần và kẻ hầu hạ đi theo. Tam muội như vua, trí tuệ như đại thần, các pháp khác như kẻ hầu hạ. Tên các pháp khác tuy không nói ra, nhưng chắc chắn phải có. Vì sao? Vì định lực không đơn độc phát sanh, không thể đơn độc làm gì được. Đây là do các pháp cọng sanh, cọng trụ, cọng diệt, cọng thành; làm lợi ích cho nhau.
– Không Tam muội có hai hành tướng:
- Quán năm thọ uẩn không có tướng một, tướng khác cho nên không.
- Quán ngã, ngã sở pháp, không thể có được nên vô ngã.
– Vô tướng Tam muội có bốn hành tướng là tận, diệt, diệu, xuất. Quán Niết-bàn hết sạch tất cả khổ, nên gọi là tận. Lửa ba độc phiền não v.v… diệt hết, nên gọi là diệt; thứ nhất trong hết thảy pháp nên gọi là diệu; lìa khỏi thế gian nên gọi là xuất.
– Vô tác Tam muội có mười hành tướng: Quán năm thọ uẩn do nhân duyên sanh nên vô thường; thân tâm bị phiền não nên khổ. Quán nhân của năm thọ uẩn có bốn hành tướng: Phiền não và nghiệp hữu lậu hòa hiệp sanh ra khổ quả, nên gọi là tập; do sáu nhân sanh khổ quả, nên gọi là nhân; do bốn duyên sanh khổ quả, nên gọi là duyên; nhân duyên bằng nhau không nhiều không ít sanh ra khổ quả, nên gọi là sanh. Quán năm bất thọ uẩn có bốn hành tướng: Tám thánh đạo phần có thể đưa đến Niết-bàn, nên gọi là đạo; không điên đảo nên gọi là Chánh; chỗ đi của hết thảy Thánh nhân nên gọi là tích; phiền não ái và kiến không ngăn trở được nên gọi là đáo.
Ba giải thoát môn này ở trong chín địa là bốn thiền, vị đáo địa, trung gian thiền và ba vô sắc định, nó thuộc tánh vô lậu. Hoặc có người nói: Ba giải thoát môn, hoàn toàn vô lậu, còn ba Tam muội thì hoặc hữu lậu hoặc vô lậu; do vậy nên có hai tên là Tam muội và Giải thoát. Nói như vầy: Trong Mười một địa là Sáu địa đầu, Ba vô sắc, Dục giới và Hữu đảnh địa. Nếu là hữu lậu thì buộc vào ở cả mười một địa; nếu là vô lậu thì không bị buộc mà có hỷ căn, lạc căn, xả căn tương ưng. Khi Sơ học thì ở tại cõi Dục, thành tựu thì ở tại trong cõi Sắc và Vô sắc. Như vậy, thành tựu không thành tựu, tu không tu; như trong A-tỳ-đàm nói rộng.
Lại nữa, có hai nghĩa “không” để quán hết thảy pháp không; đó là chúng sanh không và pháp không. Chúng sanh không như trên đã nói, còn Pháp không là các pháp tự tướng không. Như Phật nói với Tu-bồ-đề: “Sắc, sắc tướng không; thọ, tưởng, hành, thức, thức tướng không”.
Hỏi: Nói chúng sanh không, pháp chẳng không là có thể tin được, còn nói pháp tự tướng không là không thể tin được. Vì sao? Vì nếu pháp tự tướng không, thì không sanh, không diệt; không sanh không diệt nên không tội không phước; không tội không phước cho nên cần gì học đạo?
Đáp: Có pháp “không” nên mới có tội phước, nếu không có pháp “không” thì không thể có tội phước. Vì sao? Vì nếu các pháp thật có tự tánh, thì không thể biến hoại. Tướng của tánh không từ nhân duyên sanh; nếu từ nhân duyên sanh, là pháp có tạo tác. Nếu pháp tánh là pháp có tạo tác, thì có thể phá hoại; nếu nói pháp tánh, pháp có tạo tác có thể phá hoại, việc ấy không đúng! Tánh gọi là pháp không tạo tác, không chờ nhân duyên mới có. Các pháp tự tánh vốn có, vốn có thì không sanh, vì tánh đã có trước rồi vậy. Nếu không sanh thì không diệt, sanh diệt không có nên không có tội phước. Vì không có tội phước nên cần gì học đạo? Nếu chúng sanh có chơn tánh, thì không ai hại được, không ai làm lợi được, vì tự tánh cố định vậy. Những người như vậy thì không biết ân nghĩa, phá hoại nghiệp nhân và quả báo. Trong pháp “không” cũng không có tướng pháp không. Ông biết pháp không mà ông mang tâm nhiễm trước, nên mới nạn vấn như vậy. Pháp không này, chính chư Phật vì lòng lân mẫn, nên mới nói ra để dứt ái kiết, trừ tà kiến cho chúng sanh.
Lại nữa, thật tướng của các pháp hay dứt hết các khổ và là chỗ chơn thật hành của các Thánh nhân. Nếu pháp không này có tự tánh, thì khi nói hết thảy pháp không, làm sao nó cũng tự không? Nếu không có tự tánh của pháp không, thì ông nạn cái gì?
Do hai không ấy có thể quán các pháp đều không, tâm lìa được các pháp, biết thế gian hư dối như huyễn.
Quán không như vậy, nếu còn chấp thủ tướng không của các pháp, do nhân duyên ấy mà sanh ra các kiết sử kiêu mạn v.v… nói rằng “Ta biết được thật tướng của các pháp” thì lúc này nên phải học môn Vô tướng, để dứt tâm chấp thủ tướng không ấy đi. Nếu trong vô tướng mà còn sanh tâm hý luận, muốn phân biệt có sự tạo tác, chấp trước vào vô tướng ấy thì khi này phải tự suy nghĩ rằng: “Ta bị sai lầm rồi, trong các pháp không vô tướng, làm sao có tướng được, mà chấp thủ tướng nổi lên hý luận?” Lúc này, nên phải hành theo không và vô tướng. Thân, khẩu, ý, không nên có sự tạo tác gì; chỉ nên quán tướng vô tác, diệt ba độc, không nên khởi thân nghiệp ý nghiệp, không nên cầu sanh thân trong ba cõi. Khi tư duy như vậy, trở lại vào môn Vô tác giải thoát.
Ba môn giải thoát này, ở trong Đại thừa chỉ là một pháp, vì nhân duyên thực hành, nên mới có ba thứ.
Quán các pháp không, ấy gọi là không, ở trong không không thể thủ tướng. Bấy giờ “Không” chuyển lại gọi là “Vô tướng”. Trong Vô tướng không nên có tạo tác để sanh vào ba cõi. Bấy giờ “Vô tướng” chuyển lại gọi là Vô tác”; ví như thành có ba cửa, một người không thể một lúc từ cả ba cửa đi vào, nếu vào thì chỉ từ một cửa. Thật tướng các pháp là thành Niết-bàn, thành có ba cửa là Không, Vô tướng, Vô tác. Nếu người vào cửa không, mà không thủ đắc Không ấy, cũng không thủ tướng, người ấy đi thẳng vào. Sự việc xong, không cần đến hai cửa kia nữa. Nếu người vào cửa Không này, mà còn thủ tướng đắc, thì Không ấy, đối với người này không được là cửa; vì đường thông thương đã bị bít lại. Hoặc trừ tướng Không, bấy giờ theo cửa Vô tướng mà vào, nếu đối với tướng Vô tướng mà tâm còn chấp thủ, sanh hý luận, bấy giờ hãy trừ tâm chấp thủ tướng Vô tướng mà vào cửa Vô tác.
Trong nghĩa của A-tỳ-đàm thì Không giải thoát môn này duyên Khổ đế, gồm năm uẩn; Vô tướng giải thoát môn duyên một pháp, đó là thường thường duyên Diệt đế; Vô tác giải thoát môn duyên ba đế gồm năm uẩn.
Trong nghĩa của Đại thừa, ba giải thoát môn này duyên thật tướng các pháp, vì ba giải thoát môn này xem thế gian tức là Niết-bàn. Vì sao?
Vì Niết-bàn là Không, Vô tướng, Vô tác. Thế gian cũng như vậy.
Hỏi: Như kinh nói: “Một cửa Niết-bàn”, sao nay nói có ba?
Đáp: Trên kia đã nói, pháp tuy một mà nghĩa có ba. Lại nữa, người đáng được độ có ba hạng: Hạng tham ái nhiều, hạng chấp kiến nhiều, hạng ái và kiến ngang nhau.
Hạng chấp kiến nhiều thì nói Không giải thoát môn cho họ thấy hết thảy các pháp do nhân duyên sanh, không có tự tánh. Không tự tánh nên không; không cho nên các chấp kiến diệt.
Hạng tham ái nhiều thì nói Vô tác giải thoát môn cho họ thấy hết thảy pháp là vô thường, khổ, do nhân duyên sanh. Thấy rồi thì tâm sẽ nhàm chán mà lìa ái, liền được vào đạo.
Hạng ái và kiến ngang nhau thì nói Vô tướng giải thoát môn cho họ nghe biết tướng nam nữ là không có, cho nên dứt ái; tướng một và khác là không có, cho nên dứt kiến.
Phật, hoặc một lúc nói hai môn, hoặc một lúc nói ba môn. Hàng Bồ-tát nên phải học khắp, biết hết thảy đạo, cho nên Phật nói ba môn. Lại có khi vì muốn thực hành các việc khác, cho nên chỉ nói lược nghĩa của ba môn.
Tứ thiền có hai thứ: 1- Tịnh thiền. 2- Vô lậu thiền. Sao gọi là tịnh? Là năm uẩn hữu lậu thiện. Sao gọi là vô lậu? Là năm uẩn vô lậu. Thân khẩu nghiệp nhiếp vào trong Tứ thiền là sắc pháp, phần nghiệp còn lại chẳng phải là sắc pháp. Hết thảy đều không thể thấy, không đối ngại, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu. Hữu lậu là năm uẩn thiện hữu lậu; vô lậu là năm uẩn vô lậu, đều là hữu vi. Hữu lậu thì bị trói buộc vào sắc, vô lậu thì không bị trói buộc. Thân nghiệp khẩu nghiệp và các tâm bất tương hành thuộc vào trong thiền, là chẳng phải tâm, chẳng phải tâm sở, chẳng phải tâm tương ưng.
Thọ uẩn, tưởng uẩn và tương ưng hành uẩn thuộc vào trong thiền là tâm sở pháp, cũng là tâm tương ưng. Tâm, ý, thức nhiếp vào trong thiền chỉ là tâm.
Tứ thiền hoặc theo tâm hành chẳng phải thọ uẩn tương ưng, hoặc thọ uẩn tương ưng chẳng phải theo tâm hành; hoặc theo tâm hành cũng thọ uẩn tương ưng; hoặc chẳng phải tâm hành chẳng phải thọ uẩn tương ưng.
Tứ thiền theo tâm hành chẳng phải thọ uẩn tương ưng là, thân nghiệp, khẩu nghiệp, các tâm bất tương ưng hành theo tâm hành và thọ uẩn thuộc trong Tứ thiền.
Tứ thiền thọ uẩn tương ưng chẳng phải theo tâm hành là, tâm ý thức nhiếp trong Tứ thiền.
Tứ thiền theo tâm hành cũng thọ uẩn tương ưng là hành uẩn, tưởng uẩn tương ưng hành ấm nhiếp trong Tứ thiền.
Tứ thiền chẳng phải theo tâm hành cũng chẳng phải thọ uẩn tương ưng là, phần các tâm bất tương ưng hành còn lại ngoài theo tâm hành, các tâm tương ưng hành thuộc trong Tứ thiền.
Tưởng ấm, hành ấm tương ưng cũng như vậy.
Trong Tứ thiền, ba thiền sau chẳng phải theo giác hành cũng chẳng phải quán tương ưng. Còn Sơ thiền thì hoặc có khi theo giác hành chẳng phải quán tương ưng; hoặc có khi quán tương ưng chẳng phải theo giác hành; hoặc có khi theo giác hành cũng quán tương ưng; hoặc có khi chẳng phải theo giác hành chẳng phải quán tương ưng.
Sơ thiền theo giác hành chẳng quán tương ưng là thân nghiệp khẩu nghiệp và các tâm bất tương ưng hành theo giác hành và quán.
Sơ thiền có quán tương ưng chẳng phải theo giác hành đó là giác.
Sơ thiền theo giác hành cũng có quán tương ưng là các tâm tâm sở pháp có giác và quán tương ưng.
Sơ thiền chẳng phải theo giác hành cũng chẳng phải quán tương ưng là trừ các tâm bất tương ưng hành theo giác hành, phần các tâm bất tương ưng hành còn lại.
Tứ thiền đều có nhân duyên và cũng cho nhân duyên.
Trong Tứ thiền, Sơ thiền hoặc là thứ đệ duyên, chẳng cho thứ đệ duyên; hoặc là thứ đệ duyên cũng cho thứ đệ duyên; hoặc chẳng phải thứ đệ duyên cũng chẳng cho thứ đệ duyên. Sơ thiền là thứ đệ duyên chẳng cho thứ đệ duyên là tâm tâm sở pháp sắp muốn sanh trong đời vị lai. Sơ thiền là thứ đệ duyên cũng cho thứ đệ duyên là tâm tâm sở pháp trong quá khứ, hiện tại. Sơ thiền chẳng phải thứ đệ duyên cũng chẳng cho thứ đệ duyên là trừ tâm tâm sở pháp sắp muốn sanh trong đời vị lai; phần còn lại của tâm tâm sở pháp, thân nghiệp, khẩu nghiệp và các tâm bất tương ưng hành trong đời vị lai.
Đệ Nhị, đệ Tam thiền cũng như vậy.
Đệ Tứ thiền là thứ đệ duyên chẳng cho thứ đệ duyên là tâm tâm sở pháp sắp muốn sanh vào vô tưởng định hoặc sanh hoặc sắp muốn sanh trong đời vị lai. Đệ Tứ thiền là thứ đệ duyên cũng cho thứ đệ duyên là tâm tâm sở pháp trong quá khứ, hiện tại. Đệ Tứ thiền chẳng phải thứ đệ duyên cũng chẳng cho thứ đệ duyên là trừ tâm tâm sở pháp sắp muốn sanh trong đời vị lai, phần còn lại của tâm tâm sở pháp trong đời vị lai, và trừ tâm thứ đệ, các tâm bất tương ưng hành; phần còn lại của các tâm bất tương ưng hành và thân nghiệp, khẩu nghiệp.
Thân nghiệp, khẩu nghiệp, và các tâm bất tương ưng hành thuộc trong Tứ thiền là cho duyên và chẳng phải duyên; phần còn lại cũng là duyên cũng cho duyên.
Tứ thiền cũng là tăng thượng duyên cũng cho tăng thượng duyên. Những nghĩa như vậy đã phân biệt rộng trong A-tỳ-đàm.
Thiền phương tiện, thiền tướng, thiền chi của Bồ-tát đạt được đều đã nói rõ ở trong Thiền Ba-la-mật.
Hỏi: Trong phần luận nghị về Bát-nhã Ba-la-mật, chỉ nói các pháp tướng không; Bồ-tát làm sao ở nơi không pháp lại có thể khởi lên thiền định?
Đáp: Bồ-tát biết năm dục và năm thứ ngăn che do nhân duyên sanh không có tự tánh, là không, không có gì, nên xả bỏ nó rất dễ. Chúng sanh vì nhân duyên điên đảo đắm say chút ít thứ vui tệ xấu của năm dục, năm thứ ngăn che, nên xa lìa thứ vui thâm diệu trong thiền. Bồ-tát vì hạng chúng sanh đó, khởi tâm đại bi, tu hành thiền định, buộc tâm trong quán duyên, lìa năm dục, trừ năm thứ ngăn che mà vào Sơ thiền rất mừng. Diệt giác quán, nhiếp tâm vào sâu thanh tịnh bên trong, được sự mừng vi diệu mà vào đệ Nhị thiền. Vì sự mừng thâm diệu làm tán loạn định cho nên lìa hết thảy mừng, được cái vui tràn khắp viên mãn mà vào đệ Tam thiền. Lìa hết thảy khổ vui, trừ hết thảy ưu hỷ và hơi thở ra vào; lấy tâm xả thanh tịnh vi diệu để tự trang nghiêm mà vào đệ Tứ thiền.
Ấy là Bồ-tát tuy biết các pháp là không, vô tướng, mà vì chúng sanh không biết, nên lấy thiền tướng để giáo hóa chúng sanh. Nếu thật có “các pháp không” thì không gọi là không; cũng không thể xả bỏ được năm dục mà đắc thiền. Và không có gì bỏ không có gì được, nên không tướng của các pháp cũng bất khả đắc, cho nên không nên nạn rằng “Nếu các pháp không thì làm sao mà đắc thiền”.
Lại nữa, Bồ-tát không phải do chấp thủ tướng, ái trước mà hành thiền; ví như người uống thuốc, cốt để trừ bệnh, chứ không phải vì ngon. Do giới thanh tịnh, trí tuệ thành tựu cho nên hành thiền. Bồ-tát trong mỗi mỗi thiền, thực hành tâm đại từ quán không; đối với thiền không nương tựa gì. Do năm dục thô trọng, dối trá điên đảo cho nên dùng pháp thâm tế vi diệu hư vọng để đối trị, cũng như lấy độc trị độc.
33. GIẢI THÍCH BỐN VÔ LƯỢNG TÂM
Bốn vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Từ là ái niệm chúng sanh; thường tìm việc vui thích an ổn làm lợi ích cho chúng sanh. Bi là mẫn niệm chúng sanh phải chịu mọi sự thân khổ tâm khổ ở trong năm đường. Hỷ là muốn làm cho chúng sanh từ sự vui được hoan hỷ. Xả là xả bỏ ba thứ tâm trên, chỉ nghĩ đến chúng sanh mà không ghét không thương. Tu từ tâm để trừ giác tưởng sân hận đối với chúng sanh; tu bi tâm để trừ giác tưởng não hại đối với chúng sanh; tu hỷ tâm để trừ sự không vui vẻ đối với chúng sanh; tu xả tâm để trừ sự yêu ghét đối với chúng sanh.
Hỏi: Trong Tứ thiền đã có Bốn vô lượng tâm, cho đến Mười nhất thiết xứ; sao nay còn nói riêng?
Đáp: Tuy trong Tứ thiền đều có các pháp đó, song nếu không nói riêng danh tự thì không nói rõ được công đức của nó; cũng như bảo vật ở trong đãy, nếu không mở ra thì người ta không biết. Nếu người muốn được đại phước đức thì nói cho họ Bốn vô lượng tâm; nếu người lo sợ nhàm chán sắc như ở trong lao ngục thì nói cho họ Bốn vô sắc định; nếu người đối với các cảnh duyên không được tự tại, muốn quán cảnh duyên theo ý mình thì nói cho họ Tám thắng xứ; nếu người có bị ngăn đạo không được thấu suốt thì nói cho họ Tám bội xả; nếu người tâm không điều hòa nhu nhuyến không thể từ thiền khởi dậy thứ lớp nhập thiền, thì nói cho họ Chín thứ đệ định; nếu người không được hết thảy cảnh duyên soi khắp để tùy ý được hiểu rõ, thì nói cho họ Mười nhất thiết xứ .
Nếu trong khi nghĩ tới mười phương chúng sanh, muốn làm cho họ được an vui; trong tâm tâm sở pháp phát sanh một pháp gọi là Từ. Thọ, tưởng, hành, thức uẩn tương ưng với Từ; ấy gọi là tâm sở pháp. Từ đó khởi lên thân nghiệp khẩu nghiệp và các tâm bất tương ưng hành, các pháp này hòa hợp, đều gọi là Từ. Do Từ mà các pháp ấy sanh; lấy Từ làm chủ, cho nên được gọi là Từ. Cũng như hết thảy tâm tâm sở pháp, tuy đều là nghiệp làm nhân duyên cho đời sau, nhưng chỉ có tâm sở Tư được gọi là nghiệp; vì trong sự tạo nghiệp, tâm sở tư có sức mạnh hơn cả. Bi, Hỷ, Xả cũng như vậy.
Tâm Từ này ở tại Sắc giới hoặc hữu lậu hoặc vô lậu; hoặc có thể đoạn hoặc không thể đoạn. Từ cũng có trong căn bản thiền, cũng có trong trung gian thiền.
Từ tương ưng với ba căn hỷ, lạc, xả, trừ khổ căn, ưu căn. Các nghĩa như vậy trong A-tỳ-đàm có phân biệt nói rõ.
Chấp thủ tướng chúng sanh nên tâm Từ thành hữu lậu; thủ tướng rồi đi vào thật tướng của các pháp, nên Từ thành vô lậu. Do vậy trong câu hỏi của Vô Tận Ý Bồ-tát nói Từ có ba thứ là chúng sanh duyên từ, pháp duyên từ và vô duyên từ.
Hỏi: Bốn vô lượng tâm này làm sao thực hành?
Đáp: Như Phật nói trong các kinh: Có vị Tỳ-kheo do tâm tương ưng với Từ: không sân không hận, không oán không não, quảng đại vô lượng, khéo tu. Tâm Từ rải khắp chúng sanh ở thế giới phương Đông; tâm Từ rải khắp chúng sanh ở mười phương thế giới, phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên dưới. Tâm tương ưng với Bi, Hỷ, Xả cũng rải khắp như vậy.
Tâm tương ưng với Từ, Từ là tâm sở pháp, có thể trừ sự rối rắm ô trược trong tâm; đó là các phiền não sân hận xan tham v.v…; ví như viên ngọc tịnh thủy bỏ vào nước, nước liền trong.
Không sân hận là, đối với chúng sanh hoặc có nhân duyên hoặc không có nhân duyên mà nổi sân; hoặc muốn ác khẩu mắng nhiếc, sát hại cướp đoạt, ấy gọi là sân. Chờ thời tiết, được nơi chốn, có thế lực thì sẽ làm hại, ấy gọi là hận. Lấy tâm Từ trừ hai sự ấy, gọi là vô sân vô hận.
Không oán không não là, hận tức là oán, khi mới hiềm khích là hận, hận lâu thành oán, khởi thân khẩu nghiệp làm hại gọi là não.
Lại nữa, khi mới sanh sân kết gọi là sân, sân tăng trưởng, tính toán, ôm giữ trong lòng chưa được giải quyết, gọi là hận; cũng gọi là oán. Nếu tâm đã quyết định, không còn úy kỵ gì, thì gọi là não. Lấy sức của tâm Từ trừ bỏ, xa lìa ba việc ấy, ấy gọi là không sân không hận. Phật lấy sự không sân không hận, không oán không não ấy mà tán thán tâm Từ.
Hết thảy chúng sanh đều sợ khổ mà tham vui; sân là nhân duyên của khổ, Từ là nhân duyên của vui. Chúng sanh nghe được Từ tam muội này có công năng trừ khổ, có công năng cho vui, nên nhất tâm siêng tinh tấn, thực hành Tam muội ấy. Do vậy nên không sân không hận, không oán không não.
Quảng, đại, vô lượng là, một tâm Từ mà phân biệt có ba tên: Quảng là một phương, đại là cao xa, vô lượng là hạ phương và chín phương kia.
Lại nữa, hạ phương là quảng, trung phương là đại, thượng phương là vô lượng.
Lại nữa, duyên đến tâm chúng sanh trong bốn phương gọi là quảng, duyên đến tâm chúng sanh ở bốn góc gọi là đại; duyên đến tâm của chúng sanh ở thượng hạ phương gọi là vô lượng.
Lại nữa, phá tâm sân hận gọi là quảng, phá tâm oán gọi là đại, phá tâm não gọi là vô lượng.
Lại nữa, hết thảy tâm phiền não, kẻ tiểu nhân thi hành thì sanh tiểu sự, nên gọi là nhỏ. Lại nhỏ hơn thế nên gọi là sân hận, oán não. Phá cái nhỏ trong cái nhỏ ấy, gọi là quảng đại vô lượng. Vì sao? Vì đại nhân duyên thường phá được tiểu sự.
Quảng tâm là sợ tội, sợ đọa địa ngục nên trừ bỏ ác pháp trong tâm. Đại tâm là tin ưa quả báo phước đức nên trừ bỏ điều ác trong tâm.
Vô lượng tâm là vì muốn được Niết-bàn nên trừ bỏ điều ác trong tâm.
Lại nữa, hành giả giữ giới thanh tịnh, ấy là tâm rộng; thiền định đầy đủ ấy là tâm lớn; trí tuệ thành tựu ấy là tâm lượng. Lấy Từ tâm này nghĩ đến bậc Thánh nhân đắc đạo; ấy gọi là vô lượng tâm. Dùng vô lượng pháp phân biệt bậc Thánh nhân, nghĩ tới chỗ tôn quý của chư thiên và loài người nên gọi là đại tâm. Nghĩ đến các nơi hạtiện khác và chúng sanh trong ba ác đạo, ấy gọi là quảng tâm. Lấy tâm Từ nghĩ đến chúng sanh được thương yêu rộng hơn nghĩ đến mình, gọi là quảng tâm. Tâm từ nghĩ đến người không yêu không ghét, gọi là đại tâm. Đem tâm từ nghĩ đến kẻ oán ghét, công đức ấy rất nhiều nên gọi là vô lượng tâm.
Lại nữa, vì đối với tâm duyên cảnh hạn hẹp, nên gọi là quảng; vì đối với tâm duyên cảnh nhỏ nên gọi là đại; vì đối với tâm có lượng nên gọi là vô lượng. Phân biệt các nghĩa như vậy.
Khéo tu là, tâm Từ bền chắc. Khi mới có được tâm Từ, không gọi là tu. Chẳng phải chỉ đối với chúng sanh mình thương yêu, chẳng phải chỉ đối với chúng sanh tốt, chẳng phải chỉ đối với chúng sanh có ích cho mình, chẳng phải đối với chúng sanh trong một phương mà gọi là khéo tu. Nhưng thực hành lâu ngày được sâu xa ưa thích; đối với ba hạng chúng sanh thương, ghét và không thương không ghét, xem bình đẳng không khác. Đối với mười phương chúng sanh trong năm đường, lấy một tâm từ xem đó như cha như mẹ, như anh em, chị em con cháu, tri thức; thường cầu sự tốt đẹp cho họ; muốn làm cho họ được lợi ích an ổn.
Tâm như vậy phổ biến khắp chúng sanh trong mười phương. Tâm Từ như vậy, gọi là chúng sanh duyên từ. Tâm từ này phần nhiều hạng phàm phu, hạng hữu học chưa dứt hết lậu thực hành.
Pháp duyên từ là, hàng A-la-hán lậu tận, Bích-chi Phật và chư Phật, các bậc Thánh nhân phá hết tướng tự ngã, diệt hết tướng một và khác; chỉ quán tất cả đều do nhân duyên tương tục sanh các dục. Khi bậc Thánh thường nghĩ đến chúng sanh, thấy đều do nhân duyên hòa hợp tương tục sanh, chỉ là không. Năm uẩn tức là chúng sanh, nghĩ đến năm uẩn ấy, nên đem từ tâm nghĩ đến chúng sanh vì không biết pháp không ấy nên thường một mặt mong muốn được vui. Thánh nhân thương xót làm cho được vui theo ý muốn. Đây là vì theo phép thế tục, nên gọi là pháp duyên từ.
Vô duyên từ là tâm Từ chỉ chư Phật mới có. Vì sao? Vì tâm chư Phật không trụ trong tánh hữu vi, vô vi; không nương tựa vào đời quá khứ, vị lai, hiện tại; biết các duyên không thật, đều là điên đảo hư dối, nên tâm không duyên gì. Song vì thấy chúng sanh không biết thật tướng của các pháp, mà phải bị qua lại năm đường, tâm đắm theo các pháp, phân biệt lấy, bỏ; nên Phật đem trí tuệ biết về thật tướng các pháp, khiến cho chúng sanh ngộ được; ấy gọi là vô duyên từ. Cũng như cấp thí cho người nghèo hoặc tài vật, hoặc vàng bạc bảo vật, hoặc như ý trân châu. Tâm Từ duyên chúng sanh, duyên pháp, duyên vô duyên cũng như vậy. Ấy là lược nói nghĩa của tâm Từ. Tâm Bi cũng như vậy, đem tâm lân mẫn xem thấy mười phương chúng sanh chịu khổ, suy nghĩ rằng: Chúng sanh thật đáng thương, chớ để chúng sanh chịu các khổ ấy, cho nên tâm không sân không hận, không oán không não; cho đến khắp cả mười phương cũng như vậy.
Hỏi: Có ba hạng chúng sanh: Có hạng thọ vui, như chư thiên và một phần loài người; có hạng thọ khổ, như chúng sanh ở ba đường ác và một phần loài người; có hạng thọ không khổ không vui, như một ít trong năm đường. Tại sao người thực hành tâm Từ xem thấy chúng sanh đều thọ vui; người thật hành tâm bi xem thấy hết thảy chúng sanh đều thọ khổ?
Đáp: Hành giả khi muốn học tâm Từ vô lượng thì trước tiên phát nguyện rằng: Nguyện chúng sanh được thọ các thứ vui. Nắm lấy tướng người thọ vui, nhiếp tâm vào thiền, tướng ấy dần dần tăng rộng; tức thấy chúng sanh đều thọ vui; ví như cọ lửa, trước tiên lấy cỏ mịn, phân bò khô, cho đến khi thế lửa càng lớn có thể đốt cây tươi lớn, Từ tam muội cũng như thế, khi mới phát sanh tâm nguyện Từ thì chỉ cập đến thân tộc, tri thức; đến khi tâm từ càng rộng lớn, thì kẻ oán người thân đồng đẳng đều thấy họ được vui; ấy là thiền định về tâm Từ được tăng trưởng thành tựu vậy. Bi, Hỷ, Xả cũng như vậy.
Hỏi: Trong tâm Bi nắm lấy tướng người thọ khổ, trong tâm Hỷ nắm lấy tướng người thọ mừng; còn trong tâm Xả thì nắm lấy tướng gì?
Đáp: Nắm lấy tướng người thọ không khổ không vui. Hành giả do tâm ấy dần dần lớn rộng thì thấy hết thảy đều thọ không khổ không vui.
Hỏi: Trong ba thứ tâm Từ, Bi, Hỷ đều phải có phước đức; còn tâm đối với chúng sanh thọ không khổ không vui thì có được lợi ích gì?
Đáp: Hành giả nghĩ rằng: Hết thảy chúng sanh khi hết vui thì bị khổ; khi đang khổ thì là khổ; nếu được không khổ không vui thì an ổn. Đó là lợi ích. Hành giả thực hành tâm Từ tâm Hỷ, thì hoặc có khi tâm tham đắm phát sanh; thực hành tâm Bi, thì hoặc có khi tâm u sầu phát sanh, vì tham và ưu nên tâm loạn. Nhập vào tâm Xả này thì trừ tâm tham và ưu ấy, tâm tham và ưu trừ nên gọi là tâm Xả.
Hỏi: Tâm Bi, tâm Xả khác nhau có thể biết được; còn tâm Từ làm cho chúng sanh vui, tâm hỷ làm cho chúng sanh mừng; vui và mừng có gì sai khác?
Đáp: Thân vui gọi là vui, tâm vui gọi là mừng. Vui tương ưng với năm thức gọi là vui, vui tương ưng với ý thức gọi làmừng. Trong năm trần sanh vui gọi là vui, trong pháp trần sanh vui gọi là mừng. Trước tiên cầu vui, nguyện cho chúng sanh đều được; từ nhân của vui làm cho chúng sanh được mừng; như người thương kẻ nghèo, trước cho bảo vật, gọi là vui, sau dạy cho buôn bán được thọ năm dục lạc gọi là mừng.
Lại nữa, nguyện cho chúng sanh được cái vui cõi Dục gọi là vui; nguyện cho chúng sanh được cái vui cõi Sắc gọi là mừng.
Lại nữa, cái vui tương ưng với năm thức ở cõi Dục gọi là vui, cái vui tương ưng với ba thức ở Sơ thiền, tất cả cái vui trong Tam thiền gọi là vui; cái vui tương ưng với ý thức ở cõi Dục và Sơ thiền, tất cả cái vui ở Nhị thiền gọi là mừng.
Vui thô gọi là vui, vui tế gọi là mừng. Khi ở trong nhân gọi là vui, khi ở trong quả gọi là mừng. Khi mới được vui gọi là vui; tâm hân hoan phát ra bên trong, tướng vui hiện ra bên ngoài, ca múa nhảy nhót, gọi là mừng. Ví như khi mới uống thuốc gọi là vui, khi thuốc ngấm khắp thân gọi là mừng.
Hỏi: Nếu như vậy, sao không hòa hiệp hai tâm làm một vô lượng, mà lại chia ra làm hai pháp?
Đáp: Hành giả sơ tâm chưa nhiếp phục được, chưa có thể thương chúng sanh một cách sâu xa, nên chỉ cho vui. Khi tâm nhiếp phục, thương chúng sanh một cách sâu xa, cho nên mới cho mừng. Do vậy nên trước vui rồi sau mừng.
Hỏi: Nếu như vậy, sao không theo thứ lớp “Từ” tiếp đến “Hỷ”?
Đáp: Khi thực hành tâm Từ, yêu chúng sanh như con đẻ, nguyện cho nó vui; ra khỏi Từ Tam muội nên thấy chúng sanh chịu đủ thứ khổ, mới phát tâm thâm ái thương xót chúng sanh làm cho nó được cái vui sâu xa; ví như cha mẹ tuy thương yêu con, nếu con bị bệnh nguy cấp, khi ấy tâm thương yêu càng nặng. Bồ-tát cũng như vậy. Nhập vào tâm bi xem thấy chúng sanh khổ, sanh lòng thương xót bèn cho cái vui sâu xa. Do lẽ đó, tâm Bi ở chặng giữa.
Hỏi: Nếu thâm ái chúng sanh như vậy, sao lại còn thực hành tâm Xả?
Đáp: Hành giả thường quán sát như vậy: Thường không xả bỏ chúng sanh, mà chỉ xả bỏ ba tâm ấy. Vì cớ sao? Vì để phòng việc bỏ rơi các pháp môn khác. Cũng là do tâm Từ muốn làm chúng sanh vui, mà thực tế không làm cho vui được; tâm Bi muốn làm chúng sanh lìa khổ, mà thực tế không làm cho được lìa khổ. Khi thực hành tâm Xả cũng không thể làm cho chúng sanh được đại hỷ. Đây mới chỉ là nhớ tưởng, chứ chưa có thật sự. Muốn làm cho chúng sanh được thật sự lìa khổ được vui, thì phải phát tâm làm Phật, thực hành sáu Ba-la-mật, đầy đủ Phật pháp, mới làm cho chúng sanh được thật sự vui. Do vậy nên bỏ ba tâm ấy, mà vào tâm Xả này. Từ, Bi, Hỷ có tâm yêu thương sâu xa nên bỏ chúng sanh khó, còn tâm Xả này dễ rời bỏ được.
Hỏi: Bồ-tát thực hành sáu Ba-la-mật cho đến khi thành Phật, cũng không thể làm cho hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui; vậy tại sao chỉ nói ba tâm Từ, Bi, Hỷ ấy chỉ là sanh tâm nhớ tưởng mà không có thật sự?
Đáp: Vị Bồ-tát khi được làm Phật, tuy không thể làm cho hết thảy chúng sanh được vui, nhưng Bồ-tát phát thệ nguyện rộng lớn, từ đại nguyện ấy được quả báo phước đức lớn; nhờ được quả báo lớn nên có thể làm lợi ích lớn. Hàng phàm phu, Thanh-văn thực hành bốn vô lượng tâm, chỉ vì tự điều phục, tự lợi ích, cũng chỉ nhớ suông đến chúng sanh; còn các Bồ-tát thực hành tâm Từ là muốn làm cho chúng sanh lìa khổ được vui. Do nhân duyên của tâm Từ ấy, cũng tự được phước đức, cũng giáo hoá người khác làm phước đức. Khi thọ quả báo, hoặc Chuyển luân Thánh vương thì làm được nhiều việc lợi ích hoặc Bồ-tát xuất gia hành thiền, dẫn đạo chúng sanh, dạy cho hành thiền, được sanh vào thế giới thanh tịnh, thọ tâm vui vô lượng; hoặc khi làm Phật, cùng với vô lượng vô số chúng sanh, vào Vô-dư Niết-bàn. So với sự lợi ích của tâm nguyện suông, thì đây là lợi ích lớn; cho đến còn lưu lại Xá-lợi và pháp cũng làm lợi ích rất nhiều.
Lại nữa, nếu một đức Phật độ hết tất cả chúng sanh, thì các đức Phật khác không còn độ ai; thế là không có Phật vị lai, là dứt giống Phật. Có các lỗi như vậy, do đó có một đức Phật không độ hết tất cả chúng sanh.
Lại nữa, tính của chúng sanh từ ngu si mà có, không có thật pháp nhất định; các đức Phật trong ba đời mười phương tìm tính chúng sanh thật không thể có được, làm sao độ hết tất cả.
Hỏi: Nếu chúng sanh là trống không, không thể độ hết, thì một ít chúng sanh cũng đều là không; làm sao có thể độ phần ít ấy?
Đáp: Tôi nói các đức Phật trong ba đời mười phương tìm thật tánh của hết thảy chúng sanh không thể được, nên không có độ; mà ông thì nạn hỏi rằng sao Phật không độ hết, thế là ông bị thua. Ông bị thua không tự cứu được, mà còn nạn hỏi rằng trong chỗ không có chúng sanh, thì nhiều và ít cùng một loại, cớ sao độ phần ít; thế là ông bị thua thêm một lần nữa.
Lại nữa, trong thật tướng đệ nhất nghĩa của các pháp thì không có chúng sanh cũng không có độ; chỉ vì theo pháp thế tục mà nói là có độ. Ông ở trong pháp thế tục tìm đệ nhất nghĩa, việc ấy không thể được; cũng như trong ngói đá tìm trân bảo là không thể được.
Lại nữa, chư Phật từ khi mới phát tâm, cho đến khi pháp tận, ở khoảng trung gian ấy, có công đức gì đều là pháp có tạo tác, có hạn có lượng, có trước có sau; cho nên có độ chúng sanh cũng phải có lượng. Không thể đem pháp theo nhân duyên quả báo có lượng mà độ hết vô lượng chúng sanh; như đại lực sĩ, thế mạnh của cây cung tuy lớn mà mũi tên bay xa thì phải rớt; cũng như ngọn lửa lớn lúc kiếp tận, đốt cháy ba ngàn thế giới, sáng rực vô lượng, nhưng lâu cũng phải tắt. Bồ-tát thành Phật cũng như vậy. Từ khi mới phát tâm, cầm cây cung tinh tấn, dùng mũi tên trí tuệ, găm sâu vào Phật pháp, làm Phật sự to lớn cũng sẽ phải dứt. Khi Bồ-tát được Nhất thế chủng trí, thân phóng ra ánh sáng, chiếu soi vô lượng thế giới; mỗi mỗi ánh sáng biến hóa làm vô lượng thân, độ mười phương vô lượng chúng sanh. Sau khi nhập Niết-bàn, Xá-lợi và tám vạn bốn ngàn pháp tu hóa độ chúng sanh; ví như ngọn lửa lúc kiếp tận chiếu ra, lâu cũng phải dứt.
Hỏi: Ông tự nói ánh sáng biến hóa làm vô lượng thân, để độ mười phương vô lượng chúng sanh; nay sao lại nói vì nhân duyên có lượng nên độ chúng sanh cũng có lượng?
Đáp: Vô lượng có hai thứ:
1. Thật vô lượng. Các thánh nhân không thể lượng được; ví như hư không, Niết-bàn, tính chúng sanh; đó là không thể lường.
2. Pháp có thể lượng nhưng vì sức kém không lường được; như núi Tu-di, nước biển cả, cân lượng, số giọt nhiều ít, chư Phật Bồ-tát biết được; còn chư thiên và người đời không thể biết được. Phật độ chúng sanh cũng như vậy.
Các đức Phật biết được nhưng chẳng phải các ông biết được, cho nên nói là vô lượng.
Lại nữa, các pháp nhân duyên hòa hiệp sanh, không có tự tánh; tự tánh không có cho nên thường không; trong thường không, không thể có chúng sanh được, như Phật nói:
Khi ta ngồi đạo tràng,
Trí tuệ không thể được,
Tay không gạt trẻ nhỏ,
Để độ thoát hết thảy.
Thật tướng của các pháp,
Là tướng của chúng sanh,
Nếu nắm tướng chúng sanh,
Thời xa lìa thật đạo.
Thường niệm tướng “thường không”,
Người ấy chẳng hành đạo,
Trong pháp không sanh diệt,
Mà khởi tướng phân biệt,
Nếu phân biệt nhớ tưởng,
Ấy chính là lưới Ma,
Không động, không nương tựa,
Ấy chính là pháp ấn.
Hỏi: Nếu vui có hai phần là tâm Từ và tâm Hỷ thì Tâm Bi quán khổ sao không có hai phần?
Đáp: Vui là điều mà chúng sanh ưa thích nhất nên có hai phần; còn khổ thì chúng sanh không thích không nhớ nên không có hai phần. Lại khi thọ vui, tâm mềm; khi thọ khổ, tâm cứng. Như Vi-đà-du em của vua A-dục, được phép làm vua cõi Diêm-phù-đề trong bảy ngày, với năm dục thượng diệu tùy ý thụ hưởng. Qua khỏi bảy ngày, vua A-dục hỏi: “vua Diêm-phù-đề hưởng vui sung sướng chăng?” Đáp: “Em không thấy, không nghe, không biết. Vì sao? Tên Chiên-đà-la cứ mỗi ngày rung linh hô lớn: “Trong bảy ngày đã qua đi một, hai v.v… ngày, quá bảy ngày thì ông phải chết”. Em nghe âm thanh ấy nên tuy làm vua Diêmphù-đề có đầy đủ năm dục thượng diệu, nhưng vì nỗi lo khổ sâu xa mà không nghe không thấy gì cả.”
Do đó nên biết thế lực của khổ nhiều, thế lực của vui yếu. Nếu người toàn thân thọ vui, mà chỉ bị đâm một chỗ, là sự vui đều biến mất, chỉ còn thấy khổ; vì thế lực của vui yếu vậy. Sự vui có hai phần là mạnh; nhưng thế lực của khổ nhiều, nên chỉ một chỗ khổ cũng đủ thấy rõ ràng.
Hỏi: Thực hành Bốn vô lượng tâm ấy được quả báo gì?
Đáp: Phật nói: Vào Từ tam muội, hiện tại được năm công đức là: Vào lửa không cháy, trúng độc không chết, binh đao không tổn thương, trọn đời không bị hoạnh tử và thiện thần ủng hộ; do làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh nên được vô lượng phước đức ấy. Do tâm hữu lậu vô lượng duyên theo chúng sanh ấy nên được sanh chỗ thanh tịnh; đó là Sắc giới.
Hỏi: Sao Phật nói quả báo của tâm Từ được sanh vào cõi Phạmthiên?
Đáp: Vì Phạm-thiên là chỗ chúng sanh tôn quý, ai nấy đều nghe đều biết. Phật ở nước Thiên Trúc, tại nước Thiên Trúc thường có nhiều Bà-la-môn; mà pháp của Bà-la-môn hễ có phước đức gì đều nguyện sanh cõi Phạm-thiên. Nếu chúng sanh nghe nói hành Từ tâm được sanh cõi Phạm-thiên, thì đa số theo thực hành pháp Từ. Do vậy Phật nói hành Từ sanh Phạm-thiên.
Lại nữa, vì trời dứt bỏ dâm dục đều gọi là Phạm vậy, và nói Phạm là gồm cả Sắc giới. Do vậy nên đoạn dâm dục gọi là phạm hạnh. Lìa dục cũng gọi là Phạm. Nếu nói Phạm thì gồm cả Tứ thiền, Tứ vô sắc định.
Lại nữa, giác và quán khó dứt nên không nói theo tên cõi trên; ví như trong năm giới, về giới miệng chỉ có nói một điều bất vọng ngữ, là đã gồm cả ba điều kia.
Hỏi: Tâm Từ có năm công đức: tâm Bi, Hỷ, Xả sao không nói có công đức?
Đáp: Như trên đã ví dụ, nói một là gồm cả ba. Đây cũng như vậy, nếu nói Từ là đã nói Bi, Hỷ, Xả.
Lại nữa, Từ là chơn vô lượng, Từ ví như vua; ba sự kia là tùy tùng như nhân dân. Vì sao? Vì trước lấy tâm Từ muốn làm cho chúng sanh được vui; khi thấy có kẻ không được vui mới sanh tâm Bi muốn làm cho chúng sanh lìa khổ; tâm được pháp lạc, cho nên sanh tâm mừng. Đối với ba việc không ghét không yêu, không tham không ưu, cho nên sanh tâm Xả.
Lại nữa, Từ là đem vui cho chúng sanh, nên trong kinh Tăng-nhất A-hàm nói Từ có năm công đức. Tâm Bi như trong kinh Đại thừa, nơi nơi đều nói công đức của Bi; như trong Kinh Võng Minh Bồ-tát nói rằng: Bồ-tát ở giữa chúng sanh thực hành ba mươi hai thứ Bi, dần dần lớn rộng chuyển thành đại Bi. Đại Bi là cội gốc công đức của hết thảy chư Phật, Bồ-tát; là mẹ của Bát-nhã Ba-la-mật; là tổ mẫu của chư Phật. Bồ-tát do tâm đại bi nên được Bát-nhã Ba-la-mật; được Bát-nhã Ba-la-mật nên được làm Phật. Như vậy nhiều cách tán thán tâm đại Bi. Tâm Hỷ, tâm Xả các chỗ khác cũng có tán thán. Hai tâm Từ, Bi biến khắp to lớn nên tán thán công đức nó; vì Từ là công đức khó có, vì Bi là có khả năng thành tựu đại nghiệp.
Hỏi: Phật nói bốn công đức vô lượng, Từ tâm giỏi tu, khéo tu, được phước cùng tột đến Biến-tịnh-thiên; Bi tâm giỏi tu, khéo tu, được phước cùng tột đến Hư-không-vô-biên-xứ; Hỷ tâm giỏi tu, khéo tu, được phước cùng tột đến Thức-vô-biên-xứ; Xả tâm giỏi tu, khéo tu, được phước cùng tột đến Vô-sở-hữu-xứ. Sao đây nói quả báo của Từ tâm được sanh cõi trời Phạm-thiên?
Đáp: Pháp của chư Phật không thể tư nghì, tùy mỗi chúng sanh đáng được độ như thế nào thì nói như thế ấy.
Lại nữa, từ nơi Từ định khởi dậy hồi hướng đến đệ Tam thiền dễ; từ nơi Bi định khởi dậy hồi hướng đến Hư-không-vô-biên-xứ dễ; từ nơi Hỷ định khởi dậy mà nhập vào Thức-vô-biên-xứ dễ; từ nơi Xả định khởi dậy hồi hướng mà nhập vào Vô-sở-hữu-xứ dễ.
Lại nữa, tâm Từ nguyện làm cho chúng sanh được vui, quả báo ấy
tự nhiên được thọ vui. Trong ba cõi, cõi trời Biến tịnh là rất vui vậy, nên nói phước cùng tột đến Biến tịnh thiên. Bi tâm quán thấy chúng sanh bị khổ sanh già bệnh chết, tàn hại, hành giả sanh tâm thương xót, làm thế nào để họ được lìa khổ? Nếu trừ nội khổ, thì ngoại khổ lại đến. Hành giả suy nghĩ: “Có thân là có khổ; chỉ có vô thân mới là không khổ”. Hư không có thể phá sắc, cho nên phước cùng tột là đến Hư-không-vô-biênxứ. Tâm Hỷ muốn cho chúng sanh tâm thức được vui, người tâm thức được vui là tâm được lìa thân; như chim ra khỏi lồng. Tâm ở Hư-khôngxứ, tuy được lìa khỏi thân mà tâm còn buộc nơi hư không. Thức xứ vô lượng, ở trong hết thảy pháp đều có tâm thức, thức được tự tại vô biên; do vậy nên phước cùng tột của Hỷ tâm là ở tại Thức-vô-biên-xứ.
Xả tâm là xả khổ lạc trong chúng sanh. Khổ lạc đã xả nên được chơn xả pháp; đó là Vô-sở-hữu-xứ. Do vậy nên phước của tâm xả cùng tột đến Vô-sở-hữu-xứ. Bốn vô lượng tâm như vậy, chỉ Thánh nhân có được; chẳng phải phàm phu có được.
Lại nữa, Phật biết các đệ tử đời vị lai vì căn độn nên phân biệt chấp trước các pháp, nói sai về tướng của Bốn vô lư ợng như vầy: “Bốn tâm vô lượng này duyên theo chúng sanh nên chỉ là hữu lậu; chỉ duyên theo Dục giới nên không có ở trong Vô sắc giới. Vì sao? Vì Vô sắc giới không duyên Dục giới”. Để dứt vọng kiến của hạng người ấy, nên Phật nói Bốn tâm vô lượng ở trong Vô sắc giới. Phật nói vì Bốn tâm vô lượng duyên khắp mười phương chúng sanh nên cũng phải duyên Vô sắc giới; như trong lời hỏi của Bồ-tát Vô-tận-ý nói: “Từ có ba thứ là chúng sanh duyên, pháp duyên và vô duyên”. Người viết luận nói: “Chúng sanh duyên là hữu lậu, vô duyên là vô lậu”. Pháp duyên hoặc hữu lậu hoặc vô lậu. Các nghĩa như vậy, được nói về Bốn tâm vô lượng.
Bốn vô sắc định là Hư-không-xứ, Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-hữutưởng-phi-vô-tưởng-xứ. Bốn vô sắc này có ba loại:
1- Có cấu nhiễm 2- Sanh ra đã có được 3- Thực hành mà có được.
Có cấu nhiễm là trong Vô-sắc giới gồm có ba mươi mốt kiết sử, và tâm bất tương ưng hành pháp từ kiết sử ấy khởi lên. Sanh ra có được là thực hành vô sắc định; do nhân duyên của nghiệp báo ấy, nên khi sanh vào Vô sắc giới, được có bốn uẩn vô ký không ẩn mất. Thực hành mà có được là quán sắc ấy thô xấu, khổ trọng, già bệnh, sát hại v.v… là nhân duyên của các khổ não; như trọng bệnh, như ung nhọt, như mũi độc, đều là vọng ngữ hư dối, nên phải trừ bỏ. Suy nghĩ như vậy rồi, vượt qua hết thảy các sắc tướng, dứt hết thảy tướng có đối ngại; không nghĩ nhớ đến hết thảy tướng sai khác, mà nhập vào định Vô biên hư không xứ.
Hỏi: Làm sao diệt được ba loại tướng ấy?
Đáp: Ba loại tướng ấy đều do nhân duyên hòa hợp sanh, nên không có tự tánh; tự tánh không có nên ba loại tướng ấy hư dối không thật, dễ có thể diệt được.
Lại nữa, sắc ấy phân biệt từng phần phá tan, sau đó hòan toàn không có; do sau không có nên nay cũng không. Chúng sanh vì điên đảo nên đối với sắc hòa hiệp chấp thủ tướng nhất tướng dị, tâm nhiễm trước theo sắc tướng; ta nay không nên học theo người ngu, mà nên tìm sự thật; trong sự thật không có tướng một, tướng khác.
Lại nữa, suy nghĩ rằng: Nếu ta trừ khước, xa lìa các pháp, thì được lợi ích sâu xa. Trước hết ta xả bỏ tài vât, vợ con mà xuất gia, trì giới thanh tịnh, tâm được an ổn không sợ không hãi, lìa các dục, các pháp ác bất thiện. Lìa dục sanh hỷ lạc, được vào Sơ thiền; lìa giác quán, bên trong thanh tịnh mà được vui mừng lớn trong đệ Nhị thiền, lìa thứ mừng của Nhị thiền mà ở vào đệ Tam thiền, được thứ vui đệ nhất trong các thứ vui. Bỏ thứ vui này mà được xả niệm thanh tịnh trong đệ Tứ thiền. Nay xả bốn thiền ấy nên lại được diệu định. Do vậy, vượt qua tướng sắc, diệt tướng có đối ngại, không niệm đến tướng sai khác.
Phật nói có ba thứ sắc: Có thứ sắc có thể thấy và có đối ngại, có thứ sắc không thể thấy và có đối ngại, có thứ sắc không thể thấy và không đối ngại Vượt qua tướng sắc là chỉ cho sắc có thể thấy và có đối ngại; diệt tướng có đối ngại là chỉ cho sắc không thể thấy có đối ngại; không niệm tướng khác là chỉ cho sắc không thể thấy không đối ngại.
Lại nữa, mắt thấy sắc biến hoại, gọi là vượt qua sắc; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc biến hoại, gọi là vượt qua tướng sắc có đối ngại. Các sắc còn lại ngoài hai sắc trên, và vô giáo sắc (vô biểu sắc) các thứ phân biệt, gọi là tướng sắc sai khác. Quán như vậy thì xa lìa phần ô nhiễm trong sắc giới mà được vào Hư-không-vô-biên-xứ. Phương tiện nhân duyên để được ba vô sắc ấy, như trong Thiền Ba-lamật nói rõ.
Bốn cõi định vô sắc ấy, một thường là hữu lậu (chỉ Phi-phi-tưởngxứ), ba định kia cần phân biệt: Hư-không-xứ hoặc hữu lậu hoặc vô lậu. Hữu lậu là bốn uẩn hữu lậu thuộc Hư-không-xứ; vô lậu là bốn uẩn vô lậu thuộc Hư-không-xứ, Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ cũng như vậy. Tất cả đều là hữu vi.
Hư-không-xứ thiện hữu lậu là hữu báo; Hư-không-xứ vô ký và vô lậu là vô báo; Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ cũng như vậy.
Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ; Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ thiện là hữu báo; Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ vô ký là vô báo.
Bốn vô sắc định thiện là nên tu; bốn vô sắc định vô ký là không nên tu.
Ẩn mất là có cấu nhiễm, không ẩn mất là không có cấu nhiễm. Một Phi-phi-tưởng-xứ là có cấu nhiễm; trong ba xứ kia, nếu hữu lậu thì có cấu nhiễm, vô lậu thì không có cấu nhiễm.
Tâm tâm sở pháp thuộc bốn vô sắc định, là tương ưng nhân. Các tâm bất tương ưng hành là chẳng phải tương ưng nhân.
Có thiện pháp chẳng ở trong bốn định vô sắc, có trong bốn định vô sắc chẳng phải thiện pháp, cũng có thiện pháp cũng ở trong bốn định vô sắc, có chẳng thiện pháp cũng chẳng phải ở trong bốn định vô sắc.
Có thiện pháp không ở trong bốn định vô sắc là, tất cả sắc uẩn thiện và bốn uẩn thiện, và trí duyên tận đế không thuộc bốn định vô sắc.
Có thứ ở trong bốn định vô sắc chẳng phải thiện pháp là bốn vô sắc vô ký.
Có thiện pháp cũng có bốn định vô sắc là bốn định vô sắc thiện.
Có thứ chẳng phải thiện pháp cũng chẳng phải bốn định vô sắc là, tất cả năm uẩn bất thiện; và sắc uẩn vô ký; và bốn uẩn vô ký thuộc bốn định vô sắc; và hư không, và chẳng phải trí duyên tận đế.
Bốn định vô sắc và phép bất thiện không thuộc nhau.
Có pháp vô ký chẳng phải bốn định vô sắc; có bốn định vô sắc chẳng phải pháp vô ký; cũng có pháp vô ký cũng có bốn định vô sắc; có pháp chẳng phải vô ký cũng chẳng phải bốn định vô sắc.
Có pháp vô ký chẳng phải bốn định vô sắc là, sắc uẩn vô ký và bốn uẩn vô ký không thuộc bốn định vô sắc; và hư không; và chẳng phải trí duyên tận đế.
Có bốn định vô sắc chẳng phải vô ký pháp là, bốn định vô sắc thiện.
Cũng có pháp vô ký cũng bốn định vô sắc là, bốn định vô sắc vô ký.
Cũng chẳng phải pháp vô ký cũng chẳng phải bốn định vô sắc là, năm uẩn bất thiện, sắc uẩn thiện; bốn uẩn thiện không thuộc vô sắc và trí duyên tận đế.
Hoặc lậu mà chẳng phải bốn định vô sắc, hoặc bốn định vô sắc chẳng phải lậu; hoặc lậu cũng là bốn định vô sắc; hoặc chẳng phải lậu cũng chẳng phải bốn định vô sắc.
Lậu mà chẳng phải bốn định vô sắc là, một lậu (chỉ dục lậu) và một phần của hai lậu (hữu lậu, vô minh lậu).
Bốn định vô sắc chẳng phải lậu là, bốn định vô sắc không thuộc về lậu.
Cũng lậu mà cũng là bốn định vô sắc là, một phần của hai lậu (hữu lậu, vô minh lậu).
Chẳng phải lậu chẳng phải bốn định vô sắc là, sắc uẩn và bốn uẩn không thuộc bốn định vô sắc lậu, và pháp vô vi.
Hoặc hữu lậu mà chẳng phải bốn định vô sắc; hoặc bốn định vô sắc mà chẳng phải hữu lậu; hoặc hữu lậu cũng là bốn định vô sắc; hoặc chẳng phải hữu lậu chẳng phải bốn định vô sắc.
Hữu lậu mà chẳng phải bốn định vô sắc là, sắc uẩn hữu lậu và bốn uẩn hữu lậu không thuộc vô sắc.
Bốn định vô sắc mà chẳng phải hữu lậu là, một phần của ba vô sắc.
Cũng hữu lậu cũng bốn định vô sắc là, một vô sắc và một phần của ba vô sắc.
Cũng chẳng phải hữu lậu cũng chẳng phải bốn định vô sắc là, sắc uẩn vô lậu và bốn uẩn vô lậu không thuộc vô sắc, và ba vô vi pháp (hư không vô vi, trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi).
Hoặc vô lậu mà chẳng phải bốn cõi định vô sắc; hoặc bốn định vô sắc mà chẳng phải vô lậu; hoặc cũng vô lậu cũng bốn định vô sắc; hoặc chẳng phải vô lậu chẳng phải bốn định vô sắc.
Vô lậu mà chẳng phải bốn định vô sắc là, sắc uẩn vô lậu và bốn uẩn vô lậu không thuộc vô sắc, và ba pháp vô vi.
Bốn định vô sắc mà chẳng phải vô lậu là, một định vô sắc và một phần của ba định vô sắc kia.
Cũng vô lậu mà cũng bốn định vô sắc là, một phần của ba định vô sắc.
Chẳng phải vô lậu chẳng phải bốn định vô sắc là, sắc uẩn hữu lậu và bốn uẩn hữu lậu không thuộc vô sắc.
Hư không xứ hoặc kiến đế đoạn; hoặc tư duy đoạn; hoặc chẳng đoạn.
Kiến đế đoạn là tin vào pháp hành người hành theo chỗ biết pháp, dùng kiến đế nhẫn (khổ pháp trí nhẫn, tập pháp trí nhẫn v.v…) mà đoạn, làm thế nào để hai mươi tám sử và tương ưng với hai mươi tám sử, Hư không xứ và các tâm khởi lên từ nó không tương ưng các hành.
Tư duy đoạn là, học theo kiến đạo và dùng tư duy mà đoạn, làm thế nào để tư duy đoạn ba sử và Hư-không-xứ tương ưng với ba sử và các tâm khởi lên từ nó không tương ưng với các hành và Hư-không-xứ vô cấu, vô lậu (không ẩn mất), hữu lậu.
Chẳng đoạn là, Hư-không-xứ vô lậu, Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ cũng như vậy
Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ, hoặc kiến đế đoạn, hoặc tư duy đoạn.
Kiến đế đoạn là, người hành theo lòng tin và hành theo chỗ hiểu pháp, dùng kiến đế nhẫn đoạn, làm thế nào để hai mươi tám sử và Phihữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ tương ưng với hai mươi tám sử, và các tâm khởi lên từ nó không tương ưng với các hành.
Tư duy đoạn là, học theo kiến đạo và dùng tư duy mà đoạn, làm thế nào để tư duy đoạn ba sử, và phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tương ưng với ba sử, và các tâm khởi lên từ nó không tương ưng với các hành và phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ vô cấu.
Các tâm bất tương ưng hành thuộc bốn định vô sắc là, chẳng phải tâm, chẳng phải tâm sở pháp, chẳng phải tâm tương ưng. Thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn tương ưng với thọ. Tưởng là tâm sở pháp, cũng là tâm tương ưng; còn tâm, ý, thức thì chỉ là tâm.
Bốn định vô sắc hoặc tùy tâm hành mà không phải thọ tương ưng; hoặc thọ tương ưng mà không phải tùy tâm hành; hoặc tùy tâm hành và cũng thọ tương ưng; hoặc chẳng phải tùy tâm hành và chẳng phải thọ tương ưng.
Tùy tâm hành mà chẳng thọ tương ưng là, các tâm bất tương ưng hành tùy tâm hành và thọ. Thọ tương ưng mà chẳng tùy tâm hành là tâm.
Tùy tâm hành và cũng thọ tương ưng là, tưởng uẩn và hành uẩn tương ưng với nó.
Chẳng phải tùy tâm hành cũng chẳng phải thọ tương ưng là, trừ các tâm bất tương ưng hành tùy theo tâm hành, phần còn lại của các tâm bất tương ưng hành.
Tưởng uẩn tương ưng, hành uẩn tương ưng, nên biết cũng như vậy.
Hư-không-xứ hoặc do thân kiến làm nhân, không trở lại làm nhân cho thân kiến; hoặc do thân kiến làm nhân cũng trở lại làm nhân cho thân kiến; hoặc không do thân kiến làm nhân cũng không trở lại làm nhân cho thân kiến.
Do thân kiến làm nhân không trở lại làm nhân cho thân kiến là, trừ các kiết sử do thấy Khổ đế đoạn ở đời quá khứ, hiện tại, và Hư-không-xứ tương ưng với nó; cũng trừ các biến kiết sử do thấy Tập đế đoạn ở trong quá khứ, hiện tại, và Hư-không-xứ tương ưng với nó; và trừ Hư-khôngxứ tương ưng với thân kiến ở trong đời vị lai cũng trừ thân kiến sanh, già, trụ, diệt, phần còn lại của Hư-không-xứ hữu cấu.
Do thân kiến làm nhân cũng trở lại làm nhân cho thân kiến là, những gì ở trên kia làm ra.
Không do thân kiến làm nhân cũng không trở lại làm nhân cho thân kiến là, Hư-không-xứ vô cấu.
Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ cũng như vậy.
Bốn định vô sắc, tất cả đều có nhân duyên và cũng cho nhân duyên.
Hư-không-xứ hoặc là thứ đệ duyên (đẳng vô gián duyên) mà không cho thứ đệ duyên. Hoặc là thứ đệ duyên cũng cho thứ đệ duyên; hoặc chẳng phải thứ đệ duyên cũng chẳng cho thứ đệ duyên.
Hư-không-xứ là thứ đệ duyên mà không cho thứ đệ duyên là, trừ tâm tâm sở Hư-không-xứ muốn sanh ra trong đời vị lai, và tâm tâm sở Hư-không-xứ thuộc quá khứ hiện tại của A-la-hán trong lúc tối hậu chấm dứt.
Hư-không-xứ là thứ đệ duyên cũng cho thứ đệ duyên là, từ tâm tâm sở Hư-không-xứ lúc tối hậu chấm dứt thuộc quá khứ, hiện tại A-la-hán; phần còn lại của tâm tâm sở như Hư-không-xứ quá khứ, hiện tại.
Hư-không-xứ chẳng phải thứ đệ duyên cũng chẳng cho thứ đệ duyên là, tâm tâm sở Hư-không-xứ muốn sanh trong đời vị lai, phần còn lại của tâm tâm sở Hư-không-xứ trong đời vị lai và các tâm bất tương ưng hành.
Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ cũng như vậy.
Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ hoặc là thứ đệ duyên mà chẳng cho thứ đệ duyên; hoặc là thứ đệ duyên mà cũng cho thứ đệ duyên; hoặc chẳng phải thứ đệ duyên cũng chẳng cho thứ đệ duyên.
Thứ đệ duyên chẳng cho thứ đệ duyên là, tâm tâm sở trong Phihữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ muốn sanh trong đời vị lai và tâm tâm sở trong Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ đời quá khứ, hiện tại; lúc tối hậu diệt của A-la-hán và diệt thọ tưởng hoặc đã sanh hoặc muốn sanh.
Thứ đệ duyên cũng cho thứ đệ duyên là, trừ tâm tâm sở trong Phihữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ lúc tối hậu diệt của A-la-hán đời quá khứ, hiện tại; phần còn lại của tâm tâm sở trong Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởngxứ đời quá khứ, hiện tại.
Chẳng phải thứ đệ duyên cũng chẳng cho thứ đệ duyên là, tâm tâm sở trong Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ sắp muốn sanh trong đời vị lai, phần còn lại của tâm tâm sở Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ trong đời vị lai; trừ tâm thứ đệ, các tâm bất tương ưng hành; phần còn lại của các tâm bất tương ưng hành.
Các tâm tâm sở pháp thuộc bốn định vô sắc đều có duyên và cũng cho sở duyên duyên.
Các tâm bất tương ưng hành thuộc trong bốn định vô sắc chẳng phải duyên mà cho sở duyên duyên.
Bốn định vô sắc đều là tăng thượng duyên cũng cho tăng thượng duyên.
Các cách phân biệt bốn định vô sắc như vậy, như trong A-tỳ-đàm đã nói rộng.
Hỏi: Trong Đại thừa nói bốn định vô sắc thế nào?
Đáp: Các pháp thật tướng cùng đi chung với trí tuệ, đó là bốn định vô sắc theo Đại thừa.
Hỏi: Thế nào là thật tướng các pháp?
Đáp: Các pháp, các pháp tự tánh không.
Hỏi: Sắc pháp do nhân duyên hòa hợp phân biệt cho nên không, còn trong vô sắc làm sao không?
Đáp: Sắc là thứ thô phù do mắt thấy, tai nghe được mà còn có thể thành không; huống các thứ không thể thấy, không đối ngại, không biết khổ vui, thì sao mà chẳng không?
Lại nữa, phân chia các pháp cho đến cực nhỏ, đều tán diệt về không; huống gì tâm tâm sở pháp này chỉ ở trong khoảng ngày tháng, thời tiết, giây phút cho đến chỉ một niệm cũng không thể nắm bắt được.
Ấy gọi là nghĩa của Bốn định vô sắc.
Các nghĩa như vậy, lược nói về Bốn định vô sắc.