LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 19

Phẩm 5: PHÂN BIỆT TÙY MIÊN

(PHẦN 1)

Trước đây có nói những sự khác nhau của thế gian là do nghiệp sinh ra, và nghiệp có thể tăng trưởng chính là nhờ các pháp tùy miên. Nếu không có tùy miên, nghiệp sẽ không có khả năng chiêu cảm một đời sống mới.

Hỏi: Có bao nhiêu loại tùy miên?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Tùy miên chư hữu bản

Thử sai biệt hữu lục

Vị tham sân diệc mạn

Vô minh kiến cập nghi.

Dịch nghĩa :

Tùy miên gốc các hữu

Có sáu loại sai biệt

Là tham, sân và mạn

Vô minh, kiến và nghi.

(Tùy miên là gốc của các hữu. Tùy miên có sáu loại là tham, từ đó có sân, mạn, vô minh, kiến và nghi).

Luận: Phiền não khi hiện khởi sẽ có mười tác dụng: 1. Làm cho gốc của nó thêm kiên cố, có nghĩa là sự đạt được phiền não của một người có phiền não đã khiến cho phiền não không thể bị đoạn trừ; 2. Tạo thành một chuỗi liên tục, có nghĩa là tiếp tục sinh khởi; 3. Điều chỉnh “môi trường sinh trưởng” của nó, tức là làm cho người có phiền não trở nên thích hợp với sự sinh khởi của phiền não; . Sinh sản quyến thuộc của nó, tức các tùy phiền não, như sự oán ghét sinh ra sự tức giận v.v…; 5. Dẫn đến nghiệp; . Kết nạp nhân của nó, tức sự xét đoán sai lạc; . Làm cho người có phiền não bị lầm lạc đối với đối tượng của nhận thức;

8. Dẫn dắt chuỗi tương tục của tâm về phía đối tượng duyên hoặc hướng đến sự tái sinh; . Làm thoái đọa các pháp thiện; 10. Trở thành sự trói buộc và ngăn cản sự vượt qua giới địa của các phiền não này.

Do đó tùy miên có khả năng làm nguồn gốc cho các hữu, tức nguồn gốc cho tái sinh. Vì vậy mà nghiệp nhân đó có khả năng chiêu cảm. Ở đây sơ lược nói về sai biệt của nó có sáu thứ, tức là tham, sân, mạn, vô minh, kiến và nghi như trong lời tụng nói. Về ý nếu nói rõ thì mạn v.v… cũng do tham mà tùy tăng theo cảnh. Nghĩa tham tùy tăng, sau sẽ nói đến. Và thanh nếu nói rõ sáu thể thì không giống nhau, nhưng nếu thể của các tùy miên thì chỉ có sáu.

Hỏi : Nếu vậy thì vì sao kinh nói bảy tùy miên ?

(Âm Hán) :

Lục do tham dị thất

Hữu tham thượng nhị giới

Ư nội môn chuyển cố

Vi già giải thoát tưởng

Dịch nghĩa :

Sáu thành bảy do tham

Hai giới trên tham hữu

Vì chuyển đổi bên trong

Nên chướng ngại giải thoát.

(Uống là sáu nhưng do tham có hai thứ khác nhau mà thành bảy. Nó chuyển biến bên trong làm trở ngại sự giải thoát.)

Luận: Như trước đã nói trong sáu tùy miên có tham được chia làm hai thứ. Vì vậy mà kinh nói bảy. Bảy là những gì? Một là dục tham tùy miên, hai là sân tùy miên, ba là hữu tham tùy miên, bốn là mạn tùy miên, năm là vô minh tùy miên, sáu là kiến tùy miên và bảy là nghi tùy miên. Dục tham tùy miên giải thích theo nghĩa nào? Thể của dục tham tức là tùy miên cho nên là nghĩa tùy miên của dục tham. Đối với sáu nghĩa khác cũng vậy. Nếu vậy thì đàng nào lỗi? Cả hai đều có lỗi. Nếu thể của dục tham là tùy miên thì trái với khế kinh. Như khế Kinh nói nếu có một loại thì không phải nhiều lúc bị dục tham trói buộc tâm vào một chỗ. Nếu tâm tạm thời khởi dục tham tìm tòi như thật biết phương tiện xuất ly và do nó như vậy nên chính cái dục tham cũng có khả năng dứt trừ tùy miên. Nếu là như vậy thì cái nghĩa tùy miên của tham dục phải là không tương ưng với tâm, mà không tương ưng với tâm thì trái với lý Đối pháp. Như Bản luận nói : Dục tham tùy miên tương ưng với ba căn. Các sư Tì-bà-sa nói như thế này : “Cái thể của dục tham v.v… tức là tùy miên”. Nói vậy không trái với kinh sao? Không trái không lỗi đối với kinh là vì cùng tùy miên là cùng tùy phược. A-tì-đạt-ma là dựa vào thật tướng mà nói, tức gọi các phiền não là tùy miên. Do đó tùy miên là pháp tương ưng.

Hỏi: Dựa vào lý chứng nào để biết đó là các pháp tương ưng với tâm?

Đáp: Vì tùy miên làm cho tâm nhiễm ô, ngăn che tâm, đối nghịch với pháp thiện, và khi pháp thiện sinh khởi thì tùy miên lại không tương ưng với tâm.

Điều này cho thấy chính vì tùy miên mà tâm bị nhiễm ô, các pháp thiện chưa sinh bị ngăn chận không cho sinh ra, bị thoái thất các pháp thiện đã sinh, do đó tùy miên không phải là các pháp không tương ưng với tâm.

Hỏi: Nhưng các pháp không tương ưng với tâm vẫn có thể có khả năng như thế.

Đáp: Không thể như vậy. Nếu tùy miên không tương ưng với tâm thì nó sẽ luôn luôn hiện khởi, và giả như nó có khả năng như thế thì pháp thiện sẽ không thể nào sinh khởi được. Nhưng trên thực tế thì pháp thiện vẫn sinh vì thế tùy miên không phải là pháp không tương ưng với tâm.

Giải thích: Các luận sư chủ trương tùy miên không tương ưng với tâm đều không thừa nhận ba tác dụng trên thuộc về tùy miên, mà đúng ra là thuộc về phiền não (tức thuộc về các triền phược và các pháp này thì không phải lúc nào cũng hiện khởi). Vì thế chủ trương của Kinh bộ là đúng nhất. Kinh bộ nói nhóm từ “tùy miên tham dục” có nghĩa là “tùy miên của tham dục”. Nhưng không phải tùy miên tương ưng với tâm và cũng không phải không tương ưng với tâm vì nó không phải là một thật pháp riêng biệt. Những gì được gọi là tùy miên chính là phiền não ở trạng thái ngủ yên, và những gì được gọi là triền phược chính là phiền não ở trạng thái tỉnh thức. Phiền não ngủ yên là loại phiền não không hiện hành, tức đang còn ở tình trạng của chủng tử, phiền não tỉnh thức là loại phiền não đang hiện hành. Khi nói “chủng tử” là nhằm chỉ cho một loại năng lực sinh khởi phiền não, một khả năng thuộc về người được nói đến, và được sinh ra vì phiền não trước đó. Cũng giống như trong một người nào đó có tồn tại khả năng sinh khởi một cái biết thuộc về sự nhớ lại (niệm), và khả năng này có được là do một cái biết thuộc về sự toàn mãn (chứng trí) sinh ra, cũng giống như khả năng sinh ra hạt lúa, một khả năng vốn thuộc về cây lúa, mầm mộng v.v… Lại được sinh ra từ chính hạt giống lúa. Những luận sư nào cho chủng tử của phiền não là một pháp tách rời với phiền não, không tương ưng với tâm, và được gọi tên là tùy miên, thì phải thừa nhận có một thật pháp, không tương ưng với tâm và là nhân của một cái biết thuộc về sự nhớ lại, cũng giống như trường hợp của cây lúa.

Hữu bộ: Các ông không có quyền giải thích nhóm từ “tùy miên tham dục” là “tùy miên của tham dục” vì kinh đã dạy rõ tùy miên chính là tham dục. Kinh Lục Lục nói: “Người này có tham tùy miên đối với lạc thọ”. (Rõ ràng kinh muốn nói vào lúc khởi lạc thọ thì có một phiền não (tham) hiện hành, và kinh đã gọi loại phiền não đang hiện hành này là tùy miên)

Kinh nói: “Có tham tùy miên”, chứ kinh không nói: “Lúc đó có tham tùy miên”. (Vào sát-na của lạc thọ thì tùy miên của tham đang trong tiến trình sinh ra mà vẫn chưa hiện khởi. Nói cách khác, vào sátna của lạc thọ có một tham hiện hành, một loại tham “tỉnh thức”) khi lạc thọ này chấm dứt, tham sẽ lui về tình trạng ngủ yên, và lúc đó chỉ có tùy miên của tham, một loại tham ngủ yên và làm mầm mộng cho loại tham “tỉnh thức” trong vị lai. Hoặc có thể khi nói tùy miên tham là kinh muốn chỉ cho tham: tùy miên tham chỉ là quả của tham và đây là trường hợp nhân được gọi tên theo quả.

Sự bàn luận thêm về vấn đề này nên dừng lại ở đây và hãy trở lại vấn đề chính.

Hỏi: Tham được kinh phân thành hai loại tham dục và tham hữu là có ý nghĩa gì? Tham hữu là gì?

Đáp: Sự chấp trước vào Sắc giới và Vô sắc giới được gọi là tham hữu, tức trái nghịch với tham dục vốn là sự chấp trước dục lạc chỉ thuộc riêng Dục giới.

Hỏi: Tại sao tham hữu chỉ dùng để chỉ riêng cho hai giới ở trên?

Đáp: Sở dĩ có tên như vậy là vì đây là loại tham chỉ hướng về bên trong và vì để gạt bỏ ý tưởng cho hai giới này là cõi giải thoát. Truyền thuyết giải thích: “Nhìn chung thì sự tham vướng của chúng sinh ở hai giới này đều bám vào định, (chính xác hơn là duyên vào loại tĩnh lự “có thể thọ hưởng được”). Ở đây khi nói “nhìn chung” là hàm ý những chúng sinh này cũng có sự tham vướng đối với các cung điện v.v… của họ. Sự tham vướng vốn chỉ thuộc về các giai tầng thiền định này đều quay hướng về bên trong cho nên mới có tên là tham hữu.

Ngoài ra có chúng sinh lại nghĩ hai giới này tạo thành sự giải thoát, vì thế Đức Thế Tôn đã gọi sự tham vướng đối với hai giới này là tham hữu.

Ở đây “hữu” được dùng để chỉ cho thân là chỗ dựa. Những chúng sinh này sống trong thiền định và vừa thọ dụng thiền định (đẳng chí) vừa thọ dụng chính bản thân họ (sở y chỉ). Chính vì đã xa lìa sự tham vướng các dục lạc nên họ chỉ thọ hưởng chính bản thân họ (tự thể) chứ không phải các vật ở ngoài. Đó là lý do tại sao sự tham vướng hai giới trên được gọi là tham hữu.

Hỏi: Tại sao sáu tùy miên này lại được phân thành mười loại như Bản luận đã nói ở trên? Tụng đáp: (Âm Hán)

Lục do kiến dị thập

Dị vị hữu thân kiến

Biến chấp kiến tà kiến

Kiến thủ, giới cấm thủ

Dịch nghĩa :

Sáu thành mười do kiến

Hữu thân kiến khác nhau

Riêng chấp kiến, tà kiến

Kiến thủ, giới cấm thủ.

(Do kiến, khác nhau, nên sáu lập thành mười. Các loại kiến khác nhau là hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ).

Luận: Vì kiến có năm loại, nên sáu tùy miên mới được lập thành mười loại. Như vậy tự thể của năm loại tùy miên tham, sân, mạn, vô minh và nghi không thuộc về kiến, và năm loại tùy miên hữu thân kiến, tà kiến, biên chấp kiến, kiến thủ và giới cấm thủ đều có thể tánh thuộc về kiến.

Ngoài ra Bản luận còn dạy rằng mười tùy miên này lại được lập thành ba mươi sáu tùy miên thuộc Dục giới, ba mươi mốt tùy miên thuộc Sắc giới, ba mươi mốt tùy miên thuộc Vô sắc giới, tổng công là chín mươi tám loại tùy miên.

Hỏi: Dựa vào ý nghĩa gì để lập thành tất cả các loại tùy miên trên?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Lục hành bộ giới dị

Cố thành cửu thập bát

Dục kiến, khổ đẳng đoạn

Thập thất, thất, bát, tứ

Vị như thứ cụ ly

Tam nhi kiến kiến nghi

Sắc, vô sắc trừ sân

Dự đẳng như Dục thuyết.

Dịch nghĩa :

Sáu hành bộ, giới khác

Lập thành chín mươi tám

Cõi Dục kiến khổ đoạn

Mười bảy, bảy, tám, bốn

Theo thứ tự loại trừ

Tam nhị kiến kiến nghi

Sắc, Vô sắc, trừ sân

Ngoài ra như cõi Dục.

(Do hành, bộ, giới khác nhau nên sáu tùy miên được lập thành chín mươi tám loại. Ở Dục giới, kiến khổ đế v.v… Đoạn trừ mười, bảy, bảy, tám, bốn tùy miên, tức theo thứ tự trên, loại trừ ba kiến, hai kiến, tất cả kiến và nghi. Sắc giới và Vô sắc giới loại trừ sân. Số còn lại giống như ở Dục giới).

Luận: Tất cả mười tùy miên nói trên đều được đoạn trừ do kiến khổ đế ở Dục giới.

Bảy tùy miên được đoạn trừ do kiến tập đế, bảy tùy miên được đoạn trừ do kiến diệt đế, tức loại trừ hữu thân kiến, biên chấp kiến và giới cấm thủ.

Tám tùy miên được đoạn trừ do kiến đạo đế, tức loại trừ hữu thân kiến và biên chấp kiến.

Như vậy có tất cả ba mươi hai tùy miên có thể được đoạn trừ do kiến bốn đế, vì chỉ cần kiến bốn đế cũng đã đủ để đoạn trừ chúng.

Bốn tùy miên được đoạn trừ do tu đạo, đó là tham, sân, si, mạn vì những ai đã kiến đế đều có thể đoạn trừ các tùy miên này nhờ sự tu tập Thánh đạo.

Như vậy, hữu thân kiến chỉ thuộc về một bộ tức vì được đoạn trừ do kiến khổ đế (kiến khổ sở đoạn), biên chấp kiến cũng giống như vậy. Tà kiến thuộc về bốn bộ tức có thể được đoạn trừ do kiến khổ đế, kiến tập đế, kiến diệt đế và kiến đạo đế, đối với kiến thủ và nghi cũng vậy. Giới cấm thủ thuộc hai bộ tức có thể được đoạn trừ do kiến khổ đế và kiến đạo đế. Tham, sân, mạn, vô minh đều thuộc năm bộ tức có thể được đoạn trừ do kiến bốn đế và tu đạo.

Hỏi: Tùy miên thuộc loại kiến khổ đoạn cho đến loại tu đoạn có những tính chất gì?

Đáp: Khi đối tượng duyên của môt tùy miên thuộc về loại có thể đoạn trừ vì sự nhìn thấy một đế nào đó thì người ta nói tùy miên này có thể được đoạn trừ do sự nhìn thấy chính loại đế này. Các tùy miên khác có thể được đoạn trừ do tu đạo.

Như vậy có tất cả mười hai kiến, bốn nghi, năm tham, năm sân, năm mạn, năm vô minh, tổng cộng thành ba mươi sáu tùy miên thuộc Dục giới.

Các loại tùy miên trên, ngoại trừ năm loại tùy miên sân, tạo thành ba mươi mốt tùy miên thuộc Sắc giới, cũng như Vô sắc giới.

Vì thế Bản luận nói: Sáu loại tùy miên này được lập thành chín mươi tám loại dựa vào sự khác nhau về hành tướng, bộ loại hoặc cách thức đoạn trừ, và giới.

Trong chín mươi tám tùy miên này, có tám mươi tám loại thuộc kiến đạo đoạn vì chúng bị làm tổn hại do nhẫn và mười loại thuộc tu đạo đoạn vì chúng bị làm tổn hại do trí.

Hỏi: Sự phân chia như trên có nhất định không?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Nhẫn sở hại tùy miên

Hữu đỉnh duy kiến đoạn

Dư thông kiến, tu đoạn

Trí sở hại duy tu.

Dịch nghĩa :

Nhẫn làm hại tùy miên

Hữu đảnh chỉ kiến đoạn

Chỗ khác kiến, tu đoạn

Trí làm hại do tu.

(Tùy miên do nhẫn làm tổn hại. Nếu ở Hữu đảnh thì thuộc kiến đoạn. Nếu ở chỗ khác thuộc kiến và tu đoạn. Tùy miên do trí làm tổn hại chỉ thuộc tu đoạn).

Luận: Ở đây khi nói “nhẫn” là nhằm chỉ cho Pháp trí nhẫn và Loại trí nhẫn.

Trong số các tùy miên bị nhẫn làm tổn hại, chỉ có những tùy miên thuộc về Hữu đảnh mới được đoạn trừ do kiến đạo vì chỉ có Loại trí nhẫn giúp đoạn trừ chúng. (Chỉ hàng Thánh giả nhờ nương vào Thánh đạo vô lậu mới đoạn trừ các tùy miên này).

Các tùy miên thuộc về tám địa khác (tức Dục giới, Sắc giới và ba tầng đầu của Vô sắc giới) có thể được đoạn trừ do kiến đạo hoặc tu đạo: hàng Thánh giả đoạn trừ các tùy miên này bằng kiến đạo chứ không phải tu đạo, nhờ vào Pháp trí nhẫn hoặc Loại trí nhẫn tùy theo các tùy miên này thuộc về Dục giới hay các địa cao hơn, dị sinh chỉ đoạn trừ bằng tu đạo chứ không phải kiến đạo do các tùy miên này có thể được đoạn trừ nhờ sự tu tập Thế tục trí.

Các tùy miên bị trí làm tổn hại đều được đoạn trừ do tu đạo ở tất cả các địa cho dù đó là Thánh giả hay dị sinh. Nếu Thánh giả thì đoạn trừ nhờ sự tu tập trí vô lậu, nếu dị sinh thì nhờ sự tu tập Thế tục trí.

Có luận sư khác cho ngoại đạo không thể đoạn trừ các loại tùy miên thuộc kiến đoạn, vì kinh Đại Phân Biệt Chư Nghiệp dạy loại tà kiến duyên Dục giới vẫn còn hiện hành ở ngoại đạo đã xả lìa dục tham, tức đã đoạn trừ loại tham duyên Dục giới vốn là loại có thể đoạn trừ bằng tu đạo. Và kinh Phạm Võng nói ngoại đạo lìa dục vẫn còn tất cả các loại kiến duyên Dục giới: trong số họ vẫn có những người tự tạo ra các học thuyết về quá khứ (tiền tế phân biệt luận), những người chủ trương tất cả đều thường hằng, có một phần thường hằng, hoặc tất cả đều không có nhân. Nếu ở đây có người đưa ra vấn nạn các loại “kiến” của những người xả lìa Dục giới đều hệ thuộc Sắc giới thì Dục giới, trong trường hợp này, không thể nào làm đối tượng duyên cho các phiền não hệ thuộc Sắc giới vì những người này đều đã xả lìa Dục giới, và như vậy họ chưa đoạn trừ được các loại kiến hệ thuộc Dục giới.

Tỳ-bà-sa đã giải thích vấn đề này khi nói những người “lìa dục” bị thoái thất (sự lìa dục này) ngay khi họ khởi kiến, cũng giống như trường hợp Đề-bà-đạt-đa bị thoái thất thần thông.

Hỏi: Trước đây có nói kiến được chia làm năm loại dựa vào các hành tướng của chúng, như vậy năm loại hành tướng tự thể này là gì?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Ngã, ngã sở, đoạn thường

Bác vô liệt vị thắng

Phi nhân đạo vong vị

Thị ngũ kiến tự thể.

Dịch nghĩa:

Ngã, ngã sở, đoạn, thường

Bác không, thấp làm cao

Phi nhân đạo, Thánh đạo

Tự thể năm loại kiến.

(Loại kiến về ngã và ngã sở, về đoạn và thường, về sự phủ nhận, về sự lấy thấp làm cao, về sự nhận lầm nguyên nhân và Thánh đạo, đó chính là năm loại kiến).

Luận:

1. Chấp ngã và ngã sở chính là hữu thân kiến. Nói “hữu” là vì đang hủy hoại, nói “thân” là vì tích tụ, như vậy “hữu thân” có nghĩa là “sự tích tụ của các vật đang hủy hoại”, tức là ngũ thủ uẩn.

Trong nhóm từ “hữu thân” được dùng ở đây, khi nói “hữu” là nhằm loại bỏ ý tưởng về sự thường hằng và “thân” là nhằm loại bỏ ý tưởng về sự thuần nhất. Sở dĩ cho các uẩn chính là ngã là vì trước đó đã có ý tưởng về sự thường hằng và thuần nhất.

Hữu thân kiến có nghĩa là kiến chấp về hữu thân.

Thật ra, tất cả những loại kiến có đối tượng duyên thuộc về hữu lậu như biên chấp kiến v.v… đều là các loại kiến về hữu thân, tức là về năm uẩn. Tuy nhiên, vì tất cả đều là các loại kiến về hữu thân cho nên chúng không phải là loại “kiến về ngã và ngã sở”.

Theo giáo huấn của Đức Thế Tôn, chính sự chấp ngã và ngã sở đã được gọi là hữu thân kiến: “Này các Bí-sô, tất cả Sa-môn hoặc Bàla-môn nào ở thế gian này đã tin vào ngã thì những gì mà họ xem như là ngã chỉ là năm thủ uẩn”.

2. Đối với những gì đã chấp làm ngã, nếu cho chúng là thường hằng hoặc đoạn diệt đều là loại biên chấp kiến, vì đó chính là sự tin tưởng sai lầm các luận thuyết cực đoan về thường hoặc về đoạn.

3. Đối với những gì đang thực sự tồn tại, đối với sự thật về khổ v.v… đều bác bỏ mà cho “không có” thì đó là tà kiến. Tất cả các kiến giải sai lầm đều là tà kiến, tuy nhiên chỉ có những sự bác bỏ như trên mới được gọi là tà kiến vì đó là loại kiến giải sai lầm nhất, cũng giống như khi nói hôi là để chỉ cho một mùi quá hôi. Chỉ tà kiến mới có tính chất bác bỏ trong khi những loại kiến chấp khác lại có tính chất khẳng định, có sự chấp trước sai lạc.

4. Đối với những gì bất thiện, thấp kém, cần phải đoạn trừ lại cho là thiện, “cao cả” thì đó là kiến thủ. Ở đây khi nói “cần phải đoạn trừ” là chỉ các pháp gì? Đó là các pháp hữu lậu vì chúng đều được Thánh giả đoạn trừ. Loại kiến bao gồm sự chấp thủ này chỉ được gọi là “thủ”.

Lẽ ra nên nói là “kiến đẳng thủ” nhưng đã lược bỏ chữ “đẳng” nên chỉ gọi là kiến thủ.

5. Đối với những gì không phải là nhân, không phải là Thánh đạo lại cho đó là nhân, là Thánh đạo thì đó là giới cấm thủ: như cho nguyên nhân của thế giới chính là Đại Tự tại, Sinh chủ, hoặc tất cả các thật thể khác vốn không phải là nguyên nhân của thế giới, như cho nguyên nhân được sinh vào cõi trời là các nghi lễ cúng tế, đi trong lửa, đi dưới nước v.v… vốn là những việc làm không thể dẫn đến sự tái sinh ở cõi trời, như cho con đường dẫn đến giải thoát chỉ có các giới luật và các sự tu tập khổ hạnh trong khi không phải chỉ có các giới luật và các sự tu tập này mới là con đường dẫn đến giải thoát, như cho các loại trí của Số luận và Yoga cũng là con đường giải thoát trong khi thật ra không phải như vậy v.v…

Trên đây là thể của năm loại kiến.

Hỏi: Nếu loại kiến đối với các pháp không phải là nhân của thế giới lại nhận lầm đó là nhân và vì thế được gọi là giới cấm thủ thì tại sao loại kiến này không được đoạn trừ do kiến tập đế vì nó vốn là sự nhận thức sai lạc về nhân?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Ư đại tự tại đẳng

Phi nhân vọng chấp nhân

Tòng thường ngã đảo sinh

Cố duy kiến khổ đoạn.

Dịch nghĩa:

Đối với Đại Tự tại v.v…

Phi nhân vọng chấp nhân

Theo thường, ngã, đảo sinh

Nên chỉ kiến khổ đoạn.

(Đối với Đại tự tại v.v… không phải là nhân nhưng lại chấp làm nhân là vì đã xem đó là thường, ngã. Vì thế chỉ do kiến khổ đoạn)

Luận: Nếu xem Đại tự tại hoặc Sinh chủ là nhân của thế giới tức phải xem họ là những chúng sinh thường hằng, độc nhất, có ngã thể, có tạo tác. Loại kiến chấp vào sự thường hằng và vào ngã thể của Đại tự tại hoặc Sinh chủ vốn được đoạn trừ chỉ do kiến khổ đế, vì thế khi loại này bị đoạn trừ thì kiến chấp Đại tự tại hoặc Sinh chủ làm nhân của thế giới cũng sẽ được đoạn trừ.

Hỏi: Loại kiến chấp cho nếu tự vẫn bằng cách thiêu đốt hoặc nhảy xuống nước sẽ tái sinh vào cõi thiên, và loại kiến chấp cho thọ trì các giới cấm, tu tập các pháp khổ hạnh sẽ dẫn đến sự thanh tịnh đều không liên quan đến các loại tà kiến về thường và ngã, tại sao lại nói các kiến chấp này được đoạn trừ do kiến khổ đế? Đúng ra chúng phải do kiến tập đế đoạn trừ.

Đáp: Bản luận nói: “Có ngoại đạo khởi loại kiến chấp cho nếu một người thọ trì các giới của bò, của dã thú, của chó thì sẽ được sự thanh tịnh, sự giải thoát, sự xuất ly, sẽ hoàn toàn vượt qua khổ và lạc (của ba cõi), sẽ đến được nơi không còn khổ lạc. Tất cả các loại kiến chấp cho là nhân các pháp không phải là nhân đều thuộc về giới cấm thủ và giới cấm thủ thì luôn luôn được đoạn trừ do kiến khổ đế”. Vì thế Tỳ-bà-sa mới nói cả hai loại kiến chấp trên đều được kiến khổ đế đoạn trừ do chúng đều có sự mê mờ đối với khổ.

Hỏi: Lập luận này đã đi quá xa! Tất cả các phiền não có đối tượng duyên là pháp hữu lậu đều có sự mê mờ đối với khổ (vì tất cả pháp hữu lậu đều là khổ). Hơn nữa loại giới cấm thủ nào sẽ được kiến đạo đế đoạn trừ? Nếu Tỳ-bà-sa nói đó là loại duyên với một pháp thuộc kiến đạo đoạn, tức là duyên với một trong tám tùy miên, trong đó tùy miên đầu tiên chính là tà kiến, lẽ ra giới cấm thủ cũng phải có sự mê mờ đối với khổ. Vả lại làm thế nào có thể nói giới cấm thủ duyên các pháp thuộc kiến đạo đoạn, vì: 1. Đối với một người có tà kiến hoặc nghi, có nghĩa là “không có Thánh đạo” thì thử hỏi làm thế nào để người này được thanh tịnh nhờ vào tà kiến hoặc nghi này? 2. Nếu người này nhờ đi theo con đường giải thoát do Số luận v.v… lập ra và nói: “Đây mới là Thánh đạo, Phật đạo không phải là Thánh đạo” thì chính kẻ ngoại đạo này đã tưởng tượng mình đã được sự thanh tịnh nhờ vào “Thánh đạo” của Số luận chứ không phải nhờ vào loại tà kiến duyên với Thánh đạo. Hơn nữa khi một người nghĩ mình đã được thanh tịnh nhờ vào loại tà kiến được đoạn trừ do kiến tập đế hoặc kiến diệt đế thì tại sao giới cấm thủ của người này lại không thể được đoạn trừ do chính hai loại kiến này?

Như vậy vấn đề này cần phải được tìm hiểu thêm.

Hỏi: Ở trên có nói đến hai loại đảo kiến về thường và ngã, như vậy có phải chỉ có hai loại này mà thôi?

Đáp: Có đến bốn loại: 1. Chấp vô thường là thường; 2. Chấp khổ là lạc; 3. Chấp bất tịnh là tịnh; . Chấp vô ngã là ngã.

Hỏi: Thể tánh của bốn loại này là gì?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Tứ điên đảo tự thể

Vị tòng ư tam kiến

Duy đảo suy tăng cố

Tưởng tâm tùy kiến lực.

Dịch nghĩa:

Tự thể bốn điên đảo

Có từ ba loại kiến

Chỉ tìm tòi thêm đảo

Tưởng tâm tùy kiến lực.

(Tự thể của bốn đảo kiến xuất phát từ ba loại kiến. Do sai lầm, suy lường, quả quyết, tưởng và tâm là do lực của kiến).

Luận: Tự thể của bốn đảo kiến xuất phát từ ba loại kiến. Đảo kiến thứ nhất là phần chấp thường của biên kiến, đảo kiến thứ hai và thứ ba là hai phần chấp lạc và tịnh của kiến thủ, đảo kiến thứ tư là phần chấp ngã của hữu thân kiến.

Có luận sư cho toàn bộ hữu thân kiến tạo thành đảo kiến về ngã chứ không phải chỉ có ngã kiến, tức bao hàm cả ngã sở kiến.

Tỳ-bà-sa nói: “Làm sao ngã kiến có thể tạo thành một phần của đảo kiến về ngã? Vì kinh Tứ đảo không nói đến điều này. (Kinh chỉ nói: “Đối với vô ngã lại cho là ngã thì đó là đảo kiến”) và kinh còn nói: “Người nào cho ngã có lực tự tại đối với ngũ thủ uẩn tức có ngã sở kiến”. (Vì thế ngã sở kiến khác với ngã kiến vốn là nơi xuất phát của nó).

Tuy nhiên chúng tôi nghĩ ngã kiến có hai nhánh là kiến chấp về ngã và kiến chấp về những gì thuộc ngã. Nếu kiến chấp về những gì thuộc ngã khác với kiến chấp về ngã thì các kiến chấp trong các trường hợp khác như kiến chấp “do ngã”, kiến chấp “đối với ngã” sẽ tạo thành nhiều loại chấp ngã khác nhau. Vì thế toàn bộ hữu thân kiến đều được bao hàm trong loại đảo kiến về ngã.

Các phiền não khác không phải là đảo kiến vì chúng không có đủ ba tính chất: 1. Hoàn toàn sai lầm (nhất hướng đảo); 2. Sự suy lường, 3. Sự quả quyết (vọng tăng ích). Kiến chấp về đoạn diệt, tức là một phần của biên chấp kiến, và tà kiến không có tính chất quả quyết, tức không có sự qui kết sai lầm, vì cả hai đều hướng đến sự không tồn tại của một hiện hữu nào đó (vô môn chuyển).

Giới cấm thủ có sự quả quyết rằng giới luật và các sự tu tập khổ hạnh có thể dẫn đến sự thanh tịnh, điều này cũng có nghĩa giới cấm thủ không phải hoàn toàn là đảo kiến vì giới luật và các sự tu tập khổ hạnh có góp phần vào sự thanh tịnh.

Các loại phiền não khác không có sự suy lường và vì thế không phải là đảo kiến.

Hỏi: Nhưng Đức Thế Tôn có nói: “Đối với vô thường lại cho là thường thì đó chính là tưởng đảo, tâm đảo và kiến đảo”, đối với khổ, bất tịnh, vô ngã cũng vậy, trong khi cả tưởng và tâm đều không có sự suy lường. Như vậy định nghĩa về đảo kiến được trình bày ở trên không chính xác.

Đáp: Thật ra chỉ có kiến là thuộc về điên đảo, nhưng vì tưởng và tâm có tương ưng với kiến và có cùng hành tướng của kiến cho nên chúng cũng được gọi là đảo.

Hỏi: Nếu vậy tại sao thọ và các tâm sở tương ưng với kiến không được gọi là đảo?

Đáp: Vì người đời thường nói về sự điên đảo của tưởng, của tâm chứ không hề nói đến sự điên đảo của thọ.

Hàng Dự lưu đoạn trừ tất cả các loại đảo kiến, vì sự nhìn thấy bốn đế (kiến đế), vốn có khả năng đoạn trừ các loại kiến chấp, cũng có thể đoạn trừ luôn các tưởng và tâm tương ưng với kiến.

Có bộ phái khác cho loại đảo kiến nhận lầm vô thường là thường tạo thành ba loại điên đảo là tưởng đảo, tâm đảo và kiến đảo, đối với các loại nhận lầm vô ngã là ngã v.v… cũng vậy. Vì thế có tất cả mười hai loại điên đảo xuất phát từ bốn đảo kiến này.

Trong số mười hai loại trên, có tám đảo kiến thuộc về kiến đoạn và có bốn đảo kiến, tức các tưởng và tâm tương ưng với lạc, tịnh, thuộc về cả kiến đoạn và tu đoạn.

Thật vậy, hàng Thánh giả vốn được xem như đã đoạn trừ tất cả các tùy miên thuộc kiến đoạn chắc chắn có thành tựu các loại tưởng thuộc về lạc và tịnh, vì khi họ chưa lìa bỏ tham dục thì sự chấp trước dục lạc vẫn còn sinh khởi ở họ.

Các luận sư Tỳ-bà-sa không thừa nhận lập luận này. Nếu chỉ vì Thánh giả vẫn còn loại tưởng lạc tịnh mà kết luận họ vẫn còn điên đảo đối với lạc tịnh thì phải thừa nhận họ cũng còn điên đảo đối với ngã, tức là môt trong tám loại điên đảo mà lẽ ra họ không thể có, vì chắc chắn họ vẫn còn các loại tưởng và tâm thuộc về hữu tình: sự chấp trước đối với dục tham có liên quan đến phụ nữ hoặc đến tự ngã chính là những biểu hiện của loại tưởng và tâm thuộc về hữu tình.

Hơn nữa Khế kinh còn nói: “Thánh giả đa văn thấy và biết như thật: Đây là sự thật về khổ v.v… Khi đó các loại tưởng, tâm và kiến điên đảo như chấp vô thường là thường v.v… đều bị đoạn trừ ở các vị này” v.v… Như vậy chỉ có các loại tưởng và tâm do kiến sinh khởi và có tương ưng với kiến mới được gọi là điên đảo chứ không phải các loại khác, tức các tưởng và tâm thuộc về tu đoạn.

Thật ra, Thánh giả do bị tạm thời mê hoặc lúc mới nhìn thấy sự vật cho nên mới sinh khởi chấp trước dục tham, cũng giống như trường hợp vừa mới nhìn thấy vòng lửa hoặc bức họa về Dược-xoa.

Tuy nhiên Tôn giả Khánh Hỷ có nói với Tôn giả Biện tự tại: “Do sự điên đảo của tưởng mà tâm của ông bị thiêu cháy, xa lìa tưởng kia rồi, tâm tham dứt, liên tịnh”. Nếu thừa nhận lập luận trên của Tỳ-bà-sa thì làm sao có thể giải thích lời nói này?

Vì thế bậc Hữu học không hoàn toàn đoạn trừ tám loại điên đảo về tưởng và tâm. Thật ra các loại đảo kiến này chỉ được đoạn trừ do sự thấy biết đúng các đế (như thực kiến tri Thánh đế) chứ không do bất cứ điều gì khác. Vì thế kinh văn được Tỳ-bà-sa trích dẫn ở trên chỉ nhằm chỉ cho cách thức (phương tiện) đoạn trừ các loại đảo kiến này, và cũng không trái với đoạn kinh nói về Biện Tự Tại.

Hỏi: Tùy miên về kiến có nhiều loại khác nhau, các tùy miên khác có như vậy không?

Đáp: Tùy miên về mạn cũng như vậy.

Tụng nói: (Âm Hán)

Mạn thất cửu tòng tam

Giai thông kiến tu đoạn,

Thánh như sát triền đẳng.

Hữu tu đoạn bất hành.

Dịch nghĩa:

Bảy, chín mạn từ ba

Đều do kiến, tu đoạn

Bậc Thánh như sát triền

Tu đoạn không hiện hành.

(Có bảy mạn, chín loại mạn được tạo thành từ ba mạn. Tất cả đều được đoạn trừ do kiến đạo và tu đạo. Ở Thánh giả, các tùy miên như sát triền v.v… tuy thuộc tu đoạn nhưng không hiện hành).

Luận: Có tất cả bảy loại mạn: mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ti mạn, tà mạn.

Sự ngạo mạn của tâm được gọi chung là mạn. Vì vận hành khác nhau nên mạn được chia làm bảy loại: 1. Mạn, là sinh tâm cao ngạo khi nghĩ “mình cao cả hơn” hoặc mình ngang hàng so với người thấp kém hơn hoặc bằng mình; 2. Quá mạn, là khi nghĩ “mình cao cả hơn” hoặc “mình ngang hàng” so với người bằng mình hoặc cao hơn mình; 3. Mạn quá mạn, là khi nghĩ “mình cao cả hơn” so với người cao hơn mình; . Ngã mạn, là sinh tâm cao ngạo khi chấp trước ngũ thủ uẩn là ngã và ngã sở; 5. Tăng thượng mạn, là khi chưa chứng đắc các pháp thù thắng tức các pháp vô lậu hoặc hữu lậu nương vào thiền định nhưng lại nghĩ mình đã chứng đắc; . Ti mạn, là khi nghĩ “mình chỉ hơi thấp kém” so với người thật sự cao hơn mình nhiều; . Tà mạn, là khi cho mình có đủ các phẩm tánh mà mình thật sự không có.

Bản luận phân tích mạn thành chín loại: 1. Ngã thắng mạn; 2. Ngã đẳng mạn; 3. Ngã liệt mạn; . Hữu thắng ngã mạn; 5. Hữu đẳng ngã mạn; . Hữu liệt ngã mạn; . Vô thắng ngã mạn; 8. Vô đẳng ngã mạn; . Vô liệt ngã mạn.

Chín loại này xuất phát từ ba trong số bảy loại ở trên, đó là mạn, quá mạn và ti mạn.

Ba loại mạn đầu tiên (ngã thắng mạn, ngã đẳng mạn, ngã liệt mạn) chính là các loại dựa vào ngã kiến. Trước tiên vì nghĩ đến “ngã” cho nên tiếp đó mới lần lượt nảy sinh quá mạn, mạn và ti mạn, trong đó, có trường hợp được gọi là mạn vì nói “ta cao cả hơn”, có trường hợp được gọi là quá mạn vì dựa vào kiến v.v…

Ba loại mạn tiếp theo, theo thứ tự của chúng, chính là ti mạn, mạn và quá mạn.

Ba loại cuối cùng, theo thứ tự của chúng, chính là mạn, quá mạn và ti mạn.

Hỏi: Đối với người cao hơn mình nhiều nhưng lại nghĩ “mình chỉ hơi thấp kém” thì đó là ti mạn vì tâm cao ngạo đã nảy sinh, nhưng trong trường hợp nghĩ “không có người nào thấp kém hơn mình” thì làm sao có thể gọi đó là cao ngạo?

Đáp: Vẫn có thể gọi là cao ngạo vì khi so với một nhóm người nào đó cao cả hơn mình mà vẫn nghĩ mình cao cả hơn mặc dù tự biết rõ mình thật sự thấp kém hơn.

Trên đây đã trình bày giải thích của Luận Phát Trí, tuy nhiên theo Luận Phẩm Loại Túc, loại mạn thứ nhất “ngã thắng mạn” xuất phát từ ba trong số bảy mạn là mạn, quá mạn và mạn quá mạn vì đã nghĩ mình cao hơn so với người thấp hơn, mình cao hơn so với người ngang bằng, và mình cao hơn hơn so với người cao nhất.

Hỏi: Bảy loại mạn này được đoạn trừ như thế nào?

Đáp: Tất cả các loại, kể cả ngã mạn, đều được đoạn trừ do kiến đạo và tu đạo.

Hỏi: Các loại tùy miên thuộc tu đoạn chưa được đoạn trừ ở hàng Thánh giả có thể tiếp tục hiện hành không?

Đáp: Điều này không nhất định. Có loại tùy miên thuộc tu đoạn nhưng nhất định không hiện hành ở Thánh giả như trường hợp triền phược thuộc về sát sinh, tuy loại triền phược này thuộc về tu đoạn nhưng không thể hiện hành ở các Thánh giả. Ở đây nói “sát sinh triền” là để chỉ cho loại phiền não khiến người ta cố ý phạm tội giết hại, nói “đẳng” là để chỉ cho các trường hợp khác như trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, vô hữu ái, một phần hữu ái.

Vô hữu ái cũng thuộc loại được đoạn trừ do tu đạo. Ở đây nói “vô hữu” là để chỉ cho tính chất vô thường của ba cõi, vô hữu ái là sự tham cầu đối với tính chất vô thường này.

Một phần hữu ái là chỉ cho sự mong muốn được làm Long vương Yết (Airàvana) la phiệt nã v.v…

Hỏi: Trên đây đã nói về các loại mạn v.v…, trong đó có loại thuộc về tu đoạn và chưa được đoạn trừ nhưng tại sao chúng không thể hiện hành ở Thánh giả?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Mạn loại đẳng ngã mạn

Ác tác trung bất thiện

Thánh giả nhị bất khởi

Kiến nghi sở tăng cố.

Dịch nghĩa:

Loại mạn v.v và ngã mạn

Ác tác trong bất thiện

Bậc Thánh giả không khởi

Tăng trưởng do kiến nghi.

(Mạn loại v.v…, ngã mạn và ác tác bất thiện đều không khởi ở Thánh giả vì được tăng trưởng do kiến, nghi).

Luận: Các loại mạn v.v… không thể sinh khởi, không thể hiện hành ở Thánh giả, ngay cả ngã mạn cũng vậy. Ở đây khi nói “đẳng” là để chỉ cho các tùy miên khác như sát sinh triền, vô hữu ái, một phần hữu ái.

Hỏi: Tại sao như vậy?

Đáp: Vì tất cả tùy miên đều được kiến nuôi dưỡng, và khi sự nuôi dưỡng chúng đã bị phá vỡ thì chúng cũng không còn năng lực sinh khởi (hoặc Thánh giả không thể khởi chúng trở lại).

Các loại mạn và ngã mạn được nuôi dưỡng do hữu thân kiến, các triền phược của sự giết hại v.v… được nuôi dưỡng do tà kiến, vô hữu ái được nuôi dưỡng do đoạn kiến, một phần hữu ái được nuôi dưỡng do thường kiến.

Về ác tác bất thiện, mặc dù thuộc về tu đoạn nhưng vẫn không thể hiện hành ở Thánh giả vì chúng được nuôi dưỡng do nghi.

Hỏi: Trong chín mươi tám tùy miên, tùy miên nào thuộc về biến hành, tùy miên nào không phải là biến hành? Tụng đáp: (Âm Hán)

Kiến khổ tập sở đoạn

Chư kiến, nghi tương ưng

Cập bất công vô minh

Biến hành tự giới địa

Ư trung trừ nhị kiến

Dư cửu năng thượng duyên

Trừ đắc dư tùy hành

Diệc thị biến hành nhiếp.

Dịch nghĩa:

Do kiến khổ, tập đoạn

Các kiến, nghi tương ưng

Và vô minh bất cộng

Biến hành nơi tự giới

Trong ấy trừ hai kiến

Chín thứ khác duyên trên

Trừ đắc, duyên địa trên

Đều thuộc biến hành này.

(Kiến nghi thuộc kiến khổ tập đoạn. Vô minh tương ưng với chúng, và vô minh bất cộng duyên tất cả các pháp thuộc tự giới. Trong số này, trừ hai kiến, chín tùy miên còn lại đều duyên thượng địa. Trừ đắc ra, các pháp cùng khởi với tùy miên đều thuôc về biến hành).

Luận: Gồm mười một tùy miên: năm loại kiến thuộc kiến khổ đoạn, tà kiến và kiến thủ thuộc kiến tập đoạn, hai loại nghi và hai loại vô minh thuộc kiến khổ đoạn và kiến tập đoạn.

Mười một loại tùy miên này được gọi là biến hành vì chúng duyên toàn bộ giới địa của chúng.

Hỏi: Ở đây khi nói biến duyên là hàm ý duyên lần lượt tất cả các pháp thuộc tự giới hay duyên tất cả trong cùng một lúc? Nếu duyên lần lượt thì các tùy miên khác lẽ ra cũng thuộc về biến hành, nếu duyên tất cả trong cùng một lúc thì điều này không thể chấp nhận được vì không có người nào lại xem toàn bộ thế giới này là phương tiện đạt đến thanh tịnh mà chỉ có một vài sự tu tập nào đó mới là đối tượng của giới cấm thủ, đồng thời cũng không có ai lại xem toàn bộ các pháp thuộc giới địa này là nguyên nhân của thế giới.

Trả lời của Tỳ-bà-sa: Không phải các pháp biến hành đều duyên toàn bộ tự giới trong cùng một lúc mà thật ra chúng chỉ duyên tự giới theo năm loại khác nhau (ngũ bộ), ở đây khi nói “toàn bộ” là có ý chỉ cho tất cả năm loại này.

Hỏi: Nếu hiểu biến hành theo nghĩa như trên thì ái và mạn cũng thuộc về biến hành. Nếu đã có ngã kiến đối với ngũ thủ uẩn thì cũng sẽ có ngã ái đối với ngũ thủ uẩn, đã có thắng kiến (hoặc kiến thủ), tịnh kiến (hoặc giới cấm thủ) đối với một sự vật nào đó thì cũng sẽ có sự mong cầu đối với sự vật này. Và trong tất cả các trường hợp trên cũng sẽ phải có mạn.

Tỳ-bà-sa: Nếu nói như vậy thì ái và mạn sẽ được đoạn trừ như thế nào? Trong trường hợp của hữu thân kiến v.v… thì đối tượng duyên của chúng được đoạn trừ do kiến đạo và tu đạo, và như vậy, có phải ái và mạn cũng được đoạn trừ do kiến hoặc tu đạo?

Luận chủ: Nếu tạp duyên thì ái và mạn được đoạn trừ do tu đạo. Hoặc cũng có thể bị đoạn do kiến đạo vì có lực của kiến dẫn khởi. Tỳ-bà-sa: Ái và mạn là các phiền não mang tính chất riêng biệt (tự tướng) chứ không phải tính chất chung (công tướng), vì thế chúng không phải là biến hành. (Ái và mạn có thể sinh khởi đối với một đối tượng duyên đã có ngã kiến nhưng không thể khởi đối với toàn bộ đối tượng duyên này trong cùng một lúc.

Trên đây là mười một tùy miên biến hành (có khả năng duyên tất cả các loại “ngũ bộ”) ở giới địa riêng của chúng, tức là những tùy miên đang hiện hành ở môt người đang thuộc về một giới địa nào đó.

Trừ thân kiến và biên chấp kiến ra, chín tùy miên còn lại cũng có tính chất biến hành ở một giới địa khác, các tùy miên này có khi chỉ duyên một nhưng cũng có khi lại duyên đến hai giới địa khác như Bản luận nói: “Có các tùy miên thuộc về Dục giới (tức các tùy miên sinh khởi ở chúng sinh thuộc về Dục giới) có thể duyên các pháp thuộc Sắc giới, các pháp thuộc Vô sắc giới, các pháp thuộc Sắc giới và Vô sắc giới. (Có các tùy miên thuộc Sắc giới có thể duyên các pháp thuộc Vô sắc giới)”.

Hỏi: Khi chúng sinh ở Dục giới đối với Đại Phạm đã khởi tưởng Đại Phạm cũng là một chúng sinh (hữu tình kiến), Đại Phạm là thường hằng (thường kiến) thì những chúng sinh này đã có thân kiến và biên chấp kiến đối với một sự vật thuộc về môt giới địa khác cao hơn. Như vậy thật sai lầm khi loại trừ hai loại kiến này ra khỏi số các tùy miên biến hành thuộc về một giới địa khác.

Đáp: Thật ra vì không khởi tưởng về ngã và ngã sở đối với Đại Phạm cho nên loại hữu tình kiến được nói đến ở trên không phải là thân kiến. Và đã là biên chấp kiến thì phải có thân kiến mới có thể sinh khởi vì thế loại thường kiến được nói đến ở trên cũng không phải là biên chấp kiến.

Hỏi: Nếu vậy loại kiến nào mới được gọi là hữu tình kiến và thường kiến đối với Đại Phạm?

Đáp: Các luận sư Đối pháp nói: “Trong trường hợp này không có kiến mà chỉ là tà trí.

Hỏi: Tại sao những loại kiến chấp khác đối với Đại Phạm đều được xem là kiến nhưng hữu tình kiến và thường kiến thì lại không?

Đáp: Vì đã căn cứ vào bản tông để quyết định.

Hỏi: Có phải chỉ có các tùy miên mới có tính chất biến hành?

Đáp: Trừ các pháp đắc ra, các pháp tùy hành với các tùy miên biến hành cũng được gọi là biến hành. Các pháp tùy hành như thọ v.v… đều thuộc về biến hành nhưng các pháp đắc thì không, vì đắc và pháp được chứng đắc không có quả chung.

Vì thế câu hỏi được đặt ra ở đây là các tùy miên biến hành có phải đều là nhân biến hành không? Và câu trả lời là nên giải thích vấn đề này qua bốn trường hợp: 1. Các tùy miên biến hành thuộc về vị lai không phải là nhân biến hành; 2. Các pháp tùy hành với các tùy miên biến hành thuộc quá khứ và hiện tại đều là nhân biến hành nhưng các tùy miên biến hành này không phải là nhân biến hành; 3. Các tùy miên biến hành thuộc quá khứ và hiện tại là nhân biến hành; . Các pháp tùy hành với các tùy miên biến hành thuộc vị lai không phải là tùy miên biến hành cũng không phải là nhân biến hành.

Hỏi: Trong chín mươi tám tùy miên, có bao nhiêu loại duyên pháp vô lậu, tức diệt và đạo đế, và có bao nhiêu loại duyên pháp hữu lậu?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Kiến diệt đạo sở đoạn

Tà kiến nghi tưởng ưng

Cập bất cộng vô minh

Lục năng duyên vô lậu

Ư trung duyên diệt giả

Duy duyên tự địa diệt

Duyên đạo lục cửu địa

Do biệt trị tướng nhân

Tham, sân, mạn, nhị thủ

Tịnh phi vô lậu duyên

Ưng ly cảnh phi oán

Tĩnh tịnh thắng tánh cố.

Dịch nghĩa:

Thuộc kiến, diệt, đạo đoạn

Tà kiến, nghi tương ưng

Và vô minh bất cộng

Sáu hay duyên vô lậu

Trong ấy duyên diệt pháp

Tức diệt của tự địa

Duyên đạo địa sáu, chín

Do biệt trị tương nhân

Tham, sân, mạn hai thủ

Duyên tịnh, phi vô lậu

Nên lìa cảnh chẳng oán

Tánh tịnh tĩnh tối thắng.

(Kiến nghi thuộc kiến diệt đạo đoạn. Vô minh tương ưng với chúng. Vô minh bất cộng là sáu loại tùy miên duyên pháp vô lậu. Trong đó các tùy miên duyên diệt pháp. Chỉ duyên diệt pháp thuộc tự địa. Các tùy miên duyên đạo đế ở sáu và chín địa do tính chất đối trị và hỗ tương khác nhau Tham, sân, mạn và hai thủ đều không duyên pháp vô lậu vì phải nên lìa bỏ, không phải là cảnh gây oán là cảnh tịch tĩnh, thanh tịnh, thù thắng).

Luận: Có ba loại tùy miên được đoạn trừ do sự thấy được diệt đế (kiến diệt sở đoạn) là tà kiến, nghi và vô minh tương ưng với chúng hoặc vô minh bất cộng, và ba loại tùy miên được đoạn trừ do sự thấy được đạo đế (kiến đạo sở đoạn) giống như trên, tất cả tạo thành sáu loại tùy miên có đối tượng duyên là pháp vô lậu. Ngoài sáu loại này ra, tất cả các tùy miên khác đều duyên pháp hữu lậu.

Ba loại tùy miên (tà kiến, nghi, vô minh) được đoạn trừ do kiến diệt đế và có đối tượng duyên là diệt pháp nhưng không phải chung duyên pháp trạch diệt: khi chúng thuộc về Dục giới thì chúng chỉ duyên diệt pháp của Dục giới và lần lượt ở các địa khác cũng như vậy, cho đến khi chúng thuộc về Hữu đảnh thì chúng cũng chỉ duyên nơi pháp diệt của Hữu đảnh.

Ba loại tùy miên có đối tượng duyên là đạo đế khi chúng thuộc về Dục giới thì chúng sẽ duyên toàn bộ đạo đế, một phần các pháp trí, cùng với sáu địa của chúng, tức vị chí, tĩnh lự trung gian, bốn tĩnh lự. Khi chúng thuộc về Sắc giới hoặc Vô sắc giới, tức bốn tĩnh lự và bốn tầng Vô sắc giới, thì chúng sẽ duyên toàn bộ đạo đế, một phần các loại trí, cùng với chín địa của chúng, tức sáu địa ở trên công thêm ba tầng Vô sắc đầu tiên. Các đạo đều hỗ tương tùy thuộc vào nhau.

Cho dù pháp trí và loại trị có hỗ tương tùy thuộc vào nhau đi nữa thì vì loại trí không đối nghịch với (bất trị) Dục giới cho nên cả ba loại tùy miên hệ thuộc Dục giới và lấy đạo đế làm đối tượng duyên đều không duyên đạo đế và một phần các loại trí.

Tuy nhiên đối với pháp trí vì có khả năng đối nghịch với (năng trị) Dục giới cho nên cũng có khả năng đối nghịch với Sắc giới và Vô sắc giới, và vì thế Pháp trí cũng sẽ là đối tượng duyên của ba loại tùy miên lấy đạo đế làm đối tượng duyên của hai giới này.

Không phải toàn bộ Pháp trí đều đối nghịch với Sắc giới và Vô sắc giới vì các Pháp trí thuộc khổ đế (khổ pháp trí) và tập đế đều không đối nghịch với hai giới này. (Vì thế chúng không phải là đối tượng duyên của ba tùy miên thuộc hai giới này).

Pháp trí cũng không đối nghịch với toàn bộ Sắc giới và Vô sắc giới (vì nó không đối nghịch với các pháp thuộc kiến đoạn). Do đó nó không phải là đối tượng duyên (của ba loại tùy miên thuộc hai giới này) vì hai loại pháp trí đầu tiên không đối nghịch với các giới này, và vì nhóm tùy miên đầu tiên của hai giới này, tức các tùy miên thuộc kiến đạo đoạn, không bị bất cứ loại pháp trí nào ngăn ngại.

Hỏi: Tại sao tham, sân, mạn, kiến thủ, giới cấm thủ không duyên các pháp vô lậu, không duyên diệt đạo?

Đáp: Vì tham tùy miên phải được đoạn trừ: nếu duyên pháp vô lậu tức sẽ không được lìa bỏ, cũng giống như trường hợp của sự tham muốn các pháp thiện (tuy mang hình thức của dục nhưng lại là chánh kiến). Sân sinh khởi trước một sự việc gây ra oán hận, trong khi một pháp vô lậu như diệt pháp hoặc đạo đế thì lại không phải là sự việc gây oán hận (phi sân cảnh). Người ta cũng không thể khởi mạn đối với diệt đạo vì các pháp này vốn tịch tĩnh. Giới cấm thủ là đối với các pháp không phải là nhân của sự thanh tịnh nhưng lại mê chấp là nhân của sự thanh tịnh, trong khi vô lậu thật sự là pháp thanh tịnh vì thế không thể là cảnh nơi đối tượng duyên của giới cấm thủ. Kiến thủ là đối với các pháp không phải thù thắng lại mê chấp là thù thắng, trong khi vô lậu thật sự là pháp thù thắng vì thế không thể là cảnh nơi đối tượng duyên của kiến thủ.

Hỏi: Trong chín mươi tám tùy miên, bao nhiêu tùy miên có thể tùy tăng nhờ vào đối tượng duyên, bao nhiêu tùy miên có thể tùy tăng nhờ sự tương ưng (tức nhờ vào các pháp tương ưng với tâm, thọ v.v…)?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Vi đoạn biến tùy miên

Ư tự địa nhất thiết

Phi biến ư tự bộ

Sở duyên cố tùy tăng

Phi vô lậu thượng duyên

Vô nhiếp hữu vi cố

Tùy ư tương ưng pháp

Tương ưng cố tùy tăng.

Dịch nghĩa:

Chưa đoạn biến, tùy duyên

Tất cả trong địa mình

Phi biến ở bộ mình

Nhờ duyên nên tùy tăng

Chẳng phải duyên vô lậu

Không nhiếp pháp hữu vi

Tùy nơi pháp tương ưng

Tương ưng nên tùy tăng.

(Các tùy miên biến hành chưa đoạn tùy tăng ở tất cả các địa của chúng. Loại phi biến hành chỉ tùy tăng ở tự bộ. Nhờ đối tượng duyên nên có thể tùy tăng. Không tùy tăng nếu duyên vô lậu và thượng địa. Vì chúng không thuộc về pháp hữu vi và tương vi với tùy miên. Tương ưng với pháp nào có thể tùy tăng nhờ tương ưng với pháp đó).

Luận: Về mặt đối tượng duyên, các tùy miên biến hành có thể tùy tăng ở năm nhóm (ngũ bộ) thuộc tự địa. Các tùy miên khác chỉ tùy tăng ở nhóm riêng của chúng: loại tùy miên thuộc kiến khổ đoạn tùy tăng ở các pháp thuộc kiến khổ đoạn v.v… cho đến loại tùy miên thuộc tu đoạn chỉ tùy tăng ở các pháp thuộc tu đoạn. Nguyên tắc phổ quát này mang tính chất nhất định.

Sáu tùy miên duyên pháp vô lậu, tức Niết-bàn hoặc Thánh đạo, và chín tùy miên duyên thượng địa không tùy tăng ở đối tượng duyên vì người ta không thể khiến cho loại đối tượng duyên này trở thành cái của mình bằng ngã kiến hoặc ái.

Đối với sự vật được xem như là ngã (do có hữu thân kiến) hoặc được xem như thuộc về mình do có ái thì các tùy miên khác sẽ tùy tăng ở sự vật này cũng giống như bụi bặm có thể bám vào một chiếc áo ướt. Tuy nhiên các pháp vô lậu và thượng địa không thể được xem như là ngã hay ngã sở, vì thế những tùy miên nào lấy chúng làm đối tượng duyên đều không thể tùy tăng từ các đối tượng duyên này.

Trước đây có nói loại ham muốn hướng đến pháp vô lậu hoặc một địa cao hơn đều không phải là loại tùy miên được gọi là ái mà đó chỉ là một loại dục hướng đến các pháp thiện.

Hơn nữa các pháp vô lậu như Niết-bàn hoặc Thánh đạo vốn đối nghịch với những phiền não nào lấy chúng làm đối tượng duyên, các pháp thuộc thượng địa đều đối nghịch với những phiền não thuộc các địa thấp hơn, do đó những phiền não này không thể nương vào đó để tùy tăng, có nghĩa là không thể nào an trú ở đó được, cũng giống như bàn chân không thể đứng được trên một hòn đá đỏ lửa.

Đến đây chúng ta đã có thể hiểu được chữ “tùy tăng” với ý nghĩa là “an trụ”. Có luận sư cho tùy tăng chính là tùy thuận. Niết-bàn v.v… không thuận hợp với sự sinh trưởng của tà kiến v.v…, cũng giống như khi người ta nói không có sự tùy tăng của loại thức ăn đắng đối với người bị phong thấp.

Tất cả các tùy miên tương ưng với một pháp nào đó đều có thể tùy tăng nhờ sự tương ưng với pháp này.

Ở đây khi nói “với một pháp nào đó” là hàm ý tương ưng với thọ v.v…

Chữ eva nhằm chỉ cho sự giới hạn (về nghĩa), có nghĩa là “khi mà các tùy miên chưa được đoạn trừ”.

Hỏi: Có loại tùy miên không duyên pháp vô lậu, không duyên thượng địa và chỉ tùy tăng nhờ sự tương ưng chứ không nhờ vào đối tượng duyên không?

Đáp: Có. Đó là loại tùy miên biến hành duyên vào thượng địa. (Tức là các tùy miên biến hành thuộc tầng thiền thứ nhất có đối tượng duyên là ba tầng thiền cao hơn).

Hỏi: Trong chín mươi tám tùy miên, loại nào bất thiện, loại nào vô ký, có nghĩa là không phải dị thục?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Thượng nhị giới tùy miên

Cập dục thân biên kiến

Bỉ câu si vô ký

Thử dư giai bất thiện.

Dịch nghĩa:

Tùy miên hai cõi trên

Và thân, biên Cõi dục

Kia thuộc si, vô ký

Ngoài ra đều bất thiện.

(Tùy miên của hai cõi trên. Thân kiến, biên kiến và si đều có ở cõi Dục, đều thuộc tánh vô ký. Ngoài ra tất cả đều bất thiện).

Luận: Tất cả các tùy miên thuộc Sắc giới và Vô sắc giới đều có tánh vô ký vì dị thục của tất cả các pháp nhiễm đều là khổ. Như vậy, khổ sẽ không tồn tại ở hai giới này vì tất cả các nhân của việc làm hại người khác đều không có ở đó.

Ở Dục giới, hữu thân kiến, biên chấp kiến và vô minh tương ưng với chúng đều thuộc tánh vô ký.

Thật vậy, những tùy miên này không tương vi (trái nghịch) với bố thí và các nghiệp thiện khác. Vì nghĩ: “Ta sẽ được sung sướng ở vị lai!” cho nên người ta bố thí và trì giới.

Loại đoạn kiến lại thuận hợp với giải thoát. Chính vì thế Đức Thế Tôn nói: “Trong số các kiến giải của ngoại đạo, kiến giải thù thắng nhất là khi họ nói ‘Ta không hiện hữu, những gì của ta không hiện hữu, ta sẽ không hiện hữu, những gì của ta sẽ không hiện hữu’”.

Hữu thân kiến và biên chấp kiến chỉ là những mê lầm đối với những sự vật làm nên một cá thể hư giả chứ không làm hại người khác vì thế cũng thuộc về vô ký.

Hỏi: Nếu như vậy thì những lý do như không tương vi với bố thí v.v… cũng có thể áp dụng cho các trường hợp tham vướng cõi thiên và ngã mạn, và chúng cũng sẽ là vô ký. Tuy nhiên bản tông lại không thể thừa nhận điều này.

Đáp: Các luận sư đời trước có nói: “Loại hữu thân kiến bẩm sinh (câu sinh) có ở loài cầm thú đều thuộc vô ký, nhưng loại hữu thân kiến sinh khởi do sự phân biệt thì lại thuộc tánh bất thiện” (Đối với trường hợp của biên chấp kiến bẩm sinh và phân biệt sinh cũng thế).

Tất cả các tùy miên khác ở Dục giới đều có tánh bất thiện.

Hỏi: Trong chín mươi tám tùy miên, bao nhiêu loại có gốc bất thiện (căn bất thiện)?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Bất thiện căn Dục giới

Tham sân bất thiện si.

Dịch nghĩa:

Căn bất thiện cõi Dục

Tham, sân, si bất thiện.

(Các căn bất thiện cõi Dục là tham, sân và si bất thiện).

Luận: Tất cả tham, sân, và ở Dục giới, ngoại trừ loại si thuộc hữu thân kiến và biên chấp kiến, theo thứ này là các căn bất thiện.

Hữu thân kiến và biên chấp kiến không phải là căn bất thiện vì chỉ có các phiền não thuộc tánh bất thiện và vốn là căn bất thiện mới được lập thành căn bất thiên. Các tùy miên khác không phải là căn bất thiện.

Hỏi: Có bao nhiêu tùy miên là căn vô ký?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Vô ký căn hữu tam

Vô ký ái si tuệ

Phi dự như cao cố

Ngoại phương lập tứ chủng

Trung ái kiến mạn si

Tam định giai si cố.

Dịch nghĩa:

Căn vô ký có ba

Ái, si, tuệ vô ký

Chẳng phải hai cử khác

Sư khác lập bốn loại

Tức ái, kiến, mạn, si

Ba định đều do si.

(Có ba căn vô ký là ái, si và tuệ vô ký chứ không phải các tùy miên khác vì có hai loại và cao cử. Luận sư nước ngoài lập thành bốn loại. Trong số ái, kiến, mạn và si có ba loại thuộc định vì đều do si).

Luận: Các luận sư Tỳ-ba-sa ở ca-thấp-di-la nói các loại ái, vô minh và tuệ vốn thuộc tánh vô ký, không kể thuộc bất kỳ loại vô ký nào trước đó và trong đó có cả loại tuệ do dị thục sinh đều là các căn vô ký.

Nghi không thể được xem như là một căn vì có tánh di động và có đến hai loại. Mạn vốn là sự cao ngạo của tâm cũng không phải là căn vì mạn bao hàm sự nâng cao, không phù hợp với căn. Mọi người đều biết các căn phải chắc cứng và hướng xuống phía dưới.

Các luận sư nước ngoài nói bốn loại ái, kiến, mạn và si đều là vô ký: Thật vậy, vì có vô minh nên có ba loại thuộc định. Người ta phân thành ba loại “định của ái”, “định của kiến”, và “định của mạn”. Các loại này được gọi như thế là do si hoặc vô minh.

Hỏi: Khế kinh có nói đến mười bốn điểm thuộc về vô ký. Như vây có phải chúng cũng thuộc loại vô ký được nói đến ở trên?

Đáp: Không phải. Mười bốn điểm vô ký được nói đến trong kinh nhằm để chỉ cho loại câu hỏi cần phải từ chối: có nghĩa là loại câu hỏi này được gọi là “không được trả lời” (vô ký), nó không được giải thích vì nó phải bị khước từ. Đối tượng của môt câu hỏi như thế được gọi là vô ký sự.

Có bốn loại câu hỏi:

Tụng nói: (Âm Hán)

Ưng nhất hướng phân biệt

Phản cật xả trí ký

Như tử sinh thù thắng

Ngã uẩn nhất dị đẳng.

Dịch nghĩa:

Đáp bằng cách phân biệt

Hỏi lại và từ chối

Hỏi tử sinh thù thắng

Ngã, uẩn một hay khác v.v…

(Nên trả lời dứt khoát, bằng cách phân biệt, bằng cách hỏi lại, bằng cách từ chối. Như được hỏi về chết, sống, thù thắng ngã và uẩn là một hay khác v.v…).

Luận:

1. Nếu có người hỏi “Có phải tất cả chúng sinh đều sẽ chết?” thì cần trả lời một cách dứt khoát là “Tất cả sẽ chết”.

2. Nếu có người hỏi “Có phải tất cả chúng sinh đều sẽ sinh ra?” thì cần trả lời bằng cách phân biệt: “Những chúng sinh có phiền não sẽ sinh ra, những chúng sinh không có phiền não sẽ không sinh ra”.

3. Nếu có người hỏi “Con người cao cả hay thấp kém, “ thì cần phải trả lời bằng một câu hỏi: “Khi so sánh với ai?”. Nếu nói là so sánh với trời thì cần trả lời là “con người thấp kém hơn”. Nếu nói là so sánh với chúng sinh ở các cõi ác thì cần trả lời là “con người cao cả hơn”.

4. Nếu có người hỏi “Các uẩn đồng nhất hay khác biệt với chúng sinh?” thì đây là câu hỏi cần phải từ chối vì cái được gọi là “chúng sinh” không thật hữu, cũng giống như khi từ chối trả lời câu hỏi: “Con của người đàn bà không sinh sản là đen hay trắng?”

Hỏi: Làm sao có thể nói là “đã trả lời” câu hỏi thứ tư này khi không đưa ra được câu trả lời là các uẩn đồng nhất hay khác biệt với chúng sinh?

Đáp: Khi nói “câu hỏi này phải được từ chối” tức đã đưa ra câu trả lời.

Có luận sư nói loại câu hỏi thứ hai cũng dẫn đến một câu trả lời dứt khoát giống như câu hỏi thứ nhất là “tất cả chúng sinh sẽ không sinh ra”. Tuy nhiên theo Luận chủ, để chứng minh cho tỷ dụ của Tỳ-bà-sa về loại câu hỏi thứ hai, tức đối với những ai có thể hỏi: “Những người bị chết có sẽ sinh ra không?”, thì cần phải trả lời bằng cách phân biệt: (Không phải tất cả những người bị chết đều sẽ sinh ra, những người có phiền não mới sinh ra, chứ những người không có phiền não thì không).

Lại còn câu hỏi thứ ba cũng dẫn đến một câu rả lời không thể dứt khoát vì con người cùng lúc có thể cao hoặc thấp tùy theo trường hợp so sánh. Cũng giống như khi có người hỏi: “Thức là quả hay nhân?”, (thì cần phải trả lời: “Là nhân nếu so với quả, và là quả nếu so với nhân”). Nhưng Luận chủ nói đối với người đưa ra câu hỏi theo cách dứt khoát như: “Con người cao cả hay thấp kém?”, thì sẽ không thích hợp để trả lời một cách dứt khoát là “con người cao cả” hay “con người thấp kém” mà cần phải trả lời bằng cách phân biệt: có nghĩa là trước tiên phải hỏi lại ý định của người hỏi.

Các luận sư Đối pháp nói về bốn loại câu hỏi:

1. Loại trả lời dứt khoát là khi có người hỏi: “Đức Thế Tôn có phải là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác? Giáo pháp được Đức Thế Tôn nói ra có phải là thiện thuyết không? Chúng Tăng Thanh văn có được khéo léo dẫn dắt không? Có phải sắc là vô thường?…. “Có phải thức là vô thường? Khổ có được trình bày rõ ràng không?… Đạo có được trình bày rõ ràng không?”, những câu hỏi như thế cần được trả lời một cách dứt khoát vì có lợi ích chân thực.

2. Loại trả lời bằng phân biệt là khi có người thành tâm hỏi: “Con muốn Tôn giả thuyết pháp cho con” thì cần phải phân biệt là pháp có nhiều loại như pháp quá khứ, pháp hiện tại, pháp vị lai và người hỏi muốn nghe loại pháp gì. Nếu người hỏi trả lời muốn nghe pháp quá khứ thì cần phải phân biệt là pháp quá khứ cũng có nhiều loại như sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nếu người hỏi muốn nghe giảng về sắc pháp thì cũng cần phải phân biệt là sắc pháp có ba loại là thiện, bất thiện và vô ký. Nếu người hỏi muốn nghe loại sắc pháp thiện thì cũng phải phân biệt là sắc pháp thiện có đến bảy loại là giới sát v.v… cho đến vọng ngữ. Nếu người hỏi muốn nghe giảng về giới sát thì cần phải phân biệt có ba loại giới sát xuất phát từ ba thiện căn là vô tham, vô sân và vô si. Nếu người hỏi muốn biết về loại giới sát sinh khởi từ vô tham thì phải phân biệt hai loại là giới sát hữu biểu và giới sát vô biểu, và hỏi xem người hỏi muốn nghe về loại nào.

3. Trả lời bằng câu hỏi: Cùng một câu hỏi nhưng nếu do một người không thành tâm nêu ra thì phải trả lời bằng cách đưa ra một câu hỏi. Nếu người này hỏi: “Tôi muốn Tôn giả thuyết pháp cho tôi” thì phải hỏi lại là pháp thì có nhiều nhưng người hỏi nghe pháp nào. Trong trường hợp này không cần phải phân biệt các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại mà chỉ tiếp tục hỏi lại cho đến khi người này phải chịu im hoặc tự giải thích lấy.

Lại hỏi: Nếu người không thành tâm và người thành tâm đều không hỏi mà chỉ cầu xin hãy thuyết pháp cho họ, và nếu không trả lời họ, không giải thích cho họ mà chỉ hỏi lại họ là muốn mình thuyết loại pháp nào thì làm sao có thể nói đó là hỏi và trả lời?

Luận chủ: Nếu có người nói: “Xin chỉ đường cho tôi” tức đã đưa ra câu hỏi về đường đi, cũng giống như nói: “Đâu là đường đi?”. Mặt khác khi hỏi lại tức đã giải thích cho người hỏi những gì người này muốn hỏi: như vậy chẳng phải đường đi đã không được giải thích sao?

Lại hỏi: Nếu vậy trong trường hợp của loại câu hỏi thứ hai và thứ ba vẫn có câu trả lời bằng cách hỏi lại?

Luận chủ: Không thể như vậy. Trong trường hợp trên, câu trả lời sẽ khác vì có khi trả lời bằng sự phân biệt và có khi trả lời mà không phân biệt.

4. Loại câu hỏi phải từ chối. Nếu có người hỏi: “Thế gian hữu hạn hay vô hạn v.v…?” Thì phải từ chối trả lời.

Luận chủ cho cần phải dựa vào Khế kinh để tìm ra định nghĩa của bốn loại câu hỏi và trả lời này: Các bậc tôn túc của Đại chúng bộ trích kinh nói: Này các Bí-sô, có bốn cách trả lời các câu hỏi. Bốn cách đó là gì? Có những câu hỏi cần phải trả lời thật dứt khoát…, có loại câu hỏi cần phải từ chối không trả lời. Loại câu hỏi gì cần phải trả lời dứt khoát? Đó là câu hỏi có phải tất cả các uẩn đều vô thường. Loại câu hỏi gì cần phải trả lời bằng cách phân biệt? Đó là câu hỏi loại nghiệp cố ý chiêu cảm loại quả gì. Loại câu hỏi gì cần phải trả lời bằng một câu hỏi? Đó là câu hỏi có phải tưởng là ngã của con người, lúc đó phải hỏi ngược lại là người này nghĩ gì về ngã. Nếu họ trả lời ngã thì thô hiển tức phải trả lời tưởng khác với ngã. Loại câu hỏi gì cần phải từ chối không trả lời? Đó là câu hỏi có phải thế giới là thường, là vô thường, vừa thường vừa vô thường, không phải thường cũng không phải vô thường, có phải thế giới là hữu hạn, là vô hạn, vừa hữu hạn vừa vô hạn, không phải hữu hạn cũng không phải vô hạn, có phải Như Lai vẫn tồn tại sau khi chết…, có phải mạng khác với thân. Này các Bí-sô, những câu hỏi như thế cần phải từ chối”.