Lịch âm, một hệ thống đo thời gian dựa trên chu kỳ mặt trăng, gắn liền sâu sắc với văn hóa phương Đông và các lễ hội truyền thống, đặc biệt là Tết Nguyên Đán – thời điểm chuyển giao năm mới, tượng trưng cho sự đoàn viên và khởi đầu may mắn. Tuy nhiên, ít ai biết được nguồn gốc thực sự của lịch âm.
Lịch âm thuần túy dựa trên chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng. Người xưa quan sát và nhận thấy mặt trăng trải qua một chu kỳ tròn khuyết đều đặn, trung bình khoảng 29,53 ngày. Khoảng thời gian này được dùng làm đơn vị thời gian gọi là “tháng”, với tháng đủ 30 ngày và tháng thiếu 29 ngày.
Một năm âm lịch gồm 12 tháng, tương ứng với khoảng 354 hoặc 355 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là lịch âm thuần túy, không hoàn toàn phản ánh sự thay đổi của các mùa trong năm.
Nhiều người lầm tưởng lịch âm bắt nguồn từ Trung Hoa. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đã chứng minh nền văn minh Sumer, phát triển bên cạnh sông Tigris (Iraq ngày nay) cách đây hơn 6000 năm, đã biết làm lịch dựa vào chu kỳ mặt trăng. Đế quốc La Mã trước thời Julius Caesar cũng sử dụng loại lịch âm này.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” cũng khẳng định lịch âm phát sinh từ vùng văn hóa Lưỡng Hà, dựa trên chuyển động của mặt trăng với chu kỳ 29,53 ngày, tạo thành một năm có 354 ngày.