SỐ 360
KINH VÔ LƯỢNG THỌ
Hán dịch: Đời Tào Ngụy, Tam tạng Khang Tăng Khải
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Đức Phật bảo A-nan:

–Chúng sinh nào sinh về cõi nước ấy đều được trụ ở chánh định. Vì sao? Vì trong cõi Phật ấy không có tà kiến và tà định. Do vậy hằng sa chư Phật Như Lai ở khắp mười phương đều cùng tán thán oai thần công đức không thể nghĩ bàn của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Chúng sinh nào nghe danh hiệu của Đức Phật ấy tin tưởng hoan hỷ, cho đến một niệm chí tâm hồi hướng nguyện sinh về cõi Phật kia, liền được vãng sinh, trụ bậc bất thoái chuyển, chỉ trừ hạng phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng chánh pháp.

Này A-nan! Chư Thiên, loài người ở cõi nước khắp mười phương, chí tâm nguyện sinh về cõi nước ấy gồm có ba bậc: Bậc thượng, là người thoát ly sự ràng buộc gia đình, xuất gia làm Sa-môn, phát tâm Bồ-đề, nhất tâm chuyên niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ, tu các công đức nguyện sinh về cõi nước ấy. Các chúng sinh này khi mạng chung được Đức Phật Vô Lượng Thọ cùng đại chúng hiện ra trước mặt, liền theo Đức Phật ấy vãng sinh về cõi Cực Lạc, rồi tự nhiên hóa sinh ở trong hoa bảy báu, trụ ở bậc bất thoái chuyển, trí tuệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Thế nên, này A-nan! Chúng sinh ở đời hiện tại muốn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ thì nên phát tâm Bồ-đề vô thượng, tu hành các công đức, nguyện sinh về cõi Cực Lạc. Này Anan! Bậc trung là chư Thiên, loài người ở khắp mười phương thế giới, chí tâm nguyện sinh về cõi nước ấy, tuy chẳng thể làm Sa-môn, tu công đức lớn nhưng phát tâm Bồ-đề vô thượng, nhất tâm chuyên niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ, làm lành hoặc ít hoặc nhiều, giữ gìn trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường Sa-môn, treo phan, đốt đèn, rải hoa, đốt hương, dùng việc này để hồi hướng nguyện sinh về cõi nước Cực Lạc, thì người này lúc qua đời được Phật Vô Lượng Thọ hóa hiện thân hình đầy đủ tướng hảo sáng rỡ cùng vơi đại chúng hiện ra trước mặt để đón rước về thế giới Cực lạc và an trú quả vị bất thoái chuyển, công đức trí tuệ gần như bậc thượng. Này A-nan! Bậc hạ là chư Thiên, loài người ở khắp mười phương thế giới, chí tâm muon sinh về cõi Cực lạc, nhưng không thể làm các công đức mà chỉ phát tâm Bồ-đề vô thượng, nhất tâm chuyên niệm cho đến mười niệm, niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ, nguyện sinh về cõi nước ấy, hoặc nghe giáo pháp thâm sâu hoan hỷ tin thọ, không có hoài nghi, cho đến một niệm nhớ nghĩ Đức Phật kia, dụng tâm chí thành nguyện sinh về cõi nước ấy thì người này khi qua đời, mộng thấy Đức Phật kia và liền được vãng sinh với công đức trí tuệ cũng gần như bậc trung. Này A-nan! Đức Phật Vô Lượng Thọ có oai thần vô lượng, vì thế vô số chư Phật Như Lai khắp mười phương thế giới đều khen ngợi Đức Phật Vô Lượng Thọ. Hằng sa cõi Phật ở phương Đông có vô lượng vô số chung Bồ-tát đều đến chỗ Đức Phật Vô Lượng Thọ, cung kính cúng dường Phật và chúng Bồ-tát, Thanh văn, rồi lắng nghe, thọ trì kinh pháp. Các cõi Phật ở phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên dưới đều cũng như thế. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Các cõi Phật phương Đông
Số nhiều như hằng sa
Các Bồ-tát cõi ấy
Đến lễ Phật Vô Lượng
Nam, Tây, Bắc, bốn hướng
Trên dưới cũng như vậy
Chúng Bồ-tát ở đấy
Đến lạy Phật Vô Lượng
Tất cả các Bồ-tát
Đều đem hoa cõi trời
Hương báu y vô giá
Cúng dường Phật Vô Lượng
Đều cùng tấu nhạc trời
Phát ra tiếng hòa nhã
Ca ngợi đấng Tối thắng
Cúng dường Phật Vô Lượng
Thấu suốt thần thông tuệ
Vào sâu các pháp môn
Đầy đủ tạng công đức
Trí tuệ không ai bằng
Mặt trời trí tuệ soi
Tiêu trừ mây sinh tử
Cung kính nhiễu ba vòng
Đảnh lễ đấng Vô thượng
Cõi Phật ấy nghiêm tịnh
Vi diệu khó nghĩ bàn
Do phát tâm vô thượng
Nguyện nước ta cũng vậy
Lúc ấy Phật Vô Lượng
Hoan hỷ miệng mỉm cười
Miệng phóng vô số quang
Chiếu khắp cõi mười phương
Rồi quay về quanh thân
Ba vòng vào đỉnh Phật
Tất cả chúng trời người
Đều vui mừng hớn hở
Đại sĩ Quán Thế Âm
Sửa y phục lại hỏi
Cớ sao Phật mỉm cười
Nguyện xin Phật nói cho
Tiếng Phật như sấm động
Tám âm thanh vi diệu
Sẽ thọ ký Bồ-tát
Ông lắng nghe Ta nói
Chánh sĩ mười phương đến
Ta đều biết nguyện họ
Mong cầu cõi nghiêm tịnh
Thọ ký sẽ thành Phật
Hiểu rõ tất cả pháp
Như huyễn mộng, tiếng vang
Viên mãn các đại nguyện
Sẽ sinh cõi như vậy
Biết pháp như ánh chớp
Đầy đủ đạo Bồ-tát
Và các gốc công đức
Thọ ký sẽ thành Phật.
Thông đạt các pháp môn
Đều là không, vô ngã
Chuyên cầu tịnh cõi Phật
Sẽ thành cõi như vậy
Chư Phật bảo Bồ-tát
Gần gũi Phật An Dưỡng
Nghe pháp ưa thọ trì
Mau được chỗ thanh tinh
Đến cõi nghiêm tịnh ấy
Thì mau được thần thông
Chắc chắn Phật Vô Lượng
Thọ ký thành Chánh Giác
Phật ấy có thệ nguyện
Nghe tên muốn vãng sinh
Đều được sinh cõi ấy
Đạt đến Bất thoái chuyển
Bồ-tát phát chí nguyện
Muốn nước tôi cũng vậy
Nhớ độ khắp chúng sinh
Danh tiếng vang mười phương
Phụng sự ức Như Lai
Biến hóa đến các cõi
Cung kính cúng dường Phật
Trở về nước An Dưỡng
Người nào tâm bất thiện
Không được nghe kinh này
Người có giới thanh tịnh
Mới được nghe chánh pháp
Đã từng thấy Thế Tôn
Thì tin được việc này
Cung kính nghe phụng hành
Vui mừng rất hớn hở
Kiêu mạn, ngu, biếng nhác
Khó tin được việc này
Đời trước thấy chư Phật
Ưa thích nghe chánh pháp
Thanh văn hoặc Bồ-tát
Chẳng biết được tâm Phật
Ví như người mù lòa
Muốn dẫn đường người khác
Biển trí tuệ của Phật
Sâu rộng không bờ đáy
Nhị thừa chẳng lường được
Chỉ riêng Phật sáng tỏ
Giả sử các chúng sinh
Đều đắc đạo tất cả
Tuệ thanh tịnh vốn không
Ức kiếp nghĩ trí Phật
Tận lực để giảng thuyết
Suốt đời chẳng biết được
Trí Phật không bờ bến
Đạt đến chỗ thanh tịnh
Tuổi thọ rất khó được
Phật ra đời khó gặp
Có tín tuệ cũng khó
Người tinh tấn mong cầu
Nghe pháp không thể quên
Cung kính và hoan hỷ
Là bạn lành của Ta
Vì vậy nên phát tâm
Dù lửa cháy thế gian
Quyết vượt qua nghe pháp
Sẽ được thành Phật đạo
Vượt qua dòng sinh tử.

Đức Phật bảo A-nan:

–Bồ-tát ở cõi nước kia rốt ráo đều đạt đến Nhất sinh bổ xứ, ngoại trừ những vị có bản nguyện vì chúng sinh nên dùng công đức thệ nguyện rộng lớn để tự trang nghiêm, muốn độ thoát hết tất cả chúng sinh. Này A-nan! Hàng Thanh văn trong cõi nước ấy thân chiếu ánh sáng một dặm, ánh sáng Bồ-tát chiếu sáng trăm do-tuần. Có hai Bồ-tát tối tôn bậc nhất có ánh sáng oai thần chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới.

A-nan bạch Phật:

–Hai vị Bồ-tát ấy danh hiệu là gì?

Đức Phật dạy:

–Vị thứ nhất hiệu là Quán Thế Âm và vị thứ hai hiệu là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ-tát ấy ở cõi nước này tu hạnh Bồ-tát, lúc lâm chung hóa sinh về cõi Cực lạc. Này A-nan! Chúng sinh nào sinh về cõi nước ấy đều đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, trí tuệ viên mãn, thâm nhập các pháp, thấu rõ chỗ cốt lõi vi diệu, thần thông vô ngại, các căn sáng suốt, lanh lợi. Người căn trí chậm chạp thì thành tựu hai pháp nhẫn. Người căn trí lanh lợi thì được vô số pháp Nhẫn vô sinh. Bồ-tát ở cõi nước ấy cho đến lúc thành Phật, không sinh vào cõi ác, thần thông tự tại, thường biết thọ mạng đời trước, trừ người thị hiện sinh về đời ác năm trược ở phương khác, như cõi Ta-bà của Ta đây.

Này A-nan! Bồ-tát ở cõi Cực lạc nhờ oai thần của Phật, trong khoảng thời gian một bữa ăn, đi đến vô lượng thế giới mười phương, cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn. Tùy theo tâm nguyện của họ mà vô số vô lượng phẩm vật cúng dường như y phục, phướn lọng, cờ phướn tự nhiên hiện ra và theo ý nghĩ liền hiện ra trân báu vi diệu thù đặc mà thế gian chẳng có được. Bồ-tát liền đem tung lên cúng dường chư Phật, Bồ-tát, đại chúng Thanh văn. Những thứ ấy ở giữa không trung hóa thành lọng hoa chói sáng xinh đẹp, hương thơm tỏa khắp nơi. Chu vi lọng hoa ấy bốn trăm dặm và lần lần lớn gấp bội, cho đến che trùm cả ba ngàn đại thiên thế giới rồi dần dần ẩn mất. Các vị Bồtát ấy đều vui mừng, ở giữa không trung tấu lên nhạc trời, dùng âm thanh vi diệu tán thán công đức của chư Phật, lắng nghe kinh pháp, vui mừng vô lượng. Cúng dường chư Phật xong, chư vị bỗng nhiên nhẹ nhàng, trở về cõi An lạc trước giờ thọ trai.

Này A-nan! Đức Phật Vô Lượng Thọ khi ban pháp ngữ, đại chúng Thanh văn, Bồ-tát đều vân tập tại giảng đường bằng bảy báu.

Đức Phật thuyết giảng thông suốt giáo pháp vi diệu, không ai không hoan hỷ, tâm hiểu đắc đạo. Lúc ấy bốn phương tự nhiên gió thổi, lay động cây báu phát ra năm thứ âm thanh, và vô lượng hoa đẹp theo gió bay đi khắp nơi, tự nhiên cúng dường như vậy không dứt. Tất cả chư Thiên đều mang trăm ngàn hương hoa, vạn thứ âm nhạc cúng dường Đức Phật và đại chúng Thanh văn, Bồ-tát ở cõi nước ấy. Chư Thiên rải hoa xông hương, tấu lên các thứ âm nhạc, trước sau qua lại tùy theo thứ lớp. Lúc ấy, tất cả đại chúng đều vui vẻ không thể nói hết được. Chư Bồ-tát sinh về cõi Cực lạc, thường thuyết giảng chánh pháp, tùy thuận trí tuệ không có sai lầm. Bồ-tát đối với vạn vật ở cõi nước ấy, không có tâm chấp là của ta, không có tâm nhiễm trước, qua, lại, tới, lui tâm không hệ lụy, tùy ý tự tại, không thân không sơ, không người không ta, không tranh giành, không kiện tụng. Đối với chúng sinh thì sinh tâm đại tư đại bi làm lợi ích, tâm nhu hòa điều thuận, không có sân giận, tâm thanh tịnh không biếng nhác chán nản, xa lìa triền cái, tâm bình đẳng, tâm thù thắng, tâm sâu sắc, tâm định, tâm thích pháp, ưa pháp, hoan hỷ đối với pháp, diệt trừ phien não, xa lìa tâm cõi ác, rốt ráo tất cả hạnh Bồ-tát, thành tựu đầy đủ vô lượng công đức, đạt được các thông tuệ, thiền định sâu xa, chí nguyện ở bảy phần Bồ-đề, nương pháp Phật để tu tâm, nhục nhãn trong sáng phân biệt rõ tất cả, thiên nhãn thông đạt vô lượng vô biên, pháp nhãn quán sát rốt ráo các đạo, tuệ nhãn thấy rõ chân như, có thể vượt sang bờ giác ngộ, Phật nhãn thấy rõ tất cả pháp tánh, dùng trí vô ngại giảng thuyết cho người, bình đẳng quán ba cõi là không, không thật có, chí mong cầu pháp Phật, đầy đủ biện tài, trừ diệt hoạn nạn phiền não cho chúng sinh, nương theo Như Lai, hiểu rõ pháp như như, thấy rõ phương tiện, âm thanh tập diệt, không thích ngôn ngữ thế tục, thích luận bàn về chánh pháp, tu các việc lành, chí tôn sùng Phật đạo, biết tất cả pháp đều là tịch diệt, hai thứ còn lại là sinh thân và phiền não đều dứt hết, nghe pháp thâm sâu, tâm không nghi ngờ sợ hãi, thường tu hành đại bi sâu xa vi diệu, che chở tất cả, cứu cánh nhất thừa đạt đến giải thoát, quyết đoạn lưới nghi, tâm sinh trí tuệ. Đối với giáo pháp Phật tóm thâu hết tất cả, trí tuệ như biển cả, Tam-muội như núi cao, ánh sáng trí tuệ chiếu soi hơn ánh mặt trời mặt trăng viên mãn đầy đủ pháp thanh tịnh, giống như núi Tuyết chiếu soi các công đức đều trong sạch, giống như mặt đất không có tâm phân biệt sạch dơ tốt xấu, giống như nước sạch tẩy rửa các phiền não cấu uế, giống như lửa lớn thiêu cháy tất cả củi phiền não, giống như gió lớn đi qua các thế giới không có chướng ngại, giống như hư không không có dính mắc tất cả vạn vật, ở trong thế gian không bị nhiễm ô như hoa sen, chuyên chở chúng sinh ra khỏi biển sinh tử giống như cỗ xe lớn, giác ngộ những kẻ chưa giác ngộ giống như mây dày bị sấm pháp xua tan, giống như mưa lớn, mưa pháp cam lồ tham nhuần chúng sinh, như núi kim cang chúng ma ngoại đạo không thể lay động, giống như Phạm Thiên vương là bậc tối thượng đối với các pháp thiện, giống như cây Ni-câu-loại che trùm khắp tất cả, giống như hoa sen xanh hiếm có khó gặp, thu phục ngoại đạo giống như kim-sí-điểu, không có cất chứa như loài du cầm, không ai thắng được như loài ngưu vương, khéo diều phục như loài voi chúa, không sợ hãi như sư tử chúa, đại từ bình đẳng như hư không khoang đãng, dứt lòng ganh ghét, chẳng mong hơn người, chuyên ưa cầu pháp không biết chán nản, thường muốn nói rộng, chí không mệt mỏi, đánh trống pháp, dựng cờ pháp, mặt trời trí tuệ chiếu soi trừ diệt si ám, tu sáu pháp hoa kính, thường hành bố thí, chí dũng mãnh tinh tấn, tâm không nhu nhược thoái lui, là đèn sáng cho đời, là ruộng phước tối thắng, thường làm bậc thầy dìu dắt bình đẳng, không thương ghét, chỉ thích chánh đạo, chẳng thích gì khác, nhổ gai ái dục, an ổn chúng sinh, công đức thù thắng, không ai chẳng tôn kính, diệt trừ ba cấu, thần thông tự tại. Tất cả lực nhân, lực duyên, lực ý, lực nguyện, lực phương tiện, lực thường, lực thiện, lực định, lực tuệ, lực đa văn, lực bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, lực chánh niệm, chỉ quán, các thông tuệ, chư vị đều thông đạt. Các năng lực như pháp điều phục chúng sinh như thế đều đầy đủ, thân sắc tướng hảo, công đức biện tài đều trang nghiêm đầy đủ không ai bằng. Chư vị Bồ-tát ấy cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, thường được chư Phật khen ngợi, rốt ráo các Ba-la-mật của Bồ-tát, tu tập Tam-muội Không, Vô tướng, Vô nguyện, các môn Tam-muội không sinh không diệt, vượt xa địa vị Thanh văn, Duyên giác.

Này A-nan! Chư Bồ-tát đó thành tựu vô lượng công đức như vậy, Ta chỉ nói sơ lược cho ông thôi. Nếu nói rộng ra thì trăm ngàn vạn kiếp cũng không thể nào hết được.

Đúc Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Chư Thiên, loài người, Thanh văn, Bồ-tát ở cõi Phật Vô Lượng Thọ có công đức trí tuệ không thể nói hết được. Cõi nước ấy vi diệu, an lạc, thanh tịnh như thế, sao không gắng sức làm lành, nhớ nghĩ về đạo, không chấp cao thấp, thông đạt vô biên cõi. Các ngươi nên tinh tấn, nỗ lực siêng năng tự cầu sẽ được siêu việt tất cả, vãng sinh về cõi Cực lạc, dứt năm đường ác, tien đến đạo vô cùng, dễ được vãng sinh như không có người. Cõi nước ấy không chống trái, tự nhiên được dẫn dắt vậy tại sao không bỏ việc đời, tinh tấn cầu đạo, có thể sống lâu, hưởng vui không cùng cực. Những người đời phước mỏng cùng tranh đua những việc không cần thiết, ở trong chỗ khốn khổ ác nghiệt này mà nhọc nhằn kinh doanh để nuôi dưỡng mạng sống. Không luận cao quý, thấp hèn, giàu nghèo, nam nữ, lớn nhỏ đều cùng lo nghĩ về tiền tài, dù có hay không đều ưu tư sầu khổ, lo lắng kinh doanh, âu lo chồng chất, bị tâm đuổi chạy không lúc nào yên. Có ruộng lo ruộng, có nhà lo nhà, có bò, ngựa, lục súc, nô tỳ, tiền của, y phục, thực phẩm, các vật dùng khác đều phải lo lắng, lại lo trăm ngàn thứ, toan tính, suy nghĩ, lo sầu, sợ hãi. Bỗng dưng bị vô thường, nước, lửa, trộm cướp, oan gia trái chủ thiêu đốt cuốn trôi, chiếm đoạt làm tiêu tan không còn, lại buồn đau hoảng sợ không lúc nào thoải mái, trói buộc sân hận trong tâm, không lìa sầu não, tâm ý cố chấp, không có buông xả, hoặc đến lúc chết, bỏ của mà đi, không mang theo thứ gì, giàu sang phú quý cũng có khổ này, ưu sầu sợ hãi vạn mối khổ nhọc như vậy, lại thêm các nỗi thống khổ về nóng lạnh. Hạng bần cùng, thấp hèn, khốn khổ thì thường lo lắng cách khác, như người không có ruộng lo lắng muốn có ruộng; không có nhà cũng lo lắng muốn co nhà; không có bò, ngựa, lục súc, nô tỳ, tiền của, y phục, thức ăn và các thứ khác cũng lo lắng muốn có được. Nhưng khi vừa có một lại thiếu một, có cái này thiếu cái kia, suy nghĩ muốn có cho đều như nhau, vừa có đầy đủ lại tiêu xài hoang phí đến nỗi tan gia bại sản. Sầu khổ như vậy nên lại cầu xin, nhưng lúc không thể có được thì nghĩ cũng vô ích, khiến thân tâm mệt mỏi, đứng ngồi không yên, lo nghĩ liên tục, khổ não vô tận, lại chịu đầy đủ các thứ khổ nóng lạnh. Hoặc lúc chết sinh lên cõi trời, không chịu làm việc lành, tu tập phước đức, thì khi qua đời, đi một mình hướng đến đường thiện hay ác không phân biệt được. Vì thế mọi người ở thế gian như cha con, anh em, vợ chồng, quyến thuộc nội ngoại phải thương kính nhau không ganh ghét nhau. Dù có tài sản hay không có đi nữa cũng nên thông cảm giúp đỡ lẫn nhau, không nên tham tiếc, lời nói nhu hòa chớ trái nghịch nhau. Nếu lúc tranh cãi dù sinh tâm giận, ganh ghét nhau ít nhưng chuyển thành oán thù lớn. Vì sao? Vì trong thế gian làm hại lẫn nhau, tuy không hại tức thời báo ứng phá nhau nhưng ngậm độc nuôi oán kết chặt tâm phẫn nộ, tự nhiên khắc sâu vào tàng thức không tách rời được, để rồi khi tái sinh gặp nhau trở lại báo ứng. Ở trong ái dục tại thế gian, sinh tử đến đi một mình, sẽ hướng đến chỗ khổ vui, tự mình phải chịu, không ai thay thế. Thiện ac biến hóa vô cùng, phúc họa đều có quả báo khác nhau. Nếu đời trước đối đãi vui vẻ hay khắc nghiệt với nhau thì khi chết rồi sẽ đi vào cõi nước xa xôi mà mình không hay biết gì. Trên tiến trình sinh tử ấy, mỗi người đều gánh chịu một hạnh nghiệp riêng nên thường cô độc một mình biệt ly mãi không cùng đường đi không thể hẹn ngày gặp lại. Sự tình này thật là cay nghiệt. Vậy nay lại gặp nhau sao không vứt bỏ các việc tội lỗi! Lúc mạnh khỏe phải nỗ lực làm các việc thiện, tinh tấn nguyện cứu độ thế gian để có thể được sống lâu. Sao không cầu đạo, an ổn tu tập đợi đến lúc nào? Người đời không tin làm việc thiện được thiện, tu đạo đắc đạo, không tin người chết rồi sẽ tái sinh trở lại, hay bố thí được phước. Nói chung đa phần gặp việc thiện ác đều không tin, cho việc ấy không như vậy, hoàn toàn không thật có, chỉ tin ở những việc xảy ra trước mắt. Hơn nữa, họ nhất nhất tiếp nối vâng theo lời dạy thành kiến của cha, tổ tiên đời trước, hoàn toàn không làm việc thiện, không biết đạo đức, nên thân ngu thần tối, tâm trí bế tắc, đường thiện ác, nẻo sinh tử không thể tự thấy, không ai chỉ bảo, nên tốt xấu, họa phúc đều làm hết. Vì thế, việc sinh tử đọa lạc xảy ra trong ba cõi tiếp nối mãi như thế là lẽ thường tình, chẳng có gì ngang trái. Trong thế gian chuyện cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em vợ chồng cùng khóc tiễn đưa nhau đến suối vàng, làm điên đảo trên dưới vốn là vấn đề phổ biến khi quỷ vô thường thình lình cướp đi mạng sống. Nên biết cuộc đời chẳng có chi tồn tại mãi. Nhưng con người phần đông tin theo tà đạo, không chịu nghe lời giáo huấn chân thật nên sinh tử lưu chuyển mãi không bao giờ chấm dứt. Người như vậy ngu dốt tối tăm ngang ngược không tin kinh pháp, tâm không lo xa, ý thích tham dục, ngu si, mê hoặc, ái nhiễm, khong thông đạt đạo đức, mê đắm tham giận, tham lam tài sắc, do đó nên không đắc đạo, nên hướng đến đường ác chịu khổ sinh tử không cùng. Than ôi! Đáng thương thay! Hoặc cha con, anh em, vợ chồng lúc sinh ly tử biệt lại thêm buồn rầu thương yêu quyến luyến, nhớ nghĩ trói buộc, trong lòng đau khổ vấn vương, nhớ thương chồng chất ngày hết, năm hết không có nguôi ngoai. Đối với lời dạy đạo đức, tâm họ không hiểu rõ, ý tưởng quyến luyến không lìa tình dục, mịt mờ bế tắc ngu muội lấp che, không thể suy nghĩ sâu xa, tính toán kỹ lưỡng để tâm tự đoan chánh, chuyên tinh hành đạo, quyết đoạn việc thế gian, quay về chỗ rốt ráo nên đến khi qua đời không thể đắc đạo, không biết làm sao. Rốt cuộc đều do hèn kém khúc mắc tham đắm ái dục, phần nhiều mê lầm đạo, người hiểu đạo thì rất ít. Người đời thường không biết cách làm việc thiện, không có tôn ti thượng hạ, nên nghèo giàu hay sang hèn đều chịu khổ nhọc nhằn, ôm lòng sát hại độc địa, khí ác mịt mù, làm việc hư dối, trái nghịch trời đất, không hợp nhân tâm. Tuy bản tính vốn không ác nhưng tùy cảnh mà phát sinh, buông lung hành động mắc phải tội ác, tuổi thọ chưa hết phải chịu khốn đốn rồi rơi vào đường ác, nhiều đời khổ cực, xoay chuyển mãi trong đó cả ngàn ức kiếp không có kỳ hạn ra khỏi. Nỗi thống khổ ấy không thể nói hết, thật đáng thương thay!

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc và chư Thiên, loài người:

–Nay Ta nói với các ngươi biết, vì thế gian có những việc ấy nên không đắc đạo. Các người phải suy nghĩ chín chắn, xa lìa điều ác, chọn những việc lành rồi siêng năng thực hành. Vả lại, ái dục vinh hoa ở đời không thể bảo tồn mãi được vì chúng vốn là vô thường chẳng có gì đáng vui. Nay sinh ra đời được gặp Phật, các ngươi nên tinh tấn tu tập. Người nào có chí nguyện sinh về nước An lạc thì được trí tuệ sáng suốt, công đức thù thắng. Chẳng nên theo ý muốn của tâm mà phụ lời dạy trong kinh để bị tụt hậu. Ai còn nghi ngờ chưa hiểu kinh nên thưa hỏi, Ta sẽ thuyết giảng cho.

Bồ-tát Di-lặc quỳ gối bạch Phật:

–Phật có oai thần tôn quý, thuyết giảng rất hay. Người nào nghe lời Phật dạy, chuyên tâm suy nghĩ thì người đó thật hành đúng đạo thiện. Nay Phật từ bi thương xót hiển bày đạo lớn khiến chúng con mới được sáng tai mở mắt, được độ thoát, nghe lời Phật dạy, ai nấy đều hoan hỷ. Chư Thiên, dân chúng cho đến các loài côn trùng nhỏ nhít đều nhờ ân từ bi của Phật mà giải thoát khỏi ưu sầu khổ não. Đức Phật dạy bảo rất sâu xa hoàn hảo, trí tuệ sáng suốt thấy việc mười phương ba đời một cách tường tận. Nay chúng con sở dĩ được giải thoát là do đời trước lúc Phật cầu đạo đã từng chịu nhiều khổ nhọc, nên ân đức che khắp, phước lộc cao dày, ánh sáng chiếu suốt, thong đạt pháp không vô tận, ra vào Niết-bàn giảng dạy kinh điển, oai thần hơn hết, độ thoát chúng sinh, khiến cảm ứng đến mười phương vô cùng vô tận. Phật là đấng Pháp Vương tôn quý trong Thánh chúng, là thầy của tất cả hàng trời người, tùy theo điều ước nguyện của chúng sinh mà Phật giáo hóa họ đắc đạo quả. Nay được gặp Phật, lại nghe âm thanh của Phật Vô Lượng Thọ, tất cả chúng hội ai cũng vui mừng và khai mở tuệ tâm.

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Ông nói rất đúng! Ai nấy mến kính Phật thì thật là điều lành lớn. Trong thế gian lâu lắm mới có Phật, nay ở cõi đời này, Ta làm Phật diễn thuyết kinh pháp, tuyên bố đạo giáo, đoạn các lưới nghi, nhổ các ái dục, ngăn các nguồn ác, đi khắp ba cõi không có chướng ngại, thấu rõ trí tuệ và điều cốt yếu của đạo, nắm giữ giềng mối, phân biệt sáng tỏ, khai thị năm cõi, độ người chưa được độ, quyết thoát sinh tử, mở đường Niết-bàn. Di-lặc nên biết, từ vô số kiếp đến nay, ông đã tu hạnh Bồ-tát muốn độ chúng sinh, thời gian đã lâu xa, những người nhờ ông mà được đắc đạo cho đến nhập Niết-bàn không thể tính kể. Ông và chư Thiên, loài người tất cả bốn bộ chúng, từ kiếp xa xưa đến nay xoay lăn trong năm đường, lo sợ khốn khổ không thể nói hết được. Nay tuy các ông chưa dứt khỏi sinh tử nhưng được gặp Phật, được nghe kinh pháp và công hạnh thù thắng của Đức Phật Vô Lượng Thọ đó là một điều hết sức tốt đẹp và vui sướng. Do vậy các ông nên nỗ lực đoạn tận sinh, lão, bệnh, tử, khổ não, bất tịnh, ô uế, vì những thứ ấy không có gì đáng vui cả. Các ông phải tự quyết đoán, đem thân chánh hạnh làm nhiều việc lành, tu tập thanh tịnh, tẩy trừ tâm cấu uế, lời nói và việc làm trung tín, trong ngoài tương ưng, tự độ, độ người, thành tâm cầu nguyện, tích chứa căn lành. Đời nay, các ông cố gang chịu khổ hành đạo để sau sinh về thế giới Cực lạc vô cùng vui sướng, mãi mãi hợp với đạo, vĩnh viễn nhổ gốc sinh tử, không còn cái họa khổ vì não tham, sân si. Về trên thế giới ấy rồi, các ông muốn sống một kiếp, trăm kiếp, ngàn vạn ức kiếp đều có thể tùy ý tự tại và mọi thứ đều tự nhiên có được. Kế đến, đối với Đại Niết-bàn, các ông đều nên tinh tấn phát nguyện tu hành, không được nghi ngờ, rồi tự gây lấy tội lỗi sinh về cung điện bảy báu ở cõi biên địa của nước ấy, chịu nhiều tai ách trong năm trăm năm.

Di-lặc bạch Phật:

–Chúng con xin tín thọ lời Phật dạy, tinh cần tu học và thực hiện theo không dám nghi ngờ.

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Ở đời này, các ông có thể đoan tâm chánh niệm, không làm việc ác, là phước đức lớn mà khắp mười phương thế giới không đâu sánh bằng. Vì sao? Vì ở các cõi nước của chư Phật, chúng trời và loài người tự nhiên làm việc lành, không tạo việc ác, nên rất dễ khai hóa. Nay Ta thành Phật ở thế gian này, ở trong đời ác năm trược, năm sự thống khổ, năm sự thiêu đốt với rất nhiều khổ não, để giáo hóa chúng sinh khiến họ xa lìa năm điều ác, bỏ năm sự thống khổ, trừ năm sự thiêu đốt, chế phục tâm ý khiến họ giữ năm điều thiện, đạt được phước đức, thoát khỏi thế gian, chứng nhập đạo Niết-bàn trường thọ. Sao gọi là năm điều ác?

Điều ác thứ nhất: Đa phần chư Thiên và loài người cho đến các loài côn trùng nhỏ bé trong cõi đời này đều thường muốn làm việc ác, chẳng hạn như kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, giành giật tàn hại, chém giết, cho đến an thịt lẫn nhau không biết làm lành, ác nghịch vô đạo, nên về sau gánh chịu quả báo bị chém giết của hạnh nghiệp đã gây tạo. Nên biết, mọi hoạt động thiện ác của con người đều được thần minh ghi chép không dung tha kẻ phạm tội. Do đó, người làm ác sau khi chết có thể sinh vào nơi bần cùng, hạ tiện, ăn xin, cô độc, đui điếc, câm ngọng, ngu si xấu ác, thậm chí có hạng điên cuồng chẳng nên người. Ngược lại chúng ta thấy trong đời có những hàng tôn quý giàu sang, tài cao sáng suốt, là đều do đời trước nhân từ hiếu thảo, tích đức làm lành. Còn những kẻ không biết sợ sệt lỗi lầm, làm các việc ác trái với phép nước nên phải vào lao ngục chịu nhiều cực hình khó mà thoát được. Trước mắt chúng ta có những việc xảy ra như thế nên biết rằng kẻ làm ác sau khi chết đương nhiên phải thác sinh vào những nơi tối tăm để gánh chịu nhiều thống khổ, cực hình giống như các hình phạt trong lao ngục khi phạm phải phép nước. Vì vậy chúng sinh theo hạnh nghiệp mình đã gây tạo nên qua lại trong ba đường, xuống lên sáu nẻo, thay hình đổi dạng nhận chịu vô lượng khổ não và dù tuổi thọ ngắn hay dài vẫn phải một mình tìm nơi thác sinh tương ưng đồng thời báo ứng luân chuyển mãi không bao giờ chấm dứt. Một khi tội ác chưa được trừ diệt thì cứ phải xoay vần trong sáu đường nếm đủ mọi thứ đau thương vô cùng tận không có kỳ hạn ra khỏi và cũng không được giải thoát. Nỗi thống khổ ấy làm sao nói hết được. Nên biết trong đất trời bao la này, thiện ác đều có quả báo rõ ràng. Nếu làm thiện hay ác thì sớm muộn gì cũng phải nhận lấy báo ứng và đầu thai vào nơi tương xứng sau khi nhắm mắt xuôi tay. Đây là điều ác thứ nhất, điều thống khổ thứ nhất và là sự thiêu đốt thứ nhất. Nỗi đau khổ này chẳng khác nào hầm lửa thiêu đốt thân người. Tuy nhiên, nếu người nào ở trong chốn khổ ải ấy mà biết nhất tâm nhiếp ý, giữ gìn thân tâm đoan nghiêm, làm các việc thiện, đoạn trừ các việc ác thì tất nhiên sẽ được độ thoát và nương vào phước đức đã tạo vượt khỏi thế gian để chứng đắc đạo quả Niết bàn. Đây là điều thiện thứ nhất.

Điều ác thứ hai là: Người sống ở đời đối với các mối quan hệ như cha con, anh em, vợ chồng đều không biết lẽ phải, không thuận chánh pháp, xa xỉ hoang dâm, kiêu mạn, phóng túng, muốn được thỏa thích nên tâm ý buông lung, dối trá lẫn nhau, tâm miệng mâu thuẫn, suy nghĩ không thành thật, nịnh hót, không trung thực, xảo trá, quanh co, ghét hiềm, chê thiện, hãm hại oan uổng. Thậm chí làm vua nhưng không sáng suốt, nên tin dùng quan lại bất minh để họ tự do lộng quyền, dối trá đủ điều, lấn lướt vượt quyền, dựa vào thế lực làm việc bất chánh, lại bị người lừa dối, hãm hại trung thần, không xứng tâm thiện. Cứ thế, bề tôi dối vua, con dối cha, anh em vợ chồng, bè bạn trong ngoài lường gạt lẫn nhau, ai ai cũng tham lam, sân giận, ngu si, tham muốn sâu dày, lòng dục thêm nhiều, không có phân biệt tôn trọng trên dưới, phá nhà mất thân, chẳng đoái hoài trước sau, thân thuộc nội ngoại, quên mất dòng họ. Hoặc đối với thân thuộc trong gia đình, bạn bè, làng xóm hay cùng đồng loại vì ham lợi mà tranh giành nhau nên sinh ra giận hờn, kết oán. Người giàu có thường lao khổ nhọc tâm để tích chứa tiền của cho nhiều nên bất chấp thiện ác, không biết bố thí để rồi đến khi nhắm mắt qua đời phải đơn thương độc mã tùy nghiệp thọ thân không biết đi đến chốn khổ hay vui trong ba coi luân hồi. Nếu lúc ấy mà sinh tâm hối hận thì đã quá muộn. Người đời vì ngu muội, trí kém, thấy người làm lành thì chê bai, ghét bỏ, không chịu ngưỡng mộ, chỉ muốn làm ác, tạo việc phi pháp, thường mang tâm trộm cắp, mong chiếm đoạt của người, ăn xài phung phí rồi lại tìm cầu, tâm tà bất chánh, sợ người có sắc đẹp hơn mình, không lo tính toán trước việc đến mới ăn năn. Người đời nay bị tra khảo tùy theo tội mà chịu hình phạt, là do đời trước không tin đạo, không tu việc lành. Nếu đời này lại tạo việc ác thì thiện thần đều ghi chép rõ ràng và khi mạng chung rơi vào đường ác chịu vô lượng khổ, xoay vần trong ba đường nhiều đời nhiều kiếp không có kỳ hạn ra khỏi, khó được giải thoát. Sự đau khổ ấy không thể nói hết. Đó là điều ác lớn thứ hai, nỗi thống khổ thứ hai và là sự thiêu đốt thứ hai. Nỗi khổ này giống như hầm lửa thiêu đốt thân hình. Tuy nhiên, ở trong hầm lửa tam giới đó, người nào nhất tâm giữ ý, đoan thân chánh niệm, chỉ làm việc lành, không tạo việc ác, thì được độ thoát, có nhiều phước đức, được sinh lên cõi trời, nhập đạo Niết-bàn. Đó là điều thiện lớn thứ hai.

Điều ác thứ ba: Người đời thường nương nhờ nhau mà cùng sống. Tuổi thọ của họ không được bao nhiêu. Trên có vua chúa, trưởng giả tôn quý, giàu có, dưới có những kẻ nghèo cùng, hạ tiện, yếu kém, ngu phu. Trong đó có người bất thiện, thường có lòng tà ác, chỉ nhớ nghĩ dâm dục, phiền não đầy bụng, ái dục rối bời, đứng ngồi không yên, tham lam lẫn tiếc, muốn chiếm đoạt của cải người khác, liếc mắt đưa tình nên tà tâm phóng túng, nhàm chán vợ mình, tư thông vợ người, ăn chơi vô độ nên hao tổn gia tài, làm việc phi pháp, tập trung bè đảng, đem quân xâm lăng, đánh cướp giết hại, cưỡng đoạt vô đạo, tâm ác hiện rõ, chẳng tự sửa đổi, trộm cướp muốn thanh công nên khủng bố, bức hiếp của cải người đem về nuôi dưỡng vợ con, buông lung hưởng lạc, hoặc đối với thân thuộc chẳng kể tôn ti khiến gia tộc nội ngoại đều lo lắng khổ sở, không sợ phép nước nghiêm cấm. Tội ác như thế sánh bằng quỷ dữ, nhật nguyệt soi thấy, thần minh ghi biết, cho nên tự nhiên có vô lượng khổ não trong ba đường, xoay vần trong đó nhiều đời nhiều kiếp không có kỳ hạn ra khỏi, khó được giải thoát, đau đớn không nói được. Đó là việc ác lớn thứ ba, nỗi thống khổ thứ ba và là sự thiêu đốt thứ ba. Nỗi đau khổ này giống như lửa lớn đốt cháy thân người. Tuy nhiên ở trong ấy, người nào nhất tâm, giữ ý, đoan thân chánh hạnh, chuyên làm việc lành, không tạo việc ác thì được độ thoát, có nhiều phước đức, được sinh lên cõi trời và chứng nhập đạo Niết-bàn. Đây là điều thiện lớn thứ ba.

Điều ác thứ tư: Người đời không nghĩ làm lành, dạy bảo lẫn nhau, khiến làm điều ác như nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối, nói thêu dệt, gièm pha, cãi vã, chê bai, ghét người làm lành, hãm hại hiền nhân, cảm thấy vui thích, bất hiếu cha mẹ, khinh mạn sư trưởng, không tin bạn bè, khó được thành thật, tự tôn tự đại, cho mình là phải, ỷ thế tung hoành, xâm phạm người khác, không thể tự biết, làm ác không thẹn, tự dùng sức mạnh muốn người cung kính, không sợ trời đất thần minh nhật nguyệt, chẳng chịu làm lành, khó thể giáo hóa, kiêu ngạo vô lễ cho là lẽ thường, không hề lo sợ, thường luôn kiêu mạn. Các việc ác như vậy thiện thần đều biết rõ. Hơn nữa, họ ỷ lại vào đời trước có tạo chút phước đức, làm ít việc lành giúp đỡ người khác, rồi đời nay mặc sức làm ác, khiến phước đức ấy tiêu tan, nên các thiện thần đều xa lánh. Do vậy, một thân một mình không chỗ nương tựa, và khi chết rơi vào đường ác, tự nhiên sự bức xúc cùng tranh nhau đến. Trong lúc ấy, mọi lỗi lầm kéo nhau đến dẫn dắt thần thức đầu thai vào cõi ác, tội báo tự nhiên chẳng hề xa lìa, chỉ thẳng đường tiến tới đi vào lò lửa, thân tâm tan nát, tinh thần khổ đau, đến lúc ấy an năn đâu còn kịp. Đạo trời như vậy không hề sai lầm, nên tự nhiên có vô lượng khổ não ở trong ba đường xoay vần trong đó nhiều đời nhiều kiếp không ra khỏi, khó được giải thoát, thống khổ đau đớn không thể nói hết. Đây là điều ác lớn thứ tư, nỗi thống khổ thứ tư và là sự thiêu đốt thứ tư. Sự thống khổ này giống như lửa lớn thiêu đốt thân người. Tuy nhiên, ở trong ấy, người nào nhất tâm giữ ý, đoan thân chánh hạnh, làm các việc thiện, không tạo việc ác thì được giải thoát, có nhiều phước đức, sinh lên cõi trời và chứng nhập Niết-bàn. Đây là điều thiện lớn thứ tư.

Điều ác thứ năm: Người đời thường ỷ lại lười biếng, không chịu làm lành, tu sửa thân mình để cho gia đình quyến thuộc đói rét khốn khổ, cha mẹ răn dạy thì giận dỗi chống trái, lời nói không hòa, trái ngược phản nghịch, giống như oan gia, con chẳng ra con, không có lễ nghĩa, gây nhiều tai họa, phụ an bội nghĩa, không có tâm báo đáp, nghèo cùng khốn khổ, bội bạc phóng túng, chiếm đoạt của người để nuôi bản thân, say sưa rượu chè, ăn uống vô độ, buông lung phóng đãng, lỗ mãng xung đột, không biết nhân tình, ỷ mạnh chèn ép, thấy người làm lành thì ganh ghét không có lễ nghĩa, không nhìn lại mình, lộng quyền ỷ thế, không ai can gián, lục thân quyến thuộc, thiếu đủ không hề đoái hoài, chẳng nghĩ ân cha mẹ, chẳng biết lễ nghĩa với thầy bạn, tâm thường nghĩ ác, miệng nói lời ác, thân thường làm ác, không có một chút việc lành, không tin giáo pháp của chư Phật Hiền Thánh, không tin hành đạo có thể được giải thoát, không tin sau khi chết thần thức đầu thai trở lại, không tin làm lành được lành làm ác gặp ác, muốn giết người chân chánh, phá rối chúng Tăng, muốn hại cha mẹ, anh em quyến thuộc, khiến dòng họ đều chán ghét, nên muốn người ấy chết cho khuất mắt. Hạng người này tâm ý như lửa đốt ngu si mê muội mà tự cho là sáng suốt, không biết sinh từ đâu đến chết đi về đâu, bất nhân không thuận, ác nghịch với trời đất mà ở trong đó lại mong cầu may mắn, cầu được sống lâu nhưng tất cả đều trở nên vô vọng. Nếu ai thương xót chỉ dạy khiến họ nghĩ đến điều lành, chỉ dạy con đường sinh tử thiện ác là thật có thì họ lại không tin, có khổ tâm khuyên nhủ cũng vô ích. Người ấy tâm bị mê muội, ý không cởi mở, lúc sắp chết mới lo sợ hối hận. Trước không lo làm việc lành, nay lại hối hận thì liệu có kịp không! Thế rồi trong trời đất mênh mông, năm đường ác thênh thang mở rộng, mọi báo ứng thiện ác, họa phúc đua nhau kéo đến, người ấy tự nhiên theo nghiệp đã tạo một mình đi vào đường ác chịu nhiều thống khổ, không ai thay thế được. Nên biết, mọi tác nhân thiện ác luôn bám sát theo con người như bóng với hình không hề buông bỏ cho đến khi hình thành nghiệp quả. Người thiện làm việc thiện, từ an lạc đi vào an lạc, từ sáng suốt đi vào sáng suốt; người ác làm ác, từ khổ não đi vào khổ não, từ tối tăm đi vào tối tăm. Ai biết được điều đó? Chỉ có Đức Phật biết rõ nên mới giảng dạy, giáo hóa cho chúng sinh thoát khổ. Tuy nhiên, người tin làm theo rất ít, nên sinh tử không dừng, đường ác chẳng dứt. Người đời tạo ác như vậy nên chịu vô lượng khổ não trong ba đường ác chẳng dứt, xoay vần trong ấy nhiều đời nhiều kiếp, không có kỳ hạn ra khỏi, khó được giải thoát, đau khổ không thể nói hết. Đây là điều ác lớn thứ năm, nỗi thống khổ thứ năm và là sự thiêu đốt thứ năm. Sự khổ não ấy giống như lửa lớn thiêu đốt thân mình. Tuy nhiên, ở trong đó, người nào nhất tâm giữ ý, đoan thân chánh niệm, nói làm như nhau, luôn luôn thành thật, tâm và lời nói không thay đổi, chỉ tạo việc thiện, không làm điều ác thì được độ thoát, có nhiều phước đức, được sinh lên cõi trời và dần dần chứng đắc Niết-bàn. Đây là điều thiện lớn thứ năm.

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Ta đã nói cho các ông, ở đời có năm điều ác khổ não, năm nỗi thống khổ, năm sự thiêu đốt luôn xoay vần cùng sinh trưởng. Nếu người chỉ làm điều ác, không tu việc lành thì tự nhiên đều đọa vào đường ác. Hiện tại trong đời có người bệnh hoạn, muốn chết không được cầu song chẳng xong, là vì tội ác chiêu cảm. Điều này thật rõ ràng, mọi người đều nhìn thấy. Thế rồi khi chết đi vào ba đường ác, khổ não vô lượng, tự thiêu đốt mình cho đến về sau tạo nhiều oán kết, từ việc ác nhỏ thành việc ác lớn. Tất cả những điều ấy đều do tham đắm của cải, sắc đẹp, chẳng chịu bố thí, chạy theo dục vong si mê, phiền não trói buộc không tháo mở được, tranh lợi về mình, không biết tự xét, phú quý vinh hoa lấy làm đắc ý, không biết nhẫn nhục, không lo tu thiện mà sinh khởi. Hơn nữa, oai thế ấy chẳng tồn tại được bao lâu và thân sinh khổ nhọc càng ngày càng nặng. Đạo trời đã phô bày tự nhiên định sẵn, có kỷ cương như màn lưới, trên dưới tương ưng nên kẻ làm ác không thể thoát tội được mà phả i thác sinh vào trong lục đạo chịu nhiều khổ sở, lo lắng không hề chấm dứt.

Này Di-lặc! Người đời phần đông như vậy. Phật vì thương xót nên dùng oai thần lực khiến họ trở về đường lành rời bỏ điều ác, phụng trì kinh luật, thực hành theo đạo pháp không có sai trái, khi mạng chung được độ thoát khỏi cõi đời, chứng đạo Niết-bàn. Này Dilặc! Nay ông, chư Thiên, loài người và nhưng người đời sau được nghe giáo pháp của Phật phải suy nghĩ chín chắn, có thể y theo đó mà đoan tâm chánh hạnh. Người có căn tánh lanh lợi khéo lãnh thọ giáo pháp và làm các việc thiện thì chỉ dạy lại cho kẻ độn căn hạ liệt. Các người hãy qua lại dạy bảo nhau đều cùng giữ gìn, thực hành nghiệp thiện, tôn trọng bậc Thánh, cung kính người làm việc thiện, nhân từ bác ái, không trái lời Phật dạy, phải cầu độ đời, dứt gốc tội ác sinh tư, xa lìa vô lượng khổ đau, xa lìa ba đường ác. Nếu các ông vun trồng cội đức rộng lớn, ban ân bố thí, không phạm giới cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, giáo hóa lẫn nhau, tu đức làm lành, tâm ý chánh niệm, trai giới thanh tịnh, thì dù trong một ngày một đêm còn hơn người ở nước Cực lạc làm việc thiện cả trăm năm. Vì sao? Vì cõi Cực lạc vốn tự nhiên tích tập các điều thiện, không có mặt những điều ác dù chỉ bằng một sợi tóc. Nếu người ở cõi này làm việc thiện chỉ mười ngày mười đêm cũng hơn chúng sinh ở các cõi Phật khác làm việc thiện một ngàn năm. Vì sao? Vì ở các cõi Phật kia người làm việc thiện nhiều, người làm ác ít, và phước đức tự nhiên hiện ra không còn có chỗ làm ác. Ngược lại ở cõi đời này nhiều người làm ác, không có phước đức, khổ đau cầu dục, dối trá lẫn nhau, khổ thân nhọc tâm, uống đắng ăn độc, làm ác triền miên chưa hề dùng nghỉ. Ta thương mọi người mà hết lòng giảng dạy, khuyên nên làm lành, tùy nghi dẫn dắt, trao truyền kinh pháp để cùng phụng hành, tùy theo ý nguyện đều được đắc đạo. Chỗ nào Phật đi đến hoặc thành ấp, xóm làng đều được nhờ ơn giáo hóa khiến dân chúng hòa thuận, mặt trời mặt trăng trong sáng, mưa gió đúng thời, tai nạn bệnh dịch không có, nước giàu dân yên, binh đao không còn, tôn sùng hiền đức, chuyên tu lễ nghĩa. Ta thương mọi người hơn cha mẹ thương con, nay ở cõi này Ta thành Phật, cảm hóa năm điều ác, tiêu trừ năm nỗi thống khổ, diệt sạch năm sự thiêu đốt, dùng thiện phá ác, dứt khổ sinh tử, khiến được năm đức đến chỗ an ổn vô vi. Sau khi Ta nhập diệt, giáo pháp diệt dần, dân chúng dối trá, lại làm việc ác, khiến năm sự thiêu đốt, năm sự thống khổ trở lại khởi lên như trước. Về sau càng nặng không thể nói hết. Nay Ta chỉ vì các ông mà nói lược thế thôi. Này Di-lặc! Các ông phải khéo suy nghĩ, dạy bảo lẫn nhau đúng như kinh pháp của Phật không được sai phạm.

Lúc ấy, Bồ-tát Di-lặc chấp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lời Phật dạy rất hay, người đời quả thật như vậy. Đức Như Lai từ bi thương xót làm cho họ được giải thoát. Chúng con xin ghi nhận và làm theo lời Phật dạy không dám sai phạm.

Bấy giờ, Đức Phật bảo:

–Này A-nan! Ông đứng dậy sửa y phục chắp tay cung kính đảnh lễ Đức Phật Vô Lượng Thọ. Chư Phật Như Lai ở quốc độ mười phương thường ca ngợi tán thán Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Lúc ấy, A-nan đứng dậy sửa y phục, thân ngay ngắn hướng về phương Tây, chắp tay cung kính lạy sát đất đảnh lễ Đức Phật Vô Lượng Thọ, rồi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn được thấy cõi nước An lạc cùng đại chúng Bồ-tát, Thanh văn.

A-nan vừa nói xong, Đức Phật Vô Lượng Thọ phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả thế giới chư Phật. Núi Kim cang, núi Thiết vi, núi Tu-di, các núi lớn nhỏ đều đồng một màu sắc. Giống như gặp kiếp thủy tai, nước ngập tràn khắp cả thế giới, khiến vạn vật trong đó đều chìm ngập chẳng còn, chỉ thấy mặt nước mênh mông. Ánh sáng của Đức Phật Vô Lượng Thọ cũng như vậy. Ánh sáng của Thanh văn Bồtát đều bị che khuất, chỉ thấy ánh sáng rực rỡ của Đức Phật.

Tôn giả A-nan thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ có oai đức cao vời như núi Tu-di, cao nhất trong tất cả các núi trong thế giới, đầy đủ tướng tốt, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp tất cả. Tất cả chúng hội cùng lúc đồng thấy. Đại chúng ở cõi nước kia cũng thấy cõi này như vậy.

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc và Tôn giả A-nan:

–Các ông có thấy cõi nước Cực lạc từ mặt đất đến cõi trời Tịnh Cư, trong ấy đều có những vật tự nhiên trang nghiêm vi diệu chăng?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đều thấy.

–Các ông có nghe âm thanh lớn của Đức Phật Vô Lượng Thọ ở khắp thế giới giáo hóa chúng sinh chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đã nghe.

–Dân chúng nước ấy ở trong cung điện bảy báu rộng lớn trăm ngàn do-tuần đến khắp mười phương cúng dường chư Phật không bị chướng ngại, các ông thấy chăng?

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đã thấy.

–Dân chúng ở cõi nước ấy tư thai sinh ra các ông thấy không?

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đã thấy.

–Người từ thai sinh ra ở tại cung điện hoặc trăm dặm, hoặc năm trăm dặm đều ở trong đó hưởng thọ vui sướng như cõi trời Đao-lợi vậy.

Bồ-tát Di-lặc bach Phật:

–Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà dân chúng cõi ấy từ thai hóa sinh?

Đức Phật dạy:

–Này Di-lặc! Chúng sinh nào bằng tâm ngu si tu tập các công đức nguyện sinh về cõi nước ấy, không hiểu trí Phật là trí không thể nghĩ bàn, trí không thể xưng tán, trí Đại thừa rộng lớn, trí tối thắng không ai bằng. Đối với các trí này, nghi hoặc không tin nhưng do tin tội phước tu tập điều lành nguyện sinh về cõi nước kia nên các chúng sinh này được sinh ở cung điện cõi nước ấy, sống năm trăm năm, thường không thấy Đức Phật, không nghe pháp, không gặp đại chúng Thanh văn, Bồ-tát, cho nên ở cõi Cực lạc gọi đó là từ “thai sinh”. Chúng sinh nào sáng suốt tin trí Phật cho đến trí Tối Thắng, làm các công đức, tín tâm hồi hướng thì chúng sinh này ở trong hoa bảy báu tự nhiên hóa sinh, ngồi kiết già, trong khoảnh khắc, thân tướng sáng rực, công đức trí tuệ thành tựu đầy đủ như các Bồ-tát.

Lại nữa, này Di-lặc! Chư Phật Bồ-tát ở cõi nước khác phát tâm muốn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ để cung kính cúng dường Đức Phật ấy cùng đại chúng Thanh văn, Bồ-tát thì các Bồ-tát này khi mạng chung được sinh về cõi nước Phật Vô Lượng Thọ ở trong hoa bảy báu tự nhiên hóa sinh.

Di-lặc nên biết! Những người được hóa sinh thường có trí tuệ thù thắng. Những người từ bào thai sinh ra đều không có trí tuệ, trong năm trăm năm thường không thấy Phật, không nghe kinh pháp, không gặp chúng Bồ-tát, Thanh văn. Do không cúng dường Phật, không biết pháp hành của Bồ-tát, không tu tập công đức, nên biết người này đời trước không có trí tuệ nghi hoặc tất cả.

Này Di-lặc! Ví như Chuyển luân vương chỉ có ngục thất được trang sức bằng bảy báu, trần thiết giường màn, treo cờ năm màu, nếu các tiểu vương tử có tội đối với vua thì vua liền nhốt họ vào trong ấy, xiềng xích trói buộc, nhưng cung cấp thức ăn, y phục, giường tòa, hương hoa, âm nhạc giống như Chuyển luân vương không thiếu gì. Ý ông nghĩ sao? Các vương tử kia có thích ở chỗ ấy không?

–Bạch Thế Tôn! Họ không thích ở trong ấy, chỉ muốn tìm cách cầu được thần lực lớn mong ra khỏi.

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Các chúng sinh này cũng như vậy. Do nghi ngờ về trí Phật nên sinh ở trong cung điện bảy báu kia, không có hình phạt cho đến một niệm ác. Chỉ ở trong đó năm trăm năm không thấy Tam bảo, không được cúng dường, tu các việc lành nên lấy đó làm khổ. Tuy có nhiều sung sướng nhưng không sung sướng bằng cõi kia. Nếu chúng sinh này biết được nguồn gốc tội lỗi của mình, hết lòng ăn năn, cầu mong xa lìa cõi ấy liền được như ý, vãng sinh về cõi Cực lạc, cung kính cúng dường, cũng được đi khắp vô lượng cõi Phật, tu các công đức. Di-lặc nên biết, các Bồ-tát ấy sinh nghi ngờ là mất lợi lớn. Vì thế các ông nên sáng suốt tin tưởng trí tuệ vô thượng của chư Phật.

Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:

–Ở thế giới này có bao nhiêu Bồ-tát Bất thoái chuyển được sinh về cõi Cực lạc?

Đức Phật dạy:

–Này Di-lặc! Ở thế giới nay có sáu mươi bảy ức Bồ-tát Bất thoái chuyển vãng sinh về cõi Cực lạc. Mỗi Bồ-tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, giống như Bồ-tát Di-lặc. Các vị Bồ-tát mới phát tâm tu tập ít công đức thì không thể tính kể, đều được vãng sinh.

Này Di-lặc! Không những các vị Bồ-tát ở cõi nước Ta sinh về cõi Cực lạc mà các cõi Phật khác cũng như vậy. Đức Phật thứ nhất hiệu là Viễn Chiếu, có một trăm tám mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ hai hiệu là Bảo Tạng, cõi Phật ấy có chín mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ ba hiệu là Vô Lượng Âm, cõi Phật ấy có hai trăm hai mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ tư hiệu là Cam Lồ Vị, cõi Phật ấy có hai trăm mười ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ năm hiệu là Long Thắng, cõi Phật ấy có mười bốn ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ sáu hiệu là Thắng Lực, cõi Phật ấy có một vạn bốn ngàn Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ bảy hiệu là Sư Tử, cõi Phật ấy có năm trăm ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ tám hiệu là Ly Cấu Oai, cõi Phật ấy có tám mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ chín hiệu là Đức Thủ, cõi Phật ấy có sáu mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ mười hiệu là Diệu Đức Sơn, cõi Phật ấy có sáu mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ mười một hiệu là Nhân Vương, cõi Phật ấy có mười ức Bồ-tát đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ mười hai hiệu là Vô Thượng Hoa, cõi Phật ấy có vô số chúng Bồ-tát không thể tính kể đều đạt được quả vị Bất thoái chuyển, trí tuệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật ở trong bảy ngày, có thể thâu tóm pháp tu tập kiên cố của bậc Đại sĩ trong trăm ngàn ức kiếp, các vị Bồ-tát này đều sẽ vãng sinh. Đức Phật thứ mười ba hiệu là Vô Úy, cõi Phật ấy có bảy trăm chín mươi ức chúng Đại Bồ-tát, các Bồ-tát mới phát tâm và chúng Tỳ-kheo không thể tính kể đều sẽ vãng sinh.

Này Di-lặc! Không những các vị Bồ-tát ở mười bốn cõi Phật này sẽ vãng sinh, mà vô lượng cõi Phật ở mười phương thế giới, các vị Bồtát ấy sẽ được vãng sinh như vậy nhiều vô lượng. Ta nói danh hiệu chư Phật ở mười phương và Bồ-tát Tỳ-kheo sinh về cõi ấy cả ngày lẫn đêm, suốt một kiếp còn chưa thể nói hết được. Nay Ta chỉ lược thuyết cho các ông nghe như vậy mà thôi.

Này Di-lặc! Người nào được nghe danh hiệu của Đức Phật kia, hoan hỷ vui mừng cho đến một niệm, thì nên biết người này đạt được lợi lớn, tức là đầy đủ công đức vô thượng. Thế nên, này Di-lặc! Nếu có nạn lửa lớn lan tràn khắp ba ngàn đại thiên thế giới, thì cũng cần phải vượt qua cõi ấy để được nghe kinh pháp này, hoan hỷ kính yêu, thọ trì đọc tụng như lời dạy mà tu hành. Vì sao? Vì có nhiều Bồ-tát muốn nghe kinh này mà không được nghe. Nếu chúng sinh nào nghe kinh này thì được ở trong đạo vô thượng, hoàn toàn không thoái lui, cho nên cần phải chuyên tâm thọ trì, tin tưởng, đọc tụng, giảng thuyết, tu tập. Nay Ta vì các chúng sinh nói kinh này làm cho họ thấy được Đức Phật Vô Lượng Thọ và tất cả những vật hiện có ở nước ấy. Những việc cần làm, các ông đều có thể yêu cầu, chớ để sau khi Ta diệt độ lại sinh lòng nghi ngờ. Đời vị lai, lúc kinh pháp diệt tận, bằng tâm từ bi thương xót đặc biệt, Ta lưu lại kinh này một trăm năm. Chúng sinh nào gặp được kinh này thì tùy ý họ mong ước gì đều được tất cả. Này Di-lặc! Như Lai ra đời khó gặp khó thấy. Kinh pháp của chư Phật khó được nghe. Các Ba-la-mật và các pháp thù thắng của Bồ-tát được nghe cũng khó, gặp thiện tri thức nghe pháp thực hành cũng khó. Nếu người nghe kinh này tin ưa thọ trì thì lại càng khó hơn. Vì thế, pháp của Ta là làm như vậy, nói như vậy, dạy như vậy, phải nên tin tưởng thuận theo, như pháp tu hành.

Lúc Đức Phật giảng nói kinh này, có vô lượng chúng sinh đều

phát tâm Vô Thượng Chánh Giác, một vạn hai ngàn triệu người được pháp nhẫn thanh tịnh, hai mươi hai ức chư Thiên, loài người đắc quả A-na-hàm, tám mươi vạn Tỳ-kheo dứt hết lậu hoặc, tâm ý thông suốt, được quả A-la-hán, bốn mươi ức Bồ-tát đạt được quả vị Bất thoái chuyển, rồi dùng công đức thệ nguyện rộng lớn để tự trang nghiêm, ở đời vị lai sẽ thành Chánh Giác.

Bấy giờ, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách, ánh sáng lớn chiếu khắp cõi nước mười phương, trăm ngàn âm nhạc tự nhiên hòa tấu, vô lượng hoa đẹp thơm tho bay xuống.

Đức Phật giảng nói kinh này xong, Bồ-tát Di-lặc cùng các chúng Bồ-tát ở mười phương đến, Tôn giả A-nan và các đại Thanh văn, tất cả đại chúng nghe lời Đức Phật dạy đều hoan hỷ vui mừng.

Trang: 1 2