PHẬT THUYẾT TƯỢNG DỊCH KINH

Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Đàm-ma-mật-đa, người nước Kế Tân
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá, cùng với đại chúng, gồm năm trăm thầy Tỳ-kheo, sáu vạn chúng Bồ-tát, các vị đều là những bậc tri thức, họ đã được các pháp Đà-lani, giảng nói không ngại, thuyết pháp không rơi vào hai bên, thành tựu thần thông không thể nghĩ bàn. Tên của các vị ấy là Bồ-tát Vô Giảm Tấn Ý, Bồ-tát Quá Danh Thanh Oai Đức Tạng, Bồ-tát Bảo Nguyệt Hoa, Bồ-tát Đại Vân Lôi Đăng, Bồ-tát Vô Lượng Quán Xuất Nhất Thiết Thế, Bồ-tát Sơn Dũng, Bồ-tát Nhạo Hỷ Sinh, Bồ-tát Tịnh Tý Vô Ngại Quang Minh, Bồ-tát Giải Độ Chúng Sinh Tâm, Bồ-tát Kim Cang Đắc Kiên, Bồ-tát Giải Nhất Thiết Chúng Sinh Ngữ Ly, Bồ-tát Phạm Âm Dũng Oai Đức, Bồ-tát Danh Xưng Diện Oai Vô Ngại Giác, Bồ-tát Nhất Thiết Thiện Căn Bảo Tụ, Văn-thù-sư-lợi Đồng tử cùng với sáu vạn Bồ-tát đều là những vị đứng đầu đồng hội tụ.

Khi ấy, Đại đức Xá-lợi-phất, lúc trời đã về chiều, liền xả thiền đứng dậy, đến viếng chỗ Đức Phật. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi một mình, dưới gốc cây, đang ở trong cảnh Tam-muội vắng lặng.

Từ xa, Đại đức Xá-lợi-phất đã thấy Đức Thế Tôn oai nghi, vắng lặng nên liền lấy cỏ trải làm tòa, kiết già mà ngồi, trong khoảnh khắc đã ngồi yên ngay ngắn.

Lúc này, Đại đức Xá-lợi-phất mới suy nghĩ: “Thật chưa từng có! Đức Như Lai tu hành vắng lặng như vậy, tự mình được an lạc và còn đem an lạc cho chúng sinh. Như Lai hiểu biết hết thảy pháp tánh Tam-muội”.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn an tường ra khỏi Tam-muội, đứng dậy hắng giọng. Đại đức Xá-lợi-phất nghe Đức Như Lai hắng giọng, liền lãnh nhận niềm vui sướng và đạt được tâm xót thương, đến trước Đức Phật đảnh lễ, rồi nói kệ:

Nếu có chúng sinh, không phân biệt
Đối với các pháp, chẳng nhớ tưởng
Nhập vào Tam-muội để tu hành
Được pháp như vậy, thường an nhẫn.
Không thấy chúng sinh có sai biệt
Sự giải thoát giống như huyễn tánh
Phân biệt các pháp, thể rỗng không
Người không ngã tưởng, được an vui.
Ở trong hòa hợp, không đắm tưởng
Không có ngu si, theo vật tưởng
Cũng chẳng có khởi, chẳng không khởi
Không thấy thọ mạng, được an vui.
Với các chúng sinh. không nhớ tưởng
Là chúng sinh, chẳng phải chúng sinh
Với các chúng sinh tưởng, không tiếng
Người không ngã kiến được an vui.
Với chúng sinh, trí không phân biệt
Được vào cõi pháp, không tranh giành
Phân biệt trượng phu, hết thảy tưởng
Kẻ vô lượng giác, được an vui.
Nên khéo ban cho và giữ giới
Tu hành tỉnh giác, không keo bẩn
Trụ ở trong pháp, không ô nhiễm
Chẳng thấy cao thấp, được an vui.
Người nhẫn được, rất là dũng mãnh
Không thấy có hai: thương và ghét
Cũng không tinh tấn và biếng nhác
Người không tư tưởng, được an vui.
Tu hành thiền định rất vững chắc
Cũng không tư duy là tán loạn
Khéo biết nương theo pháp thiền định
Người không tưởng thiền, được an vui.
Không có nhớ tưởng, không trí tuệ
Cũng chẳng không trí, được tự tại
Cũng chẳng thông tuệ, chẳng ngu si
Người không tưởng khác, được an vui.
Chỗ vắng, đông người, cũng như vậy
Với mọi nơi, tu hạnh bình đẳng
Ở trong thôn xóm, không lánh ác
Vắng vẻ, không kiêu, được an vui.
Trong việc khất thực được đầy đủ
Cuối cùng không tưởng có khất thực
Cũng chưa từng tưởng ta khất thực
Người không tưởng cầu, được an vui.
Nếu có “áo phấn tảo” vứt bỏ
Lượm lấy kết lại để che thân
Cũng không nghĩ tưởng mang áo xấu
Không xem thường người, được an vui.
Ca ngợi Thiện Thệ, Phật đã hứa
Hãy khéo thọ trì ba pháp y
Không có nhớ tưởng, ta chánh hạnh
Người không tưởng khác là an vui.
Nếu người khéo nói pháp vi diệu
Không thấy có ta và chúng sinh
Cũng không có tâm: “Ta nói pháp”
Không thật, không chấp, là an vui.
Với các căn lành tưởng không thật
Chẳng có tưởng vật, không tưởng yêu
Không nghĩ, phân biệt các kết sử
Chuyên nhất tu hành, được an vui.
Trong pháp sinh khởi, không khởi tưởng
Tưởng đến lỗi lầm, nơi đang ở
Ngày đêm siêng tu hạnh tinh tấn
Người không hý luận, được an vui.
Cũng chẳng vọng tưởng nơi phi xứ
Cũng không phân biệt, trí tăng thượng
Như Lai, ngoại đạo, không sai khác
Người không cống cao, được an vui.
Vô lượng, vô số không hạn lượng
Cũng không xả lìa, như hư không
Ta và chúng sinh, không tưởng khác
Không thấy tăng giảm, được an vui.
Nếu có được hoặc hành ở mộng…
Được biện tài, giáo hóa ngu si
Qua lại thế gian, như trăng nước
Người không tiến hành, thảy đều vui.
Các thứ phương tiện, nghĩa thứ nhất
Không vướng sinh tử, chấp chặt tưởng
Giác ngộ pháp vi tế vắng lặng
Tu hành không tưởng, được an vui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ca ngợi Xá-lợi-phất:

–Hay thay, hay thay! Ngươi tu hành, có trí tuệ sâu xa, có thể chuyển vận bánh xe chánh pháp. Này Xá-lợi-phất! Trong núi Kỳ-xàquật, có các Tỳ-kheo và Bồ-tát… đang ở trong thiền định, ngươi mời họ về nhóm họp.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con không dám nhận. Vì sao? Vì các vị ấy đều là bậc tu hành dũng mãnh có oai đức lớn.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ trong thân phóng ánh sáng lớn, ánh sáng ấy, chiếu khắp các thế giới, nhiều vô lượng, vô biên, khiến các Bồ-tát, đều cùng nhau đến núi Kỳ-xà-quật. Họ đến, trụ ở giữa hư không. Các vị Tỳ-kheo và các Bồ-tát lúc này đã ra khỏi thiền định, đều đi đến chỗ Đức Phật. Trong thành Vương xá, mọi người rất đông, cũng đến chỗ Phật.

Khi Thế Tôn, biết đại chúng đều đã nhóm họp, liền nhìn thẳng vào Đồng tử Văn-thù-sư-lợi rồi mỉm cười. Bấy giờ, Văn-thùsư-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, trịch bày vai bên phải, gối phải chấm đất, chắp tay, hướng về Đức Phật bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì Thế Tôn mỉm cười? Chư Phật Như Lai, Đấng Ứng Cúng Chánh Biến Tri, chẳng bao giờ cười mà không có nhân duyên.

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Về quá khứ, ở trong núi Kỳ-xà-quật này, đã có mười ngàn Đức Phật nói kinh Tượng Dịch.

Đại đức A-nan nghe Phật nói, liền từ tòa đứng dậy, sửa y, trịch bày vai áo bên phải, gối bên phải chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

–Lành thay Đức Thế Tôn! Lành thay Đức Thiện Thệ! Nay Thế Tôn sẽ nói kinh Tượng Dịch này! Kinh này thật khó được nghe, nếu được Đức Như Lai giảng dạy, sẽ không còn có người nghi ngờ. Kinh điển này thật là sâu xa mầu nhiệm, rất sáng chói! Bạch Thế Tôn! Vì sao Thế Tôn nhìn Tôn giả Văn-thù-sư-lợi, rồi lại mỉm cười?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen Đại đức A-nan:

–Lành thay, lành thay! Này A-nan! Ngươi có trí tuệ khéo phân biệt. A-nan! Nay ông hãy lắng nghe, lắng nghevà khéo suy nghĩ. Ta nay sẽ nói.

A-nan cúi đầu thọ lời Phật dạy.

Đức Phật nói:

–Này A-nan! Nếu có chúng sinh nào nghe, mà hiểu rõ được kinh này, vị ấy sẽ như là sức lực của con voi lớn, sẽ như sức của con rồng lớn. Những chúng sinh hiểu rõ được kinh này, cũng lại như vậy. Này A-nan! Những chúng sinh hiểu rõ kinh này sẽ như con sư tử, bước từng bước, đi đến con đường tốt đẹp. Này A-nan! Với kinh điển này, đời sau, các Bồ-tát ưa thích. Này A-nan! Kinh này có công năng làm cho Bồ-tát thêm mạnh mẽ. Sau khi ta diệt độ, tương lai Bồ-tát sẽ tự tay nắm giữ kinh này, tự tay viết chép, in ấn kinh này. Chỗ nương tựa của kinh này, chẳng phải là hạng Chiên-đà-la, mà Bồ-tát sẽ tự tay giữ gìn. Cũng chẳng phải hàng Bồ-tát ưa những bàn luận đùa cợt mà có thể nắm giữ được, cũng chẳng phải giả danh Bồ-tát mà nắm giữ được.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn hiển hiện một hình tượng, giống như Văn-thù-sư-lợi. Đức Thế Tôn tạo hình tượng ấy rồi, Văn-thù-sư-lợi cũng hiểu rõ như vầy: “Ta nay, nên thưa hỏi Đức Thế Tôn về pháp rất sâu xa, chẳng phải vì hàng Thanh văn, Duyên giác, mà là vì địa vị Bồ-tát”.

Khi ấy, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nay con có một số câu hỏi, muốn thưa thỉnh Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, nếu Đức Phật hứa nghe cho, con mới dám thưa.

Văn-thù-sư-lợi thưa như vậy rồi, Đức Phật liền bảo Văn-thù-sưlợi:

–Ngươi cứ thưa hỏi, tùy theo sở thích của tất cả chúng hội.

Khi ấy, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp, mà Bồ-tát có thể khéo léo ở yên trong các công đức, thị hiện tất cả các hạnh Bồ-tát, giáo hóa vô lượng chúng sinh, trải qua a-tăng-kỳ kiếp, hiện các thân hình của chư Phật như bóng trăng dưới nước?

Văn-thù-sư-lợi sau khi đã thưa hỏi như vậy, Đức Phật liền khen ngợi:

–Hay thay, hay thay! Văn-thù-sư-lợi! Ông có thể tóm lược, hỏi Như Lai ý nghĩa như vậy, ta nay sẽ rộng phân biệt, giảng nói.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ, ta nay sẽ nói.

Văn-thù-sư-lợi thưa:

–Như lời dạy của Thế Tôn, con xin thọ giáo lắng nghe.

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Bồ-tát thành tựu sáu pháp sẽ được ở yên trong các công đức. Những gì là sáu?

  1. Này Văn-thù-sư-lợi! Khi Bồ-tát bố thí, thì hay xả bỏ tất cả, không thấy gì là của mình, lìa bỏ sự tham lam, keo kiệt.
  2. Nếu ở yên vào giới, thì không thấy ta hay lìa nghiệp phá giới.
  3. Nếu đã thành tựu nhẫn nhục, thì không còn thấy ta hay xa lìa hành động sân tức.
  4. Nếu có tinh tấn thì chẳng phải chỉ siêng năng ở thân tâm này.
  5. Nếu biết nhập vào trong hết thảy phương tiện thiền định giải thoát Tam-muội, thì cũng không tự nghĩ đến.
  6. Nếu thành tựu sự nhất tâm, tu hành được trí tuệ sáng suốt, tự thấy giải thoát được tất cả con đường sinh tử.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát thực hành sáu pháp này, sẽ khéo được ở yên trong tất cả công đức. Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Còn có sáu pháp, có thể thành tựu được tất cả công đức. Những gì là sáu?

  1. Khi Bồ-tát vào trong địa ngục, nhiếp hóa chúng sinh, khiến cho họ được niềm vui trên cõi trời.
  2. Bồ-tát hóa làm thân súc sinh thì nhiếp hóa cho hàng súc sinh thọ niềm vui thù diệu của loài người.
  3. Bồ-tát sinh vào nhà nghèo hèn, cũng nhận được cái vui sướng của vua Chuyển luân.
  4. Bồ-tát hiện thân vào trong các cảnh giới, cũng thọ nhận niềm vui của thánh đạo thù thắng.
  5. Bồ-tát cũng thường dạo chơi, qua lại trong tất cả cõi Phật, cũng như hình ảnh mặt trăng trong hồ nước phẳng lặng.
  6. Bồ-tát khi phát ra lời nói, thì lời nói ấy khiến cho chúng sinh gần gũi, thương yêu nhau.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu Bồ-tát, thành tựu được sáu pháp này, thì tâm an ổn và được tất cả công đức.

Lúc bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát ở trong địa ngục vẫn thọ nhận niềm vui của cõi trời?

Khi hỏi như vậy rồi, Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Nếu Bồ-tát, khi đã nhập vào Tam-muội có tên là Đại liên hoa; khi ấy, ngài ở trong địa ngục sẽ nhiếp hóa chúng sinh, làm cho chúng sinh cảm thọ niềm vui như ở cõi trời; vì các ngài khi thấy chúng sinh thọ nhiều nỗi khổ, liền hiện ra những thân hình khác nhau, vì họ nói pháp, khiến cho vô lượng chúng sinh đều được giải thoát.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như vậy là Bồ-tát ở trong địa ngục, thọ nhận niềm vui như ở cõi trời.

Văn-thù-sư-lợi lại bạch Đức Phật:

–Như thế nào là Bồ-tát sinh trong loài súc sinh, nhiếp hóa súc sinh, làm cho họ cảm nhận niềm vui của trời, người?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu Bồ-tát, khi đã nhập vào Tam-muội, có tên là Vắng lặng. Tuy hiện thân là súc sinh mà không mất cái tâm, nên vẫn thọ niềm vui của trời, người; lại còn tùy mỗi thân hình khác biệt kia mà vì họ nói pháp. Bồ-tát còn đặt để cho vô lượng chúng sinh, khiến họ được an trụ trong chánh pháp.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như vậy Bồ-tát thọ thân súc sinh mà vẫn cảm nhận niềm vui của trời, người.

Văn-thù-sư-lợi lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát sinh trong nhà nghèo hèn mà vẫn cảm thọ niềm vui của vua Chuyển luân?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Khi Bồ-tát đã nhập vào Tam-muội, có tên là Tịnh quá, rồi từ năng lực của Tam-muội này làm cho chúng sinh trong nhà nghèo hèn, cảm nhận được niềm vui của vua Chuyển luân. Này Văn-thù-sư-lợi! Như vậy là Bồ-tát sinh trong nhà nghèo hèn nhưng vẫn thọ niềm vui của vua Chuyển luân.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát thị hiện vào trong các đường mà vẫn cảm thọ niềm vui của Thánh đạo thù thắng?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Khi Bồ-tát đã nhập vào Tam-muội có tên là Kiến nhất thiết hạnh vô tác quang minh. Bồ-tát ở trong Tammuội này thị hiện vào trong các nẻo đường mà vẫn cảm thọ niềm vui của Thánh đạo thù thắng. Này Văn-thù-sư-lợi! Như vậy là Bồtát hiện vào trong các đường mà vẫn thọ niềm vui Thánh đạo thù thắng.

Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như thế nào là Bồ-tát khéo biết dạo chơi, qua lại, trong tất cả cõi Phật, mà vẫn bất động tại chỗ, cũng không qua lại, vẫn hiển hiện nơi các cõi Phật, như bóng trăng hiển hiện trong nước?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Khi Bồ-tát đã nhập vào Tam-muội, có tên là Quá ư nhất thiết ngôn thuyết (vượt ngoài nói năng). Bồ-tát trụ trong Tam-muội này thì Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía, trên dưới, trong tất cả mười phương thế giới, ngài sẽ thị hiện thân hình mà vẫn bất động ở một chỗ, chẳng có qua lại. Ở trong Tam-muội này được thấy chư Phật, cũng được nghe pháp. Này Văn-thù-sư-lợi! Như vậy, Bồ-tát khéo biết qua lại, dạo chơi, tất cả cõi Phật mà vẫn bất động ở một chỗ, không có qua lại, hiện ra ở các cõi Phật như trăng trong nước.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như thế nào là Bồ-tát nói ra tất cả ngôn ngữ, mà không có lời nào, không được người nghe ưa thân cận?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu Bồ-tát, mà được là Đà-la-ni tên là Vô lượng; được rồi lại luôn thọ trì, nhập vào vô lượng tâm, biết được vô lượng ngôn ngữ; Bồ-tát này được năng lực của Đà-la-ni, nên khi nói ra các thứ ngôn ngữ, ai nghe cũng muốn thân cận. Này Văn-thùsư-lợi! Như vậy là Bồ-tát nói ra điều gì không lời nào là không được người nghe muốn thân gần.

Lúc bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đúng là Bồ-tát thực hành pháp phương tiện rất khó. Bạch Thế Tôn! Bồ-tát nào khi nhập vào trong kinh này, thì nên dùng những pháp gì để được vào?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu có Bồ-tát, muốn nhập vào kinh này giống như hiểu rõ được tính chất của hư không.

Văn-thù-sư-lợi thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hư không là như thế nào?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Hư không thì không nhiễm dục, cũng không sân, không si. Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, không nhiễm sân, si.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đúng là hư không, thì chẳng phải do ban cho mà thành tựu; chẳng phải do điều răn dạy mà thành tựu; chẳng phải do nhường nhịn mà thành tựu; chẳng phải do siêng năng mà thành tựu; chẳng phải do Thiền định mà thành tựu; cũng chẳng phải do trí tuệ mà thành tựu.

Như vậy, này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy. Chẳng phải do ban cho mà thành tựu, cũng chẳng phải do răn dạy, nhường nhịn, siêng năng, thiền định, trí tuệ mà được thành tựu.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, chẳng phải trí, chẳng phải đoạn. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải trí, chẳng phải đoạn.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, chẳng phải tu, chẳng phải chứng. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải cần tu chứng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng giống như hư không, chẳng phải tối, chẳng phải sáng. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải tối, sáng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, cùng khắp tất cả, mà chúng ta không thể cầm, nắm. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp cũng lại như vậy, cùng khắp tất cả mà ta không thể cầm nắm.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, chẳng phải tiến đến chánh đạo, cũng chẳng phải tiến đến tà đạo. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp cũng lại như vậy, không phải tiến đến, dù chánh hay tà đạo.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, chẳng phải Thanh văn thừa, chẳng phải Duyên giác thừa, cũng chẳng phải Phật thừa. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải Thanh văn, Duyên giác, kể cả Phật thừa.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, chẳng phải suy nghĩ, chẳng phải trí tuệ. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp cũng lại như vậy, chẳng phải suy nghĩ, chẳng phải trí tuệ.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, chẳng phải động, chẳng phải phát; chẳng phải không động, phát. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải động, phát, chẳng phải không động, phát.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, chẳng phải động, phát, chẳng phải không động, phát. Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát cũng vậy, đối với hết thảy các pháp, chẳng phải động, phát, chẳng phải không động, phát.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, không có chúng sinh hay nhiễm ô. Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, đó là rốt ráo Niết-bàn, không nhiễm, chẳng phải vắng lặng, chẳng phải không vắng lặng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng như hư không, trụ không có chỗ trụ, không lay không động, không chỗ trụ. Văn-thù-sư-lợi! Các hàng Bồtát cũng lại như vậy; thấy các chúng sinh trụ không chỗ trụ, được thật sự không động, không lay, không trụ. Văn-thù-sư-lợi! Đúng với thật tướng của các pháp; nếu muốn thấy Như Lai thì chính là tà kiến. Chính tà kiến này cũng là chánh hạnh. Nếu là chánh hạnh, thì trong việc ban cho không có quả lớn, cũng không có quả báo lớn. Nếu kẻ kia, trong khi ban cho, không thấy có quả báo lớn, thì đúng là ruộng phước ở đời. Nếu là ruộng phước ở đời, thì trong chỗ ban cho không có quả báo. Nếu thí mà không có quả báo, ấy là đầy đủ trí không thật. Người nào đầy đủ trí không thật thì những vị ấy mau được Vô sinh pháp nhẫn.

Khi ấy, trong chúng có sáu mươi thầy Tỳ-kheo Tăng thượng mạn, nghe Đức Phật nói pháp như vậy, họ liền suy nghĩ: “Thật là một con đường tối tăm. Nếu Như Lai giảng nói như thế, chẳng khác gì ngoại đạo nói. Những ngoại đạo: Phú-lan-na Ca-diếp, Mạt-già-lê Kiều-xá-da, A-kỳ-đa-xí-xá, Khâm-bà-la San-xà-da, Tỳ-la-đê Tử, Ba-phục-đa Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử… cũng đều nói như vậy. Đức Phật nay cũng nói như vậy!”

Lúc bấy giờ, Thế Tôn biết ý nghĩ của sáu mươi Tỳ-kheo Tăng thượng mạn như vậy, liền bảo Đồng tử Văn-thù-sư-lợi:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Đúng như vậy, đúng như vậy! Đức Như Lai, vừa rồi nói pháp, có kẻ hiểu lầm, cho là giống như ngoại đạo; nhưng ngoại đạo thật, thì không làm sao, hiểu được lời Đức Phật nói pháp!

Khi ấy, sáu mươi Tỳ-kheo tăng thượng mạn, nghe Đức Phật nói như vậy, họ càng tăng thêm sầu khổ, lo lắng, không vui, tâm không an ổn; nhưng không sao hiểu được lời pháp của Đức Phật vừa nói.

Họ từ chỗ đứng dậy, muốn đi.

Lúc ấy, Đại đức Xá-lợi-phất hỏi các Tỳ-kheo:

–Các Đại đức! Nay muốn đi đâu? Nên hiểu lời dạy như vậy của Đức Như Lai; do nhân duyên gì Đức Như Lai mới nói như vậy? Các Đại đức khoan đi, tôi sẽ hỏi Đức Như Lai, do nhân duyên gì mà Đức Như Lai dạy như vậy.

Các Tỳ-kheo nghe Đại đức Xá-lợi-phất nói như thế, họ liền trở lại, ngồi vào chỗ của mình. Lúc ấy, Đại đức Xá-lợi-phất mới bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì, Như Lai vừa rồi, giảng dạy như vậy? Mong Thế Tôn giảng nói rộng ý nghĩa trên, để trừ nghi cho các Tỳ-kheo.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Ý ông nghĩ thế nào? Nếu có vị Tỳ-kheo, các lậu đã hết, tâm được giải thoát, thì những Tỳ-kheo ấy nghe lời nói vừa rồi, có sinh tâm sợ hãi không?

Xá-lợi-phất nói:

–Bạch Thế Tôn! Không. Nếu có Tỳ-kheo chỉ mới thấy được chân lý của bậc Thánh, nghe tất cả âm thanh giảng nói, còn không kinh sợ; huống gì người mà các lậu đã hết, tâm được giải thoát!

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Chỉ có người còn si mê, chạy theo vọng tưởng, phân biệt, đối với pháp không chân thật, được hạnh trống rỗng, nhưng thật sự chỉ là luống không vô ích.

Xá-lợi-phất thưa:

–Nguyện Đức Thế Tôn giảng dạy ý nghĩa, lời pháp, mà Đức Thế Tôn vừa nói, để các vị hết nghi ngờ.

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Nếu thấy Đức Như Lai là như mộng, như huyễn, ấy là chánh kiến. Nếu người chánh kiến, ở chỗ Như Lai, không sinh khởi tư tưởng chân thật, không khởi tư tưởng vững chắc, không khởi tư tưởng là vật chất, không khởi tư tưởng là danh xưng, không khởi tư tưởng là nhóm họp. Nếu với Đức Như Lai, không sinh khởi tư tưởng chân thật, không tưởng vững chắc, không tưởng vật chất, không tưởng danh xưng, không tưởng nhóm họp. Những hành động khởi tưởng như vậy và tất cả các hành động khởi tưởng khác, đều là do hư vọng mà thấy. Nếu tất cả từ hành động tạo ra, đều là do hư vọng mà thấy; vì vậy cho nên biết tất cả các pháp đều là tà kiến. Nếu biết tất cả các pháp là tà kiến, thì những lời Đức Phật nói ra, cũng là tà kiến. Lại nên biết, tất cả các pháp được thấy đều là tà, thì nhận định ấy cũng là tà kiến.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Do nhân duyên như thế, cho nên muốn thấy Đức Như Lai, gọi đó là tà kiến.

Này Xá-lợi-phất! Vì những người này, không thấy thân bí mật của Như Lai, chỉ biết ôm giữ phân biệt; đối với thân Như Lai, họ tưởng là Xá-lợi của Như Lai!

Này Xá-lợi-phất! Nếu đối với Như Lai mà thấy như vậy, gọi là tà trí.

Liền khi ấy, Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao tà kiến cũng gọi là chánh hạnh?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Tất cả phàm phu sinh khởi các giác quán vọng tưởng phân biệt, sự sinh khởi đó, đều nương nơi việc có phát động hoặc không phát động mà khởi ra ngã kiến, chúng sinh kiến, mạng kiến, nhân kiến, rồi dính mắc cho là ta hơn người và các vật thuộc của ta cũng hơn người. Biết sự việc như vậy, kẻ tiểu căn phàm phu bị các việc này lay động, nên mới sinh việc hý luận. Cái biết như vậy đều là không thật.

Này Xá-lợi-phất! Vì vốn không, cho nên nói là không thật; vì không thật, nên gọi là nói dối; vì nói dối nên gọi là tà. Xá-lợi-phất! Các việc như vậy, đều thuộc về không thật. Những tà kiến này, gọi là chánh hạnh.

Này Xá-lợi-phất! Do nhân duyên như vậy, nên tà kiến cũng gọi là chánh hạnh.

Khi ấy, Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có chánh hạnh ấy thì sự ban cho sẽ không có quả báo lớn, quả báo nhỏ?

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Nếu những người đã được thành tựu được chánh hạnh như vậy, nếu có sự ban cho cùng hướng đến Niết-bàn, thì sẽ nhận ở Niết-bàn từng phần Niết-bàn.

Xá-lợi-phất! Niết-bàn này chẳng phải do quả báo nhỏ, lớn, hoặc có chút ít công đức mà được. Vì sao? Vì Niết-bàn là lìa hết thảy quả báo, không có tính từng phần, cũng không thể phân cho bằng từng phần.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Niết-bàn kia đã không có gì so bằng; sao Như Lai nói công đức tăng trưởng vô lượng, vô biên?

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Hàng phàm phu tạo đủ các phiền não, còn đang tu hành, nên mới luận bàn về ngã, luận bàn về chúng sinh, luận bàn về mạng sống, luận bàn về trượng phu. Vì những chúng sinh như vậy, nên nói cảnh giới Niết-bàn, không có sự phân chia so bằng. Niết-bàn này tăng trưởng lợi ích, công đức vô lượng cho đến việc khiến được họ sinh tâm ưa thích.

Này Xá-lợi-phất! Chẳng phải là Thánh phước điền thì không có thể vào Niết-bàn.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bậc Thánh nhân, lìa tham dục, mới thấy biết ruộng phước.

Này Xá-lợi-phất! Ví như người làm ruộng, gieo giống lúa xuống ruộng, lại mọc lên cỏ giống như lúa và cũng mọc các loại cỏ khác.

Này Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Người làm ruộng này được loại cỏ giống như lúa, gọi đó là lúa chăng?

–Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Ví như người làm ruộng gieo lúa mà lại sinh các loại cỏ khác, cùng với loại cỏ tương tợ như lúa. Như vậy, Xá-lợiphất! Ruộng phước từ sự ban cho của bậc Thánh, tự nhiên sẽ có quả báo lớn, về sau sẽ đoạn các nghiệp hữu lậu, làm khô quả ái dục.

Này Xá-lợi-phất! Những người nông dân này, vốn mong được lúa, nhưng chỉ thấy cỏ giống như lúa, nên tâm không vui vẻ, như vậy chẳng được kết quả và lợi ích.

Này Xá-lợi-phất! Chẳng phải hễ có ruộng là có được quả báo. Này Xá-lợi-phất! Do nhân duyên như vậy, người dùng việc ban cho làm chánh hạnh, thì không có quả, không có báo lớn.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh kia ban cho mà không được quả báo lớn thì lấy gì để làm ruộng phước cho đời?

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Chẳng phải tưởng đến quả nhỏ, chẳng phải tưởng đến quả lớn mới là ban cho không sinh tâm. Nếu ban cho không sinh tâm, thì mới có thể, đối với Trời, Người, A-tu-la trong thế gian mà thọ nhận sự cúng dường.

Này Xá-lợi-phất! Đối với ruộng phước vô tận, thì không giữ lấy quả báo, không chạy theo quả báo. Vì vậy, này Xá-lợi-phất!

Chẳng nên chấp quả báo lớn hay nhỏ, khi làm ruộng phước cho đời.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là ruộng phước ở đời mà không cần được quả báo?

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Nếu là Niết-bàn, có quả báo không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không có. Nếu sự ban cho được quả báo làm nên Niết-bàn, thì các bậc Thánh nhân không gọi là Đấng vô vi.

Đức Phật khen ngợi:

–Hay thay, hay thay! Này Xá-lợi-phất! Do sự việc như vậy, nên việc ban cho mà chấp là ruộng phước ở đời, là không thật có quả báo.

Lúc này, Xá-lợi-phất lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu sự ban cho không có quả báo, làm sao đủ thỏa mãn với tâm trí vọng tưởng của chúng sinh?

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ thế nào? Nếu biết hết thảy tánh của các pháp là có thật không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nên biết tất cả các pháp tánh là như huyễn. Bạch Thế Tôn! Nếu biết là như huyễn, thì cũng biết nó là không thật. Vì sao? Vì Như Lai thường giảng nói, tất cả các pháp, tánh vốn như huyễn, tánh đã như huyễn, tức là không thật.

Bạch Thế Tôn! Nếu người biết được tất cả các pháp tánh là không thật, thì trí biết của người này cũng không thật. Vì sao? Vì không có một pháp nào, mà có thể, cho là thật cả!

Đức Phật khen Xá-lợi-phất:

–Hay thay, hay thay! Này Xá-lợi-phất! Đúng như vậy, đúng như vậy. Xá-lợi-phất! Nếu các pháp mà có sự thật, có sự vật, có chân thật, thì sẽ không có chúng sinh nào, có thể vào cảnh giới Niếtbàn.

Này Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp, cũng chẳng phải là thật, chẳng phải là vật, chẳng phải là chân thật, cho nên, này Xá-lợi-phất! Vì vậy mới có hằng hà sa chúng sinh được vào Niết-bàn, vĩnh viễn không trở lại sinh tử, cũng không cần biết là đã hết sinh tử. Chúng sinh cũng không thật. Này Xá-lợi-phất! Nếu tất cả chúng sinh không có tư tưởng ôm lấy cái cho là thật đó, thì mới gọi là đầy đủ trí không thật. Vì vậy, này Xá-lợi-phất! Sự ban cho mà không có quả báo, thì mới có thể thỏa mãn cho trí không thật.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là trí đầy đủ đối với trí không thật, để mau đạt được Vô sinh pháp nhẫn?

Đức Phật nói:

–Này Xá-lợi-phất! Nếu biết tất cả là không thật, mà cũng không chứng đắc, thì những gì là không thật? Nào là: Ngã kiến, chúng sinh kiến, mạng kiến, nhân kiến, đoạn kiến, thường kiến. Có nhưng vẫn không thật, như tưởng Phật, tưởng Pháp, tưởng Tăng, tưởng Niết-bàn.

Này Xá-lợi-phất! Nếu tâm còn dao động, ưa hý luận, thì tất cả đều là không thật.

Này Xá-lợi-phất! Như vậy, nhờ nắm được những thứ không thật đó, mà đưa đến giải thoát.

Này Xá-lợi-phất! Do nắm được những việc như vậy, nên mới đầy đủ trí không thật, để mau đạt đến Vô sinh pháp nhẫn.

Khi Đức Phật nói pháp này, có bốn vạn hai ngàn người trong chúng hội, được Vô sinh pháp nhẫn, có sáu vạn Ưu-bà-tắc phát đạo tâm Vô thượng chánh chân; có ba vạn sáu ngàn Thiên tử được hướng đến trí chứng; còn sáu mươi Tỳ-kheo Tăng thượng mạn thì dứt hết tâm hữu lậu, được giải thoát; khi tâm họ đã được giải thoát, họ đều đồng thanh cùng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ban đầu, con đến với hàng Lục sư (sáu vị thầy ngoại đạo) xuất gia. Từ nay trở về sau đối với Phật, Pháp, Tăng chẳng phải là nơi con tôn trọng nhớ nghĩ. Bạch Thế Tôn! Con từ nay, sẽ nói các pháp là không tạo tác, nói không nhân duyên, nói không có nghiệp, không có điều phục.

Khi ấy, ở trong chúng, có nhiều chúng sinh, đều nói với nhau: “Các Tỳ-kheo này sẽ bỏ giới của Phật, mặc áo ngoại đạo, nên nói quá điên đảo”.

Bấy giờ, Đại đức Xá-lợi-phất biết tâm của chúng kia, nên nói với các Tỳ-kheo:

–Các Đại đức! Vì nhân duyên gì, mà nói như vậy? Như nói:

“Ta bắt đầu xuất gia với sáu vị thầy ngoại đạo”.

Các Tỳ-kheo ấy nói:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Từ nay về sau, chúng tôi, đối với sáu vị thầy ấy hay các sư khác cũng xem đồng một tướng, không tăng, không giảm. Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Chúng tôi nay đã biết các sư đều không khác, với pháp xuất gia không có phân biệt, cho nên mới nói xuất gia như thế.

Xá-lợi-phất nói:

–Các Đại đức, vì nhân duyên gì các vị nói: “Từ nay, chẳng phải chỉ có Phật là nơi tôn trọng của tôi”?

Các Tỳ-kheo ấy nói:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Chúng tôi từ nay về sau, tự nhiên được sáng rõ, bừng cháy rực rỡ, không còn phải mượn các thứ ánh sáng khác. Chúng tôi trở về nương tựa chính mình, chẳng trở về nương tựa chỗ nào khác mà chỉ tự trở về với chính mình và tự tôn trọng chính mình. Vì vậy cho nên, chúng tôi nói: “Chẳng phải chỉ có Phật là tôi tôn trọng”. Vì sao? Vì tôi vốn không lìa Phật, mà Phật cũng không lìa tôi vậy.

Xá-lợi-phất lại nói:

–Đại đức vì nhân duyên gì lại nói: “Không nhớ nghĩ Pháp, không nhớ nghĩ Tăng?” Các Tỳ-kheo nói:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Chúng tôi từ nay không còn pháp nào để được hoặc để nhớ nghĩ; hoặc để thu về. Vì vậy nên chúng tôi nói: “Từ nay về sau không còn nhớ nghĩ đến Pháp, đến Tăng”.

Xá-lợi-phất nói:

–Này các Đại đức! Còn vì sao lại nói: “Tôi từ nay về sau nói các pháp là không tạo tác?” Các Tỳ-kheo nói:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Chúng tôi từ nay về sau, đã biết đối với tất cả các pháp, vốn là không tạo tác, mà trong đó chẳng phải tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác. Do vậy nên nói:

“Chúng tôi từ nay nói các pháp không tạo tác”.

Xá-lợi-phất nói:

–Đại đức vì nhân duyên gì, lại nói: “Từ nay nói không nhân duyên”?

Các Tỳ-kheo nói:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Chúng tôi từ nay về sau tất cả đã có đường đi, sống theo nhân duyên đã chấm dứt, trong đó cũng không còn có nhân. Vì vậy nên nói: “Chúng tôi từ nay nói không nhân, không duyên”.

Ngài Xá-lợi-phất lại nói:

–Đại đức vì sao nói: “Chúng tôi từ nay về sau nói không có nghiệp” (không điều phục)?

Các Tỳ-kheo nói:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Chúng tôi từ nay về sau biết tất cả các pháp là rốt ráo Niết-bàn; trong đó, không có việc điều phục và chẳng phải vì thế mà không điều phục. Vì vậy, cho nên nói: “Tôi nói vốn không có nghiệp (do không có nghiệp nên cũng không cần điều

phục)”.

Đấy là các Tỳ-kheo, vốn là những vị Tăng thượng mạn; khi luận nói pháp này, có ba ngàn sáu trăm Tỳ-kheo nghe được, liền dứt trừ các lậu, tâm được giải thoát.

Khi ấy, Thế Tôn mới khen ngợi các Tỳ-kheo:

–Hay thay! Hay thay! Đúng thật trong hy vọng đó, không có một pháp nào có thể đạt được.

Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi Đồng tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người nghe lời này, sẽ được pháp gì?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Người đó sẽ được Vô sinh pháp nhẫn.

Văn-thù-sư-lợi nói:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát muốn được Vô sinh pháp nhẫn, nên học như thế nào? Làm như thế nào? Ở như thế nào? Tu tập như thế nào?

Khi ấy, Thế Tôn muốn trả lời cho Đồng tử Văn-thù-sư-lợi, về câu hỏi Vô sinh pháp nhẫn, nên Ngài liền nói kệ:

Nếu người mong trí Phật
Và các bậc trí cao
Không có pháp nên lấy
Cũng không pháp đáng bỏ.
Không có pháp để được
Nếu sự sống là có
Không có pháp hòa hợp
Phàm phu muốn hòa hợp.
Nếu đã biết, nên đoạn
Nói pháp vì chúng sinh
Phàm phu sống và làm
Không tin pháp vô sinh.
Xả bỏ pháp của ma
Đạo Bồ-đề trên hết
Phàm phu chấp hai pháp
Không biết pháp, không hai.
Đều là huyễn, không thật
Phàm phu thấy khác người
Trong đó thật không khác
Tất cả đồng một tướng.
Nếu có phàm phu nói
Không hai, làm không hai
Cùng huyễn hóa, bình đẳng
Người hoặc phàm phu nói:
Ta không thể hết dục
Dứt sạch sân, ngu si
Ta nên khéo suy nghĩ
Chẳng vật, sinh tưởng vật.
Hết chấp là Niết-bàn
Diệt tham dục, sân, si
Nói chỉ bày pháp không
Không diệt cũng không sinh
Đây gọi là Niết-bàn.
Người siêng năng, tiến lên
Lìa bỏ xa ngã pháp
Nhớ ban cho, giữ giới
Thích nhớ đến Chánh giác
Là không vào Bồ-đề
Bình đẳng hành tưởng hạnh
Giả dối che phàm phu.
Không biết pháp đều không
Các pháp cùng một tướng
Nên giảng nói nhiều cách.
Nếu rõ biết pháp này
Thể tánh kia, không khác
Như năm ngón là tay
Được Chánh giác không khó
Không xa đạo Chánh giác
Cũng không gần Chánh giác
Phân biệt, không phân biệt
Là cách xa Chánh giác
Phàm phu làm sai khác
Cùng nhau cho đúng sai
Người này giữ giới: Tốt
Kẻ kia phá giới: Xấu
Các pháp cũng như mộng
Pháp hữu vi không thật
Trí tuệ không giữ chặt
Biết đó như huyễn hóa
Trong đó, giới không thật
Phá giới, cũng không thật
Nhân duyên sinh các pháp
Trong đó không có ngã.
Với ngàn muôn ức kiếp
Cho cũng như thọ nhận
Bảo vệ giới trên hết
Chư Phật không thọ ký.
Khi ta lìa vọng tưởng
Cũng không tưởng bố thí
Lìa hết thảy điên đảo
Là ta được thọ ký.
Ban cho được giàu có
Giữ giới, sinh cõi trời
Trong đó không nắm bắt
Là giác ngộ cao tột.
Phàm phu dựa vào có
Ngu si nhớ tưởng dối
Chúng ta được pháp nhẫn
Vì vô vi không sinh.
Trong pháp vô sinh ấy
Cũng không nghĩ là sinh
Trong ngàn muôn ức kiếp
Được pháp nhẫn không khó.
Giả tên để nói pháp
Pháp, không có tác giả
Không chỗ ở căn bản
Tất như tướng không nhàn.
Chư Phật nhiều muôn ức
Muốn dứt tham, sân, si
Diễn nói pháp Vô thượng
Là pháp không thể hết.
Thật pháp, không hư vọng
Mau chóng rồi cũng hết
Như vậy pháp không thật
Là thực tế có được
Dâm dục, sân vô biên
Ngu si cũng quá nhiều
Đều là không thật cả.
Trong cái không thật ấy
Như hạt giống không mầm
Làm sao có lá, quả
Cây đã không mọc lá
Làm sao có trổ hoa
Pháp vô sinh là vậy.
Chúng sinh tuy có con
Không sinh cũng không xuất
Việc này thấy như thật
Giống cô gái bằng đá
Sẽ không có con cái
Mà đã không có con
Cũng khỏi lo về con
Tuệ phân biệt như vậy.
Tất cả pháp không sinh
Nhờ vậy không sợ hãi
Chịu khổ trong sinh tử
Dối lo che phàm phu
Không biết pháp như huyễn
Nặng gánh vác hư không.
Kẻ si, không có trí
Nếu biết được pháp này
Không thật, không bờ mé
Vô lượng a-tăng-kỳ
Như thế mới không si
Có chỗ nói bản tế
Ta nói là vô tế
Hậu tế, cũng như vậy.
Chúng sinh nghĩ biên tế
Không tế, tưởng nhớ tế
Vốn không có biên tế
Do biết ý nghĩa này
Trí kia không có hai
Như tướng hư không tế.
Chúng sinh nghĩ biên tế
Bản tế: ảnh trong gương
Là trí không chỗ biết
Người tu hành phân biệt
Tâm kia nghĩ như vầy:
Khi nào ta hết ác
Đến khi nào thành Phật
Chư Phật vốn vô sinh.
Chẳng phải do hòa hợp
Pháp vốn không hòa hợp
Phàm phu muốn hòa hợp
Vốn không mà tạo có.
Cũng không có chỗ dừng
Hư không chẳng chỗ nương
Không ngại không có vật
Nên gọi là hư không.
Như vậy biết Chánh giác
Như vậy biết Bồ-đề
Biết chúng sinh cũng vậy
Giác ngộ cõi hư không
Cõi chúng sinh giống nhau
Nếu biết được như vậy
Được giác ngộ không khó.
Người không tìm lòng từ
Không suy nghĩ làm lành
Với pháp không chỗ lại
Được giác ngộ không khó.
Giác ngộ không thể cầu
Bỏ tất cả cầu mong
Không có tâm mới được
Ngộ Vô thượng Bồ-đề.
Người suy nghĩ ban cho
Ban cho để giác ngộ
Thì không được giác ngộ.
Người không được giác ngộ
Do suy nghĩ chấp giới
Tưởng siêng năng là thực
Chẳng giỏi tiến Phật pháp
Chấp nhớ tưởng như vậy
Đều là pháp điên đảo.
Ta nếu có điên đảo
Chưa, mới có pháp động
Điều thiện là cao tột.
Nếu có người nhớ tưởng
Pháp này là vô lậu
Pháp đó là hữu lậu
Tâm người này không tốt…
Không suy nghĩ theo pháp
Là đồng với hư không
Không buộc cũng không giải
Trí tuệ là cao thượng.
Tưởng người này trì giới
Nghĩ kia phá giới: Xấu
Cả hai đều phá giới
Giới cao tột, không hai
Các pháp không có khác.
Giới không tướng tăng, giảm
Người đã thấy được tánh
Là bảo vệ Phật pháp
Nếu tâm người không chấp
Như chim bay trong không.
Biết đầy đủ như vậy
Thật đúng pháp Sa-môn
Nếu không nghĩ, nhớ tưởng
Tất cả không nghĩ tưởng
Không tâm, không ngã mạn
Được giác ngộ không khó.
Người muốn khỏi tham dục
Không bị dục dẫn dắt
Cũng không bỏ dâm dục
Được giác ngộ không khó.
Không chán chấp vãng tưởng
Vì không còn sợ nữa
Sinh tử không kinh hãi
Được giác ngộ không khó.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo Đồng tử Văn-thù-sư-lợi:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu có Bồ-tát tin hiểu kinh này, không có nghi hoặc, thọ trì, đọc tụng, khiến được thông thuộc, rồi vì người mà rộng nói, thì người này được hai mươi công đức. Hai mươi công đức ấy là:

  1. Chư Thiên ưa mến, bảo vệ.
  2. Long thần ủng hộ.
  3. Dạ-xoa giữ gìn.
  4. Thường không loạn tâm.
  5. Sau khi chết, sinh ra chỗ nào, tự biết kiếp trước.
  6. Sau khi chết, sinh ra ở đâu, cũng được dễ dàng.
  7. Sau khi chết, sinh ra ở đâu, cũng thấy Bồ-tát Di-lặc.
  8. Người nhớ nghĩ kinh pháp này, tâm không tán loạn.
  9. Khi ngủ, trong mộng, thấy Đức Phật và cũng thấy Bồ-tát.
  10. Người tin hiểu kinh này, sẽ được pháp Thuận nhẫn.
  11. Người tụng niệm kinh này, ở ngay đời này dứt trừ được sân hận.
  12. Người thọ trì kinh này, ở trong rắn độc, cũng không có chỗ sợ hãi.
  13. Người luôn nhớ nghĩ kinh này, hàng phục được voi dữ.
  14. Người luôn nhớ nghĩ kinh này, được Tam-muội sáng soi khắp.
  15. Người học kinh này, diệt trừ được tất cả các nghiệp chướng xấu ác.
  16. Người giảng nói kinh này, sẽ được vô lượng trăm ngàn pháp môn; lại cũng không mất tâm Bồ-đề; lại cũng được vô lượng Triền Đà-la-ni.
  17. Người nhớ nghĩ kinh này, hết thảy việc ma, không thể sinh khởi.
  18. Lại được sinh ra trong hiện tại ở ngay trước Phật, được đầy đủ các hạnh nguyện tốt lành.
  19. Người nhớ nghĩ kinh này, thì những loài không chân, hai chân, ba chân, bốn chân, kể cả các thứ trùng độc, đều ưa mến bảo vệ.
  20. Người nhớ nghĩ kinh này, không bị phi nhân khủng bố, vua sân giận, còn được hộ trợ.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đấy là hai mươi công đức mà vị Tỳ-kheo thuyết pháp này có được, cũng do trì kinh này mà tâm không nghi hoặc, đọc tụng thông suốt, vì người khác rộng giảng.

Bấy giờ, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ví như các cây thuốc, trừ được tất cả bệnh. Kinh này cũng vậy, đoạn trừ được hết thảy bệnh của tâm, bệnh của thân.

Đức Phật nói:

–Đúng vậy, đúng như vậy! Này Văn-thù-sư-lợi! Ông đã khéo nói lời này: “Kinh này có thể đoạn trừ tất cả các bệnh”. Vì sao? Này Văn-thù-sư-lợi! Vốn ở đời quá khứ, trải qua vô số kiếp, lại trải qua vô số kiếp nữa, thời ấy có Đức Phật, hiệu Sư Tử Du Bộ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời, ở trước vô lượng trăm ngàn đại chúng, diễn nói kinh này. Này Văn-thù-sư-lợi! Khi ấy, trong chúng, có một vị Bồ-tát, hiệu là Kim Cang Tràng, theo hầu Đức Sư Tử Du Bộ Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Nghe được kinh pháp này, mà tâm không nghi hoặc, nên vị Bồ-tát ấy thọ trì được công đức vi diệu của kinh này, rất thông lợi, hiểu được sự sâu xa và được oai đức lớn và thường đến trong xóm làng, thành ấp, vương cung, tự mình xướng lên:

–Ta là Lương y!

Thời bấy giờ có vô lượng trăm ngàn chúng sinh, bị các thứ bệnh hành hạ, đều đi đến tìm gặp Bồ-tát Kim Cang Tràng. Khi ấy, Bồ-tát Kim Cang Tràng dùng lòng lành, khéo giảng giải và dùng từng chương, từng câu chú Đà-la-ni của kinh pháp này, để tóm thu hết thảy mà bảo vệ cho các chúng sinh.

Này Văn-thù-sư-lợi! Câu chú Đà-la-ni đó là:

–A lan, ba trà la, tỳ ny na, tu đát tha, tu phục đa, a nậu trà, tỳ

bạn na ê, khư già lưu tha, ma di túc già, a nậu na chiết đà, na lại đà, mật la tu mật la, tố la ê đà, tát bà đa la, mộng già mộng già, yết dã do ha, ma cừu ma y ha.

Bồ-tát dùng câu chú Đà-la-ni này, để giữ gìn, giúp đỡ các chúng sinh kia, dứt trừ các thứ bệnh, hoặc bị rắn độc cắn mổ, hoặc bị bệnh cùi hủi, hoặc bệnh phong bại.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát Kim Cang Tràng, dùng kinh pháp này để giảng dạy, an ủi, trừ bỏ các bệnh ở thân và tâm cho chúng sinh.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông cho rằng, Bồ-tát Kim Cang Tràng thời ấy là ai vậy? Chớ nghĩ ai khác? Vì sao? Vì ta lúc bấy giờ, là Bồtát Kim Cang Tràng vậy. Ta thường giảng giải kinh này, làm lợi ích rất nhiều cho chúng sinh.

Lúc ấy, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát thọ trì câu chú Đà-la-ni này, đọc tụng thông thuộc, nên thực hành những điều gì và những pháp tắc nào nữa?

Đức Phật bảo:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu có Bồ-tát, muốn thông đạt, sử dụng câu chú Đà-la-ni này, nên ưa đời sống trong sạch, không ăn thịt, không thoa dầu bóp chân, không ở chỗ nhiều người, đối với chúng sinh thường phát khởi tâm lành. Đối với người, chớ làm điều phi pháp, không trong sạch mà đọc giảng kinh này. Cũng chẳng ở nơi không sạch sẽ mà đọc tụng kinh này.

Đồng tử Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát, khi đọc tụng kinh này sẽ không còn tiếc thân mạng?

Đức Phật bảo:

–Đúng vậy, đúng như vậy! Này Văn-thù-sư-lợi! Đúng như ông đã nói.

Lúc này, Đức Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Ông nên thọ trì, ghi nhớ kinh này, vì kinh này sẽ có lợi ích rất nhiều cho chúng sinh đời sau.

A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Đức Phật dạy, con xin thọ trì.

Lúc ấy Thế Tôn khen ngợi A-nan:

–Lành thay, lành thay! Này A-nan! Với chúng sinh đời sau, nên tôn trọng dẫn dắt lẫn nhau. Chúng sinh đời sau, nếu được đọc tụng, giảng nói kinh này, như được tiếp thọ từ nơi ta vậy.

Khi ấy, Đại đức A-nan, Đại đức Xá-lợi-phất, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi và các hàng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà… nghe Đức Phật giảng dạy đều vô cùng vui mừng.