KINH TRƯỞNG GIẢ NỮ YÊM-ĐỀ-GIÀ SƯ TỬ HỐNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Mất tên người dịch, nay phụ vào dịch phẩm đời Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với vô lượng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và chúng Đại Bồ-tát ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, về phía Tây cách thành Xá-vệ hơn hai mươi dặm, có một làng gọi là Trưởng đề. Trong làng ấy có một Bà-la-môn tên Batư-nị-ca, học vấn uyên bác, có lòng tin sâu với giáo pháp và thực hành lời Phật dạy. Muốn lập ra đại hội, Bà-la-môn ấy bèn đến tinh xá Kỳ hoàn để thỉnh mời Phật và chúng Tăng. Đức Phật nhận lời mời của ông ta. Bà-la-môn trở về nhà sửa soạn. Thời gian đã tới, Đức Phật cùng đại chúng đến nhà Bà-la-môn.

Thấy Đức Phật đến, ông ta vui mừng khôn xiết, liền dẫn quyến thuộc tới chỗ Phật cùng nhau lễ Phật và cung kính đứng hầu. Bà-lamôn có một côn gái tên Yêm-đề-già, trước đây đã theo chồng, nay vừa mới trở về thăm viếng hầu hạ cha mẹ. Cô ấy hình tướng đoan chánh, đẹp đẽ, tư cách quý phái, tâm nhu hòa khiêm tốn, tâm rộng rãi độ lượng, vợ chồng hòa thuận. Cô hầu hạ phụng dưỡng thân tộc và thờ chồng đúng phép, nết na dịu dàng không ai bằng. Cha mẹ và quyến thuộc đều ra đón Phật, chỉ có cô gái này ở trong phòng một mình không chịu ra. Từ khi sinh ra, cô gái này đã như vậy, cha mẹ cô không biết lý do vì sao nên mới đặt tên cô là Yêm-đề-già.

Như Lai biết Trưởng giả có một cô con gái ở trong nhà chưa ra và cũng biết vì sao cô không ra. Nếu cô ra thì sẽ làm lợi ích vô lượng cho đại chúng và chư Thiên, nhân.

Đức Phật liền bảo Trưởng giả:

–Quyến thuộc của ông đã ra hết chưa?

Bà-la-môn quỳ xuống, chắp tay trước Phật. Vì cô con gái không chịu ra nên ông lấy làm xấu hổ, im lặng không trả lời.

Biết ý ông ta, Đức Phật nói:

–Giờ ngọ đã đến, hãy sửa soạn cúng dường.

Vâng lời Phật, Bà-la-môn bày lễ cúng dường. Đại chúng và quyến thuộc của Bà-la-môn đã ăn xong, chỉ còn cô gái ấy chưa ăn. Như Lai cố lưu thức ăn lại trong bát, sai hóa nữ đem thức ăn ấy vào phòng đưa cho Yêm-đề-già.

Khi ấy, hóa nữ dùng kệ nói:

Cơm thừa này của Phật
Đấng Vô thượng ban cho
Tôi vâng lời Phật dạy
Xin người thanh tịnh nhận.

Yêm-đề-già cũng dùng kệ khen ngợi:

Lành thay! Đại Từ bi
Biết con ở trong phòng
Lại ban cho thức ăn
Xin kính nhận Thánh chỉ.

Và cô nói kệ trả lời hóa nữ:

Tôi thường luôn suy nghĩ
Việc làm của Đại Thánh
Tôi cũng giống như cô
Việc gì không trong sạch.

Nghe Yêm-đề-già nói kệ xong, hóa nữ liền biến mất. Bấy giờ, Yêm-đề-già đem lòng nhớ nghĩ, nói thành kệ:

Chồng tôi nay ở đâu
Xin ra đón Thế Tôn
Nên biết tâm tôi sạch
Mau đến cùng nhau nghe.

Nhờ sức nơi tâm trong sạch của Yêm-đề-già nên chồng của cô theo ý nghĩ ấy liền tới ngay. Thấy chồng đến, Yêm-đề-già rất vui mừng, nói kệ khen:

Chao ôi! Bậc tôn quý
Theo nguyện con đến cứu
Không vi phạm giới nhỏ
Sợ sẽ không cùng nghe.

Thấy Yêm-đề-già nói kệ như vậy, chồng cô ta lại nói kệ để trách:

Chao ôi! Nàng ngu quá
Không biết khéo thích nghi
Uổng Phật cho cơm thừa
Giữ giới để làm chi.

Bấy giờ, Yêm-đề-già theo chồng đến chỗ Phật. Hai người lạy Phật và đại chúng rồi cung kính đứng yên. Thế rồi, Yêm-đề-già nói kệ khen:

Con nghĩ đại Từ bi
Đấng cứu độ mười phương
Muốn lập tạng bí mật
Cho con cơm dư sạch.
Đại Thánh rất khó gặp
Thế gian, lòng còn ngờ
Có thể đến hỏi pháp
Đặt nền móng Bồ-đề.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Cô gái này là ai mà tự nhiên đến đây hỏi phap như vậy? Và nói kệ là được cơm thừa?

Phật bảo:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đây là con gái của trưởng giả.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

–Cô này từ đâu đến? Vì sao tới đây?

Phật nói:

–Cô gái này không phải từ xa đến, mà ở ngay trong nhà này. Tuy có cha mẹ, quyến thuộc, nhưng chồng của cô ta không có mặt. Để tự ngăn ngừa vì lòng kính thuận với chồng, nên không theo cha mẹ tùy tiện xuất hiện chỗ đông người.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Cô gái ấy có nhân lành gì mà được sinh vào nhà Trưởng giả này, lại có dáng vẻ đẹp như vậy? Vì nhân duyên gì mà bị người chồng quản thúc như thế, nên không thể tự mình yết kiến Đức Phật và chúng Tăng?

Phật nói:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ông hãy đến hỏi cô ta thử xem.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi cô ta:

–Vì nhân duyên gì mà cô được sinh vào nhà Trưởng giả này? Và vì nhân duyên gì bị chồng quản thúc, không dám tự mình ra chào hỏi Đức Phật và Tăng.

Yêm-đề-già nói kệ để trả lời:

Vì con không làm ác
Nên sinh nhà Trưởng giả
Lại không giữ tướng nữ
Được chồng trong sạch ấy.
Con luôn ở trong phòng
Cho là tự tại rồi
Việc ấy chưa vượt qua
Phật biết cho con cơm.
Than ôi, thưa Đại đức!
Không biết do chân thật
Mảy may không hề vượt
Nên gọi đại tự tại.
Tuy con ở trong phòng
Nhưng nghĩ Phật trước mặt
Nhân giả A-la-hán
Theo Phật mà không thấy.
Đại Thánh chẳng phải sắc
Cũng chẳng lìa sắc thân
Thanh văn thấy Ba-tuần
Cho là người lực lớn.
Than ôi, thưa Đại đức!
Không chút phương tiện Phật
Không biết rõ đầu đuôi
Hiểu điên đảo về con.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng, suy nghĩ: “Cô gái này là ai mà biện tài như vậy? Ta đây không thể sánh bằng.”

Biết sự suy nghĩ của Tôn giả Xá-lợi-phất, Đức Phật hỏi:

–Ông hãy thôi sự hỏi đáp để khỏi sinh tâm phân biệt. Cô gái này đã từng gặp vô lượng chư Phật thuyết pháp. Đó là pháp dược ông chớ nghi ngờ.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Yêm-đề-già:

–Cô biết về nghĩa sinh tử không?

Cô trả lời:

–Nhờ vào oai lực của Phật nên biết.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

–Nếu biết thì sinh nghĩa là gì?

Trả lời:

–Sinh là không sinh mà có nghĩa là sinh.

Hỏi:

–Không sinh mà sinh là sao?

Trả lời:

–Nếu biết rõ bốn duyên của địa, thủy, hỏa, phong, tự nó hoàn toàn không có được sự hòa hợp, chỉ tùy theo chỗ thích ứng của chúng, nên nói là sinh, lấy đó là nghĩa của sinh Hỏi:

–Nếu biết địa, thủy, hỏa, phong, tự nó hoàn toàn không có được sự hòa hợp, cho đó là nghĩa của sinh, tức là không có tướng sinh, sao lại cho là nghĩa?

Trả lời:

–Mặc dù ở chỗ sinh, nhưng không có sinh. Đó mới đúng là sinh, nên nói là có nghĩa.

Bồ-tát Văn-thù lại hỏi:

–Tử nghĩa là gì?

Trả lời:

–Tử là không tử mà có nghĩa là tử.

Hỏi:

–Không tử mà có nghĩa là tử, là sao?

Trả lời:

–Nếu biết rõ địa, thủy, hỏa, phong, tự nó hoàn toàn không có sự tan rã, mà chỉ theo chỗ thích ứng của chúng để nói, đó nghĩa là tử. Hỏi:

–Nếu biết địa, thủy, hỏa, phong, tự nó hoàn toàn không có sự tan rã, tức là không có tướng tử thì sao lại cho đó là nghĩa?

Trả lời:

–Mặc dầu ở trong tử nhưng tâm ấy không mất. Đó mới đúng là chánh tử, nên nói là có nghĩa.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

–Thường nghĩa là gì?

Trả lời:

–Nếu hiểu ro các pháp, hoàn toàn sinh diệt, biến dổi, không nhất định, tướng như huyễn, nhưng có thể theo sự thích ứng của chúng mà nói, đó nghĩa là thường.

Hỏi:

–Nếu hiểu rõ các pháp hoàn toàn sinh diệt, biến đổi, không nhất định, tướng như huyễn thì đó là vô thường, sao lại nói là thường?

Trả lời:

–Các pháp sinh nhưng không tự nó sinh, diệt nhưng không tự nó diệt, cho đến biến đổi cũng vậy. Vì không phải tự nó làm được nên nói là thường.

Hỏi:

–Vô thường nghĩa là gì?

Trả lời:

–Nếu biết các pháp hoàn toàn không sinh diệt, theo tướng là như vậy, nhưng theo sự thích hợp của chúng mà nói, đó là vô thường.

Hỏi:

–Nếu biết các pháp hoàn toàn không sinh, không diệt, vậy tức là thường sao lại nói là vô thường?

Trả lời:

–Vì các pháp tự tại biến đổi, tướng không nhất định, không tự nó làm được. Ai biết như vậy, nên mới nói là có vô thường.

Hỏi:

–Không là nghĩa thế nào?

Trả lời:

–Nếu biết tướng các pháp chưa từng tự nó không, không hoại mà nay có, nhưng không mà chẳng không, có mà không có, nên gọi là có – không.

Hỏi:

–Nếu không mà chẳng không, có mà chẳng có thì không có sự việc ấy. Vì sao lại nói là nghĩa không? Yêm-đề-già nói kệ để đáp lại:

Than ôi, chân Đại đức
Không biết nghĩa chân không
Sắc không có tự tướng
Nhưng đâu phải như không.
Nếu không tự có không
Thì không thể chứa sắc
Vì không không tự không
Nên sinh ra các sắc.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

–Nếu có người biết rõ sinh mà không có tướng sinh thì sinh có được tồn tại không?

Trả lời:

–Có. Mặc dầu tự biết rõ nhưng sức lực của họ chưa đầy đủ.

Cho nên cuộc sống vẫn tồn tại.

Hỏi:

–Có. Người không biết, không hiểu về tánh sinh thì cuối cùng cuộc sống có được tồn tại không?

Trả lời:

–Không. Vì sao? Vì nếu không thấy tánh của sinh thì dầu cho có sự điều phục cũng ít được an ổn. Tướng của sinh không an ổn ấy luôn chống đối nhau. Nếu ai có thể thấy tánh của sinh thì mặc dầu ở chỗ bất an nhưng tướng an luôn được hiện tiền. Nếu ai không biết như vậy, mặc dầu có nhiều biện tài, giảng nói những kinh sách sâu dày, nhưng đó cũng chỉ là tâm sinh diệt. Nói lời sâu xa của thật tướng ấy giống như người mù nói về màu sắc, vì họ nhờ vào lời nói của người khác mà có thể biết được màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, nhưng thật ra chính họ không thể thấy tướng chính xác của màu sắc. Người không thấy các pháp cũng vậy. Nhưng nay nói về sinh thì sự sinh là chết. Sự chết đối với người ấy, là không có ý ưa. Nếu ai bị trói buộc vào thường và vô thường thì cũng như vậy.

Đại đức nên biết, không ấy tự nó cũng không phải không. Cho nên nói có nghĩa không.

Bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như những lời Yêm-đề-già nói! Đó là lời chân thật không sai khác. Mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng nhưng những gì Yêm-đề-già nói không thể thay đổi.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Yêm-đề-già:

–Trí tuệ biện tài của cô như vậy, được Phật khen ngợi là điều mà hàng Thanh văn chúng tôi không thể sánh bì. Thế tại sao không lìa sắc tướng thân nữ này?

Cô trả lời:

–Tôi sẽ hỏi Đại đức. Đại đức hãy trả lời cho tôi. Thưa Đại đức!

Hiện giờ Đại đức là nam phải không?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

–Mặc dầu tôi sắc nam, nhưng tâm chẳng phải là nam.

Cô nói:

–Thưa Đại đức! Tôi cũng vậy. Đại đức đã nói đúng. Mặc dầu tôi là tướng nữ nhưng tâm chẳng phải là nữ.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

–Hiện nay cô bị chồng cô quản thúc. Vì sao vậy?

Cô trả lời:

–Thưa Đại đức! Đại đức có thể tin vào lời nói của chính mình không?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Tôi tự tin. Vì sao không thể không tin?

Cô trả lời:

–Thưa Đại đức! Nếu tự tin thì vừa rồi đã nói rằng sắc tướng mình là nam nhưng tâm chẳng phải là nam. Như vậy tâm và sắc có hai sự hoạt động. Nếu Đại đức tin vào lời nói ấy thì đối với tôi thì Đại đức không sinh ác kiến với chồng tôi. Đại đức là nam, cho tôi là tướng nữ. Sắc nữ của tôi đã phá hoại tâm của Đại đức, vì là nam mà thấy thân nữ kia thì không có lòng tin chân thật với pháp được.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Tôi không dám sinh ác kiến với cô.

Cô trả lời:

–Vì đối diện với Thế Tôn nên không dám nói lời chân thật. Nếu thật sự không sinh ác kiến vì sao Đại đức nói với tôi: “Hiện nay cô bị chồng cô quản thúc.” Do đâu mà nói như vậy?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Vì tôi đã lìa tập khí từ lâu nên nói như vậy, chẳng phải tâm thật.

Cô gái hỏi:

–Thưa Đại đức! Xin hãy trả lời cho tôi. Thưa Đại đức! Đại đức nói mình lìa tướng nam nữ đã lâu. Vậy thưa Đại đức! Sắc đã lìa lâu hay tâm đã lìa lâu.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng không trả lời. Yêm-đềgià nói kệ:

Nếu tâm lìa từ lâu
Hoàn toàn không sinh kiến
Ai làm thân người nữ
Nơi sắc sinh không sạch.
Nếu nói sắc lìa lâu
Pháp vốn không tự có
Hoàn toan không bị dơ
Thì làm gì tạo ác.
Than ôi, thưa Đại đức!
Uổng học không thể biết
Mình nam nghĩ tôi nữ
Chẳng phải vọng tưởng sao.
Xin sám hối Đại đức
Với pháp chớ sinh nghi
Lời tôi nói trên đây
Là nhờ thần lực Phật.

Sau khi Yêm-đề-già nói kệ, trong chúng hội có hơn một ngàn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Người phát tâm Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Có năm ngàn người, trong đó có người đắc pháp Nhẫn vô sinh, có người đắc pháp nhãn, có người được tâm giải thoát. Có vô lượng chúng Thanh văn, đối với pháp Phật sinh tâm xấu hổ vô cùng.

Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Cô gái ấy chẳng phải là người phàm. Cô ta đã gặp vô lượng chư Phật, có thể giảng nói kinh Sư Tử Hống Liễu Nghĩa này làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Ta cũng đã từng cùng với cô gái ấy thờ phụng vô lượng chư Phật. Không bao lâu cô ấy sẽ chứng thành Chánh giác. Khi nghe cô ta giảng nói pháp giải thoát thì trong chúng ấy sẽ sinh lòng tin chân thật. Vì họ từ lâu đã nghe pháp của cô ta giảng nói, nên nay có thể tin đúng đắn. Vậy phải tin kinh Sư Tử Hống Liễu Nghĩa ấy chớ nghi ngờ.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông hãy thọ trì những lời hỏi đáp trong kinh Sư Tử Hống Liễu Nghĩa của cô Yêm-đề-già con Trưởng giả này. Ta giao phó cho ông.

Ông hãy giữ gìn cẩn thận.

Tôn giả A-nan thưa:

–Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con xin nhận lãnh.

Sau khi nghe Yêm-đề-già nói pháp, đại chúng rất vui mừng khôn xiết. Ai nấy đều như pháp tu hành.