KINH THẮNG MAN GIẢNG KÝ
Hòa Thượng Ấn Thuận giảng
Hòa Thượng Thích Đức Niệm dịch
Đường đến Phật quả có muôn ngàn ngả. Bởi chúng sanh căn tánh bất đồng, nên Phật theo đó mà mở ra vô lượng pháp môn không giống nhau: Ngũ thừa, tam thừa, nhất thừa. Chẳng khác nào nhân loại thân bệnh có lắm chứng khác biệt, nên y khoa theo đó chế nhiều thứ thuốc khác nhau. Phật dạy pháp môn phương tiện tuy có khác, nhưng cùng chung mục đích là trị bệnh, đưa chúng sanh đến bến bờ giác ngộ, đạt đạo Vô thượng Bồ đề, ấy là Phật quả.
Đức Phật nói: “ Nước trong bốn biển chỉ có một vị, ấy là vị mặn. Cũng như thế đó, giáo pháp của ta tuy có muôn ngàn phương tiện pháp môn, nhưng duy nhất chỉ có một vị, đó là hương vị giải thoát”. Sự hiện diện của Đức Phật ở đời không ngoài mục đích làm lợi cho chúng sanh “ khai thị ngộ nhập tri kiến Phật”. Sau khi giác ngộ dưới cây Bồ đề cũng như trước khi vào Niết bàn, Ngài nói: “ Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật như ta”.
Lời nói của Đức Phật quả là chân lý bất diệt, giá trị tuyệt vời muôn đời đối với những người có tâm chí hướng thượng trên đường thánh thiện giải thoát. Trước khi Phật ra đời cũng như sau khi Ngài nhập Niết bàn và mãi đến ngày nay, thời gian đã trải qua gần ba ngàn năm lịch sử, vẫn chưa thấy có vị Giáo chủ của bất cứ tôn giáo nào có tư tưởng cách mạng “từ bi, bình đẳng, giác ngộ” toàn triệt, nhằm đưa con người thăng tiến đến quả vị tự tại giải thoát cùng tột như vậy.
Lời nói của Đức Phật đã thể hiện ngay khi Ngài còn hiện đời. Ấy là những ai, bất lưận ở vào hạng nào, dù đó là ngoại đạo, ác nhơn, tà kiến, bần tiện, ngu dốt. v.v…, nếu biết hồi tâm theo lời Phật dạy mà hành trì thì đều được an lạc chứng thánh. Những người chứng thánh nổi bật trong muôn ngàn người, về nam phái như các Tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Át Bệ, Đại Ca Diếp, A Nan, La Hầu La v.v…Về nữ phái như Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Da Du Đà La, Hoa Sắc Tỳ kheo v.v…Những người như vậy số lượng đến vạn thiên. Thậm chí những kẻ ác tâm như Đề Bà Đạt Đa hại Phật, thái tử A Xà Thế giết cha hại mẹ, chàng Vô Não nghe lời ngoại đạo giết người lấy đủ 100 ngón tay, cô gái giả bụng chửa vu oan Phật, kẻ ngoại đạo mắng Phật, nàng Ma Đăng Già hại A Nan v.v…cuối cùng tất cả đều được Phật độ. Thử hỏi trên đời còn ai thể hiện tinh thần từ bi bình đẳng hơn?!
Sau khi Phật nhập Niết bàn và mãi cho đến ngày nay, thế hệ này cho đến thế hệ khác lớp lớp tiếp nối nhau, trong số đó không phải chỉ có những người hiền đức thôi, mà cả đến những kẻ suốt đời chỉ biết lấy việc kiếm cung chinh phạt làm vui, vậy mà khi về với đạo Phật, họ đều trở nên những bậc nhân từ hiền lương quân tử, làm lợi ích cho đời. Như vua A Dục, Đường Thế Tông, Võ Tắc Thiên, Lương Võ Đế, Thánh Đức thái tử của Nhật Bản. Và rõ ràng nhất là những vị vua và hoàng hậu của cả hai triệu đại Lý, Trần Việt Nam đã nêu gương hiền đức sáng ngời, tạo thành một thời thạnh trị huy hoàng lâu dài cho dân tộc xứ sở. Những vị lược nêu trên đều tiếp nhận ảnh hưởng giáo pháp của Đức Phật. Họ đã thắp sáng lên ngọn lửa từ bi bình đẳng hùng lực vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại và dân tộc.
Suốt bốn mươi chín năm trời, Đức Phật hiến trọn đời mình cho lý tưởng vị tha, giáo hóa độ sanh, không điều gì ẩn tàng uẩn khúc thẳm sâu của cuộc đời, về tâm thức chi phối dòng sanh mệnh muôn loài, mà Ngài không cặn kẽ giảng nói. Ngài đã giảng giải rõ ràng cội nguồn nhân sanh khổ lụy, cảnh sống bất an, nhân loại thiếu hạnh phúc chân thật, để rồi từ đó Ngài đưa ra những phương pháp giải khổ, đồng thời thống thiết kêu gọi chúng sanh nên khắc phục dục tình tham vọng, để tự cứu mình cứu người ra khỏi cảnh đời mộng huyễn tăm tối trầm luân, hầu xây dựng cuộc sống an lành sáng sủa. Thực tế cho vấn đề giải khổ là biết đem lời Phật dạy áp dụng vào đời sống. Nhân lọai đã khéo léo biết dùng sản phẩm của văn minh khoa học để trị liệu tô điểm vóc thể. Nhưng nhân loại đã đủ thông minh biết dùng giáo lý đạo Phật là phương thuốc thần diệu để trị liệu tô điểm tâm thần mình chưa? Nếu hằng ngày con người biết dùng thời gian và lưu tâm trang điểm sửa soạn thân thể, thì nhân loại đã tiến bộ hạnh phúc và cuộc đời này sớm đã không còn phiền lụy khốn đốn khổ đau.
Tinh thần từ bi, trí tuệ, bình đẳng, giác ngộ giải thoát được thể hiện trong Kinh Thắng Man này. Thắng Man phu nhơn là người nữ, do đã tu nhiều đời và nhờ thần lực của Phật gia hộ mà nói lên tư tưởng Đại thừa nhất phương tiện được gói gọn trong kinh này. Bà còn được Phật thọ ký sẽ thành Phật trong tương lai. Điều này khiến cho ta liên tưởng đến Long Nữ trong Kinh Pháp Hoa, Thiện Tài Đồng tử trong Kinh Hoa Nghiêm thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt vời như lời Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật”, nếu biết áp dụng lời của Ngài vào đời sống của mỗi chúng sanh thì nhất định được thanh thoát quang minh, tương lai sẽ đắc thành thánh quả. Phật đã xác quyết: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành, nếu biết thực hành theo giáo pháp của ta”.
Tên kinh đây nói cho đủ là “ Kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng”. Nay lược xưng là “ Kinh Thắng Man Nhất Thừa Đại Phương Tiện”.
Nội dung kinh này thuyết minh về Như lai tạng, quả đức của Phật. Nói rõ hành giả đoạn trừ phiền não nào, để chứng đắc Nhị thừa quả; đoạn sạch hoặc nghiệp gì, để chứng đạt Vô thượng Bồ đề. Kinh đây còn hàm nhiếp tư tưởng nhất thừa phương tiện của Kinh Pháp Hoa; Như Lai tạng là chỗ sở y của sanh tử và Niết bàn; phát nguyện thọ giới của Kinh Bồ Tát Bổn Nguyện Anh Lạc v.v…
Tỳ kheo quê mùa tôi, Thích Đức Niệm, y giảng giải của Ấn Thuận đạo sư, không ngại tài hèn đức mọn văn nghĩa thô lậu của mình, đem tâm thành nguyện dịch kinh này ra Việt văn không ngoài mục đích góp phần nhỏ vào kho tàng văn hóa Phật giáo nước nhà, với ước vọng kết duyên Bồ đề cùng người thiện tâm gần xa, để cùng phát tâm tiến bước trên đường giác ngộ giải thoát.
Kính lạy thập phương chư Phật từ bi gia hộ cho con mãn nguyện ước mong trong khi dịch được sáng suốt không sai tôn ý Phật. Rất mong chư Tôn đức, thức giả mẫn niệm chỉ giáo bổ chánh cho. Rất mong thay!
Vu Lan năm Canh Ngọ 1990
THÍCH ĐỨC NIỆM