SỐ 322
KINH PHÁP KÍNH
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Cư sĩ An Huyền và Sa môn Nghiêm Phật Điều, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Thế Tôn du hóa tại khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc, thuộc nước Văn Vật, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và năm trăm vị Bồ-tát: như Bồ-tát Từ Thị, Bồtát Kính Thủ, Bồ-tát Thỉ Khí, Bồ-tát Khuy Âm v.v… đều là những vị thượng thủ trong hàng Bồ-tát. Lúc này tất cả chúng hội đều vây quanh bên Đức Thế Tôn để nghe thuyết giảng kinh pháp.
Bấy giờ, trong thành Văn Vật có Lý gia (Ly xa) tên là Thậm cùng với năm trăm người từ trong thành ấy đi đến khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc, tới chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ bên chân Thế Tôn rồi ngồi qua một bên. Và có Lý gia tên Ái Ngộ, Lý gia Nãi Ngộ, Lý gia Thiện Thọ, Lý gia Đại Oai, Lý gia Cấp Cô Độc Tụ, Lý gia Long Oai, Lý gia Đế Tư. Tất cả các vị này cùng với năm trăm quyến thuộc của họ cũng đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ bên chân Phật rồi ngồi qua một bên. Tất cả các vị ấy do phát tâm mong cầu đạo lớn, đều cùng với quyến thuộc của họ tạo lập nguồn gốc công đức, hết lòng đối với đạo Chánh chân vô thượng, duy chỉ có Cấp Cô Độc Tụ thì không như vậy. Lúc đó, Lý gia Thậm vì thấy mọi người đều vân tập và an tọa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu quỳ gối chấp tay thưa:
–Con có điều muốn thưa hỏi, nhưng Đức Thế Tôn đâu có thời gian để giảng bày nghi vấn của con.
Đức Phật bảo với Lý gia Thậm:
–Như Lai thường vì Lý gia nên có thời gian nhàn rỗi để diễn bày rộng về những nghi vấn. Này Lý gia! Ông hãy tùy ý thưa hỏi những mong cầu của ông đối với việc ứng hợp đạo Chánh chân của Như Lai.
Như Lai sẽ giảng thuyết rõ ràng cho ông được như ý.
Lý gia Thậm bạch Phat:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm cầu đạo Chánh chân vô thượng, ưa mến đạo lớn, phát tâm tu hành theo đạo lớn, muốn đạt đến đạo lớn, muốn dốc hết công phu theo đạo lớn, muốn hiểu biết về đạo lớn, quan tâm đến sinh mạng của tất cả chúng sinh, làm an ổn cho tất cả chúng sinh, cứu giúp cho tất cả chúng sinh, người ấy phát thệ nguyện: “Nếu người nào chưa được độ, ta sẽ độ thoát cho họ; nếu người nào chưa giải thoát, ta sẽ giải thoát cho họ; nếu người nào không an ổn, ta sẽ làm cho họ được an ổn; nếu người nào chưa được diệt độ, ta sẽ làm cho họ được diệt độ”. Người ấy vì nhận lãnh trách nhiệm trọng đại đối với tất cả chúng sinh, vì muốn cứu hộ tất cả chúng sinh nên tự phát thệ nguyện rộng lớn, biết rằng sinh tử có biết bao điều xấu ác nhưng tâm ý vẫn không mệt mỏi, trải qua vô số kiếp trong sinh tử mà tâm ý vẫn không biếng nhác, với những người ấy, bạch Thế Tôn! Hoặc là Bồ-tát từ bỏ gia đình để cầu đạo mong đạt đến pháp trợ đạo phẩm, hoặc là cư sĩ tại gia. Lành thay! Bạch Thế Tôn! Hãy thương tưởng đến chúng sinh ban cho ân huệ, đối với người cầu đạo lớn này nhằm làm hưng thịnh Tam bảo, cũng làm cho tất cả những kinh điển sáng suốt tồn tại lâu ở đời. Cúi xin Như Lai giảng nói cho hàng Bồ-tát tại gia tu học pháp tạo lập phước đức. Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để hàng Bồ-tát tại gia nương theo lời dạy bảo của Như Lai mà không khuyết cũng không tổn giảm đại nguyện căn bản của mình, tức là đạo Chánh chân vô thượng; cũng khiến cho đời hiện tại không gây tạo tội ác thì đời vị lai đạt đến đạo thù thắng. Bạch Thế Tôn! Hàng Bồ-tát kia bỏ nhà, xuất gia cầu đạo, từ bỏ sự ái ân ở đời, cạo bỏ râu tóc, mặc y phục đạo pháp. Còn hàng tại gia chỉ có đức tin, rời khỏi gia đình là vì cầu đạo quả, khai mở lời dạy của Thế Tôn, pháp thức, chánh thức, đức thức được hiện bày đầy đủ. Bạch Thế Tôn! Hàng Bồ-tát xuất gia cầu đạo và hàng cư sĩ tại gia nên tu học như thế nào?
Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Lý gia Thậm:
–Lành thay! Lành thay! Này Lý gia! Hôm nay ông biết hỏi Thế Tôn về việc nên thực hành của hàng cư sĩ tại gia và hàng Bồ-tát xuất gia. Này Lý gia! Hãy lắng nghe kỹ lời dạy của Ta và nỗ lực tinh tấn suy nghĩ lời ấy. Bồ-tát vì cầu đạo nên tu học đạo hạnh, tạo lập công đức. Lý gia Thậm nhận lãnh lời dạy chăm chú lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo:
–Này Lý gia! Hàng Bồ-tát tại gia vì cầu đạo nên tự mình quy y Phật, tự mình quy y Pháp, tự mình quy y Tăng chúng, như vậy người ấy đã tự quy về với nguồn gốc công đức của mình, đạt đến đạo Chánh chân vô thượng. Này Lý gia! Hãy trở về nương tựa nơi Phật, Pháp và chúng Tăng. Nên biết làm sao mà ta thành tựu được thân Phật, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt để trang nghiêm thân mình? Cũng chính nhờ nguồn gốc công đức ấy mà đạt được ba mươi hai tướng Đại sĩ, nhờ đạt được nguồn gốc của công đức ấy mà khiến được tinh tấn tu hành. Bồtát tại gia tự mình nương tựa nơi Phật là như vậy. Còn trở về nương tựa nơi Pháp là như thế nào? Ấy là cung kính pháp, tìm cầu giáo pháp, mong muốn được pháp, ưa thích niềm vui nơi pháp, hưng khởi pháp, nương tựa nơi pháp, hộ trì pháp, cẩn thận đối với pháp, như pháp mà an trụ, theo pháp mà thực hành, vì phép thường của pháp, vì diệu lực nơi pháp, vì mong cầu tài sản pháp, vì sự vắng lặng của pháp, vì tạo lập các việc đối với pháp. Ta cũng ở trong cõi trời và thế gian để ban bố các pháp như vậy, này các Bồ-tát tại gia! Tự mình nương tựa nơi Pháp là như vậy. Trở về nương tựa nơi Tăng chúng là như thế nào? Nếu Bồ-tát tại gia thấy bậc chứng Dự lưu, hoặc bậc chứng Nhất lai, hoặc bậc chứng Bất lai, hoặc bậc chứng A-la-hán, hoặc thấy hàng phàm phu muốn cầu trở thành đệ tử trong đạo, thì nên cung kính các vị ấy, thừa sự, cúng dường, tôn kính, đảnh lễ, tiếp đãi họ như bậc thầy. Hoặc gặp người thừa sự như pháp mà an trụ, theo pháp mà thực hành để được chí nguyện, cũng đạt được đạo Chánh chân vô thượng của ta, hoặc người nhờ truyền giảng kinh pháp, thành tựu công đức của người đệ tử thì nên cung kính vị ấy, không lúc nào là không kính phục vị ấy. Bồ-tát tại gia tự mình quy y Tăng chúng là như vậy.
Lại nữa, này Lý gia! Bồ-tát tại gia nhờ tu tập bốn pháp để tự mình quay về nương tựa nơi Phật. Những gì là bốn? Một là người có tâm đạo trọn đời không lìa bỏ. Hai là người đã lãnh thọ giới pháp trọn đời không sai phạm. Ba là người có tâm từ bi rộng lớn trọn đời không đoạn đứt. Bốn là người trọn đời không theo ngoại đạo. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát tại gia tự mình nương tựa nơi Phật, thực hành như vậy. Lại nữa, này Lý gia! Có bốn pháp tu tập để tự mình nương tựa nơi Pháp. Những gì là bốn? Một là các pháp mà bậc hiền sĩ thuyết ra nên thừa sự thực hành theo. Hai là pháp đã được lãnh hội thì nên cung kính. Ba là pháp đã lãnh hội thì nên tư duy tận nguồn gốc ngọn ngành. Bốn là đúng như pháp mình đã lãnh hội, tùy theo khả năng của mình mà giảng thuyết rõ ràng cho người khac. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát tại gia tự mình nương tựa nơi Pháp, thực hành như vậy. Lại nữa, này Lý gia! Có bốn pháp tu tập để tự mình nương tựa nơi chúng Tăng. Những gì là bốn? Một là đối với hàng đệ tử trong đạo dù mới phát tâm cũng luôn luôn tỏ lòng vui vẻ với tất cả. Hai là nhờ tích tập vật dụng cúng dường, làm cho giáo pháp tồn tại để giáo hóa chúng sinh. Ba là nương tựa vào phép tắc của Tăng chúng mà không lệ thuộc vào đệ tử của Tăng chúng. Bốn là mong cầu phước đức của Tăng chúng để độ thoát, chứ không cho rằng phước đức của mình có thể độ thoát được. Đó là bốn pháp mà Bồ-tát tại gia tự mình nương tựa nơi Tăng chúng, thực hành như vậy. Lại nữa, này Lý gia! Hàng Bồ-tát tại gia tu học đạo, nếu thấy được Phật thì thực hành nhớ nghĩ đến Phật, đó là tự mình nương tựa nơi Phật; đã nghe được Pháp thì tư duy nhớ nghĩ về Pháp, đó là mình tự nương tựa nơi Pháp; nếu thấy được hàng Thánh chúng của Phật cũng luôn nhớ nghĩ trong tâm đạo của mình, đó chính là tự mình nương tựa nơi Tăng chúng.
Lại nữa, này Lý gia! Hàng Bồ-tát tại gia tu học đạo, phát tâm mong muốn gặp được Phật mà thực hành bố thí, đó là tự mình nương tựa nơi Phật. Nếu vì ủng hộ chánh pháp mà thực hành bố thí, đó là tự mình nương tựa nơi Pháp. Nếu tự mình đã bố thí để cầu đạt đạo quả Chánh chân vô thượng, đó là tự mình nương tựa nơi chúng Tăng. Lại nữa, này Lý gia! Hàng Bồ-tát tại gia tu học đạo, nếu tu tập hạnh của bậc Hiền Thánh, không thực hành hạnh phàm phu, người ấy hành hạnh Hiền Thánh để mong cầu tài sản chánh pháp chứ chẳng phải phi pháp, dùng chánh đạo không dùng tà đạo, nhằm thực hành chánh mạng, không quấy nhiễu cho người lại đem chánh pháp đến cho họ hiểu, người nhiều tài sản nên thực hành quán tưởng vô thường, dùng vật báu của mình để thường xuyên bố thí cúng dường. Đối với bậc trí thức, cha mẹ, tôi thần, anh em, thân thuộc đều nên kính nhường họ, kẻ nô tỳ hầu hạ cũng xem như nhau và giáo hóa họ. Đối với giáo pháp sắp diệt cũng nhận trách nhiệm như trách nhiệm đối với chúng sinh, luôn luôn tinh tấn không chút biếng nhác với trách nhiệm của mình đã nhận lãnh, đó gọi là việc làm của bậc trí đệ tử Phật, thành tựu chúng sinh mà không mệt mỏi, không vui với niềm vui của mình, mà vì niềm vui của chúng sinh thành đạt. Tám ngọn gió cuộc đời: khổ, vui, được, mất, khen, chê, danh dự, cơ hiềm đều không thể làm điên đảo được, vì siêu vượt pháp thế gian cho nên dẫu có tài sản quý báu cũng không lấy làm vui. Lại ở trong ba đường, không lợi dưỡng, không danh dự, không vì tiếng tăm, không khen thuởng, mọi hành động đều tư duy chín chắn, nhận thức đúng đắn thì vui vẻ, nhận thức sai lầm thì cần chú ý để có hành động đúng đắn hơn. Nếu có hai điều khen ngợi và tán thán về hành động đúng thì nên trừ bỏ ngay chỗ sai quấy. Hứa làm cho ai việc gì thì phải lo lắng việc của họ mà không được quên. Có ban ân nghĩa cho người thì trọn đời không mong báo đáp, làm bao nhiêu việc thi ân, bố thí, biết đền ân trả nghĩa, lại biết tạo lập các việc làm ân đức. Với người bần cùng thì bố thí tài vật, với người lo sợ thì làm cho họ an ổn, với người buồn rầu thì tìm cách giải trừ sự đau buồn cho họ, với người không năng lực thì nhường nhịn họ, với kẻ mạnh mẽ hơn người thì làm cho họ trừ bỏ kiêu mạn, dứt hẳn quá mạn và mạn mạn bằng sự cung kính bậc tôn trưởng, thừa sự bậc học rộng, hay thưa hỏi người có trí, việc làm hiện tại đàng hoàng, không lòe loẹt. Khi mọi người có đầy đủ phương tiện thì đức hạnh có thể tìm cầu được chăng? Cho nên muốn được học rộng nghe nhiều, không nên nhàm chán, không cho là đủ, cần nỗ lực tu tập chân chánh chắc chắn sẽ cùng với Hiền Thánh gặp gỡ, được đi theo bậc Hiền Thánh để cung kính tôn trọng họ. Đối với bậc Đa văn thì phục vụ họ, với người hiểu biết thì thưa hỏi họ, nên nói rõ là mình không có thầy. Đối với kinh điển sâu xa như những điều đã được nghe mà nói ra những điều đã nghe để hiểu thông nghĩa lý. Mọi thứ dục lạc đều nên nghĩ là vô thường, không luyến tiếc thân mạng, tự mình quán sát thọ mạng của mình mong manh như giọt sương mai, cho tài sản hiện có như mây bay, huyễn mộng, người thân quyến đều là oan gia, vợ chồng con cái coi như là địa ngục vô gián, xem tất cả những gì hiện có đều đem đến khổ đau, sự nghiệp tài sản ruộng đất nhà cửa đều cho là lầm lỗi, những đức độ mong cầu khởi tưởng không làm cho tan hoại, nhà cửa khởi tưởng rất mong manh, bạn bè tôi tớ thân thuộc khởi tưởng là người chủ địa ngục, trọn ngày lẫn đêm đối với những việc ấy khởi tưởng giống nhau. Chúng sinh thường vì thân mình không thật mà tưởng cho là thật, thọ mạng không thật mà tưởng cho là thật, tài sản không thật mà tưởng rằng là thật. Vì vậy người ấy nên dùng lễ nghi phép tắc để phục vụ người khác, tôn trọng việc làm người, thì dù cho thân không thật có mà được thân chân thật. Những công đức đã có từ xưa thì không bị hủy hoại, ngày nay lại càng tăng thêm, mặc du thọ mạng không thật vẫn đổi lấy thọ mạng chân thật. Nếu người từ bỏ lòng tham lam, keo kiệt mà thi ân bố thí làm phước đức cho người, dù không có tài sản chân thật mà vẫn được đổi lấy tài sản chân thật. Đó là Bồ-tát tại gia tu học đạo, thực hành hạnh của Hiền Thánh, làm các việc mà không tạo tội lỗi, thực hành theo lời pháp của Như Lai, không hủy hoại cũng không tổn giảm lời thệ nguyện căn bản của mình, gọi đó là đạo Chánh chân vô thượng. Người ấy nếu hiện đời không gây lấy hành nghiệp tội lỗi thì đời vị lai càng chứng đắc đạo quả thù thắng.
Lại nữa, này Lý gia! Bồ-tát tại gia tu học đạo nên tự mình thực hành phụng trì giới cấm. Nghĩa là phụng trì năm giới. Đó là: Không thích việc sát sinh, không gây thêm sự giết hoại loài động vật cho đến côn trùng vi tế hoặc kẻ yếu hèn. Không trộm cắp tài vật của người khác, biết đủ với tài sản của mình, tài sản của người không tưởng nghĩ đến, cho đến ngọn cây cọng cỏ nhỏ nhặt không cho thì hoàn toàn không được lấy. Không thích việc tà hạnh dâm dục, vợ con mình tự biết, không nhìn ngắm vợ người, tâm ý luôn tự quản thúc mình, suy nghĩ dục tà là điều khổ đau; nếu khởi niệm dâm dục liền quán tưởng đến sự xấu ác, bằng ý niệm lo sợ nhàm chán sự dâm dục, nên không còn sợ hãi, khổ đau; vì tham ái luyến tiếc đều vô thường nên quán tưởng sự tịnh lạc để đạt đến chí nguyện, cứ như vậy ta nên tự tu tập, nếu khởi tưởng về dục lạc thì ta đã không còn, huống nữa là còn có tà hạnh. Lại không nên nói lời dối trá, phải nói lời chân chánh, thành thật, không có bản tính dối trá, không nên thay đổi tâm ý, phải thành thật mà nói như điều mình đã được nghe thấy, cẩn thận hộ trì kinh pháp bất chấp thân mạng, vì vậy không được nói lời dối trá. Lại không nên uống rượu, vì không say sưa nên không bị mê hoặc, không vội vã, do không phạm pháp nên thuận hòa, ý chí mạnh mẽ nhờ nhận thức chân chánh. Người được như vậy liền khởi tâm bố thí, tài sản của mình hiện có nên cho người, người nào cầu thức ăn thì cho thức ăn, người nào xin thức uống thì cho thức uống, cầu xe thì cho xe, muốn áo thì cho áo, đó là cho người khác thứ rượu để làm mạnh ý chí. Bố thí Bala-mật như thế tức là khi có người đến cầu xin theo sở nguyện thì tùy đó mà ta cho, hoặc có thể đem rượu ban cho khiến người kia thay đổi ý chí, như tự biết mình hành động không mê hoặc. Tại sao như vậy? Vì Bồ-tát làm mãn nguyện cho tất cả chúng sinh nên bố thí Ba-la-mật, cứ mỗi lần như vậy Bồ-tát tại gia đem rượu cho mọi người mà hoàn toàn không bị mắc tội. Như vậy, này Lý gia! Bồ-tát do bản nguyện công đức tu học của mình, khắp vì đạo Chánh chân vô thượng cần nên tu học cẩn thận, hộ trì năm giới cam như vậy. Lại khi có người tranh cãi không nên đem lời đàm tiếu để phân tranh mà nên hòa hợp, không nói lời thô ác, nên nói lời nhu hòa, luôn luôn nhường lời cho người khác, không dùng lời thêu dệt, chỉ nói đúng nghĩ đúng pháp, lời nói đi đôi với việc làm, cũng không bị lưới ngu si che lấp, đem đến sự an ổn cho chúng sinh, tâm ý không tán loạn, thường dùng sức nhẫn nhục để tự trang nghiêm thân, thực hành chánh kiến, xa lìa tà kiến, cũng thường đảnh lễ các Đức Phật – Như Lai, không lễ các thần trời khác.
Lại nữa, này Lý gia! Bồ-tát tại gia tu học đạo, hoặc ở tại thôn xóm, làng xã, quận huyện, thành phố nên thường ủng hộ kinh pháp. Người ủng hộ kinh pháp là như thế nào? Đối với người không tin kinh pháp thì dùng đức tin để giáo hóa họ. Đối với người bần cùng keo kiệt thì dùng bố thí để giáo hóa họ. Đối với người giới ác thì dùng giới để giáo hóa họ. Đối với người loạn tâm nên dùng nhẫn nhục để giáo hóa. Đối với người biếng nhác nên dùng sự tinh tấn để giáo hóa họ. Đối với người đánh mất tâm chí nên dùng sự tư duy để giáo hóa họ. Đối với người nhận thức sai lạc nên dùng các việc về trí tuệ để giáo hóa họ. Đối với người thiếu thốn của cải nên đem cho họ. Đối với người nhiều bệnh tật nên đem thuốc men bố thí cho họ. Đối với người thân cô đơn độc nên làm thân quyến với họ. Đối vơi người không chốn quay về nên làm chỗ quay về cho họ. Đối với người không nơi nương tựa nên làm chỗ nương tựa cho họ. Người này ở khắp tất cả nơi nào cũng thường ủng hộ kinh pháp như vậy.
Này Lý gia! Hoặc có Bồ-tát tại gia hướng dẫn mọi người, hoặc một hoặc hai hoặc ba cho đến trăm người đều tu tập pháp công đức, thì Bồ-tát ấy khiến khởi lòng bi thương xót chúng sinh, kiên cố với tất cả lời thệ nguyện của mình. Phát lời thệ nguyện như vầy: “Cho đến khi nào mà kẻ khó giáo hóa chưa được thành tựu thì ta trọn không chứng đắc đạo quả Chánh chân vô thượng”. Vì sao? Vì hôm nay ta tự phát lời thệ nguyện như vậy rồi. Đối với ta, người không chất trực, người luôn dối trá, dua nịnh, người không thành thật, những người như vậy, với lời thệ nguyện, muốn khiến cho người này nghe được kinh pháp, nên dùng kinh điển giáo hóa họ, ta làm như vậy là do thệ nguyện của mình. Ta sẽ thường thực hành tinh tấn mạnh mẽ, làm phương tiện, vì không từ bỏ gian khổ. Nếu có người nào hiểu biết, nên làm cho họ tin hiểu hơn. Ngược lại, nếu tự mình làm cho tất cả mọi người rơi vào tà kiến ngoại đạo thì đó là lỗi của Bồ-tát tại gia.
Này Lý gia! Ví như trong làng xóm, thôn ấp, quận huyện, thành phố, ở đó có vị thầy thuốc, giả sử vị ấy có một bệnh nhân vì không giữ được mạng sống nên đã qua đời, mọi người đều đổ lỗi cho vị thầy thuốc kia. Cũng vậy, này Lý gia! Đối với Bồ-tát tại gia chỉ vì khiến cho mọi người rơi vào cõi ác tà kiến thì Như Lai Chánh Chân cũng sẽ quy lỗi cho vị Bồ-tát tại gia ấy. Cho nên Bồ-tát tại gia phải tự mình thệ nguyện như vầy: “Giả sử trong thành ấp của ta ở cho dù là kẻ ngu si ta cũng không khiến cho một người nào đọa vào đường ác ngoại đạo”.
Lại nữa, này Lý gia! Cư sĩ tại gia tu học đạo, nên hiểu rõ các điều xấu ác của gia đình. Vì còn vương vấn gia đình nên hại đến tất cả các gốc thiện, cũng không có pháp thanh tịnh. Vì thế nên gọi là tại nhà. Tại gia nghĩa là còn vướng bận tất cả các khổ, còn ở trong các niệm xấu ác, còn ở trong hành vi xấu ác, không tự giáo hóa, không tự hộ trì. Hàng phàm phu ngu muội cùng ở chung, tập hợp những người không chân thật, nên gọi là nhà. Nhà vì thế có tên gọi, đã ở nơi ấy thì không có việc gì mà không làm. Do ở nơi ấy nên không cung kính đối với cha mẹ, các bậc tôn trưởng, Thánh chúng, nên gọi là nhà. Quan huyện, lao ngục tra khảo, đánh đòn, chửi mắng cho đến lúc chết đều từ do nơi ấy, nên gọi là nhà. Do ở nơi ấy mà vào đường ác, do ở nơi ấy mà rơi vào các dục, bị các sân hận, ở trong lo sợ, vào chốn ngu si, nên gọi là nhà. Vì không cẩn thận hộ trì giới luật, xa lìa các việc thiền định, không tu tập trí tuệ, không chứng đắc giải thoát, do không phát sinh việc độ thoát tri kiến, cho nên gọi là nhà. Do ở nơi ấy nên còn có sự yêu thương của cha mẹ, anh em, chị em, vợ con còn luyến tiếc nhà cửa, tài sản, bạn bè, vật hiện có, không biết nhàm chán việc mong cầu tài sản, cho nên gọi là nhà. Người ở nơi nhà này đủ các nạn chăng? Ví như biển cả, các dòng nước đều đổ về đó. Người ở nhà này không biết nhàm chán chăng? Ví như lửa gặp được củi. Người ở nơi này nhiều tạp niệm không dừng nghỉ chăng? Ví như ngọn gió không bao giờ dừng nghỉ, cũng bị chìm đắm như thức ăn ngon lẫn lộn với chất độc, hiện có tất cả khổ chăng! Ví như oán địch tưởng là bạn bè; nên sai lầm biết bao, không phải hành động theo kinh điển của Thánh nhân. Vì tạo việc tranh cãi chăng! Càng đem đến nhân duyên gây không hòa hợp. Vì nhiều tỳ vết chăng? Nên thực hành các điều xấu ác, những nhân duyên không tồn tại vì vậy thường bị người hiềm nghi. Có loài chẳng phải người chăng? Vì luôn bị sự điên đảo. Ví như có việc bất thiện chăng? Tuy là thiện nhưng có sự dối trá, như thấy được hành động nơi bản tánh. Như nghe được lời hay nên mau chóng chuyển đổi, như thầy huyễn thuật giữa chốn đông người làm các việc không thành thật như ở trong mộng, tất cả thành bại đều hiện đầy đủ, như sương buổi sáng mau chóng tan biến. Như giọt mật có ít mùi vị, giống như lưới cỏ tật lê chăng? Sắc thanh, hương, vị, xúc đều gây tổn hại, như trùng ở trong ống đồng do chẳng được niệm lành làm thức ăn. Như người không nghe lời vì thường khinh bỉ nhau, thường ôm lòng lo sợ chăng? Vì tâm ý loạn động. Vì cùng gặp nhiều thứ, do quan huyện, giặc cướp, oan gia, vương giả tệ ác làm hại. Ở nơi nhà này ít được hưởng vị an lạc, do gặp nhiều xấu ác. Này Lý gia! Bồ-tát tại gia nên hiểu những điều xấu ác tại nhà như vậy.
Lại nữa, này Lý gia! Cư sĩ tại gia tu học đạo, dùng bố thí làm vật thí báu. Nếu đã bố thí là ta có, nếu còn ở nhà thì chẳng phải ta có, nếu đã bố thí là báu, nếu còn ở nhà là chẳng phải báu. Nếu đã bố thí là của cải phú quý, nếu còn ở nhà là không có tài sản. Nếu đã bố thí là giải thoát sự mệt mỏi, còn ở nhà là tăng thêm sự mệt mỏi. Nếu đã bố thí là chẳng phải ta, còn ở nhà là còn ta. Nếu đã bố thí là không có, nếu còn ở nhà là có. Nếu đã bố thí là vô tận, nếu còn ở nhà là vô thường. Nếu đã bố thí thì không giữ lấy, nếu còn ở nhà là còn giữ lấy. Nếu đã bố thí là hạnh Hiền Thánh, nếu còn ở nhà là ý phàm phu. Nếu đã bố thí là nương vào đạo giải thoát, nếu còn ở nhà là nương vào đường tà. Nếu đã bố thí là Phật khen ngợi, nếu còn ở nhà là phàm phu khen ngợi. Này Lý gia! Bồ-tát tại gia tu học đạo, dùng bố thí để làm vật báu là như vậy. Do đó, thấy có người đến cầu xin, nên phat sinh ba tưởng. Những gì là ba? Một là tưởng như bạn hữu, hai là tưởng nương vào đạo giải thoát, ba là tưởng cố phát sinh tài sản. Khởi ba tưởng này xong lại tạo ba tưởng khác. Những gì là ba? Khởi tưởng tôn kính Như Lai là bậc giáo giới, khởi tưởng hàng phục tà đạo, khởi tưởng không quên làm phước đức. Vì sao? Nếu Bồ-tát này mà có người đến cầu xin tức là tham lam, sân giận, si mê đã giảm thiểu. Thế nào là giảm thiểu? Đối với tài vật hiện có hoàn toàn không luyến tiếc đem bố thí cho họ, đây là giảm thiểu về tham lam. Nếu có người đến cầu xin tài vật, đem lòng từ bi thương xót họ, đây là giảm thiểu về sân giận. Nếu đem bố thí để làm cho họ hiểu biết đây là giảm thiểu về si mê. Lại nữa, này Lý gia! Đã được người đến xin tài vật thì chẳng bao lâu sẽ thành tựu pháp hành sáu Ba-la-mật. Thành tựu sáu Ba-la-mật là như thế nào? Nếu có người đến xin tùy theo chỗ mong cầu của họ mà bố thí không luyến tiếc, tức là bố thí Ba-la-mật. Nếu tâm ý luôn giữ đạo mà bố thí, tức là trì giới Ba-la-mật. Nếu không sân giận đối với họ, tức là nhẫn nhục Ba-la-mật. Giả sử tự suy nghĩ ăn để làm gì, do đó tâm ý luôn mạnh mẽ, không do dự với việc làm của mình, tức là tinh tấn Bala-mật. Nếu muốn bố thí, hoặc đã bố thí mà không ân hận, không hối tiếc tức là thiền định Ba-la-mật. Nếu đã bố thí mà không mong cầu phước báo, tức là trí tuệ Ba-la-mật. Này Lý gia! Bồ-tát tại gia bố thí thành tựu sáu Ba-la-mật là như vậy đấy.
Lại nữa, này Lý gia! Do xả bỏ những gì luôn đi theo quấy nhiễu, mà quán tưởng pháp biệt ly. Nếu có được tài sản, lúa gạo, con cái v.v… cũng không lấy làm vui thích. Nếu như tất cả đều tiêu mất thì cũng không vì vậy mà để tâm lo buồn. Nên quan sát như vầy: Vạn vật đều như huyễn hóa vì không dừng nghỉ. Sự vận hành như huyễn hóa này là do cha mẹ, vợ con, tôi tớ, bạn bè đều chẳng phải phụ thuộc vào ta, ta cũng chẳng phụ thuộc vào họ. Ta đã không có, thì cái thuộc về ta cũng không có. Nếu ta vốn không có vì sao nay lại vì những người kia mà tạo các tội ác trong hiện tại cũng như vị lai? Nếu là có chẳng phải ta đang giữ lấy? Vả lại, nếu những gì thuộc về ta thì ta nên giữ lấy. Những gì là thuộc về ta? Đó là sự giáo hóa bố thí, sống đạm bạc, tự mình giữ gìn nguồn gốc của đạo, cũng thầm kín tạo lập bản nguyện công đức, đó chính là những sở hữu của ta nên giữ lấy. Cho nên đến cả nơi ở của ta, vì theo đuổi ta nên họ cũng bất chấp thân mạng, chẳng phải vì vợ con thê thiếp mà tạo ác nghiệp ác sao? Do đó hàng cư sĩ tại gia đã có gia đình nên quán tưởng ba điều. Những gì là ba? Tưởng vô thường, tưởng không tồn tại, tưởng biệt ly. Tưởng ba điều này rồi, nên tạo lập ba tưởng khác. Những gì là ba? Nếu đời hiện tại vui sướng vì mong cầu hỷ lạc thì đời sau chịu tai ương. Nếu được ăn uống no đủ thì nghĩ có gây tạo tội lỗi hay không? Nếu hiện tại an vui thì nghĩ sẽ đau khổ. Tạo khởi ba tưởng này rồi, lại tạo ba tưởng nữa. Những gì là ba? Tưởng mệt mỏi, tưởng hao tổn, tưởng sở hữu thế gian. Lại tạo ba tưởng nữa. Những gì là ba? Tưởng là quỷ ly mị, tưởng cửu chú (?) tưởng sắc tượng. Lại tạo ba tưởng khác. Những gì là ba? Tưởng chẳng phải ta, tưởng không chủ thể, tưởng giả tạm, nên tạo ba tưởng như vậy. Lý gia suy nghĩ: Nếu tưởng các việc này, Bồ-tát tại gia nên tự quán tưởng vợ con mình như thế, do đó nên không luyến ái con cái, không sinh con cái thì không thêm người trong thiên hạ. Vì vậy nên dùng ba lần can gián để tự can gián mình. Những gì là ba? Chú ý hành đạo, không để tâm tà vạy. Hành động chân chánh là đạo, không để hành động sai lệch. Chuyên nhất là đạo, không chuyên nhất là chẳng phải đạo. Tự mình can gián tâm ý mình ba lần như vậy. Khởi tưởng vợ con là oán thù, oán thù của ta chẳng phải là bạn của ta. Vì sao? Vì ta làm trái với lời răn dạy từ bi của Đức Phật, khiến cho ta càng sinh thêm luyến ái họ, tự nghiêm khắc lòng mình, theo như sự luyến ái con cái mình để thêm sự luyến ái chúng sinh. Nếu đem lòng luyến ái thân mình, thì đem lòng từ bi thương xót chúng sinh. Do đó nên quán tưởng nguồn gốc của chính mình, họ từ chỗ khác đến, ta cũng từ chỗ khác đến, chúng sinh đời trước cũng từng là con của ta, ta cũng từng là con của chúng sinh, đó là tội lỗi của sinh tử, không có người thân sơ. Vì sao? Trong nẻo luân hồi thường có sự ly cách, biến đổi trở thành oán thù. Vì sao như vậy? Vì do kết tạo bạn bè, lại còn muốn gây tạo nhiều oán thù đều do lòng tham lam độc ác. Tất cả chúng sinh chẳng phải ta, tâm ý của ông không thể hiểu được. Nếu tâm muốn hiểu như vậy, cần phải thông hiểu các kinh pháp. Vì sao vậy? Vì chánh hạnh tức được chánh đạo. Tà hạnh tức tà đạo. Nay ta không có tà hạnh nên đối với chúng sinh có tâm chánh hạnh mới có thể thương xót được tất cả chúng sinh.
Này lý gia! Bồ-tát tại gia đối với tài vật đều không nên luyến tiếc, không hâm mộ, không nên ưa thích, không tham ái, đối với tài vật đều làm như thế. Lại nữa, này Lý gia! Cư sĩ tại gia giả sử có người đến cầu xin tài vật, vì không muốn cho người ấy tài vật, lại còn tự can gián tâm ý mình, làm cho ta không thể đem tài vật cho người, rồi ta cũng sẽ cách ly tài vật ấy, hoặc muốn hay không muốn thì cho đến lúc chết, vật kia cũng sẽ rời bỏ ta, ta cũng từ bỏ vật ấy để ra đi. Ta mà bố thí vật ấy thì khi chết tâm dứt bỏ tất cả. Giả sử suy nghĩ như vậy mà cũng không thể bố thí vật dụng cho người kia, nên dùng bốn lời từ tạ với người đến cầu xin. Những gì là bốn? Ta vì không có năng lực, các công đức chưa thành tựu. Ta ở trong đạo lớn vì mới ban đầu, muốn phát tâm bố thí nhưng không làm được. Ta có nhận thức về những hành động nơi ta, những việc làm của ta chỉ làm theo hạnh của Hiền Thánh, không nên cưỡng ép. Ta sở dĩ thi hành việc bố thí đều vì hành theo các vị ấy. Như vậy mới có thể làm mãn nguyện những gì người đã nhận. Như mọi người đã từ tạ mà tư tạ người đến cầu xin kia, Bồtát tại gia nên làm như vậy.
Lại nữa, này Lý gia! Cư sĩ tại gia tu học đạo, giả sử vì phải xa thầy giáo huấn, gặp thời không có Phật, không thấy kinh pháp, không cùng Hiền Thánh gặp gỡ, nếu như vậy nên đảnh lễ chư Phật trong mười phương, cũng đối với chư Phật đời trước để cầu đạo tu hành, chí nguyện rộng lớn, nguyện cho tất cả chúng sinh thành tựu công đức pháp Phật, do tự niệm như vậy nên được vui vẻ. Trong suốt ba ngày ba đêm đọc tụng ba bộ kinh pháp, tất cả các việc làm xấu ác đời trước đều đem sám hối, sửa đổi tu tập, mong cầu lòng thương xót ở nơi chư Phật, lại dùng giáo pháp thương xót chúng sinh, cũng dùng giáo pháp thương xót chúng sinh, cũng dùng vô lượng vô số giáo pháp thương tưởng chúng sinh. Lại nữa, này Lý gia! Cư sĩ tại gia tu học đạo, nên hiểu rõ phương thức dứt tâm, nếu thấy có Tỳ-kheo siêu vượt phương pháp dứt tâm thì nên cung kính cúng dường pháp y, nên biết Tỳ-kheo ấy là người thừa hành pháp phục giới định tuệ của Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Chân. Do không làm ác, xa lìa các điều ác, người ấy là tiêu biểu trong hàng thánh tiên. Vì vậy phải nên cung kính người ấy, cũng nên tăng thêm lòng thương tưởng đối với người ấy. Người ấy chẳng trái với phạm hạnh của Hiền Thánh. Cho đến việc mặc pháp phục, gọi đây là tịch tĩnh, là điều thuận, là thần thông, là Như Lai, phương thức tiêu biểu không trái với hạnh điều thuận. Như Lai lại dạy: Kẻ chưa học đạo không nên khi dể họ, không nên phân biệt để mắc lỗi lầm. Do từ chỗ mắc lỗi này mà làm mất bản tâm. Nếu những người kia cũng thấy được những điều chính yếu trong giáo pháp của Phật, thì như chỗ gọi là sự việc có ứng hợp, thứ tự. Nếu người này giảm bớt những lao nhọc, quán sát tận nguồn gốc của mình để có được một công đức, tất phải dùng tri kiến chân chánh để đoạn dứt mọi thứ phiền não. Đức Như Lai gọi họ là bậc Đại sĩ, không thể xem thường họ, chẳng phải lúc Như Lai có nên biết chẳng phải ta có, tri kiến ấy là do không sân, không giận, không sợ làm tăng trưởng. Hoặc cho người ấy vào miếu, hoặc để ở bên ngoài miếu, đem năm vóc đảnh lễ xong mới được bước vào. Người ấy ở miếu của Không, người ấy ở nơi miếu của từ bi hỷ xả, người ấy ở vào chốn chân chánh tự tại. Vì người ấy được như vậy khiến ta làm miếu ở. Nếu đem nhà cửa, địa vị, quan chức bỏ đi thật xa, thì người ấy sẽ được như vậy. Ta vì cứu giúp kẻ phạm tội giới, mới chế ra giới cấm như vậy, cũng vì để cho người có tâm xuất gia tu học. Chưa từng có Bồ-tát tại gia nào được đạo đều từ bỏ gia đình vào núi sâu tu tập mà được đạo, trở lại chê trách người tại gia, khen ngợi người xuất gia. Như cát sông Hằng, mỗi ngày ta đều đến đó tế lễ, tất cả vật bố thí kia đem cho người có tâm xuất gia làm thù thắng. Vì sao? Những vật này không phải bố thí cho những kẻ thấp kém huống gì là bố thí cho những người không có tín tâm hay chẳng biết ơn, hoặc giặc cướp, vương giả để cầu phước báo. Điều ấy cũng đủ cho ta hành trì giới cấm. Do đó, người vào miếu nên quán sát tất cả mọi hành động việc làm của chúng Tỳ-kheo. Thế nào là Tỳ-kheo đa văn? Thế nào là Tỳ-kheo hiểu rõ kinh pháp? Làm thế nào là người phụng trì giới luật? Làm sao để khiến người phụng trì? Bồ-tát giữ gìn tạng pháp như thế nào? Vào núi sâu tu học như thế nào? Thực hành thọ sự cúng dường như thế nào? Tư duy như thế nào? Hành đạo như thế nào? Làm sao để đạt Bồ-tát? Làm sao để được trợ giúp? Làm thế nào để làm chủ mọi việc? Nên quán sát tất cả mọi hành động việc làm của chúng Tỳ-kheo. Như những hành động của họ để tùy theo khả năng của mình mà thi hành, không nên ganh ghét nhau. Nếu ở nơi làng vắng mà nói có miếu, hoặc ở nơi miếu mà nói có làng vắng, thì phải nên cẩn thận giữ gìn lời nói và hành động của mình. Không nên đem lời lẽ trong miếu nói ở làng xóm, cũng không nên đem lời lẽ làng xóm nói ở trong miếu. Do đó người thừa hành việc học rộng nghe nhiều nên sửa đổi tu tập sự nghe. Người phụng hành thông hiểu kinh pháp là phải giải thích rõ nghĩa lý của kinh điển. Người hành trì giới luật là giải thoát khỏi việc gây tạo tội lỗi. Người thừa sự việc phụng trì tạng pháp là làm rõ phương tiện thực hành sáu pháp Ba-la-mật. Nếu có Tỳ-kheo nào thiếu bình bát, hoặc thiếu pháp y thì phải nên bố thí cho vị ấy, đừng làm cho người khác sinh tâm ganh ghét. Vì sao? Vì nếu để người sinh tâm ganh ghét là gây oán kết, cho nên phải ủng hộ họ, bởi họ là phàm nhân, chứ chẳng phải là bậc La-hán. Vì sao? Vì phàm phu còn hữu lậu, La-hán thì đã dứt hết lậu hoặc. Nếu có Tỳkheo chưa chứng đạo, hoặc tích chứa pháp y, hoặc tích chứa bình bát, thì nên dùng đạo Chánh chân vô thượng chỉ bày hướng dẫn cho họ. Vì sao? Vì việc làm ấy có ứng hợp. Nếu vì đạt đến đạo quả mà tích chứa vật dụng khiến cho thiền định giảm sút, thì phải nên hòa giải. Nếu lúc chánh pháp sắp diệt mất, thì dù có nguy hại đến thân mạng mình vẫn bảo vệ hộ trì chánh pháp. Nếu thấy Ty-kheo bị bệnh khổ hành hạ, nên dùng máu thịt của mình để chữa trị cho vị ấy, khiến được thoát khỏi bệnh khổ.
Lại nữa, này Lý gia! Nếu mình không bố thí, không nên ngăn cấm người khác bố thí, hoặc có bố thí thì hoàn toàn không hối tiếc, như vậy mới có được nguồn gốc công đức, lấy đạo tâm chánh chân làm đầu. Này Lý gia! Đây là những việc làm, những phẩm loại, những thích ứng mà hàng Bồ-tát tại gia tu học đạo nên làm như vậy.
Khi Đức Như Lai thuyết giảng pháp môn dạy bảo những hành
động thiết thực của hàng Bồ-tát tại gia, thì có một ngàn người phát tâm cầu đạo Chánh chân vô thượng. Lại có hai ngàn hàng trời, người xa lìa trần cấu, chứng đắc pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, Lý gia Thậm bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã diễn bày rộng rãi quả thiện hoặc ác cho hàng Bồ-tát tại gia và cư sĩ, cũng như sáu pháp: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đối với đạo lớn phải nên thực hành. Bạch Thế Tôn! Còn những hành động thiết thực của hàng Bồtát xuất gia, những hạnh nguyện vi tế hiện bày công đức thiện, xin Thế Tôn giảng nói cho con rõ. Hàng Bồ-tát xuất gia phải làm những gì? Hành động thiết thực của họ phải như thế nào?
Đức Thế Tôn bảo Lý gia Thậm:
–Lành thay! Này Lý gia! Hôm nay ông hỏi Như Lai về những hành động thiết thực của Bồ-tát xuất gia tu học đạo. Lành thay! Này Lý gia! Ta sẽ giảng nói cho ông về những việc làm của hàng Bồ-tát xuất gia và những hành động của họ. Ông hãy cố gắng và khéo tư duy về điều này.
Lý gia Thậm ghi nhận lời dạy và theo Đức Thế Tôn nghe pháp.
Đức Phật bảo:
–Này Lý gia! Bồ-tát xuất gia tu học đạo, ví như ngọn lửa cháy trên đầu, như mặc áo giáp tinh tấn để mong cầu trí tuệ, đó là việc làm ban đầu của người xuất gia. Thứ đến là tu học kinh điển Hiền Thánh. Thế nao gọi là người xuất gia học kinh điển Hiền Thánh? Nghĩa là có được một bộ y là đủ, cũng cho là tốt rồi, ngày ăn một bữa, ngủ một giường, đau ốm dùng một loại thuốc là đủ, cũng cho là tốt rồi, đó là kinh điển Hiền Thánh. Vì sao gọi là kinh điển Hiền Thánh? Vì tu tập tất cả các phẩm pháp trợ đạo nên gọi là kinh điển Hiền Thánh.
Lại nữa, Bồ-tát xuất gia tu học đạo là có công đức của mười hạnh biết đủ nên thân mặc pháp y. Những gì là mười? Do hổ thẹn nên thân mặc pháp y. Vì tránh gió nóng nên thân mặc pháp y. Vì tránh ruồi muỗi, ễnh ương nên thân mặc pháp y. Vì muốn thấy được trạng thái của thiền định nên thân mặc pháp y. Cũng vì năng lực của pháp y là năng lực trong mười phương, nên thân dùng pháp y. Vì xa lìa dục lạc, vì không ưa thích dục lạc, vì muốn an ổn, được thanh tịnh, vì đoạn trừ những thú vui đưa đến đau khổ, không vì sự đầy đủ tốt đẹp mà chỉ vì hành đạo, gánh vác trách nhiệm của đạo Hiền Thánh. Ta cũng vì vậy mà tự tu tập. Do đó, một khi có được pháp y, mặc được pháp y phải nên tu mười công đức này, tự mình quan sát tu tập cho đến trọn đời. Ở chốn nhàn tịnh, không cầu xin. Những gì là mười? Ta tự mình tạo nghiệp vì nuôi thân, không vì đạo nghiệp khác. Nếu có người đến bố thí cho ta, trước hết phải quy y ba ngôi Tam bảo, sau đó mới thọ nhận vật họ bố thí cho mình. Tự ta muốn theo người khất thực chứ không muốn sự bố thí của người. Vì lòng từ bi thương xót người ấy, ta nên thọ sự ăn uống theo chỗ tu hành của mình, để không trái với lời dạy của Đức Như Lai, nhằm để thành tựu hạnh căn bản biết đủ, để không hàng phục tâm kiêu mạn, thành tựu bản nguyện công đức của bậc Vô đảnh kiến. Ta cũng nên bố thí, cũng tự mình giáo hóa. Nếu có đi khất thực, ta cũng không được theo sở thích đối với nam hay nữ, mà dùng tâm bình đẳng đối với tất cả mọi người, để thành tựu trách nhiệm đem trí tuệ sáng suốt đến cho chúng sinh. Đó là mười công đức mà Bồ-tát xuất gia phải tự mình quan sát đến trọn đời. Ở chốn nhàn tịnh, không cầu xin. Nếu có người đến mời thỉnh về trú xứ của họ, vì người ấy hết lòng tin tưởng nơi đạo, ta cũng không nên đến chỗ ấy. Giả sử có người đến thỉnh thọ trai, nếu tự mình được lợi ích, cũng tạo lợi ích cho người, thì đến thọ thí. Ta dạy bảo Bồ-tát có thể thực hành như vậy. Lại có mười công đức tự mình quán sát tu tập có thể đến nơi gốc cây tọa thiền, nghỉ qua đêm. Những gì là mười? Nơi ấy tự mình tự do đi lại, nơi ấy không có tên gọi giường nằm, nơi ay không cần đóng cửa, thường ở nơi hang núi, xa lìa sự ưa thích chỗ ở, ít ham muốn, ít tạo tác vì thành tựu công đức, dù tổn hại đến thân mạng cũng không hối tiếc, ưa thích chốn tịch tĩnh, xa lìa nơi đông đúc để thực hành việc tu thân, dùng thiền định làm tâm thanh tịnh, ở chỗ nhàn tịnh tư duy về điều không có lợi ích. Này Lý gia! Đó là mười công đức mà Bồ-tát xuất gia có thể thực hành khi trú nơi gốc cây.
Lại nữa, này Lý gia! Hoặc có Bồ-tát xuất gia tu học đạo, vào nơi núi sâu, hoặc muốn thọ trì kinh pháp, hoặc muốn thông hiểu kinh pháp, cho nên vào nơi miếu. Nếu vào nơi miếu, tâm ý luôn hướng về rừng núi mà coi là mình đang ở rừng núi để thọ trì kinh pháp. Hành giả, đối với tất cả vật không có tưởng về ta, với tất cả các pháp có tưởng bố thí cho người.
Lại nữa, nếu Bồ-tát xuất gia tu học đạo, nếu vào ở nơi núi sâu, nên tự mình quán sát: ta nay vì sao lại ở trong núi này? Không những chỉ có người vào núi sâu, mới gọi là dứt tâm. Vì sao? Vì nơi ấy còn có nhiều hạng người không tu tập, không hộ trì, không giải thoát, không tu hành đều vào ở trong núi chẳng hạn, hoặc các loài cầm thú, chim chóc, khỉ vượn, giặc cướp, kẻ ác, thảy đều vào ở trong núi sâu, cũng không thể gọi họ là người thiền định. Cho đến việc mong muốn vào ở trong núi sâu của ta cũng vì thành tựu đạt được thiền định mà ta cầu mong. Lại nữa, vì sao Bồ-tát phải thiền định? Nghĩa là làm cho tâm không rối loạn, giữ tâm được như vậy mới nắm giữ mọi việc một cách viên mãn. Do đa văn không biết nhàm đủ, thành tựu biện tài, dùng tâm từ, không giam tâm đại bi, không lìa xa năm thần thông, hưng khởi sáu pháp Ba-la-mật, thương kính tất cả chúng sinh ý không lựa chọn, thường hành trí tuệ quyền xảo, bố thí giáo pháp để quy tụ mọi người, thành tựu bốn việc hòa hợp mọi người, không chọn lấy hay xả bỏ mà luôn luôn tư niệm, tinh tấn đa văn không tổn giảm. Phân biệt nguồn gốc các pháp là nhân duyên của đạo giải thoát chân chánh. Trí tuệ cũng không vào được đạo chân chánh. Vì hộ trì chánh pháp nên nhờ vào lòng tin tội phước làm chánh kiến; suy nghĩ về việc làm cần đoạn đứt làm chánh tư duy; tùy theo sự vui thích mà thuyết pháp làm chánh ngữ, tùy vào hành động, dừng chỗ biết đủ làm chánh nghiệp, phai loại trừ bệnh tật làm chánh mạng; nhằm đạt đến đạo làm chánh phương tiện, thường không quên mất làm chánh niệm; đạt đến trí thông suốt tất cả làm chánh định; hoặc dùng pháp không làm nẻo hành vào vô tưởng; hoặc đắc vô nguyện làm phương tiện đoạn tục; nương vào nghĩa lý, không nương văn tự; nương vào giáo pháp, không dựa vào người; nương vào trí tuệ, không theo sự nhận thức; nương vào nghĩa lý căn bản chứ không dùng nghĩa sơ sài. Này Lý gia! Đây là những điều muốn tu tập dứt tâm loạn động của Bồ-tát xuất gia.
Lại nữa, người xuất gia tu đạo, không nên làm nhiều việc. Nếu tư duy điều này tận nguồn gốc của nó mới biết việc của tất cả chúng sinh không cùng với việc làm của mình. Bậc sáng suốt không chỉ cho hạng người không việc làm. Lại có bốn việc làm mà người xuất gia phải làm theo lời dạy bảo của Như Lai. Những gì là bốn? Một là phục vụ giảng thuyết kinh pháp. Hai là phục vụ thành tựu chúng sinh. Ba là phục vụ cúng dường Như Lai. Bốn là tùy thuận phát khởi trí thông suốt tất cả, tâm ý không tán loạn. Ngoài những việc trên đây thì không nên làm những việc khác.
Lại nữa, Bồ-tát xuất gia tu học đạo, nếu vào nơi núi sâu, nên tự quan sát: Ta vì sao mà đến nơi này? Người ấy tư duy như vầy: Ta vì sợ hãi mà đến nơi này. Sợ những gì? Sợ chốn đông người; sợ cùng với người đời làm những việc tham dục, sân giận, si mê, kiêu căng, tự mãn; sợ giao du bạn ác, sợ ganh ghét; sợ sắc, thanh, hương, vị, xúc; sợ những danh dự lợi dưỡng; sợ sự cung kính cúng dường; sợ điều không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không biết nói biết, không hiểu nói hiểu; sợ sự cấu nhiễm khi dứt tâm; sợ càng ganh ghét nhau; sợ bị đọa lạc trong năm đường luân hồi sinh tử; sợ rơi vào ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới; sợ sai lạc trong năm ấm, trong sinh tử khổ nhọc và trong cõi trời; sợ vào đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; lo sợ hoảng hốt với tất cả các niệm xấu ác; Ta đến nơi đây không thể coi đây là nhà. Nếu ở chốn đông người, làm các việc không thích ứng với đạo, thì cũng không thoát khỏi những nỗi lo sợ kia. Hoặc trước kia Bồtát đã thoát khỏi mọi lo sợ ấy là nhờ vào năng lực đã ở nơi núi sâu, chứng đắc sự vô úy. Lại nữa, tất cả mọi nỗi lo sợ là do từ thân sinh ra, do mến mộ thân, do tu sửa thân, vì là thân, vì thương yêu thân, làm mạnh mẽ thân, tư duy về thân, vì thấy thân nên an ổn cho thân, vì tưởng về thân, nên ủng hộ thân cho sự sống vậy. Giả sử vào trong núi là tâm ý đối với thân: ý mến mộ thân nên tu thân, là thân nên thương yêu thân, tư duy về thân nên thấy thân, an ổn về thân nên tưởng về thân, có thân nên ủng hộ thân. Quán tưởng thân ta là không, thì làm gì có ở chốn núi sâu nữa? Lại nữa, người vào ở trong núi sâu, chuyên vì quán tưởng không có thân, không tưởng việc khác. Người vào núi sâu không tu tập luận nghĩa, không thấy được tự thân thì không còn điên đảo, không còn tưởng vô vi thì làm sao có tưởng có. Lại người nào vào chốn núi sâu, được gọi là: Tất cả các pháp vắng lăng, tịch tĩnh; không còn chấp trước đối với các pháp; không còn vướng mắc với các dục lạc; không thọ nhận các tưởng; không sai lầm đối với các sắc, thanh, hương, vị, xúc; không lệ thuộc vào các định, tự điều hòa tâm ý không rối loạn; vứt bỏ gánh vác đáng sợ; vượt qua sông rộng lớn mênh mông để tạo dựng kinh điển của Hiền Thánh; mọi thứ xấu ác thảy đều biết rõ; luôn ý thức ít muốn, dùng trí tuệ biết đủ; vì biết đủ, vì ý thức về ít muốn để thích ứng, hiểu rõ gốc ngọn các hành nghiệp; vì tất cả những sự việc tạo tội địa ngục đã vĩnh viễn được đoạn trừ. Này Lý gia! Ví như trong núi sâu có cây cối, loài cỏ xấu đều không lo không sợ. Như vậy, này Lý gia! Bồ-tát vào trong núi sâu phải giữ gìn tâm giống như cây cỏ tường đá thì có gì phải sợ.
Người ấy sợ ai? Người ấy sợ tư duy nguồn gốc của thân, ta hoàn toàn không có thân, chẳng phải người, chẳng phải mạng sống, chẳng phải trượng phu, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải trước đây không có sinh, không có bảo sinh ra, không có lớn lên, không có trưởng thành, những nỗi lo sợ ấy chỉ vì do khởi tưởng thân là chân thật, nên có lo sợ. Nay ta không nên sinh tưởng chân thật, tạo sự lo sợ nữa. Nếu không sinh tưởng như vậy thì đối với cây cối, các thư cỏ dại cũng làm như thế, sẽ không ảnh hưởng đến sự giải thoát, tất cả các pháp đều có thể thực hành đầy đủ. Nhờ ở trong núi sâu, đoạn dứt mọi ảnh hưởng bên ngoài, xa lìa tham dục cấu trần, ở trong núi sâu quán tưởng chẳng phải ta, chẳng có vật. Lại ở trong núi sâu, tư duy thông đạt các pháp phẩm trợ đạo, quán sự vận hành của mười hai nhân duyên, hiểu rõ pháp bốn đế, biết tường tận các ấm, dùng pháp quán chế ngự các căn, xa lìa các nhập không quên mất đạo tâm, được chư Phật khen ngợi, Hiền Thánh xưng tán, giải thoát mọi việc thế gian. Người vào núi sâu tu tập để thấu hiểu phương tiện quyền xảo của trí thông suốt tất cả. Người vào núi tu tập không lâu sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật. Thế nào là Ba-la-mật mà người vào núi sâu tu tập? Không luyến tiếc thân mạng là bố thí Ba-la-mật. Dựa vào sự thanh tịnh để thành tựu ba nghiệp, là trì giới Ba-la-mật. Tâm ý không loạn động, lại có thể vì đạt trí thông suốt tất cả mà không hành đạo khác, là nhẫn nhục Ba-la-mật. Cho đến lúc chưa chứng pháp Nhẫn thì hoàn toàn không sinh tâm chán nản là tinh tấn Ba-la-mật. Hoặc để được nhất tam mà không nhờ vào trí đạt được, chỉ nhờ vào nguồn gốc công đức mạnh mẽ, là thiền định Ba-la-mật. Thân ở núi sâu tu học đạo để hiểu rõ mọi sự việc, là trí tuệ Ba-la-mật. Đó là Bồ-tát đã chứng đắc đạo.
Lại nữa, này Lý gia! Có bốn pháp cần phải tu tập, Ta dùng để chỉ dạy cho hàng Bồ-tát xuất gia vào núi sâu tu học. Những gì là bốn? Nếu có Bồ-tát đa văn, thông hiểu các pháp hoặc dùng sự hiểu biết của mình để tu tập, đi vào tận nguồn gốc các pháp, có thể vào trong núi sâu tu tập. Lại Bồ-tát do chứng được năm thần thông, muốn thành tựu năm thông cho hàng trời, rồng, quỷ thần, nên có thể vào trong núi sâu tu tập. Lại có Bồ-tát tu tập phải chịu đựng nhiều khổ nhọc, vì không muốn tạo nhiều lao khổ, liền muốn diệt trừ, có thể vào trong núi sâu tu tập, cũng muốn chế ngự các khổ nên tự mình chuyên cần gắng sức. Lại có Bồ-tát nhờ học rộng, vào trong núi sâu tu tập mong chứng đắc pháp thanh tịnh viên mãn tất cả, sau đó trở vào thôn xóm, quận huyện, thành ấp để giảng thuyết truyền dạy cho tất cả mọi người cũng được tu tập theo pháp. Như vậy, này Lý gia! Ta giảng dạy pháp tu cho Bồ-tát xuất gia vào núi sâu tu tập.
Lại nữa, nếu có Bồ-tát xuất gia tu đạo, vào ở núi sâu tu tập, nên thọ trì, đọc tụng kinh pháp, hoặc vào chỗ đông người, nên giữ thái độ cung kính, khiêm tốn. Đối với thầy tổ, bạn bè, giáo thọ, bậc Trưởng lão, hay người trẻ tuổi đều nên tôn kính họ. Không nên biếng nhác, phải tự tu tập, không bỏ bê sự tu tập, cũng không mong cầu được cung kính. Nên quan sát như vậy, sẽ được Đức Như Lai Ứng Nghi Chánh Chân làm cho các Phạm thiên, Đế thích, hàng trời, người và tất cả chúng sinh đều đến cúng dường, sẽ thành ruộng phước của bậc tôn quý trong hàng trời người. Vị ấy không mong cầu người khác phụng sự, tự mình làm việc không muốn phiền người khác. Hơn nữa, chưa trở thành bậc tôn quý mà trở lại muốn người khác phụng sự chăng? Lại nữa, ta nên vì mọi người mà cúng dường, ta nên cúng dường mọi người, chứ chẳng nên theo mọi người cầu xin cúng dường. Vì sao? Vì sự cúng dường rất quan trọng. Này Lý gia! Tỳ-kheo không nên đem pháp khuyến khích việc cúng dường, vì khuyến khích việc cúng dường chẳng đúng pháp. Nên dùng pháp để khuyến khích người tu học, làm được như vậy tức là cúng dường. Vì thế đó chính là việc khuyến khích cúng dường đúng như pháp. Nếu người ấy vì tự hủy hoại mình, làm mất lòng tin chân chánh để có sự cúng dường, thì người ấy giống với vật hỗn tạp ơ thế gian, chẳng phải là bậc đại nhân. Do vậy nếu muốn đến chỗ Phật nghe pháp, kết làm thầy bạn, thì thân, ý và hành động phải quyết chắc mới có thể đến được. Lời giảng dạy của ta là thầy bạn, dùng giáo pháp ngoại đạo để thực hành thì không thể hơn được, bởi không thể thưa hỏi, đọc tụng, khởi tâm tu tập. Vì vậy muốn đọc tụng kinh pháp, phải bất chấp thân mạng, ưa thích pháp, tùy thuận ý thầy, để mong cầu lợi ích nơi pháp, chẳng phải vì mong cầu được lợi của sự cung kính khen ngợi. Nếu được theo thầy lãnh hội bốn câu kệ để đọc tụng, thì nên đem sáu pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tư duy, trí tuệ để cúng dường cho thầy. Như sự tu tập của người ấy, dùng số chữ của bốn câu kệ làm số kiếp để cúng dường cho thầy, còn chưa đủ để bày tỏ sự cung kính thầy. Lại thường đem lời chất trực, không dối trá, không dua nịnh, tất cả mọi người làm việc đều để cúng dường.
Lại nữa, này Lý gia! Điều gọi là cung kính pháp: Nếu có người phát sinh ý niệm, ý niệm có đức hạnh, ý niệm có Phật, có pháp, ý niệm có sự xa lìa tham dục, ý niệm tịch tĩnh, hoặc dùng bốn câu kệ để tu tập, nương theo đó mà thực hành, trải qua số kiếp như vậy để cúng dường thầy mình, vẫn còn chưa phải là cung kính đúng pháp. Này Lý gia! Hãy nên biết việc này. Nếu thực hành pháp này sẽ được phước đức vô số, được trí tuệ vô lượng. Vì vậy Bồ-tát muốn phân biệt hiểu rõ pháp tối thượng, cũng phải trải qua vô số kiếp cung kính chánh pháp. Hoặc người ấy tư duy như vậy: Nếu nghe được bốn tịnh giới. Những gì là bốn việc tịnh giới? Ấy là Bồ-tát xuất gia có bốn việc tịnh giới: Một là tạo lập kinh điển của Hiền Thánh; hai là mến mộ đức hạnh tinh tấn; ba là không cùng với việc làm của cư sĩ tại gia; bốn là không hùa theo việc vào núi sâu. Đó là bốn việc tịnh giới của người xuất gia. Lại có bốn việc tịnh giới. Những gì là bốn? Cẩn thận giữ gìn thân, thân không bị trở ngại; cẩn thận giữ gìn lời nói, lời nói không bị trở ngại; cẩn thận hộ trì tâm, tâm không bị trở ngại; xa lìa tâm nghi ngờ tà vạy, phát sinh tâm ý thông suốt tất cả. Đó là bốn việc tịnh giới của người xuất gia. Lại có bốn việc tịnh giới. Những gì làm bốn? Một là mình tự nhận thức, hiểu biết; hai là không cao ngạo, kiêu mạn; ba la không giống hình tướng người đời; bốn là không huỷ báng người. Đó là bốn việc tịnh giới của Bồ-tát xuất gia. Lại có bốn việc tịnh giới. Những gì là bốn? Một là cho rằng các ấm là pháp huyễn hóa; hai là cho rằng các tình là hữu tình; ba là cho rằng các nhập là rỗng không; bốn là không theo nghi thức phương pháp của thế tục. Đó là bốn việc tịnh giới của Bồ-tát xuất gia. Lại có bốn việc tịnh giới. Những gì là bốn? Một là không chấp ngã; hai là xa lìa hữu ngã; ba là diệt trừ kiến chấp: đoạn chấp thường; bốn là rõ pháp nhân duyên. Đó là bốn việc tịnh giới của Bồ-tát xuất gia. Lại có bốn việc tịnh giới. Những gì là bốn? Một là hiểu pháp không, hai là không sợ cõi Vô tưởng, ba là thương xót chúng sinh, bốn là cho rằng chẳng có thân. Đó là bốn tịnh giới của Bồtát xuất gia. Lại nữa, hoặc người ấy thường nghe về thiền định thanh tinh, nên quán sát như vầy: Sao gọi là định thanh tịnh? Vì thông hiểu tất cả các pháp, tâm không hành việc khác, ý có sự quyết đoán, luôn nhất tâm, ý không sai lầm, ý không qua lại, không giong ruổi, thân trụ ý dừng, không theo đuổi các dục tình. Thường quán pháp như huyễn, quán ngã cũng như huyễn, các pháp hữu tình cũng như vậy. Lại do không hành nên không thể tồn tại, đã thực hành chân chánh, nên gọi là chánh định. Hoặc pháp tồn tại như pháp, đây cũng gọi là chánh định. Lại nữa, nên quan sát như vầy: người ấy thường nghe về trí tuệ thanh tịnh. Sao gọi là Trí tuệ thanh tịnh? Trí tuệ phân biệt chọn lựa các pháp, gọi đó là trí tuệ thanh tịnh. Không chấp tướng và thực hành vô tướng, tướng không tạo tác thì không tồn tại, tướng vô vi thì không giong ruổi. Này Lý gia! Nên quán pháp như vậy, đó là việc của hàng Bồ-tát xuất gia.
Khi Đức Phật thuyết giảng kinh này, có năm trăm người phát tâm Chánh chân vô thượng. Bấy giờ, Lý gia Thậm cùng với những vị ấy đồng thanh bạch Phật:
–Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, lời Thế Tôn thật là hoàn hảo, đã nói lên công đức chính yếu và trách nhiệm phải làm của hàng Bồ-tát tại gia, cũng thuyết giảng xong pháp công đức của hàng Bồ-tát xuất gia. Bạch Thế Tôn! Chúng con đã hiểu rõ những việc làm xấu ác của người tại gia và những công đức thiện của người xuất gia. Vì vậy, con muốn được theo Thế Tôn lãnh trọn giới pháp xuất gia, để thành tựu đức hạnh của Tỳ-kheo.
Đức Phật bảo các Lý gia:
–Lý gia các ông! Vấn đề xuất gia là rất khó. Nếu xét rõ được công đức thuần thiện mới có thể phụng hành hộ trì giáo pháp.
Các Lý gia bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Việc xuất gia tuy rất khó nhưng Như Lai hãy cho chúng con xuất gia hành đạo.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền cho Bồ-tát Từ Thị và tất cả Bồ-tát
thực hành đức hạnh thanh tịnh, các Lý gia của Bồ-tát Từ Thị có hai trăm vị, các Lý gia của các Bồ-tát hành đức hạnh thanh tịnh có ba trăm vị, đều được xuất gia tu học đạo.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan hỏi Lý gia Thậm:
–Vì sao ông ở tại nhà mà có thể thích pháp Hiền Thánh của người xuất gia?
Lý gia Thậm thưa với Tôn giả A-nan:
–Bởi vì tôi không ham thích dục lạc của thân mình, chỉ muốn đem đến niềm vui cho chúng sinh nên tôi ở gia đình. Hơn nữa, chỉ có Đức Như Lai mới có thể hiểu rõ được tôi. Vì vậy tôi chấp nhận lời dạy của Phật và ở tại gia.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo A-nan:
–Này A-nan! Ông đã thấy Lý gia Thậm không?
–Bạch Thế Tôn con đã thấy Lý gia Thậm.
–Này A-nan! Lý gia Thậm nay trong Hiền kiếp đã thành tựu cho rất nhiều Bồ-tát xuất gia. Mà trong khoảng một trăm kiếp không ai có thể làm được như vậy. Vì sao? Này A-nan! Lại nữa, trong một ngàn người xuất gia tu đạo, không ai có được công đức như vậy, chỉ Lý gia Thậm này mới có được công đức như vậy.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Kinh này đăt tên gì? Và nên phụng hành như thế nào?
Đức Phật bảo:
–Đúng vậy, này A-nan! Kinh này gọi là “Giáo hóa Bồ-tát tại gia và xuất gia nên phụng trì”, cũng gọi là “Giáo hóa đức tánh bên trong nên phụng trì” cũng gọi là “Những điều thưa hỏi của Lý gia Thậm nên phụng trì”. Và nếu người nào được kinh này, sẽ được vien mãn năng lực tinh tấn thù thắng, mọi oai nghi cử chỉ đều tinh tấn thực hành đạo. Vì vậy, A-nan nên biết, người nào muốn phát khởi sự tinh tấn, muốn nỗ lực chuyên cần, muốn tạo lập tất cả công đức và muốn tạo dựng công đức cho mọi người, thì phải nên dùng kinh này, nghe kinh này rồi lãnh hội và thực hành. Ta đem kinh này giao phó cho các ông, các ông hãy đem kinh này ban bố cho mọi người. Vì sao? Vì kinh này là pháp thực hành chân chánh các công đức. Này A-nan! Kinh này là pháp ứng hợp chân chánh.
Khi Đức Thế Tôn giảng nói kinh này xong, Tôn giả A-nan rất hoan hỷ, Lý gia Thậm và hàng trời, người đều tin hiểu lời dạy của Đức Thế Tôn và cùng tư duy về pháp ấy.