KINH PHẠM VÕNG
BỒ TÁT GIỚI YẾU GIẢI
Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Phước Hoàn
LỜI NÓI ĐẦU
Đức Phật nói, Ngài đến cõi Ta Bà này đã tám ngàn lần rồi, chỉ với mục đích duy nhất là KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP Tri Kiến Phật cho chúng sanh. Tri Kiến Phật còn gọi là Phật Tánh, còn gọi là Tâm Địa Giới Pháp sẳn có trong chúng sanh. Đó cũng là Cảnh Giới Chứng Đắc của Chư Phật, lại cũng là chỗ tu hành của các bậc Bồ Tát.
Bên trong Tâm Địa này luôn rổng rang, sáng suốt, vắng lặng, thường hằng, không hình, không tên, vô cùng linh minh. Đức Phật gọi là Chổ “Chơn KHông Diệu Hữu”, là Chổ “Không Hai”.
Đức Phật đã nhắc cho chúng sanh biết rõ rằng họ đang sẳn có “cái không tên” đó (KHAI) và Ngài đã chỉ cho chúng sanh sự Diệu Dụng của cái không tên đó qua tánh Giác Biết Vô Phân Biệt của họ (THỊ). Ngài khuyên chúng sanh nên Nhận Ra (NGỘ) và An Trụ vào (NHẬP) cái Tâm Địa sẳn có của mình để làm chánh nhân tu tập, hướng về Phật Quả Tối Thượng.
Bởi vì Đức Phật chỉ muốn độ cho chúng sanh chứng đắc Phật Quả mà thôi, Ngài không muốn độ chúng sanh chứng quả Tam Thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.
Các hành giả Bồ Tát cần phải thực hành pháp tu Lục Độ Vạn Hạnh, thấy rõ Phật Tánh sẳn có trong tất cả chúng sanh, đó là hạt giống duy nhất có thể thành Phật của muôn loài, rồi phát Đại Bồ Đề Tâm cứu độ họ.
Do vì chúng sanh không nhận ra Tâm Địa Giới Pháp sẳn có của mình. Họ nhận lầm Tâm Thức vọng động, giả tạo rồi bám theo cho là Tâm của mình, nên họ bị trầm luân sanh tử.
Đức Phật Lô Xá Na ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng, Ngài muốn mở bày Pháp Môn Tâm Địa Giới Pháp này cho chúng sanh, khiến cho họ tỉnh giác, quay vào bên trong và nhận ra Tâm Địa Giới Pháp không phân biệt, sẳn có của mình mà không chạy theo Tâm Thức vọng động điên đảo tạo nghiệp nữa.
Nếu ai thọ trì Tâm Địa Giới Pháp này, an trụ trong nó, sống với nó tu hành thì việc thành Phật không khó. Tâm Địa Giới Pháp này chỉ có một mà thôi, nhưng tùy thuận theo nghiệp lực của chúng sanh mà Đức Phật Thích Ca đã phương tiện nói ra thành mười Giới Trọng và bốn mươi tám Giới Khinh để dễ cho chúng sanh gìn giữ, không để cho Tâm Thức vọng động phát khởi. Và khi Tâm Thức lặng thì Phật Tánh liền hiển lộ, hành giả lúc bấy giờ chỉ cần An Trụ vào đó để tiến tu Phật Quả Đức Phật Thích Ca sau khi lảnh thọ Tâm Địa Giới Pháp này từ Đức Phật Lô Xá Na ở Thế Giới Liên Hoa Đài Tạng, Ngài đã đến giảng pháp ở các cõi trời. Và Ngài đã lấy hình ảnh Bảo Tràng Mành Lưới Đế Châu ở cõi Trời Tự Tại Thiên Vương để dụ cho Phẩm Hạnh và Đại Nguyện rộng khắp, tỏa chiếu, trùng trùng duyên khởi của các bậc Bồ Tát, làm nền tảng cho bộ kinh Phạm Võng này. Nếu chúng sanh có trùng trùng nghiệp lực thì hàng Bồ Tát cũng có trùng trùng hạnh nguyện cứu độ không bỏ sót. Đây là một bộ kinh nói về Đại Nguyện lực cứu độ chúng sanh, đó là cái chánh nhân rốt ráo để đạt đến quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà các hành giả Bồ Tát nhất định phải thực hành để tiến tu Phật Quả.
Con, Tỳ Kheo Ni pháp danh Như Thanh, pháp hiệu Phước Hoàn, vâng lời dạy của Hòa Thượng Thích Phước Huệ (HT. Thích Tắc Phước) chùa Phước Huệ Công Đức Tòng Lâm tại Australia, con phụ trách về Trùng tuyên Giới Luật cho Ni Chúng trong mỗi 3 tháng An Cư Kiết Hạ hằng năm tại Trường Hạ Phước Huệ.
Sau khi giảng xong bộ Giới Luật Tỳ Kheo Ni, con tiếp tục trùng tuyên bộ kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới cho Ni Chúng.
Cứ mỗi lần lên lớp, con đều có soạn bài rõ ràng, chú thích mạch lạc, tóm tắt chủ yếu từng giới luật mà Đức Phật nêu ra và phát bài cho mỗi học viên trong lớp để chị em có bài vở trong tay, chủ yếu là để cho Chư Ni dễ nhớ, khó quên, lảnh hội được yếu chỉ của Giới Luật, hầu áp dụng tu hành đúng Chánh Pháp.
Nhờ vậy, sau khi giảng xong bộ kinh, con gom góp những bài đã soạn, sắp xếp thành một quyển, gọi là Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Yếu Giải. Xuyên suốt Mười Giới Trọng và Bốn Mươi Tám Giới Khinh, mỗi giới con đều nêu rõ chủ yếu Đức Phật Chế Giới, cộng với sự chú thích rõ ràng, kèm theo sơ đồ tóm tắt mạch lạc để hành giả có duyên cảm thấy vui học và thích tu.
Ngày nay, khoa học càng phát triển bao nhiêu thì con người càng bận rộn bấy nhiêu. Thời gian hầu như không đủ cho nhu cầu sự sống. Ai cũng vội vàng để ăn, để ngủ, để làm việc…
Mọi hiện tượng vật lý, tâm lý, tin nóng, tin mới, tâm sự, ca nhạc phản ảnh thời đại… đang phơi bày vô cùng hấp dẫn trên mạng xã hội. Hiện trạng vật chất bắt buộc con người luôn vươn tới, làm cho con người khó tránh khỏi bị ảnh hưởng của xã hội.
Đức Phật đã dạy, muốn đạt đạo quả thì phải đi vào con đường Định Huệ, và Ngài đã vẽ ra con đường ấy rất rõ ràng là:
Sơ Thiền – Ly sanh hỷ lạc (Sống hạnh xã ly)
Nhị Thiền – Định sanh hỷ lạc (Giữ tâm an định)
Tam Thiền – Ly hỷ diệu lạc (Xa lìa vui buồn)
Tứ Thiền – Xã niệm thanh tịnh (Không suy luận gì cả).
Người tu sĩ một khi một khi đã dính mắc vào xã hội thì khó có thể đạt được định lực. Mỗi người đều có trong tay một chiếc điện thoại, và cả cái vũ trụ này đều biểu hiện rộng rãi ở trong đó, sức hút của nó vô cùng mãnh liệt khiến cho mọi người lúc nào cũng muốn mở nó ra, rồi lướt vào và bị chìm sâu trong cảnh giới mê hồn đó thì làm gì thực hành được xã ly và lảnh hội được giáo pháp đến nơi, đến chốn.
Vì vậy, quyển sách này ra đời với mục đích là giản lược, yếu giải và kèm theo các sơ đồ, giúp hành giả dễ học, khó quên.
Xin thành kính gởi đến những ai đã một đời thiết tha tu học, thiết tha muốn giải thoát, thiết tha muốn đạt thành Phật Quả giữa thời mạt pháp này.
Xin hồi hướng đến Chánh Pháp thường còn, chúng sanh an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Phước Hoàn
(Như Thanh)