PHẬT THUYẾT NHƯ LAI TRÍ ẤN KINH
Hán dịch: Mất tên người dịch (Khai nguyên phụ lưu Tống Lục).
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành Vương xá, cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo, một ngàn hai trăm năm mươi vị và ba vạn ức Bồ-tát đều đắc Đà-la-ni, trụ nơi Tam-muội Không, Vô tướng, Vô nguyện, không dính mắc vào các pháp môn, đắc Đà-la-ni môn, biết được các căn đầy đủ và không đầy đủ của tất cả chúng sinh và biết tất cả hành của chúng sinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nhập Tam-muội cảnh giới Phật, không màu sắc, không chấp, không hiện rõ, không hình tướng, không hiển bày, không gốc rễ, không biến, không đắc, không ngã, không chủ, không tạo tác, không phải không tạo tác, không đến, không đi, không trụ, không phan duyên, vô vi, chẳng phải vô vi, chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng, không tâm, chẳng tâm hành, chẳng thật, chẳng phải không thật, chẳng tự tại, chẳng gần, chẳng lìa các pháp. Khi nhập Tam-muội ấy không thấy thân của Như Lai và tướng của thân, không thấy tâm và tướng của tâm, không thấy y, không thấy ngồi, không thấy chỗ ngồi, không thấy đi. Như vậy, Tammuội phát sinh những công đức như vậy, đó là cảnh giới Phật.
Tức thời, từ định này, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp cả tam
thiên đại thiên thế giới. Ở thế giới này, ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, các vì sao, các diệu bảo thần châu, các lửa điện ở cung trời, cung Thích cho đến cung Phạm đều không phát sáng. Nhờ năng lực của Như Lai Tam-muội mà ba ngàn thế giới đều nghe được hương thơm vi diệu. Trời Vô hữu dư, nghe được hương thơm trước. Trong tất cả thế giới, những nơi tối tăm, như núi Chước-ca-la, núi Đại Chướcca-la, núi chúa Tu-di và các núi danh tiếng; chúng sinh ở trong ấy, không thấy được hình dạng chính mình, nhờ ánh sáng của Đức Phật chiếu đến làm sáng rực khắp.
Khi ấy, màn lưới bằng bảy báu, bao phủ cả tam thiên đại thiên thế giới ấy lại hiện ra tướng hiếm có. Tất cả thế giới đều mọc lên những loại hoa đẹp đẽ lạ thường. Vườn trúc Ca-lan-đà và núi Kỳ-xàquật thông thành một hôi. Mặt đất bằng phẳng, mọc lên hoa sen ngàn cánh, lớn như bánh xe. Trên mỗi hoa, đều có màn lưới bằng bảy báu, trang nghiêm lọng lẫy, rũ xuống như mây. Cõi nước Makiệt-đề mịn màng như bộ lông chim Ca-lăng-già.
Bấy giờ, các Đức Phật ở hằng sa thế giới phương Đông, bảo hàng vạn a-tăng-kỳ Bồ-tát thuộc hàng Nhất sinh bổ xứ:
–Các ông hãy đến thế giới Ta-bà, cõi nước ấy có Đức Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, sắp vào tất cả cảnh giới Phật, nói Tam-muội tên là Như Lai Trí Ấn. Hiện giờ Phật nhập định này. Nếu có Bồ-tát nghe Tam-muội này, thì hơn hẳn trăm ngàn kiếp thực hành sáu pháp Ba-la-mật, các ông nên đến đó nghe.
Những Bồ-tát này vận dụng thần lực, trong thời gian khoảnh khắc co duỗi cánh tay, đã đến vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thế giới Ta-bà. Các vị đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh Phật bảy vòng, rồi ngồi trên tòa sen. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía, trên, dưới cũng lại như thế.
Lúc đó, ở tam thiên đại thiên thế giới này, có các vị Thanh văn, Duyên giác và những người phát tâm rộng lớn đều cũng đã tập họp đông đủ, đến chỗ Đức Phật, trong vườn trúc. Ở thế giới này, lại có tám mươi ức Bồ-tát, chỉ trong khoảng thời gian một niệm, cũng đều tập họp đến. Bốn bộ chúng ngồi theo thứ lớp. Lại có ba mươi vạn Thanh văn, nương thiền định của Đức Phật cũng đều ở cả trong hội. Trong tam thiên đại thiên thế giới này, Thích Đề-hoàn Nhân, Hộ thế Tứ vương, cho đến trời Đại tự tại, trời Tịnh cư… Tất cả các vua: Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Ca-lầu-la, Tu-hòa-na… cùng vô số quyến thuộc vây quanh đều đã đến nhóm hội, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, theo thứ lớp vào chỗ ngồi. Lúc ấy, ở tam thiên đại thiên thế giới này, những vị đại oai đức, cũng đều đến tập họp, trên đến trời Phạm thế, không trống thiếu chỗ nào.
Bấy giờ, Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, Đại Câu-hy-la, Đại Ca-chiên-diên, Tu-bồ-đề, Bân-nậu-văn-đà-ni Tử, hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Thưa Hiền giả! Hiện nay Như Lai ở đâu? Dùng hình sắc gì để thấy Như Lai? Như Lai buộc niệm, tướng ấy như thế nào?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Thanh văn các vị, có trí tuệ lớn, thành tựu Tam-muội tự tại, các vị hãy dùng sức định, quán sát thân và nơi buộc niệm của Đức Phật, để biết Phật ở đâu?
Các đại Thanh văn liền nhập Tam-muội, quán sát, nhưng không thấy thân và nơi buộc niệm của Đức Phật. Lúc đó, các đại Thanh văn, quán sát khắp cả tam thiên đại thiên thế giới này, nhưng cũng không thấy thân Phật và tướng của thân Phật, các vị mới thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Chúng tôi không thấy thân và nơi buộc niệm của Như Lai.
Nay chúng tôi phải làm thế nào để thấy được thân Phật?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Hãy đợi một tý! Tự các vị sẽ thấy Đức Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất định, cả tam thiên thế giới liền chấn động mạnh. Thân Phật thù thắng đặc biệt, uy nghiêm, sáng chói. Lúc đó, Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tam-muội Như Lai đã nhập ấy, lấy gì làm tướng? Tuệ nhãn của các đại Thanh văn, quán sát đều không thể thấy được. Tam-muội này lấy cảnh giới gì?
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Này Xá-lợi-phất! Tam-muội này là không duyên, không xứ, là cảnh giới Phật thì chẳng phải là chỗ hiểu biết của Thanh văn, Duyên giác. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Cảnh giới của Như Lai là không thể nghĩ bàn, là thần lực của Phật.
Này Xá-lợi-phất! Thân Phật chân thật; chẳng phải thân, chẳng tạo tác; chẳng khởi, chẳng diệt; chẳng cao lớn, chẳng hóa, chẳng tín; là Niết-bàn vô vi, chẳng dấu vết, chẳng đi; không đây, không kia, bản tánh thanh tịnh, không có một pháp, chẳng thọ nhận, chẳng nguyện, chẳng sinh mạng, chẳng báo ứng; chẳng thấy, chẳng nghe; chẳng hiểu biết, chẳng trình bày; chẳng ngửi, chẳng nếm; chẳng xúc chạm, chẳng não, bức, chẳng lường tính, chẳng đối đãi; chẳng tâm, chẳng nhớ; chẳng suy nghĩ, chẳng không suy nghĩ; chẳng vào, chẳng lại, chẳng qua; đến, đi dứt bặt; chẳng ảnh, chẳng tỳ vết; chẳng đoạn dứt, chẳng phải vật; chẳng phải thật, chẳng tạo tác; chẳng phải tạo, chẳng thành tựu; chẳng lấy, chẳng che phủ; chẳng hiện, chẳng nương; chẳng sáng, chẳng tối; vắng lặng, chẳng vắng lặng; thường trú vắng lặng; tịnh, chẳng phải tịnh; bản tánh thanh tịnh, không có một pháp; chẳng sinh, chẳng khởi; chẳng thích ở yên; chẳng nơi chốn; chẳng động, chẳng hoạn; chẳng lời nói, chẳng pháp, chẳng phi pháp; chẳng ruộng phước, chẳng không ruộng phước; chẳng hết, chẳng không hết; xả bỏ các dính mắc, gọi là không; chẳng chống trái; chẳng âm thanh; lìa danh tự, xả bỏ nhớ tưởng; chẳng tương ưng, chẳng không tương ưng, chẳng diệt, chẳng không diệt; chẳng lượng, chẳng không lượng; chẳng đến, chẳng đi; chẳng hai, chẳng không hai; chẳng phải bờ bên đây, chẳng phải bờ bên kia; chẳng phải giữa dòng; chẳng phân, chẳng không phân; chẳng nghiệp, chẳng báo; chẳng nghe, chẳng nghĩ; chẳng lường, chẳng chướng ngại; chẳng tướng, chẳng không tướng; chẳng môn, chẳng lìa, chẳng chấp; ưa thực hành các pháp, pháp pháp giống nhau; như chân thật; vì độ thoát chúng sinh, thật không có chỗ độ; giải cho người chưa giải thoát, điều phục người chưa điều phục; cứu giúp người chưa được cứu giúp; chỉ dạy pháp không hai; chẳng bằng, chẳng không bằng; chẳng giống nhau, chẳng không giống nhau; vô đẳng cam lồ đẳng; dữ không đẳng; vô xứ đẳng, vô đắc đẳng; tịch diệt tận diệt, khéo điều phục hành xứ; chuyển bánh xe không thoái; quyết định không nghi; chẳng lìa pháp, chẳng lìa hai pháp; chỗ tập bản hạnh thanh tịnh, đầy đủ oai nghi giải thoát; chẳng cao, chẳng thấp; chẳng vuông, chẳng tròn; chẳng tướng thân, chẳng tướng ấm; chẳng tướng nhập, chẳng tướng giới; chẳng khởi hữu vi, chẳng khởi vô vi; chẳng phải chân thật vô vi; chẳng mạng, chẳng phi mạng; chẳng sinh, chẳng hiện; chẳng có người thấy; chẳng thật sinh, chẳng nói năng, chẳng chịu đựng; tướng của thân không động; chẳng đảo ngược, chẳng dao động, chẳng thật, chẳng nhớ, chẳng hòa hợp; chẳng tạo tác, chẳng không tạo tác; chẳng rõ ràng, chẳng tướng; chẳng Niết-bàn, không vào Niết-bàn; chẳng định, chẳng phi định.
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Đó là tướng thân của Như Lai, tất cả chúng sinh đều nương tướng ấy. Ai có khả năng biết được Tam-muội này không?
Xá-lợi-phất thưa:
–Dạ vâng! Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Trong tất cả tướng, không có thân Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rộng thêm Như Lai Tammuội Trí ấn, nên mới nói bài kệ:
Như thân, phi thân, thân giải thoát
Không hoại, không tạo, cũng không được
Pháp chẳng tương ưng, không tương ưng
Đó là hiện rõ thân Thiện Thệ.
Chẳng hợp, không hợp, không dính mắc
Chẳng chấp, chẳng xả, chẳng cao bằng
Chẳng tạo, chẳng nơi, chẳng không nơi
Thân này, chẳng rõ, không chỗ muốn.
Chẳng chấp, chẳng tạo, không chỗ có
Chẳng sắc, chẳng tâm, chẳng hai một
Không phân, chẳng phân, không khởi diệt
Chân thật, không ngã, hiện thân Phật.
Chẳng mạnh, chẳng yếu, cũng không đoạn
Chẳng im, chẳng nguyện, chẳng tận cùng
Chẳng được, chẳng định, chẳng nương dựa
Thân thật, không nhiễm, hiện như thế.
Chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng ngửi chạm
Chẳng nương, chẳng bày, hiện hình bóng
Nếu có người thấy, tâm vui vẻ
Như vậy, diễn nói pháp thành tựu.
Chẳng ấm, chẳng giới, chẳng hư thật
Các căn chẳng sinh, chẳng nhơ sạch
Chẳng bền, không bền, trăng in nước
Muốn quán thân Thiện Thệ như thế.
Từ nhân duyên sinh, chẳng chân thật
Chẳng khởi, chẳng diệt, chẳng động, đi
Chẳng hiện, hiện ba, như huyễn sư
Quán Phật không chỗ nương, như vậy.
Chẳng lặng, không lặng, chẳng tương ưng
Chẳng buộc, chẳng dục, chẳng hợp tan
Như đánh hư không, thật trống rỗng
Quán Phật như thế, chân cúng dường.
Mười phương thế giới, ngàn ức cõi
Chứa nhóm trân bảo đến Phạm thế
Cúng tất cả Phật vô lượng kiếp
Nếu có ghi chép phước hơn kia.
Nếu có tội ở hằng sa kiếp
Tu tập bốn Đẳng khắp thế gian
Giữ trọn tịnh giới không gì sánh
Tin hiểu kinh này phước cao tột.
Xa xưa sinh tử đến thân này
Khắp nơi chúng sinh hành nhẫn nhục
Nếu có tạm tin Trí Ấn kinh
Ví như Tu-di cạnh hạt cải.
Ba cõi chúng sinh vô số loài
Ở vô lượng kiếp mang vác đi
Thân không lười mỏi, không hối hận
Hay nhẫn kinh này phước vô song.
Trăm thế giới số cát chúng sinh
Ở vô lượng kiếp tu thiền định
Một ngày, một đêm trì kinh này
Công đức hơn kia không thể đếm.
Trí bỏ hai bên hành trung đạo
Hơn hẳn vô lượng trần số kiếp
Nếu với kinh này nói cho hiểu
Ví như giọt nước trong biển cả.
Không nên dùng sắc, quán sắc tướng
Chớ như người ngu, nghĩ xem Phật
Thấy thật ta là Tu-bồ-đề
Ruộng phước ba cõi rất thanh tịnh.
Nói kệ xong, Đức Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:
–Đó là Như Lai trí ấn Tam-muội, có khả năng bao trùm khắp tất cả mười phương thế giới, là trí tuệ vô ngại của Bồ-tát.
Này Xá-lợi-phất! Nếu muốn mau thấy chư Phật và chư Bồ-tát khắp mười phương, thì sớm tối phải siêng năng tu Tam-muội này, sẽ thấy được tất cả.
Này Xá-lợi-phất! Tam-muội này là vô lượng môn của Bồ-tát, thực hành cùng khắp các hạnh Đà-la-ni có khả năng giữ gìn pháp giới, khiến không đoạn tuyệt. Đà-la-ni này giữ gìn các pháp môn. Nếu ai thành tựu được tướng này thì đó gọi là Bồ-tát, có khả năng thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ hạnh tương ưng, nghiệp hạnh thanh tịnh, ra khỏi cảnh giới ma, không động, không xuất, giống như thực hành hạnh Phật. Ba nghiệp thân, miệng, ý đều được thanh tịnh. Muốn rõ pháp bí mật thanh tịnh của Như Lai, thì phải nên tu học Tam-muội ấy. Muốn lần lượt nói pháp, thì cũng học Tam-muội này. Muốn biết khắp các pháp; muốn như chân đế; muốn thoát khỏi vạn ức sinh tử, tạo sự chứng ngộ; muốn hiểu rõ mười hai nhân duyên; muốn biết rõ tâm ý, sở hành hướng đến của tất cả chúng sinh; muốn có được cõi Phật thanh tịnh vi diệu thì phải học Tam-muội này. Muốn được ánh sáng vi diệu, muốn thành tựu quyến thuộc, muốn làm chỗ nương tựa cho chúng sinh, muốn thành tựu tướng tốt, muốn thành tựu nhạo thuyết biện tài, muốn biết các pháp thì nên học Tam-muội này. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Giống như châu báu như ý, nó đáp ứng tất cả mong cầu của mọi người. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Tam-muội này là tất cả việc làm tốt đẹp của Bồ-tát, có khả năng thành tựu đầy đủ tất cả hạnh nguyện.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Trí tuệ tối thắng thượng trí quang
Trí quang, trí phú, trí phú tàng
Trí tuệ tạo chỗ vào cửa trí
Vô lượng trí ấn, ấn kinh này,
Căn tuệ, trí tác, trí tuệ địa
Trí khởi, trí quang, diệt tối tăm
Tuệ không thể hết, tuệ mở bày
Các kinh, nhật nguyệt chiếu ba cõi,
Bình đẳng, đẳng phú, đẳng Tam-muội
Tướng pháp chân thật dứt trói buộc
Tất cả Tam-muội, cửa Trí ấn
Đây là giống Phật bốn biện tài.
Diệt cấu, vô tận, qua bờ giác
Chứa đức, khởi phước, phước ứng khắp
Là ta đã được gốc sướng vui
Tam-muội này là báu Thiện Thệ.
Như vua yêu nước, khéo chăm dân
Của báu đầy dẫy tùy ứng đến
Rửa bỏ tham dục, si và giận
Bảo Hải hay nói kinh điển này.
Thiện Tịch năng diệt, khởi nhớ nghĩ
Khéo trừ các uế, tịnh, ngã, kiến
Như cầm chắc kiếm hoại vô hoại
Báo Phật được ấn Tổng trì đó.
Trí hay che giúp các chúng sinh
Trí tuệ đã làm trí giàu có
Trí quang chiếu khắp không ngằn mé
Kinh này sẽ được trí tuệ môn.
Điều mình, điều người, đoạn hai tưởng
Diệt sạch sáu mươi hai các kiến, ái…
Được vào cam lồ môn Như Lai
Sẽ thành ba mươi hai tướng tốt,
Đạo và thắng đạo, đạo thứ lớp
Trợ pháp Bồ-đề, chẳng trợ pháp
Khéo hay giác ngộ, người biếng nhác
Tướng tuệ vô lượng không thể hết.
Tương ưng, cùng pháp, hiểu thứ lớp
Vô lượng tuệ quang Đà-la-ni
Thành tựu Bố thí ba-la-mật
Trì giới, Nhẫn nhục cũng như thế
Tinh tấn, Thiền định, Trí vô tận
Trụ Bát-nhã này, độ thành tựu
Chớ sợ nghiệp báo và phiền não
Chớ sợ chúng ma và nẻo ác.
Tu tập kinh này không chướng ngại
Tùy chỗ nhớ nghĩ đạo được thành
Các Phật tử, trụ trong Hiền kiếp
Mười phương đến hội, làm chứng, ta.
Pháp khí, không hoại đều đến đây
Đều phải phụng trì kinh pháp này
Kinh này, quá khứ sinh ra Phật
Cũng là mẹ các Phật vị lai
Và ở hiện tại sinh các Phật
Siêng tu kinh này, anh em Phật
Nghiệp sạch, không nhơ, hành không thoái
Vượt khỏi bùn lầy lên bất động
Người hợp kinh này, trụ chân thât
Được Diệu pháp tạng của Như Lai.
Lúc Thế Tôn giảng nói rộng rãi pháp ấy, có ba mươi hằng sa Bồ-tát đều đắc Tam-muội này, sáu mươi tám ức na-do-tha Bồ-tát đã ở trong ngàn kiếp, tịnh tu các hạnh, đối với đạo vô thượng được không thoái chuyển, âm thanh vô tận, tuệ quang Đà-la-ni. Lại có sáu mươi vạn trời và người, chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nay đều phát tâm nghe Tam-muội này và đều sinh tâm vui thích theo. Khi sinh tâm vui thích theo thì liền được không thoái chuyển. Được Phật thọ ký:
–Ở đời vị lai, trải qua ba vạn kiếp, sẽ được thành Phật, hiệu là Vô úy. Lại có những vị, đã tu hành từ lâu, được Vô sinh nhẫn đều ở nước khác, thành đạo vô thượng, tất cả đồng một hiệu.
Giữa lúc, bốn chúng vây quanh, Đức Thế Tôn bảo Văn-thù-sưlợi:
–Các ông trụ nơi pháp bất trụ, không hý luận, không tác hạnh. Tất cả pháp không chỗ nương nên giữ gìn đạo vô thượng này, giảng nói rộng rãi cho người khác.
Lúc ấy, Đồng tử Văn-thù từ chỗ ngồi đứng dây, sửa sang y phục, quỳ gối chắp tay, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con quán tất cả pháp đều không thể được. Con sẽ giữ gìn Bồ-đề vô thượng này, như đạo vô thượng của Thế Tôn, vô tại vô bất tại, không xứ sở, không hiện, không thể cầm nắm, không được, không mất.
Khi ấy, trong hội, ba mươi ức Bồ-tát từ tòa ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn giữ gìn pháp, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai, dù trải qua vô lượng atăng-kỳ na-do-tha kiếp tu tập khó được.
Mỗi một vị đều cởi áo đang mặc trên người, dâng cúng Như Lai, phát nguyện vô thượng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Di-lặc! Ông phải khéo lắng nghe và ông cũng nên biết, đây là việc của ông: “Ở đời vị lai năm mươi năm, phải giữ gìn kinh này”.
Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:
–Dạ vâng! Bạch Đức Thế Tôn, Con sẽ giữ gìn kinh này.
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Trong ba mươi ức Bồ-tát, sẽ có tám ngàn Bồ-tát giữ gìn chánh pháp, còn những Bồ-tát khác, chưa đủ khả năng tự điều phục mình nên không thể giữ gìn chánh pháp. Về sau vào đời mạt pháp, ở trong chánh pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai, trải qua a-tăng-kỳ kiếp tu tập khó được sẽ phát sinh việc tranh cãi, xem thường, phá hoại; không nói, không có khả năng nghe nhận, không có khả năng giữ gìn.
–Này Di-lặc! Có bảy pháp phát tâm Bồ-đề. Bảy pháp đó là:
- Bồ-tát phát tâm Bồ-đề như Phật.
- Chánh pháp sắp diệt, vì giữ gìn nên phát tâm Bồ-đề.
- Thấy các chúng sinh bị các khổ thúc ép, khởi lòng nhớ nghĩ rộng lớn mà phát tâm Bồ-đề.
- Bồ-tát khuyên dạy các chúng sinh khác phát tâm Bồ-đề.
- Khi bố thí tự mình phát tâm Bồ-đề.
- Thấy người khác phát tâm thì theo học phát tâm.
- Thấy hoặc nghe Như Lai trang nghiêm có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thì phát tâm Bồ-đề.
Này Di-lặc! Trong bảy nhân duyên phát tâm Bồ-đề như thế; Bồ-tát phát tâm Bồ-đề như Phật. Chánh pháp sắp diệt, vì giữ gìn nên phát tâm Bồ-đề. Thấy các chúng sinh bị các khổ thúc ép, khởi lòng thương rộng lớn nên phát tâm Bồ-đề. Ba hạng phát tâm này có khả năng vì chư Phật. Bồ-tát giữ gìn chánh pháp và có khả năng mau được địa vị không thoái chuyển, thành tựu Phật đạo. Còn bốn hạng phát tâm sau thì cang cường khó điều phục, không có khả năng giữ gìn chánh pháp.
Lại nữa, này Di-lặc! Bồ-tát thành tựu được năm pháp, phải biết đó là không thoái chuyển. Năm pháp đó là:
- Đối với chúng sinh, khởi tâm bình đẳng.
- Thấy người khác được lợi ích, không sinh ganh ghét.
- Thấy người giữ gìn pháp, thà mất thân mạng chứ không xoi mói lỗi lầm của người ấy.
- Hay xả bỏ tất cả lợi dưỡng.
- Tin pháp sâu xa, không tin những kinh, thơ, văn tụng của thế gian.
Này Di-lặc! Bồ-tát thành tựu năm pháp gọi là không thoái chuyển.
Này Di-lặc! Bồ-tát lại có năm pháp, tâm họ cang cường, có thể hủy diệt chánh pháp. Năm pháp đó là:
- Khởi sắc không tốt.
- Tin và làm những việc làm hèn mọn.
- Tham đắm lợi dưỡng.
- Bảo vệ cho kẻ đà-việt còn tham tiếc.
- Ôm lòng nịnh hót quanh co, làm việc không chân thật.
Miệng tuy nói “Không”, nhưng việc làm không hợp với lời nói.
Đó là năm việc làm hủy diệt chánh pháp.
Lại nữa, này Di-lặc! Bồ-tát lại có năm pháp, có thể thành tựu không thoái chuyển. Năm pháp đó là:
- Không được ngã.
- Không được chúng sinh.
- Thấu rõ pháp giới, không được, không nói.
- Không được Bồ-đề.
- Không dùng sắc thân xem xét Như Lai.
Này Di-lặc! Bồ-tát thành tựu năm pháp như thế thì gọi là không thoái chuyển.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Vì trí, khởi ganh ghét
Như quạ, sâu, phá cây
Chẳng tin lời hẹp hòi
Hay giữ Bồ-đề Phật.
Đồng hoang, siêng năng tu
Gắng nhẫn thường lặng lẽ
Như tê giác lìa đàn
Khéo giữ đạo không mất.
Xa chúng, thích thanh nhàn
Như nai thích chỗ vắng
Không chấp, như gió thoảng
Hạnh ấy giữ gìn pháp
Không tiếc thân và mạng
Không nhiễm ái thân tộc
Siêng tu, không, vô ngã
Có thể thành Bồ-đề.
Đời sau có chúng sinh
Nói ta hành Bồ-đề
Tâm khinh ngạo, nịnh hót
Không thể giữ chánh pháp.
Nhớ trước Phật Nhiên Đăng
Hơn tám mươi ức kiếp
Có Phật hiệu Nguyệt Kế
Giảng nói Tam-muội này.
Hội đầu tám mươi ức
Na-do-tha Bồ-tát
Nghe Phật giảng nói pháp
Đều được không thoái chuyển.
Hội thứ hai nói pháp
Bảy mươi ba do-tha
Hội thứ ba nghe pháp
Bảy mươi ức do-tha.
Phật thọ vô lượng kiếp
Sáng sáu mươi do-tuần
Chín mươi chín ức tăng
Vô sinh, tâm tự tại.
Lúc ấy, Chuyển luân vương
Tên gọi là Tuệ Khởi
Thống lãnh Diêm-phù-đề
Bảy mươi ngàn do-tuần
Làm vua bốn thiện hạ
Thể nữ sáu mươi ức.
Vua ấy có ngàn con
Cõi nước tên Lạc quang
Trăm ngàn thành trang nghiêm
Vườn chơi đều đầy đủ
Đều vui vẻ hưng thịnh
Giống như trời Đao-lợi.
Vua ấy, mộng nghe tiếng
Phật Nguyệt Kế ra đời
Trăm sáu mươi ức chúng
Đều đi đến chỗ Phật.
Khi vua nghe kinh này
Pháp sâu xa, thân định
Bỏ nước, đem dâng Phật
Cúi mong tùy nghi dùng.
Các thành xây tinh xá
Bằng gỗ chiên-đàn quý
Cấp nhiều người giúp việc
Vàng trải dọc đường đi.
Thời gian vua cúng Phật
Trọn vẹn tám ngàn năm
Chuyên tinh không ngủ nghỉ
Không chán, không nuối tiếc.
Vật thiết cúng một ngày
Số ấy nhiều vô lượng
Những món cúng dường Phật
Vì cầu Tam-muội này.
Ở yên tu tĩnh niệm
Tam-muội rất sâu xa
Không dùng tướng có được
Cũng chẳng được phương tiện
Liền bỏ nước xuất gia
Mặc pháp phục Xá-na
Buộc niệm ba ngàn năm
Thiền định không ngơi nghỉ.
Trong khoảng thời gian ấy
Phật nói pháp khai ngộ
Sau diệt độ, xây tháp
Sáu vạn bốn ngàn ức
Cúng dường năm trăm lọng
Dùng bảy báu trang nghiêm
Mỗi thứ trăm kiểu nhạc
Thắp tám ngàn ngọn đèn,
Mặc y phục thô xấu
Bảy vạn ba ngàn năm
Thường nói Tam-muội này
Tâm ấy không ham muốn,
Chẳng đắm lời ngợi khen
Không cầu trí thế gian
Xin ăn không nhận mời
Giữ pháp, trụ vào đó,
Tám vạn ức na-do
Trì tịnh giới của Phật
Đều cúng dường như trên
Đầy đủ Tam-muội này.
Nếu muốn đắc Bồ-đề
Phải nên học như Phật
Người kính tu kinh này
Chớ tin luận ngoại đạo.
Đời sau nói hành đạo
Ngược lại, hủy giới cấm
Vì lợi không vì pháp
Tuy đọc chẳng hiểu “Không”
Nói “Không”chẳng trôi chảy
Tà mạng không thanh tịnh
Luận “Không”mà chấp “Không”
Tự nói không nghi đạo.
Bấy giờ vua Tuệ Khởi
Chính là Phật Di-đà
Ngàn người con của vua
Là ngàn Phật hiền kiếp.
Lúc cùng vua xuất gia
Quyến thuộc và đệ tử…
Nay ở trước mặt ta
Là bốn chúng hội này.
Nhớ ức na-do Phật
Xuất gia nghe chánh pháp
Nghe liền hay thọ trì
Đắc “Không”chẳng chỗ nương.
Khởi vô lượng phương tiện
Cúng dường các Như Lai
Không đắc tướng Bồ-đề
Đều do hành chân thật.
Được thấy Phật Nhiên Đăng
Đoạn cầu, được bình đẳng
Lúc ấy, được thọ ký
Vị lai sẽ thành Phật.
Bấy giờ, có người nữ tên Hiền Thủ là đại phu nhân của vua Tần-bà-la, lại có phu nhân khác tên là Kim Quang Câu đạt nữ; cả hai từ tòa ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Đức Phật dùng vạt áo đựng hoa bảy báu, mỗi người đem năm trăm gói hoa, rải lên Đức Phật và dùng áo Kiếp-bối-dục có giá trị trăm ngàn, dâng lên Như Lai, rồi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Đối với định này, con tin hiểu thọ trì. Nếu có người đọc tụng, con sẽ ủng hộ, theo chỗ mong cầu của họ mà cúng dường. Con sẽ đem pháp Đại thừa để giáo hóa chúng sinh không tin là không, là bất không; không chỉ nói suông mà nhất định thọ trì, chắc chắn thực hành như lời nói, không tiếc thân mạng, huống gì của báu để họ cũng sẽ như lời nói dạy dỗ trao truyền nhau.
Lúc đó, tám ngàn cung nữ ở hậu cung của vua Tần-bà-la, sáu vạn Ưu-bà-di ở nước Ma-già-đà đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Đối với Tam-muội này đều sinh tâm tùy thích và phát lời thề:
–Về sau, ở đời mạt pháp, chúng con sẽ giữ gìn chánh pháp.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết rõ những suy nghĩ trong lòng họ liền mỉm cười, những tia sáng có màu sắc thật tốt đẹp từ miệng Ngài phát ra, chiếu khắp mười phương, rồi trở lại nhập vào đỉnh đầu.
Bấy giờ, Hiền Thủ và Kim Quang sinh tâm kính tin, liền cùng nhau nói kệ tụng:
Thắng nhân tụ đức vô như Phật
Cây, hoa, công đức, vua, các sao
Lời diệu, vui vẻ theo thứ lớp
Thế Tôn mười lực duyên gì cười?
Mặt tròn như trăng mở mắt đời
Phạm âm thanh tịnh, khắp muốn nghe
Mềm, cứng điều hòa, thân tâm vui
Đấng Hùng Sư Tử vì sao cười?
Hòa, nhẫn, không nói chân chánh
Ứng thanh, tròn đầy, đủ các vị
Thông suốt các hạnh vô lượng nghĩa
Xin công đức tụ, giảng nghĩa cười.
Tám thứ diệu âm đều đầy đủ
Sáu mươi trang nghiêm, tiếng hòa nhã
Hiểu bảy trăm thứ các ngôn âm
Thông đạt nghĩa vị sáu mươi ức.
Tám mươi ức số, âm tương ưng
Mười na-do-tha tiếng, cũng vậy
Không thể hạng lượng, vô cực tôn
Cúi xin giảng nói, duyên gì cười!
Trong các núi cùng tột không động
Hiểu nghĩa tương ưng, diệt các nghi
Hay dứt các khổ, được an vui
Bảo Tụ Như Thật nói duyên cười
Núi vàng giảng giải bảy xe báu
Giống như hoa, trăng, mọi người thích
Độc bộ, âm thanh như sư tử
Xin nói duyên, phóng quang, mỉm cười
Cao tột ba cõi, sạch ba cấu
Ở vô lượng kiếp, hành thiện, tịch
Ánh sáng cười đầy khắp mười phương
Khéo léo giảng rộng cam lồ môn.
Tiếng cầm, sắt, đồng, bạt, tiêu, địch
Đánh trống, thổi ốc, các diệu âm
Tiếng Khẩn-na-la, Ca-lăng-già
Loan, Hồng, Hạc, Câu-sí-la, hót
Bính tiết, không hầu đều trổi vang
Không bằng Như Lai một diệu âm.
Như vậy, chúng mười phương đến hội
Những thứ thấy biết đều không đồng
Xin nói như thật, diệt kiến ái
Trở về nước rồi, mãn các nguyện.
Mỗi mười phương ức chúng, sai đến
Đều vì chánh pháp, tới hội này
Nhân cười ắt sẽ mưa pháp vũ
Giảng thuyết pháp gì, khiến mừng vui.
Hiền Thủ và Kim Quang nói kệ này xong, Đức Thế Tôn dùng kệ tụng đáp lại:
Ta nhớ hằng sa kiếp quá khứ
Phật hiệu Phước Quang, Thế Gian Giải
Phật thọ bảy mươi sáu vạn ức
Số chúng Thanh văn không hạn lượng.
Có Chuyển luân vương tên Tuệ Ngự
Phu nhân Nguyệt Quán, thứ tên Viêm
Lìa bỏ nhà, thích cầu chánh pháp
Cả một ức năm, luôn giữ gìn.
Sáu mươi vạn ức, ba mươi vạn
Với chư Phật này, giữ chánh pháp
Ba mươi hằng sa Phật vị lai
Giữ gìn chánh pháp không cắt đứt.
Phật A-súc bảo vua Tuệ Ngự
Các người thường cùng sinh ở đó
Vì duyên giữ pháp, xả thân nữ
Sinh ở nước, vô lượng cực lạc.
Những hộ pháp này, cũng sẽ sinh
Pháp sắp muốn diệt làm chỗ trụ
Ắt sinh cực lạc hoa ngàn cánh
Tướng tốt trang nghiêm làm con Phật.
Được sinh nơi ấy, được Chánh giác
Kiếp vua trang nghiêm, không gai gốc
Ở đó được thành đạo Vô thượng
Nắm giữ chánh pháp và trời, người
Cõi nước Phật kia, không việc ma
Không nghiệp báo ác, không thai sinh
Ngày có vô lượng Bồ-tát họp
Không có tên Duyên giác, Thanh văn.
Không tiếc thân mạng, giữ Phật đạo
Không vì danh dự mà thoái chuyển
Vì mau thành tựu đạo Vô thượng
Lại muốn mau thành tất cả nước.
Các ngươi hòa hợp tin kính Phật
Cung kính, không nương, giữ Bồ-đề
Khi mạt thế, đại pháp sắp hoại
Không nên theo đó tham lợi dưỡng
Ta ở ức kiếp cho vợ con
Bỏ đầu, mắt, thân, cầu Phật đạo.
Chẳng pháp vì lợi nói lỗi pháp
Thí chủ keo kiệt, sinh giận ghét
Tám vạn ức người lệ tuôn rơi
Sẽ hộ pháp diệt, nương Bồ-đề
Động ba ngàn cõi, trời mưa hoa
Ái kính kinh này, thọ mạng lớn
Như cõi Phật đây hằng hà sa…
Vàng đầy ắp, vô lượng kiếp cho.
Nếu có thể tin Trí ấn kinh
Cho hằng sa báu, không thể sánh
Chớ dối trao truyền đạo không vui
Nghe Phật hiếm có, sinh đạo tâm
Nên lần lượt học kinh điển này
Hành như lời nói, thành Chánh giác.
Đồng hoang trì giới cung kính tu
Ba nghiệp với chúng, tưởng như quen
Tu kính sáu hòa, sinh tưởng Phật
Muốn cầu diệu pháp học kinh này.
Nếu có ghi chép pháp ấn đây
Đọc tụng, giảng dạy vì người nói
Công đức này thân không nghĩ bàn
Phật tử sẽ sinh nước Cực lạc.
Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, sẽ có bao nhiêu vị Bồ-tát thọ trì Tam-muội này?
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Di-lặc! Trong đời vị lai, ít có người thích tin, phần nhiều làm tan mất căn lành, cắt đứt với chánh pháp. Người hành pháp này rất khó, rất khó.
Đức Phật lại bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Nếu ta nói hết những hạnh không tương ưng của Bồ-tát, thì suốt đến đời vị lai, cũng không thể cùng tận.
Bồ-tát Di-lặc thưa:
–Bạch Thế Tôn! Cúi xin nói điều đó! Cúi xin nói điều đó! Nên thương xót chúng con, để trong đời vị lai, có người tu tập hạnh chân thật, được nghe kinh này, theo như lời nói mà tu hành sẽ ứng với đạo Vô thượng.
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Thật đúng như lời ông nói, nếu có Bồ-tát nào, đã ở chỗ trăm Đức Phật, phát tâm Bồ-đề, trồng các căn lành, nhưng ở đời vị lai, quên mất đạo tâm!
Này Di-lặc! Lại có Bồ-tát, ở chỗ ngàn Đức Phật, đã phát tâm vô thượng, trồng các căn lành, đến đời vị lai, phát sinh tâm Bồ-đề, nhưng không tin Đại thừa, khinh thường Đại thừa.
Này Di-lặc! Lại có Bồ-tát, ở chỗ vạn Đức Phật, phát tâm Bồđề, trồng các căn lành, ở đời vị lai phát sinh tâm Bồ-đề, nặng tin Đại thừa nhưng không thọ trì, cũng không đọc tụng.
Này Di-lặc! Lại có Bồ-tát, ở chỗ ức Đức Phật, phát tâm Bồ-đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm Bồ-đề, có khả năng lắng nghe, có khả năng ghi chép, nhưng không hiểu nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm, không có khả năng quyết định.
Này Di-lặc! Lại có Bồ-tát, ở chỗ mười ức Đức Phật, phát tâm Bồ-đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm Bồ-đề, lắng nghe thọ trì Đại thừa, ghi chép, đọc tụng, nhưng đối với Bồ-đề nhẫn không thể thành tựu.
Này Di-lặc! Lại có Bồ-tát, ở chỗ ba mươi ức Đức Phật, phát tâm Bồ-đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm Bồ-đề, nghe Đại thừa, có khả năng thọ trì, ghi chép, đọc tụng, thành tựu đại nhẫn, đối với Tam-muội này, vẫn chưa tương ưng, không được ứng với biện tài.
Này Di-lặc! Lại có Bồ-tát, ở chỗ tám mươi ức Đức Phật, phát tâm Bồ-đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm Bồ-đề, lắng nghe Đại thừa, có khả năng thọ trì, ghi chép, đọc tụng, được Tam-muội này, nhẫn lực đầy đủ, hiểu tất cả pháp, giảng nói rộng rãi về Bồ-đề, ma không thể quấy nhiễu, không có các… nghiệp chướng. Những hạnh ác đã tạo ở a-tăng-kỳ kiếp, làm cho đầu nóng, tâm bức não, bị mọi người khinh khi, chê cười thì đời này đều trừ diệt, sẽ được ở vô lượng vô số chỗ Phật, cung kính cúng dường, không bao giờ thoái chuyển tâm Bồ-đề, được chí vững chắc, buộc niệm không tán loạn. Như vậy, nghiệp ác đời trước của Bồ-tát, ở đời vị lai phải thọ sắc thân xấu, các tội liền diệt; nhưng lại có nhiều bệnh khổ vì bị người ghét, sinh trong nhà thấp hèn, hoặc sinh trong nhà nghèo khổ, hoặc sinh ở vùng xa xôi hẻo lánh, ở nhà tà kiến; gặp gỡ những bạn xấu, thường chống đối nhau; mọi người không cung kính; nhiều nỗi lo lắng buồn phiền; bị vua giân dữ, gặp lúc nước điêu tàn, xóm làng tan hoang, dòng họ chia lìa, tri thức bỏ đi, không gặp pháp hội, những điều cần muốn người ta không ban cho. Giả sử có nơi, gặp những người không ưa thích, nhưng được thí cho chút ít, người giàu sang thì xua đuổi, người tham lam thì gần gũi kính thuận, muốn tu nghiệp lành thì nhiều điều trở ngại, ngu muội tán loạn, không đạt được pháp thứ, không có những người giúp viêc, ngủ nghỉ thường thấy ác mộng, hoặc lại mộng khác. Tội nghiệp vừa dứt, thì bị nghiệp xưa lôi kéo, bị ma ngăn cản, giả dối để giữ thân tướng, để cho ma có cơ hội quấy nhiễu, không hiểu các pháp, nơi có lợi dưỡng thì tự sinh tâm thấp hèn. Mọi người đều đoan chánh, còn mình thì hình hài xấu xí, người ta không nhớ thương. Thấy người khác được lợi thì tâm sinh ghét ganh và coi thường nói xấu nhau… lược nói là như thế.
Này Di-lặc! Nếu có Bồ-tát, ở chỗ trăm Đức Phật, cùng tạo công đức nhưng không muốn hư mất; do nhân duyên ấy, nên phá hoại lẫn nhau, huống gì người không tạo.
Như vậy, này Di-lặc! Phải tinh tấn, vững vàng, dùng chánh ức niệm mà khởi ức đại nhẫn, thành tựu pháp sâu xa, trí phương tiện mầu nhiệm. Ở đời vị lai, người muốn trì pháp này phải khởi tinh tấn.
Lúc ấy, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Hỷ Vương… có khoảng sáu mươi Bồ-tát là những vị đứng đầu như vậy cùng bạch với Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, chúng con nghe công đức giữ pháp này; ở đời vị lai, chúng con sẽ gìn giữ pháp này.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Ít muốn, không nhơ, không nịnh hót
Thường chánh ức niệm, xa lìa hành
Nhẫn nhục vững vàng không dao động
Vì giữ châu báu cho mười phương,
Oai nghi vắng lặng không dính mắc
Không cầu, không muốn, lìa tranh cãi
Tâm như hư không, không dấu vết
Hành ứng chân như, thể Tam-muội.
Bồ-đề vững chắc luôn trước mặt
Thông suốt sâu xa là Chánh giác
Không điều ghét yêu, không chỗ chấp
Mới có thể được Tam-muội này.
Đối với oán, thân, tâm bình đẳng
Với Phật, bạn lành, tưởng không khác
Kính tu sáu hòa, giới sạch trong
Là mau hiểu được Tam-muội này.
Hiểu rõ thế gian là hơn hết
Biện tài pháp ấn, trăm ức tướng
Trí tuệ chiếu soi như mặt trời
Ngay nơi ấy nói môn nhập trí,
Ngày tháng sớm tối nơi thảnh thơi
Cũng như núi Tuyết, nơi thường ở:
Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân vương
Như thầy thuốc giỏi, đây cũng thế.
Kinh này tâm sạch, diệt nghiệp báo
Kinh này là cam lồ, hàng ma
Thần túc nầy, biết rõ tâm người
Cũng ứng với tất cả loài khác.
Nhớ biết đến na-do-tha kiếp
Có thể diệt trừ tất cả ái
Phật khen đấy là Như Lai ấn
Đây tương ưng đạo, như xem tay.
Kinh này lựa chọn các nghĩa không
Là chỗ đứng: Rỗng, lặng, chân thật
Là: Có, không, nhị biên, hý luận
Luôn xả, không chấp giữ chánh pháp.
Sau Phật Niết-bàn, có người nói
Ta xem các pháp: Không, như mộng
Các pháp không khởi, không người tạo
Trong lúc bày ra tưởng là trụ.
Pháp không, không sinh, không người tạo
Không thấy, không đến cũng không động
Hễ chấp nơi pháp, là giặc pháp
Mà tự nói rằng, ta học không.
Nếu nghe chánh pháp từ người ấy
Thương khóc lệ tuôn rợn chân lông
Tự khen ngợi mình không thoái chuyển
Sau nói tướng xấu của chúng kia.
Sang, hèn, nghèo, khốn, mất của báu
Hoặc, ta đắc pháp được nhiều lợi!
Hoặc, ta xuất gia, thân tộc vinh!
Nhưng với Phật tử sinh giận ghét.
Vì đạo Vô thượng, nên xuất gia
Muốn hành Bồ-đề mà không trụ
Như vượt biển cả, lại xa bờ
Đối với Bồ-đề không chắc tin.
Ở núi, đầm vắng, oai nghi đủ
Thầy, bạn thanh tịnh, quyến thuộc lành
Vì lợi dưỡng nên cầu thân hữu
Mà tự ca ngợi chân xuất gia.
Xuất gia phải hợp chánh pháp này
Giống như hoa sen không dính mắc
Kinh này tương ưng hành thứ lớp
Là chân giải thoát thường giữ gìn.
Hỷ Vương! Nay ta truyền dạy ông
Cẩn thận theo đó, khéo học hỏi
Như pháp tu hành đủ Phật đức
Các ông phải nên học như ta.
Giả sử ruộng như na-do cõi
Hằng sa số giống, trồng trong ấy
Mỗi giống sinh ra hằng sa hạt
Tất cả giống sinh, cũng như thế.
Như vậy xoay vần ngàn vạn loại
Chằng chịt, sum suê, riêng lớn lên
Như chỗ giống ấy không thể đếm
Tất cả cũng không thể tính lường,
Tìm cách đem đến tận phương Đông
Cứ thế gieo trồng, không bỏ sót
Tất cả các phương cũng như vậy
Đệ tử của Phật đông vô số
Mỗi một chư Phật có trăm đầu
Mỗi một đầu Phật có trăm lưỡi
Như vậy trải qua vô lượng kiếp
Đều cùng ca ngợi ứng kinh này.
Ghi chép, thọ trì và đọc tụng
Công đức giảng nói, không thể hết
Như hạt cải bên núi Tu-di
Một nhành lá đầy cả hư không
Như một giọt nước trong biển cả
Nên ứng kinh này, lìa hạnh có
Vì nghe, thọ trì, chép, đọc, tụng
Cho nên ta nói kệ như vậy.
Bấy giờ, Bồ-tát Hỷ Vương, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, sáu mươi Bồ-tát như thế, đều đắc Vô duyên hạnh, liền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nói rằng pháp, thế nào là pháp?
Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:
–Này Hỷ Vương! Pháp đã nói là không tạo tác, không trình bày, mà có nói năng.
Bồ-tát Hỷ Vương thưa:
–Dạ vâng, bạch Thế Tôn! Nếu pháp, không tạo tác, không trình bày thì vì sao mà có nói năng?
Đức Phật bảo:
–Này Hỷ Vương! Nếu pháp, không tạo tác, không trình bày, thì không thể được nói năng như thế. Ông hãy xem các pháp là không được, không hết, không khởi, không giảm; không diệt, không tham, không sinh, không ở, không nơi chốn; không đây, không kia, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, giả danh; chẳng phải giả danh, chẳng tâm, chẳng phải chẳng tâm; chẳng phải đối, chẳng phải chẳng đối; chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng; bình đẳng, chẳng phải bình đẳng; cảnh giới, chẳng phải cảnh giới; phần, chẳng phải phần; gần, chẳng phải gần; chẳng phải nhiễm, chẳng phải nói năng.
Bồ-tát Hỷ Vương thưa:
–Dạ vâng, Thế Tôn! Thế nào là chẳng phải nhiễm, chẳng phải nói năng?
Đức Phật bảo:
–Này Thiện nam! Chẳng nhiễm, chẳng nói năng gọi là Niếtbàn.
Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu tướng của pháp như thế thì pháp nào diệt? Pháp nào có thể giữ?
Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Khởi tướng pháp là đùa cợt các pháp, mà đùa cợt các pháp, thì khởi có, không, nhị biên. Khởi nhị biên, đó là diệt pháp. Trong Đệ nhất nghĩa, không có pháp, không có pháp diệt, cũng không có tranh cãi:
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Hoặc có nói thật, mà không khác
Hoặc lại có khác nói vô thường
Hoặc có được pháp, tính hai bên
Đó là hý luận, không tương ưng.
Pháp không có tạo, cũng không hoại
Vốn không thấy mình, không thấy người
Cũng không tương ưng niệm trình bày
Nếu tự nói rằng, ta nhẫn, “Không”
Buộc niệm nơi “Không”, không tương ưng
Là pháp không sinh, dối, so lường
Những điều đã tạo, đều lưới ma
Tâm không chỗ duyên là pháp ấn.
Nếu có suy tính là phàm phu
Các pháp vốn không mà cố giữ
So lường các pháp, tính tiếng nói
Người ngu cố giữ: Có, không hai
Trí mong cầu trí, không được trí
Trí tuệ trọn không sinh nơi trí
Giảng nói hữu vi, tướng giả, rỗng
Cũng chẳng có trí, chẳng không trí.
Nếu pháp phần ít là thật có
Hư hoại thành ra pháp đoạn diệt
Giả sử có pháp thât trụ ấy
Thì tất cả pháp đều thường trụ.
Người ngu buông bỏ rồi lại được
Đó là hoại ấm, trái pháp tướng
Chấp chặt nơi ngã, được thật ngã
Người trí biết pháp chẳng có, không.
Minh và vô minh, không hai pháp
Nếu nghe giảng nói thì kinh sợ
Đây là buộc niệm, tướng biên kiến
Hữu vi hư hoại, nói Niết-bàn.
Tâm không thể biết thật tướng tâm
Thật tướng, cũng lại không biết tâm
Tất cả các pháp đều như mộng
Hoặc nói chân thật, chấp ngã kiến.
Pháp từ duyên khởi, chẳng chân đế
Nếu pháp diệt hết, cũng chẳng đế
Thế nên phương tiện là chân thật
Khởi pháp như thật, Phật ứng khởi.
Trí tuệ Như Lai, không thể được
Tuy nói các pháp không rõ ràng
Tuy trị các bệnh không giải thoát
Như vậy gọi là hiểu Thiện tịch.
Giả sử Niết-bàn có phần ấy
Chư Phật, Thanh văn ứng đến đó
Các pháp tường vách, không Niết-bàn
Người trí không nên sinh hý luận.
Chẳng thể thấy có chúng sinh thật
Cũng không thể bày lời nói có
Chúng sinh tự khởi, tướng khả kiến
Đấy là Niết-bàn không chỗ chấp.
Hoặc có nói ấm là chân đế
Hoặc nói diệt ái gọi là đạo
Chỉ một chân đế không sinh diệt
Hoặc lại giảng nói bốn chân đế.
Tìm cầu không được, vốn một pháp
Huống ngồi đạo thọ, thấy bốn Đế
Những tâm tạp uế cùng xuất gia
Bại hoại pháp ta, tạo vọng khởi.
Vì quả Sa-môn và danh dự
Chớ gần bạn ác, thân bạn lành
Như tê giác riêng sống đồng hoang
Tương ưng với nghĩa Tam-muội này.
Tám mươi ức Phật, Lưỡng Túc Tôn
Hộ niệm người chép, trì kinh này
Chư Thiên kiến đế cũng hộ niệm
Sớm tối đề phòng không xa rời.
Ánh sáng vô lượng không cùng tận
Tuệ sáng chỉ dẫn trăm pháp môn
Trong mông khai ngộ khiến thành tựu
Trì Tam-muội này rất hiếm có.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu người nào muốn thành tựu Phật Bồ-đề thì đối với Tammuội này, phải chuyên tâm học tập, thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười Lực, bốn Vô sở úy, đại Từ, đại Bi, thành tựu Phật nhãn, tự thành Chánh giác, thành tựu chúng Thanh văn, thành tựu chúng Bồ-tát, thành tựu cõi nước Phật, thành tựu đại trí Đà-la-ni. Muốn hiểu rõ ngôn ngữ của tất cả chúng sinh, muốn được tài ứng biện, muốn có quyết định biện tài, muốn được thần túc, muốn thuyết pháp không thoái, muốn hiểu rõ tất cả pháp tương ưng, muốn làm sáng tỏ các pháp thì phải nên tu tập Tam-muội như thế. Vì sao? Vì Bồ-tát tương ưng với Tam-muội này thì được công đức như trên, gọi là Phật, gọi là Biến Học, gọi là Châu, là Cứu, gọi là Ứng Cúng, gọi là Nhất Thiết Trí, gọi là Điều Phục, gọi là Thế Gian Giải, gọi là Vô Thượng Sĩ, gọi là Như Lai. Cứ như lời nói mà thực hành, không gì bằng, không có gì có thể so sánh, là luận thứ nhất, là luận chân thật, là cao cả hơn hết. Vì sao?
Này Văn-thù-sư-lợi! Ta trụ ở Tam-muội này, thấy Đức Phật Nhiên Đăng liền đắc Bồ-đề.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Dạ vâng, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thấy Phật Nhiên Đăng liền đắc Bồ-đề thì tại sao phải trải qua a-tăng-kỳ kiếp ở trong sinh tử, tu tập hạnh khổ nhọc khó hành? Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Ta vì chúng sinh mà làm Phật sự, giáo hóa chúng sinh khiến cho họ trụ trong ba thừa vì là bản nguyện.
Này Văn-thù-sư-lợi! Lúc đó, ta cũng đắc Bồ-đề cũng nhập Niết-bàn.
Đức Thế Tôn vì lẽ đó mà nói kệ:
Năng và thử tương ưng
Tự giác phước vô lượng
Trăm ức Phật mười phương
Đều hộ niệm người này.
Không thoái chuyển cam lồ
Không lo trăm tướng hiển
Tu tập ắt đạt được
Vô tận tổng trì vương.
Định trí Tam-muội này
Hiểu tất cả ngôn âm
Hay hoại tướng các pháp
Giải thoát trừ các kết.
Thiện tịch không khởi diêt
Không chấp, trừ các nghi
Thành mười lực, tướng tốt
Tất cả công đức Phật.
Khéo lặng hiểu các âm
Những thứ tiếng loài khác
Lần lượt rõ, khiến vui
Sạch, có, không, nhị biên,
Trí quyết định tối thắng
Diệt trừ tất cả kết
Nếu hay học kinh này
Quyết rõ đạo không nghi
Nếu trong hăm mốt ngày
Chuyên tâm học kinh này
Không lười, không ngủ nghỉ
Không gần gũi ái lạc.
Lời dịu dàng hòa vui
Từ bi, không ganh ghét
Tu tập sáu hòa kính
Trì giới đắc Tam-muội
Đẳng tâm, đủ oai nghi
Trực tâm ưa giải thoát
Không tạo các duyên khởi
Tri túc, không nhiễm nhơ.
Vững vàng không khinh, giận
Không hiện tướng tà, ngụy
Như chim không bị nhốt
Ắt được vua Tổng trì.
Ba ngàn cõi chấn động
Trời tấu các âm nhạc
Rưới mưa hoa đẹp thơm
Và một ngàn lọng phướn.
Lại mưa nón trời đẹp
Xa cừ, báu, anh lạc
Ma-ni và trân châu
Áo viên bảo quang duyệt.
Ở trên vô lượng trời
Các rồng, chim cánh vàng
Rồng vua A-tu-la
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,
Thiện nam và thiện nữ
Đều cởi áo viên bảo
Đem dâng cúng Đức Phật
Mong cầu đạo Vô thượng.
Ta nói vô hạn lượng
Cũng không thể nêu rõ
Nếu phát tâm Bồ-đề
Thì đắc không thoái chuyển
Điều phục được La-hán
Số ấy như hằng sa
Chúng sinh trăm thế giới
Nghe pháp rất vui mừng.
Khi Đức Thế Tôn nói pháp này, có a-tăng-kỳ chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, tám mươi na-do-tha trời và người đều đạt được không thoái chuyển đối với đạo Vô thượng. Sáu vạn ba mươi ức trời, người đều đắc Vô sinh pháp nhẫn. Vô số chúng sinh đắc quả A-la-hán. Những vị Đại Bồ-tát ở khắp mười phương đến dự pháp hội đều đắc Tam-muội này.
Đức Phật nói kinh xong, Bồ-tát Hỷ Vương, Bồ-tát Văn-thù-sưlợi làm người đứng đầu trong hội chúng với sáu mươi Bồ-tát không thể nghĩ bàn như thế. Tất cả Bồ-tát ở Hiền kiếp, Bồ-tát Di-lặc làm vị đứng đầu. Hiền Thủ và Kim Quang, các Bồ-tát khắp mười phương đến hội, các đại Thanh văn và bốn bộ chúng, trời, người, Càn-thátbà, A-tu-luân, tất cả thế gian, nghe pháp Phật nói đều rất vui mừng.