KPHẬT THUYẾT NHÂN DUYÊN TĂNG HỘ KINH

Hán dịch: Mất tên người dịch, nay trích lục nơi dịch phẩm đời Đông Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có một Long vương nơi biển lớn, mới phát khởi lòng tin, biến làm người, đến chỗ Đức Phật đang cư trú, cầu xin các vị Tỳkheo cho mình xuất gia. Các vị Tỳ-kheo không biết người này vốn là rồng nên liền độ cho xuất gia, lại sắp ở chung phòng với một Tỳkheo tuổi nhỏ, trải qua một đêm. Sáng sớm hôm sau, cả hai đều giữ gìn oai nghi, đi vào thành khất thực. Bấy giờ, Tỳ-kheo rồng nhờ có phước đức nơi quả báo nên khất thực được trước, dùng cơm xong thì về sớm, pháp của Tỳ-kheo là sau khi ăn xong, phải vào phòng nhiếp tâm tọa thiền. Khi ấy Tỳ-kheo rồng quên không khép cửa, tánh rồng lại ưa ngủ, trời thì nóng bức. Loài rồng có năm trường hợp không thể ẩn thân, đó là:

  1. Khi sinh.
  2. Khi chết.
  3. Khi hành dâm.
  4. Khi sân giận.
  5. Khi ngủ.

Lúc này, Tỳ-kheo rồng vì đang ngủ nên không thể ẩn thân, tướng hiện ra thân đầy cả phòng. Vị Tỳ-kheo tuổi nhỏ trở về vào phòng thấy thân thể rồng đầy cả gian nên rất kinh hãi, chạy kêu thất thanh, gọi các Tỳ-kheo, Đại đức trưởng lão: “Ở đây có Long vương! Ở đây có Long vương.” Rồng nghe to tiếng, liền tỉnh dậy, biến trở lại thành vị Tỳ-kheo, ngồi kiết già tọa thiền. Do tiếng gọi, kêu lớn nên đại chúng tụ tập lại hỏi vị Tỳ-kheo nhỏ tuổi:

–Vì sao ông la dữ thế?

Tỳ-kheo nhỏ tuổi đáp:

–Trong phòng tôi có con rồng.

Đại chúng đã tập hợp đông đủ bèn vào phòng tìm rồng, nhưng không có, chỉ thấy vị Tỳ-kheo đang kiết già tọa thiền. Các Tỳ-kheo tỏ ra kinh ngạc, không biết nguyên nhân vì sao, nên đến chỗ Phật.

Các vị thưa đầy đủ sự việc trên, xin Phật giải nghi.

Đức Thế Tôn bảo:

–Vị ấy không phải là người, mà chính là Long vương. Các ông hãy đến gọi vị ấy lại đây.

Các Tỳ-kheo vâng lời đến kêu Long vương. Tỳ-kheo rồng liền đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ Phật rồi lui ra đứng qua một bên. Đức Phật thuyết pháp, chỉ dạy, tạo lợi ích khiến rồng vui vẻ, rồi Phật im lặng. Lúc này, Long vương tư duy liền sinh hoan hỷ.

Đức Phật an ủi nói:

–Ngươi có thể trở về cung mình.

Nghe vậy, Long vương buồn khóc rơi lệ, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng rồi trở về cung. Giữa đường, Long vương tự suy nghĩ: “Ta nay tuy không được xuất gia, nhưng ở trong Phật pháp có thể làm đại đàn-việt tạo lập phòng Tăng, bốn sự cúng dường đầy đủ.” Suy nghĩ vậy xong, liền ở nơi đường trống biến hóa thành phòng Tăng, có ao suốt, vườn cây, mát mẻ yên tĩnh, không có nhiều người lui tới, đêm ngày ung dung. Khu vườn cũng không có loài trùng, kiến, ruồi, muỗi, không lạnh, không nóng, ôn hòa thích hợp, khỏi phải lo nghĩ buồn phiền. Long vương mời chúng Tăng đến ở, tất cả vật cần dùng như y phục, thức ăn uống, đồ nằm ngồi, thuốc thang đều cung cấp đầy đủ. Long vương do có nhiều sai sót nên bị Tỳ-kheo trì luật luôn quở trách.

Tỳ-kheo rồng vì không hiểu giới kinh, mỗi khi buồn phiền thì tự suy nghĩ: “Ta nay cúng dường các việc đầy đủ mà Tỳ-kheo ấy cứ hay quở trách. Hay ta làm mất cái chùa biến hóa này đi”.

Rồi Long vương tìm đến chỗ đất rộng khác, hóa ra một ngôi chùa, có chánh điện, phòng ốc, vườn cây, suối mát, giống như trước, thỉnh chúng Tăng đến ở và cung cấp, cúng dường đầy đủ như cũ. Khi ấy, chúng Tăng nói:

–Trong nhà bếp, kho của chúng Tăng, số lượng người thì rất nhiều, theo pháp của chùa nên tính toàn bộ số lượng người nơi chúng Tăng để cung cấp.

Rồng đáp:

–Vốn không có một vật nào là của Tăng chúng cả, nay đòi ghi chép thì làm sao được? Hết thảy vật là của tôi!

Rồng nghĩ: “Nay các vị Tỳ-kheo này thật khó có thể cung cấp! Nếu như vầy thì không thể chịu nổi.” Thế rồi vào giữa đêm Long vương phá bỏ chùa biến hóa và trở về cung mình.

Bấy giờ trong nước Xá-vệ có năm trăm người đi buôn, cùng lập thề nguyện:

–Nếu muốn vào biển lớn thì những người đi buôn phải cùng nhau bàn luận, tìm cầu Pháp sư dẫn đường, chỉ dạy công việc.

Các người đi buôn sẽ luôn thưa hỏi pháp, do nghe lợi ích của pháp nên có thể đi, về thuận hợp.

Trong số những người đi buôn, có một trưởng giả, bảo:

–Tôi có một vị thầy, tên là Tăng Hộ, nên thỉnh vị ấy làm thầy. Vị ấy gồm đủ biện tài, đa trí, có thể thuyết pháp được.

Các người đi buôn đồng ý, nên cùng nhau đến chỗ thầy Tăng Hộ, đầu mặt làm lễ, thưa:

–Chúng con muốn vào biển lớn, nay xin thỉnh Đại đức làm thầy thuyết pháp. Vì chúng con nghe pháp lãnh hội, thì công việc đi về mới thuận lợi.

Tăng Hộ nói:

–Các người hãy đến thưa với Hòa thượng, nếu Hòa thượng cho phép thì tôi nhận lời.

Tỳ-kheo Tăng Hộ dẫn các người buôn đến chỗ Tôn giả Xá-lợiphất đầu mặt làm lễ dưới chân Tôn giả. Các người buôn thưa:

–Đám chúng con muốn vào biển lớn, nay thỉnh Tỳ-kheo Tăng Hộ làm thầy thuyết pháp. Cúi xin Tôn giả đồng ý cho.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Các người hãy đến thưa hỏi Đức Phật.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Tỳ-kheo Tăng Hộ dẫn những người buôn đến làm lễ Đức Phật, chắp tay quỳ thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đám chúng con muốn vào biển lớn, xin thỉnh Tôn giả Tăng Hộ làm thầy thuyết pháp để luôn luôn được hỏi pháp, nhờ năng lực của việc nghe pháp mà được trở về toàn vẹn.

Biết Tỳ-kheo Tăng Hộ có thể hóa độ chúng sinh nên Đức Thế Tôn đã chấp thuận. Các người buôn hết sức vui mừng sung sướng, rồi cùng Pháp sư Tăng Hộ đi vào biển lớn, nhưng khi chưa đến chỗ chứa vật báu thì bị Long vương kéo thuyền lại, không cho đi. Các người đi buôn rất kinh hãi, chắp tay quỳ ngước mặt, thưa:

–Vị thần nào đã giữ thuyền lại. Nếu muốn gì nên hiện nguyên hình?

Bấy giờ, Long vương bỗng nhiên hiện thân hình. Các người buôn hỏi:

–Ngươi muốn xin gì?

Long vương đáp:

–Hãy đem Tỳ-kheo Tăng Hộ cho ta.

Các người buôn nói:

–Tỳ-kheo Tăng Hộ từ chỗ Đức Thế Tôn và Tôn giả Xá-lợiphất đã đồng ý nên thỉnh đến đây, làm sao cho ngươi được.

Long vương nói:

–Nếu không đưa cho ta thì tất cả các người sẽ bị nhận chìm chết sạch.

Lúc này các người đi buôn vô cùng sợ hãi, tự suy nghĩ: Chúng ta từng ở chỗ Đức Phật nghe kệ như vầy:

Thà bỏ một người
Để giữ một nhà
Thà bỏ một nhà
Để giữ mọt thôn.
Thà bỏ một thôn
Để giữ một nước
Thà bỏ của nước
Để giữ thân mạng.

Bấy giờ, các người buôn không còn cách nào khác, bèn đem Tỳ-kheo Tăng Hộ ra giao cho Long vương. Long vương vui mừng đưa về trong cung. Long vương có bốn rồng thông minh trí tuệ xin làm đệ tử Tăng Hộ.

Long vương thưa:

–Thưa Tôn giả! Hãy vì tôi mà giảng dạy cho bốn rồng này, mỗi con đều được trao cho một bộ A-hàm. Rồng thứ nhất dạy bộ Tăng nhất A-hàm. Rồng thứ hai dạy bộ Trung A-hàm. Rồng thứ ba dạy bộ Tạp A-hàm. Rồng thứ tư dạy bộ Trường A-hàm.

Tăng Hộ trả lời:

–Được rồi, tôi sẽ dạy chúng.

Tỳ-kheo Tăng Hộ liền giảng dạy cho chúng. Rồng thứ nhất yên lặng lắng nghe. Rồng thứ hai miệng tụng mà lại nhắm mắt. Rồng thứ ba quay cổ ra sau lắng nghe, còn rồng thứ tư thì ở đằng xa lắng nghe.

Bốn rồng này vốn thông minh trí tuệ. Trong vòng sáu tháng đã tụng hết bốn bộ A-hàm, ghi nhớ kỹ trong lòng không sót điều gì.

Khi ấy, Đại Long vương đến chỗ Tăng Hộ quỳ lạy, thăm hỏi vấn an thầy có điều gì sầu muộn không?

Tăng Hộ trả lời:

–Tôi rất sầu muộn.

Long vương hỏi:

–Vì sao?

Tăng Hộ đáp:

–Người thọ trì pháp, chủ yếu phải có quy tắc. Các rồng này ở trong loài súc sinh, không có tâm tôn trọng phép tắc, không biết pháp Phật mà lại phụng trì, tụng đọc.

Long vương thưa:

–Thưa Đại đức! Đại đức không nên quở trách các rồng ấy. Vì sao? Vì chúng đang giữ tánh mạng thầy đó. Rồng có bốn chất độc nên không thể theo đúng như pháp để thọ trì, đọc tụng. Vì sao? Vì rồng im lặng thọ trì là do nó có chất độc nơi âm thanh, nên không thể theo như pháp, nếu nó phát ra tiếng ắt hại đến tánh mạng của thầy, do đó nó đã im lặng để lắng nghe. Còn rồng nhắm mắt thọ trì vì mắt nó có chất độc nên không thể theo như pháp, nếu nó nhìn thẳng vào thầy thì ắt hại đến tánh mạng thầy, vì thế mà phải nhắm mắt. Con quay đầu ra sau để thọ trì vì có chất độc nơi khí nên không thể theo như pháp, nếu nó hà hơi ắt thầy sẽ bị hại, do đấy nó quay đầu ra sau để nghe giảng. Rồng ở xa để thọ trì vì nó có chất độc nơi xúc chạm nên không thể theo như pháp, nếu thân nó xúc chạm vào thầy ắt sẽ hại thầy, vì vậy mà nó phải đứng ở xa.

Bấy giờ, các người đi buôn đã lấy được của báu cùng trở về đến chỗ mất thầy, họ bàn với nhau:

–Trước đây chúng ta đã bị mất thầy tại chỗ này. Nếu nay trở về Đức Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên và các Tôn giả hỏi chúng ta Pháp sư Tăng Hộ đâu thì sẽ thưa nói như thế nào?

Khi ấy, biết các người buôn đang trở về, Long vương bèn đem Pháp sư Tăng Hộ giao cho họ và nói:

–Đây là Tỳ-kheo Tăng Hộ, thầy của các ông.

Các người buôn gặp lại thầy nên vui mừng khôn xiết, tất cả đều bình an trở về đất liền.

Tăng Hộ hỏi các người buôn:

–Đường thủy và đường bộ, nên đi đường nào?

Các người buôn trả lời:

–Đường thủy rất xa, phải mất sáu tháng, mà lương thực sắp hết, không thể về kip được, nên chọn cách thuận tiện là đi đường bộ.

Trên đường đi họ dừng lại nghỉ, Tỳ-kheo Tăng Hộ nói với các người buôn:

–Tôi sẽ ngủ riêng. Khi các ông lên đường trời còn tối thì hãy kêu tôi thật to.

Các người buôn vâng dạ.

Tỳ-kheo Tăng hộ bèn rời chúng ngủ riêng bên ngoài. Đầu đêm tọa thiền, giữa đêm thì ngủ. Các người buôn vào lúc giữa đêm thì thức dậy, sửa soạn lên đường cùng nhau nói là để gọi thầy Tăng Hộ, nhưng cuối cùng đều quên nên không ai gọi cả. Càng về sáng, mưa gió lại nổi lên, Tỳ-kheo Tăng Hộ tỉnh dậy, gọi lớn nhưng chẳng có ai trả lời, bèn nghĩ: “Như vậy là tội rất lớn, các bạn đã bỏ ta mà đi”.

Tỳ-kheo Tăng Hộ lạc mất bạn đường nên đi một mình. Đi chưa xa, Tỳ-kheo Tăng Hộ nghe tiếng kiền chùy nên lần theo tiếng ấy mà hướng đến chùa. Trên đường đi, Tăng Hộ gặp một người, liền hỏi:

–Vì sao mà phải có đánh kiền chùy?

Người kia trả lời:

–Là để cùng đi vào nhà tắm.

Tăng Hộ nghĩ: “Ta từ xa tới đây, có thể đến phòng tắm của chúng Tăng.” Nghĩ vậy rồi, Tăng Hộ vào phòng tắm Tăng trông thấy rất nhiều người hình tướng giống chúng Tăng và cùng nhau vào căn phòng thấp ẩm, thấy các dụng cụ để tắm rửa nào y tắm, bình, lu đựng nước, cả nhà tắm đều cháy đỏ rực. Tỳ-kheo Tăng Hộ thấy các Tỳ-kheo kia vào trong phòng tắm với lửa đang cháy khiến cho gân thịt tiêu tan, cả xương đều như tim đèn cháy. Tăng Hộ kinh hãi, hỏi các Tỳ-kheo kia:

–Các ông là người gì thế?

Các Tỳ-kheo đáp:

–Là người cõi Diêm-phù-đề, vì tánh khó có lòng tin. Ông hãy đến chỗ Phật hỏi.

Tăng Hộ sợ quá nên bỏ chạy, chưa xa lắm lại gặp một ngôi chùa, trang nghiêm, rộng lớn, đẹp và sạch, lại cũng nghe tiếng kiền chùy. Thấy Tỳ-kheo, Tăng Hộ hỏi:

–Vì sao mà đánh kiền chùy?

Tỳ-kheo đáp:

–Vì chúng Tăng ăn cơm.

Tăng Hộ suy nghĩ: “Ta nay từ xa đến đây rất đói khát cũng cần có chút gì để ăn.” Vào chùa, Tăng Hộ thấy Tăng chúng tập họp, còn đồ đựng thức ăn và tọa cụ trải ra đều cháy đỏ rực. Mọi người vào phòng ăn cũng đều cháy bùng lên, giống như trước không khác.

Tăng Hộ hỏi:

–Các ông là người gì?

Họ cũng trả lời như trước, Tăng Hộ kinh hãi liền bỏ đi thật nhanh. Đi chưa được bao xa, Tăng Hộ lại gặp một ngôi chùa trang nghiêm như trước. Vào phòng Tăng, Tăng Hộ thấy các Tỳ-kheo ngồi trên giường lửa cùng nhau đánh đập cho thịt nát, gân rớt, ngũ tạng, cốt, tủy cũng cháy như tim đèn. Tăng Hộ hỏi:

–Các ông là người gì?

Các Tỳ-kheo trả lời:

–Người cõi Diêm-phù-đề, vì tánh khó tin, hãy về hỏi Đức Phật sẽ rõ.

Tăng Hộ cũng sợ quá nên lại bỏ đi thật nhanh. Chưa bao xa, lại gặp một ngôi chùa cũng giống như trước. Vào chùa, Tăng Hộ thấy chúng Tăng đang cùng nhau ngồi ăn. Các Tỳ-kheo đó bảo:

–Ông hãy đi đi.

Tăng Hộ còn chần chừ chưa kịp đi, thì thấy trong bát của các Tỳ-kheo kia chỉ là phân người, nước sôi bắn tung ra. Khi ấy, các Tỳkheo đều cùng ăn nuốt, ăn rồi, bị lửa thiêu đốt làm cho cổ họng và ngũ tạng thành tan khói chảy xuống rồi ra ngoài. Thấy vậy, Tăng Hộ kinh hãi vội bỏ đi thật nhanh. Đi chưa được xa, Tăng Hộ lại thấy một ngôi chùa cũng trang nghiêm giống như trước. Tăng Hộ liền vào phòng Tăng, thấy các Tỳ-kheo cầm chùy sắt đánh đập lẫn nhau khiến thịt xương nát vụn như bụi. Thấy vậy, Tăng Hộ càng sợ quá nên bỏ đi. Chưa được xa, Tăng Hộ lại thấy một ngôi chùa trang nghiêm, đẹp đẽ cũng giống như trên, Tăng Hộ liền vào phòng Tăng, nghe tiếng kiền chùy, nên hỏi:

–Vì sao đánh kiền chùy?

Các Tỳ-kheo trả lời:

–Vì sắp sửa uống nước ngọt.

Tỳ-kheo Tăng Hộ tự nghĩ: “Ta nay đói khát quá cần phải uống nước ngọt.” Nghĩ xong, Tăng Hộ vào phòng chúng Tăng, thấy các đồ đựng thức ăn, giường nằm tọa cụ, còn các Tỳ-kheo thì mắng nhiếc, sỉ nhục nhau. Trong các đồ đựng thức ăn thì chứa đầy nước đồng sôi. Các thầy Tỳ-kheo đều cùng bưng uống, uống xong thì lửa cháy khiến cổ họng và ngũ tạng đều biến thành than lửa, chảy xuống bên dưới. Thấy vậy, Tăng Hộ rất kinh hãi nên vội bỏ đi. Lát sau Tăng Hộ thấy một vùng thịt lớn, lửa cháy hừng hực, tiếng kêu la đau đớn thống khổ không thể chịu nổi. Thấy vây, Tăng Hộ càng hoảng sợ, vội vã bỏ đi. Chưa bao xa, lại thấy một khoảng đất rộng giống như trên, Tăng Hộ tiến đến phía trước, thấy một vò thịt lớn đều bị thiêu cháy đỏ, đau nhức không thể chịu nổi, như trên không khác. Tiến thêm nữa, Tăng Hộ cũng gặp một cái vò thịt, đều bị lửa cháy, giống như trên. Đi nữa, Tăng Hộ lại thấy một bình thịt bị lửa đốt cháy, có tiếng kêu là rùng rợn. Đi nữa, Tăng Hộ cũng gặp một bình thịt bị lửa thiêu cháy hừng hực giống như trên. Tiến tới tiếp, Tăng Hộ lại thấy một con suối toàn là da, lửa cháy đỏ rực làm cho da tan nát với tiếng, la hét kinh hồn cũng giống như trên. Thấy vậy, Tăng Hộ càng thêm sợ hãi bỏ đi. Chặp sau lại thấy một khối thịt lớn bị lửa đốt cháy đỏ rực, khổ não như trên. Tăng Hộ bỏ đi tiếp, lại thấy một Tỳ-kheo tay cầm dao bén tự cắt mũi mình, cắt xong lại mọc ra, mọc ra lại cắt tiếp, cứ như vậy không dứt. Tăng Hộ bỏ đi tiếp, lại thấy một Tỳ-kheo tay cầm búa bén tự chặt lưỡi mình, chặt rồi lại mọc ra, lại chặt như trước không khác, Tăng Hộ đi tiếp, thấy một Tỳ-kheo đứng một mình trong nước, tự xướng lên không dứt: “Nước, nước”, chịu đủ thứ đau đớn, khổ sở.

Tăng Hộ bỏ đi tiếp, thấy một Tỳ-kheo ở trong vườn gai sắt, đứng trên gai sắt nhọn kêu gào, khổ não giống như trước. Tăng Hộ đi tiếp, thấy một tòa nhà bằng thịt bị lửa cháy đỏ, kêu gào thống khổ, giống như trên. Tăng Hộ đi tiếp, thấy một cây cọc thịt, hình như ngà voi, lửa thiêu cháy đỏ rực, đau đớn như trước. Tăng Hộ lại tiến tới nữa, gặp con lạc đà, thân thể bị lửa đốt, kêu gào khổ sở. Tăng Hộ bỏ đi tiếp, thấy một con ngựa, thân thể cũng bị lửa đốt, kêu gào rùng rợn. Đi nữa, Tăng Hộ gặp một con voi trắng, thân thể cũng bị thiêu đốt khổ não như trên. Tăng Hộ bỏ đi, lại gặp một con lừa cũng bị lửa thiêu đốt dữ dội. Bỏ đi, Tăng Hộ lại gặp một con dê cũng bị lửa đốt thân, khổ não tột bực. Tăng Hộ đi tiếp, lại gặp một đài thịt, lửa bốc cháy hừng hực. Tăng Hộ đi nữa, lại gặp một đài thịt giống như trên. Đi nữa, Tăng Hộ thấy một phòng thịt, lửa dữ đốt thân, kêu gào đau đớn. Tăng Hộ đi tiếp, gặp một rừng thịt, cũng có tiếng kêu gào đau khổ. Tăng Hộ bỏ đi tiếp, lại gặp một giường thịt, bị lửa đốt thân, cũng như trên không khác. Tăng Hộ đi nữa, gặp một cân thịt lửa đốt co giãn khổ não như trước. Tăng Hộ đi nữa, gặp một giường dây thịt lửa đốt rất khổ não, cũng như trước không khác. Tăng Hộ tiến tới, gặp một vách thịt, lửa đốt lay động, khổ não giống như trước. Tiến tới, Tăng Hộ gặp một sợi dây thịt, lửa đốt cứ mãi co giãn, giống như trên. Tăng Hộ đi tiếp, gặp một hầm xí phân dơ lình bình. Tăng Hộ đi nữa, gặp một tòa cao, trên có Tỳ-kheo nhiếp tâm ngồi thẳng, bị lửa dữ thiêu đốt, đau khổ cũng như trên. Tăng Hộ lại đi nữa, cũng gặp một tòa cao có Tỳ-kheo chịu khổ giống như trước. Đi nữa, Tăng Hộ gặp kiền chùy bằng thịt, bị thiêu đốt dữ dội giống như trước. Tăng Hộ đi tiếp, gặp một Hồkỳ-chi thịt tên là Câu-tu-la bị lửa đốt thân, chịu khổ như trước. Lại tiến lên, Tăng Hộ lại gặp một Câu-tu-la thịt khổ như trên. Tăng Hộ đi nữa, gặp một núi thịt lớn, lửa dữ đốt cháy tan nát, kêu la chấn động, khổ cực như trước. Tăng Hộ lại gặp cây Tu-mạn-na hoa bị lửa đốt chịu khổ cũng như trên. Tăng Hộ đi nữa, gặp cây Tu-mạnna hoa lửa đốt, phát tiếng kêu thống khổ như trên không khác. Đi tiếp, Tăng Hộ gặp cây trái thịt, lửa đốt phát ra tiếng kêu khổ não như trên. Tăng Hộ lại đi nữa, gặp cây trái toàn là thịt, lửa đốt cháy đỏ, khổ não cũng như trên. Đi mọt đoạn, Tăng Hộ gặp một cây bị lửa đốt dữ dội, như trước. Tăng Hộ đi tiếp, gặp một trụ thịt bị lửa dữ thiêu đốt. Đi tiếp, Tăng Hộ gặp một trụ thịt bị ngục tốt chặt phá, khổ não như trước. Tăng Hộ đi tiếp, gặp một trụ thịt lửa đốt chịu khổ cũng như trước. Tăng Hộ đi tiếp, gặp một trụ thịt, lửa đốt cháy rực khổ cũng như trước. Tăng Hộ đi tiếp, gặp mười bốn cây thịt, lửa đốt dữ dội chịu khổ như trên. Đi tiếp, Tăng Hộ thấy hai vị Tỳ-kheo dùng gậy đánh nhau, làm cho đầu bể não tan, máu mủ chảy ra, tiêu nát, rồi sinh trở lại, cuối cùng lại như ban đầu, khổ không dừng nghỉ. Tỳ-kheo Tăng Hộ đi một chút nữa, thấy hai vị Sa-di ôm nhau ngủ, lửa dữ đốt thân, khổ không dừng nghỉ. Thấy vậy Tỳ-kheo Tăng Hộ kinh hãi hỏi Sa-di:

–Ông là người thế nào mà chịu khổ như vậy?

Sa-di trả lời:

–Người cõi Diêm-phù-đề, bị tánh khó tin, thầy đến chỗ Đức Thế Tôn để hỏi.

Thấy vậy, Tỳ-kheo Tăng Hộ sợ hãi bỏ đi. Từ xa, trông thấy rừng cây tươi tốt, sum suê nên liền đi đến. Tới nơi, Tăng Hộ thấy năm trăm vị Tiên đang dạo chơi trong rừng thấy Tăng Hộ, Tiên nhân đuổi bảo tránh ra. Họ nói với nhau:

–Đệ tử của Thích-ca làm uế tạp khu vườn chúng ta.

Tỳ-kheo Tăng Hộ xin các vị Tiên nhân cho tá túc một đêm rồi mai sẽ đi sớm. Trong số các Tiên nhân, vị thượng tọa có lòng Từ bi, ra lệnh các Tiên nhỏ cho Sa-môn mượn một gốc cây. Tỳ-kheo Tăng Hộ liền được một gốc cây, trải tọa cụ bên cạnh gốc cây, rồi ngồi kiết già. Đầu đêm, Tăng Hộ diệt trừ năm thứ ngăn che, làm chướng ngại, giữa đêm thì ngủ nghỉ, cuối đêm lại ngồi thẳng, cao tiếng tụng kệ.

Bấy giờ, các Tiên nhân nghe tiếng kệ liền giác ngộ về tánh không, chứng quả Bất hoàn (A-na-hàm) thấy pháp hoan hỷ nên đến chỗ Sa-môn, đầu mặt làm lễ, xin lễ bái Sa-môn thọ ba quy y, ở trong pháp Phật xin được xuất gia. Khi ấy, Tỳ-kheo Tăng Hộ liền độ cho các Tiên nhân theo đúng như pháp mà xuất gia, dạy pháp tu thiền, không bao lâu đắc định, chứng quả A-la-hán. Như cây chiênđàn bao quanh cây chiên-đàn Tỳ-kheo đắc đạo, Hiền thánh làm chúng.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Tăng Hộ cùng các đệ tử đi đến tinh xá Kỳ hoàn trong nước Xá-vệ, tới chỗ Phật, mọi người đầu mặt đảnh lễ dưới chân rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Đức Thế Tôn ân cần hỏi:

–Trên đường đi các vị có mỏi mệt không? Khất thực có dễ không?

Tỳ-kheo Tăng Hộ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đi đường rất khỏe, không mệt, khất thực dễ dàng, không khổ cực, nay được diện kiến Thế Tôn.

Lúc này, Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp mầu cho đại chúng, Tỳ-kheo Tăng Hộ bèn đến trước Đức Thế Tôn, giữa chúng Tăng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Trên đường đi con đã thấy những sự việc nơi địa ngục, cúi xin Thế Tôn hãy nói rõ về nhân duyên từ kiếp trước cho con và đại chúng được biết.

Đức Phật bảo Tăng Hộ:

–Những gì ông thấy trước đây về các Tỳ-kheo nơi phòng tắm, đó không phải là Tỳ-kheo, cũng không phải là phòng tắm. Đấy là những người ở địa ngục. Các tội nhân này vào thời Phật Ca-diếp đều xuất gia làm Tỳ-kheo, nhưng không nương vào giới luật, chỉ thuận theo tình lý ngu tối của riêng mình, lấy đồ tắm và các vật dùng khác của Tăng chúng tùy ý sử dùng. Tỳ-kheo trì luật luôn nêu dạy quy tắc nhưng họ không chịu nghe. Từ khi Phật Ca-diếp nhâp Niết-bàn đến nay, những kẻ ấy phải chịu khổ báo trong địa ngục, đến giờ vẫn chưa hết.

Ông thấy ngôi chùa thứ hai cũng không phải chùa Tăng, lại chẳng phải là Tỳ-kheo, đó cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, họ đều là người xuất gia, năm đức không đủ. Các nhà đànviệt tạo lập chùa tháp đều cúng dường đầy đủ lý sự. Đàn-việt mới phát tâm khi xây chùa cốt yếu là đánh kiền chùy với ý nguyện để giúp đỡ rộng rãi, nhưng các Tỳ-kheo đó không đánh kiền chùy, chỉ im lặng thọ dụng, khách Tỳ-kheo đến chùa không được thức ăn uống nên trở về với bình bát không. Vì nhân duyên ấy nên bị khổ báo nơi giường lửa, đánh đập nhau, gân thịt tan nát, xương như tim đèn cháy. Từ khi Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn đến nay, mãi chịu khổ báo như vậy nơi địa ngục đến giờ vẫn chưa hết.

Ông gặp chùa thứ ba, không phải là chùa Tăng, cũng không phải là chúng Tỳ-kheo, đó cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp họ đều làm người xuất gia nhưng bê trễ, ở chung với nhiều người, cùng nói với nhau: “Bây giờ chúng ta có thể cùng thỉnh một Tỳ-kheo trì luật và làm pháp sự để có thể theo như pháp.” Tức thì tìm kiếm và được một Tỳ-kheo trì luật đảm nhận các công việc kể trên. Tỳ-kheo tịnh hạnh trì luật này lại tìm được các Tỳ-kheo đồng hành. Bấy giờ, số Tỳ-kheo tịnh hạnh dần dần tăng lên bèn đuổi những kẻ phá giới ra khỏi chùa. Khi ấy, các kẻ phá giới vào nửa đêm đã dùng lửa đốt chùa, tiêu diệt các Tỳ-kheo tịnh hạnh kia. Vì nhân duyên đó nên phải bị quả báo tay cầm chùy sắt đánh đập giết nhau. Từ khi Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn đến nay phải chịu vô số khổ não nơi địa ngục đến giờ vẫn chưa hết.

Ngôi chùa ông thấy thứ tư, chẳng phải là chùa Tăng, cũng chẳng phải là Tỳ-kheo, đó cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp họ đều làm người xuất gia luôn sống trong chùa. Một hôm có các thí chủ đem thịt mỡ đến cúng dường, nên chia cho Tăng chúng hiện tiền. Bấy giờ, có khách Tăng đến, Tỳ-kheo sống ở đó lâu hơn vì tâm tham lận nên đợi khách Tăng đi rồi mới đem ra chia, chưa kịp chia thì thấy giòi bò ra, hôi thối rữa nát, phải quăng ra ngoài. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục, phải ăn uống phân dơ. Từ khi Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn đến nay chịu khổ không ngừng.

Ngôi chùa thứ năm mà ông thấy thì chẳng phải là chùa Tăng, cũng chẳng phải là Tỳ-kheo, đó cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Ca-diếp họ đều là người xuất gia, vào giờ thọ thực đều không ăn đúng như pháp, lại ác khẩu, mắng nhiếc nhau. Vì nhân duyên đó mà bị khổ báo nơi giường sắt nóng trong các đồ đựng những thức ăn bất tịnh thì nước sôi tung tóe tràn lan, gân thịt tiêu tan, xương như bó đuốc. Từ khi Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn đến nay phải chịu khổ báo không ngừng.

Ngôi chùa thứ sáu mà ông gặp đó chẳng phải là chùa Tăng, cũng chẳng phải là các Tỳ-kheo, đó cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp họ đều là người xuất gia, không đánh kiền chùy, mà lại im lặng cùng nhau uống nước ngọt, sợ Tăng bên ngoài đến. Do tham lam, bỏn sẻn như thế nên bị đọa vào địa ngục, uống nước đồng sôi. Từ khi Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn đến nay mãi bị khổ báo không ngừng.

Đức Phật lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Vùng đất thứ nhất ông gặp chẳng phải là mặt đất, đó cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp họ đều là người xuất gia, ruộng của chúng Tăng mà tự ý trồng trọt, không chia hoa lợi cho chúng Tăng. Lúc đó, vị Tỳ-kheo trì luật y vào giới pháp quở trách: “Vì sao thầy không trả hoa lợi cho Tăng chúng?”

Tỳ-kheo ấy ỷ vào thế của quan quyền không chịu nghe, lại trả lời: “Tôi là người ở của thầy chăng? Nếu thầy có sức mạnh sao không tự gieo trồng?” Vì nhân duyên đó mà bị đại khổ báo trong địa ngục. Từ khi Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn đến nay mãi chịu khổ không ngừng.

Vùng đất thứ hai mà ông gặp chẳng phải là mặt đất, mà chính là tội nhân. Vào thời Phật Ca-diếp họ là người bạch y, trồng trọt nơi ruộng của Tăng chúng mà không chia hoa lợi cho Tăng. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm đất thịt lớn, chịu các khổ báo đến nay chưa hết.

Bình thịt thứ nhất mà ông thấy, chẳng phải là bình thịt mà chính là tội nhân. Vào thời Phật Ca-diếp, đó là hàng thượng tọa trong chúng Tăng, nhưng không ngồi thiền, tụng kinh, không hiểu giới luật, chỉ biết ăn no ngủ kỹ, bàn luận về những điều không ích lợi, luôn ăn trước những món cúng dường ngon. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục, làm bình thịt lớn bị lửa thiêu đốt, khổ não, cho đến nay vẫn chưa hết.

Bình thịt thứ hai mà ông gặp, chẳng phải là cái bình mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, là người xuất gia nhưng năm đức không đủ, lo phần nhà bếp cho Tăng chúng, những đồ cúng dường ngon ngọt thì ăn trước, còn dọn cho Tăng chúng những món dở. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục, làm bình thịt lớn bị lửa thiêu đốt, chịu khổ báo đến nay vẫn chưa hết.

Bình thịt thứ ba mà ông gặp, chẳng phải là cái bình mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, là người cung cấp thức ăn uống cho Tăng chúng. Lúc làm công việc ấy những món ngon ngọt thì tự ăn trước, hoặc đem cho vợ con, còn món dở thì dọn cho chúng Tăng dùng. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm bình thịt lớn, bị lửa đốt khổ não, đến nay vẫn không hết tội.

Đức Phật lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Cái bình thứ nhất ông trông thấy đó chẳng phải là bình mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, làm người xuất gia, giữ nhà bếp cho Tăng chúng, cái đáng ăn vào buổi sáng thì cất lại qua ngày sau, thức ăn ngày sau thì để đến ngày kia. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm bình thịt lớn, chịu khổ báo bị lửa đốt, đến nay vẫn chưa dứt.

Cái bình thứ hai ông thấy đó chẳng phải là cái bình mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp là người xuất gia, thường sống trong chùa. Có đàn-việt đem đến một bình bơ để cúng dường cho Tăng hiện tiền, ai cũng được phần. Người tri sự này thấy có khách Tăng đến, liền lấy bơ giấu đi. Đợi khách Tăng ra về sau đó mới đem chia. Vì nhân duyên ấy mà bị đọa vào địa ngục, làm bình thịt lớn, chịu khổ báo bị lửa đốt, đến nay vẫn không hết.

Ông gặp người đứng yên trong nước đó, chẳng phải là Tỳ-kheo mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp kẻ ấy là người xuất gia gánh nước cho Tăng chúng. Thấy Tăng chúng dùng nước ban đầu thì ít, sau thì quá nhiều nên vừa ý vị nào thì cho đủ nước, còn các vị khác thì không cung cấp. Do nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục, đứng một mình trong nước, kêu “nước, nước” chịu đại khổ báo như vậy, đến nay vẫn chưa hết.

Cái vò lớn ông đã gặp, chẳng phải là cái vò lớn, mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia, vì Tăng chúng làm Tri sự, những thứ trái cây ngon, thơm thì ăn trước, còn dọn trái chua, dở cho chúng Tăng. Thấy hợp ý với ai thì lựa cho trái ngon. Vì không bình đẳng mà bị đọa vào địa ngục, làm vò thịt lớn, chịu khổ báo bị lửa đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy vị Tỳ-kheo cầm dao xẻo mũi, đó không phải là Tỳkheo mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp kẻ ấy làm người xuất gia, hỷ mũi làm ô uế khu đất sạch của chúng Tăng. Vì nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục, tự cầm dao xẻo mũi mình, chịu khổ báo bị lửa đốt đến nay vẫn còn.

Ông thấy vị Tỳ-kheo cầm búa bén chặt luỡi của mình, đó không phải là Tỳ-kheo, mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Cadiếp kẻ đó xuất gia làm Sa-di, nhận công việc phân chia đường phèn cho chúng Tăng, khi dùng dao chặt đường ra từng cục nhỏ trên dao còn dính chút ít đường phèn, Sa-di bèn liếm ăn. Vì nhân duyên đó mà bị khổ báo tự chặt lưỡi, đến nay vẫn chưa dứt.

Đức Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Con suối ông đã trông thấy đó chẳng phải là nước suối, mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp người đó xuất gia làm Sadi, chia đường phèn cho Tăng rồi tự lấy nếm trước, sau còn dư lại đem đưa cho chúng Tăng, nên bị thiếu chia khắp không đủ. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm suối thịt lớn, bị lửa thiêu đốt cháy tan rã, chịu đại khổ báo, đến giờ vẫn cõi Phật chưa hết.

Ông thấy vị Tỳ-kheo đứng trên gai nhọn, đó chẳng phải là Tỳkheo, mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia, luôn ác khẩu, mắng nhiếc các Tỳ-kheo. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục, đứng trên gai nhọn sắt, chịu khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay vẫn chưa dứt.

Ông thấy chiếc xe thịt, đó chẳng phải xe thịt, mà cũng là người

nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia, sống trong chùa mà không đủ năm đức, giữ coi việc nhà bếp cho Tăng chúng, những thức ăn ngon ngọt thì ăn trước, hoặc lấy đem cho nhà bạch y, lại dọn chúng Tăng ăn không bình đẳng. Vì nhân duyên ấy mà chịu khổ báo trong địa ngục, đến nay vẫn còn.

Ông thấy cái cọc thịt, thật ra không phải là cái cọc, mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia, thường trụ trong chùa, trên tường vách của Tăng chúng đóng đầy các cọc, đó chẳng phải là việc làm của Tăng, rồi treo y bát của mình lên. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm cái cọc thịt, bị lửa đốt chịu khổ báo đến nay vẫn chưa hết.

Đức Phật lại nói với Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Con lạc đà ông đã gặp thật ra chẳng phải là lạc đà mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia làm Thượng tọa trong chùa, luôn giữ lấy phần thức ăn của một, hai người. Có vị Tỳ-kheo trì luật theo như pháp mà chỉ dẫn, nói: “Pháp của Thượng tọa không nên làm như vậy.” Khi ấy, Tỳ-kheo kia đó trả lời: “Thầy không biết gì cả! Tiếng nói giống như lạc đà. Trong chúng Tăng này tôi là Thượng tọa, chú nguyện thuyết pháp có khi đọc kệ tụng, công sức khổ nhọc đáng nhận phần nhiều hơn, vì sao thầy lại quở trách tôi.” Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục, làm thân lạc đà, bị lửa đốt phải kêu gào, khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy con ngựa, thật ra không phải là ngựa mà cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là một vị Tăng luôn lấy đồ cúng dường của Tăng ăn uống quá phần, hoặc đem cho quyến thuộc, hay các cư sĩ quen biết. Có các Tỳ-kheo biết được trách cứ: “Thầy không nên làm như vậy!” Tỳ-kheo kia ác khẩu cự lại: “Các thầy giống như loài ngựa, ăn mãi không no! Tôi đã vì Tăng chúng làm nhiều việc khổ cực, công lao đáng được thọ lãnh nhiều hơn chứ”, vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm thân ngựa, bị lửa thiêu đốt chịu đại khổ báo, đến nay vẫn còn.

Ông thấy con voi ấy, thạt ra không phải là voi mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia, giữ nhà bếp cho Tăng chúng. Có các đàn-việt đem những vật cúng dường đến cúng cho chúng Tăng. Sau khi ăn, đàn-việt hỏi: “Thưa Đại đức! Lúc này vẫn còn có thể đánh kiền chùy tập hợp, để cúng dường nữa không?” Tỳ-kheo ấy lại ác khẩu trả lời: “Các Tỳ-kheo đó khác gì loài voi trắng, ăn rồi mà không no hay sao, vừa ăn xong lại còn đòi đánh kiền chùy để ăn nữa?”

Nói xong, ông bèn giữ thức ăn lại để ngày hôm sau. Vì nhân duyên ấy mà bị đọa trong địa ngục làm thân voi trắng, bị lửa thiêu đốt không thể chịu đại khổ não, đến nay vẫn còn.

Ông thấy con lừa đó, thật ra chẳng phải là lừa, mà cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia giữ nhà bếp cho Tăng, nhưng không đủ năm đức, những lúc phân chia thức ăn uống, tự mình luôn nhận phần của hai, ba người. Tỳkheo trì luật quở trách. Tỳ-kheo này trả lời: “Tôi giữ nhà bếp và vườn cây ăn trái cho Tăng chúng, công lao khổ nhọc, ông và các Tỳ-kheo không biết công ơn của tôi gì cả! Thật chẳng khác gì con lừa, chỉ lo bản thân mình, sao không im lặng đi?” Do nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm thân lừa chịu khổ báo đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy con dê đực, thật ra đó là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia làm chủ một ngôi chùa, mọi việc trong ngoài đều kiểm soát nhưng không dạy dỗ các đệ tử. Các Tỳ-kheo nhỏ không theo đúng như pháp trong những lúc đánh kiền chùy. Các thầy Tỳ-kheo trì luật nói: “Thủ tọa chùa sao đánh kiền chùy mời chúng Tăng tập hợp không đúng giờ giấc?” Tỳ-kheo trụ trì trả lời: “Tôi gánh vác công việc của chúng Tăng rất là khổ nhọc. Tỳ-kheo các ông giống như con dê đực chỉ biết mỗi việc ăn uống, sao không tự mình đánh đi?” Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục, làm thân dê đực bị lửa thiêu đốt đau khổ dữ dội, đến nay vẫn chưa hết.

Bấy giờ Đức Phật lại nói với Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Cái đài thịt mà ông đã gặp thật ra chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia giữ công việc trải tọa cụ cho Tăng chúng, lại đóng cửa phòng, gài kỹ cửa sổ rồi bỏ đi chơi khắp nơi, khiến chúng Tăng không thể vào phòng để trải tọa cụ được. Vì nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục làm cái đài thịt lớn, bị lửa thiêu đốt khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Cái đài thịt ông thấy thứ hai không phải là đài mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia làm chủ một ngôi chùa, chọn phòng xá tốt đẹp để tự dùng riêng và cho những người quen biết, hoàn toàn không theo giới luật, tùy tiẹn chia phòng không bình đẳng. Vì nhân duyên này nên bị đọa trong địa ngục làm cái đài thịt lớn, chịu khổ trăm bề, đến nay vẫn còn.

Ông thấy cái phòng thịt ấy thật ra đó chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia, ở trong phòng của Tăng chúng cho là của mình nhất định không chịu dời chỗ, cũng không dựa theo giới luật để phân chia phòng theo thứ lớp. Do đó mà bị đọa vào địa ngục làm cái phòng thịt, bị lửa thiêu đốt khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Đức Phật nói tiếp:

–Ông thấy cái giường dây đó, thật ra không phải là giường mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia, lấy giường dây của Tăng chúng. Không theo giới luật tự ý sử dụng riêng như đồ của chính mình, không chịu phân chia. Vì nhân duyên này mà bị đọa trong địa ngục làm giường dây thịt, chịu khổ lửa đốt, đến nay vẫn chưa hết tội.

Ông gặp cái giường dây thứ hai, thật ra ấy là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia, phá giường dây của Tăng, rồi tự đem thiêu đốt. Vì nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục làm giường dây thịt, bị lửa thiêu đốt rất khổ não, đến nay mà vẫn chưa hết.

Ông thấy cái tọa cụ bằng thịt đó, thật không phải là tọa cụ mà cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia, dùng tọa cụ của Tăng chúng, giống như của chính mình có, hay lấy chân giẫm đạp lên, không y theo giới luật. Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục, làm tọa cụ thịt, bị lửa đốt co giãn, chịu khổ trăm mối, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy cây móc thịt đó, thật ra không phải là cây móc, mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia, lấy móc cầm tay của Tăng chúng xem như của chính mình, không sống theo giới luật, hoặc có khi đem hủy hoại đi. Vì nhân duyên ấy mà bị đọa trong địa ngục làm cây móc thịt bị lửa đốt khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy cái giường dây thịt đó, thật ra không phải là giường dây, mà cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, ỷ cậy vào thế lực của vua chúa, xem mình tựa như là bậc Thánh đức, bốn hàng đệ tử đều cùng lời khen ngợi. Bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy im lặng nhận lời tán dương kia, khi được dâng giường dây tốt và các thức ăn uống thì vị Tỳ-kheo đó tiếp nhận với tâm xem mình như bậc Thánh. Vì nhân duyên ấy mà bị đọa vào địa ngục làm giường dây thịt, bị lửa thiêu đốt khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy cái vách thịt đó, thật ra chẳng phải là vách, mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, đóng cọc trên tường của chúng Tăng để treo các thứ y, bát của mình. Vì nhân duyên này mà bị đọa trong địa ngục làm vách thịt lớn, bị lửa thiêu đốt khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Sợi dây thịt ông đã gặp, thật ra không phải sợi dây mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, là người xuất gia lấy dây dùng của chúng Tăng tự sử dụng riêng. Vì nhân duyên này mà bị đọa trong địa ngục làm dây thịt lớn, bị lửa thiêu đốt rất khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy hầm xí, thật ra không phải là hầm xí mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, đến chùa của Tỳ-kheo, đi đại tiểu tiện vào đất sạch của Phật, Tăng. Có Tỳkheo trì luật theo như pháp quở trách, nhưng không chịu nghe khiến mùi hôi thối bay vào chỗ ở của chúng tăng. Vì thế mà bị đọa trong địa ngục, làm hầm xí thịt, thọ khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy Pháp sư ngồi nơi tòa cao, thật ra không phải là Pháp sư, mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, không rành luật của Tăng, tội trọng nói khinh, tội khinh nói trọng. Người tội không có căn cứ lại nói có căn cứ, người có căn cứ lại nói không có căn cứ. Đáng sám hối nói không nên sám hối, không đáng sám hối thì bắt buộc phải sám. Vì nhân duyên ấy mà bị đọa trong địa ngục ngồi trên chỗ cao bị lửa thiêu đốt khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy Pháp sư ngồi tòa cao thứ hai, đó cũng chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là Đại pháp sư, giảng nói pháp tà để được nhiều lợi dưỡng, nếu theo lý mà nói thì chẳng được bao nhiêu. Chánh pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là chánh pháp. Vì nhân duyên này mà bị đọa trong địa ngục ngồi trên cao chỗ bằng sắt, bị lửa thiêu đốt khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy cái kiền chùy thịt kêu la, đó chẳng phải là kiền chùy mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia, lấy vật của Tam bảo, đánh kiền chùy phi pháp, dối trá làm pháp Yết-ma để lấy vật của chúng Tăng, tự mình thọ dụng. Vì lý do đó mà bị đọa trong địa ngục, làm kiền chùy bằng thịt, bị lửa thiêu đốt rất đau đớn, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy Câu-tu-la, thật ra đó là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, làm chủ chùa Tăng, lấy thức ăn trong nhà bếp của Tăng đem bán, lấy vật dùng làm y áo, làm mất phần cúng dường của Tăng. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm Câu-tu-la bằng thịt, bị lửa thiêu đốt rất đau khổ, đến nay vẫn còn.

Ông thấy Câu-tu-la thứ hai, thật ra không phải Câu-tu-la mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ đó là người xuất gia, giữ chức Duy-na, phân phát vật dụng cho Tăng chúng, lấy vật của mùa xuân mà đổi thành mùa hạ, y áo vật dụng cho mùa hạ đem đến phần giữa mùa đông. Vì nhân duyên ấy mà bị đọa trong địa ngục làm Câu-tu-la thịt, bị lửa thiêu đốt rất khổ não, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy núi thịt lớn ấy, thật ra đó cũng là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, làm Điển tọa của Tăng chúng mà không đủ năm đức, ít có uy lực nên hay trộm cắp vật của Tăng, làm mất y áo của Tăng chúng. Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục, làm núi thịt lớn, bị lửa thiêu đốt rất đau khổ, đến nay vẫn chưa dứt.

Đức Thế Tôn lại nói:

–Cây cột Tu-mạn-na ông thấy đầu tiên đó, thật ra không phải là một cây cột, mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Cadiếp, kẻ kia là người xuất gia, giữ pháp Phật. Bốn hàng đệ tử và các đàn-việt lấy hoa Tu-mạn-na rải cúng dường Phật. Hoa khô rồi, Tỳkheo ấy bèn quét lấy bán để dùng riêng cho mình. Vì nhân duyên đó nên bị đọa trong địa ngục, làm cây cột Tu-mạn-na, bị lửa thiêu đốt dữ dội, đến nay vẫn chưa dứt.

Cây cột Tu-mạn-na ông thấy tiếp theo, chẳng phải là cây cột mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, coi giữ việc cúng dường tháp. Bốn hàng đệ tử và các đàn-việt dùng dầu Tu-mạn-na, hoa đem cúng dường Phật, Tỳ-kheo bèn lấy bớt để dùng riêng cho mình. Vì nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục, làm cột Tu-mạn-na, bị lửa thiêu đốt chịu khổ báo, đến nay vẫn chưa hết.

Ông thấy cây hoa, thật ra cây đó là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, giữ vườn cây ăn trái cho Tăng chúng. Có hoa trái tốt thì lấy dùng riêng cho mình, hoặc cho người bạch y. Vì nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục làm cây hoa lớn, bị thiêu đốt khổ não, đến nay vẫn chưa dứt.

Ông thấy cây ăn quả ấy, thật ra không phải là cây ăn quả mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người xuất gia, giữ vườn cho Tăng chúng, lấy trái thơm tươi tốt ăn một mình, hoặc đem cho hàng bạch y. Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục làm cây hoa thịt, chịu khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay vẫn chưa dứt.

Ông thấy cây thịt, thật ra chẳng phải, cây ấy là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, làm việc gánh củi cho Tăng chúng, lấy củi của chúng Tăng đem vào phòng mình để dùng riêng, hoặc lấy cho người quen biết. Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục làm cây thịt lớn, chịu khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay vẫn còn.

Đức Phật lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Ông thấy cột thịt thứ nhất, thật ra trụ đó là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, thường trú trong chùa, đã phá trụ cột nơi tháp của Phật để dùng riêng cho mình. Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục làm cái cột thịt lớn, chịu khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay vẫn còn.

Ông thấy cây cột thịt thứ hai, thật ra chẳng phải là cây cột mà

là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là người bạch y, dùng dao lấy vàng thếp trên tượng Phật. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm cây cột thịt, bị bọn ngục tốt cầm búa chặt thân, chịu khổ báo lửa dữ thiêu đốt, đến nay vẫn chưa dứt.

Ông thấy cây cột thịt thứ ba, thật ra cây cột ấy là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, kẻ kia là người xuất gia, làm việc cho Tăng chúng, dùng kèo cột của chùa đem cho bạch y. Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục làm cây cột thịt lớn, thọ khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay chưa dứt.

Ông gặp bốn cây trụ, thật ra đó chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, họ là người xuất gia, năm đức không đủ, làm chủ trong đại chúng, vì chúng Tăng mà xử đoán sự việc, chỉ theo ý thích thương hay ghét, luôn sân, si, xử đoán các việc không công bằng. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục làm bốn cây cột, chịu khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay chưa dứt.

Ông gặp mười bốn cây đó, thật ra không phải là cây mà chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, họ đều là người xuất gia, thường trú trong chùa giữ việc phân chia tọa cụ, không y theo giới luật, cái tốt lấy cho mình, tùy tiện yêu ghét mà phân chia xấu tốt sai khác. Trong pháp Phật, Tỳ-kheo rất nhiều thì phải theo thứ lớp mà nhận. Vì không công bằng nên mười bốn người này bị đọa vào địa ngục làm cây thịt lớn, chịu khổ báo bị lửa thiêu đốt, đến nay vẫn chưa dứt.

Ông thấy hai vị Tỳ-kheo, thật ra không phải là Tỳ-kheo mà là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, họ đều là người xuất gia, ở trong đại chúng nhưng hay tranh cãi, đánh nhau. Vì nhân duyên đó mà bị đọa trong địa ngục, bị lửa dữ thiêu đốt thân, bị khổ vì đánh nhau, đến nay chưa ngừng.

Ông thấy hai vị Sa-di, thật ra đó chính là người nơi địa ngục. Vào thời Phật Ca-diếp, cả hai đều là người xuất gia làm Sa-di, hai người luôn ôm nhau trong một tấm mền mà ngủ. Vì nhân duyên đó mà bị đọa vào địa ngục, bị lửa thiêu đốt, chịu khổ báo ôm nhau trong mền mùng, đến nay vẫn còn.

Đức Thế Tôn nói tiếp:

–Vì sao nay ta nói với ông những kẻ bị đọa vào địa ngục, người xuất gia thì nhiều mà hàng bạch y lại rất ít? Vì người xuất gia thường hay phạm giới, không thuận theo Tỳ-ni, khinh khi, mắng nhiếc nhau, lấy vật của chúng Tăng dùng riêng cho mình, phân chia thức ăn thì không công bằng, do đó mà nay Ta giảng nói rõ lại cho ông, để ông siêng năng trì giới, tôn trọng mà phụng trì.

Đức Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Ta nay nói với ông về những Tỳ-kheo ấy vào thời quá khứ làm người xuất gia mà phá giới, dù không tinh tấn nhưng bốn hàng đàn-việt thấy các Tỳ-kheo đó oai nghi giống như Tăng nên luôn cung kính Tăng bảo, cúng dường đầy đủ bốn thứ cần dùng cho họ. Hàng đàn-việt ấy còn có thể đạt được phước báo lớn vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn. Ta lại nói với ông về những tội nhân đã nêu. Đời trước xuất gia vì phạm vào vật của Tăng chúng mà bị đọa nơi đại địa ngục. Trong đời vị lai, nếu có các bạch y lấy vật dụng của chúng Tăng thì tội nặng hơn người xuất gia trước trăm ngàn vạn lần không thể nói hết. Ta lại nói với ông biết rằng, một Tỳ-kheo thuận theo giới luật ở trong Già-lam đúng như pháp mà hành đạo, đánh kiền chùy đúng giờ, nếu ai cúng dường cho vị ấy thì được phước vô lượng nói không thể hết, huống chi là cúng dường cho Tăng chúng khắp bốn phương.

Đức Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Hoặc người xuất gia, làm việc cho Tăng chúng mà khó hành trì tịnh giới. Xét các Tỳ-kheo ấy khi mới xuất gia ưa thích hành trì tịnh giới, có tâm cầu Niết-bàn, vậy những khi bốn hàng đàn-việt đưa đồ cúng thì các Tỳ-kheo đó nên thọ nhận các vật cúng dường ấy để kiên trì tịnh giới, về sau không sinh phiền não.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại những ý nghĩa đã nêu nên nói kệ:

Trì giới vui đệ nhất
Thân không bị phiền não
Ngủ nghĩ được an ổn
Tỉnh dậy tâm hoan hỷ.

Đức Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Có chín hạng người luôn bị đọa trong đại địa ngục A-tỳ:

  1. Ăn dùng vật của chúng Tăng.
  2. Ăn dùng vật của Phật.
  3. Giết cha.
  4. Giết mẹ.
  5. Giết A-la-hán.
  6. Phá hòa hợp Tăng.
  7. Phá Tỳ-kheo hành tịnh giới.
  8. Xâm phạm tịnh hạnh nơi Tỳ-kheo-ni.
  9. Làm hàng Nhất xiển đề.

Đó là chín hạng người luôn ở trong địa ngục A-tỳ.

Có năm hạng người và hai chỗ thọ báo. Hai chỗ thọ báo là:

  1. Ở địa ngục.
  2. Ở ngạ quỷ.

Ở địa ngục thì như ông đã thấy, đó là các địa ngục. Hạng ở ngạ quỷ thì thân hình cao lớn.

Những gì là năm hạng người:

  1. Ngăn cản việc bố thí vật cho chúng Tăng.
  2. Dứt bỏ sự bố thí thức ăn cho chúng Tăng.
  3. Cướp giựt đồ cúng dường của Tăng chúng.
  4. Người đáng được bố thí thì làm cho họ không được nhận.
  5. Chánh pháp thì nói là phi pháp. Phi pháp thì nói chánh pháp.

Năm hạng người này thọ nhận hai quả báo kia, nghiệp còn lại thì chịu khổ trong năm đường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên nên nói kệ:

Gây ác đọa địa ngục
Tạo thiện thọ vui trời
Ai thường tu không định
Lậu diệt chứng Niết-bàn.

Đức Phật lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Ông đã thấy Long vương nơi biển lớn thọ thân rồng như vậy, răng, giáp, vảy, sừng, tướng trạng rất đáng sợ, hôi thối không thể lại gần, vì ở trong loài súc sinh nên bị chướng ngại đối với pháp xuất gia, cũng chướng ngại cho việc tu thiền, không có tám quả giải thoát, tuy được sống lâu, nhưng vẫn không thể tránh khỏi việc bị chim cánh vàng ăn nuốt. Sau khi qua đời, nó được sinh lên cõi trời Đâu-suất, hết tuổi thọ ở đấy thì được làm thân người, khi Đức Phật Di-lặc ra đời thì làm vị đại trưởng giả, giàu có, của cải vô số, cũng làm đại đàn-việt, cúng dường, cung cấp cho Đức Thế Tôn Di-lặc và các Tỳkheo đầy đủ bốn thứ cần dùng. Các trưởng giả ấy có đến năm trăm người xuất gia cùng một lúc, chứng được quả A-la-hán, công đức đồn xa, được nhiều người biết. Các Long vương đó hãy còn có thể đạt được công đức như vậy, huống chi là đệ tử của Ta, đúng như pháp xuất gia ngồi thiền, tụng kinh, ba nghiệp giữ trọn vẹn, thanh tịnh, chắc chắn chứng được Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tự nói kệ:

Người quy y Phật
Được lợi lành lớn
Ngày đêm trong tâm
Luôn luôn niệm Phật.
Người quy y Pháp
Được lợi lành lớn
Ngày đêm trong tâm
Luôn luôn niệm Pháp.
Người quy y Tăng
Được lợi lành lớn
Ngày đêm trong tâm
Luôn luôn niệm Tăng.

Lúc này đệ tử của Pháp sư Tăng Hộ và năm trăm người đi buôn, ở trong đại chúng, nghe Phật giảng nói pháp bỗng nhiên kinh hãi, tỏ ngộ về sự vô thường, cùng nói với nhau:

–Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, trải qua mọi nơi chốn, thọ nhận khổ não theo sinh tử, đều do vô minh, tham ái tạo ra.

Nói vậy xong họ cùng nhau đứng dậy, quỳ dài chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Từ hôm nay, chúng con xin quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, trọn đời không phạm.

Đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Cúng dường chúng Tăng, trong đó có vị đáng được cúng dường, có vị không được cúng dường. Vị nào đáng được? Đó là người trì giới đầy đủ, ra vào luôn chánh niệm, giữ tất cả giới trọng cũng như giới khinh, sợ hãi không dám phạm. Những người như vậy đáng thọ nhận sự cúng dường. Đức Thế Tôn nói kệ:

Hoan hỷ nhận người cho
Ba y luôn biết đủ
Định tuệ tu ba nghiệp
An lạc nơi hang núi.

Đức Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo Tăng Hộ:

–Người nào không đáng được nhận cúng dường? Người trì giới không trọn vẹn, ra vào không chánh niệm, không sợ giới khinh trọng. Người như vậy đáng được nhận cúng dường. Đức Thế Tôn nói kệ:

Thà nuốt thỏi sắt lớn
Thiêu đốt như lửa cháy
Phá giới, không nên nhận
Thức ăn của tín thí.

Đức Phật bảo:

–Thiện nam, thiện nữ nào nghe bài kệ này, có thể phát sinh tâm tin tưởng, ưa thích xuất gia thì luôn trì giới thanh tịnh, tôn trọng vâng giữ.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như vậy thì năm trăm vị Tiên nhân, nơi đời quá khứ, ở trong pháp nào mà vun trồng được các căn lành, vào những thời gian nào để tu hành đạo nghiệp, nhờ nghiệp duyên gì mà nay được xuất gia, phiền não, các lâu đều dứt sạch chứng quả A-lahán? Như Lai là Bậc Biến Chánh Tri, thông suốt ba đời, biết các Tiên nhân từng tu tập nghiệp lành, ở giữa đại chúng xin Thế Tôn giảng nói về bản duyên cho chúng con được rõ.

Đức Thế Tôn nói:

–Trong Hiền kiếp này, về đời quá khứ, vào thời Phật Ca-diếp xuất thế, con người sống hai vạn tuổi. Khi ấy, có một đại trưởng giả tên là Cung Ý, giàu có vô lượng, có lòng hiếu hạnh, chỉ phạm một lỗi nhỏ với cha mẹ thì liền xấu hổ, sám hối. Ông liền đến chỗ Phật xin xuất gia tu tập, học đạo chưa bao lâu thì làm Đại pháp sư. Tỳkheo Cung Ý thuyết pháp, hóa độ cho năm trăm người đệ tử, rồi vào núi rừng, ở nơi vắng vẻ tịch tĩnh, tu tập, thiền định, sinh tâm hoan hỷ và cũng chỉ dạy các đệ tử cùng tu thiền định, trở thành những bậc pháp khí chứng đắc thiền định. Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm, luôn tinh tấn không dừng nghỉ mà chưa thể quán được tuệ, nên thầy trò cùng đốc suất nhau phát thệ nguyện: “Ngày nay thầy trò chúng con theo nhau ở trong chánh pháp của Đức Như Lai Ca-diếp xuất gia tu đạo, trì giới tu tập định tuệ, xin đem căn lành này, nguyện vào đời vị lai được gặp Phật Thích-ca đầy đủ mười tôn hiệu là Bậc Thế Tôn, hoàn toàn chân thật không hư dối trở lại gặp Hòa thượng, độ chúng con xuất gia dứt hết các lậu chứng đắc đạo quả.” Đức Phật nói với các Tỳ-kheo:

–Trưởng giả Cung Ý thời đó đâu phải là người nào xa lạ mà chính là Tỳ-kheo Tăng Hộ. Còn năm trăm người đệ tử chính là năm trăm vị Tiên nhân kia. Nhờ đời quá khứ thời Phật Ca-diếp, đã gieo trồng các căn lành, nhờ phát nguyện mà nay được chánh kiến, trở lại gặp Hòa thượng chánh tín xuất gia, các lậu dứt sạch chứng đắc đạo quả.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng giảng nói về các nhân duyên xong, bốn bộ chúng đều hoan hỷ phụng hành.

Nhà tắm và sáu chùa
Hai đất cùng ba bình
Hai bình và suối thịt
Một vò, đao xẻo mũi.
Chặt lưỡi, đứng trong nước
Đứng trên gai, chuồng thịt
Lạc đà, voi trắng, lừa
Dê đực, hai đài thịt.
Phòng thịt, hai giường dây
Cân thịt, móc cầm tay
Giường, vách và dây thịt
Hố xí, hai tòa cao.
Chày, hai núi Câu-tu
Hai cột Tu-ma thịt
Hoa, trái, một cây thịt
Một cây, ba cột thịt.
Hai đôi, mười bốn cây
Hai Tăng, hai Sa-di
Hợp thành năm mươi sáu
Thuyết pháp nhân duyên xưa
Phật nhân Tăng Hộ nêu.