KINH HƯ KHÔNG TẠNG BỒ-TÁT THẦN CHÚ
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Đàm-ma-mật-đa, người nước Kế Tân
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ngụ ở núi Khư-la, là trú xứ của vị tiên Y Chánh Giác, cùng với vô số chúng đại Tỳ-kheo, Thanh văn đông đủ, lại cùng với vô lượng, vô số hằng hà sa Đại Bồ-tát đều vân tập đến.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì đại chúng đã thuyết giảng xong kinh Như Lai Công Đức, tức thì ở phương Tây có ngọc báu Như ý xuất hiện, do vô lượng trăm ngàn ngọc báu Thích-ca Tỳ-lăng-già vây quanh, tạo nên sự trang nghiêm. Ánh sáng của ngọc báu ấy đã che khuất tất cả các thứ ánh sáng khác, chỉ còn thấy có hào quang nơi Đức Phật và ngọc báu Như ý. Ngoài ra, vô số vô lượng hình sắc còn lại đều như hư không, chỉ có ánh sáng nơi Đức Như Lai thì càng hiện rõ. Mọi người ở trong chúng hội không thấy thân mình và cũng chẳng trông thấy nhau. Các hình sắc khác nơi đại chúng cũng đều chìm khuất không còn hiện ra trước mắt, thân mất hẳn hình tướng và mọi sự xúc chạm, theo chỗ quán sát cũng chỉ thấy như hư không. Cũng không thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, cảnh giới của bốn đại, tất cả hầu như không còn hiện hữu. Mắt không thể thấy sắc, tai không nghe âm thanh, mũi không ngửi mùi hương, không có tâm và các pháp của tâm, không có ngã và đối tượng của ngã cùng sáu nhập để dấy khởi tưởng, nhìn về phương khác cũng chẳng thấy các đại. Đứng ở phương này, chỉ thấy ánh sáng nơi sắc tướng của Phật, lại thấy từ xa là ngọc báu Như ý do vô lượng trăm ngàn ngọc báu Thích-ca Tỳlăng-già vây quanh tạo nên sự trang nghiêm, ngoài ra không còn thấy gì khác. Trong chúng hội thì các vị Bồ-tát trụ nơi Địa thứ mười, chứng được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, là bậc Nhất sinh bổ xứ với thân cuối cùng nhìn thấy các hiện tượng như vậy là không khiếp sợ, vì đã thấu tỏ tánh của pháp là không, như thật tế, cho nên không sợ hãi, còn các Đại Bồ-tát khác, các Thanh văn, các chúng Trời, Rồng, Dạxoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Cưu-bàn-trà, Tỳ-xá-già, Phúđơn-na, Ca-trá Phú-đơn-na, Nhân phi nhân, hiện đang có mặt đều rất kinh sợ, lo lắng, bối rối, tâm ý loạn động, không thấy nhau, cũng không biết hỏi ai, các sự việc này là do nhân duyên gì từ thần lực của một bậc nào chăng?
Bấy giờ, trong chúng có Đại Bồ-tát tên là Phạm Đức, chắp tay hướng về Đức Phật nói kệ:
Tánh như của các pháp
Những người không có trí
Trụ chấp nơi sắc ấm
Sáu tình, căn che mờ.
Không thấy nơi một ấm
Suy nghĩ cầu sắc ấm
Nơi pháp Phật sinh nghi
Trong đó có người này.
Đây kia cũng như vậy
Biết khắp tướng hư không
Tam-muội dũng mãnh ấy
Thân kia không thể nêu.
Ngọc báu lớn Như ý
Thấy ở tại đỉnh đầu
Thích-ca Tỳ-lăng-gia
Đều thấy rõ từ xa.
Là tuệ lớn chúng sinh
Đạt định Thủ-lăng-nghiêm
Các bậc Đại trí tuệ
Muốn đến gặp Thế Tôn.
Nay nói pháp sâu xa
Chắc chắn không còn nghi
An ủi chúng hội này
Đều quy ngưỡng Thế Tôn.
Hành xứ bậc Dũng mãnh
Hóa độ các chúng sinh.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Như lời ông đã nói
Hành xứ Tam-muội ấy
Nếu nghe chốn chánh trụ
Chúng sinh trụ tuệ này.
Đây là nơi hành hóa
Bồ-tát Hư Không Tạng
Không nương, không hý luận
Thị hiện pháp Tam-muội
Chúng sinh chấp hai kiến
Thường bị sự xâm đoạt
Chấp hai kiến đoạn, thường
Đây, kia luôn che phủ.
Hai kiến chấp như vậy
Nếu muốn được giải thoát
Tánh kia không thể nêu
Mau chứng được các Địa.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát mới phát tâm, ban đầu nên giảng nói về tướng của cảnh giới, nghĩa là sáu pháp Ba-la-mật, cho đến nhận biết tánh như thật của các đại sinh diệt, sau đó mới nhận biết tất cả pháp không thể nêu bày, không tánh, không sinh, không diệt, không cảnh giới, không động, không lay. Tu tập hết thảy các hành như vậy, là xa lìa được hai kiến chấp thường, đoạn, không còn sợ hãi. Đối với các pháp tâm không chấp vào cảnh giới, sớm đạt được đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, càng không trụ vào đoạn kiến, thường kiến.
Đức Phật thuyết giảng về pháp này xong thì tất cả mọi sự thấy, nghe, hiểu biết của đại chúng đã trở lại như cũ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đưa cánh tay phải bảo:
–Đó là Đại Bồ-tát Hư Không Tạng đang đến với chúng hội này.
Nói xong, Đức Phật bảo đại chúng:
–Bồ-tát ấy đạt được các pháp Tam-muội như biển cả, giữ vững giới của Bồ-tát như núi Tu-di, đối tượng được thông tỏ của trí như hư không, siêng năng thực hành, tinh tấn như gió cuốn, tu tập các nhẫn như kim cang, tuệ như cõi không, trong hàng Bồ-tát là ngọn cờ pháp thù thắng, đối với người hướng đến Niet-bàn là bậc dẫn đường, là kho tàng chứa các căn lành, là bình công đức cho người nghèo khổ, là mặt trời đối với kẻ đi vào nẻo tối tăm, là mặt trăng đối với kẻ lạc đường, là núi Tu-di vĩ đại đối với người sợ hãi, là nước cam lồ cho kẻ bị phiền não bức bách, là chỗ gieo trồng các căn lành, là chiếc cầu đi tới cảnh giới Niết-bàn, là thuyền bè đối với kẻ rơi vào đường ác, là thềm thang cho người sinh lên cõi trời, là vị cứu tinh cho kẻ ác dùng lời xấu ác phỉ báng, là dù lọng che mát người bị khổ não. Đối với các ngoại đạo như sư tử chúa, thâu lấy các thứ nhận thức như tấm gương trong suốt, là áo giáp đồng chống ma oán, là thuốc quý cho người phá giới, là nơi chốn thực hành các điều thiện, là những đóa hoa tạo nên vòng hoa, là kho chứa đầy đủ các hạnh, là y phục tốt đẹp cho kẻ không biết hổ thẹn, là thầy thuốc đối với người bệnh, là thức ăn cho người đói, là châu báu Minh nguyệt cho người đang khát, là giường nghỉ cho người mỏi mệt, là mặt trời cho người tu tập Tam-muội chánh hạnh, là cỗ xe lớn cho người hướng đến Bồ-đề, là cõi thù thắng cho bậc tu thiền định tự tại, là bánh xe báu giúp sức cho người giác ngộ.
Này thiện nam! Đó là kết quả cho người hướng đến Ba-la-mật. Bậc thiện nam ấy, lại là ngọc báu Như ý cho người siêng năng tu tập mười Địa, cũng như cây Ba-lợi-chất-đa cho người siêng năng tu hành Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, là dao bén để chặt đứt các thứ tà kiến, kết sử, giống như kim cang phá trừ các tập khí, là phương tiện tốt để hàng phục các ma, khai mở trí tuệ, là chỗ nương tựa của tất cả pháp Phật, là vòng hoa cho hàng Duyên giác, là y phục cho hàng Thanh văn, là mắt sáng cho cho chư Thiên, là con đường chân chánh cho loài người, là chỗ trở về của loài súc sinh, là nơi che chở cho loài ngạ quỷ, là chỗ cứu giúp quý giá cho địa ngục, là ruộng phước lớn cho tất cả muôn loài, là xe cộ cho hàng Đại Bồ-tát. Bậc thiện nam ấy là hàng đại thần phụ chánh đối với ba đời Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, là vị hộ trì cửa thành chánh pháp. Bậc thiện nam kia, đã đạt đầy đủ mười tám pháp Bất cộng để tự trang nghiêm, thành tựu viên mãn tuệ giác của Phật. Bậc Đại sĩ đó đáng được chúng sinh cúng dường, chỉ trừ Đức Phật, còn trong tất cả hàng Ứng cúng khác là hơn hết. Đại chúng các ông nên sắm sửa những vật dụng để cúng dường tôn trọng vị ấy, như các thứ ngọc quý, cờ phướn, lọng báu, hương thơm, hương bột, y phục, chuỗi ngọc, cùng vô số phẩm vật khác, lại sửa sang đường sá tạo mọi sự nghiêm trang, dùng vô số lời lẽ tốt đẹp để tán thán. Tất cả các ông không bao lâu sẽ được đầy đủ các thứ công đức như thế.
Khi ấy, tất cả đại chúng cùng nhau hòa hợp, từ chỗ ngồi đứng dậy, hướng về nơi Đại Bồ-tát Hư Không Tạng, chắp tay vui mừng, tâm ý phấn khởi, dùng mắt thanh tịnh quán sát vị ấy. Lúc đó, trong chúng, các Đại Bồ-tát và đại Thanh văn, các vua của hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, A-tu-la, Già-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già và vị Tiên chứng ngũ thông đều nghĩ: “Chúng ta nên sắm sửa phẩm vật gì tốt đẹp để cúng dường vị Bồ-tát đó.”
Bấy giờ, Bồ-tát Hư Không Tạng liền biến thế giới Ta-bà, mặt đất bằng phẳng như bàn tay, dùng bảy báu để trang nghiêm, dời các núi đồi, đồng ruộng, gò nổng, ngói gạch, đá vụn, loại trừ các thứ nhơ uế, bụi, sương mù, mây, sấm, tiếng kêu của Càn-thát-bà. Tất cả cây cối đều biến thành bảy báu, hoa lá, cây trái, hương đều đầy đủ, dựa nơi đất mà cỏ cây, cành nhánh, thân lá cũng biến thành bảy báu. Mọi thứ tật bệnh nơi thế giới này cũng được tiêu trừ, các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh không còn khổ não, thức ăn, y phục, chuỗi ngọc đều đầy đủ. Chúng sinh trong thế giới Ta-bà thân tướng đều đẹp đẽ, oai đức đoan nghiêm, được như ý muốn, dứt trừ hết mọi trói buộc, tâm được tịch tĩnh, đối với các căn lành tâm họ luôn vui thích, dùng tâm thanh tịnh an trụ nơi Tam bảo. Chư vị trong chúng hội này, nơi đôi tay tự nhiên có ngọc Như ý. Mỗi viên ngọc Như ý đó, đều phát ra ánh sáng chiếu khắp thế giới Ta-bà, lại phát ra âm thanh vi diệu, tuôn xuống cac loại y phục đẹp đẽ cùng vô số chuỗi ngọc, vòng xuyến, anh lạc, trân châu, các loại hoa tươi đẹp, như hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng, hoa thủy kiên, hương thơm đa-ma-bát, hương bột ngưu đầu chiên-đàn để tăng thêm sự trang trọng nơi đường đi. Hai bên đường lại hóa ra những tòa nhà bằng bảy báu giống như cung điện của Đế Thích, trong ấy có các thể nữ xinh xắn, tạo năm thứ vui thích, ai cũng ưa muốn. Trong hư không bên trên chỗ Phật ngồi hóa ra lọng báu trời, trải rộng đến trăm do-tuần, dùng lưới báu hết sức đẹp đẽ, tinh khiết để trang nghiêm, với các tua ngọc trân châu rủ xuống, rồi tấu lên các âm nhạc hơn hẳn âm nhạc cõi trời. Do đó, trên mặt đất, nơi vườn rừng với cỏ cây, hoa trái, cành lá, mỗi thứ đều phát ra tiếng vi diệu hơn cả nhạc trời. Người nào nghe được âm nhạc này thì đối với đạo quả Bồ-đề vô thượng không còn thoái chuyển.
Bấy giờ, mọi người trong chúng hội thấy Đại Bồ-tát Hư Không Tạng thể hiện những sự việc biến hóa chưa từng có như vậy, liền suy nghĩ: Chúng ta phải làm thế nào, vì bậc Trượng phu ấy, nơi trước Đức Thế Tôn nên bày biện tòa ngồi gì? Tức thì, ở trước Đức Như Lai liền xuất hiện hoa sen báu, thân làm bằng bạc, cánh bằng vàng ròng, đài bằng mã não, tua bằng ngọc báu ma-ni, trải rộng tới mười dặm, lại có vô lượng trăm ngàn hoa sen báu như vậy bao bọc xung quanh và thấy Đại Bồ-tát Hư Không Tạng ngồi kiết già trên đóa sen lớn ấy, nơi đỉnh đầu có ngọc báu Như ý, các quyến thuộc thì an tọa trên những hoa sen báu khác.
Lúc này, Đại Bồ-tát Di-lặc dùng kệ hỏi Bồ-tát Dược Vương:
Như các vị đến trước
Gọi là Đại Bồ-tát
Cung kính lễ Thế Tôn
Sau đó mới an tọa.
Bậc trượng phu này đến
Thị hiện trang nghiêm lớn
Không kính lễ Thế Tôn
Bỗng thấy vị ấy ngồi?
Bồ-tát Dược Vương dùng kệ đáp:
Bậc đại trượng phu này
Khéo trụ trong pháp Phật
Không thấy các chúng sinh
Không nương tất cả tưởng.
Bồ-tát Di-lặc dùng kệ hỏi:
Nếu không thấy chúng sinh
An trụ nơi thật tế
Nghĩa trang nghiêm thế nào?
Vì tôi hãy nói rõ.
Bồ-tát Dược Vương dùng kệ đáp:
Dùng phương tiện dũng mãnh
Để giáo hóa chúng sinh
Không rõ Đệ nhất nghĩa
Phàm phu hành vọng tưởng.
Hàng thông tuệ thế gian
Mê chân nên chịu khổ
Vì giải thoát chúng sinh
Hiện trang nghiêm như vậy.
Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ-tát Dược Vương:
–Lành thay, lành thay! Bậc trượng phu ấy, như lời ông nói. Giả như hết thảy hàng phàm phu thì không thể biết được hành xứ giải thoát của một vị Tu-đà-hoàn. Ví như các chúng sinh đều chứng đắc Tu-đà-hoàn thì cũng không thể biết được hành xứ giải thoát của một vị Tư-đà-hàm. Tất cả đều đạt Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán cũng không thể biết được hành xứ giải thoát của một Bích-chi-phật. Tất cả chúng sinh chứng được quả vị Bích-chi-phật cũng không thể biết được phương tiện hành xứ để giáo hóa chúng sinh của Đại Bồ-tát đã chứng pháp Nhẫn vô sinh. Tất cả chúng sinh chứng được pháp Nhẫn vô sinh cũng không thể biet nẻo đã chứng đắc hành giải thoát nơi Đệ nhất nghĩa đế của bậc Đại Bồ-tát đạt được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm và Biện tài vô ngại.
Này thiện nam! Bồ-tát Hư Không Tạng đã chứng pháp Nhẫn vô sinh, Biện tài vô ngại, định Thủ-lăng-nghiêm, biết đại chúng này có căn lành nơi tâm trong vô lượng kiếp ở quá khứ, nên hiện ra mọi thứ trang nghiêm lớn, trụ nơi địa lìa dục. Thiện nam ấy, ẩn ở phương Tây mà hiện ra cõi này, thị hiện giống như các vị Thanh văn, Duyên giác nhập vào vô lượng Tam-muội không xứ, hiện bày các thần thông như vậy, nên tất cả chúng sinh đều lấy làm lạ. Lại ở nơi thế đế thị hiện mọi thứ trang nghiêm để giáo hóa vô lượng chúng sinh. Nếu bậc thiện nam ấy hiện ra Đệ nhất nghĩa đế và pháp Nhẫn vô sinh để trang nghiêm thì cả đến hàng trời, người đều phải kinh sợ, tâm mê mờ, tán loạn và hàng Bồ-tát Bát địa cũng như vậy, không thể thấy được dung mạo và hình tướng của vị đã nhập nơi pháp công đức sâu xa như thế. Thiện nam ấy, khéo biết rõ phương tiện để đạt tới biển pháp của tất cả chư Phật, dứt hết mọi nghi hoặc, tự nhiên khéo biết các phương tiện hóa độ, trong tất cả chúng Đại Bồ-tát, giống như ngọn cờ chánh pháp tối thượng. Này thiện nam! Đại Bồ-tát Hư Không Tạng chỉ bày con đường đạt đến cõi trời và Niết-bàn cho các chúng sinh, có thể cởi mở sự ràng buộc nơi tâm bệnh của muôn loài, chữa trị các hoạn nạn đang tăng thêm sự tổn hại trong thân tứ đại. Nếu có chúng sinh bị các tà kiến bức não, mê lầm trong vòng sinh tử rộng lớn, không biết phương tiện thì làm thế nào gọi là đạt đến cõi trời và con đường đi vào Niết-bàn? Các chúng sinh này, nếu xưng danh hiệu Bồ-tát Hư Không Tạng, lễ bái, cúng dường, đốt các loại hương quý thì Đại sĩ ấy, quán chiếu căn lành nơi tâm, thấy chúng sinh bị kết sử che lấp và biết tâm quá khứ đã từng gieo trồng căn lành, hiện tại cũng biết cúng dường Tam bảo, tu tập các công đức, bố thí trì giới, làm những việc như vậy thì Bồ-tát Hư Không Tạng hoặc ở trong mộng theo phương tiện thị hiện đạo chân chánh, nhờ diệu lực của phương tiện ấy, mà đối với các kiến chấp sai lầm, việc làm ác, sự nguyện cầu ác, chỗ quy hướng ác, nẻo trở về ác, tâm được giải thoát, các hành nơi thân, khẩu, ý, các hạnh nguyện đều chân chánh, được gần gũi bậc Thiện tri thức, thoát khỏi các bệnh của kiến chấp, lầm lạc, của bệnh kết sử xấu ác, chóng chấm dứt đường ác, nghiệp ác, nhờ có nguyện lành, hạnh nghiệp lành nên tâm được tự tại, an trụ trong phap nhẫn sâu xa. Nếu có chúng sinh bị các bệnh nơi thân, khiến tâm tán loạn, như đui điếc, câm ngọng, các căn không đầy đủ, những bộ phận khác đều có tướng chết hiện bày. Những việc như vậy, nếu nhất tâm xưng danh hiệu Bồ-tát Hư Không Tạng thì các bệnh đều được tiêu trừ. Nếu muốn không bệnh, phải nên đốt hương trầm thủy, hương kiên hắc trầm thủy hoặc hương Đa-kiệt-lưu, lễ bái Bồ-tát Hư Không Tạng thì bậc thiện đại trượng phu ấy, ở trong mộng, trước người đó, hiện các hình tướng Bà-la-môn, hoặc Đế Thích, trời Công đức, trời Diệu âm, Sát-lợi, quan lớn, quân lính, lương y, cha mẹ, nam nữ để giảng nói vô số điều như thật, tùy theo bệnh mà cho thuốc, người ay uống chỉ một lần mà bệnh tật được tiêu trừ. Lại có người mưu cầu những việc như muốn có kiến thức rộng, cầu tịch tĩnh, tu thiền định đắc các tuệ, được tiếng khen, kỹ nghệ, được tự tại, sắc đẹp, phong chức vị, thế lực, tài năng, âm thanh tốt, con cháu, quyến thuộc, công đức hoặc muốn tu tập Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, được lời nói hay, được mọi người cung kính, muốn thoát khỏi các điều xấu ác, an trụ nơi hạnh bố thí cho đến trí tuệ, cầu được sống lâu, được đầy đủ vật dụng cần thiết, hoặc khuyên người keo kiệt làm việc bố thí, khiến kẻ phá giới an trụ nơi tịnh giới, người biếng nhác được siêng năng, người ngu si được trí tuệ, người chưa trụ thừa nào khuyên trụ vào thừa Thanh văn, người được thâu tóm trong hàng Thanh văn, khuyên trụ vào hàng Duyên giác thì bậc thiện nam ấy, dùng các phương tiện chỉ dạy cho muôn loài. Nếu có những người, lìa bỏ tâm đại Bi, chỉ lo cho mình mà bỏ mặc chúng sinh, với tâm ý như vậy thì Bồ-tát có cách để khuyến hóa những người ấy khiến trụ nơi đạo quả Bồ-đề vô thượng, trụ nơi phương tiện của bốn phạm hạnh, cho đến trụ nơi đại Bi, tức những người ấy phải cung kính đảnh lễ Bồ-tát Hư Không Tạng, ở chốn thanh vắng hoặc ở trong rừng, nơi chỗ đất trống, đốt hương trầm thủy, hương kiên hắc trầm thủy, hương đakiệt-lưu, chí tâm chắp tay, năm vóc gieo xuống đất, đảnh lễ khắp mười phương, đọc niệm thần thú:
A di lệ xa, a di lệ xa, già lưu ni già, giá la giá la, tỳ già đà lệ, ma mộng khư, phụ xà ma na, già lưu ni già, chân đà ma ni, phú la di già, lưu ni già, tát bà a xà, di tha la bì ly di, a thanh đà lê, phá cừu phá cừu, lưu để tỳ tỳ, giá cừu, tốn chí tỳ tỳ, già cừu già lưu ni già, phú lê di đóa ma a xa, tát đóa ba tha la giá a chu già yết đế ta ha.
Bồ-tát Hư Không Tạng sẽ vì người ấy mà hiện ra thân người, thân hươu, thân ngựa, hoặc hình tướng chư Thiên, tùy theo công đức mà người đó có được mà hiện bày các hình tướng như vậy, dùng ngôn từ chỉ dạy một phương tiện, phương tiện ấy có thể giáo hóa vô lượng trăm ngàn na-do-tha chúng sinh. Người không hẳn ở nơi thừa nào, hoặc theo thừa Thanh văn, hay thừa Duyên giác, đều khiến cho các chúng sinh ấy chỉ một lúc, trong khoảnh khắc, với một phần nhỏ trí tuệ phương tiện, đều có thể khiến họ không còn thoái chuyển nơi Đại thừa vô ngại, chứng đắc các pháp Tam-muội, pháp Đà-la-ni, các pháp nhẫn, an trụ nơi mười Địa.
Đại Bồ-tát Hư Không Tạng ấy đã thành tựu diệu lực của đại Bi, trí tuệ phương tiện không thể nghĩ bàn như vậy. Này thiện nam! Dẫu có thể biết được giới hạn của hư không, nhưng không thể biết được diệu lực Tam-muội, đại Từ đại Bi, trí tuệ phương tiện của vị ấy đã giáo hóa vô số chúng sinh. Đại Bồ-tát Hư Không Tạng này thành tựu vô biên công đức không thể nghĩ bàn như thế.
Này thiện nam! Nếu có chúng sinh không dua nịnh, mê hoặc, thành tựu oai nghi chánh hạnh, chánh kiến, thật thà không dối trá, không khen mình, xa lìa sự ganh ghét, lừa dối, thành tựu tâm lành, những người như vậy thì được bậc đại trí thương xót, chỉ dạy trí phương tiện, chánh hạnh siêng năng, vì dùng phương tiện ấy nên thoát được khổ não, phát tâm Bồ-đề, hết thảy các căn lành đều hồi hướng về đạo quả giác ngộ Vô thượng, được không thoái chuyển, nhờ diệu lực tinh tấn nên tu tập đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, nỗ lực siêng năng, mau chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đại Bồ-tát Hư Không Tạng đã thành tựu vô lượng công đức giáo hóa chúng sinh không thể nghĩ bàn như vậy.
Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc thưa:
–Bạch Thế Tôn! Do duyên gì chỉ riêng thấy ngọc báu Như ý nơi đỉnh đầu của vị Bồ-tát ấy, màu sắc rất đẹp đẽ, mà các vị Bồ-tát khác không có?
Đức Phật bảo:
–Này thiện nam! Đại Bồ-tát Hư Không Tạng này đã thành tựu đại Bi, tạo lợi ích và giải thoát khổ lớn cho chúng sinh. Nếu chúng sinh phạm trọng toi căn bản phải bị đọa vào đường ác, đoạn mất các căn lành, đối với những chúng sinh như vậy thì Bồ-tát sẽ tạo nên phương thuốc quý, đem sự an lạc cho họ. Nếu chúng sinh bị vô minh ác kiến che lấp, bị giam cầm trong lao ngục thì ánh sáng của bậc Đại sĩ ấy giống như mặt trời làm cho họ ăn năn, bày tỏ lỗi lầm, dứt hết tội ác căn bản, diệt trừ mũi tên độc nơi tâm nghi ngờ của họ. Hoặc có chúng sinh đem tâm phá hoại, phạm tội nặng căn bản, mất hết pháp lành, bị đọa vào đường ác, không có chỗ trở về, nương tựa, tất cả hàng trí tuệ sáng suốt đều xả bỏ thì Bồ-tát đó giống như chiếc gậy báu có thể dẫn đường cho chúng sinh đang phạm tội đến nơi an lạc, lại có thể tẩy sạch những kết sử xấu ác, chuyển nẻo ác, an trụ nơi chốn trời, người, như cỗ xe lớn đưa đến Niết-bàn. Nếu có chúng sinh bị nhiều tham dục chi phối, nhiều nóng nảy giận dữ, làm cho tâm rối loạn, hoặc nhiều ngu si, vô minh che lấp, cho là không có nhân quả, không hãi, không sợ đời sau, nên tham đắm của cải không nhàm chán, cho đến thường làm mười việc ác, những chúng sinh như vậy thì Bồ-tát sẽ vì họ ngăn chận đường ác, khiến được an trụ nơi cõi trời, người, đạt tới Niết-bàn an lạc, giống như như cỗ xe lớn. Do duyên này nên tất cả hàng trời, người đều cúng dường Bồ-tát ấy, chỉ trừ Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
Khi ấy, Bồ-tát Di-lặc thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là phạm tội căn bản? Chúng sinh phạm tội căn bản này rồi, dứt hết các căn lành, sẽ bị đọa vào đường ác, xa lìa chốn an vui của hàng trời, người, nhờ sự cứu độ của bậc Đại sĩ đó mà có được đầy đủ sự an vui nơi cảnh giới trời, người và giải thoát.
Đức Phật nói:
–Này thiện nam! Vua Quán Đảnh thuộc dòng Sát-lợi phạm tội nặng căn bản có năm việc. Khi vua Quán Đảnh thuộc dòng Sát-lợi phạm tội nặng căn bản thì tất cả căn lành đã gieo trồng từ trước đều bị hủy hoại, xa lìa sự an lạc của hàng trời, người, đọa vào cõi ác. Những gì là năm?
Này thiện nam! Nếu có vua Quán Đảnh thuộc dòng Sát-lợi, bức bách, chiem đoạt vật dụng của chùa chiền, vật của Tăng chúng hoặc của Tăng bốn phương, tự mình lấy hoặc sai người khác lấy. Những sự việc như vậy, đó là phạm tội căn bản thứ nhất.
Hoặc những vị kia phỉ báng chánh pháp, đối với các giáo pháp Đức Phật đã thuyết giảng cho hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, nghe rồi thì chê bai, ngăn chận, khiến chánh pháp không được lưu truyền, thịnh hành. Đó là phạm tội căn bản thứ hai.
Hoặc có những người vì Đức Như Lai mà cạo bỏ râu tóc, xuất gia, đắp y ca-sa, trì giới hoặc không trì giới, phá giới hay không phá giới, vua Quán Đảnh thuộc dòng Sát-lợi ra lệnh cởi bỏ ca-sa, hoàn tục thôi tu, hoặc bắt vào lao tù, tra khảo đánh đập, cho đến giết chết. Đó là phạm trọng tội căn bản thứ ba.
Hoặc vua thuộc dòng Sát-lợi, dùng uy lực của mình tạo năm tội vô gián, hoặc khuyến khích người khác làm, nếu phạm một trong năm tội ấy, là phạm trọng tội căn bản thứ tư.
Hoặc vua Quán Đảnh thuộc dòng Sát-lợi cho rằng: “Không có nhân quả, gây tạo mười điều ác.” Đó là phạm trọng tội căn bản thứ năm.
Này thiện nam! Hoặc vua Quán Đảnh thuộc dòng Sát-lợi đối với năm trọng tội căn bản này mà phạm một tội thì phá bỏ hết mọi căn lành đã gieo trồng từ trước, xa lìa sự an vui của hàng trời, người, phải đọa vào đường ác. Vì hạng người ấy nên Đại Bồ-tát Hư Không Tạng hiện thân sinh ở biên địa, hoặc hiện thân Sa-môn, Bà-la-môn, đầy đủ oai nghi, tùy theo chỗ ở của người ấy, hiện các thân hình, vì hàng Sát-lợi giảng nói các pháp chưa từng nghe, như Nhất thiết trí, các kinh điển sâu xa, pháp Tổng trì, các địa nhẫn nhục, giải bày chỉ dạy, nhờ nhân duyên đó mà vua Quán Đảnh thuộc dòng Sát-lợi, đối với những nghiệp ác đã tạo từ trước biết hổ thẹn, ăn năn, không còn tái phạm, an trụ trong bố thí, điều phục tâm mình, ở cho vắng lặng tu hạnh tinh tấn, hướng đến đạo lớn.
Lại nữa, hàng đại thần cũng phạm năm tội căn bản. Những gì là năm?
Nếu đại thần chiếm đoạt những vật dụng của chùa chiền, đồ dùng của Tăng chúng hoặc vật của Tăng bốn phương. Đó là phạm tội nặng căn bản thứ nhất.
Hoặc hàng đại thần phá hoại làng xóm, thôn ấp, thành nước. Đó là phạm tội nặng căn bản thứ hai.
Hoặc hàng đại thần phỉ báng chánh pháp, đối với các pháp Đức Phật đã dạy cho hàng Thanh văn, Duyên giác, hàng Bồ-tát mà chê bai, kích bác, ngăn cản, che giấu. Đó là phạm tội nặng căn bản thứ ba.
Hoặc hàng đại thần thấy người theo Phật xuất gia, cạo bỏ râu tóc, đắp ca-sa, hoặc trì giới, không giữ giới, hoặc phá giới, không phá giới, đại thần ấy ra lệnh cởi bỏ pháp phục, bắt thôi tu, hoặc bắt bớ đánh đập, giam cầm, cho đến giết chết. Đó là phạm tội nặng căn bản thứ tư.
Hoặc hàng đại thần phạm một nghiệp ác trong năm tội vô gián. Đó là phạm tội nặng căn bản thứ năm.
Này thiện nam! Nếu đại thần phạm một trong năm tội nặng căn bản ấy thì hủy hoại tất cả căn lành đã gieo trồng từ trước, xa lìa chốn an vui của hàng trời, người, đọa vào địa ngục, nên Bồ-tát Hư Không Tạng sẽ hiện thân sinh ở biên địa, hoặc hiện thân Sa-môn, Bà-lamôn, cho đến thân nam nữ, vì hàng đại thần kia mà thuyết pháp, hoặc ở mỗi nơi ấy cũng đều vì họ mà giảng nói pháp thâm diệu, như thuyết giảng về Nhất thiết trí, kinh điển sâu xa, pháp Tổng trì và hạnh nhẫn nhục, mở bày, chỉ rõ, giảng giải. Đại thần nghe rồi, hổ thẹn, ăn năn về những nghiệp ác đã tạo, nguyện không dám làm nữa. An trú nơi bố thí, ở chỗ thanh vắng điều phục tâm ý, tu hạnh tinh tấn, hướng đến đạo lớn.
Này thiện nam! Hàng Thanh văn đệ tử của Phật cũng phạm năm tội nặng căn bản. Những gì là năm?
Đó là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, làm thân Phật chảy máu. Đó là hàng Thanh văn phạm một trong năm tội nặng căn bản ấy, tâm khởi nghi hoặc thì các căn lành bị tiêu hủy, nhất định hướng đến con đường ác. Vì những người này nen Bồ-tát Hư Không Tạng xuất hiện ở mọi nơi, hoặc hiện thân Sa-môn đầy đủ oai nghi, cho đến thân nam, nữ mà thuyết pháp, khiến cho người cầu hạnh Thanh văn biết bày tỏ ăn năn, không còn tái phạm, an trụ nơi vắng lặng, điều phục tâm thanh tịnh, hướng đến đạo Vô thượng.
Này thiện nam! Hoặc Bồ-tát mới phát tâm cầu Đại thừa, phạm tội nặng căn bản thì có tám thứ. Những gì là tám? Nếu có chúng sinh do nhân duyên tạo nghiệp ác, nên sinh vao đời ác đủ năm thứ ô trược, nhờ có chút căn lành nên gần gũi bậc Thiện tri thức, nghe pháp Đại thừa sâu xa vi diệu, dù ít hiểu, ít biết, còn ít căn lành, vẫn phát tâm Bồ-đề vô thượng, nghe giảng nói về các kinh Đệ nhất nghĩa, vô tướng, vì hàng phàm phu phân biệt giảng nói, khiến những kẻ này nghe rồi thì kinh sợ, thoái mất tâm Bồ-đề vô thượng, trở lại cầu thừa Thanh văn. Đó là Bồ-tát mới phát tâm phạm tội nặng căn bản thứ nhất. Do tội ấy cho nên bị hủy hoại tất cả căn lành đã được tu tập từ trước, xa lìa chốn an vui của hàng trời, người và Niết-bàn, thoái chuyển tâm Bồ-đề, rơi vào đường ác. Vì thế Bồ-tát phải nên biết tâm và căn lành của người khác, tùy theo đó để thuyết pháp, như vượt qua biển lớn, phải đi từ cạn đến sâu. Do vậy, Bồ-tát Hư Không Tạng thị hiện sinh vào nước của họ, có hình tượng giống như họ mà thuyết pháp. Đó là Bồ-tát mới phát tam phạm tội nặng căn bản thứ nhất.
Người nào muốn thấy được Bồ-tát Hư Không Tạng để sám hối tội lỗi đã phạm thì vào cuối đêm, đốt hương kiên hắc trầm thủy, hương trầm thủy, hoặc hương đa-kiệt-lưu, chắp tay xưng danh hiệu Bồ-tát Hư Không Tạng.
Này thiện nam! Tùy theo phần công đức, sẽ thấy được hình tướng của Bồ-tát Hư Không Tạng xuất hiện, hoặc thấy được chính thân của Đại sĩ, hoặc thân Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc nam, hoặc nữ và vô số hình tướng, vì người kia mà thuyết pháp thì hàng Bồ-tát mới phát tâm, phạm tội nặng căn bản ấy, ăn năn, bày tỏ, sám hối, nhận được phương tiện, hạnh nhẫn nhục, các Tam-muội và pháp Tổng trì rộng lớn vô thượng, an trụ nơi quả vị, có thể dứt đường ác, được pháp không thoái chuyển nơi đạo Bồ-đề vô thượng, đối với sáu pháp Bala-mật đạt diệu lực tinh tấn lớn giống như kim cang, mau chóng giác ngộ được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu ở trước người ấy không thấy hiện thân thì khi thần Minh Tinh xuất hiện, Bồtát mới phát tâm này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước thần Minh Tinh nói: “Nam-mô A-lâu-na! Nam-mô A-lâu-na! Bậc thành tựu đại Bi, nay mới xuất hiện ở cõi Diêm-phù-đề, xin đem lòng Từ bi che chở hộ trì cho con, vì con mà bạch lại với Bồ-tát Hư Không Tạng đại Bi, ban đêm trong mộng, chỉ bày phương tiện cho con, nhờ duyên ấy nên con thành khẩn bày tỏ ăn năn những trọng tội căn bản đã phạm, thành tựu mắt trí tuệ phương tiện của Đại thừa.” Tức trong lúc ngủ, khi thần Minh Tinh xuất hiện, Bồ-tát Hư Không Tạng liền ở trong mộng hiện thân mình, để cho người ấy sám hối lỗi lầm, diệt trừ các tội ác, đạt được Tam-muội, cũng không quên mất tâm Bồ-đề, an trụ hoàn toàn nơi Đại thừa, tu tập đủ sáu pháp Ba-la-mật.
Hoặc Bồ-tát mới phát tâm nói với người khác: Các ông không thể thực hành sáu phap Ba-la-mật, không thể giác ngộ đạo quả Bồ-đề vô thượng, mau phát tâm cầu quả Thanh văn, Bích-chi-phật, có thể vượt khỏi sinh tử, phần còn lại như đã nói ở trên. Đó là Bồ-tát mới phát tâm phạm vào tội căn bản thứ hai.
Lại nữa, nếu Bồ-tát mới phát tâm nói như vầy: Ông chẳng nên dốc sức trì giới, giữ gìn, chế ngự, nhưng phải mau phát tâm Bồ-đề, ông phải đọc tụng kinh điển Đại thừa, mọi điều ác nơi thân, miệng, ý sẽ được thanh tịnh, không có ác báo, phần còn lại như trên đã nói. Đó là Bồ-tát mới phát tâm phạm tội nặng căn bản thứ ba.
Lại nữa, nếu Bồ-tát mới phát tâm nói như vầy: Ông có đức lớn, nên xa lìa pháp Thanh văn, chớ nghe, đọc tung từ người khác giảng nói. Này thiện nam! Các ông nên cất giấu kinh điển Thanh văn, trong pháp Thanh văn không đạt được Đại thừa, không thể làm cho ông chứng đắc đạo quả, chỉ nên nghe và tin nhận kinh điển Đại thừa, vì người khác giảng nói thì các nghiệp ác của ông sẽ được thanh tịnh, chóng thành Phật đạo, nếu ai tin nhận lời này, thâu lấy kiến chấp thì cả hai đều phạm tội. Đó là Bồ-tát mới phát tâm phạm tội nặng căn bản thứ tư.
Lại nữa, nếu Bồ-tát mới phát tâm nói dối, nói hai lưỡi, suy nghĩ và nói khác về Đại thừa, vì danh tiếng và lợi dưỡng mà thọ trì đọc tụng, được nghe từ người khác, rồi liền nói: Ta biết về Đại thừa, chẳng phải do người khác giảng nói. Thấy người khác được lợi dưỡng, liền sinh tâm ganh ghét, nói việc ác của người khác để chê bai, hủy nhục, tự nói mình được pháp hơn người thì người này đã phạm tội nặng phá hoại, xa lìa pháp Đại thừa, bị đọa vào đường ác, như người vào biển tìm cầu vật báu, thuyền bị vỡ nên chìm đắm, mất mạng, người mới phát tâm cũng lại như vậy. Đó là Bồ-tát mới phát tâm phạm trọng tội nặng căn bản thứ năm.
Lại nữa, ở đời vị lai, nếu Bồ-tát tại gia, xuất gia mới phát tâm, đọc tụng kinh điển Đại thừa, vì lợi dưỡng nên nói: Ta hiểu rõ pháp vi diệu này, vì thương xót các ông mà giảng nói. Như thế là Bồ-tát mới phát tâm ấy không tạo lợi ích cho các chúng sinh. Như người đói khát vào rừng cây có nhiều trái, bỏ quả ngon ngọt, lại hái quả độc ăn vào liền chết. Bồ-tát mới phát tâm cũng lại như vậy! Được vào rừng báu của Đại thừa Chánh giác, vì lợi dưỡng, danh tiếng nên giảng nói kinh điển Đại thừa thì phạm tội nặng căn bản, bị người trí quở trách, hàng trời, người và bốn chúng không nên gần gũi. Đó là Bồ-tát mới phát tâm phạm tội nặng căn bản thứ sáu.
Lại nữa, vua dòng Sát-lợi có các vị tể tướng, đại thần, quân lính, thầy thuốc hành theo Chiên-đà-la. Những người ngu si như thế, tự ỷ mình có của cải đem bố thí với tâm phóng dật kiêu mạn, dựa vào thế lực của vua quan để phá hoại và chiếm đoạt vật của chúng Tăng. Đó là Bồ-tát mới phát tâm phạm tội nặng căn bản thứ bảy.
Hoặc vua thuộc dòng Sát-lợi, đại thần, Tỳ-kheo hành theo Chiên-đà-la, tìm cách gây giận dữ hiềm khích với các Sa-môn, nên chánh pháp nói phi pháp, phi pháp nói chánh pháp, bỏ các kinh luật, giảng nói nghĩa luận không đúng thời, chế định những điều không đúng pháp, bỏ việc tu học trí tuệ, làm não loạn Tỳ-kheo, khiến các Sa-môn mất tín tâm thanh tịnh, hủy hoại oai nghi. Thật chẳng phải Sa-môn, tự cho là Sa-môn, chẳng phải phạm hạnh tự nói là phạm hạnh, khiến bốn chúng tăng thêm sự cúng dường, nên vua, đại thần, Tỳ-kheo ấy đều phạm tội nặng. Đó gọi là Bồ-tát mới phát tâm phạm tội nặng căn bản thứ tám. Những Bồ-tát mới phát tâm phạm tội căn bản đó không được gọi là người tu hành, vì đã mất hết các căn lành, xa chốn an vui của hàng trời, người, phải bị đọa vào đường ác.
Này thiện nam! Bồ-tát Hư Không Tạng sẽ vì những người đó, tùy theo sự mong ước của họ, mà hiện các loại hình tướng, vì họ nói các kinh luật như Thủ-lăng-nghiêm, khiến cho người phạm tội ăn năn, hối cải đối với những việc ác, thành tựu các căn lành, đạt đến Niết-bàn rốt ráo. Nếu thiện nam đó, lễ bái, tán thán Bồ-tát Hư Không Tạng thì người ấy ngay trong hiện tại được công đức lớn.
Hoặc có chúng sinh, nghe danh hiệu Bồ-tát Hư Không Tạng, tạo hình tượng, cung kính, tôn trọng, tán thán, sắm đủ vật dụng để cúng dường thì người đó trong hiện tại, nước không thể cuốn trôi, lửa không thể thiêu đốt, dao chẳng thể làm tổn thương, trùng độc chẳng làm hại được, người cùng loài phi nhân không thể xâm phạm, không bị các thứ tai họa về bệnh tật, đói khát, đến lúc lâm chung thì Bồ-tát Hư Không Tạng tùy theo chỗ tin của người ấy hiện ra các hình tướng chư Thiên, mặt trời, mặt trăng, khiến cho các chúng sinh đó thấy chỗ quy về, đầy đủ theo ý muốn của mình, Bồ-tát liền nói kệ:
Nếu người trí thấy
Bốn Thánh đế này
Biết lỗi sinh tử
Ra khỏi các dòng.
Nếu có chúng sinh
Hết lòng tin Phật
Liền hiện thân Phật
Mà nói kệ này.
Trí Phật chân thật
Vượt khỏi các cõi
Chứng được trí Phật
Thoát tất cả khổ.
Các chúng sinh ấy, lúc mạng chung, được thấy thân Phật, vô cùng ái mộ, vui mừng hớn hở, chết rồi xa lìa cõi đời có năm thứ ô trược, sinh vào cõi thanh tịnh của Phật, gặp Phật, nghe pháp.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát Hư Không Tạng ấy đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn như vậy. Nếu người nào muốn tăng trưởng sự tu tập thiền định, trí tuệ và sức tự tại thì phải tắm rửa sạch sẽ, vào cuối đêm đảnh lễ Bồ-tát Hư Không Tạng, bày các vật cúng dường, làm như vậy rồi thưa:
“Kính bậc Đại sĩ luôn có tâm đại Từ bi, đối với chúng sinh xin cho con đạt được phương tiện về định.”
Liền niệm nói chú: “Đơn mâu lan na na hàm, bát ni lệ màu ni a bà đệ lệ, na na di, na di Ma-ha già lưu ni già, a nhu bà diêm, bà mật để, a na ma mật để, phụ đa câu trí mật để ta ha”, thì Bồ-tát liền chỉ cho người ấy phương tiện về niệm, định.
Nếu muốn đọc tụng các loại kinh luận thì khi thần Minh tinh xuất hiện, phải cúng dường lễ bái Bồ-tát Hư Không Tạng rồi thưa: “Bậc Hư Không Tạng đại Bi luôn cứu giúp chúng sinh, xin thương xót nghĩ đến con, cho con được diệu lực của niệm tuệ.”
Liền nói chú: “A di là xà bệ hàm bồ sa xà bệ, trì bà na xà bệ, trì bà na xà bệ, thế la già ni, hô ma hô ma, ma ha già lưu ni già ta ha.”
Hoặc người muốn vượt qua biển cả, nhằm tìm cầu các thứ vật báu nơi lòng đất, hoặc cầu đạo Tiên, hoặc bị giam cầm, chia ly, oán ghét mà phải gặp nhau, hoặc bị các nạn lửa, nước, đao gậy, trùng độc, bệnh nguy hại, sư tử, cọp, sói, ran độc, trộm cướp… và vô số sự sợ hãi thì người đó nên xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Hư Không Tạng, lễ bái cúng dường và tưởng nhớ về Bồ-tát như đấng cha lành, liền nói kệ:
Bậc Đại từ bi thương xót con
Hư Không Tạng lợi ích cho đời
Xin đấng Đại bi thấu rõ con
Cứu con khỏi những sợ hãi này.
Đấng đức lớn cho con công đức
Con đang đau khổ và nghèo cùng
Con quy kính bậc Đại tịch tĩnh
Xin nay và sau được an lạc.
Bấy giờ, Bồ-tát Hư Không Tạng hiện thân mình hoặc hiện thân người khác, đủ thứ hình tướng, làm cho họ được an ổn giải thoát và những thứ cần dùng đều được đầy đủ.
Hoặc có vương tử muốn nối ngôi vua, muốn đạt được những giá trị nơi các hàng Bà-la-môn, trưởng giả, về kỹ thuật, đạt được oai đức, học rộng, tư duy bao quát, giải thoát trọn vẹn, người đó cũng vào cuối đêm, xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Hư Không Tạng, lễ bái cúng dường, thành tâm quy y thì Bồ-tát Hư Không Tạng dùng Thiên nhĩ thanh tịnh, nghe được tiếng từ xa, liền hiện đến trước người ấy thuyết pháp, khiến cho sự mong ước của họ được như ý.
Thiện nam! Bồ-tát Hư Không Tạng đã thành tựu công đức, trí tuệ phương tiện không thể nghĩ bàn như thế.
Giả sử, nếu có chúng sinh biết được số nước trong biển cả, nhưng cũng không thể biết được số lượng công đức của Bồ-tát Hư Không Tạng.
Lại nữa, nếu có chúng sinh biết được biên vực của hư không nơi mười phương, nhưng cũng không thể biết được diệu lực nơi quyền trí, cùng thần thông biến hóa của Bồ-tát Hư Không Tạng, vì thế nên trên đỉnh đầu của Bồ-tát có ngọc chiếu sáng như vậy.
Bấy giờ, trong chúng hội nghe lời Phật giảng nói, hết sức vui mừng, đảnh lễ nơi chân Phật thưa:
–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào ở trong đời ác có đủ năm thứ ô trược, mà có thể giáo hóa chúng sinh?
Phật dạy:
–Này thiện nam! Giống như hư không tánh của nó là thanh tịnh, không trói, không mở, không giận, không thương.
Này thiện nam! Như Lai cũng vậy. Đối với Đệ nhất nghĩa không, tâm được tự tại, tánh ấy thanh tịnh, tuy ở trong đời ô trược mà không bị khách trần làm ô nhiễm, vì hóa độ chúng sinh nên xuất hiện ở đời.
Này thiện nam! Hư không nương nơi sáu thức mà trụ chăng?
–Không phải, bạch Thế Tôn.
Bồ-tát Hư Không Tạng bạch Phật:
–Thế Tôn! Mỗi pháp đều không cùng nương nhau, chẳng có chỗ hành, tất cả pháp đều không, chẳng tích tụ, bản tế như thật, giống như hư không, không hoại, không thành, không nhớ nghĩ, không phân biệt, không động, không yêu thích, không chủng tử, không quả, không báo, không có văn tự.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát biết được tánh của các pháp như thế, sẽ chứng được pháp Nhẫn vô sinh.
Đại sĩ liền nói chú:
Tỳ bà la xà, ma nâu lam di, thận na xà di, thiền na ni ma, mâu ni ha la, a na tha, phá la lưu ha, yết bà ni ma, a tỳ tha, tu bà xa, xa xà bà, xá na xá na, xá na đa tha, kiếm ma xá ma, di ma phù ma, tỳ sa xá ma giá na tha na, sí lệ yểm bồ tam luân, ni ta ha.
Phật bảo:
–Lành thay, lành thay! Thiện nam! Nay ông có thể nói về pháp Tổng trì Hàng phục nhãn sư tử hống bộ thủy, khiến cho chúng sinh lúc lâm chung diệt trừ mọi chướng ngại của phiền não, nghiệp, báo, được sinh về cõi tịnh. Ông có thể thương xót, nhớ nghĩ đến chúng sinh, nen du hóa tới các cõi Phật, thị hiện đủ hình tướng làm lợi ích cho chúng sinh, thuyết giảng kinh Đại thừa, có thể dứt hết việc ác, làm cho hàng vua chúa, cho đến các Sa-môn hành theo Chiên-đà-la, tu tập các pháp thiện.
Khi Phật giảng nói kinh này, có vô lượng, vô số hàng trời, người chứng được pháp Đà-la-ni, Tam-muội, trụ vào các pháp nhẫn, được trí của hàng Thập địa, có mười ngàn người chứng được pháp Nhẫn vô sinh.
Đức Phật liền nói kệ:
Nếu chúng sinh tranh chấp
Do các căn tạo nên
Thu phục được các căn
Mau chóng được thấy Phật.
Phật giảng nói kinh này rồi, tất cả đại chúng đều hoan hỷ, phụng hành.