Kinh Đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa

Kinh Đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa
Bộ Kinh Tập, Đại Tạng Kinh, Kinh Bồ Tát, Tạng Kinh

 

PHẬT THUYẾT ĐẠO THẦN TÚC VÔ CỰC BIẾN HÓA KINH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng An Pháp Khâm, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HAI

 

Lúc đó, Nguyệt Thiên tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Rất kỳ lạ, chỉ có Đức Như Lai thâm diệu mới được như vậy. Đấy chính là đạo Vô thượng chánh chân của Phật Thế Tôn, chỗ thực hành sự bố thí của Bồ-tát, rất kỳ lạ. Như vậy gọi là mắt thấy các pháp hạnh, không khởi lên hành nghiệp, tự cho mình tốt, lợi ích cho bản thân thì sẽ hoại chánh đạo; từ lâu, hành nghiệp đã đoạn lìa thân tưởng, thực hành trong vô số kiếp mà không rơi xuống địa vị Thanh văn và Bích-chi-phật, lại không rơi vào rốt ráo đối với đạo. Pháp Phật đầy đủ có bao nhiêu pháp. Bạch Thế Tôn! Bồ-tát đối với pháp hạnh sâu xa, chứ không đối với ức, trăm, ngàn, vạn Phật, mà chứng đắc.

Đức Phật bảo:

–Này Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc để được pháp hạnh sâu xa, không đối với ức, trăm, ngàn, vạn Phật làm chỗ chứng đắc. Những gì là bốn?

Này Thiên tử! Bồ-tát vững vàng ở các pháp yếu, dùng Nhất thiết trí xuất gia rống tiếng rống lớn để được tinh tấn, mà không khiếp nhược. Lại vì tất cả, bỏ mọi cái mình có. Trụ vững ở việc bố thí thì liền được đại Bi. Như Đức Phật đã nói, đã hỏi, đều trả lời là mau được quyền biến phương tiện khéo léo đối với tất cả công đức đã thành tựu, lại thành tựu các công đức khác.

Này Thiên tử! Đó là bốn việc, đối với pháp hạnh sâu xa của Bồ-tát, không đối với vô số ức, trăm, ngàn Phật mà cầu chứng đắc.

Đức Phật lại nói kệ:

Đứng vững vào việc làm
Trí ấy cũng như vậy
Đời trước đã được trí
Cũng quyết không buông bỏ.
Nên dùng Nhất thiết trí
Việc làm không sầu lo
Tất cả mọi hình sắc
Đều biết rõ hết thảy.
Việc làm luôn siêng năng
Suốt đời không buông lung
Tâm cũng không mệt mỏi
Các hành cũng như vậy.
Tất cả việc làm ấy
Đều mong cho tất cả
Với chúng sinh như vậy
Thường có tâm bình đẳng.
Luôn khởi lòng thương lớn
Lo nghĩ đến mọi người
Thương xót người đau khổ
Đều muốn khiến an ổn.
Nguyện mau được thành Phật
Chấm dứt mọi khổ não
Đạt được các ngọc báu
Nhiều không thể kể hết.
Thường dùng tuệ thiện quyền
Học hỏi các phương tiện
Siêng năng làm công đức
Thực hành không nhàm chán.
Chỗ làm được rốt ráo
Ứng hợp với hạnh ấy
An ổn nơi chánh đạo
Không nghĩ đến chỗ ở.
Đem các pháp như thế
Giữ gìn cho chắc chắn
Là hạnh của Bồ-tát
Các hạnh đều biết rõ.
Đối với pháp sâu xa
Các hành đều đầy đủ
Với ức trăm ngàn Phật
Việc làm không biếng nhác.

Khi ấy, Nguyệt Thiên Tử bạch Phật:

–Thế nào là Bồ-tát được pháp hạnh sâu xa?

Đức Phật nói:

–Này Thiên tử! Bồ-tát không mong cầu pháp của người phàm; cũng không mong cầu của Phật; cũng không nghi ngờ pháp của người phàm; đối với pháp của Phật, pháp của người phàm đều bình đẳng không khác; không cầu pháp của người phàm; cũng không nắm bắt, không quên mất pháp của Phật; đối với người phàm, cũng không khác; đối với pháp Phật cũng không khác, cũng không nghĩ đến điều đó; không nói pháp người phàm là không tôn kính, pháp của Phật là tôn kính; đối với pháp người phàm, cũng không chỗ dứt bỏ, đối với pháp Phật cũng không chỗ dứt bỏ. Như vậy trong cái sinh lại sinh, đó gọi là pháp người phàm; pháp Phật cũng như vậy. Hai pháp này là rỗng không, là vắng lặng, là chắc chắn, như vậy là biết không xứ; đối với pháp người phàm cũng không có chỗ cầu; đối với pháp Phật cũng không có chỗ cầu; đối với pháp của người phàm không có nơi sở hữu; đối với pháp Phật cũng không có nơi sở hữu. Hai pháp này, không thấy có người phàm, cũng không thấy không có người phàm; như vậy cái biết như là mắt thấy, sự thấy đó đều là Không, đều là Vô tướng, đều là Vô nguyện như vậy trí tuệ như chỗ mắt đã thấy; trí như vậy là pháp Phật; đối với pháp Phật cũng không có và không, cũng không nghĩ là có chỗ an ổn, có chỗ khổ, cũng không nghĩ là tốt, là xấu, tất cả đều không, cũng như hư không. Trong cái không, cũng không ở trong cái không mà thấy cái không, cũng không biết, cũng không cầu. Vì sao? Vì đã là tập thì có già, có khởi. Này Thiên tử! Mỗi một pháp, đối với pháp, gọi là pháp trụ, pháp diệt, pháp tịch, lúc đó cũng không tự thấy, cũng không chỗ thấy, cũng không tự biết, cũng không chỗ biết. Vì sao? Vì hoặc người phàm, hoặc đệ tử, hoặc Bích-chi-phật, hoặc Chánh Đẳng Giác, hoặc thọ ký, hoặc hành nghiệp ở các địa.

Này Thiên tử! Bồ-tát chẳng đối với các pháp chẳng không, với pháp Phật chẳng không. Vì sao? Này Thiên tử! Pháp là âm thanh pháp, là âm lành này và âm lành kia, thế nên không thể được và như vậy là không thể được. Đó là vô ngã; vì vô ngã như vậy, cho nên không nói là có trụ, không trụ mà qua. Này Thiên tử! Như vậy, các pháp không thể đếm, pháp Phật cũng không sai khác. Này Thiên tử! Do ví dụ như vậy, nên xem xét các pháp như vầy: Pháp Phật và các pháp phải thường suy nghĩ để thực hành và lại nghĩ như là thực hành vậy, thế nên khởi không phải thức nghĩ, thực hành cũng không thể thức nghĩ, đối với pháp Phật cũng không chỗ suy nghĩ. Như vậy, là từ suy nghĩ mà khởi lên, chẳng phải trí như vậy, đối với pháp giới không có chỗ tăng, cũng không trụ, cũng không phải không trụ.

Lại nữa, trí tập pháp không thể đối với pháp mà có chỗ tăng giảm. Vì sao? Vì nếu có ham thích cầu pháp, không ham thích cầu pháp, đều hiểu biết. Sao gọi là muốn, sao gọi là không muốn? Vì đã biết rõ đối với pháp ấy, lại không chạy theo. Thế nên, này Thiên tử! Bồ-tát được hạnh sâu xa, nên quán sát như vậy thì trọn không thấy ở pháp, trọn cũng không đối với pháp Phật mà thấy như vậy, quán sát như vậy, vì không thấy nên phải xem xét.

Này Thiên tử! Nói như vậy ma hoặc ma trời không thể nào hoại Bồ-tát. Này Thiên tử! Đức Phật nói như thế đó!

Đức Phật vừa trình bày xong, Nguyệt Thiên tử liền thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những việc làm của Đại Bồ-tát rất sâu xa kỳ lạ và đặc biệt, biết đầy đủ các việc của trí tuệ; đối với sinh tử biết rõ như vậy mới làm những việc cầu đạo, mà không biếng nhác, như vậy khởi, diệt, trên, dưới mới không thể tận.

Đức Phật nói:

–Này Thiên tử! Ví như huyễn hóa; hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc chỗ cầu, hoặc chỗ nói; đều cũng không chỗ có.

Này Thiên tử! Ví như huyễn hóa; muốn biết, tất cả các pháp đều như vậy, tất cả các pháp khởi, diệt, quá khứ, tương lai, hiện tại số kiếp ấy, cũng như vậy. Bồ-tát cũng không nghĩ khởi lên, cũng không nghĩ đến việc mình làm của đời trước.

Thiên tử lại hỏi:

–Tại sao Đức Thế Tôn nói Bồ-tát không nghĩ có khởi lên chỗ sinh? Vì sao Đức Phật lên cung trời Đao-lợi, đến chỗ mẫu thân ở trọn ba tháng hạ, Đức Thế Tôn có phải từ Ma-da sinh ra không?

Đức Phật trả lời Thiên tử:

–Chỗ sinh của Đức Như Lai, không từ pháp sinh tử, mà là trụ vào như như. Như là không đến, không đi; Phật sinh như vậy.

Đức Phật nói tiếp:

–Này Thiên tử! Chư Phật từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra; chư Phật Thế Tôn đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Vì sao vậy? Ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, không từ Ma-da sinh ra. Này Thiên tử! Nên học Bát-nhã ba-la-mật như vậy. Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của chư Phật, ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân đều học từ Bát-nhã ba-la-mật.

Nguyệt Thiên tử bạch Phật:

–Con suy nghĩ kỹ, Bát-nhã ba-la-mật không chỗ sinh, không chỗ diệt. Vì sao Đức Thế Tôn nói Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của chư Phật?

Đức Phật nói:

–Như Thiên tử đã nói, Bồ-tát đang học, đã học Bát-nhã ba-lamật liền được thân tướng chư Phật; ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, đều quy về mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi, Tam-muội, bước đi một mình. Trí tuệ của Đức Phật biết ý của người khác đều quy về đó. Như thế, biết Đức Phật không sinh từ Ma-da. Thế nên, này Thiên tử! Nên biết trí tuệ của Phật sinh từ Bát-nhã ba-la-mật, có vô số việc của trí tuệ, không thể đếm, nay chỉ nêu sơ lược về các việc ấy, đều là như vậy.

Thiên tử lại hỏi:

–Pháp của chư Phật Thế Tôn thảy đều đầy đủ. Như vậy, Đức Như Lai như cái Như đó, tùy theo cái Như mà được thành tựu.

Này Thiên tử! Những việc đã thấy là như vậy, thì nên thấy chư Phật sinh từ Bát-nhã ba-la-mật, nhưng cũng không sinh từ Bát-nhã ba-la-mật, đối với pháp không có tưởng căn, cũng không khởi căn, cũng không tranh giành, trừ bỏ.

Thiên tử lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Đức Thế Tôn sinh ra từ Bát-nhã ba-lamật?

Đức Phật đáp:

–Này Thiên tử! Như pháp của Như Lai là như như, tùy theo chỗ mà tạo ra pháp, thế nên pháp chẳng sinh, chẳng khởi, chẳng diệt. Này Thiên tử! Pháp chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng khởi, như vậy như vậy, khác là ở trí tuệ. Trí tuệ sinh từ Bát-nhã ba-la-mật, gọi là Như Lai sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật; sinh như vậy, là chẳng sinh, chẳng khởi chẳng diệt. Chẳng sinh, chẳng khởi, chẳng diệt, Bồ-tát học tập sẽ mau gần kề Bát-nhã ba-la-mật. Này Thiên tử! Trí Bát-nhã ba-lamật không thể tận, lại cũng không thể tận Bát-nhã ba-la-mật.

Thiên tử lại hỏi Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Trí tuệ ấy, suy nghĩ thế nào? Làm sao để biết trí Bát-nhã ba-la-mật là không thể tận?

Đức Phật lại bảo Thiên tử:

–Đối với trí tuệ không suy nghĩ mà có trí. Này Thiên tử! Đối với trí tuệ, có suy nghĩ, có trí, thì chẳng phải là trí tuệ, trí tuệ không thể tận. Vì sao vậy? Này Thiên tử! Tâm biết có công lao, trọn không có thể được, không thể biết hết, nên biết như vậy, chẳng phải trí tuệ. Này Thiên tử! Trí tuệ là trí không còn suy nghĩ, nếu trí tuệ có tận thì chẳng phải là trí tuệ.

Thiên tử lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao không thể tận, chỗ để hỏi từ đâu, chỗ để biết từ đâu?

Đức Phật đáp:

–Này Thiên tử! Cái không thể tận, chẳng từ sự buông lung mà tìm cầu.

Thiên tử lại hỏi Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Không buông lung ấy, là những thứ gì?

Đức Phật đáp:

–Này Thiên tử! Làm các điều ác ở ba cõi mà không xả bỏ, cũng không lìa các ác trong ba cõi, lại đã xả bỏ các hạnh ác trong ba cõi. Này Thiên tử! Tất cả đều tùy theo các việc làm không buông lung; quả báo ấy như thế nào? Đối với ba cõi, chẳng khởi, chẳng diệt, là quả báo ấy.

Thiên tử lại hỏi Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có đệ tử, từ đây dạo qua ba cõi, vì người mà nói pháp có được chăng?

Đức Phật nói:

–Này Thiên tử! Đối với cõi Dục có thể để đệ tử nói pháp cho đệ tử, nhưng chẳng thể có lợi ích cho cõi Dục; đối với cõi Sắc, cõi Vô sắc mà để đệ tử nói pháp cho đệ tử thì hoàn toàn không lợi ích; dùng Tam-muội dạo ở ba cõi mà nói pháp, thì không thể biết được lời dạy của Đức Thế Tôn, cũng chẳng thấy việc dùng sức Tam-muội dạo ở cõi Dục để có chỗ mà nói ra; nhưng Thiên tử cõi Vô sắc, tuy dạo ở cõi Dục lại không thể có chỗ để mà nói; dùng sức Tam-muội dạo ở cõi Sắc, cõi Vô sắc, đối với những gì đã nói ở cõi Vô sắc thì không có lợi ích ở cõi Sắc, cõi Vô sắc hoàn toàn không có chỗ giải thoát. Tuy dạo ở ba cõi, chỉ có thể giải thoát cho chính mình, chẳng làm lợi ích cho người khác. Này Thiên tử! Tuy biết ba cõi, nhưng chẳng luyến ái ở ba cõi, mà giữ vững pháp không, cũng không học ở cõi Dục, không thể ở cõi Sắc, lại cũng không ở cõi Vô sắc. Như vậy là không thể ở ba cõi, cũng không sinh ở ba cõi, cũng sinh ở ba cõi, cũng không biết từ đâu mà đến.

Này Thiên tử! Là hạng người bỏ thân nên đối với thị xứ không thể biết, cũng không thấy qua, cũng chẳng thấy lại. Vì sao? Vì tất cả các pháp ở ba cõi, không gặp nhau. Này Thiên tử! Ví như hư không, chẳng sinh, chẳng thể thấy, không có người tạo ra, lại chẳng gặp, vì đã có từ quá khứ. Này Thiên tử! Tất cả các pháp trong ba cõi đều như vậy.

Khi Đức Phật nói pháp này, trong chúng các trời có bảy vạn hai ngàn Thiên tử xa lìa các pháp do cõi trần, được Pháp nhãn tịnh; có một vạn sáu ngàn Thiên tử, đời trước đã tạo công đức, nay lại nghe nói pháp ấy, nên đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; có tám ngàn Bồ-tát đạt được Bất khởi pháp nhẫn.

Bấy giờ, người ở trong chúng hội, nương oai thần của Đức Phật, đều thấy được việc chưa từng thấy, lấy hoa ở trên áo, tung lên Đức Phật, lúc đó oai thần của Đức Phật làm cho hoa ấy biến khắp cõi trời Đao-lợi. Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân đến trước Đức Phật bạch:

–Rất kỳ lạ! Bạch Thế Tôn! Các tộc tánh tử ấy đã rải hoa vốn chưa được thấy.

Bấy giờ, Nguyệt Thiên tử nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Đức Thế Tôn cũng chưa từng thấy, hoa cũng

vậy. Vì sao? Này Câu-dực! Dùng tâm ấy để thấy Đức Thế Tôn, tâm ấy là diệt tận, không thể thấy được. Này Câu-dực! Như vậy việc đó có thể thấy, nhưng trước đó chưa từng thấy.

Thích Đề-hoàn Nhân lại hỏi Thiên tử:

–Thưa nhân giả! Thế nào là thấy Phật?

Thiên tử đáp:

–Như vậy là Đức Thế Tôn thấy ta; ta thấy Đức Thế Tôn, cũng lại như vậy.

Thích Đề-hoàn Nhân lại hỏi Thiên tử:

–Thế nào là thấy?

Thiên tử đáp:

–Này Câu-dực! Đức Như Lai như Như sắc, như Như thọ (thống), tưởng, hành, thức đều là như Như, Ta thấy Đức Như Lai như vậy. Này Câu-dực! Ta không dùng sắc để thấy Như Lai, cũng không dùng thọ (thống), tưởng, để thấy Như Lai, cũng không dùng hành thức để thấy Như Lai. Vì sao? Vì sắc là tự nhiên, chẳng khởi, chẳng diệt; thọ (thống), tưởng, hành, thức cũng vậy. Tướng của pháp năm ấm này, tướng ấy không có tướng, đều “như” chiếu khắp. Này Câudực! Đức Như Lai, không thể thấy như vậy. Này Câu-dực! Ông có muốn thấy Đức Như Lai phải giống như Đức Phật thấy ta, ta thấy Đức Phật cũng vậy.

Câu-dực lại hỏi Thiên tử:

–Thế nào là như Đức Phật thấy nhân giả?

Thiên tử đáp:

–Này có Đức Phật ở đây, ông tự thưa hỏi Đức Phật.

Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân đến trước Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Làm sao Đức Như Lai thấy Nguyệt Thiên tử?

Đức Phật nói:

–Không dùng sắc để thấy; cũng không dùng thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức mà thấy; cũng không thấy từ đời trước; cũng không thấy đến tương lai; cũng không thấy hiện tại; cũng không thấy người phàm; cũng không thấy người phàm giải thoát; cũng không thấy nói sự học; cũng không thấy pháp không học; cũng không thấy A-la-hán; cũng không thấy pháp A-la-hán; cũng không thấy ở pháp đệ tử; cũng không thấy nơi quả vị Bích-chi-phật; cũng không thấy quả vị Phật. Đã thấy như vậy, thì này Câu-dực! Như vậy là đã thấy Phật. Thấy Phật như vậy là không chỗ thấy; không chỗ thấy như vậy chính là thấy bình đẳng; thị hiện như vậy gọi là tất cả thị hiện, đúng thật là thị hiện, phải nên xem xét như vậy. Này Câu-dực! Đó gọi là Như Lai. Đức Như Lai đối với pháp giới không chỗ khuyết giảm. Này Câu-dực! Ý ông thế nào? Đức Như Lai thấy như vậy, xem xét như vậy, là thấy những gì?

Câu-dực đáp:

–Đó gọi là thấy Phật. Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai như vậy gọi là không dính mắc đối với sắc; như vậy, Đức Như Lai đối với sắc đó, không có dính mắc, không có chấp trước.

Thích Đề-hoàn Nhân lại hỏi Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Như vậy là thấy Phật ư?

Đức Phật nói:

–Này Câu-dực! Bồ-tát đạt được nhẫn không từ đâu sinh, đối với tất cả các pháp giới đều bình đẳng cũng không lìa pháp này mà thấy pháp.

Thích Đề-hoàn Nhân lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nguyệt Thiên tử này đã đạt được pháp nhẫn không từ đâu sinh chưa?

Đức Phật trả lời Thích Đề-hoàn Nhân:

–Ông tự đem việc này, để hỏi Nguyệt Thiên tử, Nguyệt Thiên tử sẽ trình bày cho ông.

Nghe Đức Phật dạy như thế, Thích Đề-hoàn Nhân quay sang hỏi Nguyệt Thiên tử:

–Thưa Nhân giả! Nhân giả đã được pháp nhẫn không từ đâu sinh, phải không?

Nguyệt Thiên tử hỏi lại:

–Này Câu-dực! Nếu không có chỗ sinh mà có khởi, được không?

Thích Đề-hoàn Nhân trả lời:

–Thưa không.

Thiên tử lại nói:

–Này Câu-dực! Nếu không có chỗ sinh, không chỗ khởi; thì tại sao lại hỏi là có được pháp nhẫn không từ đâu sinh.

Thiên tử lại nói:

–Này Câu-dực! Pháp giới không chỗ sinh, ví dụ đó đúng như vậy. Thế nên, pháp giới cũng chẳng khởi, cũng chẳng diệt, đều không thể biết.

Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân liền nghĩ: “Như Nguyệt Thiên tử đã nói, vì đã được pháp nhẫn không từ đâu sinh, tức là được thân cận Phật và được Chánh đẳng Chánh giác.”

Biết được tâm niệm của Thích Đề-hoàn Nhân, Nguyệt Thiên tử liền nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Người không chỗ đạt được nhẫn thì được địa vị Chánh đẳng Chánh giác không khó, người còn thấy được nhẫn thì cách quả vị Chánh đẳng Chánh giác rất xa.

Thích Đề-hoàn Nhân lại hỏi:

–Thiên tử vì sao nói như vậy?

Thiên tử đáp:

–Này Câu-dực! Người đã được nhẫn mới nói như vậy; người chẳng được nhẫn ấy không thể gần quả vị Chánh đẳng Chánh giác, người được pháp nhẫn không từ đâu sinh giống như không chỗ sinh.

Như vậy là đạo.

Thích Đề-hoàn Nhân lại hỏi Thiên tử:

–Đạo từ đâu mà cầu?

Thiên tử đáp:

–Này Câu-dực! Đạo đối với ba cõi là không ngã, nên cầu đạo như thế.

Thích Đề-hoàn Nhân lại hỏi:

–Ba cõi vô ngã, làm sao mà cầu?

Thiên tử đáp:

–Như pháp là không sinh, không sinh lại không sinh, nên cầu đạo như thế. Cầu như vậy rồi; cầu như vậy tức là không cầu đối với cầu, người này là không chỗ khởi.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Đức Phật:

–Rất là lạ, bạch Thế Tôn! Những điều Nguyệt Thiên tử nói, rất là sâu xa, như vậy chết từ đâu, mà sinh ở đây? Cái chết tại đây, lại sinh chỗ nào?

Khi đó, Nguyệt Thiên tử bảo với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Như người làm trò ảo thuật, tạo ra người nam, người nữ; thì họ chết từ đâu, lại sinh ở đây? Cái chết ở đây, lại sinh chỗ nào?

Thích Đề-hoàn Nhân trả lời Thiên tử:

–Đã biết là huyễn hóa thì không khởi, không diệt, không thể thấy, không thể biết, là không có sở hữu.

Thiên tử nói với Câu-dực:

–Như vậy, nói huyễn hóa là từ không có hội hợp lại sinh, diệt cũng không có chỗ hội hợp, huyễn hóa là như vậy. Người trí tuệ, không dùng đến nó, cũng không tiếp cận nó.

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Đúng như lời ngài nói.

Thiên tử trả lời Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Như ông đã hỏi, tôi trả lời cũng vậy. Như ông nói, các pháp như huyễn hóa.

Thích Đề-hoàn Nhân nghĩ: “Thiên tử này chết từ đâu mà lại sinh ở đây? Cái chết tại đây thì sinh ở chỗ nào?”, nên muốn đem việc này để hỏi Đức Phật.

Thiên tử nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Ý của ông như thế nào? Như Đức Như Lai giáo hóa thì đối tượng để giáo hóa cũng như vậy, hoặc đến, đi, trên, dưới, có thấy biết không?

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

–Này Thiên tử! Không thể thấy được như vậy.

Thiên tử lại nói:

–Như vậy việc giáo hóa này, có tạo ra được không?

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Có thể tạo ra.

Thiên tử lại nói:

–Này Câu-dực! Tất cả các pháp giáo hóa bình đẳng như thế, nếu đến, đi, trên, dưới được xem xét như vậy, thì này Câu-dực! Lúc đó không thể có sự tạo ra. Ý của ông như thế nào? Chẳng như thế, mà thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng như vậy, người biến hóa ấy, có thể thấy, nghe, biết việc như vậy không?

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Này Thiên tử! Không thể thấy nghe biết được.

Thiên tử nói:

–Này Câu-dực! Biết tất cả phần số như vậy, thì các pháp cũng như vậy; hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc tâm suy nghĩ pháp, cũng không nhiễm không nhơ, cũng không dừng lại, cũng không tiếp cận, cũng không xa lìa; đối với thấy, nghe, suy nghĩ chỗ nói như vậy, pháp như vậy, vì tất cả mà nói, vì chúng mà nói, không có sai khác.

Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nguyệt Thiên tử này, nói không có nơi chốn, không sinh, không khởi, không diệt. Nguyệt Thiên tử này, không ở địa vị của đệ tử, không ở địa vị của Bồ-tát. Vì sao Bồ-tát thấy những việc sinh tử phải nhớ nghĩ trong vô số kiếp? Vì sao nuôi dưỡng chúng sinh mà không thể biết được?

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Có Bồ-tát kia, được bất khởi pháp nhẫn, cũng không nghĩ sinh, cũng không nghĩ khởi, cũng không nghĩ diệt, muốn thấy chúng Bồ-tát này, nên quán sát A-la-hán Niết-bàn một trăm năm mà không thể biết được. Vì sao? Vì không nghĩ tưởng người khác, cũng không nghĩ tưởng ta; lại nghĩ tưởng người khác, lại nghĩ tưởng ta, lại như vậy.

Này Câu-dực! Những việc làm của Bồ-tát rất là siêng năng ân cần, khổ hạnh; không nghĩ đến sinh, cũng không nghĩ đến diệt, cũng không nghĩ tưởng đến người khác, không nghĩ tưởng đến ta; vì thể tánh của các pháp, vốn đều Niết-bàn.

Này Câu-dực! Tất cả cũng không trói, cũng không mở, cũng không biết rõ pháp này là Bồ-tát, là như thế là giải thoát, là thị hiện nhớ nghĩ vậy nên liền khởi đại Bi, như thế Bồ-tát chẳng mệt mỏi nhàm chán; ở trong vô số câu-lợi trăm ngàn kiếp, mà chẳng biếng nhác.

Này Câu-dực! Ví như có người rơi trong hầm lửa; lại có người nam có lòng đại Bi, chẳng quý trọng thân thể, chẳng tiếc mạng sống, bỏ năm dục và mọi sự ham thích, liền vào trong hầm lửa, bồng người này ra, người này tự thoát khỏi và cứu người kia cũng thoát khỏi.

Này Câu-dực! Ý ông thế nào? Việc làm của người khác ấy có khó không?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn! Việc làm của người ấy rất khó, rất khó!

Đức Phật nói:

–Này Câu-dực! Việc này chưa phải là khó, việc làm của Bồ-tát lại còn khó hơn nhiều. Bồ-tát đã thoát khỏi các dục, phát ý muốn đem cúng dường đầy đủ, đem tất cả những gì mình có, giúp cho tất cả. Này Câu-dực! Việc này hơn việc trước nữa; dùng ánh sáng của công đức, chiếu sáng mở bày cho tất cả; như vậy là đã hơn tất cả đệ tử và Bích-chi-phật. Đại Bồ-tát tự đến với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Câu-dực! Như vậy, nói chết từ đâu lại sinh ở đây. Câu-dực lắng nghe! Về phương Đông, các cõi này tức từ cõi Phật này, qua chín mươi hai na-thuật trăm ngàn cõi Phật. Cõi đó tên là La-đà-na-tát-già (đời Tấn dịch là Trân bảo thẩm đế áo tạng). Cây cối trong thế giới ấy đều làm bằng báu, cành, lá, hoa, quả của cây đó có vô số màu sắc; chỗ kinh hành, dùng vô số vật báu để tạo thành; trong nước đó, tất cả mọi thứ đều là các vật báu, dùng để trang nghiêm, không chỗ nào thiếu; đất ấy đều là lưu ly xanh biếc, vô số vật báu trang trí xen lẫn nhau.

Lại nữa, này Câu-dực! Có thế giới, tên là La-đà-na-tiên-kỳ

(đời Tấn dịch là Trân bảo tích tụ). Này Câu-dực! Đức Phật trong thế giới này, hiệu là La-đà-na-văn-đà-la-đế-da-a-đan-kiệt-la-du (đời

Tấn dịch là Trân bảo hào trường xuất quá thượng tụ). Như Lai bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Trong cõi Đức Phật đó, không có người mẹ, cũng không nghe người mẹ, cũng không có đệ tử nương vào nhất giác đạo, mà toàn là Bồ-tát ở trong cõi đó.

Lại nữa, này Câu-dực! Đức Trân Bảo Hào Trường Xuất Quá Thượng Tụ Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Thế Tôn ấy thuyết pháp khiến cho bảy mươi hai câu-lợi Bồ-tát đạt được Bất khởi pháp nhẫn. Bồ-tát được nhẫn này rồi có ý nghĩ là tất cả ngọc báu, nổi tiếng trên cõi trời và của dòng họ lớn đều dứt bỏ không dùng đến; vì thế tất cả cõi chư Phật đều chấn động. Lúc đó, trong cõi tam thiên đại thiên, bao nhiêu là chánh báu hoa sen, nhiều loại hoa với vô số màu sắc rất là tươi đẹp, có đầy trong đó, để tung lên Đức Phật; các hoa ấy ở trên Đức Phật, hóa thành lọng hoa, che trùm cõi Đức Phật rồi. Bồ-tát ấy, ở hư không, quá phấn khởi liền bay đến cõi khác, đứng trước Đức Phật mà cúng dường, đảnh lễ, nhiễu quanh, thưa hỏi, muốn nghe pháp…

Lại nữa, này Câu-dực! Bồ-tát được pháp nhẫn, không thích trụ ở một chỗ, mà có thể đi đến các cõi chư Phật. Bồ-tát không đạt pháp nhẫn thì không thể đến các cõi khác.

Lại nữa, này Câu-dực! Đức Thế Tôn ở cõi ấy, xuất hiện đến mười hai kiếp, chỗ ở của Đức Phật đó, ban đêm luôn có ba thời thuyết pháp, thuyết pháp rồi thì có bảy mươi hai câu-lợi Bồ-tát đạt được Bất khởi pháp nhẫn. Này Câu-dực! Bồ-tát chưa được Bất khởi pháp nhẫn, không thể đến cõi khác; người được Bất khởi pháp nhẫn, mới có thể đến cõi Phật khác. Như vậy, Bồ-tát mất trong khoảng thời gian đó sẽ sinh qua ở cõi khác. Này Câu-dực! Ông đem những việc này mà so sánh, thì sẽ thấy như thế. Như vậy, không thể tính, ức cõi Phật, chư Bồ-tát thảy đều như vậy.

Này Câu-dực! Châu báu chất chứa trong cõi kia, tất cả mọi cái có được đều không lo sợ rơi vào ba đường ác, trí cũng không có khổ, cũng không có vui, cũng không chỗ để hỏi, cũng không chỗ nói, cũng không khổ sở, cũng không ăn uống. Vì sao? Vì các Bồ-tát vui vẻ, dùng pháp để ăn uống. Trong cõi đó không có A-la-hán, Bíchchi-phật.

Này Câu-dực! Châu báu chất chứa trong cõi ấy, Đức Trân Bảo Hào Trường Xuất Quá Thượng Tụ Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, chính là Nguyệt Thiên tử, nhập diệt từ cõi ấy, lại sinh ở cõi trời Đao-lợi này, lại muốn thấy Đức Phật nên đảnh lễ ta, nhiễu quanh ta, thưa hỏi ta; vì muốn hỏi ta, nên đến đây; nhân chỗ hỏi này, mà gặp vô số ngàn người được chỗ biết sâu rộng. Lại nữa, Bồ-tát ở hội khác đối với Bất khởi pháp nhẫn đều đầy đủ. Này Câu-dực! Nguyệt Thiên Tử này lại thấy Đức Phật, muốn giữ gìn tất cả pháp, muốn thọ trì pháp. Sau khi Đức Phật Niết-bàn, giáo pháp cuối cùng muốn tận, ở khoảng thời gian đó sẽ đắc đạo sinh trong loài người, đem giáo pháp sâu xa mầu nhiệm mà Đức Phật đã nói, soi sáng khắp nơi, truyền trao cả trăm ngàn người; người chưa được Bất khởi pháp nhẫn đều thích muốn học, giáo pháp cuối cùng khi sắp tận sẽ lại sinh ở cõi trời Đâu-thuật thứ tư. Ở chỗ Bồ-tát Di-lặc giảng nói của chư Phật Thế Tôn, không thể tính đếm, trăm ngàn Thiên tử đời trước, chưa từng khởi lên ý đạo, nay nghe nói, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi Đức Di-lặc hạ sinh, được Chánh giác, Bồ-tát ấy hầu hạ Đức Di-lặc một vạn năm. Ở tại gia, thường cúng dường Đức Di-lặc và chúng Tăng; sau đó, cùng đông đủ bốn ngàn người, phát lòng tin xuất gia vì đạo, làm Sa-môn, làm Sa-môn rồi, ở chỗ Đức Di-lặc Như Lai Chí Chân Chánh đẳng Chánh giác, đem hết thân mạng giữ gìn pháp. Sau Đức Di-lặc Niết-bàn, suốt thời pháp trụ, luôn gìn giữ pháp, một ngàn Đức Phật ở trong hiền kiếp, thiếu bốn vị, thường luôn được cúng dường hầu hạ ngay tại chỗ. Lúc đó, chư Phật Thế Tôn nói kinh, nên tu phạm hạnh trong sạch; cuối cùng qua bảy hằng sa kiếp, sẽ được thành Phật, ở một cõi, hiệu là Tự Nguyệt Quang Diệu Như Lai Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng Chánh Giác; điều mong ước đã được đầy đủ.

Lúc đó, Nguyệt Tinh Thiên tử nói với Thiên tử:

–Lành thay! Nay được Đức Phật thọ ký, ông sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ông vốn có những ân gì, cúng dường những gì, làm những việc gì? Thương mến, cung kính, ưa thích, vui vẻ cúng dường cho Đức Phật, mới được Đức Như Lai thọ ký riêng ông!

Nghe xong, Nguyệt Thiên tử nói với Nguyệt Tinh Thiên tử:

–Đức Như Lai không lấy việc làm lành mà thọ ký cho người; cũng không có chỗ sợ mà thọ ký cho người; cũng không nói người này là được thọ ký hay không được thọ ký. Bồ-tát phải tự học pháp của Bồ-tát, Đức Thế Tôn sẽ thọ ký cho họ. Vì sao ông hỏi như vậy? Ta có những ân gì với Đức Phật mà được Đức Phật mến thương, nhớ nghĩ, vui vẻ, thương tưởng như vậy.

Nguyệt Tinh Thiên tử hỏi Nguyệt Thiên tử:

–Vui vẻ này từ đâu mà thấy?

Nguyệt Thiên tử trả lời:

–Vui vẻ từ nơi tâm mà cầu.

Nguyệt Tinh Thiên tử lại nói:

–Tâm không nghĩ tâm, thì ai được cái vui đó?

Nguyệt Thiên tử đáp:

–Cái vui không thể nắm bắt, cũng không thể đạt được, đó là cái vui hơn hết, như vậy cái vui tối thượng là không thể đạt được.

Nguyệt Thiên tử nói Nguyệt Tinh Thiên tử:

–Cái vui như vậy, đối với cái vui có chỗ không thể ấy thì chẳng phải là cái vui; cái vui này đối với việc buông lung mà không làm; như vậy ở trong cái vui mà thường vui, lại không phát sinh ý thoái lui. Như vậy, này Nguyệt Tinh Thiên tử! Nên cầu pháp như thế, thì sẽ được cái vui, đối với chỗ làm của pháp mà không buông lung thì đó mới là cầu, không cầu, cũng không lìa cầu. Vì sao? Này Nguyệt Tinh Thiên tử! Đối với pháp giới không cầu, đối với cái mình cầu cũng không.

Bài Viết Liên Quan

1536-2

Luận A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Quyển 19

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ   QUYỂN 19 Phẩm 9: TÁM PHÁP, phần 2 * Tám thắng xứ:...
1739

Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận 20

TÂN HOA NGHIÊM KINH LUẬN QUYỂN 20 Cư Sĩ Lý Thông Huyền (Đời Đường). Đoạn tám phân thành hai phần: ( hàng) Như Lai nhận lời vào điện, cung điện tự nhiên trang nghiêm hơn: đạt đức thù thắng như Phật. (, hàng) nhạc trời...
Đại Tạng Kinh, Đại Tạng Phiên Âm (Nguyên Thuận), Gia Hưng Đại Tạng Kinh Tuyển Lục

Linh Thụy Ni Tổ Quỹ Phù Thiền Sư Diệu Trạm Lục - Quyển 0004

靈Linh 瑞Thụy 尼Ni 祖Tổ 揆Quỹ 符Phù 禪Thiền 師Sư 妙Diệu 湛Trạm 錄Lục Quyển 0004 清Thanh 符Phù ( 尼Ni ) 說Thuyết 師Sư 炤Chiếu 等Đẳng 記Ký 靈Linh 瑞Thụy 尼Ni 祖Tổ 揆Quỹ 符Phù 禪Thiền 師Sư 妙Diệu 湛Trạm 錄Lục 卷quyển 第đệ 四tứ 學học 人nhân 振chấn 清thanh 等đẳng 錄lục 拈niêm 古cổ...
Bộ Luật, Đại Tạng Kinh Chữ Việt, Luật, Luật Bồ Tát, Luật Tạng Kinh, Tạng Luật

Kinh Giới Đại Thừa

KINH PHẬT NÓI GIỚI ĐẠI THỪA Hán dịch: Tây Thiên dịch kinh Tam tạng Triều Tán Đại phu Thí Hồng Lô Khanh Truyền Pháp Đại sư Thần Thí Hộ phụng chiếu dịch. Việt dịch: Thích Thiện Giới Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài...
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng

Chư Giáo Quyết Định Danh Nghĩa Luận -

諸Chư 教Giáo 決Quyết 定Định 名Danh 義Nghĩa 論Luận 慈Từ 氏Thị 菩Bồ 薩Tát 造Tạo 宋Tống 施Thí 護Hộ 譯Dịch 諸chư 教giáo 決quyết 定định 名danh 義nghĩa 論luận 聖thánh 慈Từ 氏Thị 菩Bồ 薩Tát 造tạo 西tây 天thiên 譯dịch 經kinh 三Tam 藏Tạng 。 朝triêu 奉phụng 大đại 夫phu 試thí 鴻hồng 臚lư 卿khanh 傳truyền...
2077

Tục Truyền Đăng Lục Quyển 13

TỤC TRUYỀN ĐĂNG LỤC Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 13 Đời thứ mười ba, dưới đời Thiền sư Đại giám. - Đệ tử nối dõi dòng pháp Thiền sư...