PHẬT THUYẾT BẦN CÙNG LÃO CÔNG KINH
SỐ 797 (A)
Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Thích Huệ Giản
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe vầy:
Một thời, Đức Phật ngồi trong tinh xá ở khu vườn Kỳ-đà Cấpcô-độc thuộc nước Xá-vệ, cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Samôn, Bồ-tát một vạn người. Lúc ấy, trời, rồng, quỷ, thần, vô số đại chúng đều cung kính vây quanh, nghe Đức Phật thuyết pháp hết sức vui mừng. Khi đó, có một ông già nghèo khổ, sống hai trăm tuổi, lông mày mọc dài, tai mọc trên đầu, răng thì so le, tay dài quá đầu gối, nhìn diện mạo giống như có tướng, nghèo cùng khổ sở, không áo che thân, năm thể lộ ra, bụng luôn đói khát, bước đi run rẩy, hơi thở yếu ớt. Nghe Phật tại thế tâm lão ta rất vui mừng, ngày đêm phát nguyện chờ đến mười năm, nay mới được kết quả, chống gậy đi đến mong muốn gặp Phật. Đế Thích Phạm thiên giữ cửa ngăn không cho vào, ông già nhân đó kêu lớn:
–Ta sinh đời này bất hạnh, nghèo cùng khổ sở, đói khát lạnh rét, cầu chết không được sống không chỗ cậy nhờ, ta nghe Đức Thế Tôn nhân từ khắp nơi, vạn vật mong nhờ được thọ ân đức, lòng ta vui mừng ngày đêm phát nguyện chờ đến mười năm, hôm nay được gặp. Vì từ xa đến xin được gặp Phật một lần, cầu xa lìa các khổ, các ông ngăn ta, tức làm trái với nguyện của ta, lại sai với Thánh ý, đâu cần phải vậy ư?
Đức Phật đã biết điều đó liền nhìn và nói với Tôn giả A-nan:
–Ông có thấy ông già có tướng sống thọ nhiều năm mà lo tội chưa hết chăng?
A-nan quỳ gối chắp tay bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Lão này có phước an ổn sống lâu mà còn nhiều tội, người nhiều tội đâu được hữu tướng, sống chưa gặp được, nay ở chỗ nào?
Đức Phật nói:
–Ở gần ngoài cửa, Phạm thiên, Đế Thích ngăn cản nên gọi ông ra trước xem sao.
Lúc ấy, ông già chống tay bò lết đến, gặp Phật vui mừng bi cảm nước mắt tuôn rơi, thấy Phật liền làm lễ quỳ gối chắp tay thưa:
–Bạch Thế Tôn! Con sinh ra ở đời này bất hạnh, nghèo cùng khốn khổ đói khát lạnh rét, cầu chết không được, sống không chỗ cậy nhờ. Con nghe Đức Phật nhân từ khắp nơi, vạn vật nương nhờ đều thọ ân đức, tâm thầm vui mừng, ngày đêm phát nguyện một lòng gặp Phật, chờ đến mười năm hôm nay mới được kết quả. Vừa rồi ở ngoài cửa đợi lâu không được, tính muốn trở về, khí lực không còn, hết cách tiến, lui, chỉ sợ mạng sống chấm dứt, làm ô uế nơi Thánh môn, tăng thêm tội nặng, không rõ Đấng Thiên Tôn đã xót thương, cho được bước tới, không đạt bản nguyện nhưng được thế này chết cũng không hối hận, chỉ muốn nhanh chóng chấm dứt tội đời sau, xin nguyện xót thương ban cho ân huệ trí tuệ Vô thượng.
Đức Phật nói:
–Thọ sinh của con người là nhân duyên sinh tử, vì nhiều nhân duyên mới có nguồn gốc của tội, hôm nay ta sẽ nói rõ nguồn gốc cho ông.
Lúc ở đời trước ông sinh vào nhà vua Minh Tuệ thuộc nước lớn mạnh. Lúc còn làm thái tử Kiều Quý phi phàm, trên là ngọc báu đối với cha mẹ, dưới thì thần dân phụng thờ, dùng tâm buông lung, khinh miệt mọi người, mục hạ vô nhân, tài sản rất nhiều đều là tài vật của dân, trăm họ nghèo đói, ngồi không đóng thuế, chỉ biết tích chứa, không biết bố thí. Khi ấy, có một Sa-môn nghèo khổ, tên là Tĩnh Chí, từ một đất nước xa đến chỗ thái tử, không mong cầu gì nhiều chỉ xin pháp y, ông ta biết mà không tiếp nhận. Gặp được lại thiết đãi rất ác, đã không cho áo lại còn không cho ăn, không để ngồi trước, đi lại không cho, qua bảy ngày bảy đêm, dứt tuyệt nước cháo, còn chút hơi thở, mạng sống sắp hết, mà ông ta thấy vậy hết sức vui mừng tụ tập mọi người lại xem, lấy làm vui thích. Có vị cận thần hầu bên đã can gián:
–Thái tử chớ như vậy, Sa-môn từ bi cung kính giữ gìn đạo đức, rét không sợ, khát không màn, sở dĩ đến xin nhằm muốn tạo phước, không làm phước chớ tạo tội.
Thái tử đáp rằng:
–Đó là hạng người nào mà giả xưng đạo đức, chỉ thử khổ nhỏ, vừa rồi chưa chết, lúc đó thả đi không còn lo ngại.
Tức liền đuổi đi ra khỏi nước, chưa ra khỏi nước còn hơn mười dặm, lại gặp giặc đói muốn giết để ăn. Sa-môn nghèo khổ nói:
–Ta là Sa-môn nghèo khổ, gầy ốm xương thịt tanh hôi không thể ăn được, không lẽ thấy giết mà không ngăn can.
Giặc đói nói:
–Ta đói khát khổ lụy, hằng ngày chỉ ăn có đất, ngươi tuy ốm gầy đều là thịt, nếu như thả đi ắt sẽ phải chết.
Đôi co như thế rất lâu, thái tử biết được, liền đến cứu nói:
–Ta đã không cho Sa-môn áo mặc, thức ăn, lẽ nào để cho giặc đói giết ư?
Giặc thấy thái tử, đều đến cúi đầu tạ tội rồi thả Sa-môn đi. Vị Sa-môn lúc ấy, nay chính là Bồ-tát Di-lặc, thái tử Kiều Quý nay chính là ông, ông hôm nay nhận tội nghèo cùng này, kiếp trước keo kiệt tham lam, sở dĩ được sống lâu vì cứu mạng sống của Sa-môn, tội phước báo ứng, như hình theo bóng, như âm vang theo tiếng.
Ông già bạch Phật:
–Việc quá khứ đã vậy nguyện xin trả hết hôm nay, nguyện xin được thương xót mạng sống tàn tạ này, được làm Sa-môn, kiếp sau đời đời luôn hầu bên Phật.
Đức Phật nói:
–Lành thay, lành thay! Lúc đó, ông già râu tóc rụng xuống đất mặc pháp y, tự nhiên khí lực thân thể mạnh mẽ, tai mắt thông sáng, liền đạt được trí tuệ vô thượng, nhập vào pháp môn Tam-muội. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Xưa con làm thái tử
Không biết rõ nhân nghĩa
Kiều Quý tự buông lung
Cậy làm vua nước lớn.
Cho là không tội phước
Tưởng duy trì hoài mãi
Đâu biết rõ sinh tử
Đời này thọ tai ương.
Bị tội lại mong cầu
Gặp được Thiên Trung Thiên
Dứt hết tội đời trước
Thương cho vào pháp môn.
Tâm dứt lìa tham lam
Được nhận gốc tuệ mãi
Đời đời hầu bên Phật
Giữ gìn sống vạn kiếp.
Lúc đó, vị Tỳ-kheo già kia nghe kinh rồi vui mừng đảnh lễ Đức Phật. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A-nan:
–Nếu có người nào đọc tụng kinh này, sẽ gặp được ngàn Đức Phật ở Hiền kiếp, nếu người thực hành kinh này, đời sau được tuyên truyền, sẽ được Đức Phật Di-lặc thọ ký, lưỡi của Như Lai dài rộng nói ra không sai khác, tất cả đại chúng nghe Phật nói xong, đều vui mừng thọ trì đảnh lễ Phật lui ra.
PHẬT THUYẾT BẦN CÙNG LÃO CÔNG KINH
SỐ 797 (B)
Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Thích Huệ Giản
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe vầy:
Một thời, Đức Phật ngồi ở tinh xá thuộc nước Xá-vệ, cùng với đông đủ hai ngàn Tỳ-kheo. Lúc ấy, có một ông lão nghèo khổ, sống hai trăm tuổi, lông mày mọc dài, tai mọc trên đầu, răng thì so le, tay dài quá đầu gối, nhìn diện mạo rất là có hữu tướng, nhưng lại nghèo cùng khổ sở, không áo che thân, năm thể lộ ra, bụng luôn đói khát, bước đi run rẩy, hơi thở yếu ớt, chống gậy mà đi, cầu mong gặp Phật, Đế Thích, Phạm thiên giữ cửa, chặn không cho vào. Ông già nhân đó kêu to:
–Ta tuy là dân nghèo khổ thấp hèn, trải qua ngàn thứ khổ, hôm nay gặp được Phật, muốn hỏi rõ tội phước, cầu lìa các khổ. Ta nghe Đức Thế Tôn nhân từ khắp nơi, vạn vật nương nhờ, thọ nhận ân đức, cho nên từ xa đến, xin một lần được gặp, mà ông chặn ta, tức là trái với nguyện ta, làm sai Thánh ý, đâu có thể vậy ư?
Đức Phật đã biết, nhìn A-nan và nói:
–Ông có thấy ông già có tướng sống lâu năm, mà tội chưa hết chăng?
Tôn giả A-nan chắp tay thưa Phật:
–Người được phước tướng sống lâu mà còn chịu tội, người mắc tội đâu thể có tướng, người như thế trước nay con chưa từng gặp.
Đức Phật nói:
–Ở gần ngoài cửa, Phạm thiên, Đế Thích ngăn cản lại, nên ta kêu ông ra trước xem sao.
Lúc ấy, ông lão chống tay bò lết đến, đảnh lễ Đức Phật, buồn vui lẫn lộn, thưa Đức Phật rằng:
–Con sinh ở đời bất hạnh nghèo khổ đói khát rét lạnh, cầu chết không được, sống không chỗ cậy nhờ, mạng người rất nặng, không thể dứt bỏ, nghe Phật ở đời, tâm rất vui mừng, ngày đêm phát tâm, nguyện một lần gặp mặt, chờ đến mười năm, hôm nay được kết quả, vừa rồi ở ngoài cửa, đợi lâu không đến được, tính muốn lui về, khí lực không còn, tiến lui chưa đi, vì sợ mạng sống chấm dứt, làm ô uế nơi Thánh môn, tăng thêm tội nặng, không ngờ Đấng Thiên Tôn thương xót cho được bước vào, không đạt được bản nguyện, nhưng được như vậy dẫu chết cũng không hối hận, chỉ muốn nhanh chóng chấm dứt đời sau hết tội, xin được thương xót ban cho ân huệ Vô thượng.
Đức Phật nói:
–Thọ sinh của con người là nhân duyên sinh tử, vì nhiều nhân duyên nên có nguồn gốc của tội, hôm nay ta sẽ nói rõ nguồn gốc cho ông. Ông ở đời trước, sinh vào nhà vua Minh Tuệ thuộc nước lớn mạnh. Lúc đó làm Thái tử Kiều Quý phi phàm, trên được cha mẹ thương yêu, dưới thì thần dân cung kính, dùng tâm buông lung, kHinh miệt mọi người, trợn mắt nhìn ngó, tỏ vẻ xem thường, của báu vạn ức đều là vật của dân, trăm họ nghèo đói, ngồi không đóng thuế, chỉ biết tích chứa vật của, không chịu bố thí. Lúc ấy, có Sa-môn đói khát, tên là Tĩnh Chí, từ nước xa đến, mới đến chỗ ông, không mong cầu nhiều, chỉ xin pháp y, ông biết mà không cho, đối đãi rất ác, đã không cho áo, lại chẳng cho ăn, không để ngồi trước, đi cũng không cho, qua bảy ngày bảy đêm, tuyệt dứt nước cháo, chỉ còn hơi thở, mạng sống sắp hết, ông thấy thế hết sức vui mừng tụ tập mọi người lại xem, cho là vui thích, vị thần hầu cận, liền can ngươi rằng:
–Thái tử đừng như vậy, Sa-môn từ bi đáng kính, bên trong tích chứa đạo đức, rét không lạnh, khát không đói, sở dĩ đến xin, vì muốn tạo phước, đã không bố thí, mà còn ép đến cùng, dịp may đã bỏ, chớ tạo tội ấy.
Thái tử đáp:
–Đây là người nào, giả xưng đạo đức, chỉ thử khổ nhỏ, vừa rồi chưa chết. Lúc đó thả đi không còn lo nữa, tức liền đuổi ra khỏi nước, nhưng chưa ra khỏi nước, còn khoảng mười dặm, bỗng gặp giặc đói, muốn giết để ăn. Sa-môn nói rằng:
–Ta là Sa-môn đói rét, gầy ốm lồi xương, thịt thì hôi tanh không nên ăn thế, không nên thấy giết mà không ngăn cản.
Giặc đói lại nói:
–Ta đói, khổ nhiều ngày, chỉ ăn có đất, ngươi tuy ốm gầy, nhưng cũng là thịt, nếu như phải thả người đi ắt sẽ phải chết.
Đôi co như thế rất lâu, thái tử biết được liền đến cứu nói:
–Vì ta không cho vị ấy thức ăn, áo mặc, lẽ nào lại để cho giặc giết ư?
Giặc thấy thái tử, liền cúi đầu tạ tội, liền thả Sa-môn đi. Vị Samôn lúc ấy, nay chính là Bồ-tát Di-lặc, còn thái tử Kiều Quý, nay chính là ông, cho nên ông ngày hôm nay phải nhận chịu tội đói nghèo này, vì kiếp trước keo kiệt tham lam, sở dĩ được sống lâu là cứu mạng sống của Sa-môn, tội phước báo ứng, như hình với bóng.
Ông lão bạch Phật:
–Việc quá khứ còn lại, con nguyện dứt hết hôm nay, xin rủ lòng thương cứu mạng sống xấu này được làm Sa-môn, nguyện kiếp sau đời đời luôn hầu bên Phật.
Đức Phật khen:
–Lành thay, lành thay! Lúc ấy, ông lão râu tóc rụng xuống, thân mặc pháp y, thể khí khỏe mạnh, tai thông mắt sáng, đạt được trí tuệ Vô thượng, nhập vào pháp môn Tam-muội, bằng kệ khen Phật.
Xưa con làm thái tử
Không biết rõ nhân nghĩa
Kiều Quý tự buông lung
Cậy làm vua nước lớn.
Cho rằng không tội phước
Do vậy thường giữ gìn
Đâu biết rõ sinh tử
Đời này thọ tai ương.
Bị tội lại mong phước
Gặp được Thiên Trung Thiên
Dứt hết tội đời trước
Thương cho vào pháp môn.
Tâm dứt hẳn tham lam
Sống lâu trí tuệ lớn
Đời đời hầu bên Phật
Giữ gìn sống vạn kiếp.
Khi ấy, vị Tỳ-kheo già kia nói kệ xong, đảnh lễ Đức Phật lui ra.