Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Giảng Nghĩa
金剛般若波羅蜜經講義
Soạn giả: Thanh tín sĩ Thắng Quán Giang Diệu Hú (Giang Vị Nông)
清信士勝觀江妙煦
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo phiên bản điện tử B0023 của CBETA)
Giảo duyệt: Đức Phong và Huệ Trang
Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa là di trước của cư sĩ Giang Vị Nông. Khi cư sĩ sanh tiền, do bệnh ma luôn quấy nhiễu, bản trước tác này chưa được hoàn thiện. Sau khi cụ khuất núi, lại do đủ thứ chướng ngại, gần như bị thất lạc. Phải chăng là cơ duyên bí mật rất sâu vô thượng chưa thể dễ dàng tuyên nói, hiển lộ, hay là vì chúng sanh bạc phước, chẳng thể khế hợp đại pháp đấy chăng? Nếu không, cớ sao ma chướng tầng tầng nặng nề đến thế! Tôi cùng cư sĩ thâm giao hai mươi mấy năm, biết cụ suốt đời trì tụng kinh Kim Cang, riêng có tâm đắc. Mùa Hạ năm Giáp Tuất (1934), tôi đã hướng về cụ khải thỉnh giảng thuật đại ý. Tôi nhớ được những gì liền trở về chép lại. Cư sĩ bùi ngùi bảo: “Trúc vốn rỗng lòng là thầy của tôi! Tên tự của ông dùng chữ Trúc,, trống lòng dường ấy, đáng gọi là danh xứng với thật! Lược giảng chẳng bằng đàm luận cặn kẽ cùng ông”. Nhưng các đồng nhân thuộc Tỉnh Tâm Liên Xã nghe biết chuyện này, yêu cầu [giảng giải] công khai. Cụ bèn dời sang liên xã, chánh thức tuyên giảng, quy định mỗi tuần giảng hai buổi. Cụ giảng vào buổi tối, người nghe luôn có đến mấy chục người. Tôi cũng ghi lại lời giảng ngay trong mỗi buổi; hôm sau, trình bản ghi chép cho cụ sửa chữa. Mấy tháng sau, cụ cho rằng sửa chữa tốn công quá, chẳng bằng tự viết, bèn hôm trước mỗi buổi giảng, soạn mấy ngàn chữ cho tôi sao lục. Tôi tuy vẫn có bút ký, nhưng vẫn chưa rảnh rỗi để chỉnh lý. Pháp hội ấy bắt đầu từ tháng Bảy năm Giáp Tuất tới tháng Chín năm Ất Hợi (1935) viên mãn. Bản thảo tích lại dày cả thước, cư sĩ cho rằng vẫn cần phải nhuận sắc, và lọc ra những chỗ còn thiếu sót để bổ túc rồi mới có thể tạo thành sách.
Do cư sĩ ở nhà, các đồng nhân có người hỏi đạo đông đảo; do vậy, mưu tính tìm một một gian tĩnh thất tịch mịch để cúng dường cho cụ chuyên tâm soạn thuật. Ông Lý Trĩ Liên nghe chuyện ấy, phát nguyện một mình đảm nhiệm kinh phí, bèn thuê một căn nhà ba gian ở phía Tây đất Hỗ (Thượng Hải), gian bên phải làm buồng ngủ, gian giữa làm điện thờ Phật, gian bên trái làm phòng giảng để cư sĩ ở, ngõ hầu trong vòng một năm, cụ sẽ bổ túc, biên soạn hoàn thành tác phẩm Giảng Nghĩa này. Nhưng cư sĩ mỗi năm vào tiết hoàng mai ắt bị bệnh, hễ bệnh là mấy tháng. Lành bệnh, cụ lại thương xót chúng sanh Nam Bắc tử nạn, tổ chức Đại Bi Đạo tràng để kiền thành siêu độ. Do vậy, lần lữa, rốt cuộc chưa thể hoàn thiện bản thảo. Mỗi khi tôi gặp gỡ, ngẫu nhiên hỏi đến chuyện ấy, dường như cư sĩ chẳng muốn bị người khác hối thúc. Tôi biết ý cụ, chẳng hỏi tới nữa!
Đầu mùa Hạ năm Mậu Dần (1938), cư sĩ lại ngã bệnh, ăn uống khó tiêu. Cứ cách hai ba hôm, tôi lại đến thăm, thấy bệnh tình càng nặng hơn năm trước, hết sức lo lắng. Tháng Năm năm ấy, cụ lặng lẽ vãng sanh. Người nhà đến lo liệu tang lễ, trong lúc rối ren, gần như chẳng biết di cảo lạc về đâu. Tôi vội sai người tìm kiếm khắp chốn mới thấy, đem về kiểm xem, thấy đều là những tờ ghi chép rời rạc, thứ tự trước sau đôi chỗ lầm loạn. Đồng nhân do thấy tôi có bút ký, nhiều lượt thúc hối tôi biên soạn bổ túc để hoàn thiện. Nhưng tôi do bận bịu lắm việc, kể từ sau khi cư sĩ tự soạn Giảng Nghĩa, đối với các bản ghi chép của chính mình, chưa rảnh để sửa chữa hoàn chỉnh. Khi ấy, do ghi vội, lâu ngày xem lại, nét chữ quá nửa chẳng nhận biết! Hơn nữa, khi cư sĩ còn sống, bút ký của tôi còn phải chờ cụ sửa chữa thì mới chẳng sai lầm. Nay bộp chộp dùng đó để nối đuôi, vẫn có điều chưa ổn! Di trước của cổ đức, dẫu thiếu sót, chưa được đầy đủ, đã đem ấn hành, cũng có nhiều trường hợp như thế. Huống chi sách này mười phần đã hoàn thành được sáu bảy phần ư!
Nhưng đưa in ắt phải biên tập, tôi hằng ngày không có lúc rảnh rỗi, gác lại đó mấy tháng. May có đệ tử của Giang cư sĩ là ông Châu Thanh Viên phát tâm đảm nhiệm chuyện ấy; do vậy, tôi giao toàn bộ bản thảo cho ông ta. Ông bèn cân nhắc, dò tìm từng trang, tùy thời ghép kinh văn vào đấy. Thanh Viên cũng do vậy, đối trước Phật, phát thệ chịu tội thay cho chúng sanh, thường bị bệnh, chẳng tránh khỏi lần lữa. Biên chép được một nửa, lại gặp chuyện trắc trở ngoài ý muốn, gần như luống công trong gang tấc. Cho tới mùa Đông năm Kỷ Mão (1939), mới sao lục hoàn tất cả bộ sách. Ma chướng như thế, rốt cuộc thành sách, cũng may mắn lắm thay! Một hôm, trên đường, tôi tình cờ gặp ông Lý Trĩ Liên, biết ông từ Hương Cảng sang Thượng Hải, chẳng lâu sau sẽ rời đi. Do vậy, tôi nhắc đến bản thảo ấy đã có thể giao cho nhà in. Ông Lý vui sướng, bảo tôi tiền in sẽ do ông ta gánh vác. Nếu có ai tùy hỷ, ông cũng chẳng muốn độc chiếm công đức này. Số tiền dư ra sẽ dùng cho Tỉnh Tâm Liên Xã. Khéo sao, cư sĩ Phạm Cổ Nông do lánh nạn đến đất Hỗ, trú ngụ tại liên xã, tôi bàn bạc được ông ta đồng ý, đảm nhận trách nhiệm hiệu đính. Do vậy, sách được in xong vào tháng Sáu năm nay. Nội dung của sách tinh thâm, vi diệu, nêu tỏ những điều tiền nhân chưa nêu bày, tùy thời chỉ dạy người học chỗ thiết thực để dụng công, đều là những lời lẽ của bậc từng trải. Độc giả mở sách ra xem sẽ tự biết, chẳng cần tôi rườm lời. Tôi chỉ trần thuật đầu đuôi quá trình khúc chiết của sách này như thế để thay lời tựa.
Tháng Sáu năm Dân Quốc 29 (1940), Tưởng Duy Kiều pháp danh Hiển Giác viết tại Nhân Thị Trai.
* Lời tựa của ông Phạm Cổ Nông
Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật chính là một quyển trong sáu trăm quyển của bộ kinh Đại Bát Nhã, văn từ giản ước mà nghĩa lý tinh vi, ví như chất tinh túy của vàng, thật đúng như vậy! Kinh văn trong sáu trăm quyển [Đại Bát Nhã] mênh mông, bát ngát, người đọc khó thấu hiểu được! Một quyển kinh văn này nhà nhà tụng đọc, nhận biết; nghĩa sâu Bát Nhã nhờ đó mà được hoằng truyền. Từ xưa tới nay, người giải thích kinh này, chắc cũng hơn trăm, chẳng bàn tới những kẻ có dị kiến. [Các trước tác] khế hợp chánh nghĩa của kinh thì gồm ba bộ luận của các ngài Vô Trước, Thiên Thân, Thí Công Đức, và ba bản sớ của Tăng Triệu, Trí Giả, Gia Tường là tuyệt nhất. Nối tiếp có các tác phẩm luận định của các pháp sư Tông Lặc, Hám Sơn, Ngẫu Ích, Tục Pháp, mỗi bộ đều có các ý nghĩa tinh vi, nếu chẳng hay hơn các bản chú giải thời cổ thì cũng gần được bằng! Nhưng chưa có tác phẩm nào thù thắng, uyên bác như bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của lão cư sĩ Giang Vị Nông. Sách Giảng Nghĩa phát huy chỉ yếu Bát Nhã vừa cặn kẽ, vừa trọn vẹn, lại còn kèm thêm dung thông các kinh Đại Thừa. Sách chỉ dẫn người học quán chiếu pháp môn, chẳng kém sự hướng thượng của nhà Thiền, mà ý chỉ nhất tâm của Tịnh Tông cũng đều được xiển phát! Nhất là trọn đủ pháp nhãn, nêu tỏ những điều người xưa chưa nêu bày, tức là tông Thiên Thai phán định kinh này là Thông, Biệt kiêm Viên, tông Hiền Thủ phán định kinh này thuộc Thỉ Giáo, riêng mình cư sĩ phát định kinh này là giáo pháp chí viên cực đốn, ngõ hầu chẳng trái nghịch điều được gọi là “lời dạy tối thượng thừa của Như Lai” được nói trong kinh này! Đối với các câu chữ trong kinh như Như Lai, Phật, Thế Tôn, “phất dã” (chẳng phải vậy), hoặc “Phật cáo Tu Bồ Đề” v.v… người ta thường lướt qua, nhưng cư sĩ đều nêu tỏ ý nghĩa thù thắng của chúng.
Vừa rồi, Tỉnh Tâm Liên Xã in bộ Giảng Nghĩa này, tôi giúp hiệu đính, được đọc bản văn này, khôn ngăn hoan hỷ, hớn hở, than là chưa từng có! Còn như đối với chuyện cụ dựa theo các cổ bản, khảo đính các chữ sai khác, soạn thành bản hoàn chỉnh, đúng là bậc công thần của kinh này trong hơn một ngàn năm qua! Khi xưa, tôi đọc bản Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải của cư sĩ Hoàng Hàm Chi từng tán thán rằng: “Người đọc bản giảng giải này, không chỉ biết ý nghĩa của kinh Di Đà, mà còn có thể biết pháp trong hết thảy các kinh”. Nay đối với bản Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của Giang cư sĩ, cũng nói giống hệt như thế. Kể từ khi bản Giảng Nghĩa này được lưu thông, tôi biết độc giả giở xem bản sách này khác nào đọc mười hoặc trăm bộ kinh khác. Kinh dạy: “Hết thảy chư Phật và pháp Bồ Đề của chư Phật đều phát xuất từ kinh này”, chẳng phải là càng nêu tỏ điều ấy hay sao? Hiệu đính đã xong, do tán thán mà viết lời giãi bày.
Đầu mùa Hạ năm Canh Thìn, tức năm Trung Hoa Dân Quốc 29 (1940), Phạm Cổ Nông kính cẩn đề tựa.
* Phàm lệ
1. Sách này là di trước của Giang cư sĩ được in để lưu truyền trong cõi đời. Do lúc xuất bản lần đầu, đã dùng bản thảo chưa hoàn thành [của Giang cư sĩ] được bổ khuyết bằng bản bút ký của cư sĩ Tưởng Hiển Giác, [do bản bút ký ấy] đương thời đã từng được Giang cư sĩ sửa chữa. Năm Trung Hoa Dân Quốc 31 (1942), khi tái bản, những chỗ thiếu sót trong sách Giảng Nghĩa đều do cư sĩ Tưởng Hiển Giác dựa vào bút ký thuở đó, dốc lòng hiệu đính, bổ sung, tạo thành bản hoàn chỉnh.
2. Sách này được chia thành bốn khoa lớn là Tín, Giải, Hành, Chứng, dựa theo đó mà chia thành quyển. Dùng năm tầng huyền nghĩa làm quyển đầu, những phần còn lại chia thành bốn quyển, tổng cộng là năm quyển. Quyển cuối cùng in kèm thêm phần lời ký về sự giảo định đối với tác phẩm của cư sĩ và lời bạt.
3. Đầu sách có thêm phần Khoa Phán để người đọc dễ kiểm xem.
4. Bản biên tập đầu tiên của sách này do cư sĩ Châu Thanh Viên đảm trách, cư sĩ Phạm Cổ Nông đảm trách hiệu đính, cùng với các vị cư sĩ Tưởng Hiển Giác và cư sĩ Mạnh Định Thường cùng giúp giảo chánh, đối chiếu.
5. Những chỗ bổ khuyết trong sách được ghi ở dòng đầu bằng chữ Bổ cho rõ ràng.