Kiêm Tu Quán Niệm
Thích Hồng Nhơn
Trích Thư cho người em Tịnh Độ
Kiêm tu quán niệm
Ngày 29 tháng 06 Nhâm Tuất 1982.
Thưa anh!
Qua những phương pháp niệm Phật của cổ đức nêu ra, em thấy phương pháp trì danh hiệu Phật rất phù hợp với căn cơ của em, do đó em quyết tâm thực hành. Nhưng trong ba kinh lập tông pháp môn Tịnh độ, đức Phật chỉ cho bà Vi Đề Hy phương pháp quán tưởng mà được vãng sinh Cực lạc. Như thế khi niệm Phật, chúng ta có cần quán tưởng để hỗ trợ định lực mau thành công chăng? Mong anh cho vài lời chỉ giáo!
Em thân thương của anh!
Liên Tông Nhị Tổ, ngài Thiện Đạo Hòa thượng viết Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Ngài chú giải phương pháp quán vô cùng tường tận. Nhưng hằng ngày, Hòa thượng vẫn khuyên mọi người trì danh hiệu Phật. Có người hỏi tại sao Ngài không chỉ cho mọi người tu pháp quán. Ngài nói: “Thánh cảnh rất tinh vi mà tâm chúng sinh thì thô phù tạp nhiễm, vậy e diệu quán khó thành”. Dù vậy, đó cũng là một phương pháp chính trong hai phương pháp có thể vãng sinh Cực lạc. Em cũng cần nên biết qua, biết đâu nhờ quán tưởng làm trợ duyên mà niệm Phật tam muội của em mau thành tựu. Hãy lắng nghe những lời vàng ngọc sau đây!…
Trong Long Thơ Tịnh Độ Văn viết: “Người tu Tịnh nghiệp phải trai giới sạch sẽ, lắng lòng dứt lo nghĩ. Ngồi mặt phải hướng về phương Tây, nhắm mắt yên lặng, quán tưởng thân chơn kim sắc của Phật A Di Đà ngồi trên hoa sen lớn, trong ao bảy báu ở Tây phương. Thân Ngài cao một trượng sáu, phía trên giữa chân mày có một luồng hào quang trắng tỏa vào hư không. Tay mặt phóng năm luồng ánh sáng, ánh sáng tỏa khắp. Thân mặt đều màu ánh vàng. Sau đó, lắng lòng tưởng hào quang trắng ở giữa chân mày và không được móng chút nào khác. Khi ấy, nhắm mắt, mở mắt đều thấy rõ. Cần yếu là mỗi niệm không quên. Như thế, lần lần tâm niệm thuần thục, tự nhiên có cảm ứng được toàn thân Phật. Thân này tức là Phật, còn hay hơn miệng niệm, thân sau chắc được thượng phẩm thượng sinh. Đời Đường, hai vị Khải Vương và Viên Quả làm theo phép quán tưởng này, chỉ năm tháng sau, trong lúc quán tưởng, tự biết mình đến cõi Tịnh độ, thấy Phật, nghe pháp”.
Trong Vãng Sinh Tọa Thiền Quán Pháp, ngài Tuân Thức nói: “Người muốn tu theo phương pháp quán tưởng vãng sinh, thân phải ở một chỗ. Giường ngủ, chỗ ngồi đều quay về hướng Tây. Ngồi ngay ngắn, tự nghĩ việc tu của mình, tất cả đều hồi hướng vãng sinh Cực lạc. Luôn luôn có ý tưởng muốn vãng sinh về cõi Tịnh độ. Thấy mình ngồi kiết già trong hoa sen, tưởng hoa chưa nở, rồi tưởng hoa nở, đương khi hoa nở, tưởng có năm trăm ánh sáng chiếu vào thân mình, tưởng mình mở mắt, tưởng thấy Phật, Bồ tát và quốc độ, liền ở trước Phật ngồi nghe pháp mầu, và nghe tất cả âm thanh, đều diễn nói chánh pháp. Khi tưởng như thế, tâm thần chăm chú, làm tâm không tán loạn, tâm tưởng rõ ràng, như mắt thấy rõ. Khi đứng dậy, tưởng thân Phật ánh vàng, cao một trượng sáu, ngồi trên hoa sen. Chuyên tâm vào luồng hào quang trắng giữa chân mày, hào quang dài một trượng năm thước, chu vi năm tấc, ngoài có tám cạnh tỏa khắp hư không. Ở trong ánh sáng giữa chân mày sáng ngời, hiện rõ mặt Phật… Khi thực hiện tưởng này, phải dùng lòng chăm chú quán tưởng, thật kiên cố không được lay động. Như ảnh hiện trong gương, như nước trong trăng hiện. Tâm tưởng yên lặng, chắc được thành tựu niệm Phật tam muội”.
Cảm Sơn đại sư dạy: “Một lòng trì danh hiệu là chánh hạnh, nhưng phải cần nhờ vào trợ duyên quán tưởng mới dễ dàng thấy được nhiệm mầu. Phương pháp ấy dùng trong thời gian niệm Phật, trong tâm mỗi giờ đều quán tưởng. Tưởng trước mắt mình có một hoa sen lớn. Không cần màu xanh vàng đỏ trắng, lớn như bánh xe. Quán tưởng hình trạng hoa thật rõ ràng và tưởng thân mình ngồi trên hoa sen, yên lặng không động. Tưởng ánh sáng Phật chiếu vào thân mình. Khi có tưởng ấy, bất luận đi đứng, nằm ngồi, cũng không kể tháng năm ngày giờ, cốt yếu cảnh quán tưởng phải rõ ràng không mờ. Cho đến trong lúc chiêm bao cũng thấy Phật A Di Đà và Quán Âm, Thế Chí đồng ngồi trên hoa sen đến tiếp dẫn. Trong chừng một niệm, liền được vãng sinh về Tây phương Cực lạc, ở quả vị bất thối, vĩnh viễn không còn trở lại chịu khổ sinh tử luân hồi”.
Ngài Đường Nghi nói: “Hằng năm, các pháp sư thường giảng Thiền, Luật. Chỉ có phương pháp quán tưởng cầu sinh Tịnh độ là ít người giảng đến. Họ đâu biết rằng, số người miệng niệm Phật rất nhiều, nhưng sinh về Tịnh độ lại ít, là vì không có quán tưởng trợ duyên, vì chỉ có tâm mới có thể vãng sinh, còn miệng thì không thể vãng sinh được. Người tu quán bất cứ lúc nào, kể cả lúc mặc áo, ăn cơm, tâm phải thường ở trong quán. Hoặc thần đến liên hải trong hoa sen lễ Phật, hoặc ngồi thấy Phật thân, ánh sáng chiếu ra. Hoặc mắt thấy Di Đà thân khắp hư không, hoặc thấy Bồ tát đồng là bạn lữ, đồng ở trong ao báu. Tịnh tưởng đã thành, lo gì không được vãng sinh”.
Trương Thứ Dân nói: “Phương pháp niệm Phật cần thêm quán tưởng. Nhắm mắt hướng về phía Tây, ngồi yên tưởng thầm, thần lìa thân thể, bay thẳng phía Tây. Tạm thấy cây rừng và các thứ nước, chim, dây vàng, lưới ngọc bao phủ, đi nhiễu quanh ao báu, các đài sen, lầu gác, các thứ đều hiện ra trước mắt. Đức Phật thân cao trượng sáu, đức Quán Âm hầu bên tả, đức Thế Chí hầu bên hữu. Phóng hào quang giữa chân mày, đưa tay tiếp dẫn ta và hải chúng, đồng được ở trong ánh sáng, theo sự tiếp dẫn về Cực lạc. Tất cả lễ dưới chân Phật, liền được thấy Phật xoa đầu thọ ký, thân tâm an lạc. Mỗi khi quán tưởng, đều dạo Cực lạc một lần, đường vãng sinh quen thuộc, lâm chung không mê. Dám mong những người niệm Phật nên lấy pháp quán làm trợ duyên, dùng tâm niệm, đừng chỉ có khẩu niệm. Vào pháp môn quán tưởng, cách Phật sẽ không xa”.
Trong Kinh Di Đà Sớ Sao viết: “Người tu Tịnh độ khi lễ Phật, nên tưởng mình đang ở trong hoa sen làm lễ, Phật ở trong hoa sen làm lễ thọ ký ta đảnh lễ. Khi niệm Phật, nên tưởng thân mình ngồi kiết già trong hoa sen và Phật cũng đứng trong hoa sen tiếp dẫn ta. Sau đó, mới một lòng chuyên trì danh hiệu. Xưa, có hai vị tăng tưởng hoa sen búp, hoa sen nở liền được vãng sinh, huống chi chúng ta lại một lòng trì danh mà không được vãng sinh sao? Người chuyên chú nhiều quán tưởng, ít thời giờ trì danh; người chuyên chú trì danh, ít thời giờ quán tưởng. Tùy theo hành giả, phân chia theo ý mình”.
Em thân thương của anh!
Giọt nước cành dương có thể làm cho hạt giống đâm chồi nẩy lộc, nhưng đó chỉ là một trợ duyên trong trăm ngàn trợ duyên khác để hạt giống có thể đơm hoa kết quả. Lại nữa, mỗi hạt giống có một sự phù hợp với những trợ duyên khác nhau, nếu thiếu sự trợ duyên thì kết quả sẽ bị chậm trễ. Người tu Phật cũng thế, cùng trong một thời gian, nhưng pháp môn này thích hợp với người này mà không thích hợp với người khác. Vì thế, biết thêm một phương pháp là được thêm một phần lợi ích. Nếu phương pháp ấy không trái ngược với tông chỉ mà chúng ta theo đuổi, dám khuyên mọi người hãy gắng thực hành, biết đâu đó là phương pháp trợ duyên tốt cho Tịnh nghiệp!