hữu chấp thụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(有執受) Phạm:Upàtta. Đối lại: Vô chấp thụ. Có cảm giác, cảm thụ. Tức thân thể chúng sinh do tâm và tâm sở pháp nắm giữ. Tông Câu xá cho rằng có sinh mệnh thì có chấp thụ; vì 5 căn(mắt, tai, mũi, lưỡi,thân) của chúng sinh và 4 cảnh(sắc, hương, vị, xúc) cộng lại thành 9 phạm trù đều do tâm và tâm sở pháp nắm giữ, vả lại, cũng là chỗ nương tựa của tâm và tâm sở pháp, cho nên gọi là Hữu chấp thụ. Năm căn và 4 cảnh này là Hữu căn thân của chúng sinh hữu tình. Chữ Thụ trong Hữu chấp thụ nghĩa là Hữu căn thân có khả năng sinh ra giác thụ (cảm giác, cảm thụ khổ và vui, v.v…). Ngoài ý nghĩa giác thụ do tông Câu xá chủ trương, tông Duy thức cho rằng Chấp thụ còn có nghĩa là Cùng chung an nguy , tức là ngoài Hữu căn thân ra, chủng tử hàm chứa trong thức A lại da cũng là Hữu chấp thụ và cùng chung an nguy với thức A lại da. An chỉ cho đường thiện, nguy chỉ cho nẻo ác. Sự an nguy của chủng tử và Hữu căn thân tức là sự an nguy của thức A lại da. Vòng quanh trong 6 ngả, chúng cùng chung số phận, nên nói là cùng chung an nguy. Cứ theo Thành duy thức luận thuật kí quyển 3 phần đầu, thì Chấp nghĩa là nhiếp trì, Thụ nghĩa là lãnh thụ, cảm giác. Nếu nói theo nghĩa giác thụ của tông Câu xá thì Hữu căn thân là Chấp thụ, Chủng tử và Khí thế giới là Phi chấp thụ. Nhưng nếu nói theo nghĩa cùng chung an nguy của tông Duy thức thì Hữu căn thân và Chủng tử là Chấp thụ, còn Khí thế giới là Phi chấp thụ. [X. luận Câu xá Q.2, Q.3; luận Du già sư địa Q.66; luận Thành duy thức Q.2, Q.3; Câu xá luận quang kí Q.2; Bách pháp vấn đáp sao Q.1].