Học Hạnh Quán Âm
Vị Bồ-tát Ban Tặng Sự Bình An, Không Sợ Hãi
Sakya Minh-Quang
Trong Phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa, sau khi tán thán những hạnh nguyện độ sinh và công đức bất khả tư nghì của Bồ-tát Quán Thế Âm, đức Phật đã nói với Bồ-tát Vô Tận Ý: “Này Vô Tận Ý, đức Bồ-tát Quán Thế Âm này thành tựu công đức như vậy, dùng đủ mọi thân hình dạo qua các cõi nước để cứu độ chúng sinh. Cho nên các ông nên một lòng cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm. Bồ-tát Ma-ha-tát Quán Thế Âm này có thể ban tặng sự không sợ hãi (thí vô úy) cho chúng sinh trong cảnh sợ hãi, nạn gấp. Cho nên cõi Ta-bà này đều gọi Bồ-tát đó là Người Ban Tặng Sư Không Sợ Hãi (Thí Vô Úy Giả).” 1
Cho nên, tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm trở nên vô cùng phổ biến chẳng những đối với nhiều người Phật tử thuần thành, mà còn cả những người theo tín ngưỡng dân gian, thờ cúng Ngài như một vị thần linh gia hộ. Trong cuộc sống thực tế, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, Rất nhiều người đã nương tựa vào tín ngưỡng Bồ-tát Quán Âm để bình yên vượt qua những ách nạn, khổ đau trong đời. Vì vậy, Bồ-tát Quán Thế Âm còn có tên gọi khác là Vị Bố Thí Vô Úy hay là Người Đem Lại Sự Bình An, Không Còn Sợ Hãi (Thí Vô Úy Giả).
Bố thí là hạnh đứng đầu trong sáu Ba-la-mật của Bồ-tát hạnh. Sáu ba-la-mật là (1) Bố thí, (2) Trì giới, (3) Nhẫn nhục, (4) Tinh tấn, (5) Thiền định và (3) Bát-nhã. Ba-la-mật có nghĩa “đáo bỉ ngạn” tức “đến bờ kia”. Bờ này là sinh tử khổ đau, bờ kia là niết-bàn giải thoát. Bờ này là vô minh chấp ngã, bờ kia là giác ngộ từ bi.
Bờ này sinh tử họp tan
Sông yêu, biển ái bao hành lệ rơi
Bờ kia giải thoát một trời
Thong dong mây trắng giúp đời cơn mưa!
(Sakya Minh-Quang)
Sáu hạnh trên, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát-nhã, là chiếc thuyền phương tiện đưa người vượt khỏi biển khổ sinh tử vô minh, đến được bến bờ giải thoát, giác ngộ. Cho nên gọi là “sáu ba-la-mật” hay “sáu độ” (độ có nghĩa là vượt qua).
Tuy nói sáu hạnh khác nhau, nhưng bố thí ba-la-mật là hạnh đứng đầu của Bồ-tát hạnh. Đây là nói, Bồ-tát phát bồ-đề tâm, lòng từ bi cứu khổ độ sinh nên trước hết bố thí tài vật (tài thí), sau bố thí Chánh Pháp (Pháp thí), và cứu cánh là bố thí cho chúng sinh được bình an, không còn sợ hãi (vô úy thí).
(1) Tài thí là phương tiện kết duyên lành với chúng sinh, là điều mà mọi người đều có thể làm. Chúng sinh thông qua tài thí có lòng tri ân và duyên lành với người cho, nên Bồ-tát mới có thể thuyết Pháp cứu độ họ. Tài thí chỉ có thể giúp chúng sinh bớt khổ về mặt vật chất, nhưng không thể giúp chúng sinh hết vô minh, phiền não. Vì vậy, tài thí chỉ là phương tiện bước đầu, Bồ-tát cần phải Pháp thí cho chúng sinh.
(2) Pháp thí là giới thiệu Chánh Pháp cho chúng sinh. Bồ-tát chỉ cho chúng sinh thấy rõ thiện ác, khổ vui… và nhận ra sự thật vô thường, duyên sinh, vô ngã… của cuộc đời, để có thể dứt bỏ những tình chấp sai lầm. Bồ-tát cũng khuyên chúng sinh tin sâu nhân quả, bỏ ác làm lành, phát bồ-đề tâm, hành Bồ-tát hạnh, xây dựng một đời sống an lạc hạnh phúc cho mình và người. Con người có hiểu và hành Chánh Pháp mới có thể được an lạc lâu dài và cứu cánh.
(3) Vô úy thí là giúp đỡ chúng sinh trong cơn khổ nạn, đem lại sự bình an cho mọi người. Bồ-tát phải có lòng từ bi có phước đức, trí tuệ mới có thể cứu được những ai đang trong cơn khổ nạn. Khổ nạn của chúng sinh có nhiều. Có những khổ nạn đói rét v.v…, có thể dùng tài thí như cơm áo gạo tiền (ngoại tài) để cứu giúp, đem lại sự bình an cho chúng sinh. Có những khổ nạn như trộm cướp, chiến tranh v.v…, có thể dùng nội tài như quyền lực v.v… để cứu giúp. Có những khổ nạn như phiền não, cố chấp, tạo nghiệp ác v.v…, có thể dùng Pháp thí để cứu giúp, khiến được tấm trí an định, trí tuệ sáng suốt. Bồ-tát Quán Thế Âm là hiện thân của tinh thần Vô Úy Thí trong Phật giáo:
Quán Âm Bồ-tát đại bi
Là nơi nương tựa những khi tai nàn
Khổ đau chết chóc vô vàn
Biết nương Bồ-tát bình an một đời!
Quán Âm Bi Trí tuyệt vời
Mắt thương nhìn khắp mọi nơi lửa hồng
Chúng sinh còn khổ long đong
Bồ-tát còn nguyện độ xong muôn loài!
(Kinh Phổ Môn Thi Kệ-Sakya Minh-Quang dịch)
Là người Phật tử, chúng ta không chỉ tín ngưỡng hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm để trì niệm và nương tựa nơi Ngài. Quan trọng hơn, chúng ta còn phải học theo hạnh nguyện Bồ-tát, phát bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo theo gương Bồ-tát Quán Thế Âm! Nói cách khác, chúng ta không chỉ nương tựa nơi Ngài để bình an, không sợ hãi, mà còn phải phát khởi tâm từ bi giúp đỡ những người đang khổ nạn, bố thí tài vật, bố thí Chánh Pháp và bố thí vô úy, đem lại bình an, không sợ hãi cho mọi người.
Theo Bồ-tát Thế Thân trong sách Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật Kinh Luận, vô úy thí bao gồm trong trì giới và nhẫn nhục trong sáu ba-la-mật. Vì vậy, chúng ta muốn bố thí vô úy, đem lại sự không sợ hãi cho chúng sinh, trước hết phải giữ giới và nhẫn nại trong cuộc sống. Thực ra, chỉ cần mình giữ năm giới là đã giúp cho xã hội được bình an, hạnh phúc biết bao! Chúng ta phải biết, sự sát sinh, trộm cướp, tà dâm, dối láo, rượu chè nghiện ngập… gây ra biết bao sự bất an từ cá nhân, gia đình cho đến xã hội và thế giới! Nói cách khác, trước khi mình có thể giúp người thì đừng bao giờ hại người!
Nam-mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ-tát Ma-ha-tát.
Sa-môn Sakya Minh-Quang kính ghi