TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM

Sa môn Pháp Tạng
Dịch và chú thích: Thiện Thuận- Quảng An-Viên Châu-Ngộ Bổn

8- CHUYỂN ĐỘC (Những vị xem đọc kinh Hoa Nghiêm):

8.1- Thích Pháp Niệm:

Sư họ Vương, dòng họ thuộc bộ tộc Mậu ở Thái Nguyên. Năm 30 tuổi, Sư xuất gia, nhưng tính cao ngạo, thích du phương, sống buông thả theo thói quen, khiến mọi người  đều xem thường.

Lần nọ, Sư mộng thấy mình đọa xuống địa ngục, chịu muôn vàn đau khổ. Tỉnh dậy, Sư ăn năn hối cải, nhưng chưa biết nơi quy hướng. Gặp lúc các sa-môn như  Trí Cự…, tụng trì kinh Hoa Nghiêm, nhiều lần thầm có cảm ứng, nên Sư chuyên tâm xem đọc kinh này, không kể ngày đêm. Mỗi lần cầm quyển kinh thì nước mắt tuôn trào, ba năm như thế.

Sau đó, bỗng nhiên lông mày rụng hết, ghẻ nhọt nổi khắp thân, nhưng lòng Sư vẫn tràn đầy niềm vui, an nhiên nhận lãnh quả báo hiện đời. Sư lại mở hội đại bố thí để đáp đền công ơn các vị thần, lại càng siêng năng đọc tụng. Ba năm sau, bệnh ghẻ dần dần khỏi hẳn. Từ đó, Sư khuyến hóa mọi người y cứ kinh này mà sám hối lỗi lầm, thì trong 10 nhà đã hết 9 nhà thực hành theo.

Sau, Sư thị tịch tại trụ xứ, thọ 68 tuổi.

8.2-  Thích Phổ An:

Sư họ Quách, người Kinh Dương, Kinh Triệu. Thuở nhỏ, Sư lễ thiền sư Viên cầu xuất gia. Sau khi vào đạo, Sư giữ vững tiết tháo, xả bỏ việc đời, tính tình nhu hòa, nhẫn nại, không gây oán. Sư thường thay chúng làm các việc nặng nhọc, nhận lãnh những điều khó khổ mà lòng vẫn vui vẻ, lại còn sợ không có việc để làm.

Khi lớn tuổi, Sư tham học nơi pháp sư Ái. Thời gian sau, Sư đã tinh thông Tam tạng[161], nhưng thường tu tập theo kinh Hoa Nghiêm, đọc tụng suy gẫm, và lấy kinh này làm mục đích tu hành.

Đến khi nhà Chu hủy diệt Phật pháp, Sư ẩn cư nơi rừng sâu tại Tây Kì ở hang Tiện Tử, núi Chung Nam. Sư sống nơi rừng sâu, thoát ngoài trần thế, đức hạnh trong sạch như suối, tiết tháo vững chắc như đá, và hành tung của Sư cũng như dấu chim, bóng cá.

Về sau, Sư mời pháp sư Tĩnh Uyên về ở chung nơi rừng vắng, chọn lấy yếu chỉ sâu kín, thể nhận được lý vi diệu, lại hành trì khổ hạnh, xả thân cho muôn vật. Có lúc bày thân nơi cỏ rậm cho các loài ruồi muỗi đến đốt, máu chảy khắp thân, nhưng Sư không hề sợ hãi. Có khi nằm như thây chết để thí thân cho loài hổ sói, mong chúng được sống mà mình xả thân để hợp bản nguyện, nhưng chúng đến ngửi mà không ăn; do đó, trong lòng luôn bất an, hận rằng chẳng tròn tâm nguyện.

Gặp lúc đất nước loạn lạc, đạo pháp mịt mờ, lệnh nước lại nghiêm ngặt, không cho tăng ni trốn thoát. Bấy giờ, hơn 30 vị tăng danh đức ở Kinh đô lánh nạn tại Chung Nam, nhưng chưa có nơi an ổn. Sư bèn mời tất cả các vị này đến ở yên tại một nơi sâu kín, chủ yếu ở các vùng bờ bãi, riêng mình thì lộ diện đi khất thực mà không sợ bị bắt giết. Cho nên, thức ăn và y phục cung cấp cho chúng tăng đều đầy đủ, việc tu hành cũng không ngưng trệ. “Thời loạn mới biết kẻ sĩ” đúng là Sư đó ư?

Lại có lệnh hễ ai bắt được một vị tăng sẽ được thưởng 10 xấp lụa. Có người bằng lòng đi tìm và muốn bắt Sư. Sư an ủi họ: “Xem ông là người nghèo khổ, ta xin giao mạng sống cho ông để ông được thưởng”. Thế là, cả hai cùng vào Kinh đô. Bấy giờ, vua bảo người kia: “Phép của nước ta nghiêm cấm đạo nhân ở trong nhân gian, ngươi lại không cho ở trong núi; nếu vậy thì họ sống nơi nào? Trẫm thấy vị Đạo nhân này thần thái chí khí phi thường, không mong cầu được sống, nên thả ông ta vào núi, cũng không cần tra xét”.

Sau này, nhiều lần bị bắt nhưng Sư cũng được thả như trước.

Lúc đó, pháp sư Ái đang lánh nạn tại một nhà giàu có tên là Đỗ Ánh ở Nghĩa Cốc. Ông đào một cái hang để giấu Pháp sư. Sau khi được thả về, nghe tin này, Sư đến thăm Pháp sư. Pháp sư nói:

– An Công thần thái chí khí hơn người, không sợ phép cấm nghiêm ngặt, có lẽ khó ai sánh kịp.

Sư thưa:

– Nay tôi được thoát nạn là nhờ năng lực trì kinh Hoa Nghiêm. Tất cả sở nguyện được thành tựu cũng đều nhờ năng lực này.

Nhân đó, Sư thỉnh pháp sư Ái về núi, tự mình lo liệu mọi thứ. Bấy giờ, người khắp nơi rầm rộ kéo về. Sư cùng pháp sư Ái mở rộng trụ xứ. Điều này được ghi đầy đủ trong Biệt truyện.

Đầu đời Tùy Văn Đế (Dương Kiên, 581-604), Phật giáo lại hưng thịnh, vua cho tìm khắp các vị tăng hiện còn và y theo phép xưa mà định đặt sắp xếp. Lúc ấy, hơn 30 vị ở hang Tiện Tử vâng chiếu xuất gia trở lại và ở tại Quan tự[162]. Tuy Sư rất vui với việc Phật pháp phục hưng, nhưng không chạy theo danh lợi, vẫn sống chốn núi rừng.

Khi ấy, bên khe nước giữa 2 hang Tí Ngọ và Báo Lâm, có vị cư sĩ đào một cái hang, làm am thất mời Sư về ở. Nơi này, vốn có một tảng đá lớn nằm ngay bên trên, sợ rơi xuống làm sụp am thất, nên Sư muốn dời tảng đá đi nơi khác. Sư nghĩ: “Xin dời tảng đá đi nơi khác, đừng để hư hoại thất này”. Bỗng nhiên, tảng đá lăn đi nơi khác, khiến ai nấy đều khen là lạ. Sư bảo: “Đó là nhờ năng lực của kinh Hoa Nghiêm”.

Bên trái khe Thạch Bích phía Đông của am, có Tố đầu-đà là người hung dữ nhất xóm làng, quậy phá cùng khắp, ngầm ghét Sư, nên toan tính giết hại. Ông ta cùng với ba người bạn, cầm cung, mang kiếm đến sát hại. Khi ông vừa giương cung lên bắn thì mũi tên không rời khỏi dây, cung thì dính chặt nơi tay, mắt trợn ngược, lưỡi cứng đơ, cứ đứng thừ ra suốt đêm, chỉ biết kêu la mà thôi. Nghe vậy, người đi đường loan truyền, xa gần đều tụ tập. Bấy giờ, người trong làng đến chí thành đảnh lễ, sám hối. Sư bảo: “Tôi hoàn toàn không biết, chắc là do thần lực của kinh Hoa Nghiêm. Nếu muốn khỏi nạn, chỉ cần bảo ông ấy sám hối!” Tố đầu-đà liền làm theo lời dạy, mới thoát khỏi.

Lại ở thôn Ngụy phía Tây của am, có ông Trương Huy sống bằng nghề trộm cướp. Đêm nọ, ông ta vào thất của Sư, lén lấy bình dầu cúng Phật khoảng 5 lít, rồi vác trên lưng đi ra. Vừa ra đến cửa, bỗng ông ta thấy đầu óc mờ mịt, như bị trói chặt, không thể cử động. Thấy vậy, họ hàng, làng xóm đều đến tạ lỗi. Sư bảo: “Tôi không biết gì, có lẽ là do thần lực của kinh Hoa Nghiêm. Hãy bảo ông ta sám hối, trả lại bình dầu”. Huy làm đúng theo lời dạy, mới thoát khỏi.

Lại có một hôm, ông Trương Khanh ngụ tại phía Nam của am, đến trộm tiền của Sư, giấu vào tay áo. Về đến nhà, ông ta lấy ra không được, lại bị cấm khẩu. Thấy vậy, thân tộc, hàng xóm dẫn đến Sư, theo kinh Hoa Nghiêm mà sám hối, ông ta mới thoát nạn.

Tại thôn Trình Quách, có ông Trình Huy Hòa rất kính tin Tam bảo, thường đến chỗ Sư để nghe pháp yếu. Có lần, ông ta bị bệnh nặng, chết đã 2 đêm, người ta bó thây, định đưa vào quan tài. Bấy giờ, trên đường trở về từ huyện Hộ, Sư đến chùa Đức Hạnh ở phía Tây Nam, cách thôn ấy 5 dặm về phía Đông. Từ xa, Sư gọi:

– Trình Huy Hòa, sao không ra đón ta?

Sư gọi nhiều lần như thế, những người làm ruộng thưa:

– Ông Hòa đã chết lâu rồi! Làm sao ra nghinh đón!

Sư bảo:

– Nói bậy, ta không tin!

Lát sau, Sư đến thôn ấy, lớn tiếng gọi, ông Hòa liền cử động. Thấy thế, người thân đứng bên cạnh cắt đứt dây. Sư bước vào nhà, lại gọi to lần nữa, ông Hòa liền ngồi dậy, chầm chậm bò đến Sư. Sư bảo người nhà dẹp bỏ quan tài và những đồ tẩm liệm; đồng thời, đặt tượng Phật lên cái sọt tre lật úp, rồi bảo ông Hòa nhiễu quanh. Thế là ông Hòa bình phục như xưa, sống thêm khoảng 20 năm. Sau đó, ông ta lại mắc bệnh, đến đảnh lễ cầu cứu. Sư bảo:

– Ông ấy đi đâu thì mặc, ta không cần biết!

Sư vừa dứt lời, ông ta liền mạng chung.

Từ đó, Sư được nhiều người biết đến, xin theo học đạo rất đông. Sư mở phước hội[163], thường có nhiều điềm cảm ứng.

Lại nữa, tại thôn Bạch phía Bắc ao Cô Minh, có một bà lão bị bệnh nằm liệt giường, câm cả trăm ngày, nên ra dấu cho con là muốn gặp Sư. Con hiểu ý mẹ, thỉnh Sư về nhà. Vừa trông thấy Sư, người mẹ bất giác bước xuống đảnh lễ, thưa hỏi, tới lui giống như ngày thường. Ngay đó, bà liền khỏi bệnh.

Bấy giờ, danh tiếng Sư càng vang xa, xóm làng tụ tập, trỗi nhạc, rao khắp thôn xóm, muốn mở đại hội bố thí.

Tại thôn nọ, gia đình ông Bạch Di Sanh vô cùng nghèo khó, lại có 4 người con gái. Người vợ chỉ được một tấm vải thô quấn quanh người, các người con gái thì không mảnh vải che thân. Riêng người con cả tên là Hoa Nghiêm, tuổi đã 20, có được 2 thước vải thô, định đem cúng dường. Lúc đó, Sư dẫn những người trong thôn, lần lượt đến nhà cô ta, nhưng xót thương cho cảnh nghèo khổ, mọi người đi ngang mà không vào nhà. Cô ta suy nghĩ: “Do nghèo khổ, nên ta không dự hội được. Nay lại không làm thiện, đời sau nghèo khổ gấp bội phần”.

Nghĩ thế xong, đi xin đồ vật khắp nơi, nhưng không ai cho cả, cô ta ngữa mặt lên trời than khóc. Bấy giờ, thấy một nắm rơm dùng để bít lỗ trống trong nhà, cô kéo lấy, giũ ra thì được hơn 10 hạt lúa, rồi bóc thành gạo. Cô đem hơn 10 hạt gạo này cùng với mảnh vải trước đây, vui vẻ đến phước hội; nhưng vì thân không y phục, nên phải chờ đến đêm tối, cô mới rón rén đi đến chỗ cúng dường. Đến nơi, từ xa, cô ném mảnh vải vào trong đống đồ bố thí, riêng 10 hạt gạo xin dâng để nấu cơm. Ngay đó, cô phát nguyện: “Nghiệp khốn cùng của con là do gieo trồng từ nhiều đời trước. Nghèo cùng mà hành bố thí là để mong cầu quả báo đời sau. Nay đem 10 hạt gạo này bỏ vào nồi, với tâm chí thành, nguyện cho con thoát cảnh nghèo khổ. Nếu cơm nấu xong biến thành màu vàng thì đúng như lời nguyện. Nếu không cảm ứng thì thân này biết làm sao?” Phát nguyện xong, cô gạt lệ trở về.

Thế là cả một nồi cơm 5 thạch[164] đều biến thành màu vàng. Đại chúng thấy thế vô cùng kinh ngạc, nhưng không rõ lý do. Họ tìm hỏi khắp nơi, Sư bảo: “Đó là do nguyện lực của con gái nhà Bạch Di Sanh”.

Lúc đó, trong phước hội thu được 10 hộc[165] lúa, liền đem trợ giúp cho cô. Về sau, Sư đem việc này trình lên vua, vua cho phép độ Hoa Nghiêm xuất gia, vào chùa trì kinh Hoa Nghiêm cho đến trọn đời.

Tuy Sư ở ẩn, nhưng thường cứu người giúp vật. Mỗi năm, vào mùa Xuân và Thu, xóm làng đều có cúng tế, sanh vật bị giết quá nhiều, Sư đi khắp nơi để chuộc các con vật, đồng thời khuyến hóa dân chúng thực hành tín nghĩa, đạo đức, làm cho 9/10 hội cúng tế trong thôn không sát sanh, hại vật.

Lần nọ, trong thôn bên cạnh thất của Sư, người dân bắt 3 con heo, định mổ thịt. Nghe tin này, Sư đến chuộc lại. Người dân sợ không giết được, nên ra giá 10.000 lượng. Sư bảo: “Bần đạo hiện có 3.000 lượng, có chịu bán không?”

Mọi người không đồng ý, lại còn phẫn nộ. Bỗng có một đứa bé quấn tấm da dê, đi đến tế đàn giúp Sư mua heo. Thấy cảnh tranh cãi, đứa bé xin rượu, vừa ăn uống vừa nhảy múa, phát ra ánh sáng rực rỡ xoay chuyển quanh thân, khiến những người tại tế đàn đều lóa mắt. Phút chốc, đứa bé biến mất, nhưng không rõ đi đâu. Sau đó, Sư cầm dao cắt thịt mình, rồi bảo: “Người và vật cũng đều là thịt. Nhưng heo ăn những thứ nhơ uế, mà các ông lại ăn thịt nó, còn con người ăn cơm, lẽ nào không cao quý hơn sao?”

Nghe Sư nói vậy, họ đồng loạt thả heo. Sau khi được cứu thoát, heo nhiễu quanh Sư 3 vòng, mũi miệng chạm vào Sư để tỏ ý vui mừng cảm tạ. Vì vậy, cho đến nay, trong vòng 50 dặm phía Tây Nam Kinh đô, các loài heo gà đều không bị giết để cúng tế. Những chuyện Sư hành từ khuyến thiện có cảm ứng đại loại đều như thế.

Sư tính vốn thành tín, ưa đọc kinh Hoa Nghiêm. Suốt đời chỉ một bát ba y, trải bao năm tháng lại càng thêm tinh tấn.

Vào năm Khai Hoàng thứ 8 (588), Tùy Văn đế nhiều lần ban sắc mời Sư vào Kinh đô để dạy cho Hoàng thái tử[166]. Khi ấy, Công chúa trưởng xây dựng chùa Tĩnh Pháp và thỉnh Sư về trụ trì. Tuy mang danh ở chốn kinh thành, nhưng Sư vẫn thường sống nơi vùng rừng núi.

Vào ngày 5 tháng 11 năm Đại Nghiệp thứ 5 (609), Sư viên tịch tại chùa Tĩnh Pháp, thọ 80 tuổi, di hài được an táng tại núi Chung Nam, sau xây tháp tôn thờ bên cạnh chùa Chí Tướng.

 

 

8.3- Thích Pháp An:

Sư họ Bành, người Thuần Cô, An Định, thuở nhỏ xuất gia ở tinh xá Cửu Lũng trên núi Thái Bạch. Sư chọn pháp Thiền làm sự nghiệp, trọn đời chỉ mặc vải thô xấu, ăn uống đạm bạc.

Vào khoảng niên hiệu Khai Hoàng (581-600), Sư đến Giang Đô[167] yết kiến Tấn Vương[168]. Vương vừa thấy như đã quen từ lâu, bèn mời Sư trụ tại đạo tràng Huệ Nhật và thường thỉnh đi chung mỗi khi tuần du.

Một hôm, vua đến Thái Sơn, gặp lúc không có nước, Sư lấy dao chọc vào tảng đá, nước bỗng tuôn ra. Vua khen ngợi và hỏi:

– Thần lực gì vậy?

Sư đáp:

– Thần lực của Hoàng thượng!

Sư lại cùng vua vào hang, gặp một vị tăng mặc y phục thô xấu, cưỡi lừa trắng đi đến. Vua hỏi:

– Ai vậy?

Sư đáp:

– Lãng Công[169].

Sau đó, cả hai đến chùa Thần Thông, vào giảng đường thì thấy một vị thần dáng vẻ rất uy nghiêm, đang tựa vào miệng chim hạc nhìn xuống mọi người. Vua lại hỏi. Sư đáp:

– Thần núi Thái Bạch theo Hoàng thượng đó.

Người đương thời cho rằng, vị thần này ở đây đã 300 năm, ngủ không cần gối, đầu trườn thẳng ra ngoài giường, nước dãi chảy có khi gần một đấu mà chẳng biết vì sao.

Về sau, Tùy Dạng Đế (Dương Quảng, 604-617) càng trọng Sư hơn. Uy đức của Sư át cả Vương Công, ai gặp cũng đều tôn kính, tăng tục đi đường kính Sư như thần.

Có lần, vua đi chiêm bái các Thánh tích ở những nơi nổi tiếng, như núi Ngũ Đài…, đồng thời mời các vị ẩn dật ra giúp vua trị nước. Bấy giờ, tại đạo tràng Huệ Nhật có hơn 2000 tăng chúng tu học mà tứ sự luôn đầy đủ, đều nhờ đức hạnh của Sư vậy.

Vua lại đến Đông Đô[170], lập đạo tràng Bảo Dương, đặc biệt thỉnh Sư về đây hoằng pháp. Sư luôn đọc tụng kinh Hoa Nghiêm trải qua nhiều năm tháng. Có khi Sư nói: “Cảnh giới Phổ Hiền thường hiện trước mắt ta”.

Lần nọ, Sư vào hang đá sâu hơn trăm dặm trong núi Cửu Lũng để khắc kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, hang đá này được gọi là Hoa Nghiêm đường.

Vào năm Đại Nghiệp thứ 11 (615), Sư không bệnh mà tịch, thọ 98 tuổi. Vua ra lệnh đưa kim quan của Sư về núi Thái Bạch, ngày nay mộ tháp vẫn còn. Tăng tục kính nhớ Sư, bèn lập tượng để cầu phước. Còn nơi Sư khắc kinh thì vách núi cheo leo hiểm trở; gần đây, người biết vì cố chấp mà không đi, kẻ muốn đi thì lại không biết đường.

8.4- Thích Giải Thoát:

Sư họ Hình, người huyện Ngũ Đài thuộc Đại Quận, xuất gia năm 7 tuổi, có chí nguyện cao xa. Ban đầu, Sư theo học định và xả nơi thiền sư Huệ Siêu[171] ở núi Bão Phúc, phía Tây Giới Sơn. Thiền sư Huệ Siêu đặc biệt có tài biết nhìn người, nhận ra Sư sẽ trở thành bậc pháp khí, nên bảo với chúng rằng: “Sự thể nhận Thiền học của Giải Thoát rất sâu, các ông không thể sánh kịp, không nên sai Thoát lao dịch việc Tăng như những người tầm thường khác”.

Không bao lâu, Sư tỏ ngộ chỗ uyên áo, hiểu thấu đến tận cùng. Năm 18 tuổi, Sư học hỏi khắp các tông, tham vấn nhiều bậc thạc đức, nghe được điều mới, hiểu thấu nghĩa xưa. Sau khi đăng tòa thọ giới Cụ túc, Sư lại chuyên trì Luật tạng. Chẳng bao lâu, Sư trở về nơi ở cũ, lập tinh xá Phật Quang trên núi Phật Quang ở phía Tây Nam Ngũ Đài sơn để tu tập. Sư thường tụng kinh Pháp Hoa, còn mỗi lần đọc kinh Hoa Nghiêm thì liên tục ngày đêm. Về sau, căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm, Sư thực tập phép quán hào quang của Phật.

Sư cũng thường đến chùa Cổ Đại Phù ở phía Bắc vườn hoa thuộc Đông Nam Trung Đài, cầu gặp bồ-tát Văn-thù, và đã được nhiều lần diện kiến. Lần đầu, Sư vừa lễ bái thì Bồ-tát biến mất; lần sau, mới được nghe Bồ-tát dạy rằng: “Nay ông đâu cần lễ bái ta, hãy tự hối ắt sẽ tỏ ngộ”.

Thế rồi, Sư cung kính vâng theo lời dạy của Bồ-tát, rồi tự tìm cầu mà ngộ pháp Vô sanh, được pháp hỷ. Tuy nhiên, Sư cảm khái đây chỉ là lợi ích riêng, mà lòng lại muốn độ khắp chúng sanh, nên chí thành cầu Đức Phật chứng minh, bèn cảm được chư Phật ứng hiện nói kệ rằng:

Pháp của Phật sâu xa vắng lặng

Nhiều kiếp tu hành nay mới đặng.

Nếu người mở được pháp nhãn ấy

Hết thảy chư Phật đều ngợi khen.

Nghe bài kệ này, Sư hỏi lên không trung: “Pháp sâu xa vắng lặng này há có thể giáo hóa người được ư?” Khi ấy, các Đức Phật liền ẩn mất, chỉ còn có tiếng vọng lại:

Trí phương tiện là đèn

Chiếu thấy cảnh giới tâm

Pháp cứu cánh chân thật

Đều không thể thấy được.

Lần nọ, Đô đốc của châu này thỉnh Sư truyền giới pháp. Khi pháp sự kết thúc, Sư trở về Đông, Đô đốc và Tăng chúng tiễn đến cửa thành Đông thì mặt trời sắp lặn. Buồn vì không được đốt hương cúng dường các Đức Phật, Sư áy náy và hổ thẹn, chợt nghe trên thành có tiếng bảo rằng:

Chắp tay kết thành hoa

Thân làm vật cúng dường.

Tâm thiện, hương chân thật

Tán thán, khói trầm bay.

Chư Phật nghe hương ấy

Tức thời đến độ ngay.

Các ngươi nên tinh tấn

Chớ nghi ngờ mảy may.

Bấy giờ, chỉ mình Sư nghe được tiếng nói này, nên càng dõng mãnh hơn. Từ đó về sau, Sư chứng nhập ngày càng sâu, các bậc đức hạnh vui mừng cùng Sư kết làm quyến thuộc. Thế là, gần xa kéo đến thỉnh giáo rất đông, mỗi ngày có đến 300 người, ngay cả những bậc cao đức cũng tụ về. Vì mong pháp sự thành tựu tốt đẹp, nên Sư nhắc nhở bốn chúng rằng: “Mỗi người nên ăn ngày một bữa”. Phòng xá chật hẹp, nhiều người phải ngồi ngoài trời, nên Sư sai chúng đem bát, ghế xếp đặt khắp cả núi rừng. Sư ân cần khuyến dụ, tùy việc mà chỉ bảo, mong sửa đổi chỗ ngăn trệ cho mọi người, hoàn toàn không có phương pháp chuẩn mực nào. Cho nên, những người vân du không ai xem thường đạo tràng của Sư. Song, gần 50 năm, Sư chưa từng rời chùa, người học Thiền thành tựu có đến hơn 800. Ngoài ra, số người hâm mộ đạo phong của Sư mà tới lui còn hơn gấp bội.

Tôi thường đọc Truyện ký, gặp nhiều bậc cổ đức, như Nam Nhạc Huệ Tư[172] đạt được Thập tín, hiển giai vị cao, Thiên Thai Trí Giả[173] chứng đắc Ngũ phẩm đệ tử vị[174], tỏ công nghiệp rực rỡ; nhưng việc giáo hóa đồ chúng thành tài, thì chưa vị nào có đồ chúng đông như vậy. Nếu chẳng phải là bậc có hạnh vị cao, phương tiện hiện thân đồng với phàm phu, thì hẳn là nhờ sự gia trì của bồ-tát Văn-thù giúp hoằng dương Phật pháp vậy!

Lại nữa, tại núi Đại Hắc ở Đông Nam Thanh Lương, phía Tây Hằng Nhạc, có một Thanh tín nữ[175] bị mù, thường ngồi thiền một mình trong núi. Vào 6 ngày trai[176] mỗi tháng, các tăng tục tại Hằng Châu thường dâng hương hoa, món ngon đến cúng dường bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Một hôm, đúng giờ Ngọ, chợt nghe trên không trung có tiếng bảo rằng: “Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đang giáo hóa trong núi Phật Quang tại Ngũ Đài, cô nên đến đó, ắt được ngộ đạo”. Mọi người cũng đều nghe và rất vui mừng. Vâng theo lời dạy, cô gái đến núi Phật Quang. Hơn 200 dặm đường đi hiểm trở, cô gái mù dò đường đi trước trong khi không có người dẫn dắt. Thấy vậy, Sư kinh hãi bật dậy, ngay đó liền ngộ được thâm lý. Do đó, có thể nói rằng: “Sư là bậc Đại thánh, phương tiện giáng phàm”.

Sư sắp thị tịch, chư tăng biết được, nên đến từ biệt Sư suốt đêm. Đến khuya, có một con hổ đến dòng suối Sư thường uống nước, gào rống bi ai rất lâu. Đến giờ Ngọ hôm sau, Sư cạo râu tóc như thường, rồi lễ bái Tăng chúng. Sau đó, Sư trở về thiền phòng, ngồi ngay thẳng mà tịch, hưởng thọ 81 tuổi, nhằm năm Trinh Quán thứ 16 (642). Lúc ấy, Tăng tục buồn thương như cha mẹ mất, liền tạc khám thờ nhục thân Sư ngay trong chùa, quay mặt về hướng Tây, mở 2 cánh cửa hẹp. Cho đến nay, người đến chiêm lễ thấy Sư vẫn như còn sống.

Lúc sinh thời, Sư từng nói với những người trong thân tộc rằng: “Sau khi ta viên tịch, có một vị Đại nhân làm rạng danh ta, hiệu Thanh Lương phục hưng từ đây”.

Đến tháng 9 năm Lân Đức thứ 1 (664), Đường Cao Tông ban chiếu cho sa-môn Hội Di ở chùa Hội Xương, cùng với Quả Nghị, Chân Vạn Phước dâng ca-sa lên nhục thân Sư; đồng thời, đến cúng dường Thánh tích tại các ngọn núi danh tiếng. Từ đó, kẻ sĩ gần xa có lòng quy hướng đều nhớ mãi chốn này. Nghiệm lại thật đúng với lời Sư đã nói.

8.5- Thích Minh Diệu:

Sư xuất gia từ thuở nhỏ, kết giao với thiền sư Giải Thoát và đối xử bằng tình sư hữu[177]. Sư tánh tình nhu thuận, khiêm tốn, chưa từng lộ vẻ buồn vui. Sư thường tụng kinh Pháp Hoa, và siêng năng đọc kinh Hoa Nghiêm, về già lại càng thêm tinh tấn. Sư cao 7 thước, có giọng nói trầm bổng, nương thiền sư Giải Thoát học phép quán hào quang của Phật.

Có lần, Sư tuyệt thực theo thiền sư Giải Thoát đến đảnh lễ bồ-tát Văn-thù-sư-lợi ở chùa Đại Phù. Đến phía Bắc vườn hoa, Sư chợt gặp một vị Đại đức dung nghi và y phục khác thường, từ hang Vương tử thiêu thân bước ra. Vị ấy từ từ đi thẳng đến phía Nam Phật đường, phía Đông chùa Đại Phù, rồi như muốn cùng đi về hướng Đông. Vừa mừng vừa lo, Sư định bước về phía trước chí thành đảnh lễ, nhưng chưa đi được vài thước, thì vị Đại đức ấy biến mất. Sư bùi ngùi hồi lâu, lòng càng tinh tấn.

Ngày sa-môn Hội Di ở chùa Hội Xương, đất Tây Kinh vâng lệnh vua đến núi Ngũ Đài, Sư đích thân đảnh lễ. Lúc đó, Sư thọ đến 106 tuổi mà thần thái vẫn uy nghiêm. Sau không biết Sư viên tịch ở đâu.

8.6- Sa-môn Thích-ca-di-đa-la:

Thích-ca-di-đa-la (Hán dịch là Năng Hữu), người Trường Quý, nước Sư Tử, đã chứng quả A-na-hàm.

Vào năm Lân Đức thứ 1 (664), Sư đến Trung Hoa, vua Đường Cao Tông (Lý Trị, 650-683) rất kính trọng, nên thỉnh Sư ở chung với chân nhân[178] Trường Niên và Đại tướng quân Hoài Hóa, tại cung Bồng Lai trong cung cấm. Được hơn một năm, Sư xin vua đi chiêm bái những Thánh tích khắp các danh sơn, rồi tìm đến đảnh lễ bồ-tát Văn-thù-sư-lợi ở núi Thanh Lương, Đại Châu.

Có lần, đến chùa Thái Nguyên tại Kinh đô, gặp lúc chư Tăng sắp tụng kinh Hoa Nghiêm, Sư hỏi người phiên dịch:

– Đây là kinh gì?

Thưa:

– Là kinh Hoa Nghiêm.

Sư tỏ vẻ cung kính và nói:

– Không ngờ nơi đây cũng có kinh này!

Nói xong, Sư chắp tay hoan hỷ, tán thán hồi lâu và nói:

– Công đức của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này thật khó nghĩ bàn. Tương truyền: Ở Tây Vức có người rửa tay trước khi đọc kinh này, trùng kiến nhờ thấm ướt nước rửa tay mà sau khi chết được sanh lên trời; huống gì thọ trì đọc tụng kinh này, thì phước báo càng không thể nghĩ bàn.

8.7- Cư sĩ Cao Nghĩa Thành:

Cư sĩ người huyện Lâm Phần, Tấn Châu, xuất thân trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo, được xóm làng kính trọng.

Vào tháng 2 năm Hàm Hanh thứ 4 (673), Cư sĩ thỉnh kinh Hoa Nghiêm ở chùa Hiền Kiếp tại huyện Hồng Động về thờ trong ngôi tháp nhỏ tại nhà. Đúng giờ Ngọ hôm tụng kinh, bỗng có ánh sáng lạ như mặt trời chiếu vào gương, soi rực rỡ trên vách, hồi lâu mới tắt. Khi tụng biến thứ hai, ánh sáng lại chiếu soi khắp bốn vách của Phật đường. Do đó, mọi người xa gần cùng đến xem và đều khen ngợi, kính ngưỡng.

8.8- Thích Hoằng Bảo:

Sư người Thái Khâu, huyện Trâu Bình, Truy Châu. Năm 18 tuổi, Sư xuất gia ở chùa Hoằng Chân.

Một hôm, nơi cổ của Sư bỗng nổi một cục bướu nhỏ, sau lớn dần bằng cái chén lớn, cứu chữa không khỏi, làm cho đầu chỉ ngước lên mà không thể cúi xuống, nên gió táp mưa sa đều chảy hết vào mũi miệng, uống ăn hay súc rửa gian khổ muôn phần. Không chỉ những người xung quanh khinh bỉ mà Sư cũng buồn tủi cho thân phận của mình.

Năm 35 tuổi, tình cờ gặp một vị tăng dạy đọc kinh Hoa Nghiêm để tiêu trừ nghiệp chướng đời trước, Sư bèn chuyên tâm chí thành, ngày đêm tha thiết, sám hối sáu thời. Nguyện tụng 100 biến, nhưng vừa hơn 40 biến, thì Sư nằm mộng thấy có người cầm dao bén cắt bỏ cục bướu. Vài ngày sau, nơi cục bướu nổi một mụt ghẻ lớn bằng trái táo. Sư lấy tay ấn nhẹ thì mủ chảy ra mấy chung, ngày ngày đều như thế, suốt 3 tháng liền. Từ đó, bướu ghẻ lành dần cho đến bình phục. Lúc ấy nhằm vào đầu năm Hàm Hanh thứ 2 (671).

Sư cùng các đệ tử dốc lòng truyền bá kinh luật. Vui mừng bởi được tái tạo trong chốn phù sinh và cảm niệm sự linh thông của Thánh lực, vui buồn lẫn lộn, Sư đổi hết tư tài lấy tiền chi phí, cung kính biên chép một bộ kinh Hoa Nghiêm, ngày đêm đọc tụng, thọ trì, khoảng vài năm mới hoàn thành tâm nguyện. Từ đó, mọi người gần xa đều phát tâm truyền bá kinh này.

8.9-  Chuyện kinh Hoa Nghiêm phóng ánh sáng:

Vào năm Văn Minh thứ 1 (684), Tam tạng pháp sư Nhật Chiếu người Trung Ấn Độ phiên dịch kinh Hoa Nghiêm tại chùa Thái Nguyên (Ngụy Quốc Tây Tự) ở Kinh đô, Trung Quốc.

Một hôm, Sư kể rằng: Gần thành Chiêm-ba nước Nam Ấn Độ, có một ngôi chùa tên Tỳ-sắt-nô, các vị Tăng trụ nơi đây chuyên tu hạnh đầu-đà và học theo pháp Tiểu thừa. Bấy giờ, bỗng có vị pháp sư Đại thừa mang bộ Hoa Nghiêm đến. Các vị tăng Tiểu thừa không cung kính, nên vị pháp sư Đại thừa để bộ kinh lại, rồi không biết đi đâu. Vì tâm không kính tin, các vị tăng Tiểu thừa ném bộ kinh này xuống giếng. Sau đó, thường thấy một luồng ánh sáng đỏ rực từ trong giếng phóng ra bên ngoài, có lúc như ngọn lửa dữ, mọi người bèn vớt lên thì đúng là bộ Hoa Nghiêm. Tuy ngâm lâu ngày trong nước, nhưng bộ kinh không hề bị ướt. Vì vậy, các vị tăng Tiểu thừa mới tin bộ kinh này là lời Phật nói, nhưng vẫn cho là không bằng kinh Tiểu thừa, nên xếp dưới. Đến sáng hôm sau, lại thấy bộ kinh này nằm trên, các vị bèn la rầy mấy Chú tiểu:

– Chú nào tự ý dời kinh lên trên?

Thưa:

– Dạ, không ai động đến!

Các vị lại đem đặt xuống bên dưới, ngày mai bộ kinh cũng nằm lên trên như trước. Vài lần như thế, các vị tăng Tiểu thừa vô cùng kinh ngạc, mới biết kinh này hơn hẳn những kinh mình đã học. Thế là, các vị gieo mình xuống đất, khóc than kể lể, hồi tâm sám hối, cùng nhau thọ trì kinh này. Từ đó, kinh Hoa Nghiêm rất được thịnh hành tại nước này; đồng thời, các sư Tiểu thừa đều suy tôn, quy kính và vững tin kinh này.

9- THƯ TẢ (Những vị biên chép kinh Hoa Nghiêm)[179]:

9.1- An Phong Vương Diên Minh và Trung Sơn Vương Nguyên Hy:

Diên Minh và Nguyên Hi đều thuộc dòng Tôn thất đời Ngụy[180], thông hiểu chuyện xưa, có học vấn và tri thức. Hai ông cùng lập đạo tràng, thay nhau giảng pháp; lại dùng nước thơm hòa mực để chép 100 bộ kinh Hoa Nghiêm. Đặc biệt, có chép một bộ kinh Hoa Nghiêm chữ nhũ vàng trên lụa trắng, tất cả đều đặt trong rương tứ bảo[181] và hòm ngũ hương[182]. Vào đêm khuya vắng lặng, hai ông thanh tịnh thân tâm, tụng kinh hành đạo. Bấy giờ, thường có luồng ánh sáng 5 sắc[183] phóng ra, chiếu rực cả nhà. Mọi người đều thấy, càng tin sâu kinh này.

9.2- Thích Đức Viên:

Sư người Thiên Thủy, xuất gia từ thuở nhỏ, thường chọn kinh Hoa Nghiêm làm pháp tu, lấy việc tụng kinh, tham thiền làm thường khóa. Sư tham học khắp các đạo tràng, tỏ ngộ được lý cùng tột. Lại kính nghĩ Hoa Nghiêm là  bộ kinh uyên áo; muốn tỏ lòng chí thành với kinh, Sư bèn tạo một khu vườn thanh tịnh, trồng cây dó[184] và các hoa cỏ thơm. Từ đó, hàng ngày, sau khi tắm gội sạch sẽ, Sư vào vườn, tưới nước thơm cho cây. Suốt 3 năm, cây dó lớn lên, tỏa hương thơm ngát. Bấy giờ, Sư dựng riêng một tịnh thất, dùng đất thơm trát vách, đắp nền, rồi chuẩn bị đầy đủ hương thơm, vật dụng sạch sẽ, đồ tắm, y phục mới. Những người thợ được mời cũng phải trai giới, khi ra vào phải  thay y phục, súc miệng, rửa tay, xông hương, rồi mới lột lấy vỏ cây ngâm vào nước trầm để chế tạo thành giấy, trọn một năm mới xong.

Sư lại đắp một nền khác để làm căn phòng mới, mà toàn bộ cột kèo, rui mè cho đến ngói lợp cũng đều rửa bằng nước thơm. Mọi việc đều tinh khiết, nghiêm cẩn. Trong căn phòng ấy, Sư bố thí một tòa được làm bằng gỗ bách khảm ngà voi, chung quanh bày biện hương hoa, phía trên có treo lọng báu và chuông gió. Bàn kinh được làm bằng gỗ bạch đàn[185], kết rèm xen với lưu tô[186], tử trầm[187], bên cạnh là cái án bày đầy bút nghiêng. Người viết kinh hàng ngày phải giữ giới nghiêm tịnh, tắm 3 lần bằng nước thơm, mặc y mới, đội hoa quan[188], giống như người cõi trời, rồi mới vào phòng chép kinh. Hai bên đường vào phòng chép kinh, có đốt hương thơm ngát và xướng tụng Phạm âm. Bấy giờ, Sư cũng đắp y trang nghiêm, bưng lư hương, cung kính dẫn đường, rải hoa cúng dường, rồi mới chép kinh. Sư quỳ gối dốc lòng, định thần chú ý. Mới chép được vài hàng, mỗi chữ đều phóng hào quang chiếu sáng cả căn nhà, hồi lâu mới tắt. Thấy vậy, mọi người đều rất cảm động.

Có khi còn cảm đến Thần nhân hiện hình cầm kích bảo vệ, chỉ Sư và người chép kinh trông thấy. Lại có một đồng tử cõi trời Phạm[189] mặc áo xanh, tay cầm hoa trời, không biết từ đâu, chợt đến cúng dường. Những chuyện linh cảm xảy ra liên tiếp. Trải qua 2 năm mới chép xong. Sư lại xếp kinh vào chiếc hộp hương, màn báu phủ quanh, đặt trong tĩnh thất, thường vào lễ bái. Một hôm, Sư đang đọc tụng, thì chiếc hộp phát ra ánh sáng lạ.

Việc giữ thanh tịnh và cung kính kinh điển, cũng như những điềm lành ứng hiện như vậy, xưa nay thật hiếm có.

Đến nay, kinh này lần lượt truyền trao qua năm đời mà người sau vào tịnh thất tụng kinh vẫn còn linh cảm. Hiện kinh được lưu giữ, cúng dường ở chỗ  sư Hiền Thủ tại chùa Tây Thái Nguyên (tức Ngụy Quốc Tây Tự).

9.3- Thích Pháp Thành:

Sư họ Phần, người huyện Vạn Niên, Ung Châu, Trung Quốc. Sư xuất gia từ thuở nhỏ, lấy việc tụng kinh Hoa Nghiêm làm sự nghiệp. Nhân gặp thiền sư Huệ Siêu là người đức hạnh cao vời, ẩn cư chốn thâm sơn, Sư thầm biết mình có duyên, liền từ bỏ nơi ồn náo, chí thành đến thỉnh giáo.

Sau Sư lập Hoa Nghiêm đường trên đỉnh núi phía Nam của chùa. Ngói và vách của ngôi nhà được làm bằng đất trộn nước thơm do đích thân Sư nhồi đạp tự làm. Trang trí phòng ốc xong, Sư lau sạch họa tượng Thất xứ Bát hội, lại đến mời một người viết chữ đẹp lúc bấy giờ là học sĩ Trương Tĩnh ở Hoằng Văn quán; khi mọi việc đã thanh tịnh, mới cung kính biên chép kinh văn. Bấy giờ, Sư bưng lư hương nhất tâm cúng dường, cho đến mỗi chấm mỗi nét cũng đều định thần chú tâm. Sư phải trả phí rất trọng, 2 trang đến 500 tiền.

Chuyện này cảm ứng đến một con chim quý có hình sắc lạ thường, ngậm cành hoa bay vào nhà, từ từ lượn quanh, rồi đáp xuống bàn kinh, kế đó lại bay đến lư hương. Những ngày chép kinh kế tiếp, chim lại bay đến. Chép xong, Sư đặt kinh vào hộp thơm, màn báu vây quanh, trang trí rất đẹp. Từ đó về sau, những người chuyên tâm đọc tụng, phần nhiều có cảm ứng.

9.4- Thiền sư Thích Tu Đức:

Sư người Trung Sơn, Định Châu, sống vào đời Đường (618-907), Trung Quốc. Sư bản tánh ưa khắc khổ, ẩn cư nơi núi rừng, chuyên tâm tu tập theo kinh Hoa Nghiêm và luận Đại Thừa Khởi Tín, đồng thời cũng nhiếp niệm tu thiền.

Vào năm Vĩnh Huy thứ 4 (653), nhân kính tin kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm, Sư phát đại tâm, dốc lòng sao chép. Do đó, Sư ở riêng trong một tịnh viện, trồng cây dó và các loại thảo dược, suốt 3 năm tưới bằng nước thơm. Sau đó, bóc lấy vỏ chế tạo thành giấy. Sư lại xây thêm một tĩnh thất, mời người viết chữ đẹp Vương Cung ở Ngụy Châu về ở nơi ấy, hàng ngày giữ trai giới, tắm gội, thay y phục, đốt hương, rải hoa, treo bảo cái, lễ kinh sám hối, rồi mới lên tòa chép kinh. Mỗi lần ông ta đặt bút thì ngậm hương, nhấc bút mới thở ra; ngày ngày như thế, tinh cần không biếng trễ. Còn Sư thì đích thân vào tịnh thất, chí thành đốt hương, chú tâm theo dõi từng nét bút, như thế cho đến khi chép xong. Cứ mỗi quyển, Sư trả công 10 xấp lụa, đến hoàn tất trọn bộ thì tính hơn 600 xấp lụa, nhưng Vương Cung phát tâm cúng dường. Do tâm trí lao khổ, khiến sức cùng lực kiệt, nên vừa chép kinh xong, thì ông cũng qua đời.

Sư mở trai đàn tạ lễ việc chép kinh hoàn mãn, mọi người đều cầu mong được lễ bái và chiêm ngưỡng. Trước chúng, Sư đốt hương, rải hoa và phát nguyện rộng lớn. Vừa mở hộp kinh, ánh sáng phóng ra, tỏa hơn 70 dặm, chiếu đến thành Định Châu. Trai gái trong thành đều trông thấy. Đại chúng ở Trung Sơn thấy việc này, đều cho là điều chưa từng có, nên gieo mình xuống đất, than khóc sám hối.

Sư lại khắc kinh Niết-bàn, Pháp Hoa lên đá, mỗi loại một bộ. Vừa đưa vào tôn trí trong rương, hai bộ kinh này liền phóng ánh sáng, tỏa khắp hơn 10 dặm. Mọi người thấy vậy, đều vô cùng cảm ngộ.

9.5- Triều tán đại phu Tôn Tư Mạc:

Ông là người Vĩnh An, Ung Châu, sống vào đời Đường (618-690). Ông có thần thái cao khiết, dung mạo khôi ngô, thân cao 7 thước, mắt sáng, mày thưa, học thông nội ngoại điển[190], giỏi y thuật, rành âm dương, thuật số, thiên văn, lịch pháp và bói toán. Ông còn giỏi dưỡng thần, thích đan dược[191]. Do thường dùng Lưu châu đan và Vân mẫu phấn[192], nên da dẻ hồng hào, răng tóc nguyên vẹn. Tương truyền, Ông đã hơn 100 tuổi mà tướng mạo như chừng bảy tám mươi.

Năm Nghĩa Ninh thứ 2 (618)[193], lúc Đường Cao Tổ (Lý Uyên, 618-626) khởi nghĩa ở Tinh Châu, ông cũng đang ở đó. Biết ông là người uyên bác, Cao Tổ lấy lễ mà đối đãi, phong chức Quân đầu[194], cấp hàm Tứ phẩm, nhưng ông một mực từ chối. Về sau, ông chu du khắp nơi, tùy thời tùy lúc giúp ích cho đời, nhưng chuyên lấy y thuật làm sự nghiệp. Hễ có người đến hỏi bệnh, ông đều cứu chữa. Ngoài ra, ông còn khuyên mọi người chép được hơn 750 bộ kinh Hoa Nghiêm.

Trong khoảng niên hiệu Thượng Nguyên (674-676) đến niên hiệu Nghi Phượng (676-679), ông sống ở 2 huyện Trường An và Vạn Niên. Tại đây, ông thường nói chuyện về các nhân vật Tề, Ngụy hay cố đô Lạc Dương. Các quan trong thành và tăng chúng các chùa đều chứng kiến việc này, nhưng khi hỏi thì ông tuyệt nhiên không nói.

Ông có soạn bộ sách nói về diệu thuật của các danh y xưa nay, đặt tên là “Tôn Thị Thiên Kim Phương”, gồm 60 quyển, được đương thời sử dụng. Khi ông dâng lên Cao Tổ, Cao Tổ ban thưởng gấm lụa, nhưng ông kiên quyết từ chối. Bấy giờ, vua triệu ông vào cung và tiếp đãi rất ưu ái suốt một tháng.

Có lần, vua Cao Tông (Lý Trị, 649-683)) ung dung hỏi ông:

– Tu công đức gì là tốt nhất?

Mạc trả lời:

– Tâu Hoàng thượng, không gì bằng tụng kinh Hoa Nghiêm.

Vua hỏi:

– Tại sao?

Mạc đáp:

– Hoàng thượng là bậc Đại nhân, phải tụng Đại kinh. Thí như vật báu thì phải đựng trong hòm quý mới tương xứng.

Vua nói:

–  Nếu luận về Đại kinh, thì gần đây có bộ Đại Bát-nhã 600 quyển[195], do pháp sư Huyền Tráng dịch, há không phải là Đại sao?

Mạc nói:

– Bát-nhã Không tông[196] là ngọn ngành, được rút ra từ kinh Hoa Nghiêm.

Vua rất tin lời này.

Ông mất trước năm Vĩnh Thuần (682-683). Con của ông tên Nguyên Nhất, hiệu Hành Chân, là người có tánh ngay thẳng, học vấn uyên bác, nghe nhiều, biết rộng, trí nhớ tốt, hiểu sâu pháp yếu, cũng quy hướng Nhất thừa. Nối nghiệp cha, Nguyên Nhất cũng lấy kinh Hoa Nghiêm làm sự nghiệp, nổi danh đương thời, là một thanh tín sĩ[197] xuất sắc.

9.6- Cư sĩ Khang A Lộc Sơn:

Cư sĩ người huyện Vạn Niên, Ung Châu.

Vào ngày mồng 1 tháng 5 năm Điều Lộ thứ 2 (680), ông lâm bệnh rồi qua đời. Năm ngày sau, người nhà mới liệm và đưa đi chôn, nhưng chưa kịp khiêng xuống xe, thì nghe trong quan tài có tiếng động. Người thân nghi ông sống lại, nên mở ra xem, quả thật như thế. Đưa về đến nhà, Ông nói Diêm vương[198] bắt nhầm.

Trước mặt Diêm vương, có tất cả 35 người xếp thành một hàng. Trong đó, 15 người như Quả Nghị ở Tân Phong, Lộc Sơn v.v…, lúc còn sống đã giữ giới hạnh, bày tỏ trước vua, nên được tha về.

Ngoài ra, ông còn thấy thầy thuốc A Dung ở hiệu thuốc tại chợ Đông. Thầy bị bệnh, chết vào năm Điều Lộ thứ 1 (679), vì lúc sống luộc gà, nên cùng 700 người đọa vào địa ngục Hoạch Thang[199]. Vì trước có quen biết Lộc Sơn, nên thầy nhắn gởi rằng: “Đứa con thứ tư của tôi là Hành Chứng, có lòng nhân từ. Xin ông vì tôi bảo nó chép một bộ kinh Hoa Nghiêm, nếu chép những kinh khác thì không thích hợp. Nếu được thì 700 người này đều được giải thoát”.

Sau khi khỏe lại, Sơn đến Tân Phong tìm Quả Nghị. Hai người gặp nhau vui buồn lẫn lộn, như quen biết từ lâu, nói rõ nguyên nhân xưa đều rất phù hợp. Sau Sơn đến hiệu thuốc ở chợ Đông để chuyển lời của thầy Dung cho Hành Chứng. Khi nghe tin này, Chứng rất đau xót, nên đến chỗ ngài Pháp Tạng ở chùa Tây Thái Nguyên, thỉnh kinh Hoa Nghiêm, rồi nhờ người biên chép. Kể từ khi thầy Dung mất, người nhà hoàn toàn không thấy báo mộng, nhưng khi vừa chép kinh, đêm ấy mọi người đều thấy cha mình về báo mộng rất vui vẻ.

Đến tháng 8 năm Vĩnh Long thứ 1 (680), kinh được chép xong, Chứng thiết trai cúng dường tạ lễ các Sa-môn Đại đức. Hôm ấy, Lộc Sơn thấy 700 quỷ trong đó có thầy Dung đều đến trai đàn, kính lễ Tam bảo và quỳ trước chư tăng, xin sám hối, thọ giới, việc xong rồi đi.

Chứng kiến mọi việc ở âm ty, Sơn càng tin sâu tội báo, nên dứt bỏ việc đời, vào núi Chung Nam, Thái Bạch ẩn tích mai danh. Sau không biết ông chết ở đâu.

 

10- TẠP THUẬT (Những tác phẩm liên quan đến kinh Hoa Nghiêm):

] Phật Danh 2 quyển, Bồ-tát Danh 1 quyển, không biết ai soạn từ kinh Hoa Nghiêm, nhưng chưa được đầy đủ. Nay sa-môn Hiền Thủ soạn lại đầy đủ và rõ ràng hơn.

] Phổ Lễ Pháp Thập Ngũ Bái, do thiền sư Trí Khải ở núi Thiên Thai soạn. Phần lễ bái, đầu tiên xướng “Phổ lễ”, sau cùng xướng “Lô-xá-na Phật”, đoạn giữa dẫn tên gọi của Thất xứ Bát hội, như “Phổ lễ Tịch Diệt đạo tràng Lô-xá-na Phật”… Pháp Phổ lễ hiện đang thịnh hành ở vùng phía Nam Trường Giang. Đại sư Trí Khải vẫn phán thích kinh Hoa Nghiêm là Đốn giáo viên mãn.

] Hoa Nghiêm Trai Ký 1 quyển, do Cánh Lăng Văn Tuyên Vương[200] soạn. Từ đời Tề, đời Lương trở về sau, có lập nhiều trai đàn Phương Quảng và đều y cứ vào đây mà tu hành. Nay pháp sư Hoằng ở Ích Châu cũng chọn kinh Hoa Nghiêm làm chí hướng. Sư từng khuyên 50 hoặc 60 thanh tín sĩ, dân thường lập phước xã (hội làm phước). Mỗi người tụng một quyển kinh Hoa Nghiêm. Mỗi nửa tháng, một nhà thiết trai, trang nghiêm đạo tràng, lập một cao tòa, vị cúng chủ lên tòa, còn mọi người ngồi dưới mà tụng, tụng xong mới giải tán. Pháp sự này cũng thuộc về Trai hội.

] Cúng Dường Thập Môn Nghi Thức, do sa-môn Trí Nghiễm soạn.

] Thiện Tài Đồng Tử Chư Tri Thức Lục, do sa-môn Ngạn Tông soạn.

] Hoa Nghiêm Chỉ Quy 1 quyển, do sa-môn Pháp Tạng soạn, nội dung gồm 10 môn: 1. Nơi chốn thuyết kinh; 2. Thời gian thuyết kinh; 3. Đức Phật thuyết kinh; 4. Chúng thuyết kinh; 5. Nghi thức thuyết kinh; 6. Luận về ngôn giáo của kinh; 7. Hiển bày nghĩa lý của kinh; 8. Giải thích ý nghĩa của kinh; 9. Biện giải lợi ích của kinh; 10. Trình bày chỗ viên dung của kinh.

Trong 10 môn, mỗi môn dùng 10 nghĩa để giải thích, tất cả thành 100 môn để hiển bày ý kinh, giúp cho nghĩa lý sâu rộng hiện rõ ràng, như trong bản văn đã nói.

] Hoa Nghiêm Tam-muội Quán 1 quyển, do ngài Pháp Tạng soạn, nội dung gồm 10 môn, mỗi môn dùng 10 nghĩa để nêu yếu chỉ của kinh, mong giúp tu thành tựu hạnh nguyện Phổ Hiền, gieo giống Kim Cang, tạo nhân Bồ-đề, mai sau được dự vào Hải hội Hoa Nghiêm. Pháp Hoa Tam-muội Quán của đại sư Thiên Thai đáng làm gương sáng soi tâm cho hành giả.

] Hoa Nghiêm Cương Mục 1 quyển.

] Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa Chương 1 quyển.

] Hoa Nghiêm Giáo Phân Ký 3 quyển.

Ba tác phẩm trên đều do sa-môn Pháp Tạng soạn, nằm ngoài các chú sớ. Nội dung tùy người hỏi mà theo nghĩa trả lời, rồi gom chép thành quyển. Tất cả  đều nêu rõ ý nghĩa kinh Hoa Nghiêm.

] Hoa Nghiêm Phiên Phạn Ngữ 1 quyển (Bản cũ)

] Hoa Nghiêm Phạn Ngữ Cập Âm Nghĩa 1 quyển (Bản mới)

Tất cả những chữ Phạn trong 2 bản và chữ khó trong bản mới đều đã được phiên âm và giải nghĩa đầy đủ. Đây là 2 bộ sách cần thiết cho người xem kinh.

] Hoa Nghiêm Tam Bảo Lễ, gồm 10 lễ:

Lễ thứ nhất là: “Quy mạng Phật Lô-xá-na và tất cả Phật khắp pháp giới trong 10 phương ngồi trên tòa sư tử nơi cội Bồ-đề, đã nói Pháp hải quả đức sâu xa, và Đại Bồ-tát nhiều như vi trần, như Phổ Hiền… cùng tất cả Tam bảo trong hội thứ nhất”.

Bảy hội sau là nêu tên của nơi chốn, pháp tu và Bồ-tát, phần còn lại đều giống như trên.

Hội thứ 9 là đảnh lễ Tam bảo trong kinh Hoa Nghiêm bản Trung, gồm 498.800 bài kệ.

Hội thứ 10 là đảnh lễ Tam bảo trong kinh  Hoa Nghiêm bản Thượng, gồm 10 đại thiên thế giới vi trần số bài kệ. Tất cả chỉ nêu lên Phật, Pháp và bồ-tát Phổ Hiền (Tăng) trong kinh này.

] Hoa Nghiêm Tán Lễ 10 quyển, gồm 10 bài, trong đó:

Lễ đầu tiên là:

Chí tâm quy mạng lễ

Hội thứ nhất Hoa Nghiêm.

Thọ vương[201] thành Chánh giác,

Liên giới[202] thuyết Chân kinh[203].

Chặng mày phóng Thánh chúng

Diện môn[204] phát thần quang[205].

Trên tòa tuôn biển tuệ

Chân lông hiện mây lành.

Mảy trần nhiếp pháp giới

Một niệm thâu chín đời.

Nguyện cùng các chúng sanh

Đồng dạo cõi Hoa tạng.

Hội thứ hai có bài tán rằng:

Cung rồng, mây tín[206] phủ

Hải ấn, pháp mầu tuôn.

Hào quang soi cùng khắp

Danh Đế[207] từ viên âm[208].

Hiền Thủ[209] hàm Lục vị[210]

Mười phương đến, vừa truyền.

Chủ bạn[211] hằng soi sáng

Lý Đế võng[212] khó tìm.

Hội thứ ba có bài tán rằng:

Mặt trời soi đỉnh núi

Mây phủ khắp hư không

Chưa rời cội Bồ-đề.

Cõi trời hiện tôn dung[213].

Lời Dịch Giả ||  Phần 1 || Phần 2

[161] Tam tạng: Ba tạng Kinh, Luật và Luận tạng. Kinh tạng: Kinh điển do Phật nói, trên thì khế hợp với lý của chư Phật, dưới thì khế hợp với căn cơ của chúng sanh; các yếu nghĩa trong giáo thuyết của Đức Phật đều thuộc về loại Kinh bộ. Luật tạng: Luật nghi do Phật đặt ra có công năng sửa trị những điều xấu ác của chúng sanh, điều phục tâm tính của chúng sanh; các quy định về sinh hoạt của giáo đoàn do Phật đặt ra đều thuộc về loại Luật bộ. Luận tạng: Luận nghị về ý nghĩa của kinh Phật, đơn giản những chỗ súc tích thành sáng sủa để quyết trạch tính tướng các pháp; để phát triển giáo thuyết của Đức Phật xa hơn, nên người đời sau dùng trí tuệ thù thắng để giải thích, luận nghị giáo thuyết ấy bằng hình thức tổ chức hóa, hệ thống hóa. Luận tạng còn gọi là Luận bộ. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4168-4169).

[162] Quan tự: Tự viện được ban bổng lộc và chịu sự quản lí của triều đình. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3793).

[163] Phước hội: Pháp hội để mọi người gieo trồng phước đức. Nghĩa là đem y phục, thức ăn và các vật dụng khác dâng cúng chư Phật, Bồ-tát, các bậc Đại đức hoặc ban phát cho người bần cùng.

[164] Thạch: Đơn vị đo trọng lượng thời xưa, bằng 120 cân, tương đương với 120 pao thời nay.

[165] Hộc: Đồ đong lường thời xưa, bằng 10 đấu, tức 10 thăng (ta quen đọc là thưng).

[166] Hoàng thái tử: Con trai trưởng của vua, hoặc người con trai của vua được phong thái tử để nối ngôi.(Theo Hán Việt Tân Từ điển, trang 273).

[167] Giang Đô: Giang Tô, Dương Châu, Trung Quốc.

[168] Tấn Vương: Tùy Dương Kiên, hiệu là Văn Đế, vị vua sáng lập nhà Tùy của Trung Quốc. Ông làm vua từ năm 581 đến 604. (Theo Từ điển Trung Việt, 1993, trang 1636).

[169] Lãng Công: Vị tăng đời Tần, từng kết dao với ẩn sĩ Trương Dung. Sư cất tinh xá, xây thạch thất trong núi Côn Luân ở hang Kim Dư thuộc phía Tây Bắc Thái Sơn, có hơn 200 người nghe tiếng tăm Sư bèn đến ở. Phù Kiên, Mộ Dung Đức, Hiếu Vũ Đế đời Tấn đều kính ngưỡng đức hạnh Sư, Phù Kiên muốn thỉnh Sư nhưng Sư một mực từ chối. Về sau, Mộ Dung Đức nhân danh là vua Đông Tề cấp cho Sư thuế tô của 2 huyện, tiếng tăm Sư càng vang xa. Người đương thời gọi hang Kim Dư là Lãng Công cốc, gọi chùa là Lãng Công Cốc Sơn Tự. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5168, điều “Thần Thông Tự”).

[170] Đông Đô: Tức Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay của Trung Quốc.

[171] Huệ Siêu (546-622): Cao tăng Trung Quốc, sống vào cuối đời Tùy đầu đời Đường, họ Thẩm, người Kiến Khương, Đơn Dương (Giang Ninh, Ninh Tô). Lúc đầu, Sư chuyên tụng kinh Pháp Hoa, sau học pháp Nhất thừa tam quán của tông Thiên Thai nơi thiền sư Huệ Tư, cùng tu Huệ quán nhất thừa với các sư Trí Giả, Mệnh Công một thời gian lâu rồi vào ẩn tu ở Tung Sơn. Sau Sư được thái tử Dương Dũng kính lễ đãi ngộ, thỉnh Sư ra trụ tại chùa Đình Thủy, rồi chùa Ngộ Chân, chùa Thiền Định. Về sau, Sư xin trở về núi ẩn cư, nhưng người các nơi vẫn đến tham học. Đến khi nhà Đường lên ngôi thì danh tiếng của Sư càng vang dội. Sư thị tịch vào năm 622, hưởng thọ 77 tuổi. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1994).

[172] Huệ Tư (515-577): Còn gọi Nam Nhạc Tôn giả, Tư Đại Hoà thượng, Tư Thiền sư. Cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Nam Bắc triều, người Vũ Tân, thượng Thái, Hà Nam, họ Lý, là Tổ thứ 2 tông Thiên Thai, Trung Quốc (có thuyết cho là Tổ thứ 3)… Một hôm, Sư mộng thấy bồ-tát Phổ Hiền lấy tay xoa đầu, từ đó trên đảnh nổi lên nhục kế. Năm 15 tuổi, Sư xuất gia, tham yết thiền sư Huệ Văn ở Hà Nam, được truyền pháp Quán tâm. Sư là người đầu tiên chủ trương đưa ra thuyết nói về thời suy vi của Phật pháp, tức là thời kỳ mạt pháp, cho nên xác lập tín ngưỡng Phật A-di-đà và Phật Di-lặc. Sư chú trọng đến việc thực hành Thiền pháp và cả việc nghiên cứu giáo lý, danh tiếng vang lừng, được vua Tuyên Đế kính ngưỡng. Sư truyền pháp cho ngài Trí Khải, là một môn hạ kiệt xuất trong hàng đệ tử. Sư viên tịch năm 577, thọ 63 tuổi. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1999-2000).

[173] Trí Giả (538-597): Còn gọi Trí Khải, Thiên Thai Đại sư, là Tổ thứ tư của tông Thiên Thai, Trung Quốc, nhưng được xem là người thực sự sáng lập tông phái này. Đại sư sống vào đời Tùy, người ở Hoa Dung, thuộc Kinh Châu, tỉnh Hồ Nam. Năm 18 tuổi, Sư lễ ngài Pháp Tự chùa Quả Nguyện cầu xuất gia. Không bao lâu, Sư học Luật tạng nơi ngài Huệ Khoáng, thông hiểu cả Phương Đẳng. Năm 560 đời Trần, Sư đến núi Đại Tô ở Giang Châu tham yết ngài Huệ Tư. Ngài Huệ Tư chỉ dạy Phổ Hiền đạo tràng, giảng nói 4 hạnh an lạc, Sư liền trụ lại đó. Một hôm, tụng đến phẩm Dược Vương trong kinh Pháp Hoa, Sư hoát nhiên khai ngộ, sau đó thay ngài Huệ tư khai giảng, lại nhận lời phó chúc của Ngài vào Kim Lăng hoằng truyền Thiền pháp. Tại chùa Ngõa Quan, Sư khai diễn đề kinh Pháp Hoa, lập ra tông nghĩa mới, phán thích kinh giáo, đặt nền tảng cho Giáo quán tông Thiên Thai. Năm 591 đời Tùy, Tấn vương là Dương Quảng mấy phen thỉnh Sư trở về Đông. Vì lòng thành của Vương, Sư đến Dương Châu truyền giới Bồ-tát, Vương ban hiệu Trí Giả. Năm 576, Sư lui về núi Thiên Thai và từ đó phát sinh danh hiệu Thiên Thai tông. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VII, trang 5783; Từ điển Phật học, trang 451).

[174] Ngũ phẩm đệ tử vị:  Gọi tắt là Ngũ phẩm. Giai vị Ngoại phàm trước Thập Tín, là hành vị thứ nhất trong 8 hành vị của Viên giáo tông Thiên Thai, tương đương với vị Quán hành tức trong Lục tức vị. Vì giai vị này dùng 5 phẩm tu hành, chuyên tâm vào chính mình mà thực tiễn hành trì, nên gọi là Ngũ phẩm đệ tử vị. Năm phẩm là: 1- Phẩm Tùy hỷ: Nghe pháp thật tướng vi diệu mà trong tâm tin hiểu vui mừng; 2- Phẩm Độc tụng: Sau khi tin hiểu thì đọc tụng giảng thuyết pháp mầu; 3- Phẩm Thuyết pháp: Thuyết pháp để dẫn dắt người khác, lại do công đức này mà quán xét tự tâm để tu hành; 4- Phẩm Kiêm hành lục độ: Ngoài việc quán tâm còn tu thêm Lục độ như: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ; 5- Phẩm chính hạnh lục độ: Lúc công phu quán tâm đã thuần thục, liền thực hành hạnh hóa tha, sự lý đầy đủ, đến đây thì lấy việc thực hành Lục độ làm chính yếu. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2990-2991).

[175] Thanh tín nữ: Cư sĩ nữ.

[176] Sáu ngày trai: Sáu ngày trai giới thanh tịnh trong mỗi tháng: mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tính theo lịch của Trung Quốc, tháng thiếu có thể đổi ngày 28 và 29).

[177] Sư hữu: Vừa là Thầy vừa là bạn, những người có thể thưa hỏi.

[178] Chân nhân: 1- Những người hiền đức ở thế gian hoặc những bậc chân tu trong đạo Phật. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 868). 2- Từ ngữ mà Đạo gia tôn xưng những bậc chân tu đắc đạo, hoặc người tồn dưỡng bản tánh. (Theo Hán ngữ Đại Từ điển).

[179] Bản Hán là quyển 5.

[180] Đời Ngụy: tức Bắc Ngụy (386-534), còn gọi là Hậu Ngụy, Nguyên Ngụy thời Nam Bắc triều, do Đạo Vũ Đế Thác Bạc Khuê sáng lập.

[181] Tứ bảo: Bốn thứ báu trong bảy báu. Bảy báu là bảy thứ ngọc báu quý giá ở thế gian. Các kinh nói về bảy thứ báu khác nhau. Theo kinh A-di-đàluận Đại Trí Độ, bảy thứ báu là vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, xa cừ, xích châu, mã não. Theo kinh Pháp Hoa 4, bảy thứ báu là vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu và mai khôi. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5347).

[182] Ngũ hương: Năm thứ hương quý được các hành giả Mật giáo chuẩn bị đầy đủ để giúp cho việc trì niệm các chân ngôn được thành tựu. Đó là Trầm thủy hương, Bạch đàn hương, Tử đàn hương, Ta la hương và Thiên mộc hương. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2972).

[183] Năm sắc: Năm màu căn bản: Xanh, vàng, đỏ, trắng và đen. Màu sắc trang nghiêm Tịnh độ Cực lạc và mây ngũ sắc, vật cầm tay của Đức Quán Âm nghìn tay, đều có 5 màu này. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2999).

[184] Cây dó: Vỏ dùng làm giấy.

[185] Bạch đàn: Còn gọi Bạch chiên-đàn, Bạch đàn hương thụ. Một loại thực vật có hương thơm, thân màu trắng (thuộc giống Chiên-đàn) ở vùng nhiệt đới như Ấn Độ… Người ta dùng cây chiên-đàn để chế tạo hương liệu. Hương liệu chế từ Bạch đàn được xem là tốt nhất, gọi là Bạch đàn hương hay Bạch chiên-đàn hương. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 234).

[186] Lưu tô: Vật trang sức có hình bông lúa được chế thành từ những sợi tơ hay lông chim, lông thú sặc sỡ, thường dùng để trang trí trên xe ngựa, màn trướng…

[187] Tử trầm: Loại trầm khô dùng để trang sức.

[188] Hoa quan: Vòng hoa trang sức trên đầu.

[189] Cõi trời Phạm: Là cõi trời Sơ thiền của Sắc giới, gồm3 tầng: Phạm Chúng, Phạm Phụ và Đại Phạm.

[190] Nội ngoại điển: Kinh sách nhà Phật và Bách gia chư tử.

[191] Đan dược: Thuốc thần, thuốc tiên.

[192] Lưu châu đan và Vân mẫu phấn: Thuốc luyện đơn của các đạo sĩ.

[193] Nguyên bản là Nghĩa Ninh nguyên niên 義寧元年 , tức năm Nghĩa Ninh thứ 1 (617), đời Tùy. Tuy nhiên, ông sống vào đời Đường (618-690) và Đường Cao Tổ (Lý Uyên, 618-626) tại vị năm 618. Như vậy, đây có thể là năm Nghĩa Ninh thứ 2 (618), đời Tùy. Và khi lên ngôi, Đường Cao Tổ lấy niên hiệu Vũ Đức (618-626).

[194] Quân đầu: Chức quan trong quân đội.

[195] Kinh Bát-nhã (600 quyển): do ngài Huyền Tráng dịch từ năm 660-663 mới xong, qua năm 664 thì Ngài tịch. Bấy giờ, cả Cao Tổ và Thái Tông đã băng hà, Cao Tông tại vị.

[196] Không tông: Tông phái chủ trương tất cả đều Không. Không tông lấy tư tưởng Bát-nhã của Đại-thừa làm cơ sở, dùng Không quán làm chính để tuyên dương lý Trung đạo. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2320).

[197] Thanh tín sĩ: Cư sĩ.

[198] Diêm vương: Còn gọi Diêm-ma vương, Diêm-la vương. Vua của thế giới ma quỷ, vị tổng quản cõi U minh và vị chủ thần địa ngục. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1076).

[199] Hoạch Thang: Một trong 18 địa ngục dùng để đun nấu người tội.

[200] Cánh Lăng Văn Tuyên Vương: Quan Tư đồ đời Nam Tề (479-502), tên Tiêu Tử Lương.

[201] Thọ vương: Cây lớn nhất trong các loại cây, chỉ cội Bồ-đề. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5652).

[202] Liên giới: Thế giới hải Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm.

[203] Chân kinh: Kinh Hoa Nghiêm.

[204] Diện môn: Có 3 cách giải thích: 1. Miệng; 2. Dung mạo chân thật; 3. Khoảng dưới mũi và trên miệng. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1092).

[205] Thần quang: Quang minh của Phật linh diệu không thể nghĩ bàn. Quang minh tượng trưng cho trí tuệ, Phật trí lìa tất cả tướng phân biệt hư vọng, không thể nghĩ bàn, vì thế quang minh của Phật cũng lìa hình tượng, nên gọi là Thần quang. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5164).

[206] Mây tín: Mây báo tin.

[207] Danh Đế: Danh là phẩm Như Lai Danh Hiệu, Đế là phẩm Tứ Đế.

[208] Viên âm: Âm thanh viên diệu, chỉ lời Phật.

[209] Hiền Thủ: Phẩm Bồ-tát Hiền Thủ.

[210] Lục vị: Sáu giai vị tu hành của Bồ-tát. Theo kinh Hoa Nghiêm (bản Cựu dịch), 6 giai vị Bồ-tát: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập Địa và Phật Địa. Còn kinh Hoa Nghiêm (bản Tân dịch) thì ghi Thất vị tức thêm “Đẳng giác” sau giai vị Thập Địa. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2583).

[211] Chủ bạn: Chủ thể và Khách thể. Tông Hoa Nghiêm khi nói về Pháp giới duyên khởi chủ trương: Nếu lấy đây làm chủ thì kia làm bạn, nếu cho kia là chủ thì đây là bạn. Như thế, chủ bạn đầy đủ mà nhiếp đức vô tận, gọi là Chủ bạn cụ túc. Mặt khác, trong vạn hữu mỗi mỗi đều là chủ, mỗi mỗi đều là bạn, sự tương túc tương nhập như vậy trùng trùng vô tận, gọi là Chủ bạn vô tận. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 959).

[212] Lý Đế võng: Tức Pháp giới duyên khởi, Vô tận duyên khởi; xem chú thích “Vô tận duyên khởi”.

[213] Tôn dung: Chỉ Đức Phật.

 

Trang: 1 2 3