hành đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(行道) I. Hành Đạo. Nghi thức xếp thành hàng một, đi nhiễu quanh tượng Phật hoặc tháp theo phía tay mặt (cũng có thuyết nói theo phía tay trái) từ một vòng, 3 vòng, 7 vòng, cho đến 100 vòng, 1.000 vòng, để tỏ lòng tôn kính. Đây là một trong những phép lễ bái của Ấn độ đời xưa. Tại Trung quốc và Nhật bản, trong các pháp hội quan trọng của các tông phái đều có nghi thức Hành đạo. Ngoài việc đi nhiễu trong điện Phật, quanh tháp, còn có rải hoa cúng dường và tán tụng kinh kệ. Trong Chuyển kinh hành đạo nguyện vãng sinh Tịnh độ pháp sự tán của ngài Thiện đạo có nói rõ về cách tán hoa hành đạo. Cứ theo kinh Đại tỉ khưu tam thiên uy nghi quyển thượng, thì khi hành đạo nhiễu quanh tháp phải cúi đầu nhìn xuống đất, không được đạp lên côn trùng, không được nhìn ngó 2 bên, không được khạc nhổ trên đất và nói chuyện với người đứng trong tháp. [X. luận Đại trí độ Q.47; Thích môn qui kính nghi Q.hạ; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.3; Đại đường tây vực kí Q.2; Pháp uyển châu lâm Q.37]. (xt. Hữu Nhiễu). II. Hành Đạo. Chỉ cho sự kinh hành, tức là khi ngồi thiền đứng dậy bước đi để thân tâm được thư thái. (xt. Kinh Hành). III. Hành Đạo. Phạm:Ìryàpatha. Hán dịch: Uy nghi lộ (đường uy nghi). Phép tắc của tỉ khưu cầm bát đi khất thực. Cũng chỉ chung 4 uy nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm. (xt. Tứ Uy Nghi). IV. Hành Đạo. Tu hành Phật đạo. HÀNH ĐỒNG Cũng gọi Đồng hành, Đạo giả, Đồng thị, Tăng đồng. Chỉ cho những chú tiểu (điệu) hoặc sa Di còn nhỏ tuổi làm các việc lặt vặt trong chùa viện.