GIỚI THIỆU KINH
“PHẬT NÓI VỀ BÉ GÁI TRONG BỤNG NGHE PHÁP”
Thích Tâm Nhãn
Dẫn Nhập:
Đạo Phật ra đời không phải vì đạo Phật, mà đạo Phật ra đời vì nỗi khổ của chúng sanh. Nơi đâu nước mắt nhân sinh còn đổ xuống và lẽ sống cần cầu giác ngộ thì nơi ấy có những con người hạnh nguyện dấn thân, nhập thế với lý tưởng Phật-đà Đại thừa hóa…
Bản kinh chúng tôi giới thiệu tiếp theo là kinh “Phật nói về bé gái trong bụng nghe pháp” (Phật thuyết phúc trung nữ thính kinh 佛 說腹中女聽經) 1 quyển, do Tam tạng Đàm-vô-sấm (‘Dharma-rakṣa’ 385-433) người Thiên Trúc dịch thời Bắc Lương, Đại chánh 14, số hiệu 563, trang 914.
Nội dung của bản kinh này giống với hai bản kinh:
– “Phật thuyết kinh người hiền nữ không dơ” (Phật thuyết vô cấu hiền nữ kinh 佛說無垢賢女經) 1 quyển – ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) người nước Nhục Chi dịch thời Tây Tấn, Đại chánh 14, số hiệu 562, trang 913; và “Phật thuyết kinh chuyển thân nữ” (Phật thuyết chuyển nữ thân kinh 佛說轉女身經) 1 quyển – ngài Đàm-ma-mật-đa (‘Dharmamitra’ 356-442) người nước Kế Tân dịch thời Lưu Tống, Đại chánh 14, số hiệu 564, trang 915. Về chi tiết trong mỗi kinh có sai khác.
Toát yếu nội dung kinh:
Một thời, đức Phật ở tại La-duyệt-kỳ (thành Vương Xá) giảng pháp cho các Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-di, chư thiên, nhân dân đông vô số tụ hội về nghe. Trong chúng hội có một phụ nữ đang mang thai, đứa bé trong bụng cũng chắp tay nghe kinh. Đức Phật muốn chúng hội thấy điều này liền phóng hào quang chiếu vào người phụ nữ ấy, rồi Ngài dùng tám loại âm thanh (âm thanh dễ hiểu, chơn chất, diệu tịnh….) hỏi bé gái: “Vì sao con chắp tay nghe kinh?”
Bé gái nương oai thần đức Phật bạch: “Bạch Thế Tôn! Vì thế gian làm mười điều ác, con muốn họ làm mười điều thiện…, vì thế gian tham lam, sân hận, …, vì thế gian không hiếu thuận cha mẹ, không cúng dường Sa-môn… nên con chắp tay nghe kinh.”
Vừa nói xong liền từ hông phải (của người mẹ) sanh ra như Thái tử (Tất-đạt-đa), tức thì mặt đất chấn động sáu cách, trên trời mưa hoa, thiên giới trổi nhạc vang lừng… Thiên vương Đế-thích từ cung trời Đao-lợi cầm thiên y bay xuống dâng tặng nhưng bé gái ấy chối từ vì xưng danh mình là Bồ-tát không nhận trang phục của bậc La-hán. Ngài Xá-lợi-phất hỏi Phật, Phật bảo: “Bé gái này từ cõi Phật hướng Đông nam. Nước ấy tên là Thanh Tịnh cách mười vạn cõi Phật. Bé gái từ nước đó đến nơi này muốn diện kiến Ta, sẽ có người cầm áo đem đến.”
Khi ấy, áo từ nước đó bay đến, rơi xuống tạo ra âm thanh êm dịu. Bé gái đón nhận mặc vào liền đắc ngũ thông… rồi từ hoa sen bước xuống đến trước đức Phật đảnh lễ sát đất, thỉnh nguyện Phật thuyết pháp để những người nữ trong hội nghe pháp đặng chuyển thành thân nam tử.
Phật dạy, muốn mau chóng thành thân nam tử nên phát tâm Bồ-tát đạo, và quán thân người nữ đầy bất tịnh, xấu xa….
Trong chúng hội có có bảy mươi lăm người nữ nghe Phật thuyết pháp quá vui mừng liền xin xuất gia và phát nguyện dõng mãnh, nếu không chuyển được thân nam thì không đứng dậy.
Bấy giờ, bảy mươi lăm vị cư sĩ tại nước Xá-vệ thấy vợ mình xuất gia họ cũng xin xuất gia, được Phật truyền giới Tỳ-kheo trước.
Sau đó, những người nữ kia nhờ thần lực của Phật chuyển thành thân nam, ngài Di-lặc truyền giới Tỳkheo cho họ. Bé gái lại hoá ra lọng hoa bảy báu đưa mẹ, bảo đến cúng Phật và khuyên mẹ phát tâm Bồtát (hai bản kinh kia là khuyên mẹ phát tâm Chánh đẳng Chánh giác). Khi người mẹ dâng lọng hoa lên đức Phật và phát tâm Bồ-tát thì mặt đất chấn động sáu cách. Phật bảo Xá-lợi-phất: “Tinh tú trong bầu trời có thể đếm được, còn bé gái này đã độ được nhiều cha mẹ không thể đếm được.” (trong “Phật thuyết kinh chuyển thân nữ”, bé gái này tên là Vô Cấu Quang phát nguyện: Nếu có chúng sanh nào là cha mẹ của ta, ta đều giúp họ chứng Chánh đẳng Chánh giác bất thối chuyển.)
Ngay lúc đó bé gái nói lời chí thành liền hóa thân như một Sa-di tám tuổi.
Khi Phật thuyết kinh cho bé gái biến hóa này, có vô số người phát tâm Vô thượng Chánh chơn. Phật thuyết kinh xong tất cả đều vui mừng.
Lời kết:
Vị khất sĩ trẻ trì bát thong dong khất thực trên con đường làng, rồi an tọa thọ trai dưới gốc cây, hình ảnh ấy đẹp như một bài thơ, song thiêng liêng quá, xa cách đời sống quá. Do thế “thực tại sinh động, tràn đầy sự sống” không thể đứng nguyên trong tình trạng cũ – hàng Thanh văn chỉ lo an hưởng niết-bàn tịch tĩnh cho riêng mình không còn chấp nhận trước sự thay đổi của cuộc sống, xã hội; cho nên tinh thần nhập thế cứu đời của Bồ-tát đạo (Đại thừa) với tư cách cả người xuất gia và tại gia xuất hiện – Quan Âm đại sĩ luôn lắng nghe tiếng kêu thương cuộc đời cứu khổ; đức Địa Tạng thệ nguyện vang lừng, sống trong tối tăm để độ sanh; Duy-ma-cật đóng vai cư sĩ thể hiện xiển dương tư tưởng Đại thừa; Thắng Man phu nhân cung cách trang nhã, từ ái, thuyết pháp, tu học giỏi…
Cũng hình ảnh ấy mà Bồ-tát (bé gái) thị hiện trong thai chắp tay nghe kinh: vì thế gian làm mười điều ác, muốn họ làm mười điều thiện…, khước từ trang phục La-hán (Tiểu thừa), khoác lên trang phục Bồ-tát “trí tuệ và từ bi”, xin Phật độ những người nữ trong hội chính là tâm nguyện độ khắp chúng sanh.
Dù chỉ là một bé gái nhưng độ cha mẹ (nhiều kiếp) chứng ngộ không thể tính hết. Điều này nói lên Phật tánh vốn bình đẳng nơi tất cả chúng sanh nên bất luận nam hay nữ, lớn hay nhỏ, kể cả chim muông, thú chạy… (“Phật thuyết kinh người hiền nữ không dơ” nói: các loài chim, thú, côn trùng… mang thai, con của chúng trong thai cũng lắng nghe Phật giảng kinh) đều có thể thành tựu chí nguyện Đại thừa, hành Bồ-tát hạnh với cốt cách thiên chức của mình. Nhưng tuy bình đẳng về Phật tánh, song giữa người nam và người nữ có sự khu biệt, là người nữ không thể thành Phật quả; cho nên trong kinh cho chúng ta thấy những người nữ và bé gái ấy đều phát tâm Bồtát, nguyện làm thân nam tử.
Trong kinh có những chi tiết chúng ta thấy thần thoại, phép mầu, huyền bí… nhưng “chính những câu chuyện hoang đường, thần thoại, cổ tích, truyện kỳ ấy mới nói lên thực tại kỳ bí của con người và cuộc đời. Thực sự lịch sử hoàn toàn bất lực và thất bại trong sự diễn đạt thực tại nhiệm mầu; lịch sử phải khép nép nhường bước trước thần thoại và truyện kỳ hoang đường trong vai trò diễn đạt ấy.”1