GIẢI THÍCH KINH ĐỊA TẠNG
Nguyễn Minh Tiến dịch giải

 

Duyên khởi

Vào khoảng giữa tháng 10 năm 2017, tôi nhận được một lá thư khải thỉnh từ Phật tử Tâm Đức Thành, kèm theo 3 quyển sách bằng Hoa văn bạch thoại, đều liên quan đến kinh Địa Tạng và được thỉnh từ Tịnh Tông Học Hội. Đọc thư, tôi vô cùng cảm động trước tấm chân tình và sự chí thành tha thiết từ lời lẽ trong thư, mong muốn được tôi nhận lời chuyển dịch các tập sách này sang Việt ngữ. Mặc dù vậy, vào thời điểm đó thật vô cùng khó khăn cho tôi để đưa ra quyết định nhận lời, vì có quá nhiều việc vẫn còn đang dang dở và trong đó có một số việc có thể kéo dài sang đến nhiều năm sau.

Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định từ chối dường như lại càng khó khăn hơn nữa, trước tấm lòng tha thiết và sự tin cậy mà nhóm Phật tử này đã dành cho tôi. Vì thế, sau vài lần trao đổi chi tiết hơn, tôi quyết định nhận lời chuyển dịch một trong ba tập sách đã nhận được, chính là tập sách này. Điều kiện duy nhất tôi đưa ra trước khi nhận lời là không được thúc ép về thời gian.

Và thời gian thì luôn trôi qua theo cách mà mỗi chúng ta đều không mong muốn. Những công trình của tôi cũng lần lượt hoàn tất, và song song theo đó thì tập sách này cũng được chậm chạp chuyển dịch trong những quãng thời gian hiếm hoi mà tôi có thể thu xếp được, xen kẽ giữa nhiều công việc khác. Mặc dù không lấy gì làm thuận lợi, nhưng cuối cùng rồi mùa vụ thu hoạch cũng phải đến. Việc hoàn tất quyển thượng này (trong 2 quyển thượng, hạ) là kết quả của nhiều nỗ lực trong những năm qua, và nó cho phép chúng tôi tin tưởng rằng phần còn lại cũng sẽ được hoàn tất không lâu trong thời gian tới.

Kinh Địa Tạng là một trong những bản kinh quen thuộc và phổ biến nhất đối với người Phật tử Việt Nam. Kinh được ngài Thật-xoa-nan-đà, người nước Vu Điền, dịch sang Hán văn vào đời nhà Đường ở Trung Hoa. Hiện đã có khá nhiều bản dịch kinh này sang tiếng Việt, như bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang, bản dịch của cư sĩ Nguyên Thuận và bản dịch của Ban phiên dịch Vạn Phật Thánh Thành. Ngoài ra, hiện có 2 bản dịch Anh ngữ của kinh này, một của Tao-tsi Shih (The Sutra of Bodhisattva Ksitigarbha’s Fundamental Vows) và một của The Buddhist Text Translation Society (Sutra of the Past Vows of Earth Store Bodhisattva).

Chúng tôi thực hiện công trình này với sự may mắn là được tham khảo qua tất cả các bản dịch nói trên, nhưng chúng tôi có lý do để không trích lại bất cứ bản dịch nào khi thực hiện tập sách này. Toàn bộ phần kinh văn trong sách đều do chúng tôi tự chuyển dịch, bởi có không ít phần trong kinh này khi được soi rọi với các phần giảng giải và thích nghĩa kèm theo sẽ giúp nhận hiểu sáng tỏ hơn và do đó có thể được chuyển dịch gần với nguyên tác hơn.

Lấy ví dụ như hai chữ “hoạnh bệnh” (橫病) được dùng ở gần cuối phẩm Như Lai tán thán, trong 4 bản Việt dịch đã có thì đến 3 bản dịch là “tai họa và dịch bệnh”. Ngay cả trong 2 bản Anh ngữ cũng có một bản dịch là “accidents or illnesses” (tai nạn hay bệnh tật). Về mặt ngữ nghĩa, cách hiểu này hoàn toàn sai nguyên tác, vì chữ “hoạnh” (橫) không có nghĩa nào là tai họa, tai nạn cả, nhưng có lẽ do sự liên tưởng với cách dùng “hoạnh tử” (橫死) là cái chết bất thình lình, chết vì tai nạn, nên đa số các dịch giả đã hiểu sang nghĩa liên đới này. Tuy nhiên, nếu hiểu theo đúng nghĩa của từ thì chữ “hoạnh” trong trường hợp này là một tính từ bổ nghĩa cho “bệnh”, và dùng để mô tả một loại bệnh tật mắc phải thình lình, đột ngột. Trong 4 bản dịch hiện có, chỉ duy nhất có Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã dịch là “bịnh tật bất ngờ”, theo sát ý nghĩa này.

Tuy vậy, cách nói “bịnh tật bất ngờ” vẫn còn khá mơ hồ và dường như chưa hoàn toàn phù hợp với ngữ cảnh văn kinh. Khi xem qua phần thích nghĩa, chúng tôi thấy chữ này được giải thích rõ hơn: “Hoạnh bệnh thị lưu hành đích thời dịch.” (橫病是流行的時疫) Như vậy là rất rõ ý. Người xưa đã dùng chữ này để chỉ những trận dịch bệnh mà theo cách hiểu xưa kia giống như một loại bệnh thời khí, mỗi khi phát khởi thì lây lan khắp nơi và khiến cho người ta dễ dàng mắc bệnh (lây nhiễm) một cách bất ngờ, đột ngột. Do đó, kinh văn nói “vô chư hoạnh bệnh” (無諸橫病) phải hiểu đúng là “không bị lây nhiễm dịch bệnh”, và như vậy mới thể hiện được ý nghĩa mầu nhiệm mà đoạn kinh này muốn nói. Giữa cơn đại dịch CoVid-19 từ đầu năm 2020, chúng ta càng cảm nhận được rõ hơn ý nghĩa mầu nhiệm này.

Ở đây chỉ xin nêu một trường hợp cụ thể để nhận hiểu mà thôi. Trong suốt quá trình chuyển dịch, chúng tôi đã nhận ra rất nhiều chỗ tương tự như vậy.

Mặt khác, vì mục đích chính của tập sách là giải thích, nhắm đến việc giúp cho những người đọc với trình độ thông thường có thể nhận hiểu được ý nghĩa kinh văn dễ dàng hơn, nên không thể tránh khỏi có nhiều nơi lặp lại ý kinh, văn kinh trong các phần giảng giải và thích nghĩa. Sự lặp lại đó có thể là nhàm chán và không cần thiết đối với một số người, nhưng với đa số độc giả thông thường thì đây lại là điều cần thiết để giúp họ nắm được ý kinh.

Nguyên tác các phần giải thích này được viết bằng văn bạch thoại, với đặc điểm là không súc tích và sâu sắc như các bản văn Hán cổ, nhưng ngược lại có thể nói là diễn đạt gần gũi hơn với cách suy nghĩ của người thời nay, và do đó dễ hiểu hơn.

Bản văn bạch thoại này được cư sĩ Trạch Phạm Hồ Duy Thuyên diễn thuật, sau đó được cư sĩ Gia Hưng Phạm Cổ Nông hiệu chính, và cuối cùng được Pháp sư Hoằng Nhất giám định trước khi đưa ra lưu hành. Hiện nay, bản văn bạch thoại này được Tịnh Tông Học Hội lưu hành rất rộng rãi. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy có bản Việt dịch nào của sách này nên có lẽ bản dịch của chúng tôi là bản đầu tiên.

Như đã nói, trong quá trình chuyển dịch các phần giải thích từ văn bạch thoại, chúng tôi cũng đồng thời chuyển dịch chánh văn kinh, là nguyên bản Hán văn do ngài Thật-xoa-nan-đà đã dịch trước đây. Kinh văn hiện được lưu giữ trong Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh, ở Tập 13, kinh số 412.

Ngoài ra, chúng tôi cũng bổ sung nhiều chú thích ở những nơi cần thiết để giúp người đọc có thể dễ dàng tiếp nhận được ý nghĩa kinh văn. Riêng trong các phần giangr giải và thích nghĩa, tuy vẫn chuyển dịch trung thành với nguyên tác nhưng nếu xét thấy có những chỗ nào bất ổn, chúng tôi đều có sự lưu ý người đọc ngay nơi đó.

Về cấu trúc bản văn, chúng tôi giữ nguyên theo cách trình bày trong nguyên tác nhưng có thêm phần chuyển dịch Kinh văn. Như vậy, cách trình bày chung trong sách này là trước hết dẫn phần Kinh văn kèm theo âm Hán Việt và bản Việt dịch. Tiếp theo đó lần lượt là hai phần Giảng giải và Thích nghĩa. Phần Giảng giải thường giảng lại ý kinh theo cách nói rộng hơn và dễ hiểu hơn. Phần Thích nghĩa sẽ giải nghĩa một số từ ngữ, thuật ngữ hoặc cung cấp thêm những thông tin liên quan đến đoạn kinh văn đó. Riêng các chú thích cuối trang sẽ được chúng tôi đưa vào ở bất cứ nơi nào xét thấy là cần thiết.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi hơn cho những ai muốn tìm hiểu chuyên sâu, chúng tôi cũng in kèm cả phần Kinh văn chữ Hán và cung cấp phần chú âm Hán Việt. Như vậy, đối với những ai sử dụng được chữ Hán thì có thể đối chiếu tức thời mà không phải mất công tìm kiếm, tra cứu. Cách làm này cũng giúp bản thân chúng tôi trong khi chuyển dịch phải luôn theo sát nguyên bản Kinh văn.

Kể từ duyên khởi đầu tiên của tập sách này, tính đến hôm nay đã gần ba năm trôi qua, và quyển hạ của sách vẫn còn đang trong giai đoạn chuyển dịch. Tuy nhiên, xét theo cấu trúc hoàn chỉnh của quyển thượng, với lời phó chúc và xác lập tên kinh của Đức Thế Tôn ở cuối quyển này, chúng tôi cho rằng việc in riêng quyển thượng này cũng là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, với độ dày hơn 700 trang, nếu in toàn tập cũng sẽ là một điều bất tiện cho người đọc.

Vạn pháp vô thường, mọi việc trong tương lai đều không thể biết chắc được. Do vậy, khi đủ nhân duyên lưu hành quyển thượng này thì không có lý do gì để phải gác lại chờ đợi nữa. Và mong rằng việc xuất bản quyển thượng này cũng sẽ là động lực để thúc đẩy sự hoàn tất quyển hạ được nhanh chóng hơn.

Cuối cùng, cho dù đã hết sức cẩn trọng trong công việc, nhưng sự sai sót ít nhiều hẳn là không sao tránh khỏi. Với tâm nguyện rộng truyền giáo pháp Như Lai thật chuẩn xác, chúng tôi xin kính cẩn lắng nghe mọi lời chỉ dạy từ chư thiện hữu gần xa để chỉnh sửa và hoàn thiện bất cứ sai sót nào nếu được phát hiện. Chúng tôi cũng xin đón nhận và tri ân mọi ý kiến góp ý cho tập sách này, để trong những lần tái bản sẽ được hoàn thiện hơn.

Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến

Mùa Vu Lan năm 2020
Westminster, California

*

GIẢI THÍCH TÊN KINH

Kinh văn

Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Giảng giải

Đây là đề mục của kinh, nêu rõ đây là bộ kinh xưng tán hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng.

Thích nghĩa

Đề mục kinh này, theo như chính Phật nói ra [trong kinh] có ba đề mục: một là bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng, hai là bản hạnh của Bồ Tát Địa Tạng và ba là bản thệ lực của Bồ Tát Địa Tạng. Hiện nay chỉ dùng đề mục thứ nhất để đặt tên kinh.

Bồ Tát Địa Tạng là danh xưng của một bậc thánh nhân xuất thế. Bồ Tát là danh xưng chung, Địa Tạng là danh xưng riêng. Hai chữ Bồ Tát, tiếng Phạn là Bồ-đề-tát-đỏa (Bodhisattva). Bồ-đề nghĩa là giác ngộ, tát-đỏa nghĩa là chúng sinh. Kết hợp hai từ này thì Bồ Tát có nghĩa là chúng sinh đã giác ngộ hoặc là người giác ngộ cho chúng sinh.

Về danh xưng riêng của mỗi vị Bồ Tát, đều là dựa vào đức hạnh của vị đó mà đặt ra. Bồ Tát này có danh xưng Địa Tạng, đó là vì đức hạnh của ngài phù hợp với ý nghĩa hai chữ “địa tạng”. Nay sẽ phân biệt nói rõ. Địa có nghĩa là đất, là mặt đất, muôn vật đều cư trú trên mặt đất. Đất lại có khả năng giúp sinh trưởng rễ, mầm của các loài cây, cỏ. Bồ Tát Địa Tạng có lòng từ bi rộng lớn, hết thảy chúng sinh đều trông cậy vào sự cứu giúp, che chở của ngài. Căn lành của chúng sinh đều dựa vào ngài để tăng trưởng, giống như [cây cỏ dựa vào] mặt đất, nên xưng tán [trong danh hiệu] ngài là Địa. Tạng là kho báu, tiền bạc, châu báu có đủ để cứu giúp những người nghèo khổ, giúp thành tựu trọn vẹn cho sự nghiệp của người. Bồ Tát Địa Tạng có vô lượng tài bảo Chánh pháp, bố thí cho những chúng sinh khổ não, lại giúp cho những chúng sinh ấy đều có thể tu hành thành tựu, giống như kho báu, nên xưng tán [trong danh hiệu] ngài là Tạng.

Lại có tông phái giải thích hai chữ “địa tạng” là thí dụ về đạo hạnh, công đức của Bồ Tát. Nhân vì [thuở xưa] ngài nhìn thấy nỗi khổ của chúng sinh trong địa ngục nên phát tâm học Phật, chứng đắc tánh Như Lai Tạng, [thấy được] chúng sinh với chư Phật bản tánh bình đẳng. Cho nên ngài có bản lĩnh đặc biệt là cứu thoát được các chúng sinh trong địa ngục. Vì thế xưng tán ngài là Địa Tạng.

Lại nhân vì ngài tu pháp Địa Đại Viên Thông chứng đắc tánh Như Lai Tạng như Bồ Tát Trì Địa, nên một khi ngài hiện đến [nơi đâu] thì mọi người trong chúng hội đều cảm thấy thân hình nặng nề khó nhấc lên. Đó là vì những bộ phận thuộc địa đại trong thân người như da, thịt, gân, xương, lông, tóc, móng, răng đều chịu ảnh hưởng của Bồ Tát mà tăng mạnh. Vì thế xưng tán ngài là Địa Tạng.

Hai cách giải thích như trên về chữ “địa tạng” đều là [dựa vào sự] biểu hiện hành vi của Bồ Tát.

Nói chung, vị Bồ Tát này có đức hạnh như địa (mặt đất) như tạng (kho báu) nên tôn xưng ngài là Địa Tạng.

Hai chữ “bản nguyện” là nói tâm nguyện do chính Bồ Tát đã phát khởi. Tâm nguyện này, từ thuở ngài mới phát tâm mãi cho đến nay vẫn thường thường phát khởi [không gián đoạn], vẫn thường không thay đổi, không phải đến hiện tại mới phát khởi, cho nên gọi là “bản nguyện”. Lại nữa, tâm nguyện này là chỗ y cứ cho hành vi của Bồ Tát trong nhiều đời. Có tâm nguyện này mới có mọi hành vi của Bồ Tát. Tâm nguyện này là căn bản cho mọi hành vi của Bồ Tát, vì thế gọi là “bản nguyện”. Theo những cách giải thích này thì chữ “bản” bao gồm cả hai ý nghĩa là “bản lai” và “căn bản”.

Chữ “kinh” chỉ cho giáo huấn của bậc thánh nhân trong chốn thế gian. Sách này ghi chép giáo huấn của chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát là các bậc thánh nhân xuất thế, nên được gọi là kinh. Trong tiếng Phạn vốn là chữ Tu-đa-la (sūtra), dịch rõ nghĩa là một đường thẳng, cũng có ý nghĩa là kết hợp xuyên suốt, quán xuyến văn nghĩa, tương đồng như tiếng Trung Hoa dùng chữ kinh trong “kinh vĩ” (kinh độ và vĩ độ). Dịch theo văn chương là “khế kinh”, khế là khế hợp, vì đây là giáo huấn của bậc thánh nhân xuất thế, là những điều nói ra phù hợp với đạo lý, phù hợp với lòng người, nên gọi chung là khế kinh.

Kinh văn

Đời Đường, Tam tạng Sa-môn Thật-xoa-nan-đà người nước Vu Điền chuyển dịch

Giảng giải

Kinh này do vị Tam tạng Sa-môn tên là Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda), từ nước Vu Điền đến Trung quốc vào đời nhà Đường, phiên dịch sang Hán ngữ.

Thích nghĩa

Đường là quốc hiệu của Trung quốc khi Lý Uyên chiếm được thiên hạ. Nhân vì Lý Uyên trước đây ở Tấn Dương, là kinh đô cũ của Đào Đường nên ông được [nhà Tùy] phong tước Đường Vương. Sau khi nhận ngôi Hoàng đế từ nhà Tùy, thống nhất thiên hạ, xưng là Đường triều. Từ thời đó đến nay khoảng 1.300 năm rồi.

Vu Điền là tên nước thuộc vùng Tây Vực. Tên gọi này có nghĩa là “sữa từ đất”, nhân vì [theo truyền thuyết thì] vị quốc tổ của nước này nhờ uống sữa từ lòng đất vọt lên mà sinh trưởng. Vị trí nước này ngày nay là phía nam của Thiên Sơn thuộc Tân Cương.

Tam tạng Sa-môn là đạo hiệu dành cho vị pháp sư phiên dịch kinh điển. Tam tạng là chỉ chung toàn bộ kinh điển Phật giáo. Kinh điển Phật giáo phân ra ba phần là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Kinh tạng là những kinh điển ghi chép lời Phật thuyết dạy. Luật tạng là những điều giới cấm, những quy tắc trong Phật giáo cùng với các sách giảng giải những điều giới, quy tắc này. Luận tạng là phần ghi chép những giảng luận về ý nghĩa giáo pháp của Phật và các vị đệ tử Phật, [bao gồm các bậc tổ sư đời sau]. Nhân vì ba phần kinh điển này về hình thức có rất nhiều quyển kinh, về nội dung thực chất cũng có rất nhiều ý nghĩa, nên được gọi là tạng, là kho chứa.

Sa-môn (śramaṇa) là danh xưng chung của người xuất gia, mang nghĩa là “cần tức”, nhân vì [vị sa-môn] tinh tấn chuyên cần tu tập đạo pháp, vận dụng công phu ngăn diệt phiền não. Vị sa-môn thông đạt Tam tạng kinh điển gọi là Tam tạng Sa-môn.

Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda) dịch nghĩa là “học hỷ”. Đây là tên riêng của vị pháp sư dịch kinh này. Đời nhà Đường, niên hiệu Thánh Lịch năm thứ 2, quốc vương nước Vu Điền nghe nói Võ Hậu hoan hỷ tán trợ Phật pháp nên phái Sa-môn Thật-xoa-nan-đà mang kinh Hoa Nghiêm cùng kinh Địa Tạng này đến Trung quốc. Võ Hậu nhận được kinh liền ban chiếu thỉnh vị Sa-môn này phiên dịch sang Hán ngữ. Đây là nhân duyên có được bộ kinh Địa Tạng này [tại Trung quốc].