ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ TRONG ĐỜI SỐNG CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA
HT Thích Thái Hòa
HT Thích Thái Hòa
giảng tại Chùa Thiện Hòa
Tp. Moenchenladbach, Đức quốc
Ngày 01-7-2017
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Thưa Thượng tọa Trụ trì tu viện Thiện Hòa, Ni sư Diệu Ân cùng chư Tăng hiện diện.
Thưa quý vị Phật tử các giới có mặt trong đạo tràng hôm nay thân mến.
Trước khi nghe pháp thoại, xin đại chúng lắng lòng nghe tiếng chuông để cho ba nghiệp của người nói và người nghe được ở trong sự thanh tịnh.
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi.
Boong ….
Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra.
Boong ….
Thở vào và thở ra, tôi biết rõ tôi đang có thân nghiệp thanh tịnh.
Boong ….
Thở vào và thở ra, tôi biết rõ tôi đang có ngữ nghiệp thanh tịnh.
Boong …
Thở vào và thở ra, tôi biết rõ tôi đang có ý nghiệp thanh tịnh.
Khi nghe tôi thỉnh tiếng chuông, xin đại chúng khởi tâm buông xả, thiền tập.
Boong ….
Xin đại chúng ngồi tư thế thoải mái và an tịnh nghe pháp thoại.
Boong ….
Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 01 tháng bảy năm 2017, tại tu viện Thiện Hòa, thành phố Moenchenladbach , Đức quốc. Tôi có duyên với quý vị trong giờ phút này, và tôi xin chia sẻ pháp thoại “Đức Phật A Di Đà trong đời sống của tất cả chúng ta”.
Thưa đại chúng, làm sao chúng ta biết được đức Phật A Di Đà? Làm sao chúng ta biết được thế giới Tịnh Độ của Ngài? Với trí năng tầm thường của chúng ta, chúng ta chưa biết chúng ta là ai, từ đâu ta tới đây, tới đây rồi để làm gì? Và sau cuộc tới đây, chúng ta đi về đâu? Trí thức chúng ta không biết và hoàn toàn không biết. Thế thì làm thế nào chúng ta biết được đức Phật A Di Đà? Làm thế nào chúng ta biết được cõi Tịnh Độ của ngài?
Thưa đại chúng, may cho chúng ta là thế giới chúng ta có đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật lịch sử của chúng ta. Những gì chúng ta biết được đức Phật A Di Đà, những gì chúng ta biết được về thế giới Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà đều từ nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói cho chúng ta. Cho nên mọi vấn đề đức tin tâm linh của chúng ta, sự hiểu biết của chúng ta, sự tu tập của chúng ta đều dựa trên tình thương, trí tuệ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, hướng dẫn, dạy dỗ cho chúng ta.
Để trả lời cho những người nạn vấn quý vị là tại sao quý vị biết được đức Phật A Di Đà? Quý vị đáp rằng “Tôi biết được đức Phật A Di Đà là từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi biết được thế giới Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà là từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni”.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có sự liên hệ chặt chẽ với đức Phật A Di Đà mà rất nhiều kinh đển đã ghi lại cho chúng ta.
Nếu ai có tụng kinh Pháp Hoa thì biết rất rõ đức Phật A Di Đà và đức Phật Thích Ca không những quan hệ trên huyết thống mà còn cả mặt tâm linh.
Trong kinh Pháp Hoa nói cho chúng ta biết rằng vô lượng kiếp về trước có đức Phật Đại Thông Trí Thắng. Ngài Đại Thông Trí Thắng là một vị vua, sau đó ý thức được sự thật của thế gian cho nên ngài từ bỏ vương vị đi xuất gia. Vương tử con thấy vua cha xuất gia hành đạo, cũng phát tâm xuất gia, thọ sa di giới. Vị thứ mười lăm đó là đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Tịnh Độ phương Tây. Vị thứ mười sáu là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ cõi Ta-bà này.
Rõ ràng bản kinh Pháp Hoa đã cho chúng ta thấy sự quan hệ của đức Phật Thích Ca và đức Phật A Di Đà, không những trên mặt huyết thống mà còn trên mặt tâm linh. Vì vậy mà những gì đức Phật Thích Ca nói cho chúng ta về đức Phật A Di Đà thì chúng ta tin tưởng một cách tuyệt đối. Tại sao chúng ta tin một cách tuyệt đối? Vì đức Phật Thích Ca Mâu Ni không bao giờ nói dối. Thường thường nói dối là vì ham danh mà nói dối. Chưa chứng mà nói chứng là vì ham danh mà nói dối. Chưa tu mà nói đã tu đã chứng là vì ham lợi mà nói dối. Bởi vì nói mình có tu có chứng như vậy để cho người ta tôn sùng mình mà cúng dường. Đó là vì ham danh mà nói dối, vì ham lợi mà nói dối. Đôi người không vì ham danh, ham lợi nhưng vì ngu si vô trí mà nói dối.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc Tòan giác, là bậc Chánh biến tri không có ham danh và cũng không ham lợi cho nên ngài không bao giờ nói dối. Lịch sử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng minh cho chúng ta điều đó. Những gì ngài nói với chúng ta là chân thật. Trong bốn mươi chín năm ngài nói đó, ngài có nói cho chúng ta về thế giới Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà và bản nguyện của Phật A Di Đà.
Tôi xin nhắc lại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải chỉ nói với chúng ta về thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà mà còn nói vô số thế giới Tịnh Độ khác của chư Phật trong không gian vô tận. Thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà là một trong muôn triệu thế giới chứ không phải chỉ có một thế giới của Tịnh Độ của Phật A Di Đà không thôi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ giới thiệu cho chúng ta đức Phật A Di Đà mà giới thiệu cho chúng ta vô số công hạnh của chư Phật. Tôi nói như vậy để quý vị thấy rằng cái gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta thì chúng ta cần phải lắng nghe, cần phải tìm hiểu. Những gì chúng ta chưa hiểu, để đó. Đừng có phản bát. Bây giờ chưa hiểu, ngày mai sẽ hiểu. Ngài mai chưa hiểu, mốt hiểu. Năm này không hiểu, sang năm hiểu. Sang năm chưa hiểu, mười năm sau hiểu. Mười năm chưa hiểu, một trăm năm sau hiểu. Đời này không hiểu thì đời sau hiểu. Không gấp gáp gì mà kết luận. Ai vội vã kết luận, người đó vội vã sai lầm.
Cách đây hai mươi sáu thế kỷ, đức Phật Thích Ca nói trong ly nước này có vô số vi khuẩn, cho nên chúng ta phải uống nước bằng tất cả tâm từ bi của chúng ta thì mới giúp cho chúng ta có được thân tâm an lạc, hóa giải được oán kết giữa chúng ta và chúng sinh. Đến thế kỷ 18, người ta phát minh được kính hiển vi mới nhìn thấy trong nước có vô số vi khuẩn. Đức Phật nói ngoài thế giới này có vô số thế giới khác, thế giới nhiều như cát sông Hằng. Cũng đến thế kỷ thứ 18 mới bắt đầu có thiên văn học, người ta bắt đầu khám phá ra nhiều thế giới khác, nhiều hành tinh khác. Cho nên tôi nói với quý vị, cái gì nghe mà chưa hiểu thì để đó. Cái gì hiểu thì thực hành. Để đó để chiêm nghiệm hay khiêm cung học hỏi với các bậc tôn đức khác. Ai hiểu hơn mình dầu một ly thôi thì mình cũng khiêm cung cầu học. Đừng sanh tâm kiêu mạn. Nếu chúng ta sanh tâm kiêu mạn, trước hết chúng ta tự làm ngu chính mình. Sau đó mình làm ngu những người có duyên với mình, và rơi vào cạm bẫy tà kiến. Cuối cùng là vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử.
Tôi là Thái Hòa, tin tuyệt đối vào lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi có đức tin đối với Tam bảo, tôi quy y Phật, pháp, tăng. Có ai là Phật tử mà không quy y Phật, pháp, tăng? Đã là Phật tử đều quy y Phật, pháp, tăng. Khi đã quy y Phật, pháp, tăng rồi thì tin tưởng vào sự chứng ngộ của Phật Thích Ca Mâu Ni một cách tuyệt đối. Tin vào giáo pháp của ngài chứng ngộ và tuyên thuyết một cách tuyệt đối. Tin vào bản thể hòa hợp của tăng già do đức Thế Tôn thiết lập một cách tuyệt đối. Và vì tin tuyệt đối cho nên tôi cũng có hạnh phúc tuyệt đối ở trong Tam bảo. Tin tương đối có hạnh phúc tương đối trong Tam bảo. Không tin gì hết thì không bao giờ dự phần vào hạnh phúc trong Tam bảo.
Trong đời sống vợ chồng, vợ tin chồng bao nhiêu phần trăm thì người vợ ấy có bấy nhiêu hạnh phúc. Người chồng tin vợ bao nhiêu phần trăm thì người chồng đó có bấy nhiêu hạnh phúc do phần trăm tin vợ của mình đem lại. Vợ chồng tin nhau một trăm phần trăm thì đời sống vợ chồng đó có hạnh phúc một trăm phần trăm. Nếu vợ chồng không tin gì cả, nghi ngờ nhau, thì hạnh phúc không bao giờ xảy ra trong đời sống vợ chồng, phải không quý vị?
Đời sống tâm linh cũng vậy. Nghi ngờ tạo ra sự ngăn cách giữa chủ thể và đối tượng. Niềm tin đem mình đi tới thâm nhập vào đối tượng. Mình có tin tưởng mới gần gũi, có tin tưởng mới lắng nghe, có tin tưởng mới học hỏi. Càng học hỏi càng hiểu, càng hiểu càng thương, càng thương càng hiểu, càng hiểu thì càng thương. Hạnh phúc có mặt với chúng ta từ đó.
Mình học Phật không phải như triết học. Ai học Phật như triết học, người đó thất bại hoàn toàn trên con đường chế tác hạnh phúc và an lạc cho chính mình.
Chúng ta phải học Phật như một hành giả. Học ngang đâu ứng dụng sự học của mình ngang đó. Phật học là một pháp hành. Học để thực nghiệm. Phật học là học để thực hành, để ứng nghiệm, để ứng dụng vào trong đời sống, không phải học để nói, không phải học để thỏa mãn tri thức của mình. Mà học để có sự thực nghiệm, học để ứng dụng, và sau khi ứng dụng, nó cho mình kết quả.
Đức tin Tịnh Độ của mình sinh ra từ đâu? Nó sinh ra từ cái nghe của mình. Tôi nghe pháp, tôi tin pháp. Trong giáo pháp của Phật, không phải chỉ nói với thế giới ta-bà này, không phải chỉ nói với tinh cầu này mà còn nói với thế giới của chư thiên, dục giới, sắc giới, vô sắc giới và thế giới vượt thoát sinh tử. Đâu phải chỉ nói bình thường trong thế giới này. Tôi nghe pháp của Phật, tôi gạn lọc và tôi tin. Cho nên đức tin của mình đến từ sự nghe.
Thứ hai là đến từ sự học hỏi của mình, đến từ sự chứng nghiệm, ứng dụng của mình. Từ sự chứng nghiệm, từ sự ứng dụng, tôi thấy do thực tập lời Phật dạy mà thân tâm tôi càng ngày càng nhẹ nhàng ra. Nó biến đổi. Đời sống yêu thế gian này càng ngày càng sâu sắc hơn, chuẩn mực hơn. Tôi thấy được giá trị của sự sống. Cho nên tôi tin đức tin của tôi, niềm tin của tôi sinh ra từ sự thực tập của tôi. Ví dụ, mỗi ngày tôi lạy Phật. Ban đầu tôi lạy hơi lấn cấn, nhưng tôi thực tập mỗi ngày, cái lạy của tôi trở nên thuần thục. Ban đầu tôi lạy, đức Phật ngoài tôi, nhưng tôi lạy hoài, đức Phật đi vào trong tôi, và trong tôi có Phật. Đi đâu tôi cũng thấy có Phật. Niềm tin của tôi như vậy là do sự thực tập mà phát sinh.
Thứ ba là do loại suy mà niềm tin phát sinh. Tôi chưa thấy, nhưng tôi suy tư, tôi chiêm nghiệm và tôi biết được qua sự chiêm nghiệm của tôi. Dựa vào điểm A, tôi có thể phát hiện ra điểm B. Ví dụ nói có đời sau. Mình đã chết đâu mà biết có đời sau. Ai chết đâu mà biết có đời sau. Thế thì niềm tin có đời sau dựa vào cơ sở nào? Tin có đời sau là do chiêm nghiệm mà thấy. Mặt trời mọc ở phương đông, chiều thấy nó lặn ở phương tây. Sáng mai thấy nó mọc lại ở phương đông. Như vậy rõ ràng mặt trời có mọc ở phương đông, có lặn ở phương tây, chứ mặt trời không lặn hẳn mà cũng không mọc hẳn. Như vậy sau ngày này là có ngày khác. Sau ngày mồng 1 tháng bảy là ngày mồng 2, sau ngày mồng 2 là ngày mồng 3. Sau mùa xuân là mùa hạ, sau mùa hạ là mùa thu, sau mùa thu là mùa đông, sau mùa đông là mùa xuân. Trên nước Đức, bây giờ là mùa gì? -Mùa hạ. Tôi biết chắc chắn sang năm, vào thời này cũng là mùa hạ. Vì sao chưa tới mà biết sang năm có mùa hạ? Là do loại suy, do kinh nghiệm.
Cho nên tôi chưa chết mà tôi biết có đời sau, vì tôi biết sau đời này còn có đời khác. Tại sao tôi biết tôi có đời trước? Tại vì tôi biết rằng ngày hôm qua tôi có. Ngày hôm qua tôi có thì ngày hôm kia tôi cũng có. Và năm nay tôi có là vì tôi có năm ngoái. Năm ngoái tôi có vì tôi có năm kia, phải không? Cho nên tôi biết rằng sau đời này còn có đời sau. Như vậy, do suy nghiệm mà tôi tin.
Tại sao có thế giới Ta-bà mà lại không có thế giới Tịnh Độ? Nói có thế giới Ta-bà mà không có thế giới Tịnh Độ là lối nói non nớt lắm, hiểu biết quá nhỏ nhoi. Đã có A sao lại không có B? Đã có B sao lại không có C? Đã có C sao lại không có D? Sao có A mà không có A’? Khi đã có A thì có A’, A”, A”’, phẩy đến vô tận. Tại sao có Phật Thích Ca mà không có Phật A Di Đà? Tại sao có Phật Thích Ca có Phật A Di Đà mà tại sao không có những đức Phật khác? Tôi chiêm nghiệm như vậy, tôi suy luận như vậy, tôi tin rằng sau đời này có đời khác. Sau thế giới này còn có thế giới khác. Đó là điều mà đức Phật dạy đi dạy lại trong các kinh điển từ kinh A Hàm, Nikaya cho đến các kinh điển Đại thừa.
Kinh do đâu mà có? Do trí giả nội chứng nói lại, do Tổ nói, do thầy mình nói, tôi tin như vậy.
Vả lại, đức tin Tịnh Độ cũng sinh ra từ nơi nghe pháp, thực hành pháp, chiêm nghiệm pháp do bậc trí giả nói ra.
Đối với Tịnh Độ, Phật A Di Đà trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, Phật tử Việt Nam được thừa hưởng truyền thống này từ lịch đại Tổ sư của chúng ta. Là người Việt Nam, không ai không biết đến Phật A Di Đà. Người Việt Nam biết đến Phật A Di Đà tối thiểu vào thế kỷ thứ III, khi Lục Độ Tập Kinh được ngài Khương Tăng Hội dịch lại. Phật giáo Việt Nam vào đời Lý, hình tượng Phật A Di Đà được điêu khắc. Nếu quý vị đi về Việt Nam, đến chùa Thầy sẽ thấy. Những tòa sen của Phật ngồi rất tinh xảo, diễn tả thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Cho nên người Việt Nam mà không biết đến Phật A Di Đà là một thiệt hại về mặt tâm linh, về mặt tri thức, về mặt văn học, về mặt lịch sử. Nhiều Phật tử Việt Nam cho họ có trí thức mà họ quên gốc rễ của họ, họ tới xin đức Đạt Lai Lạt Ma quy y lại. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi “đã có pháp danh chưa?” -Dạ con có rồi. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói “đã có pháp danh rồi thì không có quy y lại, chỉ hành pháp quy y thôi, không quy y lại.”
Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam có đức Phật A Di Đà trở thành xương thành máu của người Việt Nam thì người dân Tây Tạng có “om ma ni pát mê hum”. Truyền thống của người Tây Tạng là “om ma ni pát mê hum”, còn truyền thống của người Việt Nam là “nam mô A Di Đà Phật”.
Sau khi các Phật tử nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói như vậy rồi đến hỏi tôi “đức Đạt Lai Lạt Ma nói như vậy là vì ngoại giao hay vì sự thật?”
Tôi nói đức Đạt Lai Lạt Ma nói như vậy rất thực. Ngài rất uyên thâm Phật giáo. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng người ta cho rằng ngài Liên Hoa Sanh là hóa thân của đức Phật A Di Đà, và câu thần chú “nam mô a di đa bà dạ, đa tha già đa dạ, …” là câu thần chú của đức Phật A Di Đà trao truyền lại cho ngài Quán Thế Âm để hướng dẫn cho người ta tu tập, để nhổ sạch tất cả nghiệp chướng, báo chướng khiến chúng ta được về Tịnh Độ.
Truyền thống đức Đạt Lai Lạt Ma 14 trong Tây Tạng cho ngài Liên Hoa Sanh là hóa thân của ngài Quán Thế Âm. Trong Tịnh Độ, ngài Quán Thế Âm là học trò của đức Phật A Di Đà, được đức Phật A Di Đà thọ ký cho tương lai thành Phật làm giáo chủ thế giới Tịnh Độ phương Tây của đức Phật A Di Đà. Quý vị thấy, đức Đạt Lai Lạt Ma rất uyên áo Phật pháp, uyên áo về lịch sử. Cho nên ngài từ chối những Phật tử Việt Nam đã có truyền thống của mình rồi mà bỏ truyền thống của mình xin đi theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng như là truyền thống thời thượng. Cái đó mình nên xét lại.
Trong kinh Pháp Hoa, quý vị có đọc phẩm chàng cùng tử không? Chàng cùng tử có hạt minh châu trong chéo áo mà quên, không biết, đi làm thuê. 50 năm nghèo khổ. Sau đó gặp mấy người bạn hỏi “đi làm ăn ra sao mà thân thể tiều tụy thế này? Ngày đó, tháng đó, giờ đó cha ông buộc hạt minh châu trong chéo áo ông mà.” -Thế à!
Rồi họ chỉ cho cách gỡ ra và chỉ cho cách tiêu xài, tức khắc trở thành giàu có.
Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam đã có đức Phật A Di Đà thì tại sao mình lại bỏ đi. Nhiều người bỏ đi là vì sao? Họ bỏ đi vì họ không biết truyền thống của cha ông chúng ta, của Thầy, Tổ chúng ta. Họ bỏ đi vì họ kém phước đức, không thừa hưởng được truyền thống cao đẹp đó của Thầy Tổ chúng ta. Con kém phước báo, không thừa hưởng được gia tài của cha mẹ để lại, học trò kém phước báo, không thừa hưởng được gia tài của Thầy Tổ để lại. Quý vị có hiểu không?
Nhiều thầy Việt Nam cũng nói, mình cứ nghe, nhưng mình biết được rằng điều các vị ấy nói chưa phải là chỗ hoàn hảo, cần phải nghiên cứu và nghe thêm của người khác để bổ sung cho hoàn hảo sự hiểu biết của mình. Nói thì mình cứ nghe, nhưng hiểu là chuyện của mình, không cần phải đối thoại, không cần phải phản bát, không cần phải chỉ trích. Bởi vì chỉ trích người ta, mình khổ trước. Họ nói, mình nghe, bởi vì mình có ba thứ trí tuệ: Văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Mình nghe như thế nào cho trí tuệ phát sinh, để nhận ra được chân lý, mình phải nhận ra tính Như Lai trong ngôn ngữ của vị giảng sư nói cho mình. Cái đó mình phải thực tập. Nghe người ta khen mình, đừng vội tiếp nhận, nghe người ta chê mình cũng đừng vội phản ảnh.
Nghe người ta khen mình, vội vã tiếp nhận thì cảm giác đó chỉ là cảm giác đánh lừa mình thôi. Nghe người ta chê mình, vội vã xịu mặt, cảm giác khó chịu, buồn. Đó cũng chỉ là trò chơi của tri thức đánh lừa mình mà thôi.
Nghe người ta khen mình, thở vào thật sâu, thở ta tự tại. Mình làm chủ cảm giác thích thú của mình. Nghe người ta chê, thở sâu vào, thở ra tự tại. Mình làm chủ được cảm giác tiêu cực của mình. Làm chủ được mình trong cái nghe, đó là công phu tu tập của chúng ta.
Trở lại đề tài chính: Đức Phật A Di Đà trong đời sống của chúng ta.
Tôi hỏi đại chúng bốn điều:
1-Quý vị có muốn sống lâu không? -Muốn!
Đức Phật A Di Đà còn có tên là Amitayus, có nghĩa là thọ mạng vô lượng. Khi đức Phật A Di Đà hành Bồ tát đạo, ngài nguyện “khi tôi thành Phật, cõi nước của tôi, chư thiên và nhân loại sống lâu vô lượng, nếu không phải vậy, tôi không thành Phật”. Cho nên chư thiên và nhân loại trong thế giới tịnh độ sống lâu vô lượng là do bản nguyện của ngài. Tức là khi hành Bồ tát đạo, ngài không đi theo nghiệp lực, mà đi theo nguyện lực. Chuyển hóa nghiệp lực trở thành nguyện lực. Và ngài đã nỗ lực tu tập nguyện lực đó và chứng nghiệm. Chính bản thân ngài đã vô lượng kiếp không có sát sanh. Và gặp chúng sinh nào ngài cũng giáo hóa “không sát sanh”. Ngài luôn giáo hóa mọi người hãy yêu chuộng sự sống, tôn tạo và bảo vệ sự sống. Chính ngài đã thực hiện những điều đó. Chuyển nghiệp sát thành nghiệp yêu quý, tôn trọng và bảo vệ sự sống. Vì vậy, chính bản thân đức Phật A Di Đà đã thọ mạng vô lượng và nhân dân chư thiên, nhân loại trên thế giới ngài cũng thọ mạng vô lượng. Sống lâu vô lượng, đáp ứng được ước muốn của tất cả chúng sinh. Có chúng sinh nào không muốn sống lâu? Nhưng đức Phật A Di Đà nói, muốn sống lâu phải giữ giới không sát sanh và phải tôn trọng, bảo vệ sự sống. Không những bảo vệ sự sống của mình mà còn bảo vệ sự sống của mọi người. Không những bảo vệ sự sống của mọi người mà còn bảo vệ sự sống của muôn loài. Không những bảo vệ sự sống của muôn loài mà còn bảo vệ sự sống của thiên nhiên, của môi trường. Cho nên thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà là thế giới của y báo và chánh báo. Quý vị có thích thế giới Tịnh Độ không?
Thích chứ! Chỉ có người ngu mới phỉ báng Tịnh Độ thôi. Phật A Di Đà là sống lâu vô lượng mà tại sao lại không muốn? Muốn sống lâu vô lượng thì phải thọ giới, phải giữ giới. Giữ giới không sát sanh. Phải dạy người khác không sát sanh. Rồi phải tôn trọng sự sống, phải dạy người khác tôn trọng sự sống. Phải dạy cho người khác bảo vệ sự sống và chính mình cũng bảo vệ sự sống. Không chỉ bảo vệ sự sống của những người thương yêu mình mà phải bảo vệ sự sống của muôn loài và cảnh giới chung quanh của mình.
Chúng ta sống được nhờ cái gì? Có ăn đã sống chưa? Có ăn cũng chưa sống được. Có uống cũng chưa sống được. Có ăn, có uống mà không có không khí thì ăn uống làm sao mà thành? Cho nên có ăn, có uống là vì có không khí. Có không khí là do có sự chuyển động của muôn vật. Nhờ có sự chuyển động của quả đất chung quanh các định tinh mới có sự chuyển động của không khí, mới tạo ra không khí. Cho nên, muốn sống phải có tất cả những gì liên hệ đến sự sống mới sống được. Muốn sống lâu vô lượng phải khởi tâm từ bi, tâm thương yêu, tâm biết ơn. Ai ý thức được sự sống, ý thức được giá trị của sự sống và tu tập bảo vệ sự sống thì người đó sẽ có nhân sống lâu. Cơ bản là đừng giết chết sự sống chính mình và sự sống của người khác.
Thân thể này có phải của mình không? Cho nên ưa thương người khác thì thương, ưa ghét người khác thì ghét. Cũng vui! Đâu phải của mình đâu mà ưa thương thì thương ưa ghét thì ghét. Trái tim này có phải của mình không? Nó chỉ là một phần của mình, còn một phần là của cha mẹ mình, của Tổ tiên ông bà nội ngoại. Nếu không có Tổ tiên ông bà nội ngoại thì làm gì có mình? Không có cha mẹ mình thì làm gì mình có trái tim này? Thế mà mình nói “của tôi, tôi ưa thương ai, tôi thương; tôi ưa ghét ai, tôi ghét; tôi ưa sống, tôi sống; không ưa thì tôi tự tử chết.” Như vậy là mình lạm dụng thân thể này, vì hiểu sai về nó.
Cho nên muốn sống lâu thì không tự giết, không bảo người khác giết, không hỗ trợ cho người khác giết, không tán thành sự giết hại của người khác. Đức Phật A Di Đà đã qua vô lượng kiếp tu như thế. Và Phật Thích Ca cũng qua vô lượng kiếp tu như thế. Bây giờ mình làm con của chư Phật, cũng phải qua vô lượng kiếp tu như thế. Không có đức Phật nào dạy mình giết hại bản thân mình. Cũng không có đức Phật nào tán đồng, tùy hỷ sự giết hại bản thân mình, giết hại bản thân chúng sinh.
Tôi nói thêm điều này nữa vì gặp quý vị khó quá. Tôi phải đi đến nửa vòng trái đất mới gặp quý vị. Và cũng không dễ, hơn 70 tuổi, hôm nay mới gặp được quý vị.
Quý vị phải biết: Thân này có chết nhưng tâm chúng ta không bao giờ chết. Thân này có đối ngại nhưng tâm chúng ta không bao giờ có đối ngại. Thọ mạng của đức Phật A Di Đà được thiết lập trên nền tảng của bồ đề tâm, được thiết lập trên nền tảng của tâm thanh tịnh. Ngài dạy chúng ta tu tập niệm danh hiệu ngài để tâm chúng ta thanh tịnh. Khi có tâm thanh tịnh rồi, chúng ta sống với tâm đó là thọ mạng vô lượng. Quý vị hiểu chưa?
Điều này, tôi nói ba tiết nữa cũng không hết. Nếu hết thì bây giờ hết.
Thứ hai, quý vị có cần ánh sáng không? -Có!
Không có con người nào không cần ánh sáng. Không có loài nào không cần ánh sáng. Không có cỏ cây hoa lá nào không cần ánh sáng. Không có ánh sáng chúng ta sống trong tối tăm. Ai đáp ứng ánh sáng đó cho chúng ta? -Phật A Di Đà. Chữ Amitaba có nghĩa là ánh sáng vô lượng. Ánh sáng đó do bản nguyện tu tập của ngài tạo nên. Bởi vì vô lượng kiếp, khi đức Phật A Di Đà hành Bồ tát đạo, ngài nói “khi tôi thành Phật thì ánh sáng của tôi tỏa ra không đối ngại.” Cho nên khi ngài thành Phật rồi, ánh sáng của ngài chiếu khắp cả hư không pháp giới thường trực. Không có ánh sáng làm sao mình tồn tại. Cho nên tu tập Tịnh Độ, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, càng niệm thì càng đi tới được ánh sáng. Ánh sáng đây không đơn thuần thuộc về vật lý, mà ánh sáng mang tính chất của tuệ gác, của từ bi.
Nếu mỗi ngày quý vị dành chừng hai tiếng đồng hồ ngồi yên lặng niệm “nam mô A Di Đà Phật” theo hơi thở vào, ra. Thở vào “nam mô A Di Đà Phật”, thở ra “nam mô A Di Đà Phật”. Thở vào mình nghĩ rằng mình tiếp xúc với tâm thanh tịnh của Phật A Di Đà. Thở ra, mình nghĩ rằng mình tiếp xúc với ánh sáng của Phật A Di Đà. Và cứ để tâm đi vào đi ra theo hơi thở. Quý vị nên tập mỗi ngày hai tiếng đồng hồ. Buổi sáng một tiếng, buổi chiều một tiếng. Tôi tin chắc rằng một tháng sau, nước da của quý vị sẽ trắng và đẹp vô cùng. Nước da sáng và trắng của quý vị không đơn thuần là vật lý mà còn có tâm linh trong đó. Danh hiệu của đức Phật A Di Đà nuôi các tế bào của quý vị, làm cho các tế bào của quý vị sáng lên. Điều này rất khoa học. Bởi tế bào của chúng ta có tính âm và dương trong đó, có tính ánh sáng trong đó. Điều này tôi nói ra từ sự thực tập của tôi, không đơn thuần trên ngôn ngữ. Cho nên đối với ai tin Phật A Di Đà hay không tin Phật A Di Đà, tôi không cần biết. Còn tôi là tuyệt đối, không có chút nghi ngờ gì hết. Nương nơi ánh sáng của Phật mà đi, những thấp kém trong suy nghĩ của mình từ từ rơi hết. Mình không cần làm cho nó rơi mà nó tự rơi thôi. Ánh sáng vật lý ở trong tâm, mình không cần thấy mà nó cũng thấy. Đi vào ngôi nhà sáng, mình liền thấy, đó là cái thấy rất tự nhiên. Có ai mà không cần ánh sáng?
Có người nói “có, mấy người mù”. Thật ra người mù không nhìn tới ánh sáng, nhưng ánh sáng vẫn ôm ấp người mù, vẫn nuôi dưỡng người mù. Người mù vô tình với ánh sáng, nhưng ánh sáng vẫn không bao giờ bỏ người mù, vẫn nuôi dưỡng người mù.
Giữa đời này có nhiều người vô tình, phản bội đức phật A Di Đà, nhưng Phật A Di Đà không vì sự vô tình, phản bội của họ mà giảm bớt ánh sáng với họ, vẫn có trong họ, vẫn chăm sóc họ. Quý vị hiểu không?
Ánh sáng của đức Phật A Di Đà luôn có trong đời sống của chúng ta. Khi ta trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tâm ta thanh tịnh rồi, ánh sáng của tâm phát sinh ra. Cho nên đức Phật Thích Ca nói “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo.” Phải không?
Có tâm là có tất cả. Cái khổ cũng có, cái vui cũng có. Cái ngắn cũng có, cái dài cũng có. Lấy cái gì đo ngắn đo dài? -Lấy tâm mà đo. Không có tâm là không có gì hết. Cho nên có tâm thì Tịnh Độ cũng đó mà ta bà cũng đó. Hạnh phúc cũng đó mà khổ đau cũng đó. Địa ngục cũng đó mà niết bàn cũng đó. Có tâm là có tất cả thanh tịnh và không thanh tịnh. Nếu mình đi theo bản nguyện của Phật A Di Đà thì sẽ có tâm thanh tịnh tương thích với bản tâm thanh tịnh rộng lớn của Phật A Di Đà. Nếu mình không đi theo sự thanh tịnh vì tâm mình ô nhiễm thì mình đi về phía khổ đau, phía ô nhiễm, phía thị phi của thế gian.
Đến giờ phút này, quý vị còn nghi ngờ gì về Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà nữa không? Mình có tâm là có tịnh độ là có ta bà, phải chưa? Có tâm là có hạnh phúc, là có khổ đau. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời giúp mình giải trừ khổ đau để sinh ra hạnh phúc, giải trừ ô nhiễm mà sinh khởi tâm thanh tịnh, giải trừ bóng đêm nơi tâm làm cho ánh sáng nơi tâm sinh khởi.
Nếu có người hỏi quý vị tại sao tin Tịnh Độ? Quý vị nói “tôi tin Tịnh Độ vì tôi tin tôi có tâm thanh tịnh”. Thầy không tin Tịnh Độ vì tâm thầy không thanh tịnh. Bà không tin Tịnh Độ vì tâm bà không thanh tịnh. Đơn giản vậy thôi.
Quý vị đọc hết kinh điển đi. Có phải đức Phật Thích Ca nói “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác” không? Có tâm là có hết. Thiện, ác, xấu, tốt, ta bà, tịnh độ, chúng sinh … gì cũng có hết.
Nguyễn Du là một nhà thơ của thế gian thôi, mà còn nói được câu “cảnh nào cảnh lại đeo sầu …”. Mình là Phật tử mà không nói được câu đó thì quá dở. Tôi nói Nguyễn Du là một thi hào bình thường, nhưng Phật pháp ông rất thâm sâu. Quý vị cố gắng đọc Nguyễn Du đi. Ông là một người rất am tường về Phật giáo và là một người thực tập Phật giáo.
Như vậy ánh sáng đức Phật A Di Đà trong đời sống chúng ta, là ánh sáng vô lượng, phải không? Không có ánh sáng nào bằng ánh sáng Phật A Di Đà.
Thứ ba. Quý vị muốn có phước đức không? -Muốn.
Muốn có phước đức thì phải tu tập công đức. Phước đức phải thiết lập trên nền tảng công đước thì phước đức đó mới ra hoa ra trái được. Muốn có phước đức mà không tu tập công đức thì phước đức đó không kết thành hoa trái được. Cho nên muốn có phước đức thì phải tu tập công đức. Muốn tu tập công đức phải phát khởi bồ đề tâm mà tu tập công đức. Tu tập công đức lâu ngày thuần thục thì hoa trái phước đức mới nảy sinh ra. Phước đức như vậy mới là phước đức thật, bởi vì phước đức đó nở ra từ công đức của mình. Công đức nảy ra từ tâm bồ đề của mình.
Không như vậy thì giống như mình khát nước, người ta bưng cho mình ly nước. Uống hết ly này, họ ghét họ không bưng nữa thì mình hết nước uống. Do công đức thiết lập trên tâm bồ đề, phước đức đặt trên nền tảng công đức cho nên mình uống hết ly nước này thì có ly nước khác. Ly nước khác đó là từ hoa trái công đức của mình mà tạo nên. Công đức đó là công đức của tâm bồ đề. Tâm bồ đề là vượt không gian và thời gian.
Muốn có công đức, quý vị tới chùa làm gì cho có công đức? Chúng ta tới chùa Thiện Hòa này từ nhiều truyền thống của gia đình khác nhau, nhiều kinh nghiệm khác nhau, nhiều điều kiện, nhiều nhân duyên khác nhau. Trước hết phải chấp nhận cái khác nhau đó để cùng sống chung, quý vị thấy vĩ đại chưa? Vĩ đại hơn nữa là mình khuyến khích sự tích cực của nhau, để nâng sự tích cực của nhau lên. Biết tiêu cực của nhau để làm cho tiêu cực đó giảm xuống.
Vị ngồi thiền giỏi thì ngồi thiền đi. Người lạy Phật giỏi thì cứ lạy Phật đi. Người tụng kinh giỏi thì cứ tụng kinh đi. Người nấu cơm giỏi thì cứ nấu cơm đi. Người xách nước giỏi thì cứ xách nước đi. Người lau chùa giỏi thì cứ lau chùa đi. Tất cả những việc làm đó phát xuất từ nơi tâm bồ đề của mình mới không đối ngại nhau, mới được lợi. Còn không phải từ tâm bồ đề mà làm thì nấu cơm là cho mình số một, người tụng kinh cũng cho mình số một. Rồi lên giọng xuống giọng la lối ghê gớm lắm. Khi xuống khinh thường mấy người không tụng kinh, nói tôi tụng kinh mới có công đức, mấy người cứ ở nhà bếp không có công đức gì đâu. Như vậy đi chùa làm sao không cãi được. Chỉ hai người tụng kinh và nấu bếp gây nhau thì làm sao có công đức?
Người thứ ba tới, nói “nấu cơm giỏi hả? Ai trả tiền gas cho nấu? Ai đi chợ mua đồ về cho nấu?” Bây giờ anh đi chợ nhảy vô kể công nữa. Tiền đâu đi chợ? Nhờ tôi đi làm bỏ tiền vô, thầy Trụ Trì mới có mà đưa ra đi chợ. Anh nào cũng thấy mình là số một hết, nhiều số một quá cho nên không có ai số một nữa hết. Đi chùa mà cho mình số một thì đâu còn công đức nữa. Cho nên nếu có ai số một thì mình số hai, nếu có ai số hai thì mình số ba.
Quý vị đi tới chùa hay sống trong gia đình, đời sống vợ chồng con cái. Cha mẹ dù lo cho con cái hết lòng, nhưng đừng bao giờ nghĩ mình số một. Con cái được cha mẹ chăm sóc hết lòng, nhưng đừng nghĩ mình là số một. Hãy xóa con số một đó đi thì ta sẽ có công đức, ta sẽ có sự an bình trong mọi sự hiện hữu. Ta khổ đau vì con số một. Trên thế gian này ai cũng giành con số một. Con số một nguy hiểm vô cùng. Nó nguy hiểm từ trong chùa ra đến xã hội, đến gia đình. Nó nguy hiểm từ con cái đến bạn bè. Mà tại sao nguy hiểm như vậy? -Vì vô minh. Làm gì có số một mà mình ảo tưởng tự mình số một.
Mình đang ngồi nghe pháp đây, mình cho mấy người không nghe pháp là số hai, còn mình nghe pháp là số một. Nhưng nghe pháp xong rồi ra không có cơm ăn, đói, lái xe đi về run tay, khi đó ai số một? Người nấu cơm là số một. Ăn rồi xe hết xăng, vậy ai là số một? -Xăng là số một. Suốt ngày, hết chuyện này đến chuyện khác, toàn điên đảo vọng tưởng. Con người sống ích kỷ như vậy, làm gì có công đức? Không có công đức làm gì có phước đức?
Đức Phật A Di Đà trải qua vô lượng kiếp tu tập tự bồ đề tâm của ngài. Ngài làm gì cũng lo cho lợi ích của người trước, cái lợi của mình sau, nếu có. Bởi vì ngài biết hễ mọi người an lạc thì trong cái an lạc đó có mình ở trong.
Ngay trong gia đình mình, bà vợ biết sự an lạc của chồng của con có sự an lạc của mình trong đó, cho nên ông chồng nói cái gì bà cũng làm thin cười cười, bà không nói gì hết. Bởi vì nếu bà nói ra một câu, bà không an lạc, chồng không an lạc, con không an lạc, gia đình trở thành địa ngục. Cho nên an lạc của chồng con chính là an lạc của vợ, an lạc của vợ chính là an lạc của chồng con. Muốn có an lạc đó mình phải buông bớt tính ích kỷ, tính cao ngạo, tính cho mình thế này thế kia, thì sẽ có công đức vô lượng.
Đức Phật A Di Đà làm hết tất cả mọi công việc mà không bao giờ ngài nghĩ mình là thế này là thế kia. Ngài làm từ tâm từ bi vô ngại nên có vô lượng công đức. Bây giờ quý vị có cần cái đó không? -Cần!
Thấy chưa? Đức Phật A Di Đà trong đời sống chúng ta đó. Còn tìm đâu nữa?
Có ai ưa sống với uế độ? Ai cũng ưa sống nơi tịnh độ hết. Ai cũng ưa có cái nhà sạch sẽ hết. Trong gia đình ai cũng sống bằng tâm mở rộng, bằng sự hiểu biết, bằng sự thương yêu, chia sẻ cho nhau, cảm thông với nhau. Đó là một trong những tố chất của cõi Tịnh Độ A Di Đà.
Thứ tư là tâm thanh tịnh, bình an. Trong gia đình mình có bốn đứa con mà mình thương đứa này, không thương đứa kia thì gia đình có yên không? Cho nên mình phải thương nó một cách bình đẳng. Bình đẳng mà thanh tịnh. Có khi bình đẳng mà không thanh tịnh là không đem lại hạnh phúc đâu. Bình đẳng đây không có nghĩa là có bốn cây vàng đem chia cho bốn đứa gọi là bình đẳng. Bình đẳng đó thiếu thanh tịnh, nguy hiểm vô cùng. Bởi vì bốn đứa con mình sinh ra, nó đều là con mình từ những nhân duyên nghiệp lực khác nhau, cho nên có đứa mình cho nó một cây vàng thì nó làm ra được hai, ba cây. Nhưng có đứa mình cho nó một cây vàng, hai hôm sau không còn cây nào hết. Có đứa mình cho cây vàng, sang năm cũng còn nguyên si vậy. Hỏi sao con không làm gì cả? -Con cất kỹ. Có đứa mình cho nó cây vàng, năm sau hỏi lại, nó làm ra mười cây.
Cho nên bình đẳng ở đây phải thanh tịnh. Thanh tịnh là phải thấy được nhân duyên của đứa con. Đứa con này có sở trường này, có ưu điểm này, có nhược điểm này. Đứa kia có ưu điềm này, có nhược điểm này. Đứa nọ có ưu điểm này, có nhược điểm này. Mình phải biết nhân duyên nhân quả của nó rồi mới cho nó. Phải có phương pháp phân chia tài sản hay phân chia tri thức, phân chia tình cảm cho hợp với nhân duyên nhân qủa của nó. Đứa hay đánh bạt mà đem tiền cho nó là giết nó nhanh thôi.
Cho nên bình đẳng phải sáng suốt. Như vậy đại chúng thấy cái bình đẳng thanh tịnh và sáng suốt của đức Phật A Di Đà có cần cho chúng ta không? -Rất cần! Rất cần trong gia đình chúng ta. Rất cần trong xử sự của chúng ta trong bạn bè, trong xã hội của chúng ta. Không bao giờ đem sở thích của mình áp đặt lên người khác. Sở thích của mình chưa hẳn người khác đã thích.
Tôi có người sư em đi xuống ăn cơm trễ. Chúng ăn hết rồi không còn gì ăn, sư em tôi ăn cơm với xì dầu. Tôi thích ăn canh khoai lang nấu nấm tràm. Hôm ấy tôi có được tô canh đó, tôi thấy sư em của tôi không còn gì ăn. Mình đem cái mình thích nhất nhường cho em mình, mình nghĩ em mình cũng mừng, cám ơn, mình trông cái đó. Ngồi nhìn sư em ăn có vẻ ngoại giao, lịch sự chứ không từ trái tim. Tôi hỏi, thầy không thích cái này sao? -Dạ không, con không thích. -Không thích thôi đưa lại đây. Cái mình thích nhất mình nhường, mà người ta nhận một cách hời hợt. Không khéo, ăn không hết đem đổ, tội nữa. Không thích đưa lại đây, tôi ăn hết. Từ đó tôi ngộ ra rằng cái mình thích chưa hẳn người khác đã thích. Cho nên đừng bao giờ đem cái thích của mình mà áp đặt lên người khác.
Thế gian này đổ vỡ là vì nhiều người không thích mà mình đem cái thích của mình áp đặt lên người khác mà tưởng rằng người kia thích. Người lớn cho thì người nhỏ lịch sự nhận chứ trong lòng không ưa. Rồi mình nói “đồ bạc bẽo vô ơn”. Người ta không dùng được mà ơn cái gì?
Quý vị phải nhớ điều này nghe! Bình đẳng phải thanh tịnh, thương phải có trí tuệ. Mình thương mà không có trí tuệ thì phải chuốc lấy khổ đau cho chính mình mà người kia thì nhởn nhơ thôi. Nhớ không?
Như vậy, yếu tố thứ tư của đức Phật A Di Đà là tâm của ngài thanh tịnh, bình đẳng vô lượng. Trong đời sống chúng ta có cần tâm bình đẳng vô lượng của Phật A Di Đà để nuôi dưỡng tâm ô nhiễm của mình trở thành tâm thanh tịnh bình đẳng không? -Cần!
Rõ ràng, đức Phật A Di Đà trong đời sống của mỗi chúng ta. Sống lâu vô lượng. Ánh sáng vô lượng. Công đức vô lượng. Thanh tịnh bình đẳng vô lượng.
Làm sao mình biết Đức Phật A Di Đà có như vậy? Mình biết là nhờ đức Phật Thích Ca nói cho mình. Và đức Phật Thích Ca nhập niết bàn rồi, mình lấy gì mà biết?
-Thầy Tổ chúng ta truyền thừa, tạo thành truyền thống tâm linh, nhất là tâm linh của người Việt Nam chúng ta.
Chúng ta tiếp nhận và kế thừa truyền thống đó, nuôi dưỡng và phát triển truyền thống đó trong xã hội chúng ta đang sống đây một cách khoa học, một cách thật tình. Và bây giờ chúng ta thấy rằng thế giới không thể không cần ánh sáng. Thế giới con người không thể không muốn sống lâu. Thế giới con người không thể không mong mình có phước đức. Mình có phước đức thì người xa lạ mình cũng nhờ được. Kém phước đức, con cái của mình cũng không nhờ được đâu.
Mình sống yên mình nhờ biết giữ tâm thanh tịnh và bình đẳng trong ứng xử của mình đối với những gì mình đang hiện hữu, đối với những gì mình đang tương quan, đối với những gì mình đang tiếp nhận.
Thế giới ta bà này có quá nhiều chướng ngại. Thời đại chúng ta đang sống ở đây gọi là kiếp trược, tức thời đại hoại diệt. Mạng sống con người chỉ trong hơi thở thôi nên gọi là kiếp trược.
Thứ hai là kiến trược. Kiến trược là những hiểu biết sai lầm. Cái gì mình ưa là đúng, mình không ưa là sai. Hiểu biết như vậy gọi là hiểu biết sai lầm. Chính vì hiểu như vậy mà sanh sự, mà chiến tranh, từ nhỏ tới lớn. Đó là kiến trược.
Thứ ba là phiền não trược. Là sự dơ bẩn nơi tâm hồn. tâm hồn mình có quá nhiều thứ dơ bẩn: tham, sân, si, kiêu mạn … Mình ghét ai thì người đó có làm cỡ mấy đi nữa mình cũng chê thôi. Mình thương ai thì người đó có xấu cỡ nào mình cũng tâng bốc. Giã như mình thương người bị cụt một chân thì mình thấy trần gian này ai có hai chân là dư. Cái tâm ý vận động trong chúng ta nguy hiểm đến như vậy. Đó là phiền não trược.
Thứ tư là chúng sanh trược. Chúng sanh đối xử với nhau vô ơn, quên ơn. Nó cám ơn theo thói quen, không phải từ trái tim chân thật, không từ sự tỉnh giác. Khi người ta đối xử với mình như thế nào mình phải nói sự cám ơn đó bằng sự tỉnh giác, bằng cái hiểu biết của mình về việc mình cám ơn đó. Tâm mình phải có mặt trong lời nói của mình.
Có mấy người ngủ dậy mà làm lợi ích cho người khác? Có mấy người ngủ dậy mà nghĩ tới lợi ích cho người khác? Ngủ dậy là lo ăn. Ăn ở đâu, ăn cái gì, uống cái gì cho ngon, cà phê loại nào …? Ngủ dậy là lo hưởng thụ, rồi lo làm cái gì cho có lợi. Ít ai mở mắt ra là nghĩ tới lợi ích cho nhiều người. May ra có những người con chí hiếu, mở mắt ra nghĩ bây giờ ba mẹ mình thế nào, tổ tiên của mình thế nào? Những người mở mắt ra mà nghĩ tới điều đó được bao nhiêu người?
Thêm một chút nữa, mở mắt ra là nhớ Phật, nhớ pháp, nhớ tăng, bây giờ Phật pháp thế nào, thế nào … để co trường tồn, cho lợi ích chúng sanh. Có bao nhiêu người nghĩ tới điều đó?
Chúng sanh trược là khi mở mắt ra nó nghĩ cho nó không. Nó đối xử với người khác bằng đạo đức giả qua bản ngã của nó.
Thứ năm là mạng trược. Là đời sống dơ bẩn. Quý vị có sợ nghĩa địa không? Nghĩa địa ở đâu mà sợ? Nghĩa địa ở trong bao tử quý vị. Từ khi mẹ sanh ra đến giờ, bao nhiêu hình hài của chúng sinh ở trong này. Một ngày đưa vô ba lần.
Đây là mạng trược. Nuôi dưỡng thân mình bằng sự cấu uế, bằng tất cả sự sống của muôn loài.
Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu Tịnh Độ A Di Đà thì chư Phật mười phương đều đưa tướng lưỡi rộng dài để ca ngợi sự kham nhẫn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thông minh lắm, đức Phật Thích Ca mới giới thiệu Tịnh Độ A Di Đà vị đạt trí tuệ của hàng Thánh giả Thanh văn là ngài Xá Lợi Phất, không phải giới thiệu khơi khơi đâu. Bởi vì ngài Xá Lợi Phất là tiêu biểu cho bậc đại trí tuệ của hàng Thanh văn. Tiếp nhận Tịnh độ đâu phải người bình thường mà tiếp nhận được đâu. Phải có trí tuệ, mà trí tuệ cỡ nào mới tiếp nhận được?
Cho nên khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu Tịnh Độ A Di Đà thì chư Phật mười phương đều đưa tướng lưỡi rộng dài để ca ngợi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm một việc khó làm, nói một việc khó nói, mà nói được, làm được. Vì sao? Vì thế giới Ta bà này bị năm thứ chướng ngại là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược. Năm thứ đó làm chướng ngại. Cho nên cha mẹ nói không thèm nghe, con mình sanh ra, nói nó không thèm nghe. Mười tám tuổi là không cần biết cha mẹ là ai nữa. Khó lắm! Nó đâu có biết nó liên hệ với cha mẹ từ đời này qua kiếp khác, đâu phải chỉ một đời này. Rất nhiều đời đã từng làm con làm cháu trong dòng huyết thống này, trong thế giới này, trong dòng luân hồi vô tận như thế. Mà nó chỉ biết có đoạn mười tám năm thôi. Cha mẹ và con chỉ có mười tám năm thôi. Tình cảm như vậy ngắn ngủi quá.
Con mình sanh ra, nuôi cho ăn học mà nói nó còn không nghe, huống chi Phật Thích Ca nói điều này cho chúng sinh nơi thế giới ta bà. Làm sao mà không được chư Phật mười phương đưa tướng lưỡi rộng dài yểm trợ. Cho nên Tịnh Độ Phật A Di Đà còn đến bây giờ là công lao của chư Phật mười phương đều yểm trợ. Và chư Tổ của mình là ứng hóa thân của chư Phật để truyền thừa cho đến chúng ta ngày nay. Vậy nên chúng ta phải niệm “nam mô A Di Đà Phật” cho hết lòng hết dạ. Niệm Phật không phải để tính số nhiều, mà phải niệm với tất cả tấm lòng và niệm trong bất cứ điều kiện nào để thực tập. Quý vị nhớ chưa?
Niệm như thế nào để cái thọ vô lượng sinh ra trong đời sống chúng ta, để cho ánh sáng vô lượng sinh ra trong đời sống chúng ta, để cho công đức vô lượng sinh ra trong đời sống chúng ta, để cho tâm an tịnh và bình đẳng sinh ra trong đời sống chúng ta. Đó là hành giả tu tập Tịnh Độ./.