DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN
SỐ 1579
QUYỂN 32
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Địa Thứ 13: Địa Thanh Văn
Phần 12: Xứ Du Già Thứ 3: Đoạn 3
Thế nào là người mới tu tập, lúc bắt đầu tu tập, đối với tu tác ý như cần an lập, tùy chỗ an lập khi chính thức tu hành, đều tiên xúc chứng, nơi việc dứt bỏ hỷ lạc, đạt Tâm một cảnh tánh? Nghĩa là sư Du già tu tập khéo thông đạt, đầu tiên vị ấy dựa nơi hành Du già, đối với người mới tu tập, chỉ dạy như vầy:
– Thiện lai! Hiền Thủ! Các ông hôm nay nên dựa vào ba thứ nhân duyên giữ lấy tướng, hoặc thấy hoặc nghe, hoặc tâm so sánh, phân biệt tăng thượng giữ lấy năm thứ tướng:
- Tướng chán lìa.
- Tướng vui thích.
- Tướng lỗi lầm tai hại.
- Tướng ánh sáng.
- Tướng phân biệt rõ về sự.
Hỏi: Nếu dựa vào hành Du già, người mới tu tập là kẻ hành tham, do quán bất tịnh mới có thể điều phục. Làm sao chỉ dạy họ giữ lấy năm thứ tướng?
– Đáp: Nên chỉ dạy như vầy:
Thiện lai Hiền Thủ! Các ông theo chỗ nương dựa nơi các xóm làng thôn ấp kia, an trụ ở đấy. Hoặc nghe có các xóm làng thôn ấp khác, hoặc người nam người nữ, trước thọ nhận an lạc, sau gặp phải khổ ách. Hoặc người nam người nữ kia tự mắc phải bệnh nặng, mạng chung. Hoặc người nam người nữ kia hiện có tri thức, thân thích, quyến thuộc gặp phải sự khổ như thế. Hoặc nơi xóm làng, thôn ấp nọ là biên vực có của cải châu báu bị mất mát. Hoặc là do những người khác đến là kẻ địch mạnh tạo ra. Hoặc do lửa thiêu đốt, hoặc do nước cuốn trôi. Hoặc là do tạo ác mà có mất mát, tổn hại. Hoặc do không khéo tu tạo, gây dựng sự nghiệp mà bị mất, tổn. Hoặc do không khéo phân xử sự việc mà có tổn thất. Hoặc là do không cùng yêu quý tài sản thuận hợp mà có mất mát. Hoặc do lửa từ nơi nhà mà có tổn hại. Hoặc là ông hiện thấy, chẳng phải là do nghe kể lại. Hoặc tức nơi xóm làng thôn ấp ấy, chẳng phải là xóm làng thôn ấp khác. Hoặc chẳng phải là xóm làng thôn ấp ấy, cũng chẳng phải là người khác, tức tự thân các ông trước đã chứng tỏ mình thọ nhận an lạc quá nhiều, sau trở lại thối thất. Nói rộng như trước.
Ông đã nghe thấy như vậy rồi phải nên sinh khởi tâm chán bỏ sâu xa: Sinh tử như thế là khổ nặng hết sức! Tự thể đã có được là vô cùng khó khăn, nhưng trong ấy có bao nhiêu thứ suy tổn sai biệt của mình và người phải gánh chịu như vậy. Đó là suy tổn của bệnh tật, suy tổn về thọ mạng, suy tổn về quyến thuộc, suy tổn về của cải, châu báu. Tánh của các pháp vốn là bệnh tật, là tử vong, hoại diệt.
Lại có một loại suy tổn về tịnh giới, suy tổn về chánh kiến. Do nhân duyên này, nên các chúng sinh kia, ở trong hiện pháp trụ nơi các khổ não, nơi đời vị lai phải đi tới các cõi ác. Những người hưng thạnh, tuy trong hiện pháp trụ nơi các thứ an lạc, ở đời vị lai sẽ đi đến các cõi thiện, nhưng đều là vô thường, nơi vô thường kia hiện có thể chứng đạt. Như có người lãnh nhận sự hưng thạnh, thời sau suy tổn nhất định sẽ hiện tiền. Những kẻ lãnh nhận sự suy tổn, thời sau hưng thạnh khó có thể hiện tiền. Các sự hưng thạnh đều là khó được dễ mất. Pháp biến hoại như vậy, thâm tâm ông nên lo chán, hết sức khéo léo tác ý như lý để thọ trì.
Xứ sở như thế khó có thể tin giữ. Ta nay đối với nẻo lưu chuyển của sinh tử ấy chưa Bát Niết bàn, tâm chưa giải thoát, khó có thể tin giữ. Hai pháp suy tổn, hưng thạnh như thế chớ hiện bày trước ta. Chớ là nhân duyên kia khiến ta rơi vào xứ sở như thế, là nơi chốn luôn sinh khởi bao thứ khổ não gai góc mãnh liệt, không hề vừa ý. Tức do lực tăng thượng của sự việc ấy nên ta phải chí thành hoan hỷ đối với việc đoạn trừ, tu tập không phóng dật.
Lại, ta như vậy là đã an trụ nhiều, nên đối với nghĩa không có thể tạo nên biên vực. Như thế, ông phải hết sức khéo léo tác ý như lý để thọ trì. Ông giữ lấy tướng chán lìa như vậy rồi, lại siêng năng tinh tấn giữ lấy tướng vui thích, nên tự quán xét về Thi-la đã được thọ nhận là hoàn toàn thanh tịnh, là không thanh tịnh. Ta hoặc mất niệm, hoặc không cung kính, hoặc có nhiều phiền não, hoặc do không nhận biết về các học xứ nên có chỗ trái phạm. Đã trái phạm rồi, ta nên như pháp, do ý lạc tăng thượng của bản tánh kia, nên đối với các học xứ, thâm tâm phát khởi quyết không hủy phạm nữa. Ta đối với việc làm phải nên làm đúng. Đối với không phải việc làm thì không nên làm. Tóm lại, đối với các học xứ nên khiến ý vui thích tăng thượng viên mãn, cũng khiến cho gia hạnh hiện có viên mãn.
Ông ở nơi lúc chính thức quán xét như thế, hoặc tự nhận biết rõ về Giới uẩn thanh tịnh, tuy không tác ý tư duy: Ta sẽ phát khởi sự thanh tịnh không hối, nhưng vì pháp là như vậy. Người Thi-la thanh tịnh, nhất định sinh khởi sự thanh tịnh không hối như thế. Hoặc phát khởi sự thanh tịnh không hối như vậy, tuy không tác ý tư duy: Ta dấy khởi hoan hỷ, nhưng vì pháp là như thế. Người không có hối nhất định sinh hoan hỷ. Như vậy, lại ở nơi một thứ hoan hỷ là xứ sở của chỗ dựa, ông nên sinh khởi sự thanh tịnh không hối, vì trước hết là hoan hỷ.
Lại, đối với việc dứt trừ chướng, là xứ sở của hoan hỷ, nên sinh khởi hoan hỷ, cho là ta hôm nay, Thi-la thanh tịnh, có lực dụng, có thể an trụ nơi học xứ do Đức Thế Tôn chế lập. Ở trong hiện pháp, có thể đạt được những điều chưa đạt, có thể xúc chứng các pháp chưa xúc chứng, do xứ sở ấy sinh khởi hoan hỷ, vừa ý. Nếu ông trước sau đạt được chút ít sự chứng đắc sai biệt, tức do lực tăng thượng như thế, nên đối với chỗ chứng đắc sai biệt viên mãn của người khác, tức chư Như-lai hoặc Thánh đệ tử cùng sự nối tiếp của thời sau, với chỗ chứng đắc sai biệt, nên sinh tin hiểu, khởi ý hoan hỷ, vui thích. Hành tướng nơi các thứ vui thích vừa ý như vậy, trước gọi là “hoan duyệt”, nay gọi là “hỷ duyệt”, gọi chung là vừa ý (duyệt ý). Như thế gọi là giữ lấy tướng vui thích.
Giữ lấy tướng ấy rồi, lại nên nêu dạy, trao truyền, nói:
– Hiền Thủ! Ông do tướng chán lìa như vậy nên đã điều luyện nơi tâm. Lại do tướng vui thích như thế nên làm tươi nhuận nơi tâm. Ông đối với việc đoạn trừ những tham dục, ưu não của thế gian nên an trụ nhiều. Tùy nơi cảnh giới của đối tượng duyên kia mà siêng tu gia hạnh, hoặc phẩm Xa-ma-tha, hoặc là phẩm Tỳ-bát-xá-na. Tức nơi vô số cảnh giới của đối tượng duyên kia sẽ khiến tâm trụ, nội trụ, cùng trụ. Ông sẽ đạt được thân tâm khinh an cùng một cảnh tánh. Ông nếu trừ bỏ các phẩm đen, hướng tới các phẩm trắng như vậy, là do tâm được điều luyện, được làm cho tươi nhuận.
Lại, nên thường xuyên giữ lấy tướng lỗi lầm tai hại. Đó là, nơi các tướng, tầm tư cùng tùy phiền não hiện có, giữ lấy tướng lỗi lầm tai hại. – Nói các tướng: Nghĩa là mười tướng như sắc v.v…
– Nói tầm tư: Tức là tám thứ tầm tư như dục v.v…
– Tùy phiền não: Đó là năm thứ như tham dục v.v…Ông nên đối với chúng giữ lấy tướng lỗi lầm tai hại.
Các tướng như thế có thể khiến cho tâm tác dụng càng thêm vội vã hấp tấp. Tầm tư như thế có thể khiến cho tâm xét chuộng việc nhiễu loạn. Các tùy phiền não như vậy có thể khiến cho tâm luôn không tịch tĩnh. Nếu tâm tác dụng theo các tướng tạo tác, tầm tư tạo nên những xét chuộng nhiễu loạn, các tùy phiền não tạo tác khiến tâm luôn không tịch tĩnh, do đấy khiến tâm trụ trong khổ não. Vì thế, các tướng, tầm tư và tùy phiền não như vậy là khổ, không phải là bậc Thánh có thể dẫn khởi, là vô nghĩa, khiến tâm tán động, khiến tâm nhiễu loạn, khiến tâm nhiễm ô. Ông nên giữ lấy tướng lỗi lầm tai hại như vậy.
Lại nữa, ông phải dựa vào tâm một cảnh tánh, tâm tánh an trụ, tâm tánh không loạn, dùng sáu thứ hành để giữ lấy đúng về tướng.
Những gì là sáu thứ hành? Đó là:
- Tướng vô tướng.
- Ở trong vô tướng, tưởng không tác dụng.
- Tưởng không phân biệt.
- Ở trong không phân biệt, tưởng không xét chuộng, tưởng không nhiễu loạn.
- Tưởng tịch tĩnh.
- Ở trong tịch tĩnh, tưởng lìa các phiền não thiêu đốt tưởng tịch diệt là vui.
Ông đã giữ lấy tướng lỗi lầm tai hại như thế rồi, lại nên thường xuyên giữ lấy tướng ánh sáng. Nghĩa là, hoặc ánh sáng của đèn, hoặc ánh sáng của đám lửa lớn, hoặc ánh sáng của mặt trời, hoặc ánh sáng của mặt Trăng. Đã giữ lấy tướng ánh sáng như vậy rồi, lại đi tới bãi tha ma, giữ lấy tướng máu bầm xanh, nói rộng cho đến giữ lấy tướng xương nát vụn. Ông nếu không thể đi đến bãi tha ma, thì nên giữ lấy các tướng về cây đá được tạo do vẽ thêu… như thế. Giữ lấy tướng ấy rồi, trở lại trụ xứ, hoặc tại A-luyện-nhã, hoặc bên gốc cây rừng, hoặc nơi chốn vắng lặng. Hoặc ở nơi giường lớn, hoặc nơi giường dây nhỏ, hoặc tòa ngồi bằng cỏ lá. Trước là rửa chân tay rồi ngồi kiết già, thân ngay nguyện chánh, an trụ dựa vào niệm. Đầu tiên là nơi một cảnh khiến tâm không phân tán, giữ niệm ở trước. Lại ở trong ấy, nương nơi sáu thứ tướng để tác ý tư duy. Đó là:
- Tưởng vô tướng.
- Tưởng không phân biệt.
- Tưởng tịch tĩnh.
- Tưởng không tác dụng.
- Tưởng không chốn xét chuộng không nhiễu loạn.
- Tưởng lìa các phiền não thiêu đốt, tịch diệt là vui.
Lại nữa, ở đấy ông nên xét kỹ, nhận biết rõ khắp nẻo về tướng loạn không loạn, phân minh hiện tiền, xét kỹ như thế như thế. Nhận biết rõ khắp nẻo về tướng loạn chẳng loạn như vậy như vậy, tức ông có thể biết rõ về tướng loạn hiện có trong các tướng, trong tầm tư và trong các tùy phiền não, cùng có thể biết rõ về tâm một cảnh tánh, theo sáu tưởng tu các tướng không loạn.
Lại, ông ở nơi tướng loạn không loạn ấy xét kỹ, nhận biết rõ như vậy như vậy, nên có thể an trụ vào một cảnh của đối tượng duyên. Cũng có thể an trụ nơi nội tâm tĩnh lặng. Các tâm nối tiếp, các tâm trôi chảy, trước sau một vị, không tướng không phân biệt, tịch tĩnh mà chuyển.
Lại, hoặc ông tâm tuy đạt được tĩnh lặng, do mất niệm, cùng do hành tập thường xuyên về lỗi lầm của các tướng, các tầm tư, các tùy phiền não, nên như ảnh tượng của đối tượng duyên là khuôn mặt trong gương luôn hiện tiền, theo chỗ sinh khởi. Tức ở trong ấy lại nên tu tập tác ý không niệm. Đó là trước hết thấy rõ sức tăng thượng của các tướng lỗi lầm tai hại. Tức ở nơi tướng cảnh của đối tượng duyên như thế, do chỗ tu tập tác ý không niệm nên loại trừ, dứt hết nên khiến chúng hoàn toàn không hiện tiền nữa.
Hiền Thủ nên biết! Đối tượng duyên như vậy là hết sức vi tế, khó có thể thông đạt. Ông nên phát khởi sự mong muốn, vui thích mãnh liệt, vì cầu thông đạt nên khởi siêng năng tinh tấn. Đức Thế Tôn đã dựa vào cảnh tướng của đối tượng duyên ấy, mật ý nêu dạy: “Bí-sô các ông nên biết về các thiện”. Nói các thiện: Nghĩa là ở trong đại chúng cùng tập hội, là sự khỏe mạnh và sắc đẹp. Tức các thiện ấy là rất thù thắng, đó là ở trong tập hội lớn có nhiều chúng, đang ca múa hát xướng.
Giả sử có một trượng phu trí tuệ, từ bên ngoài đi vào, bảo một người: – Ôi, này nam tử! Ông ngay hôm nay có thể bưng chiếc bát đựng đầy dầu, chớ khiến cho dầu sóng sánh tràn ra ngoài, đi qua trong đại chúng đông đảo như thế, phải tránh né để vượt qua trong khoảng hiện có các thiện, và các người đang ca múa hát xướng nổi bật nhất, cùng sinh khởi cùng lớn rộng. Hiện đang có kẻ vạm vỡ, hung dữ, tuốt gươm bén đuổi theo đằng sau ông. Nếu dầu trong bát ông đang bưng có một giọt rơi xuống đất, thì kẻ vạm vỡ hung dữ ấy tức dùng kiếm bén chém đầu, đoạn mạng căn của ông ngay. Bí-sô các ông, ý như thế nào? Người bưng bát đựng dầy dầu ấy lại không tác ý chuyên tâm nghĩ về bát dầu, về kẻ vạm vỡ hung dữ đang tuốt kiếm đuổi theo, về đất nơi đường đi không bẳng phẳng v.v… mà có thể tác ý nhìn xem “các thiện” và những kẻ đang ca múa hát xướng nổi bật nhất, cùng sinh khởi cùng lớn rộng chăng?
– Bạch Đức Thế Tôn! Không phải vậy. Vì sao? Vì người bưng bát đầy dầu kia đã thấy kẻ vạm vỡ, hung dữ tuốt kiếm bén đi theo sau mình, tức rất sợ hãi, nên tác ý chuyên niệm: Ta đang bưng bát đựng đầy dầu, đi qua trong chúng này là hết sức khó khăn để vượt qua, nếu để rơi một giọt dầu xuống đất, nhất định sẽ bị kiếm bén đã tuốt sẵn của kẻ kia chém ngay đầu, đoạn hẳn mạng căn của ta. Người ấy bấy giờ, đối với các thiện và những kẻ ca múa hát xướng nổi bật nhất cùng sinh khởi cùng lớn rộng kia đều không tác ý suy niệm, nhìn xem, chỉ đối với bát dầu chuyên tâm tác ý để giữ gìn đúng đắn.
Như thế, này các Bí-sô! Các đệ tử của Như-lai cung kính, cẩn trọng chuyên tâm nhớ nghĩ, tu bốn niệm trụ, nên biết cũng vậy.
Nói các thiện: Là dụ cho pháp có thể thuận theo các tùy phiền não như triền tham dục. Ở đây, các kẻ ca múa hát xướng nổi bật nhất, là dụ cho xứ pháp có thể thuận theo tầm tư hý luận, nhiễu loạn. Cùng sinh khởi cùng lớn rộng: Là dụ cho pháp của mười thứ tướng như tướng sắc v.v…
Trượng phu trí tuệ: Là dụ cho sư Du già.
Bát đựng đầy dầu: Dụ cho tâm an trụ nơi Xa-ma-tha có thể khiến cho thân tâm khinh an, tươi nhuận, là nghĩa của Xa-ma-tha.
Kẻ vạm vỡ hung dữ tuốt kiếm bén đi theo sau: Là dụ cho việc giữ lấy những tướng lỗi lầm tai hại của các tùy phiền não, tầm tư, các tướng ở trước.
Chuyên tâm giữ gìn, không khiến cho dầu đầy nơi bát, một giọt rơi xuống đất: Là dụ cho khả năng xét kỹ, nhận biết rõ khắp nẻo về tướng loạn chẳng loạn, được đạo Xa-ma-tha thâu nhận. Do đấy nên có thể khiến cho các tâm nối tiếp, các tâm trôi chảy. Do sức tinh tấn không gián đoạn phát khởi thúc đẩy, nên trước sau một vị, không tướng không phân biệt, tịch tĩnh mà chuyển. Không khởi một tâm để duyên nơi các tướng, hoặc duyên nơi tầm tư cùng tùy phiền não.
Sư Du già này, lại nên ân cần chỉ dạy như vậy đối với người mới tu tập Xa-ma-tha. Nói:
– Này Hiền Thủ! Ông nếu siêng năng tinh tấn tu tập đạo Xa-ma-tha như vậy, theo phương tiện thâu nhận như thế, chánh niệm chánh tri cùng hành, tâm có vui thích, nên gọi là khéo tu tập đạo Xa-ma-tha. Nếu lại thường xuyên hành tập các thứ lỗi lầm thì trong ấy thâm tâm không thể hoan hỷ vui thích. Đã vô cùng khó khăn để gắng sức thúc đẩy mới hiện tiền, trở lại nên mau chóng xuất hiện tướng không phân biệt nơi cảnh giới của đối tượng duyên. Đối với tướng có phân biệt nơi cảnh giới của đối tượng duyên, nên giữ niệm hiện tiền, như chỗ đã giữ lấy tướng bất tịnh ở trước.
Ông nay lại nên tác ý tư duy. Trước hết nên dùng như hành giả chỉ theo tướng hành Tỳ-bát-xá-na, hoặc quán về máu ứ bầm xanh, hoặc quán về máu mủ thối rữa, nói rộng cho đến quán về xương nát vụn. Ông vào lúc mới tu quán như thế, đối với các thứ bất tịnh được quán xét, nên khởi thắng giải, khởi thắng giải không gián đoạn của vô lượng hành hiện bày khắp tất cả xứ. Ông đã dựa vào tác ý thắng giải như vậy, phải nên hướng nhập nơi tác ý chân thật. Lúc hướng nhập nên khởi suy niệm: Như ta hôm nay đã tạo thắng giải đối với vô lượng vô biên các thứ tướng bất tịnh đã được quán xét… Đã khởi thắng giải rồi tức thì lại khiến cho tâm đối với bên trong được tịch tĩnh, cho đến nơi tướng của cảnh thuộc đối tượng duyên ấy sinh vui thích sáng rõ, không có các phiền não nhiễu loạn, không gắng sức nhiều. Ngang với mức thời gian như thế, nên đối với các tướng bất tịnh nơi tử thi đã được quán xét, phát khởi thắng giải. Hoặc vừa đối với các tướng ấy, cho đến gắng sức mới hiện tiền, bấy giờ, ở bên trong nên tu tịch tĩnh. Như thế là khiến tâm bên trong đạt tịch tĩnh rồi, lại nên phát khởi thắng giải về tịch tĩnh. Nghĩa là, từ sau cùng quán xét về vô lượng máu ứ bầm xanh nơi tử thì, cho đến sau cùng quán xét về vô lượng xương khô nát vụn, bên trong thu hẹp tâm, theo phương tiện dứt trừ hẳn, đặt yên các tướng không còn hiển hiện, trong ấy không hoàn toàn loại bỏ tướng có phân biệt, cũng không phân biệt, chỉ ở nơi cảnh giới của đối tượng duyên ấy, tâm được an trụ, không tướng, không phân biệt, tịch tĩnh mà chuyển.
Sư Du già kia lại nên chỉ dạy, trao truyền. Nói:
– Hiền Thủ! Ông trước đã giữ lấy các tướng ánh sáng, ở trong phần gia hạnh của hai phẩm Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na, đều nên tác ý như lý để tư duy. Nếu ông có thể dùng ánh sáng kết hợp nơi tâm, chiếu soi cùng với tâm, làm sáng sạch cùng với tâm, không còn tối tăm cùng với tâm, tu Chỉ và Quán, như vậy chính là, ở nơi đạo Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xána, tu tưởng ánh sáng.
Nếu ngay nơi đầu tiên, nơi cảnh giới của đối tượng duyên phần nhiều không phân biệt rõ, nên dù luôn hành tập thắng giải thì tướng tối tăm kia, do nhân duyên này, nên chỗ tu tập về thắng giải hiện có cũng không hiện rõ, tuy hành tập thường xuyên nhiều, nhưng tướng vẫn tối tăm. Nếu từ đầu tiên, đối với cảnh giới của đối tượng duyên phần nhiều phân biệt sáng rõ, nên luôn hành tập thắng giải, thì tướng sáng tỏ. Do nhân duyên này, nên chỗ tu tập về sau lại càng sáng rõ. Tuy ít hành tập thường xuyên mà tướng sáng tỏ.
Như thế là ông do giữ lấy tướng chán lìa như vậy, khéo giữ lấy tướng vui thích như vậy, khéo giữ lấy tướng Xa-ma-tha như vậy, khéo giữ lấy tướng Tỳ-bát-xá-na như vậy, khéo giữ lấy tướng ánh sáng như vậy, trong mọi thời điểm, bên trong tâm tịch tĩnh. Nơi mọi thời gian, do theo tướng hành Tỳ-bát-xá-na, xét chọn các pháp, tức nơi tướng bất tịnh, chính thức tu gia hạnh với lực tăng thượng, nơi các niệm trụ lần lượt hướng nhập. Lúc sắp hướng nhập, ông nên trước hết đối với nội thân hiện có ba mươi sáu vật, bắt đầu từ tóc lông cho đến tiểu tiện, khéo giữ lấy tướng của chúng. Ông nên đối với các vật bất tịnh trong nội thân của chính mình ấy, trước hết là phải phát khởi thắng giải về bất tịnh. Luôn luôn phát khởi thắng giải này rồi, lại khiến cho tâm ở bên trong được tịch tĩnh. Như vậy gọi là ở trong nội thân tu quán tuần tự về thân, là dựa vào bên trong của tự thân mà phát khởi. Tiếp theo là nên đối với các vật bất tịnh bên ngoài, khéo giữ lấy tướng của chúng. Ông nên phát khởi thắng giải về hình tướng máu ứ bầm xanh nơi tử thi, nói rộng cho đến phát khởi thắng giải về xương khô nát vụn. Hoặc thắng giải về nhỏ hẹp. Hoặc thắng giải về rộng lớn. Hoặc thắng giải về vô lượng. Thường xuyên phát khởi các thắng giải ấy rồi, lại khiến cho tâm nơi bên trong được tịch tĩnh. Như vậy gọi là ở bên ngoài thân tu quán tuần tự về thân, là dựa nơi ngoại thân của kẻ khác mà phát khởi.
Sau, lại nên đối với các vật bất tịnh nơi trong ngoài của tự thân, khéo giữ lấy tướng của chúng, khiến tâm sáng rõ. Lại đối với các vật bất tịnh nơi trong ngoài của thân kẻ khác, khéo giữ lấy tướng của chúng, khiến tâm sáng rõ. Đối với chỗ yêu thích của chính mình, ông nên phát khởi thắng giải như vậy.
Lại, ở nơi tử thi đã đưa ra bãi tha ma, đến nơi chốn ấy rồi, thì loại bỏ ngay cảnh giới đó, đạt đến phần vị quán máu ứ bầm xanh, để phần vị mủ máu bị thối rữa, nói rộng cho đến phần vị xương khô nát vụn, đều phát khởi thắng giải. Thường xuyên phát khởi các thắng giải ấy rồi, lại khiến cho nội tâm được tịch tĩnh. Như thế gọi là đối với nội ngoại thân tu quán tuần tự về thân, là dựa vào hoặc trong hoặc ngoài của thân tự tha mà phát khởi.
Ông lại nên đối với bốn uẩn vô sắc, do sức tăng thượng của nghe, tư duy, phân biệt, giữ lấy tướng của chúng, ở nơi ba phần phát khởi thắng giải:
- Ở nơi phẩm Xa-ma-tha.
- Ở nơi phẩm không tán loạn.
- Ở nơi phẩm Tỳ-bát-xá-na.
Ở nơi phẩm Xa-ma-tha: Nghĩa là, nếu ông lúc tâm được thu hẹp bên trong, khởi hành tưởng vô tướng, không phân biệt, tịch tĩnh, cùng không tác dụng, không xét chuộng, không loạn động, lìa các phiền não thiêu đốt, hành tưởng tịch diệt là vui. Nơi cảnh của đối tượng duyên không thọ nhận loạn động cùng bốn uẩn vô sắc. Trong từng sát na, lần lượt có sai biệt, chỉ là mới mẻ, không phải là cũ, nên nối tiếp lưu chuyển. Ông nên đối với các việc ấy, tư duy như lý, phát khởi thắng giải. Như thế gọi là đối với thọ tâm pháp bên trong, tu quán tuần tự về thọ tâm pháp.
Ở nơi phẩm không tán loạn: Nghĩa là, ông trước hết, ở nơi việc giữ lấy các cảnh giới duyên nơi các cảnh giới, gắn liền với địa bất định, quá khứ tận diệt cùng nay mất niệm, tâm loạn sinh khởi cảnh giới của các tướng, các tầm tư, các tùy phiền não, đối với bốn uẩn vô sắc như thọ tăng thượng, ông nên đối với chúng tác ý như lý. Các pháp như vậy tánh của chúng đều là hư dối, huyễn tác, tạm thời mà có, đột nhiên hiện tiền, có nhiều lỗi lầm tai hại, tánh của chúng là vô thường không thể tin giữ. Ông nên phát khởi thắng giải như vậy. Như thế gọi là đối với thọ tâm pháp bên ngoài, tu quán tuần tự về thọ tâm pháp.
Ở nơi phẩm Tỳ-bát-xá-na: Nghĩa là ông đã khéo giữ lấy tướng Tỳbát-xá-na rồi, trụ nơi tác ý có tướng, có phân biệt, nơi đối tượng duyên có tướng có phân biệt, do bên trong tăng thượng, sinh bốn uẩn vô sắc như thọ v.v… tác ý như lý tư duy về pháp ấy, trong từng sát na lần lượt dị biệt, chỉ là mới mẻ, không phải là cũ nên tương tục lưu chuyển. Nên phát khởi thắng giải về chúng, như trước đã nói. Như thế gọi là, đối với thọ tâm pháp trong ngoài, tu quán tuần tự về thọ tâm pháp.
Như vậy là ông, do dựa vào quán bất tịnh để tu gia hạnh đúng đắn với sức tăng thượng, nên đối với bốn niệm trụ sẽ được hướng nhập.
Lại, ông nên đối với phần gia hạnh của niệm trụ, luôn luôn tu tập Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na thù thắng, ở trong bốn niệm trụ như thế an trụ nơi chánh niệm, theo chỗ dựa là biên vực của các xóm làng thôn ấp kia mà trụ. Đối với tâm tùy thuận hướng tới hội nhập nơi cảnh giới của đối tượng duyên, ông nên bỏ tướng nơi cảnh của đối tượng duyên ấy. Vào xóm làng, thôn ấp khất thực phải nên khéo tránh xa các loài voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, rắn độc v.v… nên xa lìa các luật nghi ác, các vật dụng ngồi nằm cấu uế, nên khéo hộ trì thân mình như vậy. Nếu đối với tướng của các cảnh giới như thế, không nên thúc đẩy phát khởi các căn, mà nên không tạo công dụng, khéo giữ gìn các căn. Nếu đối với tướng của các cảnh giới như thế, cần phải thúc đẩy, phát khởi các căn, ông nên đối với chúng tạo công dụng đúng, khéo trụ nơi chánh niệm, khiến các phiền não không khởi hiện hành. Ông nên khéo bảo hộ tự thân, khéo gìn giữ các căn như vậy, khéo trụ nơi chánh niệm, nơi các tác ý kia. Thọ dụng việc ăn uống nên khéo nhận biết về lượng.
Lại, ông nên cùng với chúng tại gia, xuất gia, thuyết giảng những lời ứng hợp với lượng, ứng hợp với lý, ứng hợp với thời, thuyết giảng những lời chánh trực, những lời tịch tĩnh. Hết thảy những ngôn luận phi pháp của thế gian đều nên xa lìa. Tuy lại nêu giảng về ngôn luận như pháp nhưng không nên tranh chấp. Vì sao? Vì nếu các Bổ đặc già la sĩ phu trụ nơi ngôn ngữ tranh chấp, cùng nhau cật vấn, thì tâm liền trụ trong nhiều hý luận. Do nhiều hý luận nên tâm trạo cử. Tâm trạo cử nên tâm không tịch tĩnh. Không tịch tĩnh nên liền khiến cho tâm xa Tam ma địa.
Hành như vậy rồi, ông nên mau chóng không rời bỏ đối tượng duyên để ngồi kiết già. Đối với hai pháp Chỉ, Quán, như chỗ giữ lấy tướng của chúng. Do thường tạo tác cùng tu tập hành Du già rốt ráo, cũng như phương tiện dùi lấy lửa nơit hế gian, không gia hạnh không gián đoạn cùng gia hạnh cẩn trọng, ông nên thường xuyên tu tập, tu tập rốt ráo. Do nhận biết rõ đúng về chỗ tu gia hạnh Du già như vậy là có quả thù thắng lớn, có lợi lạc thù thắng lớn. Như vậy ông nên theo chỗ chỉ dạy tu tập thường xuyên, tu tập rốt ráo. Hoặc vì nghĩa ấy, nên thọ nhận hành tập để đoạn trừ, ông đối với nghĩ đó, tất phải đạt được. Ông nên đầu tiên chứng đắc chút ít về tâm khinh an, tâm một cảnh tánh, về sau sẽ chứng đắc các pháp thế gian, xuất thế gian rộng lớn, viên mãn.
Người mới tu tập, lúc khởi đầu tu tập, các sư Du già khéo thông đạt về Du già, dựa vào quán bất tịnh chỉ dạy như vậy, gọi là chỉ dạy đúng đắn, tu hành như vậy gọi là tu hành đúng đắn. Như nói người hành tham thì dùng quán bất tịnh để điều phục. Như vậy, người hành sân thì dùng quán từ bi để điều phục, cho đến sau cùng là người hành tầm tư, thì dùng Niệm A-na-ba-na để điều phục. Như chỗ ứng hợp, đều nên nhận biết rõ về sự sai biệt trong ấy. Các môn hướng nhập khác, Ta sẽ hiển bày, chỉ rõ.
Dựa vào quán Từ bi, nơi người mới tu tập, đối với bên ngoài phẩm thân phẩm oán và phẩm trung gian, khéo giữ lấy tướng của chúng rồi, hành xử như pháp tọa, do tác ý tạo lợi ích an lạc với ý lạc tăng thượng cùng hiện hành nơi định địa, trước tiên, ở chỗ một thân một oán một trung gian đều phát khởi thắng giải nơi ba phẩm này, do tác ý tạo lợi ích an lạc bình đẳng và ý lạc tăng thượng cùng hiện hành, nhằm đem đến an lạc cho hữu tình. Nên suy niệm như vầy:
Nguyện cho các hữu tình cầu an lạc kia đều sẽ đạt được an lạc. Nghĩa là, hoặc dục lạc không tội, hoặc có hỷ lạc không tội, hoặc không hỷ lạc không tội.
Sau đấy, hoặc đối với hai thân, hoặc đối với ba thân, hoặc đối với bốn thân, hoặc đối với năm thân, mười thân, hai mươi, ba mươi, như trước, cho đến hiện bày khắp các phương hướng, ở đấy phẩm thân sung mãn, không gián đoạn, đều phát khởi thắng giải, trong đó thậm chí không có khoảng trống để dung nạp đầu một chiếc gậy. Như đối với phẩm thân, đối với phẩm oán, phẩm trung gian, nên biết cũng vậy.
Lại, hành giả không bỏ phần gia hạnh của quán từ bi. Tức do tu tập về quán từ bi như thế nên đối với các niệm trụ có thể hướng nhập đúng.
Thế nào là hướng nhập? Nghĩa là lúc hướng nhập, phải nên phát khởi thắng giải như thế. Như kẻ kia đối với ta cho là phẩm thân, cho là phẩm oán, cho là phẩm không thân không oán. Ta đã mong muốn, vui thích chán bỏ về khổ. Như vậy gọi là đối với nội thân tu quán tuần tự về thân. Người khác cũng đối với kẻ kia cho là phẩm thân, cho là phẩm oán, cho là phẩm không thân không oán. Như ta, kẻ kia cũng mong muốn vui thích trừ bỏ khổ. Như thế gọi là đối với ngoại thân tu quán tuần tự về thân. Như ta đã vậy, các hữu tình kia cũng lại như vậy. Như ta tự mong muốn cầu đạt được an lạc thù thắng, các hữu tình cũng lại như vậy. Các hữu tình kia cùng với mình bình đẳng, cùng với mình tương tợ, ta nên đem lại lợi ích, an lạc cho họ. Như vậy gọi là đối với nội ngoại thân tu quán tuần tự về thân. Bốn niệm trụ này duyên chung nơi các uẩn làm cảnh giới, nên biết gọi là hoại duyên niệm trụ. Nếu hành giả tu tập chỉ giữ lấy tướng sắc, nghĩa là giữ lấy hiển tướng, hình tướng, biểu tướng, đối với phẩm thân phẩm oán phẩm trung gian mà khởi thắng giải, do đấy kiến lập chỉ là thân niệm trụ. Hành giả lại dựa vào chỉ, để tác ý thắng giải, tức có thể hướng nhập đúng, tác ý chân thật, nghĩa là lúc hướng nhập, khởi thắng giải này: Ta, cho đến đối với vô lượng hữu tình đều phát khởi thắng giải tạo lợi ích an lạc với ý lạc tăng thượng. Như vậy, ta từ đời trước tiên trở đi đến nay, nơi các phẩm thân phẩm oán phẩm trung gian hiện có, về các loài hữu tình quá khứ đã qua đời, số lượng là vô lượng, hơn hẳn hiện nay, nên tạo tác thắng giải về điều ấy. Như thế, các loài hữu tình quá khứ, là thân của ta rồi lại là oán của ta. Là oán của ta rồi lại là thân của ta. Là thân, oán rồi lại là trung gian. Là trung gian rồi lại là oán thân. Do môn nghĩa ấy, nên tất cả hữu tình bình đẳng, bình đẳng không có phần ít nào là tánh thân, tánh oán, tánh trung gian, nhưng chẳng phải là chân thật. Do nhân duyên ấy, nên đối khắp ba phẩm đều khởi tâm bình đẳng, bình đẳng nên ba cho lợi ích an lạc. Như từ đời trước tiên, về đời sau, ở trong sinh tử, sẽ lại lưu chuyển, nên biết cũng vậy.
Lại nữa, Ta nơi đời trước tiên kia đến nay đối với các loài hữu tình, chưa từng phát khởi tâm từ bi. Các sự việc kia đều là quá khứ. Nay phát khởi từ bi lại có ích lợi gì? Chỉ vì nhằm dứt trừ các thứ cấu uế của tự tâm khiến được thanh tịnh, nên dấy khởi niệm: Sẽ khiến cho các loài hữu tình quá khứ đều được an lạc. Các đời vị lai chẳng phải là từng có, cũng đều khiến cho các loài hữu tình kia sẽ được an lạc. Như vậy là hướng nhập nơi tác ý chân thật, trụ trong từ bi, các phước được tươi nhuận, các thiện được tươi nhuận, so với chỗ tu tác ý thắng giải ở trước, trụ trong từ bi, khối phước đạt được, trăm phần ở kia không bằng một phần ở đây, ngàn phần ở kia không bằng một phần ở đây, số phần, toán phần, kế phần. Ô ba ni sát đàm phần ở kia không bằng một phần ở đây. Phần còn lại như trước đã nêu.
Lại, người mới tu tập, ở trong quán duyên tánh duyên khởi, do sức tăng thượng của văn tuệ, tư tuệ, nên đã phân biệt giữ lấy tướng. Nghĩa là các hữu tình, do có vô số kẻ ngoại đạo kẻ ngu si không trí hiện thấy vô thường vọng chấp là thường, hiện thấy bất tịnh, vọng chấp là tịnh, hiện thấy là khổ, vọng chấp là lạc, hiện thấy vô ngã vọng chấp là ngã. Các hữu tình kia đã có vô số các điên đảo như vậy. Điên đảo ấy là nhân, có sự thọ nhận đối với hiện pháp cùng sinh ra các tự thể về sau, trong đó phát khởi tham ái. Do tham ái nên tạo tác vô số nghiệp gốc của sinh căn. Nghiệp phiền não này làm nhân duyên nên chiêu cảm lấy thuần là khổ uẩn lớn.
Hành giả đã khéo giữ lấy tướng như vậy rồi, lại đối với bên trong phát khởi thắng giải. Nghĩa là ta nay đối với khối lớn thuần là khổ này cũng sinh như vậy. Lại, tự thể của ta là không biên không bờ, từ đời đầu tiên đến nay, phần đầu không thể nhận biết, cũng sinh như vậy. Các hữu tình kia, tất cả tự thể của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều thuộc về khổ uẩn, cũng đều đã sinh sẽ sinh như thế. Chánh quán về duyên tánh duyên khởi như vậy, tất cả đều là tác ý chân thật, lại không còn tác ý thắng giải nào khác.
Nếu đối với các uẩn hiện tại của tự thân, tác ý tư duy về duyên tánh duyên sinh, thì đó gọi là, đối với thọ tâm pháp trụ của nội thân quán tuần tự về chúng.
Nếu đối với các uẩn hiện tại của tha thân, tác ý tư duy về duyên tánh duyên sinh, thì đó gọi là, đối với thọ tâm pháp trụ của ngoại thân, quán tuần tự về chúng.
Nếu đối với các uẩn hiện có của tự tha nơi quá khứ vị lai, tác ý duy về duyên tánh duyên sinh, thì đó gọi là, đối với thọ tâm pháp trụ của nội ngoại thân, quán tuần tự về chúng. Các phần khác như trước đã nói.
Lại, người mới tu tập, nơi quán về Giới sai biệt, trước hết là giữ lấy tướng cứng chắc hiện có bên ngoài, đó là địa đại. Núi rừng cây cỏ, đất đá gạch sỏi, các ngọc mạt ni trân châu, lưu ly, loa bối, san hô v.v…, giữ lấy tướng của chúng rồi, lại đối với chỗ cứng chắc bên trong phát khởi thắng giải.
Tiếp theo, giữ lấy tướng bên ngoài nơi các thủy đại. Đó là các dòng sông suối, các ao hồ, đầm, giếng v.v… Giữ lấy tướng của chúng rồi, lại đối với tính thấm ướt bên trong mà khởi thắng giải.
Tiếp nữa, giữ lấy tướng bên ngoài nơi các hỏa đại, đó là các thứ lửa cháy sáng, thiêu đốt, ánh nắng nóng bức của mặt trời… Giữ lấy tướng của chúng rồi, lại đối với tính chất nóng bên trong mà khởi thắng giải.
Sau đấy, giữ lấy tướng bên ngoài nơi các phong đại. Đó là các thứ gió từ Đông, Tây, Nam, Bắc, cho đến phong luân. Giữ lấy tướng của chúng rồi, lại đối với nội phong mà khởi thắng giải.
Tiếp theo, giữ lấy tướng bên ngoài nơi các không đại. Đó là các phương không chướng không ngại, các khoảng trống trong các tụ sắc, các hang hốc có thể dung nạp… Khéo giữ lấy tướng của không giới như vậy rồi, đối với bên trong không giới mà khởi thắng giải.
Sau đấy, do sức tăng thượng của nghe và suy xét, khởi phân biệt vi tế, giữ lấy tướng của Thức giới. Đó là nội nhãn xứ không hoại, ngoại sắc xứ hiện tiền. Nếu không thể sinh tác ý khởi đúng thì chỗ sinh nhãn thức cũng không được sinh. trái với điều ấy thì nhãn thức được sinh. Như thế cho đến ý pháp, ý thức nên biết cũng vậy. Giữ lấy tướng ấy rồi, tiếp đến là khởi thắng giải.
Nhận biết rõ về bốn đại trong thân như thế có tất cả tự tánh, chủng
tánh của Giới, các chủng tử của Thức. Lại ở trong bốn đại chủng như thế, trước hết là khởi thắng giải về các chi phần thô, lớn, sau là khởi thắng giải phân tích về vô số vi tế của phần tế. Như vậy dần dần phân tích cho đến hướng lượng về du trần, cho tới cực vi mà khởi thắng giải. Nơi mỗi mỗi chi phần hãy còn dấy khởi vô lượng thắng giải nhiều như số vi trần được tích tập tối đa, huống hồ là tất cả chi phần trong thân. Như vậy gọi là trong quán về Giới sai biệt, phát khởi thắng giải phân tích về biên vực vi tế của các sắc giới sai biệt.
Tiếp theo, đối với không giới, trước hết nên phát khởi thắng giải về các thứ thô lớn hiện có nơi Không giới. Đó là vô số khoảng trống của mắt, tai, mũi, cổ họng v.v… Sau đấy, dần dần phát khởi thắng giải về vô số vi tế, cho đến hết thảy các lỗ chân lông, các huyệt vi tế trong thân thảy đều nhận biết rõ.
Sau cùng, đối với Thức giới, dần dần phát khởi vô lượng thắng giải. Về chỗ dựa, về đối tượng duyên cùng tác ý về thời phần, phẩm loại sai biệt của ba đời. Tức nơi Thức giới, lúc khởi thắng giải, do thắng giải về chỗ dựa, đối tượng duyên, phân tích về Thức giới, cũng ở nơi mười thứ các sắc được tạo mà khởi thắng giải. Như phân tích các đại chủng vi tế, đây cũng như vậy. Nếu đối với tự thân có các giới đều sai biệt mà khởi thắng giải, thì đó gọi là trụ trong các niệm trụ bên trong quán tuần tự về chúng.
Nếu đối với các giới khác hiện có không thuộc về số hữu tình mà khởi thắng giải, thì đó gọi là đối nơi các trụ bên ngoài quán tuần tự về chúng.
Nếu đối với các hiện hiện có còn lại thuộc về số các hữu tình mà khởi thắng giải, thì đó gọi là đối nơi trụ trong ngoài, quán tuần tự về chúng.
Lại có môn khác. Đó là đối với thân mình mà khởi thắng giải. Lúc sắp xả bỏ thọ mạng, như trước đã nói rộng, cho đến phần vị máu ứ bầm xanh nơi tử thi, hoặc đến phần vị máu mủ thối rữa. Tức đối với phần vị ấy phát khởi thắng giải vô số về sự chảy tràn ra, mủ dần dần tràn ra, lần lượt tăng rộng, cho đến mọi biên vực của biển lớn, đại địa, mủ máu thảy đều đầy khắp. Phát khởi thắng giải về mủ máu như vậy rồi, tiếp theo lại phát khởi thắng giải về thiêu đốt. Nghĩa là phần thân này, với vô lượng vô biên phẩm loại sai biệt, là khối lửa lớn, có vô lượng vô biên phẩm loại bị thiêu đốt tàn rụi. Lửa đã tắt rồi, lại khởi thắng giải về xương, tro còn lại. Lại khởi thắng giải về vô lượng vô biên xương tro nát vụn. Lại khởi thắng giải về vô lượng ngọn gió lớn thổi tan các thứ vụn nát kia bay khắp mọi phương hướng. Đã thổi tan bay khắp rồi, chỉ quán về Không giới mênh mông.
Như vậy, do tác ý thắng giải như vậy, dựa nơi các thứ bất tịnh trong ngoài, hành gia hạnh để nhập Giới sai biệt. Đối với thân cùng rụ, tuần tự quán về thân, từ đấy hướng nhập nơi tác ý chân thật. Nghĩa là do tác ý thắng giải như thế, đối với thân trụ trong ngoài tuần tự quán về thân. Do lực của thắng giải, nên ta ở đây đã tạo ra vô lượng vô biên tướng của thủy giới, hỏa giới, địa giới, phong giới, hư không giới. Ta từ vô thủy, lưu chuyển nơi sinh tử, nơi các giới đã trải qua là vô lượng vô biên, vượt quá hình tướng hiện có ở đây… Lại đối với các cõi, các nẻo tử sinh trải qua vô lượng lần thi hài bị thiêu đốt. Như vậy khối lửa ấy cũng không thể so sánh. Lại trải qua vô lượng lần vứt bỏ hài cốt bừa bãi nơi đất, cũng không thể so sánh. Lại trải qua vô lượng phong giới, thi hài sinh diệt phân tán cũng không thể so sánh.
Lại trải quá vô lượng các thức lưu chuyển, càng về sau thì thân tướng càng thêm mới, sinh khởi, cho đến hiện tại là thân tướng sau cùng với các thức lưu chuyển. Như vậy là an lập về các cõi của đời sau, kỳ hạn không định, như thế cho đến vô lượng Thức giới.
Lại nữa, người mới tu tập, ở trong Niệm A-na-ba-na hành gia hạnh đúng đắn, khéo giữ lấy các tướng liên hệ rồi, do duyên niệm hơi thở vào ra bên trong, nên đối với chúng phát khởi thắng giả. Hành giả trước hết lại đối với “hơi thở gió” vi tế trải qua vùng tim, ngực, qua lại nơi các huyệt thô mà khởi thắng giải. Sau đấy dần dần đối với rất nhiều gió mà khởi thắng giải. Đó là cho đến hết thảy lỗ chân lông, gió đều tùy nhập, mà khởi thắng giải. Như vậy, tất cả phần thân hiện có, lượng gió tùy thuộc lượng gió gồm thâu, lượng gió ẩn tàng, vô lượng nhóm gió được tích tập trong ấy. Như đố-la-miên hoặc loại sợi tơ mọn, các vật nhẹ theo gió thổi, đối với các tướng ấy mà khởi thắng giải. Hành giả nếu đối với hơi thở vào ra lưu chuyển bên trong không dứt, tác ý tư duy, bấy giờ gọi là, nơi trụ của nội thân, tuần tự quán về thân.
Nếu lại ở nơi tử thi của kẻ khác, tại phần vị máu ứ bầm xanh, hơi thở vào ra lưu chuyển đã dứt hẳn, tác ý tư duy, bấy giờ gọi là đối nơi ngoại thân trụ, tuần tự quán về thân.
Nếu lại đối với tự thân, lúc sắp qua đời mà khởi thắng giải; hoặc đối với người đã chết, hơi thở vào ra không còn lưu chuyển mà khởi thắng giải; hoặc đối với người chưa chết, nhưng hơi thở vào ra không có lưu chuyển, mà khởi thắng giải, do pháp như vậy, bấy giờ gọi là, đối với thân trụ trong ngoài, tuần tự quán về thân. Hiện bày khắp ở trong tất cả gia hạnh đúng đắn, nên tu phần trợ bạn của phẩm Chỉ như thế, phẩm Chỉ gồm thâu các gia hạnh thuận hợp. Tất cả các phần khác, như trước đã nói, nên biết.
Như vậy, người mới tu tập hiện có, nhờ sự chỉ dạy đúng đắn, nên lúc tu chánh hạnh, an trụ nơi chánh tri đủ niệm sáng rõ, điều phục hết thảy mọi tham dục ưu não của thế gian. Nếu ở trong phần gia hạnh đúng đắn như thế, tu tập thường xuyên, tu tập rốt ráo, tác ý không điên đảo, không phải là nơi chốn huyên náo có thể động loạn, thì đó gọi là sáng rõ. Hoặc ở trong phần gia hạnh chính đáng, tu tập Xa-ma-tha, Tỳ-bátxá-na, xét kỹ, nhận biết rõ về tướng loạn, chẳng loạn, như vậy gọi là chánh tri gồm đủ niệm.
Hoặc có thể giữ lấy các tướng chán lìa, các tướng vui thích, như vậy được gọi là điều phục hết thảy mọi tham dục, ưu não của thế gian. Do nhân duyên ấy, nên nêu rõ hành giả có thể an trụ một cách sáng rõ, cho đến điều phục mọi tham dục, ưu não của thế gian.
Trước hết, lúc phát khởi gia hạnh đúng đắn như vậy, tâm một cảnh tánh, thân tâm khinh an, vi tế mà chuyển khó có thể biết rõ.
Lại do tu tập Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na thù thắng nên thân tâm lắng sạch, thân tâm điều thuận, thân tâm khinh an. Tức tâm một cảnh tánh vi tế, thân tâm khinh an ở trước lại dần tăng trưởng, có thê dẫn phát mạnh mẽ nên dễ được nhận biết rõ.
Thân tâm khinh an nơi tâm một cảnh tánh: Là do lực của nhân lần lượt dẫn phát đạo lý phương tiện, nên hành giả bấy giờ, không lâu sẽ khởi thân tâm khinh an nơi tâm một cảnh tánh mạnh mẽ hơn dễ hiểu rõ, như vậy cho đến lúc hành giả có được tướng trước. Nơi đảnh đầu giống như phát khởi lần nữa, không phải là tướng tổn não, tức do tướng ấy nên bên trong dấy khởi, có thể gây chướng ngại cho việc vui thích đoạn trừ. Vì không phải tướng ấy nên các phẩm phiền não nơi tâm tánh thô trọng đều được trừ diệt, tức có thể đối trị chúng.
Tâm tánh điều thuận, tâm tánh khinh an đều được sinh khởi, do sự sinh khởi này nên có thể tùy thuận khởi thân khinh an, phong đại riêng tăng, có nhiều đại chủng đến nhập trong thân. Do sự nhập vào này có thể gây chướng ngại cho sự vui thích đoạn trừ, nhưng các phẩm phiền não nơi tánh thô trọng của thân đều được trừ hẳn, tức có thể đối trị chúng. Tánh của thân điều thuận, tánh của thân khinh an, hiện bày khắp trong thân hết sức dồi dào. Hành giả lúc mới phát khởi, khiến tâm phấn khích, khiến tâm thư thái, hoan hỷ cùng hành khiến tâm vui thích. Tánh cảnh của đối tượng duyên hiện rõ trong tâm. từ đấy trở về sau, hành giả bắt đầu dấy khởi uy lực của khinh an, dần dần thư thả, có khinh an vi diệu theo thân mà hành, ở trong thân chuyển. Do nhân duyên này nên tâm tánh phấn khích đã dần dần giảm bớt. Vì sự thâu giữ của Xama-tha, nên tâm ở nơi đối tượng duyên tịch tĩnh hành chuyển. Từ đây trở đi, đối với hành Du già, người mới tu tập gọi là có tác ý. Mới đầu đạt được là thuộc về số lượng có tác ý. Vì sao? Vì do đầu tiên đạt được tác ý chính đáng có phần ít vi diệu thuộc về địa định, nên do nhân duyên này, gọi là có tác ý.
Người mới tu tập đạt được tác ý này rồi, tức có tướng trạng ấy. Nghĩa là đã đạt được một phần ít tâm định thuộc về Sắc giới. Đạt được một phần ít thân tâm khinh an nơi tâm một cảnh tánh, có lực, có khả năng khéo tu gia hạnh của đối tượng duyên hoặc tịnh, khiến tâm nối tiếp, tươi nhuận mà chuyển, là chỗ thâu giữ của Xa-ma-tha, có thể làm tịnh các hành. Tuy hành trong vô số cảnh khả ái, triền tham mãnh liệt cũng không sinh khởi. Tuy ít sinh khởi, nhưng nương dựa phần ít vi tế để đối trị, lúc vừa tác ý tức có thể trừ diệt. Nhưng cảnh đáng yêu thích, cảnh đáng ghét bỏ, đáng ngu tối, đáng sinh kiêu mạn, đáng tầm tư, nên biết cũng vậy.
Ngồi thiền nơi tĩnh thất, tạm giữ về tâm, thân tâm khinh an mau chóng sinh khởi, không bị sự bức não quá mức của tánh thô trọng nơi các thân. Không hề luôn khởi các thứ ngăn che hiện hành. Không có các thứ xét chuộng hiện hành. Không ưa thích lo lắng cùng hiện hành với tác ý về các tưởng. Tuy từ định khởi, ra ngoài kinh hành, nhưng có phần ít khinh an, các uy lực khác theo thân tâm chuyển. Các loại như vậy, nên biết đó gọi là tướng trạng thanh tịnh của người có tác ý.