DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN
SỐ 1579
QUYỂN 26
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
Phần Bản Địa: Địa Thứ 13 : Địa Thanh Văn,
Phần 6: Xứ Du Già Thứ 2: Đoạn 1
Hỏi: Trong địa Xuất ly đã được nêu dẫn, khai thị như trước:
– Có bao nhiêu phẩm loại Bổ-đặc-già-la (hữu tình) có thể chứng đắc xuất ly?
– Thế nào là kiến lập Bổ-đặc-già-la?
– Thế nào là đối tượng duyên?
– Thế nào là chỉ dạy, trao truyền?
– Thế nào là học?
– Thế nào là tùy thuận học pháp?
– Thế nào là Du già hoại?
– Thế nào là Du già?
– Thế nào là tác ý?
– Thế nào là chỗ tạo tác của sư Du già về bao nhiêu loại sư Du già?
– Thế nào là tu Du già?
– Thế nào là tu quả?
– Có bao nhiêu loại dị môn của Bổ-đặc-già-la?
– Có bao nhiêu loại Bổ-đặc-già-la?
– Có bao nhiêu thứ nhân duyên kiến lập Bổ-đặc-già-la?
– Có bao nhiêu loại ma? Có bao nhiêu thứ ma sự?
– Thế nào là phát hướng về Không, không có quả?
Tụng nêu:
Các Bổ-đặc-già-la
Kiến lập, Sở duyên, Giáo
Học, tùy thuận học pháp
Hoại Du già, tác ý
Sư Du già tạo, tu
Quả môn, sổ thủ thú
Nhân ma sự, không quả
Là đều nên nói rộng.
Phẩm loại sai biệt của Bổ-đặc-già-la có 28 loại. Những gì là 28? Đó là:
- Độn căn.
- Lợi căn.
- Tham tăng thượng.
- Sân tăng thượng.
- Si tăng thượng.
- Mạn tăng thượng.
- Tầm tư tăng thượng.
- Đạt bình đẳng.
- Tánh bạc trần.
- Hành hướng.
- Trụ quả.
- Tùy tín hành.
- Tùy pháp hành.
- Tín thắng giải.
- Kiến chí.
- Thân chứng.
- Tối đa bảy lần trở lại sanh tử.
- Gia gia.
- Nhất gián.
- Trung Bát Niết bàn.
- Sanh Bát Niết bàn.
- Vô hành Bát Niết bàn.
- Hữu hành Bát Niết bàn.
- Thượng lưu.
- Thời giải thoát.
- Pháp bất động.
- Tuệ giải thoát.
- Câu phần giải thoát.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la độn căn?
Đó là có Bổ-đặc-già-la thuộc loại độn căn, nơi các sự việc của đối tượng nhận thức tiếp nhận chuyển hóa trì độn, tiếp nhận chuyển hóa yếu kém, như trước đã nói. Đây lại có hai thứ, nên biết về tướng: Một là: Chủng tánh xưa nay là độn căn. Hai là: Chưa khéo tu tập các căn.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la lợi căn?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la thành tựu lợi căn, nơi các sự việc của đối tượng nhận thức không tiếp nhận, chuyển hóa trì độn, không tiếp nhận chuyển hóa yếu kém, như trước đã nói. Đây cũng có hai thứ nên biết về tướng: Một là: Chủng tánh xưa nay là lợi căn. Hai là: Đã khéo tu tập các căn.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la tham tăng thượng?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la, trong các đời khác về trước, đối với phiền não tham, đã từng gây tạo, đã tạo tác nhiều. Do nhân duyên ấy, nên đời này, đối với các việc được yêu thích có sự tham lam mãnh liệt, tham lam thường xuyên. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la tham tăng thượng.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la sân tăng thượng?
Đó là có Bổ-đặc-già-la, trong các đời khác về trước, đối với phiền não sân, đã từng gây tạo, đã tạo tác nhiều. Do nhân duyên ấy, nên nơi đời này, đối với các việc bị ghét bỏ có sự sân hận mãnh liệt, sân hận thường xuyên. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la sân tăng thượng.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la si tăng thượng?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la, trong các đời khác về trước, đối với phiền não si, đã từng gây tạo, đã tạo tác nhiều. Do nhân duyên ấy, nên nơi đời này, đối với các việc ngu tối có sự si ám mãnh liệt, si ám thường xuyên. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la si tăng thượng.
Thế nào gọi là Bổ-đặc-già-la mạn tăng thượng?
Đó là có Bổ-đặc-già-la, trong các đời khác về trước, đối với phiền não mạn, đã từng gây tạo, đã tạo tác nhiều. Do nhân duyên ấy, nên nơi đời này đối với các sự việc kiêu mạn có sự kiêu mạn mãnh liệt, kiêu mạn thường xuyên. Đó gọi là Bổ-đặc-già mạn tăng thượng.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la tầm tư tăng thượng?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la, trong các đời khác về trước, đối với tầm tư đã từng tạo tác, đã tạo tác nhiều. Do nhân duyên ấy, nên nơi đời này, đối với các sự việc được tầm tư có sự tầm tư mãnh liệt, có tầm tư thường xuyên. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la tầm tư tăng thượng.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la đạt bình đẳng?
Đó là có Bổ-đặc-già-la, trong các đời khác về trước, tuy đối với các thứ tham, sân, si, mạn, tầm tư, không từng gây tạo, không tạo tác nhiều, nhưng ở nơi những pháp ấy chưa thấy lỗi lầm, tai họa của chúng, chưa có thể chán lìa, hủy bỏ, chưa khó suy tìm. Do nhân duyên ấy, nên đối với các sự việc yêu thích, ghét bỏ, si ám, kiêu mạn, tầm tư, không có sự tham lam mãnh liệt, không có sự tham lam thường xuyên, nhưng như sự việc kia, tham vẫn hiện hành. Như tham, sân, si, mạn, tầm tư cũng vậy. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la đạt được bình đẳng.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la tánh bạc trần?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la, trong các đời khác về trước, đối với phiền não tham không từng gây tạo, không tạo tác nhiều. Đã có thể đối với phiền não ấy thấy rõ lỗi lầm tai họa của nó, đã có thể chán lìa, hủy hoại, đã có thể khéo suy tìm. Do nhân duyên ấy, nên nơi đời này, đối với các sự việc được yêu thích, luôn gặp gỡ các thứ tốt đẹp hiện tiền. Trong cảnh giới của phẩm thượng chỉ khởi tham yếu kém. Nơi cảnh giới của phẩm trung, phẩm hạ, tham hoàn toàn không khởi. Như tham, sân, si, mạn, tầm tư nên biết cũng vậy. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la tánh bạc trần.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la hành hướng?
Đó là Bổ-đặc-già-la hành bốn hướng. Những gì là bốn hướng?
- Hướng quả Dự lưu.
- Hướng quả Nhất lai.
- Hướng quả Bất hoàn.
- Hướng quả A-la-hán.
Đó gọi là Bổ-đặc-già-la hành hướng.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la trụ quả?
Nghĩa là Bổ-đặc-già-la trụ nơi bốn quả:
- Quả Dự lưu.
- Quả Nhất lai.
- Quả Bất hoàn.
- Quả A la hán.
Đó gọi là Bổ-đặc-già-la trụ quả.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la tùy tín hành?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la theo nơi kẻ khác cầu thỉnh việc chỉ dạy, khuyên bảo, trao truyền. Do lực dụng ấy, nên tu tập chứng quả hành. Chẳng phải như đối với pháp được nghe, được thọ nhận, thấy rõ nẻo cứu cánh, được tư duy, quán xét, tự mình có công năng, tự mình có uy lực theo pháp để tu tập, chỉ do tùy theo sự tin nơi Bổ-đặc-già khác mà tu hành. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la tùy tín hành.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la tùy pháp hành?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la, đối với pháp được nghe, nhận, thấy rõ nẻo cứu cánh, được tư duy, quán xét, tự mình có công năng, tự mình có uy lực theo pháp tu tập, không từ nơi kẻ khác để cầu sự chỉ dạy, khuyên bảo, trao truyền, tu chứng quả hành. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la tùy pháp hành.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la tín thắng giải?
Tức là Bổ-đặc-già-la tùy tín hành, nhân nơi sự chỉ dạy khuyên bảo trao truyền của người khác, nên đối với quả Sa-môn đạt được xúc chứng, lúc ấy gọi là Bổ-đặc-già-la tín thắng giải.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la kiến chí?
Tức là Bổ-đặc-già-la tùy pháp hành, đối với quả Sa-môn, lúc đạt được xúc chứng, gọi là Bổ-đặc-già-la kiến chí.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la thân chứng?
Đó là có Bổ-đặc-già-la, đối với tám giải thoát vào ra thuận nghịch, thân tác chứng, an trụ nhiều, nhưng chưa thể dứt hết các lậu một cách vĩnh viễn. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la thân chứng.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la, tối đa là bảy lần trở lại cõi sinh tử?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la đã có thể đoạn trừ vĩnh viễn ba thứ kiết là Tát-ca-da-kiến, Giới cấm thủ và Nghi, đạt được quả Dự lưu, thành tựu pháp không còn bị đọa lạc, nhất định hướng đến Bồ đề, tối đa là bảy lần trở lại thọ sinh nơi cõi người, trời, chứng đắc biên vực tận cùng của Khổ. Như thế gọi là Bổ-đặc-già-la tối đa là bảy lần trở lại nẻo sinh tử.
Thế nào gọi là Bổ-đặc-già-la gia gia?
Tức có hai loại gia gia:
- Thiên gia gia.
- Nhân gia gia.
Thiên gia gia: Là gia gia nơi cõi trời, từ gia này đến gia kia, hoặc tới hoặc lui, chứng đắc biên vực tận cùng của Khổ.
Nhân gia gia: Là gia gia nơi nhân gian, từ gia này đến gia kia, hoặc đi đến, hoặc trở lại, chứng đắc biên vực tận cùng của Khổ. Nên biết hai loại ấy đều là Bổ-đặc-già-la Dự lưu.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la nhất gián?
Tức là Bổ-đặc-già-la Nhất lai hành hướng quả Bất hoàn rồi, có thể đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não phẩm thượng, phẩm trung của Dục giới, chỉ còn các phiền não phẩm hạ, nên chỉ lại thọ sinh một lần nơi cõi trời thuộc Dục giới, ở nơi xứ ấy đắc Bát Niết bàn, không còn trở lại sinh nơi thế gian này. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la nhất gián. Thế nào là Bổ-đặc-già-la Trung Bát Niết bàn?
Tức có ba loại Bổ-đặc-già-la Trung Bát Niết bàn:
1. Có một loại Bổ-đặc-già-la Trung Bát Niết bàn, từ cõi này mất rồi trung hữu tiếp tục sinh. Trung hữu sinh xong liền Bát Niết bàn. Như ánh sáng nhỏ từ một ngôi sao bé tí vừa hiện ra liền vụt tắt.
2. Có một loại Bổ-đặc-già-la Trung Bát Niết bàn, từ cõi này qua đời, trung hữu tiếp tục sinh. Trung hữu sinh rồi, có một ít thời gian trải qua, dừng lại, chưa hướng tới sinh hữu liền Bát Niết bàn. Như vệt sao rơi sáng rực, vừa tạo sự va chạm chưa rơi xuống liền tắt.
3. Có một loại Bổ-đặc-già-la Trung Bát Niết bàn, từ cõi này mất đi, trung hữu tiếp tục sinh. Trung hữu sinh rồi đi tới sanh hữu, chưa được sanh hữu liền Bát Niết bàn. Như vệt sao rơi kia hiện ra sáng rõ, rơi xuống chưa tới đất liền tắt. Ba thứ Bổ-đặc-già-la Trung Bát Niết bàn như vậy được gọi chung là một Bổ-đặc-già-la Trung Bát Niết bàn.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la Sinh Bát Niết bàn?
Nghĩa là vừa sinh nơi cõi kia xong liền Bát Niết bàn. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Sinh Bát Niết bàn.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la Vô hành Niết bàn?
Đó là sinh nơi cõi kia rồi, nhưng không khởi gia hạnh, không tạo công dụng, không do lao nhọc nơi đạo để hiện tiền mà Bát Niết bàn. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Vô hành Niết bàn.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la Hữu hành Niết bàn?
Nghĩa là đã sinh rồi thì phát khởi gia hạnh, tạo công dụng lớn, do hết sức lao nhọc nơi đạo để hiện tiền mà Bát Niết bàn. Đó gọi là Bổđặc-già-la Hữu hành Niết bàn.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la Thượng lưu?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la Bất hoàn, từ đây sinh lên cõi Tĩnh lự thứ nhất rồi, trụ nơi xứ ấy không Bát Niết bàn. Từ nơi cõi đó mất đi, lần lượt sinh lên các cõi được sinh, cho đến hoặc tới cõi trời Sắc Cứu Cánh, hoặc tới Xứ Phi tưởng phi phi tưởng. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Thượng lưu.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la Thời giải thoát?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la thuộc chủng tánh độn căn, đối với hiện pháp lạc trụ của các thế gian tiếp nhận có sự thối thất, hoặc tư duy tự hại, hoặc giữ lấy giải thoát, gắng sức siêng năng tu hành không phóng dật. Đó là ngăn giữ lực tăng thượng thối chuyển hoại mất, hoặc chỉ an trụ nơi phẩm Thiện của tự phần, hoặc trải qua những khoảnh khắc thời gian: sát na, chớp mắt, ngày đêm… đã gắng sức để thắng tiến, cho đến chưa chứng đắc với sự mãnh liệt tột cùng. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Thời giải thoát.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la đạt pháp Bất động?
Nghĩa là có Bổ-đặc-già-la, cùng với loại trên là trái ngược, nên biết đó gọi là Bổ-đặc-già-la đạt pháp Bất động.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la Tuệ giải thoát?
Đấy là có Bổ-đặc-già-la đã có thể chứng đắc dứt sạch vĩnh viễn các lậu, nhưng đối với tám giải thoát, chưa có thể thân chứng, chưa an trụ đầy đủ. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Tuệ giải thoát.
Thế nào là Bổ-đặc-già-la Câu phần giải thoát?
Tức là có Bổ-đặc-già-la đã có thể chứng đắc dứt sạch hoàn toàn các lậu, đối với tám giải thoát thân đã tác chứng, an trụ đầy đủ. Đối với các phần chướng phiền não và chướng phiền não, tâm đều giải thoát.
Đó gọi là Bổ-đặc-già-la Câu phần giải thoát.
Thế nào là kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Nghĩa là do mười một đạo lý sai biệt, nên biết là đã kiến lập Bổđặc-già-la. Những gì là mười một đạo lý sai biệt?
- Sai biệt về căn.
- Sai biệt về chúng.
- Sai biệt về hành.
- Sai biệt về nguyện.
- Sai biệt về hành tích.
- Sai biệt về đạo quả.
- Sai biệt về gia hạnh.
- Sai biệt về định.
- Sai biệt về sanh.
- Sai biệt về thối chuyển, không thối chuyển.
- Sai biệt về chướng ngại.
Thế nào là do căn sai biệt để kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Nghĩa là do căn sai biệt nên kiến lập hai thứ Bổ-đặc-già-la: độn căn và lợi căn.
Thế nào là do chúng sai biệt để kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Đó là do chúng sai biệt nên kiến lập bảy loại Bổ-đặc-già-la là: Bí-sô, Bí-sô-ni, Thức-xoa-ma-na, Lao-sách nam, Lao-sách nữ, Cận sự nam, Cận sự nữ.
Thế nào là do hành sai biệt để kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Nghĩa là do hành sai biệt nên kiến lập bảy thứ Bổ-đặc-già-la:
- Nếu Bổ-đặc-già-la tham tăng thượng, gọi là kẻ tham hành.
- Nếu Bổ-đặc-già-la sân tăng thượng, gọi là kẻ sân hành.
- Nếu Bổ-đặc-già-la si tăng thượng, gọi là kẻ si hành.
- Nếu Bổ-đặc-già-la mạn tăng thượng, gọi là kẻ mạn hành.
- Nếu Bổ-đặc-già-la tầm tư tăng thượng, gọi là kẻ tầm tư hành.
- Nếu Bổ-đặc-già-la đạt được bình đẳng, gọi là kẻ đẳng phần hành.
- Nếu Bổ-đặc-già-la tánh bạc trần, gọi là kẻ bạc trần hành.
Hỏi: Bổ-đặc-già-la tham hành, nên biết về tướng như thế nào?
– Đáp: Bổ-đặc-già-la tham hành, ở trong các sự việc được yếu thích thuộc loại thấp kém, hãy còn có thể sinh khởi những tham buộc hết sức dày nặng, huống hồ là đối với các cảnh giới của phẩm trung, phẩm thượng.
Lại nữa, sự tham buộc ấy trụ ở trong thân, trải qua thời gian lâu được nối tiếp thường xuyên, theo đấy mà trói buộc. Do tham buộc nên bị pháp đáng yêu thích chế ngự, tức không thể chế ngự được nó. Các căn tỏ ra vui thích, các căn không mạnh mẽ, các căn không lưu loát, các căn không thô. Vì tánh không tốt, nên dùng thân ngữ xấu ác để tổn não kẻ khác, khó khiến xa lìa, khó khiến chán bỏ. Thắng giải kém cỏi, hành nghiệp vững chắc, hành nghiệp bền lâu, giới cấm bền chắc, giới cấm vững lâu, có thể nhẫn chịu, có thể thọ nhận, đối với các vật dụng cần thiết cho đời sống, vì tánh nhiễm đắm nên sinh ái trọng sâu xa, nhiều vui mừng, xa lìa mọi buồn bã, diện mạo thư thái, nhìn xem bình thường, luôn cười trước khi nói. Các loại như thế, nên biết đó gọi là tướng của Bổ-đặc-già-la hành tham.
Hỏi: Bổ-đặc-già-la sân hành, ở trong các sự việc bị ghét bỏ thuộc loại thấp kém, hãy còn có thể sinh khởi sân kết hết sức dày nặng, huống hồ là đối với các cảnh giới của trung phẩm, thượng phẩm.
Lại nữa, sân kết ấy trụ ở trong thân trải qua thời gian lâu được nối tiếp thường xuyên, theo đấy mà trói buộc. Do sân kết này, nên bị sự chế ngự của pháp đáng ghét bỏ, mà không thể chế ngự được nó. Các căn khô héo, các căn quá cứng cỏi, các căn thường sơ xuất, các căn thô tháo. Vì tánh ưa thích nên dùng thân ngữ xấu ác để tổn não kẻ khác, dễ khiến xa lìa, dễ khiến chán bỏ, mồm miệng hung dữ, hình tướng nhăn nhó, không có nhiều thắng giải, hành nghiệp không chắc chắn, giới cấm không bền vững, ít nhẫn chịu không thọ nhận, nhiều sầu não, tánh thích trái ngược, chỗ giữ lấy không thuận, tánh nhiều lo buồn, tánh ưa lời thô, mang nhiều hiềm hận, ý thích việc thảm khốc, sắc diện không thư thái, nhìn ngó láo liêng, đối với những lợi lạc tốt đẹp của kẻ khác, tâm nhiều ganh ghét. Những loại như thế, nên biết, đó gọi là tướng của Bổ-đặc-già-la hành sân.
Hỏi: Bổ-đặc-già-la si hành, nên biết về tướng như thế nào?
– Đáp: Bổ-đặc-già-la si hành, ở trong các sự việc ngu tối, thuộc loại thấp kém nhất hãy còn có thể sanh khởi si kết hết sức dày nặng, huống hồ là đối với các cảnh giới của phẩm trung và phẩm thượng.
Lại nữa, si kết này trụ ở trong thân, trải qua thời gian lâu được nối tiếp thường xuyên, theo đấy mà trói buộc. Do si kết ấy nên bị pháp đáng si ám chế ngự mà không thể chế ngự lại nó. Các căn ám độn, các căn ngu tối, các căn yếu kém. Thân nghiệp chậm chạp, mọi thứ tư duy, nói năng, tạo tác đều xấu ác, bê trễ biếng nhác, phát khởi không đầy đủ. Ngôn từ biện luận thua sút, tánh không thông sáng, niệm hay quên mất, không nhận biết đúng đắn, trụ nơi chỗ giữ lấy lệch lạc, khó khiến xa lìa, khó khiến chán bỏ. Thắng giải kém cỏi, lời lẽ ngây ngô, lắp bắp, dùng tay thay lời, không có năng lực để lãnh hội về nghĩa pháp nêu giảng thiện hoặc nêu giảng ác, duyên theo chỗ hệ thuộc, bị kẻ khác dẫn dắt, xâm đoạt, sai sử. Các loại như thế, nên biết đó gọi là tướng của Bổ đặc già la hành si.
Hỏi: Bổ-đặc-già-la mạn hành, nên biết về tướng như thế nào?
– Đáp: Bổ-đặc-già-la mạn hành, ở trong các sự việc kiêu mạn thuộc loại thấp kém, hãy còn có thể sinh khởi mạn hết sức sâu nặng, huống hồ là đối với các cảnh giới của phẩm trung, phẩm thượng.
Lại nữa, mạn ấy kết trụ ở trong thân, trải qua thời gian lâu được nối tiếp thường xuyên, theo đấy mà trói buộc. Do mạn kết nên bị các pháp đáng kiêu mạn chế ngự mà không thể chế ngự chúng. Các căn cử động, các căn cao ngạo, các căn tán loạn, siêng thích tạo vẻ oai nghiêm, ngôn ngữ tự đại, không vui khiêm tốn. Đối với các bậc cha mẹ, quyến thuộc, sư trưởng, không thể thường xuyên thừa sự như pháp. Mang nhiều cao ngạo, không thể dùng thân để kính lễ, thăm hỏi, chắp tay nghinh đón, tu nghiệp hòa kính. Tự cao tự đại, coi thường kẻ khác, tham chấp lợi dưỡng, ưa thích sự cung kính, vui đắm theo tiếng khen của thế gian, khó khiến xa lìa, khó khiến chán bỏ. Thắng giải rộng lớn nhưng từ bi thì yếu kém. Kiến chấp về ngã, hữu tình, thọ mạn, sự nuôi dưỡng v.v… nhiều oán nhiều hận. Các loại như vậy, nên biết đó là tướng của Bổ-đặc-già-la hành mạn.
Hỏi: Bổ-đặc-già-la tầm tư hành, về tướng như thế nào?
– Đáp: Bổ-đặc-già-la tầm tư hành, đối với các sự việc tầm tư thuộc loại thấp kém, hãy còn có thể phát khởi tầm tư kết buộc hết sức nặng dày, huống hồ là đối với các cảnh giới của phẩm trung, phẩm thượng.
Lại nữa, tầm tư kết buộc này trụ ở trong thân, trải qua thời gian lâu được nối tiếp thường xuyên, theo đấy mà trói buộc. Do sự kết buộc ấy nên bị pháp đáng tầm tư chế ngự mà không thể chế ngự chúng. Các căn chẳng trụ, các căn chao đảo, các căn dao động, các căn tán loạn. Thân nghiệp lầm lạc, ngữ nghiệp lầm lạc, khó khiến xa lìa, khó khiến chán bỏ. Vui tạo hý luận, ưa chấp nơi hý luận, nhiều nghi nhiều hoặc, mang nhiều dục lạc, giới cấm không bền, không định, hành nghiệp không vững không định. Ôm giữ lo sợ, niệm hay quên mất, không thích xa lìa, ưa nhiều tán động. Đối với vô số sự việc tốt đẹp nơi thế gian, tham dục theo đuổi, dốc sức không biếng trễ, phát khởi đầy đủ. Các loại như thế, nên biết gọi là tướng của Bổ-đặc-già-la hành tầm tư.
Như vậy gọi là hành sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào là do nguyện sai biệt để kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Nghĩa là hoặc có Bổ-đặc-già-la đối với thừa Thanh văn đã phát khởi chánh nguyện. Hoặc có Bổ-đặc-già-la đối với thừa Độc giác đã phát khởi chánh nguyện. Hoặc có Bổ-đặc-già-la đối với Đại thừa đã phát khởi chánh nguyện. Nên biết trong ấy, nếu Bổ-đặc-già-la đối với thừa Thanh-văn đã phát khởi chánh nguyện, thì các hữu tình ấy hoặc là chủng tánh Thanh văn, hoặc là chủng tánh Độc giác, hoặc là chủng tánh Đại thừa. Nếu Bổ-đặc-già-la đối với Bồ đề Độc giác đã phát khởi chánh nguyện, thì hữu tình ấy hoặc là chủng tánh Độc giác, hoặc là chủng tánh Thanh văn, hoặc là chủng tánh Đại thừa. Nếu Bổ-đặc-giàla đối với Đại thừa đã phát khởi chánh nguyện, thì hữu tình ấy hoặc là chủng tánh Đại thừa, hoặc là chủng tánh Độc giác, hoặc là chủng tánh Thanh-văn.
Nếu Bổ-đặc-già-la thuộc chủng tánh Thanh văn, đối với Bồ đề Độc giác, hoặc đối với Bồ đề Chánh đẳng Vô thượng đã phát khởi chánh nguyện, thì hữu tình ấy là chủng tánh Thanh-văn nên thời gian sau quyết định trở lại xả bỏ nguyện kia, tất chỉ an trụ nơi nguyện của thừa Thanh văn.
Bổ-đặc-già-la thuộc chủng tánh thừa Độc giác, Bổ-đặc-già-la thuộc chủng tánh Đại thừa, nên biết cũng vậy.
Ở đây, Bổ-đặc-già-la hiện có, nguyện có thể di chuyển, nguyện có thể lìa bỏ, quyết định không thể di chuyển chủng tánh, lìa bỏ chủng tánh. Nay trong nghĩa này nên biết là chỉ nói về Bổ-đặc-già-la thuộc chủng tánh Thanh văn, nguyện thuộc thừa Thanh văn. Như vậy gọi là do nguyện sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào là do hành tích sai biệt để kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Nghĩa là, như Bổ-đặc-già-la đã được nêu dẫn, khai thị, dựa vào bốn hành tích mà được xuất ly. Những gì là bốn?
Đó là hoặc có hành tích là Khổ trì thông.
Hoặc có hành tích là Khổ tốc không.
Hoặc có hành tích là Lạc trì thông.
Hoặc có hành tích là Lạc tốc thông.
Nên biết ở đây, nếu là Bổ-đặc-già-la tánh độn căn, chưa đạt được Tĩnh lự căn bản, các hành tích hiện có gọi là Khổ trì thông.
Nếu là Bổ-đặc-già-la tánh lợi căn, chưa đạt được Tĩnh lự căn bản, các hành tích hiện có gọi là Khổ tốc thông.
Nếu là Bổ-đặc-già-la tánh độn căn, đã đạt được Tĩnh lự căn bản, các hành tích hiện có gọi là Lạc trì thông.
Nếu là Bổ-đặc-già-la lợi căn, đã đạt được Tĩnh lự căn bản, các hành tích hiện có gọi là Lạc tốc thông.
Như thế gọi là do hành tích sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào là do đạo quả sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Tức là hành bốn hướng và trụ nơi bốn quả.
Hành bốn hướng:
- Bổ-đặc-già-la hướng quả Dự lưu.
- Bổ-đặc-già-la hướng quả Nhất lai.
- Bổ-đặc-già-la hướng quả Bất hoàn.
- Bổ-đặc-già-la hướng quả A-la-hán.
Trụ nơi bốn quả có thể nhận biết.
Nếu đối với hướng đạo chuyển biến, thì hữu tình ấy gọi là bậc hành hướng. Do hướng đạo nên kiến lập bốn thứ Bổ-đặc-già-la.
Nếu đắc quả Sa-môn, hữu tình ấy gọi là bậc trụ nơi quả. Do đạo quả nên kiến lập bốn thứ Bổ-đặc-già-la.
Như vậy gọi là do đạo quả sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào là do gia hạnh sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Nghĩa là hai loại Bổ-đặc-già-la Tùy tín hành và Tùy pháp hành, nếu Bổ-đặc-già-la tùy theo sự tin tưởng siêng tu chánh hạnh thì gọi là Bổ-đặc-già-la Tùy tín hành. Nếu đối với các pháp không chờ duyên khác, tùy nơi Tỳ-nại-da siêng tu chánh hạnh, thì gọi là Bổ-đặc-già-la Tùy pháp hành. Như vậy gọi là do gia hạnh sai biệt nên kiến lập Bổđặc-già-la.
Thế nào là do Định sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Tức là Bổ-đặc-già-la thân chứng, đối với tám giải thoát, thân đã tác chứng, an trụ đầy đủ, nhưng chưa đạt được việc dứt sạch vĩnh viễn các lậu. Nên biết, Bổ-đặc-già-la như thế, ở nơi hữu sắc quán các sắc giải thoát. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài giải thoát. Thân tác chứng tịnh giải thoát, an trụ đầy đủ. Không vô biên xứ giải thoát. Thức vô biên xứ giải thoát. Vô sở hữu xứ giải thoát. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát. Tưởng thọ diệt giải thoát. Đã có thể vào ra thuận nghịch tự tại.
Như vậy vậy gọi là do định sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào là do sanh sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Đó là do các Bổ-đặc-già-la, tối đa bảy lần thọ sanh, gia gia, nhất gián, trung Bát Niết bàn và thượng lưu.
Như vậy gọi là do sanh sai biệt nên kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào gọi là do sai biệt về thối chuyển không thối chuyển nên kiến lập Bổ-đặc-già-la?
Nghĩa là do thối chuyển nên kiến lập A-la-hán thời giải thoát. Vị ấy đối với hiện pháp lạc trụ, dung nạp có sự thối thất.
Do không thối chuyển nên kiến lập A-la-hán đạt pháp Bất động. Vị ấy đối với hiện pháp lạc trụ quyết định không thối thất.
Như vậy gọi là do sai biệt về thối chuyển không thối chuyển nên kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào là do sai biệt về chướng ngại nên kiến lập Bổ-đặc-già-la? Đó là A-la-hán Tuệ giải thoát và A-la-hán Câu phần giải thoát.
A-la-hán Tuệ giải thoát: Tức đã giải thoát phiền não chướng, nhưng chưa giải thoát chướng của định.
A-la-hán Câu phần giải thoát: Tức đã giải thoát cả hai thứ chướng nêu trên. Vì thế gọi là Câu phần giải thoát.
Như vậy gọi là do sai biệt về chướng ngại nên kiến lập Bổ-đặcgià-la.
Do mười một đạo lý sai biệt đã được nêu dẫn và khai thị, theo như thứ lớp, nên biết là đã kiến lập Bổ-đặc-già-la.
Thế nào là đối tượng duyên?
Nghĩa là có bốn thứ cảnh sự của đối tượng duyên. Những gì là bốn?
- Cảnh sự của đối tượng duyên hiện bày đầy khắp.
- Cảnh sự của đối tượng duyên tịnh hạnh.
- Cảnh sự của đối tượng duyên thiện xảo.
- Cảnh sự của đối tượng duyên hoặc định.
Thế nào là cảnh sự của đối tượng duyên hiện bày đầy khắp?
Tức là lại có bốn thứ:
Thứ nhất: Ảnh tượng có phân biệt.
Thứ hai: Ảnh tượng không phân biệt.
Thứ ba: Tánh biên vực của sự việc.
Thứ tư: Việc làm đã thành tựu đầy đủ.
Thế nào là ảnh tượng có phân biệt?
Nghĩa là như có một hữu tình, hoặc lắng nghe chánh pháp, hoặc được chỉ dạy, khuyên bảo, trao truyền, làm chỗ nương dựa, hoặc thấy hoặc nghe, hoặc phân biệt, đối với sự việc của đối tượng nhận thức nơi ảnh tượng đồng phần. Do hành Tỳ-bát-xá-na của địa Tam-ma-sí-đa nên quan sát, chọn lựa, hết sức lựa chọn, tầm tư khắp, cứu xét khắp.
Sự việc của đối tượng nhận thức: Nghĩa là hoặc bất tịnh, hoặc từ bi, hoặc duyên khởi của duyên tánh, hoặc cảnh giới sai biệt, hoặc niệm A-na-ba-na. Hoặc uẩn thiện xảo, hoặc giới thiện xảo, hoặc xứ thiện xảo, hoặc duyên khởi thiện xảo, hoặc xứ phi xứ thiện xảo. Hoặc tánh thô của địa dưới, tánh tĩnh của địa trên. Hoặc Khổ đế Tập đế, Diệt đế Đạo dế. Đó gọi là sự việc của đối tượng nhận thức. Sự việc của đối tượng nhận thức này, hoặc dựa vào sự chỉ dạy khuyên bảo, trao truyền, hoặc lắng nghe chánh pháp là chỗ nương dựa khiến cho địa Tam-ma-sí-đa tác ý hiện tiền, tức ở nơi pháp ấy mà khởi thắng giải, tức ở nơi sự việc của đối tượng nhận thức ấy mà khởi thắng giải.
Bấy giờ, vị ấy đối với sự việc của đối tượng nhận thức kia, như thắng giải hiện lãnh thọ mà chuyển biến. Tuy sự việc của đối tượng nhận thức ấy không phải là hiện lãnh thọ, hòa hợp hiện tiền, cũng chẳng phải là vật của chủng loại khác, nhưng do địa Tam-ma-sí-đa nên đã lãnh thọ thắng giải, lãnh thọ tác ý tương tợ, nên sự việc của đối tượng nhận thức kia đã hiển hiện tương tợ. Do đạo lý này nên gọi là ảnh tượng đồng phần của sự việc nơi đối tượng nhận thức.
Tu hành quán: Là suy cầu về đấy. Đối với bản tánh trong sự việc của đối tượng nhận thức, quan sát thẩm định về công đức, lỗi lầm. Đó gọi là ảnh tượng có phân biệt.
Thế nào là ảnh tượng không phân biệt?
Đó là người tu hành quán nhận giữ lấy tướng của ảnh tượng như thế rồi, không quan sát, chọn lựa, hết sức chọn lựa, tầm tư khắp cứu xét khắp lần nữa, nhưng tức ở nơi ảnh tượng của đối tượng duyên ấy, do tâm tịch tĩnh của hành Xa-ma-tha (chỉ), tức là chín thứ hành tướng khiến tâm an trụ. Nghĩa là khiến tâm an trụ như nội trụ v.v… an trụ, cận trụ, điều phục tịch tĩnh, đạt tịch tĩnh tột cùng, dốc hướng tới đẳng trì. Vị ấy, lúc này thành tựu đối tượng duyên của ảnh tượng không phân biệt, tức ở nơi ảnh tượng của đối tượng duyên như thế, hoàn toàn dốc hướng tới an trụ nơi niệm kia, không còn quan sát, lựa chọn… nữa. Đó gọi là ảnh tượng không phân biệt. Tức ảnh tượng này cũng gọi là ảnh tượng, cũng gọi là tướng của Tam-ma-địa, cũng gọi là cảnh giới nơi đối tượng hành của Tam-ma-địa, cũng gọi là miệng của Tam-ma-địa, cũng gọi là cửa của Tam-ma-địa, cũng gọi là xứ tác ý, cũng gọi là thể của nội phân biệt, cũng gọi là quang ảnh. Các loại như thế, nên biết gọi là các tên gọi sai biệt của ảnh tượng đồng phần nơi sự việc của đối tượng nhận thức.
Thế nào là tánh biên vực của sự việc?
Đó là như tánh hiện có tận cùng của đối tượng duyên, như tánh hiện có.
Thế nào là tánh hiện có tận cùng? Tức là ngoài Sắc uẩn lại không có các sắc khác. Ngoài các uẩn Thọ Tưởng Hành Thức lại không có Thọ Tưởng Hành Thức khác. Hết thảy các sự việc hữu vi đều thuộc về năm pháp. Hết thảy các pháp đều thuộc về Giới, Xứ. Hết thảy sự việc của đối tượng nhận thức đều thuộc về Bốn Thánh đế. Như vậy gọi là tận cùng nơi tánh hiện có.
Thế nào là như tánh hiện có? Nghĩa là, như đối tượng duyên là tánh chân thật, là tánh Chân như. Do bốn đạo lý đã gồm đủ tánh đạo lý: Tức là đạo lý quán đãi, đạo lý tác dụng, đạo lý chứng thành và đạo lý pháp nhĩ. Như vậy, hoặc cảnh của đối tượng duyên tận cùng nơi tánh hiện có, như tánh hiện có, được gọi chung làm một là tánh biên vực tận cùng của sự việc.
Thế nào là việc làm đã thành tựu đầy đủ?
Nghĩa là người tu tập hành quán, đối với chỉ, quán, hoặc tu hoặc tập, hoặc tu tập nhiều làm nhân duyên, nên tác ý hiện có của các ảnh tượng duyên đều được viên mãn. Do viên mãn ấy nên liền được chuyển y, tất cả các thứ thô trọng thảy đều dứt diệt. Do được chuyển y nên vượt quá ảnh tượng, tức ở nơi sự việc của đối tượng nhận thức không có phân biệt, trí kiến của hiện lượng sanh. Người nhập Tĩnh lự thứ nhất, khi đạt được Tĩnh lự ấy, là ở nơi cảnh giới thuộc đối tượng hành của Tĩnh lự ấy.
Người nhập Tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, là ở nơi cảnh giới thuộc đối tượng hành của các Tĩnh lự ấy. Người nhập nơi Xứ Không vô biên, Xứ Thức vô biên, Xứ Vô sở hữu, Xứ Phi tưởng phi phi tưởng, lúc đạt được các định ấy, là ở nơi cảnh giới thuộc đối tượng hành của các định kia. Như vậy gọi là việc làm đã thành tựu đầy đủ.
Bốn thứ cảnh sự của đối tượng duyên như thế là hiện hành khắp hết thảy, theo nhập trong cảnh giới của tất cả đối tượng duyên. Bậc Chánh đẳng giác, nơi ba đời quá khứ hiện tại vị lai, cùng được tuyên thuyết. Do đó gọi là hiện bày đầy khắp nơi đối tượng duyên. Lại, đối tượng duyên này hiện bày khắp phẩm Tỳ-bát-xá-na, hiện bày khắp phẩm Xa-ma-tha, hiện bày khắp tất cả sự việc, hiện bày khắp sự việc chân thật, hiện bày khắp sự việc cùng thuộc nhân quả, nên gọi là hiện bày đầy khắp.
Nghĩa là, nếu nói ảnh tượng có phân biệt, tức ở đây là phẩm Tỳbát-xá-na. Nếu nói ảnh tượng không phân biệt, tức ở đây là phẩm Xama-tha. Nếu nói về tánh biên vực tận cùng của sự việc, tức ở đây là sự chân thật của tất cả sự. Nếu nói về việc làm đã thành tựu đầy đủ, tức ở đây là sự việc cùng thuộc nhân quả.
Như Đức Phật Thế Tôn từng vì Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa thuyết giảng về nghĩa như thế. Từng nghe Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa hỏi Đức Thế Tôn:
– Đại đức! Có các Bí-sô siêng năng tu tập hành quán là sư Du già, có thể ở nơi đối tượng duyên tâm được an trụ là nơi duyên nào tâm được an trụ? Thế nào là đối với duyên tâm được an trụ? Ngang bằng với gì gọi là tâm khéo an trụ?
Phật bảo Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa:
– Lành thay! Lành thay! Ông nay khéo có thể thưa hỏi về nghĩa như vậy. Hãy nên lắng nghe và khéo tư duy, Ta sẽ vì ông mà thuyết giảng, khai thị.
Này Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa! Có các Bí-sô siêng năng tu tập hành quán, là sư Du già, có thể ở nơi đối tượng duyên tâm được an trụ, hoặc ưa thích tịnh hạnh, hoặc ưa thích thiện xảo, hoặc ưa thích khiến tâm giải thoát các lậu; đối với duyên tương xứng, tâm được an trụ; đối với duyên tương tợ, tâm được an trụ; đối với duyên không điên đảo, tâm được an trụ. Có thể ở trong ấy không bỏ Tĩnh lự.
Thế nào là Bí sô siêng năng tu tập hành quán là sư Du già, đối với duyên tương xứng, tâm được an trụ? Nghĩa là Bí-sô kia hoặc chỉ có tham hành, nên ở nơi duyên bất tịnh, tâm được an trụ. Như thế gọi là đối với duyên tương xứng, tâm được an trụ.
Hoặc Bí-sô ấy chỉ có sân hành, nên ở nơi từ bi, tâm được an trụ. Hoặc chỉ có si hành nên ở nơi duyên khởi của tánh duyên, tâm được an trụ. Hoặc chỉ có mạn hành, nên ở nơi Giới sai biệt, tâm được an trụ. Hoặc chỉ có tâm tư hành, nên ở nơi niệm A-na-ba-na, tâm được an trụ. Như vậy gọi là đối với duyên tương xứng, tâm được an trụ.
Này Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa! Lại nữa, Bí-sô kia, hoặc ngu tối về tự tướng của các hành, hoặc ngu tối về sự việc của Bổ-đặc-già-la như ngã, hữu tình, thọ mạng, sự sanh, sự nuôi dưỡng… nên ở nơi Uẩn thiện xảo, tâm được an trụ. Hoặc ngu về nhân, nên ở nơi Giới thiện xảo, tâm được an trụ. Hoặc ngu về duyên, nên ở nơi Xứ thiện xảo, tâm được an trụ. Hoặc ngu về vô thường, khổ, không, vô ngã, nên ở nơi Xứ phi xứ thiện xảo của duyên khởi, tâm được an trụ. Hoặc ưa thích lìa dục của cõi Dục, nên ở nơi tánh thô của các dục, tánh tĩnh của các sắc, tâm được an trụ. Hoặc ưa thích lìa dục của cõi Sắc, nên ở nơi tánh thô của các sắc, tánh tĩnh của vô sắc, tâm được an trụ. Hoặc ưa thích thông đạt cùng ưa thích giải thoát khắp các sự việc nơi thân của tất cả xứ, nên ở nơi bốn đế Khổ Tập Diệt Đạo, tâm được an trụ, đó gọi là Bí-sô siêng tu tập hành quán, là sư Du già, đối với duyên tương xứng, tâm được an trụ.
Này Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa! Thế nào là Bí-sô siêng tu tập hành quán, là sư Du già, đối với duyên tương tợ, tâm được an trụ? Nghĩa là các Bí-sô kia, đối với các thứ sự việc của đối tượng nhận thức ấy, vì muốn chọn lựa, hết sức chọn lựa, tầm tư khắp, cứu xét khắp, nên trước hết nơi những việc đã được thấy, nghe, hiểu, biết, do lực tăng thượng của sự thấy nghe hiểu biết, do địa Tam-ma-sí-đa tác ý tư duy phân biệt, nên dấy khởi thắng giải. Bí-sô ấy, tuy nơi sự việc của đối tượng nhận thức gốc không thể hòa hợp, quan sát hiện tiền, nhưng cùng với chỗ tương tợ của sự việc gốc mà sanh. đối với đối tượng duyên kia có sự tương tợ, chỉ là trí, chỉ là kiến, chỉ là nhớ nghĩ đúng đắn.
Lại, Bí-sô kia, nơi mọi thời gian khiến tâm tịch tĩnh, nơi mọi thời gian dựa vào pháp Tỳ-bát-xá-na của Tuệ tăng thượng, siêng năng tu tập hành quán. Đó gọi là Bí-sô siêng tu hành quán là sư Du già, nơi duyên tương tợ, tâm được an trụ.
Này Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa! Thế nào là Bí-sô siêng tu hành quán, là sư Du già, nơi duyên không điên đảo, tâm được an trụ? Đó là, nếu Bí-sô siêng tu hành quán, là sư Du già, nơi cảnh của đối tượng duyên, tâm được an trụ, tùy chỗ ứng hợp mà hiểu rõ về cảnh giới của đối tượng nhận thức đúng như thật, không điên đảo, có thể nhận biết rõ khắp. Đó gọi là Bí-sô siêng tu hành quán, là sư Du già, nơi duyên không điên đảo, tâm được an trụ.
Này Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đaa! Thế nào là Bí-sô siêng tu hành quán, là sư Du già, có thể ở trong ấy không bỏ Tĩnh lự? Đó là, nếu Bí-sô siêng tu hành quán, là sư Du già, như vậy đối với duyên, lúc đang tu tập, gia hạnh không gián đoạn, gia hạnh ân cần, nơi mọi thời điểm tu tập về tướng chỉ, tướng cử, tướng xả. Do tu do tập, do tu tập nhiều làm nhân duyên, nên tất cả các thứ thô trọng thảy đều dứt hết, theo chỗ được xúc chứng làm chỗ dựa thanh tịnh, nên nơi sự việc của đối tượng nhận thức, nhân đấy mà hiện thấy. Theo chỗ được xúc chúng, làm đối tượng duyên thanh tịnh, do lìa tham nên theo chỗ được xúc chứng, tâm thanh tịnh hiện bày khắp. Do lẫn vô minh, nên theo chỗ xúc chúng, trí thanh tịnh hiện bày khắp. Do gọi là Bí-sô siêng tu hành quán, là sư Du già, có thể ở trong ấy không bỏ Tĩnh lự.
Này Trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa! Vì Bí-sô ấy, nơi cảnh của đối tượng duyên, tâm được an trụ. Như vậy là nơi duyên, tâm được an trụ. Nơi duyên, tâm đượcan trụ như vậy rồi gọi là khéo an trụ. Đức Thế Tôn nói tụng:
Hành giả hành các tướng
Biết tất cả nghĩa thật
Thường nơi ảnh Tĩnh lự
Được chứng thanh tịnh khắp.
Ở đây nói “Hành giả hành các tướng”:
Tức do đấy nên nêu rõ về người tu tập hành quán, nơi tướng của chỉ, cử, xả, tu hành không gián đoạn, tu hành cẩn trọng.
Nói: Biết tất cả nghĩa thật: Do đấy nên nêu bày về tánh biên vực tận cùng của sự việc.
Nếu lại nói: Thường nơi ảnh Tĩnh lự: Tức do đấy nên có sự nêu bày về ảnh tượng phân biệt, ảnh tượng không phân biệt.
Hoặc lại nói: Được chứng thanh tịnh khắp: Tức do đấy nên nêu rõ về việc làm đã thành tựu đầy đủ.
Đức Thế Tôn lại nói tụng:
Nơi tướng tâm biết khắp
Hay nhận vị xa lìa
Tĩnh lự luôn theo niệm
Thọ hỷ lạc lìa nhiễm.
Nói: Nơi tướng tâm biết khắp: Đó là ảnh tượng có phân biệt, ảnh tượng không phân biệt, do tướng tâm gọi là nói. Tánh biên vực của sự việc do nhận biết khắp gọi là nêu bày.
Nếu lại nói: Hay nhận vị xa lìa: Tức do đấy nên nói rõ, ở nơi đối tượng duyên kia, người tu hành đúng đắn là ưa thích đoạn trừ, ưa thích tu tập.
Nếu lại nói: Tĩnh lự luôn theo niệm: Tức do đấy nên nêu bày đối với hai pháp chỉ, quán thường siêng năng tu tập, tạo sự luyện tập, hành trì.
Nếu lại nói: Thọ hỷ lạc lìa nhiễm: Là do dấy nên nêu rõ về việc làm đã thành tựu đầy đủ. Nên biết như vậy là hiện bày đủ khắp nơi đối tượng duyên, thuận theo giáo pháp thanh tịnh, khế hợp với lý chân chánh. Như thế gọi là hiện bày đủ khắp nơi đối tượng duyên.
Thế nào gọi là đối tượng duyên tịnh hạnh?
Đó là bất tịnh, từ bi, duyên khởi của tánh duyên, là đối tượng duyên sai biệt của niệm A-na-ba-na, của Giới sai biệt.
Thế nào là đối tượng duyên bất tịnh? Nghĩa là lược nói có sáu thứ bất tịnh:
- Bất tịnh do hư hoại cấu uế.
- Bất tịnh do khổ não.
- Bất tịnh do thấp kém.
- Bất tịnh do quán đãi.
- Bất tịnh do phiền não.
- Bất tịnh do chóng hoại.
Thế nào gọi là bất tịnh do hư hoại cấu uế?
Nghĩa là bất tịnh này lược dựa nơi hai thứ: Một là dựa nơi bên trong. Hai là dựa vào bên ngoài.
Thế nào là bất tịnh do hư hoại cấu uế dựa nơi bên trong? Đó là các thứ có nơi nội thân, từ tóc lông móng… đến gân xương, đại tràng, tiểu tràng, tim gan phổi mật, sanh tạng thục tạng v.v… Các loại như vậy gọi là bất tịnh do hư hoại cấu uế dựa nơi bên trong.
Thế nào là bất tịnh do hư hoại cấu uế dựa vào bên ngoài? Đó là các thứ bất tịnh nơi thân người chết: Máu bầm xanh, mủ ứa ra, biến hoại, sình trương… Các loại như thế gọi là bất tịnh do hư hoại cấu uế dựa vào bên ngoài. Như vậy, hai thứ bất tịnh ấy được gọi chung làm một là bất tịnh do hư hoại cấu uế.
Thế nào gọi là bất tịnh do khổ não?
Nghĩa là thuận nơi khổ thọ do xúc làm duyên sinh ra, hoặc thân hoặc tâm thọ nhận không bình đẳng, đều thuộc về thọ. Như vậy gọi là bất tịnh do khổ não.
Thế nào gọi là bất tịnh do thấp kém?
Tức là sự việc hết sức thấp kém, cảnh giới hết sức thấp kém. Đó là Dục giới. Trừ cảnh giới này thì không còn cảnh giới nào thấp kém, thô lậu, uế trược hơn nữa. Như thế gọi là bất tịnh do thấp kém.
Thế nào gọi là bất tịnh do quán đãi?
Nghĩa là như có một sự việc kém thanh tịnh nhưng quán đãi (đối chiếu) với những sự việc thanh tịnh thù thắng khác liền tợ như bất tịnh. Như đối chiếu sự việc thanh tịnh thù thắng nơi cõi Vô sắc thì các pháp của cõi Sắc liền tợ như bất tịnh. Hoặc đối chiếu về thân Niết-bàn tịch diệt thì mọi hình tướng cho đến cõi Hữu đảnh đều tợ như bất tịnh. Các loại như vậy, hết thảy gọi là bất tịnh do quán đãi.
Thế nào gọi là bất tịnh do phiền não?
Nghĩa là, tất cả kiết phược, tùy miên, tùy phiền não triền, hết thảy được gọi là bất tịnh do phiền não.
Thế nào gọi là bất tịnh do chống hoại?
Đó là năm thủ uẩn là vô thường, không hằng hữu, là tánh của pháp biến hoại, không thể tin giữ. Như thế gọi là bất tịnh do chóng hoại.
Bất tịnh như vậy là đối tượng duyên có thể làm thanh tịnh hành tham. Tham có năm thứ:
- Tham dục của dục dục nơi nội thân.
- Tham dâm của dâm dục nơi ngoại thân.
- Tham cảnh của dục nơi cảnh.
- Tham sắc nơi dục của sắc.
- Tham thân của dục nơi thân.
Đó gọi là năm thứ tham.
Vì nhằm khiến cho năm thứ tham dục được đoạn trừ hẳn không còn hiện hành, nên kiến lập sáu thứ đối tượng duyên bất tịnh. Nghĩa là, do đối tượng duyên bất tịnh vì hư hoại cấu uế dựa nơi bên trong, nên khiến cho tâm tham dục của dục dục nơi nội thân được thanh tịnh.
Do đối tượng duyên bất tịnh vì hư hoại cấu uế dựa vào bên ngoài, nên khiến cho tâm tham dâm của dâm dục nơi ngoại thân được thanh tịnh. Tham tương ưng với dâm lại có bốn thứ:
- Tham về hiển sắc.
- Tham về hình sắc.
- Tham về xúc diệu.
- Tham về thừa sự.
Do dựa nơi đối tượng duyên bất tịnh của bốn thứ bên ngoài, nên đối với bốn thứ tham dâm tương ưng ấy, tâm được thanh tịnh.
Nếu đối với máu bầm xanh, hoặc nơi mủ ứa túa ra, hoặc nơi thân tướng biến hoại hoặc nơi sình trương, hoặc nơi thân thể bị rúc rỉa cắn xé, tác ý tư duy, nên đối với tham về hiển sắc khiến tâm được thanh tịnh. Hoặc nơi thân tướng biến hoại thành màu đỏ, tác ý tư duy, nên đối với tham về hình sắc, khiến tâm được thanh tịnh.
Hoặc đối nơi xương, gân v.v… tác ý tư duy, nên đối với tham về xúc diệu, khiến tâm được thanh tịnh.
Hoặc nơi sự tan hoại tác ý tư duy, nên đối với tham về thừa sự khiến tâm được thanh tịnh.
Bốn thứ như vậy, gọi là đối nơi tham dâm khiến tâm được thanh tịnh. Do đấy, Đức Thế Tôn, cho đến dựa vào sự sai biệt của bất tịnh vì hư hoại cấu uế dựa nơi bên ngoài, đều nương vào bốn thứ nẻo an nhiên mà chính thức kiến lập.
Dựa vào đối tượng duyên bất tịnh do hư hoại cấu uế hiện có nương nơi bên ngoài, khiến cho đối với bốn thứ tham dâm tương ưng, tâm được thanh tịnh.
Do đối tượng duyên bất tịnh vì khổ não cùng đối tượng duyên bất tịnh vì thấp kém, nên khiến đối với cảnh tương ưng hoặc dục hoặc tham, tâm được thanh tịnh.
Do đối tượng duyên bất tịnh vì quán đãi, nên khiến đối với sắc tương ưng hoặc dục hoặc tham, tâm được thanh tịnh.
Do đối tượng duyên bất tịnh vì phiền não, cùng đối tượng duyên bất tịnh vì chóng hoại, nên khiến các thân sắc từ cõi Dục cho đến cõi trời Hữu đảnh, hoặc dục hoặc tham, tâm được thanh tịnh. Đó gọi là đối tượng duyên tịnh hạnh của hành tham.
Như thế là lại căn cứ nơi khả năng làm thanh tịnh hành tham, nên gọi chung là đối tượng duyên bất tịnh thuộc về tất cả sự đối trị chung. Nay trong nghĩa ấy, bản ý chỉ giữ lấy bất tịnh do hư hoại cấu uế. Các bất tịnh còn lại cũng là đối tượng duyên tịnh hạnh còn lại.
Thế nào là đối tượng duyên của từ bi?
Nghĩa là, hoặc đối với phẩm thân, hoặc đối với phẩm oán, hoặc đối với phẩm giữa đều an trụ bình đẳng với ý vui thích tạo lợi ích, có thể dẫn đến đạt thắng giải về địa định diệu lạc hạ trung thượng. Nên biết ở đây, phẩm thân, phẩm oán và phẩm giữa tức là đối tượng duyên. Ý vui thích tạo lợi ích, có thể dẫn đến thắng giải về địa định diệu lạc tức là chủ thể duyên. Đối tượng duyên, chủ thể duyên tóm lực chung làm một gọi là đối tượng duyên của từ bi.
Như nơi kinh nói: “Từ cùng hiện hữu nơi tâm”: Đây tức hiển bày về ý vui thích tạo lợi ích của đối tượng duyên là ba phẩm thân, oán, không thân không oán.
Nếu lại nói: “Không oán không định không tổn hại”: Đây tức hiển thị ý vui thích tạo lợi ích có ba thứ tướng. Do không oán nên gọi là ý vui thích tạo lợi ích tăng thượng. Tánh của không oán này có hai câu để hiển bày. Đó là không đối địch nên không tổn hại. Không muốn trái nghịch, tranh chấp nghĩa là không đối dịch. Không muốn không tạo lợi ích nghĩa là không tổn hại.
Hoặc lại nói: Rộng lớn vô lượng. Đây tức là hiển bày, chỉ rõ khả năng dẫn đến diệu lạc phẩm hạ trung thượng. Diệu lạc nơi Dục giới gọi là rộng. Diệu lạc nơi địa của hai Tĩnh lự 1, 2 gọi là lớn. Diệu lạc nơi địa của Tĩnh lự 3 gọi là vô lượng. Hoặc lại nói: Thắng giải hiện bày khắp, an trụ đầy đủ: Đây tức hiển bày chỉ rõ về khả năng dẫn đến thắng giải nơi địa định diệu lạc.
Lại, thắng giải này tức là chủ thể dẫn đến lợi ích, diệu lạc, là tác ý cùng hiện hành của thắng giải thuộc về ý vui thích tăng thượng. Nếu đối với ba loại hữu tình thân, oán, không thân không oán không khổ không vui, bình đẳng nhằm ban cho an lạc, nên biết đó là Từ. Nếu đối với ba loại hữu tình thân, oán, giữa, có khổ có vui, bình đẳng nhằm cứu vớt dứt khổ, đem lại an vui, nên biết đó là Bi, là Hỷ. Hữu tình có khổ là đối tượng duyên của Bi. Hữu tình có vui là đối tượng duyên của Hỷ. Đó gọi là đối tượng duyên của từ bi.
Nếu có Bổ-đặc-già-la hành sân, nơi các hữu tình tu tập từ bi khiến cho sân được giảm thiểu, gọi là đối với sân hận, tâm được thanh tịnh.