DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN
SỐ 1579
QUYỂN 23
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Địa Thứ 13 : Địa Thanh Văn.
Xứ Du Già Thứ 1
Phần 3 : Địa Xuất Ly (2)
Thế nào là Căn Luật nghi?
Đó là như có một hữu tình có thể khéo an trụ, hộ trì chặt chẽ căn môn phòng giữ chánh niệm, thường thuận theo chánh niệm, cho đến nói rộng.
Thế nào gọi là hộ trì chặt chẽ căn môn? Nghĩa là phòng giữ chánh niệm, thường thuận theo chánh niệm, nói rộng cho đến giữ gìn ý căn, cùng đang tu hành luật nghi của ý căn. Như vậy gọi là hộ trì chặt chẽ căn môn.
Thế nào gọi là phòng giữ chánh niệm? Nghĩa là như có một hữu tình hộ trì nghiêm ngặt căn môn, do lực tăng thượng nên thâu nhận đa văn, tư duy tu tập. Nhờ uy lực tăng thượng của Văn, Tư, Tu, nên đạt được chánh niệm. Vì nhằm khiến cho chánh niệm đã đạt được này không quên mất, có thể hướng tới chứng đắc, không hoại mất, nên ở trong mọi thời, tức đối với đa văn hoặc tư hoặc tu, hành tác du già, siêng năng tu tập, gia hạnh không dứt, không lìa gia hạnh. do đa văn tư tu tích tập thành niệm như thế, nên trong mọi thời đều khéo có thể phòng giữ tác dụng của Du già nơi Văn tư tu chánh đáng ấy. Như vậy gọi là phòng giữ chánh niệm.
Thế nào gọi là thường thuận theo chánh niệm? Nghĩa là đối với niệm ấy thường xuyên hành tác, hành tác tinh tế. Nên biết ở đây, Hành tác thường xuyên gọi là tạo tác không gián đoạn. Hành tác tinh tế gọi là tạo tác cẩn trọng. Tức đối với hai thứ hành tác như thế gọi chung là thường thuận theo chánh niệm. Như chỗ phòng giữ chánh niệm hiện có, như vậy là đối với niệm có thể không quên mất. Như chỗ thường thuận theo chánh niệm hiện có, như vậy là đối với niệm không quên mất đạt được lực nhận giữ. Tức do uy lực của công năng như thế nên điều phục được các Trần: Sắc, Thanh, Hương Vị Xúc, Pháp.
Thế nào gọi là Niệm ngăn giữ ý? Đó là Nhãn, Sắc làm duyên sanh ra Nhãn thức. Nhãn Thức không gián đoạn sinh ra ý thức phân biệt. Do ý thức phân biệt ấy, nên đối với sắc đáng yêu thích thì sắc dẫn sinh đắm chấp. Đối với Sắc không đáng yêu thích, tức Sắc dẫn sanh ghét giận. Do sức tăng thượng của niệm như vậy, nên có thể ngăn giữ ý ấy dấy khởi phiền não, phân biệt phi lý, khiến không sanh các phiền não hiện có. Như thế, nhĩ tỷ thiệt thân, nói rộng nên biết cũng vậy. Ý pháp làm duyên sanh ra ý thức. Tức ý thức này có liên hệ với sự phân biệt phi lý cùng hiện hành, có thể dấy khởi phiền não. Do ý thức này, đối với sắc pháp đáng yêu thích thì dẫn sanh đắm chấp, đối với sắc pháp không đáng yêu thích thì dẫn sanh ghét giận.
Cũng do lực tăng thượng của Niệm như vậy, nên có thể ngăn giữ ý ấy dấy khởi phiền não, phân biệt phi lý, khiến ý không sanh phiền não hiện có. Như vậy gọi là Niệm ngăn giữ ý.
Thế nào gọi là Hành vị bình đẳng?
Vị bình đẳng: Đó là hoặc thiện hoặc Xả vô ký. Do ý dấy khởi phiền não, phân biệt phi lý đây kia đã khéo ngăn giữ rồi, nên trong việc Xả thiện Xả vô ký đã hành đúng đắn. Vì thế gọi là Hành vị bình đẳng.
Thế nào là đối với ý dấy khởi phiền não, phân biệt phi lý ấy, có thể khéo ngăn giữ? Nghĩa là đối với các Trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp không giữ lấy tưởng của chúng, không giữ lấy vẻ đẹp kèm theo, trọn không dựa vào chúng để phát sanh các tầm tư ác, bất thiện, khiến tâm nối kết lậu. Hoặc vị ấy có lúc quên mất niệm, hoặc do phiền não dấy khởi quá mạnh, nên tuy đã lìa bỏ việc giữ lấy tướng, lìa bỏ việc giữ lấy vẻ đẹp kèm theo, nhưng lại phát sanh pháp ác, bất thiện khiến tâm nối kết lậu, lúc này nên tu luật nghi. Do hai tướng ấy, nên đối với ý dấy khởi phiền não, phân biệt phi lý kia có thể khéo ngăn giữ.
Thế nào là ý này, do hai tướng ấy đã khéo ngăn giữ rồi thì chánh hành xả thiện hoặc xả vô ký? Nghĩa là, như đã nói về việc ngăn giữ Nhãn căn, cùng chính thức tu tập luật nghi của Nhãn căn. Như nói về luật nghi ngăn giữ cho Nhãn căn, việc ngăn giữ cho Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý căn, cùng chánh thức tu tập luật nghi của các căn này, nên biết cũng vậy. Do hai tướng ấy, nên trong việc xả thiện, xả vô ký, khiến ý chánh hành.
Thế nào là trong việc Nhẫn nhận thức về Sắc, không giữ lấy Tướng của Sắc ấy?
Nói giữ lấy Tướng: Nghĩa là trong trường hợp Nhãn thức tiếp cận sắc, do Nhãn thức nên giữ lấy tướng được hiện bày. Đó gọi là trong việc Nhãn nhận thức Sắc đã nắm giữ lấy hình tướng của Sắc. Nếu có thể xa lìa tướng nơi cảnh giới hiện hành của Nhãn thức như thế thì đó gọi là, ở trong việc Nhãn nhận biết Sắc, không giữ lấy tướng của Sắc. Như đối với Nhãn nhận biết về Sắc, đối với Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý nhận biết về các đối tượng thích ứng, nên biết cũng vậy.
Thế nào là trong trường hợp Nhãn nhận thức về Sắc, không giữ lấy vẻ đẹp kèm theo của Sắc?
Giữ lấy vẻ đẹp kèm theo: Tức là, trong trường hợp Nhãn nhận thức về Sắc, Nhãn thức không gián đoạn cùng sinh khởi với ý thức phân biệt nắm giữ lấy tướng nơi cảnh giới hiện hành, hoặc có thể khởi tham, hoặc có thể khởi sân, hoặc có thể khởi si. Đó gọi là trong trường hợp Nhãn nhận biết sắc, đã nắm giữ vẻ đẹp kèm theo của sắc. Nếu có thể xa lìa tướng nơi đối tượng hiện hành ấy, ở nơi đối tượng duyên đó không sanh ý thức, thì đó gọi là trong trường hợp Nhãn nhận biết về Sắc, đã không giữ lấy vẻ đẹp kèm theo của Sắc. Như thế đối với Nhãn nhận biết về Sắc, đối với Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, nhận thức về các đối tượng thích ứng, nên biết cũng vậy.
Lại có loại khác, nắm giữ lấy tướng, nắm giữ lấy vẻ đẹp kèm theo. Nói chấp giữ lấy Tướng: Đó là cảnh giới của Sắc, tại nơi chốn có thể thấy, có thể sinh khởi tác ý, chính thức hiện tiền mắt thấy các Sắc. Như thế gọi là nắm giữ lấy tướng.
Giữ lấy vẻ đẹp kèm theo: Tức là cảnh giới của Sắc tại nơi chốn có thể thấy được, có thể sinh khởi Tác ý, chính thức hiện tiền, mắt thấy Sắc rồi, nhưng vị ấy lúc trước đã từ nơi kẻ khác được nghe, khi mắt nhận biết Sắc có như vậy như vậy. Liền tùy theo chỗ nghe về danh cú văn thân ấy làm sự tăng thượng, làm chỗ dựa, trụ. Như thế, Bổ đặc già la, sĩ phu, theo chỗ nghe, nên khi mắt nhận biết về Sắc, đã có vô số phân biệt. Đó gọi là nắm giữ lấy vẻ đẹp kèm theo của Sắc. Như đối với Nhãn nhận thức về Sắc, đối với Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, nhận thức về các đối tượng ứng hợp, nên biết cũng vậy.
Lại, việc giữ lấy tướng, giữ lấy vẻ đẹp kèm theo này, hoặc có trường hợp do nhân duyên ấy, do nơi chốn dựa nương ấy, do sự tăng thượng ấy, nên phát sinh vô số pháp ác bất thiện, khiến tâm nối kết với lậu. Hoặc có trường hợp, do nhân duyên ấy, do nơi chốn nương dựa ấy, do sự tăng thượng ấy, không sanh vô số pháp ác bất thiện khiến tâm kết nối với lậu. Nếu ở trong ấy, nắm giữ lấy tướng, nắm giữ lấy vẻ đẹp kèm theo, không như chánh lý. Do nhân duyên này, do nơi chốn nương dựa này, do sức tăng thượng này, nên phát sanh vô số pháp ác bất thiện, khiến tâm nối kết với lậu. Vị ấy, tức đối với cảnh giới của loại Sắc như thế, phải xa lìa việc giữ lấy tướng và giữ lấy vẻ đẹp kèm theo.
Thế nào gọi là pháp ác bất thiện? Đó là các tham dục và các thứ hành ác nơi Thân ngữ ý do tham dấy khởi. Hoặc các sân hận, hoặc các ngu si cùng những hành ác nơi thân ngữ ý do hai thứ sân hận, ngu si phát khởi. Đó gọi là vô số pháp ác bất thiện.
Thế nào là do đấy khiến tâm nối kết với lậu?
Đó là, nếu ở nơi cảnh giới của đối tượng duyên kia có vô số tương ưng với Tâm ý thức, có thể khởi các hành của thân ngữ ý hiện có, sinh tham sâu si, hiện hành, phân tán khắp. Đó gọi là do đấy khiến tâm nối kết với lậu.
Như vậy, trong trường hợp mắt nhận thức về sắc, cho đến ý nhận thức về pháp, nếu nắm vững về tướng, nắm giữ vẻ đẹp kém theo, do đấy phát sinh vô số tạp nhiễm, vị ấy đối với việc nắm giữ kia nếu có thể xa lìa, tức không còn phát sanh vô số tạp nhiễm. Nếu do quên niệm, hoặc do phiền não hiện hành rất mãnh liệt, nên tuy ở nơi riêng vắng, nhưng vì trước đã thấy lực tăng thượng của Mắt nhận biết về sắc, hoặc trước đã thọ nhận lực tăng thượng của các căn còn lại nhận thức về các trần ứng hợp, nên đã pháp sinh vô số pháp Ác bất thiện. Vị ấy, theo chỗ pháp sinh nhưng không chấp trước, lại liền đoạn dứt, trừ bỏ, biến diệt. Đó gọi là vị ấy tu hành luật nghi. Nếu đối với Mắt nhận thức về sắc nên thúc đẩy nhãn căn, đối với các căn còn lại nhận thức về các trần ứng hợp, cũng cần thúc đẩy, phát huy, tức khiến tác ý thúc đẩy phát huy, do đấy sẽ không có các tạp nhiễm. Nhờ nhân duyên ấy, đối với các tạp nhiễm đó, Nhãn căn đã được ngăn giữ, nói rộng cho đến ngăn giữ ý căn. Như thế gọi là ngăn giữ sáu căn.
Nếu đối với Mắt trong khi nhận biết về Sắc, không cần thúc đẩy phát huy Nhãn căn hiện có, đối với năm căn còn lại, trong việc nhận thức về các trần ứng hợp, cũng không cần thúc đẩy phát huy năm căn hiện có, vị ấy ở khắp tất cả loại đều không thúc đẩy phát huy, nên khiến không tạp nhiễm. Do nhân duyên này nên đối với tạp nhiễm đó tu tập căn Luật nghi. Như thế gọi là có thể chánh thức tu hành Luật nghi của Nhãn căn, nói rộng cho đến có thể chánh thức tu hành Luật nghi của Ý căn. Nên biết như vậy là đã phân biệt rộng về Tướng của căn Luật nghi.
Thế nào là nên biết về nghĩa tóm lược ở đây?
Nghĩa tóm lược ấy, đó là hoặc chủ thể ngăn giữ, hoặc ngăn giữ như thế nào, hoặc là sự ngăn giữ chính đáng, tất cả những thứ như thế tóm lược chung là một căn gọi là căn Luật nghi.
Nay ở đây, cái gì là Chủ thể ngăn giữ? Đó là phần giữ chánh niệm, cùng chỗ tu tập luôn thuận theo chánh niệm, là chủ thể ngăn giữ.
Cái gì là đối tượng được ngăn giữ?
Đó là ngăn giữ về Nhãn căn, ngăn giữ năm căn còn lại là Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý căn, là đối tượng được ngăn giữ.
Từ nơi cái gì để ngăn giữ?
Đó là từ nơi sắc khả ái không khả ái, nói rộng cho đến từ nơi pháp khả ái, không khả ái mà chính thức ngăn giữ.
Ngăn giữ như thế nào? Tức là không giữ lấy tướng, không giữ lấy vẻ đẹp kèm theo. Nếu dựa vào nơi chốn ấy sẽ pháp sanh vô số pháp Ác bất thiện, khiến Tâm nối kết với Lậu. Tức đối với xứ ấy tu hành Luật nghi phòng giữ Căn, gọi là tu Luật nghi. Phòng giữ như vậy, Thế nào là ngăn giữ chính đáng? Đó là do chánh niệm để ngăn giữ nơi ý, hành theo vị bình đẳng. Đó gọi là ngăn giữ chính đáng.
Lại, nghĩa tóm lược: đó là, hoặc phương tiện phòng giữ, hoặc sự việc của đối tượng được phòng giữ, hoặc phòng giữ chính đáng, hết thảy được tóm lược chung là một, gọi là Căn Luật nghi. Ở đây thế nào là Phương tiện phòng giữ? Tức là phòng giữ chánh niệm, thường thuận theo chánh niệm. Mắt thấy sắc rồi không giữ lấy tướng, không giữ lấy vẻ đẹp kèm theo, nói rộng cho đến ý nhận biết pháp rồi, cũng không giữ lấy tướng, không giữ lấy vẻ đẹp kèm theo. Nếu dựa vào nơi chốn ấy, sẽ phát sinh vô số pháp Ác bất thiện, khiến Tâm nối kết với Lậu. Vị ấy, tức nơi xứ nầy phải tu hành Luật nghi phòng giữ căn, gọi là tu tập Luật nghi. Như thế gọi là phương tiện phòng giữ.
Thế nào gọi là sự việc của đối tượng được phòng giữ? Đó là từ Mắt-Sắc cho đến Ý-Pháp. Như vậy gọi là sự việc của đối tượng được phòng giữ.
Ở đây, Thế nào là sự phòng giữ chính đáng? Đó là như đã nói do chánh niệm phòng giữ nơi ý, thành theo vị bình đẳng, gọi là Phòng giữ chính đáng.
Lại, Căn Luật nghi lược nêu có hai loại:
- Thuộc về lực xét chọn.
- Thuộc về lực tu tập.
Căn Luật nghi thuộc về Lực xét chọn: Đó là đối với cảnh giới thấy rõ về lỗi lầm tai họa, nhưng không thể nơi các lỗi lầm tai họa hiện có ấy diệt trừ, đoạn dứt.
Căn Luật nghi thuộc về Lực tu tập: Đó là ở nơi cảnh giới thấy rõ về lỗi lầm tai họa, cũng có thể đối với chúng đang hiện hành ấy trừ diệt, đoạn dứt.
Lại Đức Phật Căn Luật nghi thuộc về lực xét chọn, nên ở nơi cảnh giới của đối tượng duyên, khiến phiền não ràng buộc không sinh khởi nữa, không hiện tiền trở lại. Nhưng đối với các Tùy miên nương dựa làm chỗ dựa thì không thể đoạn trừ, không thể nhổ dứt hẳn. Do Căn Luật nghi thuộc về Lực tu tập, nên ở nơi cảnh của đối tượng duyên, các phiền não tùy miên không sinh khởi nữa, không hiện tiền trở lại, trong hết thảy thời phần, các tùy miên hiện có, nương dựa, làm chỗ dựa cũng có thể đoạn trừ, cũng có thể nhổ dứt vĩnh viễn. Như vậy, hai thứ Căn luật nghi thuộc về Lực xét chọn, là thuộc về Đạo Tư lương, Căn Luật nghi thuộc về lực tu tập, nên biết là thuộc về Địa Lìa dục.
Thế nào gọi là đối với việc ăn uống biết rõ về lượng?
Tức là như có một hữu tình, do xét chọn chính đáng về việc ăn uống nên đối với chỗ ăn uống, không vì sự cuồng loạn, không vì kiêu mạn, phóng dật, không vì hào nhoáng, không vì đoan nghiêm, cho đến nói rộng.
Thế nào gọi là do xét chọn chính đáng về việc ăn uống…? Xét chọn chính đáng: Như dùng Tuệ diệu theo đấy quán xét về lỗi lầm của đoạn thực, thấy rõ lỗi lầm rồi thì sanh chán ghét sâu xa.
Thế nào gọi là quán thấy lỗi lầm? Tức đối với đoạn thực được sử dụng ấy, hoặc quán về lỗi lầm của chủng loại thọ dụng, hoặc quán về lỗi lầm của chủng loại biến dị, hoặc quán về lỗi lầm của chủng loại vội vã tìm cầu.
Thế nào là lỗi lầm của chủng loại thọ dụng? Đó là như có một hữu tình vào lúc sắp sửa ăn uống, phần đoạn thực thọ dụng với sắc hương vị xúc thảy đều đầy đủ, hết sức tinh diệu, từ đấy thức ăn được đưa vào miệng liên tục, các động thái của răng, lưỡi, cùng với nước miếng, các dịch vị nhào trộn để đưa vào yết hầu. Bấy giờ, thức ăn ấy, trước từng có tướng đẹp đẽ vừa ý, tất cả đều bỏ. Tiếp sau chúng đều chuyển thành tướng cấu uế đáng ghét, vào lúc khác sẽ chuyển thành hình trạng như biến bỏ. Bổ-đặc-già-la, sĩ phu có thể thọ thực, nếu xét niệm đúng đắn về tướng cấu uế của phần vị này, đầu tiên hãy còn không thể vui thích trụ thực, huống hồ là đối với phần vị này. Do chúng không phải là một tướng mạo, lần lượt thọ dụng với lực tăng thượng, nên khiến cho tướng định diệu của thức ăn uống kia mất đi, tướng lỗi lầm sinh khởi, thuộc về bất tịnh. Đó gọi là lỗi lầm hiện có của chủng loại thọ dụng đối với thức ăn uống.
Thế nào là lỗi lầm của chủng loại chuyển biến (Biến dị)?
Đó là các thức ăn uống ấy đã thọ dụng rồi, một phần tiêu hóa biến chuyển đến giữa đêm hoặc cuối đêm, ở trong thân đó liền có thể sinh khởi chất bổ để nuôi dưỡng làm tăng trưởng… Một phần tiếp sau biến thành chất tạp uế, hướng xuống dưới để lần lượt thải ra ngoài. Do đấy, ngày ngày luôn phải rửa ráy, hoặc nơi tay, chân hoặc các chi phần khác. Lúc tiếp xúc, mang mặc nhầm lẫn, hoặc tự hoặc tha đều sanh chán ghét. Lại do duyên ấy nên trong thân phát sinh nhiều thứ bệnh tật… Hoặc do việc ăn uống không hòa hợp, nên trong thân ấy không tiêu hóa. Đó gọi là lỗi lầm hiện có của chủng loại biến dị nơi thức ăn uống.
Thế nào là lỗi lầm của chủng loại tìm cầu?
Đó là nơi các thức ăn uống thuộc chủng loại tìm cầu có nhiều lỗi lầm. Hoặc có lỗi lầm được tạo ra do tích tập. Hoặc có lỗi lầm được tạo ra do ngăn giữ. Hoặc có lỗi lầm được tạo ra đã làm mất hết thân ái. Hoặc có lỗi lầm được tạo ra do không biết chán đủ. Hoặc có lỗi lầm được tạo ra do không tự tại. Hoặc có lỗi lầm được tạo ra do hành ác.
Thế nào gọi là đối với việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do tích tập?
Đó là như có một hữu tình, vì nhân duyên ăn uống, lúc lạnh thì bị lạnh bức bách não khổ, khi nóng thì bị nóng bức bách não khổ. Hoặc vô số sự gắng sức, khó nhọc, khổ cực nơi các nghề nông, chăn nuôi, buôn bán… Vì để đạt được hay chưa đạt được việc ăn uống hiện có, hoặc vì để tích tụ. Như vì việc ăn uống, vì duyên của việc ăn uống, nên biết cũng thế. Như vậy chỗ tạo tác công việc với những cố gắng, khó nhọc, khổ cực, nếu không thành tựu, do nhân duyên ấy nên sanh ưu sầu buồn khổ, than thở, khóc lóc… Đó gọi là nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do tích tập.
Thế nào gọi là, nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do ngăn giữ?
Đó là về chỗ tạo tác, nếu được thành tựu, vì nhân duyên giữ gìn, nên khởi lo lắng lớn: Chớ để tài sản vật báu của ta sẽ bị Vua, giặc… xâm đoạt. Hoặc bị lửa thiêu cháy, hoặc bị nước cuốn trôi. Hoặc do nghiệp ác đã tạo từ đời trước sẽ khiến bị diệt hoại. Hoặc do phương tiện tạo nghiệp phi lý nơi hiện tại sẽ khiến tan mất… Như thế gọi là, nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do sự phòng giữ.
Thế nào là nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra đã làm mất thân ái?
Đó là các thế gian, do nhân duyên ăn uống nên dấy khởi nhiều thứ tranh chấp, xâu xé. Cha mẹ, con cái, anh em chị em, bạn bè hãy còn vì chuyện uống, mà cùng nói xấu nhau, huống chi là những kẻ không thân thuộc quen biết, chỉ vì nhân duyên ăn uống mà lần lượt trở thành tranh tụng, đấu đá… Đó gọi là nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra có thể hủy hoại mọi thân ái.
Thế nào là nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do không biết chán đủ?
Đó là trường hợp các Quốc vương dòng Sát-đế-lợi thọ vị Quán đảnh không tự biết đủ đối với lãnh thổ hiện có của mình, nên dấy khởi binh đao chiến trận, gây bao chết chóc, tang thương… Đấy gọi là, nơi việc ăn uống, lỗi lầm tạo ra do không biết đủ.
Thế nào là nhân nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do không được tự tại?
Nghĩa là như có một loại hữu tình được vua sai đi chinh phạt một thành trì kiên cố, nhân gặp phải sự chống cự mãnh liệt bằng các thứ “Vũ khí” như dầu mỡ cực nóng, nước đồng sắt nung sôi để tung rảy… khiến bị dáo mác đâm chém bị thương gần chết, hoặc bị chết cả đám … Lại có những trường hợp khác cũng cùng loại như thế. Đó gọi là nhân nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do không được tự tại.
Thế nào là nhân nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do các Hành ác?
Nghĩa là như có một hữu tình, do nhân duyên ăn uống, nên tạo tác, tích tập các Hành ác của Thân, ngữ, ý, nên lúc lâm chung bị các bệnh nặng bức bách khổ sở. Vì lực tăng thượng của những hành ác ấy, nên vào cuối ngày, thấy có các ngọn núi, hoặc các đỉnh núi cao, với bóng núi rũ xuống, che phủ từ trên cao, che phủ gần, che phủ trùm khắp. Người ấy kiền nghĩ: Ta từ trước giờ, dựa nơi Thân ngữ ý, tạo ra các nghiệp, chỉ là tội lỗi, chẳng phải là phước. Nếu có cõi nào dành cho những kẻ tạo ác sẽ sanh vào đấy, ta nay nhất định sẽ sanh đến. Hối hận như vậy rồi liền qua đời. Sau đấy, tùy theo nghiệp sai biệt mà sanh vào các cõi ác như địa ngục, Bàng sanh, Ngạ quỷ. Nghư thế gọi là, nhân nơi việc ăn uống, lỗi lầm được tạo ra do các Hành ác.
Như vậy là đoạn thực, nơi các tìm cầu có các lỗi lầm. Nơi lúc thọ dụng có các lỗi lầm. Nơi khi chuyển biến có các lỗi lầm.
Lại, đoạn thực này có một ít lợi ích nổi bật. Sự việc ấy như thế nào? Đó là thân này, do ăn mà sống, do dực vào sự ăn uống mà đứng vững, chẳng phải là không có ăn uống.
Thế nào là có một ít lợi ích thù thắng?
Tức là dựa nơi ăn uống để thân trụ như thế, là trụ lâu hết mực, hoặc trải qua trăm năm, hoặc đang dẫn đến sự nuôi dưỡng, hoặc vượt quá phần ít, hoặc có trường hợp chưa đầy đủ mà mất sớm. Hoặc chỉ lo cho thân tạm trụ này hành xử chẳng phải là diệu hạnh, hoặc đối với thân tạm thời an trụ như vậy mà sanh biết đủ, chẳng phải là biết đủ tốt đẹp, cũng chẳng phải là thọ nhận công đức lợi lạc thù thắng, vô tội, viên mãn do việc ăn uống tạo ra. Nếu không chỉ lo cho thân hành tạm trụ này, cũng chẳng phải chỉ đối với thân tạm thời an trụ mà sanh biết đủ, nhưng dựa vào thân tạm thời an trụ này tu tập phạm hạnh, khiến được viên mãn, mới là diệu hạnh, cũng là sự biết đủ tốt đẹp. Lại có thể nhận lãnh các công đức lợi lạc thù thắng, vô tội, viên mãn, do việc ăn uống tạo ra … Nếu đối với những lỗi lầm của khắp hết thảy loại đoạn thực như thế, nhận biết đầy đủ rồi, do xét chọn đúng đắn nên thấy rõ lỗi lầm một cách sâu xa mà cầu xuất ly…
Lại nữa, ta nên dựa vào việc thọ dụng đoạn thực, phát khởi hạnh chân chánh như vậy như vậy, cùng đối với lượng của sự thọ dụng thấu đạt đúng như thật, tức là mạng căn của ta nhờ đấy mà nên không bị hoại diệt.
Lại, đối với việc ăn uống này không nên đắm chấp vào nẻo khổ mới có thể tùy thuận thâu nhận phạm hạnh. như vậy ta nay trụ nơi tánh Sa-môn, trụ nơi tánh xuất gia, thọ dụng việc ăn uống, thanh tịnh như pháp, xa lìa các tội. Do các tướng ấy nên xét chọn đúng đắn việc thọ dụng ăn uống.
Thế nào là đối tượng thọ thực?
Đó là bốn thứ thực (Ăn) :
- Đoạn thực.
- Xúc thực.
- Ý và tư thực.
- Thức thực.
Nay trong nghĩa ấy, ý nói về đoạn thực. Điều này là thế nào? Đó là các thứ bánh, bún, cơm, canh, cháo, tô, dầu, đường, mật… Gọi là đoạn thực.
Thế nào gọi là không vì sự cuồng loạn?
Nghĩa là như có một hữu tình ưa thích thọ dục, vì thọ nhận các dục
nên khi ăn uống, kẻ ấy suy nghĩ: Ta thọ dụng việc ăn uống là khiến cho thân được no đủ, khiến cho thân được sung mãn, vui thú, vì thế nên vào đêm sẽ cùng với các người nữ trang điểm đẹp đẽ hoan lạc thỏa thích, khoa chân múa tay, lớn lời, buông thả.
Gọi là cuồng loạn trong giáo pháp, giới luật của bậc Thánh này, nói kẻ thọ dục, là do dục tham dẫn khởi, do dâm dật dẫn khởi, với các tầm tư ác, bất thiện hiện có. Do sự việc ăn uống ấy, tức khi thọ dụng hiến các căn thảy đều lao động, khiến ý rối loạn, khiến ý không an, khiến ý chẳng tĩnh.
Nếu vì việc thọ dụng các thứ ăn uống như thế, gọi là cuồng loạn khi thọ dụng ăn uống. Các chúng Thánh đệ tử đa văn, do lực xét chọn nên thấy rõ mọi lỗi lầm , nên khéo nhận biết nẻo xuất ly mà thực hiện việc ăn uống, chẳng phải như trước nói về những kẻ thọ dục đối với việc ăn uống. Do đó gọi là không vì sự cuồng loạn.
Thế nào gọi là không vì sự kiêu mạn phóng dật? Không vì sự hào nhóang, không vì sự đẹp đẽ?
Đó là như có một Hữu tình là kẻ ưa thích thọ dục, vì thọ các dục nên khi ăn uống, kẻ ấy suy nghĩ: Ta nay phải nên thọ dụng ăn uống nhiều cho no nê, tùy theo sức, tùy theo khả năng, nên ăn uống để thân được mập mạp, đắm mình trong ca múa, đàn hát, luôn tỏ ra kiêu mạn phóng dật mà thọ dụng ăn uống… liền dùng vô số các thứ nước thơm thanh tịnh để tắm rửa nơi thân, chải chuốt tóc tai, dùng hương diệu xoa thân, mặc y phục đẹp, đeo vòng hoa cùng đủ loại vật dụng trang sức. Ở đây, việc tắm rửa, chải tóc, xoa hương gọi là tạo sự hào nhoáng. Lại dùng y phục thượng diệu, tràng hoa, vật dụng trang sức… gọi là tạo sự đẹp đẽ. Như vậy gọi chung là hào nhoáng, là đẹp đẽ để thọ dụng ăn uống.
Kẻ ấy đã kiêu mạn phóng dật, tạo sự hào nhoáng, đẹp đẽ nơi thân rồi, vào lúc giữa ngày hoặc cuối ngày, đến thời gian thọ thực, tỏ ra hết sức mong muốn, hết mực vui thích, không hề thấy lỗi lầm, tai họa, không hề biết về nẻo xuất ly. Các chúng Thánh đệ tử đa do lực xét chọn đúng đắn, nên thấy rõ những lỗi lầm, khéo nhận biết con đường xuất ly mà thực hành việc ăn uống, chẳng phải như trước nói về các kẻ thọ dục hành xử việc ăn uống.
Chỉ khởi suy niệm: “Ta nay hành xử gần với chỗ không ứng hợp. Nên hành xử ở chỗ cần đoạn trừ là việc ăn uống. Vì nhằm vĩnh viễn dứt bỏ việc ăn uống như thế!”.
Thế nào gọi là vì thân an trụ nên thọ dụng việc ăn uống?
Nghĩa là, ăn uống xong, thọ mạng được bảo tồn, chẳng phải là không ăn uống mà thọ mạng được bảo tồn, nên gọi là thân an trụ. Ta nay thọ nhận việc ăn uống hiện có nầy, nên thọ mạng được bảo tồn, sẽ không qua đời sớm, do nhân duyên ấy, nên thân được an trụ, có thể tu tập chánh hạnh, vĩnh viễn dứt bỏ các việc ăn uống.
Thế nào gọi là vì tạm ứng phó nên thọ dụng việc ăn uống?
Nghĩa là lược nói có hai thứ nuôi dưỡng để tồn tại:
- Sự nuôi dưỡng để tồn tại có khó khăn.
- Sự nuôi dưỡng để tồn tại không khó khăn.
Thế nào gọi là sự nuôi dưỡng để tồn tại có khó khăn?
Đó là thọ nhận việc ăn uống hiện có như thế là luôn tăng thêm sự khốn khổ vì đói kém, yếu đuối, bệnh nặng. Hoặc dùng phi pháp để tìm cầu việc ăn uống, chẳng phải là dùng chánh pháp. Được rồi thì ái nhiễm, tham đắm quá đáng trong việc ăn uống, chấp chặc để thọ dụng. Hoặc có trường hợp ăn uống rồi, khiến thân trở nên nặng nề, không thể gắng sức để thực hiện việc tu tập, đoạn trừ. Hoặc có trường hợp ăn uống rồi khiến tâm trì độn không mau chóng được định. Hoặc có trường hợp ăn uống rồi khiến việc thở ra thở vào, đi lại thêm khó nhọc. Hoặc có trường hợp ăn uống rồi khiến Tâm luôn bị Hôn trầm, ham ngủ nghỉ tạo sự trói buộc, nhiễu loạn. Như thế gọi là sự nuôi dưỡng để tồn tại có khó khăn.
Thế nào gọi là sự nuôi dưỡng để tồn tại không có khó khăn?
Đó là thọ nhận sự ăn uống hiện có như vậy khiến không bị đói phát ốm yếu, không có khổ cùng do bệnh nặng. Hoặc dùng chánh pháp để tìm cầu việc ăn uống, không dùng phi pháp. Đã đạt được rồi thì nhiễm không Ái, cũng không tham đắm, cố chấp để thọ dụng. Thọ dụng như thế, thân không trở nên nặng nề, có thể gắng sức nhận lãnh thực hiện việc tu tập, đoạn trừ, khiếm Tâm mau chóng đạt Tam-ma-địa , khiến cho việc thở ra vào không có khó nhọc, khiến tâm không bị trói buộc nhiễm loạn của Hôn trầm, thùy miên. Như thế gọi là sự nuôi dưỡng để tồn tại không có khó khăn.
Nếu do sự nuôi dưỡng để tồn tại có khó khăn khiến thọ mạng được bảo tồn, thân được an trụ, thì đấy gọi là có tội, có nhiễm ô.
Nếu do sự nuôi dưỡng để tồn tại không có khó khăn, khiến thọ mạng được bảo tồn, thân được an trụ, thì đấy gọi là không tội, không nhiễm ô. Các chúng Thánh đệ tử đa văn, nên xa lìa sự nuôi dưỡng để tồn tại có tội, có nhiễm ô, hành xử gần với sự nuôi dưỡng để tồn tại không tội, không nhiễm ô. Do đấy nên nói là vì ứng phó tạm nên thọ dụng việc ăn uống.
Hỏi: Thế nào là hành xử gần với sự nuôi dưỡng để tồn tại hiện có không tội, không nhiễm như trước đã nêu để tự sống còn?
– Đáp: Nếu thọ nhận việc ăn uống để dứt trừ đói khát,, để thân giữ phạm hạnh, vì để đoạn trừ sự thọ nhận cũ, vì nhằm khiến cho sự thọ nhận mới sẽ không sinh khởi nữa. Vì nhằm nuôi dưỡng để tồn tại lực ưa thích không tội, an ổn mà trụ. Như thế là hành xử gần với sự nuôi dưỡng để tồn tại hiện có không tội, không nhiễm để tự sống còn.
Thế nào gọi là vì để dứt trừ đói khát nên thọ nhận việc ăn uống?
Đó là đến thời điểm ăn uống, tức sinh nhiều đói khát, khí lực suy kém, nên trông mong nơi sự ăn uống. Vì nhằm dứt trừ việc đói khát đang vây, bức khiến khí lực suy yếu ấy, nên biết rõ về lượng mà ăn uống. Ăn uống như vậy rồi, khiến vào lúc “Phi thời” không bị vây bức do đói thiếu. Nghĩa là vào cuối ngày hoặc đầu đêm cho đến sáng hôm sau chưa tới giờ ăn. Như thế gọi là vì nhằm dứt trừ đói khát nên thọ nhận việc ăn uống.
Thế nào gọi là vì để thâu giữ phạm hạnh nên thọ nhận các thứ ăn uống?
Nghĩa là nhận biết về lượng để thọ nhận các thứ ăn uống. Do nhân duyên ấy nên người tu phẩm thiện, hoặc đối với hiện pháp, hoặc vào ngày đó, sau khi được ăn uống, thân không nặng nề, có thể gắng sức nhận giữ việc tu tập đoạn trừ, khiến tâm mau chóng đạt được Tam-mađịa, khiến cho hơi thở ra vào không hề khó khăn, khiến tâm không bị ràng buộc, nhiễu loạn vì Hôn trầm, thùy miên, do đấy mau chóng có được lực dụng, khả năng, đạt được điều chưa đạt, tiếp xúc nơi chưa tiếp xúc, chứng đắc pháp chưa chứng đắc. Như vậy gọi là vì nhằm thâu giữ phạm hạnh nên thọ nhận các thứ ăn uống.
Thế nào gọi là vì nhằm đoạn trừ thọ nhận cũ nên thọ nhận việc ăn uống?
Nghĩa là như có một hữu tình do nơi đời quá khứ ăn uống không nhận biết rõ về lượng, ăn uống không thích hợp, không tiêu hóa… Do nhân duyên ấy, nên trong thân này sanh khởi vô số các thứ bệnh tật của thân. Vì nhân duyên của vô số bệnh tật này, nên trong thân phát sinh các thứ khổ não mãnh liệt, cực nặng, tâm ý không thể chịu nổi. Do muốn dứt trừ tật bệnh như thế, cùng là dứt trừ mọi khổ thọ sinh ra từ nhân duyên ấy, nên quen gần với nhiều vị lương y, nêu bày về những lợi ích thích hợp, thuận theo thuốc men chữa trị cùng thọ dụng vô số các thứ ăn uống vừa ý. Do đấy nên có thể đoạn trừ tật bệnh đã sanh, và các khổ thọ sinh ra do nhân duyên bệnh tật kia. Như thế gọi là vì nhằm đoạn trừ thọ nhận cũ nên thọ nhận việc ăn uống.
Thế nào gọi là vì khiến cho thọ nhận mới sẽ không sinh nữa, nên thọ nhận các thứ ăn uống?
Đó là như có một hữu tình, do đời hiện tại an lạc không bệnh, khí lực đầy đủ, ăn uống không trái lượng, ăn uống luôn thích hợp, cũng không phải chẳng tiêu hóa mà lại ăn uống lần nữa, khiến nơi đời vị lai, trong việc ăn uống để trụ thân thành bệnh không tiêu. Hoặc ở trong thân sẽ sanh các thứ bệnh tật theo một thân, như ghẻ lở, hủi … như trước đã nói rộng. Do nhân duyên này sẽ sanh vô số khổ thọ nơi thân như trước đã nêu. Như thế gọi là, vì khiến cho sự thọ nhận mới sẽ không sinh nữa, nên thọ nhận sự ăn uống.
Thế nào gọi là vì sẽ nuôi dưỡng để tồn tại lực vui thích không tội lỗi, an ổn mà trụ nên thọ dụng việc ăn uống?
Là đã ăn uống rồi thì thọ mạng được bảo tồn, đó gọi là nuôi dưỡng để tồn tại. Nếu dứt trừ đói khát, suy yếu, đó gọi là Lực. Nếu đoạn trừ thọ nhận cũ, thọ mới không sinh thì gọi là vui thích. Nếu dùng chánh pháp để tìm cầu việc ăn uống, không cấu nhiễm tham ái, cho đến nói rộng, mà thọ dụng, đó gọi là không tội. Nếu ăn uống rồi, thân không trở nên nặng nề, có khả năng đảm nhận, thực hiện việc tu tập đoạn trừ, như trước đã nói rộng, như thế gọi là an ổn mà trụ. Vì vậy nên nói do xét chọn đúng đắn việc thọ dụng các thứ ăn uống, không vì cuồng loạn, không vì kiêu mạn phóng dật, không vì hào nhoáng, không vì tạo sự đẹp đẽ, cho đến nói rộng, đó gọi là biện biệt rộng về việc ăn uống luôn nhận biết về lượng.
Thế nào là nên biết trong đó tóm lược về nghĩa?
Tức là, nếu việc thọ nhận thức ăn uống, hoặc ăn uống như vậy, nên biết được gọi chung là tóm lược về nghĩa ở đấy.
Những gì là đối tượng được ăn uống? Đó là các thứ đoạn thực như bành, bún cơm, canh cháo… như đã nêu ở trước.
Làm thế nào để ăn uống? Nghĩa là xét chọn đúng đắn việc thọ dụng các thứ ăn uống, không vì cuồng loạn, kiêu mạn phóng dật… cho đến nói rộng.
Lại nữa, nên biết tóm lược nghĩa ở đây, tức là thâu nhận để đối trị, vì nhằm xa lìa hành biên dục lạc, cũng vì nhằm xa lìa hành biên tự khổ, vì để thâu giữ phạm hạnh, nên thọ nhận các thức ăn uống.
Thế nào là thâu nhận để đối trị nên thọ dụng các thứ ăn uống?
Nghĩa là như nói rõ do xét chọn đúng đắn việc thực hiện các thức ăn uống.
Thế nào là nhằm xa lìa hành biên dục lạc mà thọ nhận việc ăn uống?
Tức là như nói rõ: không vì cuồng loạn, không vì kiêu mạn phóng dật, không vì sự hào nhoáng vv mà thực hiện việc ăn uống.
Thế nào là nhằm xa lìa hành biên tự khổ nên thọ nhận việc ăn uống? Đó là như nói: vì nhằm dứt trừ đói khát, vì đoạn bỏ thọ nhận cũ, vì khiến cho thọ nhận mới sẽ không nữa, vì cần muôi dưỡng để tồn tại, hoặc sức lực hoặc sự vui thích, nên thọ nhận việc ăn uống.
Thế nào là nhằm thâu nhận phạm hạnh nên thọ dụng các thứ ăn uống? Tức là như nói: vì nhằm thâu giữ phạm hạnh, vì có được không tội lỗi, mổn mà trụ, nên thọ dụng các thức ăn uống.
Lại nữa, nên biết tóm lược nghĩa ở đây, tức có hai thứ:
- Không chỗ ăn uống.
- Có chỗ ăn uống.
Không chỗ ăn uống: Tức là tất cả loại đều không có ăn uống. Do không chỗ ăn uống, tức liền qua đời sớm.
Có chỗ ăn uống: Loại nầy có hai: Một là ăn uống bình thường. Hai là ăn uống không bình thường.
Ăn uống bình thường: Nghĩa là không ăn uống quá ít ỏi, không ăn uống quá nhiều, không ăn uống chẳng thích hợp, không ăn uống chẳng tiêu hóa, không ăn uống nhiễm ô.
Ăn uống không bình thường: Đó là, hoặc ăn uống quá ít, hoặc ăn uống quá nhiều, hoặc ăn uống không thích hợp, hoặc ăn uống không tiêu hóa, hoặc ăn uống nhiễm ô.
Nên biết ở đây, do ăn uống bình thường, không ăn uống quá ít, khiến thân đói khát suy yếu, chưa sanh thì không sanh, đã sanh rồi thì dứt hẳn. Do ăn uống bình thường, không ăn uống quá nhiều, nên thân không nặng nề, có khả năng nhận giữ việc tu tập đoạn trừ, như trước đã nói rộng. Do ăn uống bình thường, ăn uống luôn thích hợp, ăn uống luôn tiêu hóa, nên có thể đoạn trừ nhận cũ không sanh thọ nhận mới. Vì nhận duyên ấy, nên được nuôi dưỡng để tồn tại, hoặc sức lực, hoặc sự vui thích. Do ăn uống bình thường, không ăn uống nhiễm ô, nên đạt được không tội lỗi, an ổn mà trụ.
Do ăn uống quá ít, tuy bảo tồn thọ mạng, nhưng có đói, yếu, cũng có ít sự sống còn.
Do ăn uống quá nhiều, như đang gánh gánh cực nặng, đè ép nơi thân, không thể theo thời gian được ăn uống để tiêu hóa.
Do ăn uống không tiêu hóa, nên hoặc trong thân trụ, thành bệnh không tiêu hóa, hoặc sanh các bệnh khổ theo một thân. Như ăn uống không tiêu hóa, do ăn uống không thích hợp, nên biết cũng vậy. Ở đây, ăn uống không thích hợp có sai biệt: đó là trong thân tích tập các thứ lỗi lầm, do đấy lại tiếp xúc với bệnh khổ cực nặng.
Do ăn uống nhiễm ô, tức dùng phi pháp để tìm cầu các thức ăn uống rồi, có nhiễm có ái, tham đắn quá mức trong ăn uống, như trước đã nói rộng, mà thọ dụng.
Do thực hiện việc ăn uống bình thường, với sự thọ dụng ấy, cùng do xa lìa sự ăn uống không bình thường, nên nói: đối với việc ăn uống nên tạo ra sự bình thường. Tức đối với sự ăn uống đã tạo sự bình tường ấy, rộng dùng các câu để nêu bày, mở rõ, đó là nói: do xét chọn đúng đắn việc thọ dụng các thức ăn uống, không vì cuồng loạn… như trước đã nói đầy đủ, ở đây cũng nói như thế, vì thân an trụ, vì tạm thời ứng phó, do đấy nên ngăn dứt, hoàn toàn không chỗ ăn uống. Hoặc lại nói: Vì để dứt trừ đói khát, vì để thâu giữ phạm hạnh, nói rộng cho đến an ổn mà trụ. Do đấy, nên ngăn dứt việc ăn uống không bình thường.
Thế nào là ngăn dứt việc ăn uống không bình thường? Nghĩa là như nói: Vì nhằm đọan trừ đói khát, do đấy ngăn dứt việc ăn uống quá ít. Hoặc lại nói: Vì để thâu giữ phạm hạnh, do đấy nên ngăn dứt việc ăn uống quá nhiều. Hoặc lại nói: Vì để đọan trừ thọ nhận cũ, vì khiến thọ nhận mới sẽ không sanh trở lại, do đấy ngăn dứt việc ăn uống không tiêu hóa, ăn uống không thích hợp.
Hoặc lại nói: Vì phải nuôi dưỡng để tồn tại, vì cần đạt được lực dụng, do đấy hiển bày về ăn uống không quá ít, ăn uống không quá nhiều.
Hoặc lại nói: Vì cần đạt được sự vui thích, do đấy hiển bày việc ăn uống tiêu hóa, cùng ăn uống thích hợp.
Hoặc lại nói: Vì nên không tội lỗi, an ổn mà trụ, do đấy hiển bày việc ăn uống không nhiễm ô. Vì sao? Vì nếu dùng phi pháp để tìm cầu việc ăn uống, được rồi thì nhiễm, ái như trước đã nói rộng, mà thọ dụng chúng, nên gọi là ăn uống nhiễm ô, cũng gọi là có tội.
Nếu người đối với phẩm Thiện siêng năng tu tập, trụ nơi vắng lặng, tác ý về Du già, thọ trì đọc tụng, tư duy đúng nghĩa. Do vị ấy có các tầm tư Ác bất thiện, khiến tâm nối kết với Lậu, khiến tâm tương tục, tùy thuận hướng tới chỗ sắp vào mà chuyển. Do nhân duyên nầy nên không an ổn trụ.
Sự an ổn trụ ấy lại có hai loại:
- Xa lìa sự ăn uống quá nhiều. Do đấy nên thân không nặng nề, có khả năng nhận giữ việc tu tập đoạn trừ, như trước đã nói rộng.
- Đối với việc ăn uống không sanh tham đắm về vị. Do nhân duyên nầy xa lìa mọi tầm tư xấu ác, làm loạn động khiến không an ổn trụ.
Vì thế, như tất cả các câu ấy đều nhằm nêu bày mở rõ về việc ăn uống được tạo ra do sự bình thường. Như vậy gọi là tuyên thuyết đầy đủ, tóm lược về ăn uống nhận biết lượng.