DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 100

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phần Nhiếp Sự: Sự Điều Phục.
Lựa Chọn. Gồm Thâu Chung Thứ Năm

Đoạn 2:

Lại nữa, Bí-sô dựa nơi Tỳ-nại-da siêng năng tu học, đối với năm xứ nên nhận biết đúng khắp. Những gì là năm xứ? Đó là:

  1. Nhận biết khắp về sự.
  2. Nhận biết khắp về tội.
  3. Nhận biết khắp về hữu tình.
  4. Nhận biết khắp về chỗ dẫn thâu nghĩa lợi.
  5. Nhận biết khắp về chỗ tổn não.

– Thế nào là nhận biết khắp về sự? Nghĩa là năm sự như uẩn v.v…, như nơi địa Thanh văn đã nói.

– Thế nào là nhận biết khắp về tội? Nghĩa là các Bí-sô, dựa nơi Tỳ-nại-da siêng năng tu học, do năm thứ tướng nên nhận biết khắp về chỗ phạm:

  1. Nhận biết khắp về nhân duyên phạm tội.
  2. Nhận biết khắp về đẳng khởi của việc phạm tội.
  3. Nhận biết khắp về sự của tội đã phạm.
  4. Nhận biết khắp về gia hạnh của việc phạm tội.
  5. Nhận biết rõ về cứu cánh của sự phạm tội.

– Nhận biết khắp về nhân duyên phạm tội: Nghĩa là, nhân duyên hoặc là do tham, hoặc là do sân, hoặc là do si, nên đã hủy phạm các tội.

– Nhận biết khắp về đẳng khởi của việc phạm tội: Nghĩa là, hoặc có tội do thân là đẳng khởi, không phải là ngữ, tâm. Hoặc lại có tội do ngữ là đẳng khởi, không phải là thân, tâm. Hoặc lại có tội do tâm là đẳng khởi, không phải là thân, ngữ. Hoặc lại có tội do thân, do tâm là đẳng khởi, không phải là thân. Hoặc lại có tội do thân do ngữ là đẳng khởi, không phải là tâm. Hoặc lại có tội do thân do ngữ do tâm là đẳng khởi.

Không riêng do tâm đã phạm các tội phải theo xứ của kẻ khác phát lồ sám hối dứt trừ, chỉ nên thành khẩn tự phòng hộ sâu xa, như có Bí-sô phát khởi vô số tầm tư bất thiện như tầm tư dục v.v…

– Nhận biết khắp về sự của tội đã phạm: Tức là sự phạm tội lược có hai thứ:

  1. Sự của số hữu tình.
  2. Sự của số vô tình.

– Nhận biết khắp về gia hạnh của việc phạm tội: Nghĩa là tội đã phạm có hai gia hạnh:

  1. Gia hạnh của sự nghiệp là chỗ không nên làm.
  2. Gia hạnh của sự nghiệp là chỗ nên làm.

– Nhận biết khắp về cứu cánh của việc phạm tội: Nghĩa là nơi xứ ấy thiết lập phương tiện, tức đối với xứ ấy mà đạt được cứu cánh, không phải giữa chừng có sự thối chuyển. Do duyên này nên chỗ phạm gồm đủ. Các tập hợp về tội thô, tha thắng, trong nhiều phương tiện khác đã phạm vẫn trụy, ác tác. Đối với phương tiện kia và trong tự tụ mà được cứu cánh. Ở trong các phương tiện của tội vẫn trụy cũng phạm ác tác.

Bốn thứ tụ tội gọi là tội hữu dư. Tụ tội tha thắng gọi là tội vô dư.

Nếu tội đã phạm do có trí, nên gọi là không tích tập. Hoặc lại từ kẻ khác mà hiển phát, nên cũng không tích tập. Cùng với đấy trái nhau, không phải là không tích tập. nếu tội đã phạm, đã theo kẻ khác, như pháp phát lồ tạo phương tiện sám hối dứt trừ, gọi là đã hiển bày. Cùng trái nhau với đây gọi là chưa hiển bày. Nếu tội đã phạm theo phương tiện giữ lấy, sẽ sám hối, gọi là có kỳ nguyện. Cùng với đấy trái nhau, gọi là không kỳ nguyện.

Nếu tội đã phạm, chư Phật Thế Tôn, ở trong Tỳ-nại-da của Biệt giải thoát đã kiến lập là phạm, gọi là có chế lập. Cùng với đấy trái nhau, gọi là không chế lập.

Nếu tội đã phạm, hoặc căn cứ nơi một loại hữu tình, hoặc lại căn cứ nơi thời gian nhưng không quyết định, trước đã chế lập tướng chung không sai biệt, nên biết tội này gọi là đẳng liên. Cùng với đây trái nhau, gọi là phi đẳng liên.

– Thế nào là nhận biết khắp về hữu tình? Nghĩa là do năm tướng nên biết có sai biệt:

  1. Do hành có sai biệt.
  2. Do chúng có sai biệt.
  3. Do tăng giảm có sai biệt.
  4. Do chứng đắc có sai biệt.
  5. Do quan sát có sai biệt.

– Do hành có sai biệt: Nghĩa là có thể nhận biết khắp do các hành như tham v.v… có sai biệt, nên hữu tình kia có sai biệt, như nơi địa Thanh văn đã nói, nên biết về tướng.

– Do chúng có sai biệt: Nghĩa là có thể nhận biết khắp do bảy chúng như Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… khác nhau, nên hữu tình kia có sai biệt.

– Do tăng giảm có sai biệt: Nghĩa là như một loại hữu tình, hoặc là hàng quý tộc xuất gia, hoặc là từ tộc họ giàu có xuất gia, hoặc dung mạo đoan nghiêm. Còn một loại khác thì không như thế. Lại có một loại hữu tình học rộng biết nhiều, ngôn ngữ gồm đủ, đại trí đại phước viên mãn. Đối với Thi-la tịnh phòng hộ mạnh vững, ít có chỗ phạm, sanh nhiều hối tiếc, nơi phạm nơi xuất đều có thể khéo nhận biết rõ. Còn một loại khác thì không như thế. Nếu có thể nhận biết khắp các sự việc như vậy, nên biết gọi là nhận biết khắp về tăng giảm có sai biệt, nên hữu tình kia có sai biệt.

– Do chứng đắc có sai biệt: Nghĩa là có thể nhận biết khắp về bảy thứ quả vị sai biệt, từ Tùy tín hành, cho đến Câu phần giải thoát là biên sau, từ hướng, quả Dự lưu cho đến sau cùng là quả A-la-hán gồm tám thứ quả vị sai biệt.

Các loại hữu tình như thế phân biệt có sai biệt, như nơi địa Thanh văn đã biện giải về tướng.

– Do quan sát có sai biệt: Nghĩa là, hữu tình là chủ thể cử tội nên khéo quan sát đối tượng bị cử tội, sau đấy nên cử tội, tạo sự nhớ nghĩ. Tức là quán hữu tình bị cử tội ấy, đối với mình có ái kính chăng, nói rộng như nơi kinh, nên biết về tướng. Hữu tình bị phát cử cũng nên khéo xem xét kẻ là chủ thể cử tội kia, là người ngu độn, điên cuồng, cử tội phi pháp nhằm tổn hại đối với mình, nói rộng như kinh, nên biết về tướng.

Hoặc là hàng có trí, không phải là si, cuồng, với những phẩm bạch hiện có, nói rộng như nơi kinh, nên biết về tướng. Lại, đối với hữu tình đã có thể làm được công việc cử tội ấy, nên quan sát đúng đắn là vì mở bày nên cử tội chăng?

Quan sát về những sai biệt hiện có của hữu tình như thế, nên biết gọi là nhận biết khắp về hữu tình.

– Thế nào là nhận biết khắp về nghĩa lợi được dẫn thâu? Nghĩa là có thể nhận biết khắp, lược có ba thứ dẫn thâu nghĩa lợi:

  1. Dẫn thâu nghĩa lợi là lợi dưỡng của tự thân.
  2. Dẫn thâu nghĩa lợi là nêu ra tội của thân khác.
  3. Dẫn thâu nghĩa lợi là sự an lạc của Tăng già đã loại bỏ kẻ phạm giới.

– Dẫn thâu nghĩa lợi là lợi dưỡng của tự thân: Nghĩa là, nếu các lợi dưỡng thể là thanh tịnh, đó gọi là chân thật. Hoặc các lợi dưỡng thể là thanh tịnh mà có thể cần dùng, không phải là không dùng, không có tích trữ nhiều gồm đến hàng trăm tư duyên. Như thế gọi là có thể dẫn đến nghĩa lợi.

Nếu các thứ lợi dưỡng không quá thời hạn, có thể nhận thọ dụng, đó gọi là hợp thời. Nếu các lợi dưỡng, đối với các Bí-sô khác cũng đang dẫn thâu, đó gọi là có bạn. Tức loại có bạn này không phải là dẫn đến việc phá Tăng, gọi là lìa phá Tăng. Nếu nghĩa lợi là lợi dưỡng được dẫn thâu gồm đủ năm chi ấy, an trụ nơi chánh niệm, do tâm không nhiễm nên được thọ dụng.

Dẫn thâu nghĩa lợi là lợi dưỡng như thế gọi là vô tội.

– Dẫn thâu nghĩa lợi là nêu ra tội của thân khác: Nghĩa là, nếu tội đã phạm, thì kẻ kia hiện hành thật sự, đó gọi là chân thật. Nếu lại tự nhận biết, ta đã có thể khiến cho kẻ kia ra khỏi xứ bất thiện, ở yên nơi xứ thiện. Như thế gọi là có thể dẫn thâu nghĩa lợi. Nếu người nói pháp kính sự tôn trưởng, chăm sóc kẻ bệnh v.v…, lúc đang gia hạnh thì không nên cử tội. Đó gọi là hợp thời. Nếu cử tội kẻ kia, các Bí-sô khác cùng làm trợ bạn, đó gọi là có bạn. Nhân duyên ấy không phải có thể dẫn đến việc phá Tăng, như thế gọi là sự thanh tịnh thứ năm.

Nếu cự dẫn thâu nghĩa lợi là nêu ra tội gồm đủ năm chi ấy, an trụ nơi chánh niệm, tâm không nhiễm ô, như bạn lành từ ái, dùng lời nói dịu dàng, nên là dẫn thâu nghĩa lợi nêu ra tội của kẻ khác. Như dẫn thâu nghĩa lợi nêu ra tội của kẻ khác, thì dẫn thâu nghĩa lợi là sự an lạc của Tăng già đã loại bỏ kẻ phá giới, nên biết cũng như thế.

Nhưng có sai biệt: Nếu nhân nơi sự loại bỏ kẻ bị đuổi kia, không hợp với vị là chủ thể loại bỏ, gọi là chướng ngại. Hoặc không nhân đấy hủy hoại khuôn viên cư trú của Tăng chúng. Cũng không nhân đấy tổn hoại tháp miếu, cùng không tổn hại các vị đồng phạm hạnh khác. Như thế gọi là có thể dẫn đến nghĩa lợi. Cùng với đấy trái nhau, nên biết gọi là dẫn đến không nghĩa lợi.

– Thế nào là nhận biết khắp về sự tổn não? Nghĩa là có năm thứ tổn não hiện pháp, phàm phu hướng tới, kẻ ngu si hướng đến, người trí xa lìa, tuy thật sự không phải là cuồng, nhưng như kẻ cuồng tạo tác, cho đến chỉ có trở ngại xứ cuồng, đều không tăng trưởng nghĩa lợi hiện có. Những gì là năm? Đó là:

– Có một loại hữu tình thương tiếc sự chết chóc, dùng vô số môn để tự thúc giục xâm hại kẻ đã chết. Đó gọi là sự tổn não hiện pháp thứ nhất, hàng phàm phu hướng tới, cho đến nói rộng.

– Lại có một loại hữu tình may mắn có được phương tiện khác dễ sanh sống. Nhưng ở nơi ngã tư đường, nơi chợ búa lớn, cắt xẻ các chi phần, giống như thân mạng sắp dứt, tức hành tà khổ bức bách thân để tự nuôi sống mình. Đó gọi là sự tổn não nơi hiện pháp thứ hai, hàng phàm phu hướng tới, cho đến nói rộng.

– Lại có một loại hữu tình, tánh tham lam keo kiệt, bị cấu uế của sự keo kiệt che phủ, may mắn có vô số nhân duyên nuôi sống thân mạng, nhưng rất là khó khăn để cầu được sống còn. Đó gọi là sự tổn não nơi hiện pháp thứ ba, hàng phàm phu hướng tới, cho đến nói rộng.

Thế nào là cấu uế của sự keo kiệt? Tức là tám thứ cấu uế của sự keo kiệt:

  1. Cấu uế của sự keo kiệt do đời trước đã hành tập tham lam keo kiệt, không thường xuyên huệ thí.
  2. Cấu uế của sự keo kiệt do tham luyến thân mạng thuộc phẩm thượng nơi hiện pháp.
  3. Cấu uế của sự keo kiệt đối với bạn đồng phận, cùng trụ, tùy chuyển. Đối với các hữu tình không thường xuyên hành tập bi, tâm bi yếu kém.
  4. Cấu uế của sự keo kiệt do thấy phước điền ít đức, đã hủy phạm hành chân chánh.
  5. Cấu uế của sự keo kiệt do đối với các thứ tài sản vật dụng khởi tưởng khó đạt được.
  6. Cấu uế của sự keo kiệt do ba thời luôn lo sầu hối tiếc.
  7. Cấu uế của sự keo kiệt do đối với các thứ của cải, vật báu chỉ thấy công đức, không thấy lỗi lầm tai họa.
  8. Cấu uế của sự keo kiệt do hồi hướng của bố thí tà vạy.Nên biết đó gọi là tám thứ cấu uế của sự keo kiệt.

– Lại có một loại hữu tình yêu thích nơi cõi Trời, cầu được sanh nơi ấy, nhưng không nhận biết đúng như thật con đường sanh lên cõi Trời. Tự gia tăng bức hại như nhịn ăn, nhảy vào lửa, rơi xuống từ nơi núi cao v.v… Đó gọi là sự tổn não nơi hiện pháp thứ tư, hàng phàm phu hướng tới, cho đến nói rộng.

– Lại có một loại hữu tình yêu thích thanh tịnh, nhưng không nhận biết đúng như thật về con đường thanh tịnh, cho là tăng thêm pháp khổ mà được thanh tịnh, nên dùng vô số môn để tự bức hại. Đó gọi là sự tổn não nơi hiện pháp thứ năm, hàng phàm phu hướng tới, cho đến nói rộng.

Như vậy, năm thứ tổn não nơi hiện pháp, các Bí-sô dựa nơi Tỳnại-da siêng năng tu học, nên nhận biết đúng khắp, phải mau chóng xa lìa.

Lại nữa, các Bí-sô dựa nơi Tỳ-nại-da siêng năng tu học, thành tựu năm pháp, đối với người sanh tin khiến họ sanh tin tưởng, người đã sanh tin rồi khiến càng thêm tăng trưởng. Những gì là năm pháp? Đó là:

  1. Thi-la viên mãn.
  2. Chánh kiến viên mãn.
  3. Phép tắc viên mãn.
  4. Tịnh mạng viên mãn.
  5. Lần lượt xa lìa tranh chấp viên mãn.

– Thi-la viên mãn: Lược có mười thứ, như nơi địa Thanh văn đã biện giải về tướng. Nghĩa là đầu tiên tức khéo thọ trì, không chìm tụ thái quá, cũng không nổi tan thái quá, cho đến nói rộng.

– Chánh kiến viên mãn: Lược có năm loại:

  1. Tát-ca-da-kiến cùng Biên chấp kiến tăng ích đã vĩnh viễn đoạn trừ.
  2. Tà kiến tổn giảm, phi bác cho là không, đã vĩnh viễn đoạn trừ.
  3. Thủ kiến, nghĩa là các kiến thủ, giới cấm thủ đã vĩnh viễn đoạn trừ.
  4. Kiến vọng chấp về xứ an lành đã vĩnh viễn đoạn trừ.
  5. Các kiến điên đảo vọng chấp không có là có, có là không có, đã vĩnh viễn đoạn trừ.

– Phép tắc viên mãn: Cũng có năm loại. Nghĩa là sự việc nên làm dựa nơi thời gian làm việc. Hoặc sự việc nên làm dựa vào phẩm thiện. Hoặc sự việc nên làm dựa vào oai nghi. Tùy thuận phép tắc hiện có của thế gian và Tỳ-nại-da, nói rộng nên biết như nơi địa Thanh văn.

– Tịnh mạng viên mãn: Cũng có năm loại. Nghĩa là có thể xa lìa năm pháp dấy khởi tà mạng như giả trá v.v…, như nơi địa Thanh văn đã nêu, nên biết về tướng.

– Lần lượt xa lìa tránh chấp viên mãn: Lược có sáu loại. Nghĩa là lìa sáu thứ gốc của sự tranh chấp. Ở đây, sáu thứ gốc của sự tranh chấp, tức là phẫn, hận v.v…, nói rộng như nơi kinh. Lại dựa nơi sáu xứ, nên biết đã kiến lập sáu thứ gốc của sự tranh chấp:

  1. Tướng không tạo lợi ích.
  2. Ưa thích ẩn giấu lỗi lầm của mình, chấp giữ kiêu mạn.
  3. Dục ái của lợi dưỡng và sự cung kính hiện hành.
  4. Hủy phạm Giới hành tăng thượng.
  5. Hủy phạm Tâm hành tăng thượng.
  6. Hủy phạm Huệ hành tăng thượng.

Nên biết là dựa nơi xứ thứ nhất để kiến lập gốc của sự tranh chấp thứ nhất, cho đến dựa nơi xứ thứ sáu để kiến lập gốc của sự tranh chấp thứ sáu.

Lại nữa, các Bí-sô dựa nơi Tỳ-nại-da siêng năng tu học, thành tựu năm lực, đối với tất cả loại gia hạnh hiện có, ý luôn hành chân chánh.

Năm lực đó là:

  1. Lực gia hạnh.
  2. Lực ý lạc.
  3. Lực khai hiểu.
  4. Lực chánh trí.
  5. Lực chất trực.

Nếu Bí-Sô vui thích việc tu học, mọi phần thân ở trong các học đều khéo tu học đúng đắn. Lại đối với pháp học luôn hết sức cung kính, để tự điều phục, để đạt được giải thoát. Như thế nên biết gọi là lực gia hạnh. Nếu có chỗ phạm, do ý lạc nên mau chóng trở lại xuất ly. Như vậy nên biết gọi là lực ý lạc. Nếu đối với học xứ, luôn luôn thỉnh vấn các vị thọ trì ba tạng. Những sự tự yêu thích hiện có nơi các thiện nam ứng hợp với việc tu học, cũng có thể mở bày, chỉ rõ. Như thế nên biết gọi là lực khai hiểu. Từ nơi kẻ khác nghe pháp rồi, nếu ở trong ấy là chân là thật thì thâu nhận thuận hợp. Nếu ở trong ấy là Tỳ-nại-da giả trá, là chánh pháp tượng tợ, là những ngôn thuyết xấu ác trái chống với pháp tánh, thì nên nhận biết rõ đúng như thật. Tuy không đến nơi chốn của chư vị kia, đích thân thưa hỏi những điều chưa được mở bày, hiểu rõ, nhưng nhờ đa văn, nên đối với các pháp Đức Thế Tôn không ngăn cấm cũng không cho phép, có thể tự tư duy về tánh của Sa-môn là có thể tùy thuận, là có thể trái nghịch. Đã nhận biết rõ rồi, như chỗ ứng hợp có thể tu hành đúng đắn, có thể xa lìa đúng đắn. Như thế nên biết gọi là lực chánh trí. Nếu sức tin hiểu lìa các thứ dối trá, dua nịnh, tức không có phần ít phân biệt hư vọng. Không phải ở trong chỗ cho phép của phần ít, lại tăng thêm thành phần nhiều mà khởi hiện hành. Cũng không ở trong chỗ cho phép của phần nhiều lại tổn giảm thành phần ít để khởi hiện hành, tức chỗ hiện hành không tăng không giảm. Như thế, đầu tiên là tự sanh vui vẻ, sau khiến tự tha an lạc mà trụ, tu tập hành chánh, không huyễn hoặc kẻ khác. Như thế nên biết gọi là lực chất trực.

Lại nữa, dựa nơi gia hạnh đã học của Tỳ-nại-da, nên biết có năm thứ hữu tình với phẩm loại sai biệt. Nghĩa là có một loại hữu tình, ở trong Pháp-Luật thuyết giảng thiện, dựa nơi pháp xuất gia, bắt đầu phát tâm hướng tới, tuy muốn phát tâm hướng tới, nhưng chưa xuất gia liền sanh phiền não, tìm cầu dục tà, do duyên ấy bèn không xuất gia.

Lại có một loại hữu tình, đã xuất gia rồi, do phiền não dấy khởi mạnh nên cố ý phạm tội. Vì nhân duyên này nên sanh nhiều ưu hối, liền khởi phiền não, tìm cầu dục tà.

Lại có một loại hữu tình, đã xuất gia rồi, nhưng đối với pháp xuất gia không sanh vui thích, đối với việc xả bỏ pháp học sắp sửa phát sanh cùng tỏ ưu, hối đối với việc xuất gia, khởi niệm: Ta không vui thích việc xuất gia này! Kẻ kia do hai duyên, nên phát sanh phiền não, tìm cầu dục tà.

Lại có một loại hữu tình, đã xuất gia rồi, do nhân duyên khó khăn về thọ mạng, nhưng không khởi cố ý trái vượt điều đã học, cho đến trọn đời luôn yêu thích pháp xuất gia, siêng tu phạm hạnh. Vị này không do hai duyên để phát sanh phiền não tìm cầu dục tà.

Bốn thứ hữu tình như thế là loại phàm phu.

Lại có một loại hữu tình, nghĩa là các vị hữu học chưa được giải thoát. Tức ở đây làm chỗ dựa, đối với Tâm, Huệ giải thoát bậc nhất ở sau, thông tỏ thăng tiến, nhận biết rõ đúng như thật. Đó gọi là loại hữu tình thứ năm. Loại thứ năm này so với loại hữu tình thứ tư ở trước là hàng phàm phu, do khéo điều phục đối với pháp giải thoát khả ái của hàng hữu học, nên nơi phần giải thoát sau, đã thông tỏ, thăng tiến, nhưng có sai biệt. Tức nên biết, đấy là hạng đã kiến đế tích. Còn ở đây, ba thứ hữu tình trước, như chỗ ứng hợp, đã sanh phát khởi hướng đến, đã sanh ưu hối, và cùng đã sanh các phiền não hiện có, tìm cầu dục tà, phải nên trừ bỏ đúng đắn. Đối với phần giải thoát trên phải nhận biết rõ, đúng. Loại thứ tư thì chỉ đối với phần giải thoát trên thuộc giai đoạn sau, nên nhận biết rõ, đúng. Nếu có thể hành như thế thì tất cả sẽ đạt được bình đẳng bình đẳng.

Lại nữa, ở trong ba học, nên biết lược có ba thứ hành tà. Nghĩa là có một loại hữu tình, trước cầu Niết-bàn mà vui thích xuất gia. Xuất gia rồi, sau vì tham ái vị nơi diệu dục cõi Trời khiến bị trôi nổi. Chỗ thọ trì giới, hồi hướng về nẻo thiện, chỉ phòng hộ Thi-la liền sanh biết đủ. Đó gọi là hành tà thứ nhất của hữu tình ngoại kiết đối với Giới tăng thượng.

Lại có một loại hữu tình, không chỉ phòng hộ Giới liền sanh biết đủ, mà có thể hướng chứng tùy một thứ định tĩnh trên các thế gian. Nhưng ở nơi định ấy sanh nhiễm vị sâu xa, không tiến tới cầu hiện quán Thánh đế nơi phần vị trên. Đó gọi là hành tà thứ hai của hữu tình nội kiết đối với Tâm tăng thượng.

Lại có một loại hữu tình, là hàng hữu học đã kiến đế tích, do trụ nơi phóng dật, nên ở trong hiện pháp không đạt giải thoát. Nên biết đó gọi là hành tà thứ ba của hữu tình đối với Huệ tăng thượng.

Như thế là đã lược dẫn, thuận theo luận này về Ma-đát-lý-ca của cảnh trí tương ưng, điều phục, tông yếu. Ngoài ra, hết thảy tùy theo lãnh vực này đều nên nhận biết rõ.

– Phần Nhiếp sự. Sự bản mẫu: Nêu bày, biện giải, gồm thâu:

Như vậy là đã nói về Ma-đát-lý-ca của Tỳ-nại-da. Thế nào gọi là sự của Ma-đát-lý-ca? Nghĩa là, hoặc Ma-đát-lý-ca của Kinh, hoặc Mađát-lý-ca của Luật, tóm lược chung gọi là một Ma-đát-lý-ca.

Tuy lại không có Ma-đát-lý-ca riêng, nhưng vì gồm thâu tóm lược các pháp được nêu giảng xen lẫn: lưu chuyển, hoàn diệt, tạp nhiễm, thanh tịnh, nên nay lại nói về Ma-đát-lý-ca phân biệt pháp tướng.

Tụng nêu:

Nên do khác giải khác
Không tức đây thích đây
Nơi trước, lược nêu sự
Từ sau sẽ biện rộng.

Nếu có các pháp, nên vì người khác thuyết giảng, cần dùng môn khác, trước nêu lên chung, lại dùng môn khác, sau giải thích riêng. Nếu như thế, gọi là thuận chánh lý. Không phải tức môn này, trước nêu lên phần chung, trở lại dùng môn này, sau giải thích riêng.

Như trước nêu chung: Thế nào là hữu vi, sau giải thích riêng, nói: Đó là năm uẩn. Nếu như vậy, gọi là thuận chánh lý. Không phải trước nêu chung: Thế nào là hữu vi? Sau, giải thích riêng nói: Đó là hữu vi. Như thế, tất cả nên theo đấy mà hiểu rõ.

Lược do hai tướng, nên biết kiến lập Ma-đát-lý-ca phân biệt pháp tướng:

  1. Trước lược nêu bày về sự.
  2. Tức dựa vào sự được nêu bày tóm lược như thế, sau sẽ biện giải rộng.

Thế nào gọi là trước lược nêu bày về sự? Nghĩa là lược nêu về sự của phẩm Lưu chuyển, Tạp nhiễm, cùng sự của phẩm Hoàn diệt, Thanh tịnh.

Thế nào là sự của phẩm Lưu chuyển, Tạp nhiễm? Nghĩa là các sự tự tánh, chỗ dựa, đối tượng duyên, trợ bạn của sáu thức thân. Hoặc sự của uẩn, giới, xứ. Hoặc sự xứ phi xứ của các duyên khởi. Hoặc sự của ba thọ. Hoặc sự của ba đời. Hoặc sự của bốn duyên. Hoặc sự của các nghiệp. Hoặc sự của phiền não. Hoặc sự của ba cõi, như cõi Dục v.v… Hoặc sự của mười hữu, như Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu, Nalạc-ca hữu, Bàng sanh hữu, Quỷ hữu, Thiên hữu, Nhân hữu, Nghiệp hữu, Trung hữu. Do nẻo thiện nẻo ác biệt ly dục, nên sự chiêu cảm, dẫn dắt, hướng tới có sai biệt. Hoặc sự của mười một thức trụ: Nghĩa là bốn thức trụ cùng bảy thức trụ hợp chúng mà nói. Hoặc sự nơi chín chốn cư trú của hữu tình, như nơi kinh đã nói rộng. Hoặc sự của năm nẻo. Hoặc sự của bốn loài sanh. Hoặc sự của bốn thứ nhập thai. Hoặc sự của bốn thứ đạt được tự thể. Hoặc sự của bốn thứ ăn. Hoặc sự của bốn thứ ngôn thuyết. Hoặc sự của bốn pháp thọ. Hoặc sự của bốn điên đảo. Hoặc sự của Khổ đế. Hoặc sự của Tập đế. Các loại như thế, gọi là lược nêu về sự của phẩm Lưu chuyển, Tạp nhiễm?

Thế nào là sự của phẩm Hoàn diệt, Thanh tịnh? Nghĩa là sự của Diệt đế. Hoặc sự của Đạo đế. Hoặc sự của Tam-ma-địa. Hoặc sự của các trí. Hoặc sự của các công đức được dẫn ấy. Hoặc sự của bảy chánh pháp. Hoặc sự của bảy thứ tác ý, quan sát đúng đắn. Hoặc sự của ba mươi bảy pháp Bồ đề phần. Hoặc sự của bốn hành tích. Hoặc sự của bốn pháp tích. Hoặc sự của Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na. Hoặc sự của bốn tu định. Hoặc sự của ba nghiệp phước. Hoặc sự của ba học. Hoặc sự của bốn quả Sa-môn. Hoặc sự của bốn chứng tịnh. Hoặc sự của bốn Thánh chủng. Hoặc sự của ba thừa. Hoặc sự của bốn môn ký. Các loại như thế gọi là lược nêu về sự của phẩm Hoàn diệt, Thanh tịnh.

Những sự như vậy, đã được kiến lập, biện giải rộng, theo chỗ ứng hợp, như trước đã nói trong các địa kia cùng các Nhiếp phần, nên biết về tướng.

Lại, tất cả sự, nói tóm tắt gồm có năm sự:

  1. Sự của tâm.
  2. Sự của tâm sở hữu pháp.
  3. Sự của sắc.
  4. Sự của tâm bất tương ưng hành.
  5. Sự của vô vi.

Thế nào là, tức dựa nơi sự đã được nêu tóm lược như thế, sau sẽ biện giải rộng? Nghĩa là lược do bốn tướng, để biện giải rộng về sự kia:

  1. Dị môn sai biệt.
  2. Thể tướng sai biệt.
  3. Thích từ sai biệt.
  4. Phẩm loại sai biệt.

Dị môn, thể tướng, thích từ sai biệt, như nơi phần Nhiếp thích đã nói, nên biết về tướng của chúng.

Phẩm loại sai biệt lại có tám thứ:

  1. Kiến lập tánh có không có, khác không khác có sai biệt.
  2. Kiến lập giới địa có sai biệt.
  3. Kiến lập thời phần có sai biệt.
  4. Kiến lập phương sở có sai biệt.
  5. Kiến lập tương tục có sai biệt.
  6. Kiến lập phần vị có sai biệt.
  7. Kiến lập phẩm phần có sai biệt.
  8. Kiến lập đạo lý có sai biệt.

Do tám thứ sai biệt như thế, nên đối với phẩm loại sai biệt của tất cả sự, nên theo đấy mà biết rõ.

Thế nào là kiến lập tánh có-không có, khác-không khác có sai biệt? Nghĩa là nếu lược nêu có ba thứ có:

  1. Có thật.
  2. Có giả.
  3. Có thắng nghĩa.

Thế nào là có thật? Nghĩa là các pháp thuyên biểu có danh có thể đạt được, có sự có thể đạt được. Đây gọi là đối với sự vô ngại mà chuyển, không phải hoặc có lúc chuyển, hoặc có lúc không chuyển. Nên biết đó gọi là lược nói về có thật.

Như ở trong các pháp tụ như sắc v.v… kiến lập các tướng: tường thành, nhà cửa, quân binh, cây cỏ, y phục, thức ăn uống v.v… Các tướng này chỉ ở nơi tụ ấy tùy chuyển, nơi các thứ khác thì thối chuyển. Các tướng như sắc v.v… nơi tất cả xứ thảy đều tùy chuyển. Do đó, tướng ấy, nơi đối tượng giảng giải là có thật. Nên biết các tướng khác, nơi đối tượng giảng giải là có giả.

Lại có giả này lược có sáu loại:

  1. Có giả của tụ tập.
  2. Có giả của nhân.
  3. Có giả của quả.
  4. Có giả của đối tượng hành.
  5. Có giả của phần vị.
  6. Có giả của quán đãi.

– Có giả của tụ tập: Nghĩa là vì tùy thuận ngôn thuyết của thế gian dễ hiểu rõ, nên đối với tướng chung như năm uẩn v.v… kiến lập các tưởng như ngã, hữu tình, bổ-đặc-già-la, chúng sanh. Các tưởng này chỉ có thể hiển bày rõ nơi tụ này, thế nên gọi là có giả của tụ tập.

– Có giả của nhân: Nghĩa là pháp hành có thể sanh của đời vị lai, do chưa sanh, nên tuy không phải có thật, nhưng có nhân ấy sẽ có thể sanh, nên gọi là có giả của nhân.

– Có giả của quả: Đó là trạch diệt, là quả của đạo, nên không thể nói là không, nhưng chẳng phải là có thật, chỉ căn cứ nơi tất cả phiền não đã đoạn, đối với đời vị lai rốt ráo không sanh mà giả lập.

– Có giả của đối tượng hành: Nghĩa là các hành của đời quá khứ đã diệt, chỉ tạo niệm của hiện tiền về cảnh đã hành. Do đó gọi là có giả của đối tượng hành, đã lui diệt mà không phải có thật.

– Có giả của phần vị: Nghĩa là các thứ tâm bất tương ưng hành (hành không tương ưng với tâm) như sanh v.v…, như nơi ý địa ở trước đã nêu dẫn biện giải. Tức nơi các hành, do dựa vào phần có, không có của trước sau, cùng đồng loại, dị loại, phần vị tương tục để giả lập về sanh v.v… Không phải sanh v.v… này lìa các hành, ngoài ra còn có thể chân thật mà riêng có thể đạt được.

– Có giả của quán đãi: Nghĩa là hư không phi trạch diệt v.v… Hư không vô vi, phải chờ đợi các sắc hướng đến mà giả kiến lập. Nếu nơi xứ ấy, sắc hướng tới không có hư không giả nêu, không phải lìa sắc thì không có pháp được hiển bày, ngoài ra còn có riêng hư không là thể thật có thể đạt được, không phải không có chỗ hiển bày được gọi là có thật. Các hành quán đãi không cùng sanh khởi, nên ở trong đời vị lai, pháp không sanh, lập là phi trạch diệt, không sanh được hiển bày, giả nói là có, chẳng phải không sanh được hiển bày có thể nói là có thật.

– Thế nào là Thắng nghĩa? Nghĩa là ở trong ấy, hết thảy danh ngôn, tất cả sự thiết lập thảy đều vĩnh viễn đoạn trừ. Lìa mọi hý luận. Lìa các phân biệt. Theo phương tiện thiện xảo nói là pháp tánh, chân như, thật tế, không, vô ngã.

Như nơi phần thứ tư: Nẻo hành chân thật của trí làm tịnh sở tri chướng thuộc phẩm Nghĩa chân thật của địa Bồ tát đã thuyết minh, nên biết về tướng của chúng.

Cùng với trên trái nhau, nên biết là không có.

Lại do bốn thứ khác không khác, nên biết đã kiến lập tánh khác, không khác:

  1. Do đối tượng nhân khác không khác.
  2. Do chỗ dựa khác, không khác.
  3. Do tác dụng khác, không khác.
  4. Do thời phần khác, không khác.

Nếu đối tượng nhân cùng tướng khác của các pháp có sai biệt có thể đạt được, thì tướng khác này là đối với phần khác.

Nếu tướng không khác có sai biệt có thể đạt được, thì ở đây, trước và sau cùng với hiện tại không khác.

Thời phần khác: Nghĩa là tất cả hành chỉ là sát na trụ, tức sự thể này trở lại đối chiếu với tự thể, gọi là không khác. Vượt quá sau sát na, gọi là khác. Do pháp kia làm hạt giống mà pháp này được sanh, gọi là đối tượng nhận. Nếu do mất v.v…, cùng đại chủng v.v… làm chỗ dựa mà chuyển, gọi là chỗ dựa. Nếu tất cả hành đều có công năng riêng, gọi là tác dụng.

Như thế gọi là kiến lập phẩm loại sai biệt thứ nhất: Tánh cókhông có, khác-không khác.

– Thế nào là kiến lập Giới địa có sai biệt? Nghĩa là ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc có sai biệt.

Nói cõi Dục: Nghĩa là, dưới từ Vô gián, trên vượt khỏi Tha hóa, đến cung Ma la. Trong đó các hành đều nhân nơi phiền não của cõi Dục mà sanh, nơi ba đời cùng với các phiền não ấy làm chỗ nương dựa, bị chỗ tùy buộc của các phẩm thô trọng trói buộc.

Lại, trong cõi Dục, tất cả phiền não hoàn toàn chưa lìa dục, không phải thuộc về địa định. Hết thảy phiền não của cõi Sắc, Vô sắc, một phần đã lìa dục, thuộc về địa định. Tướng của phiền não khác, như trước đã nói, nên biết.

Nói cõi Sắc: Nghĩa là bốn Tĩnh lự cùng Tĩnh lự trung gian, có mười bảy địa.

Cõi Vô sắc: Nghĩa là bốn địa vô sắc, như Không xứ v.v…

– Thế nào là kiến lập thời phần có sai biệt? Nghĩa là, nơi đời quá khứ có vô gián đã diệt, có lân cận đã diệt, có lâu xa đã diệt. Nơi đời vị lai có vô gián sắp sanh, có lân cận sẽ sanh, có lâu xa sẽ sanh. Nơi đời hiện tại có sát na hiện tại, có chúng đồng phận hiện tại, có tương tục hiện tại chưa diệt.

– Thế nào là kiến lập phương sở có sai biệt? Nghĩa là các pháp có sắc, dựa nơi xứ sở nên có được phương sở xa gần có sai biệt. Các pháp không sắc, do không sắc nên không dựa vào xứ sở. Nếu nương nơi pháp sắc mà được sanh khởi, tức nơi xứ ấy gọi là có phương sở. Đây là do chuyển tướng, không phải căn cứ vào xứ sở. Các pháp có sắc thì do đủ hai thứ.

– Thế nào là kiến lập tương tục có sai biệt? Nên biết tương tục lược có bốn thứ. Do căn cảnh của tự tha có sai biệt nên lập bốn thứ tương tục:

  1. Tương tục của tự thân.
  2. Tương tục của tha thân.
  3. Tương tục của các căn.
  4. Tương tục của cảnh giới.

Bốn thứ tương tục trên, hai là giả kiến lập, hai là nghĩa chân thật.

– Thế nào là kiến lập phần vị có sai biệt? Nghĩa là, phần vị khổ, phần vị lạc, phần vị không khổ không lạc, tức các pháp có thể thuận theo ba thọ.

– Thế nào là kiến lập phần Phẩm có sai biệt? Nên biết là kiến lập về hai phẩm chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị có sai biệt. Nghĩa là pháp nhiễm, không nhiễm. Pháp thấp kém thắng diệu. Pháp thô tế. Pháp nhận giữ không nhận giữ. Pháp có sắc, không sắc. Pháp có kiến, không kiến. Pháp có đối, không đối. Pháp hữu vi, vô vi. Pháp hữu lậu, vô lậu. Pháp có tranh, không tranh. Pháp có ái vị, không ái vị. Pháp dựa nơi tham đắm, dựa nơi xuất ly. Pháp thế gian xuất thế gian. Pháp lệ thuộc, không lệ thuộc.

Nên biết ở đây do năm nhân duyên nên kiến lập pháp nhiễm:

  1. Ở trong ba thọ, theo chỗ thích hợp, bị tạp nhiễm.
  2. Có thể thâu nhận khắp tánh thô trọng của các phẩm phiền não.
  3. Có thể thâu nhận khắp quả phi ái của hiện pháp và vị lai.
  4. Có thể nối liền khắp kiết sanh tương tục.
  5. Có thể tạo chướng ngại khắp đối với tất cả pháp thiện cùng nơi sở tri chướng, trí sanh.

Do nhân duyên ấy nên gọi là pháp nhiễm.

Cùng với đấy trái nhau, nên biết rõ là tướng của pháp không nhiễm. Pháp không nhiễm này lược có hai loại, là thiện và vô ký. Do bất tịnh của hôi thối rữa nát, cùng bất tịnh của phiền não, nên gọi là bất tịnh. Do ở trong ấy, các thọ hiện có thảy đều là khổ, nên gọi là khổ. Do tánh vô thường nên gọi là không chắc chắn. Nếu do đạo lý của Thắng nghĩa như thế, tánh là bất tịnh, tánh là khổ, tánh là không chắc chắn. Tánh ấy xấu, uế, gọi là thấp kém. Vượt quá nơi ấy, nên biết là thắng diệu.

Lại, cùng đối đãi, nên hai tướng thấp kém, thắng diệu có sai biệt. Nghĩa là, đối nơi cõi Sắc thì cõi Dục là kém. Đối nơi cõi Vô sắc thì cõi Sắc là kém. Nếu so với Niết-bàn thì ba cõi đều là kém. Các loại như thế phải nên nhận biết rõ.

Nhỏ, rõ có sai biệt. Tịnh, uế có sai biệt. Thế, dụng có sai biệt. Nên biết đã kiến lập sự thô tế của nẻo sắc. Phẩm loại như hạ, trung v.v… có sai biệt, nên biết đã kiến lập phần thô tế hiện có của các pháp không sắc.

Lại, pháp có sắc, pháp không sắc, do lý của Thế tục đế, của Thắng nghĩa đế, dễ hiểu rõ, khó hiểu rõ, nên biết hai thứ thô tế có sai biệt. Nhỏ (vi) là tụ cực nhỏ. Rõ (trước) là tụ còn lại. Tịnh là trung hữu, tụ sắc của địa trên. Uế là hữu còn lại, tụ sắc của địa dưới.

Nói thế, dụng: Nghĩa là, nếu xứ ấy có thế dụng tăng mạnh như địa đại v.v…, tuy so với tụ khác, về lượng của vật là bằng, nhưng có thể hơn các vật thô hiển khác có thể đạt được.

Phẩm loại như hạ, trung v.v… có sai biệt: Nghĩa là các thọ như lạc v.v…, các pháp như tín v.v…, có phẩm loại thượng trung hạ sai biệt.

Pháp nhận giữ: Nghĩa là các pháp sắc là chỗ nắm giữ của tâm, tâm sở. Do nhờ dựa vào chúng, nên tâm, tâm sở chuyển nơi sự an nguy đồng.

Đồng an nguy: Do tâm, tâm sở nhận giữ lực, nên sắc kia không đoạn, không hoại, không hư nát. Tức do sắc được nhận giữ như thế, hoặc lúc suy tổn, hoặc lúc gồm thêm, tâm, tâm sở kia cũng theo đấy mà giảm, tăng. Cùng với đây trái nhau, gọi là pháp không nhận giữ.

– Nói có sắc: Nghĩa là có thể dựa vào phương sở.

– Nói vô sắc: Nghĩa là không dựa vào phương sở. Đây là căn cứ nơi sự lãnh nạp, lưu chuyển của đối tượng duyên để nêu đặt, kiến lập.

– Nói hữu kiến: Nghĩa là nếu các sắc có thể làm nhãn thức cùng chỗ dựa, chỉ bày tại đây kia, sáng rõ hiện tiền. Cùng trái với đấy, gọi là vô kiến.

– Nói có đối: Nghĩa là nếu các sắc có thể ngăn ngại kẻ khác trông thấy, ngăn ngại việc lui tới, qua lại của kẻ khác. Cùng với đây trái nhau, gọi là không đối.

– Nói hữu vi: Nghĩa là có sanh diệt, hệ thuộc, nhân duyên. Cùng với đây trái nhau, nên biết là vô vi.

– Nói hữu lậu: Nghĩa là nếu các pháp do các lậu sanh ra, là chỗ tùy buộc của các lậu thô trọng, tương ưng với các lậu, là đối tượng duyên của các lậu, có thể sanh ra các lậu, là nơi chốn nương dựa của các lậu trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Cùng với đây trái nhau, nên biết là vô lậu. Có thể kết hợp, làm nhân sanh các khổ như sanh v.v… của vị lai, nên ở trong hiện pháp là tánh có tội, gọi là có tranh. Cùng với đấy trái nhau, gọi là không tranh. Tự thể của môn nội thuận theo ái nhiễm, gọi là có ái vị. Cùng trái với đấy, gọi là không ái vị. Cảnh giới của môn ngoài thuận theo ái chấp, gọi là dựa nơi tham đắm. Cùng với đấy trái nhau, gọi là dựa nơi xuất ly.

Nếu pháp là hữu lậu, có tranh chấp, có ái vị, dựa nơi tham đắm, tất cả như thế gọi là thế gian. Nếu có thể đối trị chúng, dựa nơi Thế tục đế phát khởi tục trí thì pháp được dẫn dắt cũng gọi là thế gian. Cùng với đấy trái nhau, gọi là xuất thế gian.

Nếu các thế gian thì gọi là pháp lệ thuộc, gắn chặt với khí thế giới, hữu tình, thuộc về thế gian dục, sắc, vô sắc.

Nếu xuất thế gian thì không phải là pháp lệ thuộc, không gắn chặt, không thuộc về thế gian như trước đã nói.

– Thế nào là kiến lập đạo lý có sai biệt? Nghĩa là có bốn đạo lý:

  1. Đạo lý tương đãi.
  2. Đạo lý chứng thành.
  3. Đạo lý tác dụng.
  4. Đạo lý pháp nhĩ.

Phân biệt về đạo lý có sai biệt như thế, như nơi địa Thanh văn đã nêu rõ, nên nhận biết về tướng của chúng.

Như vậy, tám thứ phẩm loại sai biệt, cùng với dị môn, thể tướng, thích từ có sai biệt như trước đã nói, nên biết, như chỗ nêu bày rộng lược trong tất cả sự, có thể biện giải rộng, đúng.

Lại nữa, tụng nêu:

Đầu, tụ cùng gồm thâu
Tiếp theo là thành tựu
Tự tánh cùng với nhân
Sau, nói rộng về địa.

Có chín tụ pháp, gồm thâu tất cả pháp. Những gì là chín? Đó là:

  1. Tụ của pháp thiện.
  2. Tụ của pháp bất thiện.
  3. Tụ của pháp vô ký.
  4. Tụ của pháp do kiến đạo đoạn.
  5. Tụ của pháp do tu đạo đoạn.
  6. Tụ của pháp không đoạn.
  7. Tụ của pháp tà tánh định.
  8. Tụ của pháp chánh tánh định.
  9. Tụ của pháp bất định.

– Tụ của pháp thiện v.v…, quảng diễn như nơi ý địa đã biện biệt về tướng.

– Tụ của pháp do kiến đạo đoạn: Nghĩa là tất cả kiến. hoặc dựa nơi các kiến như Tham-sân-si mạn. Hoặc nghiệp của nẻo ác. Hoặc đối với các đế do dự, nghi v.v…

– Tụ của pháp do tu đạo đoạn: Nghĩa là hết thảy các pháp còn lại nên đoạn trừ.

– Tụ của pháp không đoạn: Nghĩa là pháp vô lậu.

– Tụ của pháp tà tánh định: Là nghiệp vô gián cùng đoạn thiện căn.

– Tụ của pháp chánh tánh định: Là các pháp hiện có của hàng hữu học, vô học.

– Tụ của pháp bất định: Là pháp phi học phi vô học còn lại.

Nên biết ở đây, tự tánh của các pháp hiện có cùng gồm thâu tha tánh tương ưng.

Hoặc có một loại hữu tình, thành tựu pháp thiện và pháp vô ký, không phải là pháp bất thiện, nghĩa là các Thánh giả đã lìa dục tham, cùng hàng phàm phu ấy đã trừ bỏ pháp chủng tử.

Hoặc có một loại hữu tình, gây tạo pháp bất thiện và vô ký, không phải thành tựu các pháp thiện. Nghĩa là các hữu tình đoạn thiện căn, trừ pháp chủng tử. Không có trường hợp thành tựu pháp thiện và pháp bất thiện, không phải là pháp vô ký. Hoặc chỉ bất thiện hoặc chỉ vô ký mà có thể đạt được.

Lại, ở trong ấy, nên biết các pháp như chỗ ứng hợp, hoặc được hoặc xả. Nghĩa là có một loại hữu tình, do thọ nhận các thọ, hoặc xả chỗ thọ nhận, hoặc suy cầu tà vạy, hoặc suy cầu đúng đắn, hoặc chuyển hình, hoặc theo pháp như thế, hoặc lìa dục, hoặc gia hạnh, hoặc thối thất, hoặc được quả, hoặc chết sống, mà có được xả. Như pháp luật nghi Biệt giải thoát, do thọ nhận chúng nên được, do xả chúng nên xả. Hoặc các pháp thiện, do suy cầu tà vạy nên xả, do suy cầu đúng đắn nên được.

Do chuyển hình nên xả luật nghi của Bí-sô, hoặc luật nghi của Bí-sô-ni. Tùy được một loại nơi hai hình sanh, tất cả đều vĩnh viễn xả. Do pháp như thế, nên lúc thế gian hoại, có thể nhập vào pháp như thế là Tĩnh lự đã đạt được.

Do lìa dục, nên có thể đạt được pháp thiện hiện có của địa trên.

Do gia hạnh, nên có thể phát khởi, dựa vào công đức được nêu dẫn, khiến chúng hiện tiền.

Do thối thất, nên trở lại được các pháp thấp kém lúc trước.

Do được quả, nên xả các pháp thế gian, được pháp xuất thế gian cùng pháp thiện của thế gian về sau được sáng, sạch.

Do chết sống, nên hoặc sanh nơi thời dưới, đạt được pháp thiện sanh đắc cùng các pháp bất thiện, vô ký. Hoặc sanh nơi thời trên, thì chỉ đạt được pháp thiện và pháp vô ký.

Các thứ đã xả, như chỗ thích hợp, cũng theo đấy nhận biết rõ. Không có cùng trái nhau. Các tâm, tâm sở cùng tương ưng và cùng gồm thâu. Tức hành của sát na này, trở lại hợp với sát na ấy.

Lại, không có tất cả các hành sanh tử là pháp có thể vĩnh viễn đoạn trừ.

Lại, không có các hành, trước chưa từng sanh, đột nhiên khiến khởi.

Lại, tất cả hành đều là sát na sanh. Sau sát na sanh tất không dừng trụ, thành các hành một sanh, một trụ, một diệt.

Lại, tất cả pháp với mỗi mỗi tự tánh, không có tự tánh thứ hai có thể đạt được.

Lại, nhất định không có hai pháp đồng loại, một lúc tương ưng. Tức do tự tánh thứ hai không có.

Lại, không phải một pháp có hai thứ tác dụng của tướng trái, khác.

Lại, tất cả hành dựa nơi kẻ khác chuyển mà không tự dựa.

Lại, không phải tự tánh cùng với tự tánh kết hợp, cũng không tùy chuyển.

Lại, không phải tức tâm của một kỳ sát na này cùng với tâm của sát na ấy làm đối tượng duyên.

Lại, không phải tức tự tánh của sát na này, cùng với tự tánh của sát na ấy làm nhân, cũng không phải sanh sau làm nhân cho sanh trước, cũng không phải đồng loại làm nhân cho dị loại. Như bất thiện đối chiếu với thiện, thiện đối chiếu với bất thiện mà tạo nhân quả dị thục, vô ký, nói rộng về địa.

Tụng nêu:

Đầu, các địa nương dựa
Tiếp, đế trí gia hạnh
Tam-ma-địa, căn, đạo
Tu tập hành đối trị
Pháp hữu lậu, vô lậu
Các quả, các nhân duyên
Lập Bổ-đặc-già-la
Sau: Biến tri, cứu cánh.

Có chín thứ địa. Đó là:

  1. Địa tư lương.
  2. Địa phương tiện.
  3. Địa quán hành.
  4. Địa kiến.
  5. Địa tu.
  6. Địa hữu học.
  7. Địa vô học.
  8. Địa Thánh giả.
  9. Địa phàm phu.

Trước tiên nên tích tập tư lương (hành trang) xuất thế gian. Thứ đến, vì nhằm dứt hết các lậu nên siêng năng tu tập phương tiện. Tiếp theo, lúc tu tùy thuận phần quyết trạch, là chánh quán các đế. Tiếp đến là có thể chứng nhập chánh tánh ly sanh. Sau đấy, lần lượt chứng bốn quả Sa-môn. Ở đây, ba quả trước là địa hữu học, quả thứ tư là địa vô học.

Chứng ly sanh rồi, tất cả đạo thăng tiến dần của thế gian, gọi là địa tu, tức gồm thâu chung về kiến. Địa học, vô học gọi là địa Thánh giả. Hết thảy địa còn lại ở đây gọi là địa phàm phu. Nghĩa là, hoặc chưa tu gia hạnh, hoặc đã tu gia hạnh, hoặc đã lìa dục. Tất cả hàng phàm phu lại có chín chỗ dựa, có thể dứt hết các lậu. Những gì là chín? Đó là: Định vị trí, hoặc Tĩnh lự một, Tĩnh lự trung gian, ba Tĩnh lự còn lại cùng ba vô sắc, trừ hữu thứ nhất.

Lại có bốn Thánh đế, có thể làm tịnh hết trú xứ của hoặc.

Lại có mười trí, có thể nhận biết tất cả cảnh giới của đối tượng nhận thức. Nghĩa là: Pháp trí, Loại trí, Thế tục trí, Tha tâm trí, hoặc bốn trí như Khổ, Tận trí, Vô sanh trí. Phân biệt rộng các trí này, như nơi địa Thanh văn.

Lại, sư Du già có năm gia hạnh:

  1. Vì nhằm chứng nhập chánh tánh ly sanh.
  2. Vì chứng đắc quả trên.
  3. Vì tăng tiến lìa dục.
  4. Vì nhằm chuyển y.
  5. Vì dẫn đạt công đức.

Lại có ba thứ Tam-ma-địa của Du già:

  1. Tam-ma-địa không.
  2. Tam-ma-địa vô nguyện.
  3. Tam-ma-địa vô tướng.

Lại có ba thứ căn của tất cả hành hướng trụ quả:

  1. Vị trí dục tri căn: Là căn của hành hướng quả Dự lưu.
  2. Dĩ tri căn: Là căn của quả Dự lưu trở lên, cho đến hành hướng quả A-la-hán.
  3. Cụ tri căn: Là căn trụ nơi quả A-la-hán.

Lại có chín đạo. Đó là:

  1. Đạo thế gian.
  2. Đạo xuất thế gian.
  3. Đạo gia hạnh.
  4. Đạo vô gián.
  5. Đạo giải thoát.
  6. Đạo thắng tiến.
  7. Đạo phẩm hạ.
  8. Đạo phẩm trung.
  9. Đạo phẩm thượng.

– Đạo thế gian: Nghĩa là do đạo này nên có thể chứng đắc việc đoạn trừ các phiền não thế gian, hoặc không chứng đoạn, có thể đi đến nẻo thiện hoặc đi đến nẻo ác.

– Đạo xuất thế gian: Nghĩa là do đạo này nên có thể chứng đắc việc đoạn trừ rốt ráo các phiền não.

– Đạo gia hạnh: Nghĩa là vì đoạn trừ hoặc nên siêng tu gia hạnh.- Đạo vô gián: Nghĩa là đang đoạn trừ hoặc.

– Đạo giải thoát: Nghĩa là tâm đoạn vô gián, đạt được giải thoát.

– Đạo thắng tiến: Nghĩa là từ đấy về sau, phát khởi gia hạnh thù thắng.

– Đạo phẩm hạ: Nghĩa là có thể đối trị phiền não phẩm thượng.

– Đạo phẩm trung: Nghĩa là có thể đối trị các phiền não thuộc phẩm trung.

– Đạo phẩm thượng: Nghĩa là có thể đối trị các phiền não thuộc phẩm thượng.

Lại có bốn thứ đối trị:

  1. Đối trị do chán hoại.
  2. Đối trị do đoạn dứt.
  3. Đối trị do nhận giữ
  4. Đối trị do phần xa.

Lại có mười sáu hành tướng. Nghĩa là quán các đế là vô thường v.v…, như trước đã biện biệt.

Lại có tám thứ tu tập như thế, đối trị hành tướng như thế.

Tu tập như thế, như nơi địa định cùng địa Thanh văn ở trước đã nói, nên quán về tướng của chúng.

Lại có hai phẩm gồm thâu tất cả pháp:

  1. Pháp hữu lậu.
  2. Pháp vô lậu.

Hai pháp này, nên biết như trước đã biện giải.

Lại có năm quả:

  1. Quả dị thục.
  2. Quả đẳng lưu.
  3. Quả ly hệ.
  4. Quả sĩ dụng.
  5. Quả tăng thượng.

Lại có mười nhân:

  1. Nhân tùy thuyết.
  2. Nhân quán đãi.
  3. Nhân khiên dẫn.
  4. Nhân nhiếp thọ.
  5. Nhân sanh khởi.
  6. Nhân dẫn phát.
  7. Nhân định dị.
  8. Nhân đồng sự.
  9. Nhân tương vi.
  10. Nhân bất tương vi.

Lại có bốn duyên:

  1. Duyên nhân.
  2. Duyên đẳng vô gián.
  3. Duyên sở duyên.
  4. Duyên tăng thượng.

Tất cả quả, nhân cùng duyên như thế, như nơi địa Bồ tát v.v… đã biện giải về tướng.

Lại có bảy loại hữu tình: Nghĩa là Tùy tín hành v.v…

Lại có sáu loại A-la-hán: Nghĩa là A-la-hán thối pháp v.v…

Lại có tám loại hữu tình: Là kiến lập hành bốn hướng cùng trụ bốn quả, nên biết như nơi địa Thanh văn đã nói.

Lại có sáu thứ biến trí:

  1. Biến trí của địa bất định nơi đế hữu lậu.
  2. Biến trí của địa định nơi đế hữu lậu.
  3. Biến trí của đế vô lậu vô vi.
  4. Biến trí của đế vô lậu hữu vi.
  5. Biến trí về kiết thuận hạ phần.
  6. Biến trí về kiết thuận thượng phần.

Lại có hai thứ cứu cánh:

  1. Cứu cánh của trí.
  2. cứu cánh của đoạn.

– Cứu cánh của trí: Nghĩa là trí tận, trí vô sanh. Từ đấy trở về sau vì đoạn trừ các phiền não nên không còn nhận thức nữa.

– Cứu cánh của đoạn: Nghĩa là các phiền não được đoạn trừ rốt ráo khắp. Do sự đoạn trừ ấy nên cứu cánh viên mãn, chứng đắc Tâm giải thoát và Huệ giải thoát.

Như thế là đã lược dẫn các thứ tông yếu hiện có của Ma-đát-lý-ca tương ưng với cảnh trí thuận theo luận này. Ngoài ra, tất cả tùy nơi lành vực này, đều nên nhận biết rõ. Hết thảy Ma-đát-lý-ca biến hành, như nơi phần Nhiếp thích đã nêu bày, nên biết về tướng.

Giáo pháp của Đức Như Lai, về số lượng là vô hạn lượng, sao có thể đi đến tận cùng cái vô biên nơi bờ kia? Tùy theo lãnh vực này, tùy theo sự dẫn phát này, tùy theo nghĩa lý sâu xa này, các bậc thông huệ, đối với tất cả các thứ còn lại, nên tầm tư đúng đắn, nên nhận biết rõ, đúng./.