điên đảo

Phật Quang Đại Từ Điển

(顛倒) Phạm: viparìta, viparyàsa. Gọi tắt: Đảo. Chỉ cho cái thấy điên đảo, trái với đạo lí vốn chân thực, như vô thường cho là thường, khổ cho là vui v.v… Về cách chia loại vọng kiến điên đảo, các kinh luận nói không giống nhau. 1. Cứ theo kinh Thủ lăng nghiêm quyển 7 và Đại minh tam tạng pháp số quyển 8, thì điên đảo có 2 loại: a) Chúng sinh điên đảo: Chúng sinh không biết rõ chân lí, bị phiền não làm mê mờ. b) Thế giới điên đảo: Chúng sinh mê muội bỏ mất chân tính, ở trong cảnh giới hư dối khởi lên cái thấy điên đảo. 2. Cứ theo kinh Ấm trì nhập quyển thượng, kinh Đại tập pháp môn quyển hạ, kinh Đại phẩm bát nhã quyển 11 và kinh Thất xứ tam quán nói, thì điên đảo có ba loại: a) Tưởng điên đảo: Nhận thức sai lầm đối với mọi hiện tượng. b) Kiến điên đảo: Thấy biết sai lầm. c) Tâm điên đảo: Tâm hư vọng đưa đến nhận thức sai lầm và kiến giải sai lầm. 3. Cứ theo Niết bàn (bản Nam) quyển 2, 7, luận Đại tì bà sa quyển 104, luận Đại trí độ quyển 31 và Đại thừa nghĩa chương quyển 5 phần cuối, thì điên đảo có bốn loại thuộc hữu vi và bốn loại thuộc vô vi. a) Bốn điên đảo hữu vi: Phàm phu không rõ chân tướng của thế gian (thế giới mê vọng) nên cho vô thường là thường, cho khổ là vui, cho bất tịnh là tịnh, cho vô ngã là ngã. b) Bốn điên đảo vô vi: Bậc Thanh văn, Duyên giác, đối với 4 điên đảo hữu vi tuy đã có chính kiến, nhưng lại lầm cho cảnh giác ngộ là thế giới diệt hết, nên không biết Niết bàn là thường, lạc, ngã, tịnh. Tám thứ vọng kiến trên đây gọi chung là 8 điên đảo, hoặc 8 đảo. 4. Cứ theo luận Du già sư địa quyển 8 và Du già sư địa luận lược toản quyển 3, thì điên đảo có 7 loại: Tư tưởng điên đảo, Thấy biết điên đảo, Tâm trí điên đảo, Vô thường cho là thường, Khổ cho là vui, Bất tịnh cho là tịnh, Vô ngã cho là ngã… Bảy điên đảo này tức là 3 điên đảo và 4 điên đảo nói trên gộp chung lại. Ngoài ra, trong Nhân vương kinh sớ quyển hạ, ngài Viên trắc nêu ra 4 điên đảo là thường, lạc, ngã, tịnh và 6 điên đảo là tham, sân, si, nhân quá khứ, quả vị lai, nhân quả hiện tại, hợp thành 10 điên đảo. Đồng thời, ngài chủ trương dùng pháp quán 4 niệm xứ diệt trừ 4 điên đảo, dùng pháp quán 3 thiện căn diệt trừ 3 độc tham, sân, si và pháp quán tam thế diệt trừ sự chấp trước 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Lại nữa, theo kinh Đại tập pháp môn quyển thượng, thì bốn điên đảo hữu vi, mỗi loại lại có ba điên đảo: Tưởng, Tâm, Kiến, tổng cộng là 12 điên đảo. [X. kinh Hoa nghiêm (60 quyển) Q.10; kinh Pháp hoa Q.6; kinh Vô lượng thọ Q.hạ; luận Câu xá Q.19; Vãng sinh luận chú Q.thượng; Tuệ lâm âm nghĩa Q.15].