ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
KHOA CHÚ
地藏菩薩本願經
科注
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

 

Lời tựa cho bộ Địa Tạng Kinh Chú

          Địa Tạng Kinh Chú do Vận Hà Thừa Công, hiệu Thanh Liên pháp sư trước tác. Anh Ngài là hòa thượng Ngu Sơn thâm giao với tôi đã lâu; do vậy, Ngài sai tôi viết lời tựa. Tôi tự nghĩ mình trọn chẳng thông thạo kinh sách nhà Phật, một khi miễn cưỡng dùng những lời lẽ mình không quen thuộc để viết lời Tựa, há chẳng mâu thuẫn với ý chỉ chân thành từ những lời lẽ trau chuốt do Sư đã viết ư? Lại nhớ thuở tráng niên, tôi từng theo tiên phụ đến thăm ngài Ngu Sơn, gặp đúng dịp thầy Vận Hà cũng đến thăm anh mình. Vì thế, có dịp tiếp xúc mấy đêm, thưa hỏi lẽ vô cùng. Cha tôi hết sức khen ngợi Sư là bậc học rộng, căn cơ viên đốn, cười bảo ngài Ngu Sơn: “Cổ nhân ca ngợi Vô Trước và Thiên Thân, anh em hòa thượng chẳng lẽ không giống như vậy hay sao?” Tới nay, thoáng chốc đã hơn ba mươi năm, nhớ lại thuở ấy, hội Linh Sơn vẫn nghiễm nhiên chưa tan, khôn ngăn nỗi buồn thương chưa báo đáp ân cha mà đã côi cút. Ngài Ngu Sơn lại kể lời ngài Vận Hà tự thuật [nguyên do soạn bộ chú giải ấy]: “Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh là hiếu kinh do đức Phật đã nói. Do tự than thở đã lo du phương tham phỏng bao năm, lỡ dịp phụng dưỡng song thân, bèn chú giải kinh này để tạo phước trong cõi âm [cho cha mẹ]”. Tôi đang ôm nỗi buồn đau suốt kiếp, do nghe lời ấy, bèn nghẹn ngào, khóc lóc thất thanh, phủ phục dưới đất chẳng thể dậy nổi!

          Trong bài Nguyên Đạo, ông Hàn Xương Lê (Hàn Dũ) chỉ dùng những chuyện hành xử thường nhật thuộc về nhân luân để tranh biện về hai giáo (Nho và Phật), cho rằng “Nho có chuyện ấy (đạo hiếu), mà giáo kia (đạo Phật) thì bỏ sót; đạo Nho thông suốt chuyện này, còn đạo Phật thì khuất lấp”. Cũng như trong bài “Dữ phù đồ Văn Sướng Tự” (lời tựa cho tác phẩm của nhà sư Văn Sướng), ông ta lại còn biện định: “Có những kẻ mang tiếng là Nho sĩ mà hành theo Mặc Tử, có những kẻ theo thuyết Mặc Tử mà hành xử theo đạo Nho”. Nay thầy Vận Hà ngoài việc du phương [tham học], còn biết đến cội gốc, mong có cái để báo đền đạo hiếu, bèn sưu tập rộng rãi, sáng tối chẳng mệt. Kinh Thi có câu: “Túc mị, dạ hưng, vô thiểm nhĩ sở sanh” (Dậy sớm, thức trễ; chẳng làm chuyện gì khiến đấng sanh ra ta phải hổ thẹn). Tuy hành vi thể hiện lòng hiếu của thầy Vận Hà chẳng phải là cách ứng xử theo đạo hiếu của Nho gia, nhưng cái tâm ấy có khác gì đạo Nho hay chăng? Nay có những kẻ suốt ngày tuân phụng giáo huấn của Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Châu Công, Khổng Tử, nhưng [hành xử] cứ như “xác sống, thinh lặng nhìn đời”, mong báo đáo ân nghĩa lồng lộng mà chẳng biết làm cách nào! Than ôi! Thiên kinh địa nghĩa là như thế nào mà lại chẳng bằng một vị áo thâm, ăn chay vậy thay! Xét lòng tự hỏi: “Gần như chưa xứng làm người, hơi đâu mà biện định Nho hay Mặc nữa!”

          Tăng Tử bảo: “Đạo hiếu thì cứ xét đến trọn hết biển Đông làm chuẩn, xét đến trọn hết biển Tây làm chuẩn, xét đến trọn hết biển Bắc làm chuẩn, xét đến trọn hết biển Nam làm chuẩn”. Tây Trúc ở ngoài Lưu Sa[1] xa xôi, cách Trung Hoa chẳng biết mấy vạn dặm, nhưng giáo pháp nhà Phật lấy vô tướng làm Tông, lấy Không Vô Sở Hữu làm chân lý, chỉ riêng nói đạo hiếu thì thế gian lẫn xuất thế gian chẳng hề bỏ phế được! Đấy gọi là “cùng một tâm này, cùng một lý này”. Bản chú giải của thầy Vận Hà đã nêu tỏ đạo của chính mình, lại còn giúp [hiển dương] kinh điển đạo Nho chẳng cạn! Há tôi có thể nại cớ chẳng quen học tập sách vở nhà Phật mà chẳng thốt một lời tán dương ư? Ngài Ngu Sơn thường sách tấn tôi: “Hãy nên thấu hiểu tột cùng ý nghĩa của chuyện này”, đấy là đạo hiếu đó chăng? Có phải chính là chuyện ấy hay chăng? Hay chẳng phải vậy? Tôi đã là kẻ côi cút trơ trọi, có lắm nỗi thiếu sót, chỉ nghĩ tới thuở theo cha đi lại đây đó, càng cảm thấy anh em ngài Ngu Sơn anh xướng em họa du dương, đồng tâm nhất trí, mỗi vị đều đáng gọi là bậc rồng, hổ nơi kinh điển, giáo nghĩa; còn tôi là kẻ kém cỏi, tài sơ, tuổi già lắm bệnh, tinh thần suy lụn, buông lung, bất tài, chẳng thể giải ngộ chút nào, thua kém đến mức nào? Vì thế, lệ đẫm nghiên mực, giãi bày đôi điều.

          Đầu mùa Hạ năm Đinh Mão (1687) đời Khang Hy, cức nhân[2] Từ Trác xông hương, tắm gội, lễ bái kính đề.

[1] Lưu Sa vốn là thành ngữ chỉ hiện tượng cát lún (quicksand), tức là những vùng cát mà người hoặc vật bước lên đó sẽ bị lún sâu xuống, chết ngộp trong cát. Thuở trước, từ ngữ này thường được dùng để chỉ vùng sa mạc thuộc Tây Vực.

[2] Cức nhân (棘人, người đau đớn như bị gai đâm trong lòng) là từ ngữ chỉ người đang trong giai đoạn cư tang cha hoặc mẹ.