ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Thời gian: Tháng 05, năm 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
TẬP 49
Mời mở kinh, Khoa Chú quyển hạ, trang 82, hàng thứ 2 từ dưới đếm lên:
Dục tu Vô Thượng Bồ-đề giả, Nãi chí xuất ly tam giới khổ, Thị nhân ký phát đại bi tâm, Tiên đương chiêm lễ Đại sĩ tượng, Nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu, Vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ.
Đoạn này là “Tụng thành độ sanh”. “Người muốn tu Vô Thượng Bồ-đề”, đây là Bồ-tát phát tâm, vô thượng Bồ-đề chính là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, “thoát khỏi khổ tam giới”, người Tiểu thừa cũng làm được, trong Phật pháp gọi là người chân chánh giác ngộ. Khổ trong tam giới, nói thật ra là khổ không chịu nổi, người chân chánh giác ngộ nhất định sẽ muốn vĩnh viễn thoát tam giới, luân hồi. Tam giới chính là lục đạo, tam giới là chỉ cho Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Trong kinh Phật nói về Tứ thiền thì chúng ta có thể hiểu được, đỉnh trời của một đơn vị thế giới là Sơ thiền, đỉnh trời của một tiểu thiên thế giới là Nhị thiền, đỉnh trời của một trung thiên thế giới là Tam thiền, đỉnh trời của một đại thiên thế giới là Tứ thiền, cho nên bạn hiểu được việc nói về tam giới, nói về lục đạo, ý nghĩa đều tương đồng. Khu vực giáo hóa của một vị Phật gọi là một đại thiên thế giới, chư vị phải biết chỉ có một trời Tứ thiền, có một ngàn trời Tam thiền, những gì nói trong kinh giáo đại khái chúng ta phải có thể biết. “Muốn tu Vô Thượng Bồ-đề”, không những là siêu việt lục đạo, siêu việt thập pháp giới, mong cầu quả vị Phật cứu cánh viên mãn, đây là chí nguyện, tầm nhìn rộng lớn. Mong thoát khỏi tam giới thì tầm nhìn đó còn tương đối nhỏ, nhưng cũng là vô cùng khó được. Người này đã phát tâm đại bi thì làm sao mới có thể mãn nguyện của họ? “Trước nên chiêm lễ tượng Đại sĩ”, chính là trước hết phải thành tựu chính mình, ý nghĩa của “chiêm lễ” phía trước đã nói rất nhiều, ở đây không nói lại nữa, quan trọng nhất là phải y giáo tu hành.
Trong kinh Hoa Nghiêm nói về hộ pháp, hộ trì chánh pháp, y theo tiêu chuẩn của kinh Hoa Nghiêm mà nói thì hiện nay người hộ pháp hiếm có. Pháp là gì? Pháp là “giáo, lý, hạnh, quả”, bốn loại pháp này đều phải hộ trì viên mãn thì mới gọi là hộ pháp thật sự, đây mới là tiêu chuẩn mà Phật nói. Khi chúng ta nói “hộ trì đạo tràng, hộ trì vị pháp sư nào”, vậy thì không được, cái này so sánh với tiêu chuẩn của Phật thì đó không phải là hộ pháp. Cho nên, những gì Phật nói trong kinh nhất định phải có lý giải tương đối rồi sau đó mới biết được làm thế nào như pháp. Phật dạy chúng ta về “giáo”, giáo có bốn loại: giáo, lý, hạnh, quả, chúng ta làm sao tu? “Tín, giải, hành, chứng”, chúng ta phải tin giáo, phải tin lời Phật dạy, lý phải giải, hạnh phải tu, quả phải chứng, cho nên chúng ta phải làm được tín, giải, hành, chứng. Hai câu cuối cùng “hết thảy các nguyện mau thành tựu, nghiệp chướng vĩnh viễn không thể cản”, hai câu này là nói sau khi mình thành tựu, giáo hóa hết thảy chúng sanh. Chư Phật Như Lai thị hiện trong các cõi chúng sanh, thường cũng thị hiện có nghiệp chướng. Chư vị phải biết nghiệp chướng đó là thị hiện, đều là phương pháp giáo hóa của các ngài, là nghi thức giáo học chứ không phải thật. Để người phàm phu như chúng ta hết sức cảnh giác đến sự đáng sợ của nhân quả. Thánh nhân thế gian, Khổng Lão Phu Tử, trong Truyện Ký chúng ta đọc thấy “Khổng tử hết lương thực ở đất Trần”, ngài cũng phải chịu đói. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng bị quả báo ba tháng ăn lúa dành cho ngựa, gặp phải năm mất mùa, bưng bát đi khất thực nhưng không có người cúng dường. Việc này hiển thị điều gì? Hiển thị nhân quả, mặc dù đã thành Phật, thành thánh cũng không có cách thì thay đổi nhân quả.
Hồi xưa đại sư Bách Trượng nói rất hay: “Người đại tu hành không mê nhân quả”, không phải không có nhân quả. Không mê là như thế nào? Đối với nhân quả rất rõ ràng, rất sáng tỏ, cho nên khi thọ báo rất cam tâm tình nguyện, biết được những gì hiện nay mình chịu là do nhân gì đã tạo trong đời quá khứ, hiện thời phải chịu quả báo này, họ rõ ràng sáng tỏ. Không giống với người thế gian, người thế gian khi gặp quả báo khổ nạn họ không biết, không biết là do nguyên nhân gì, cứ cho rằng do người khác tạo ra cho họ, oán trời trách người, lúc thọ báo vẫn tạo tội nghiệp, nhân quả tuần hoàn cứ như vậy, càng ngày càng tệ, càng ngày càng đi xuống; người hiểu rõ [nhân quả] thì khi thọ nhận quả báo sẽ không đọa lạc, họ có thể dần dần nâng cao cảnh giới, đây là không giống nhau. Họ thật sự hiểu được “một miếng ăn, một hớp nước, không gì không định trước”. Dù gặp người phá hoại chúng ta, tổn hại chúng ta, tất cả đều là vì đời trước mình đã gây tổn hại họ, ngày nay họ tới tổn hại chúng ta, đây là báo ứng. Mình hiểu rõ, mình nhận chịu, rất vui vẻ tiếp nhận, một chút oán trách cũng không có, vậy oán kết này liền hóa giải, lần sau gặp lại sẽ không có chuyện gì. Đây mới là phương pháp giải quyết vấn đề. Tuyệt đối không thể dùng tâm trả thù để giải quyết vấn đề, chư vị phải biết trả thù không thể nào giải quyết. Nếu trả thù, bạn giết họ, bạn diệt hết dòng tộc của họ, đời sau họ sẽ diệt hết dòng tộc của bạn, là sự việc như vậy, nhân quả tuần hoàn, càng diễn ra càng tàn khốc. Hay nói cách khác, càng đọa lạc càng sâu, đây đâu phải cách giải quyết vấn đề!
Phương pháp thật sự giải quyết vấn đề là giải kết, đem oán kết này tháo gỡ, hết thảy những quả báo bất thiện đều phải nhẫn chịu thì bạn mới có thể hóa giải. Trên đường Bồ-đề bất luận là chính mình tu hành, hay hoằng pháp lợi sanh thì chướng ngại liền không còn nữa. Chư Phật, Bồ-tát thị hiện đủ loại hình tướng như vậy đều là giúp cho chúng ta giác ngộ, giúp cho chúng ta hiểu rõ, cũng là dạy cho chúng ta phải nên làm như thế nào. Nói thật ra đây chính là đời sống, Phật dạy cách sống cho chúng ta, dạy cách xử thế làm người cho chúng ta. “Chiêm lễ tượng Đại sĩ”, trong đây quan trọng nhất chính là hiếu kính, hiếu kính phải mở rộng tới đâu? Mở rộng tới hết thảy người ác, hết thảy oan gia đều phải dùng tâm hiếu kính. Nguyện thứ nhất của Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta “lễ kính chư phật”, “kính” chính là hiếu kính, tuyệt đối không có phân biệt, không có giai cấp, đây mới là thật sự đang tu hành, thật sự đang chuyển nghiệp; nghiệp chuyển được rồi thì quả báo cũng sẽ chuyển. Mời xem tiếp đoạn sau:
Hữu nhân phát tâm niệm kinh điển, Dục độ quần mê siêu bỉ ngạn, Tuy lập thị nguyện bất tư nghị. Toàn độc toàn vong đa phế thất, Tư nhân hữu nghiệp chướng hoặc cố, Ư Đại thừa kinh bất năng ký.
Đoạn thứ tư nói về việc cầu trí tuệ, đoạn này tương đối dài. Trước hết nói tại sao bạn không có trí tuệ, vì bạn có nghiệp chướng từ đời trước chướng ngại trí tuệ của bạn. Tuy gặp được Phật pháp, gặp được thiện hữu, bạn đã hiểu rõ, bạn đã phát tâm, tâm phát rất tốt, phát tâm nghiên giáo học kinh, mục đích giúp hết thảy chúng sanh khai ngộ, giúp hết thảy chúng sanh lìa khổ, đây là đại tâm Bồ-đề. Thông thường mà nói khi chân thật phát tâm đại nguyện như vậy bạn nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm, đây là thật. Tuy được chư Phật hộ niệm nhưng trí tuệ của mình vẫn không khải mở y như cũ, đó là vì bản thân có nghiệp chướng, chư Phật Như Lai không có cách gì tiêu nghiệp chướng của chúng ta, không có cách gì, mọi người nhất định phải hiểu đạo lý này. Không phải Phật, Bồ-tát không bảo hộ bạn, không chăm sóc bạn, Phật, Bồ-tát là thật sự bảo hộ, thật sự chăm sóc, nhưng nghiệp chướng mà chính bạn tạo thì Phật, Bồ-tát cũng không làm sao được đối với việc này, nghiệp chướng nhất định phải do chính mình tiêu. Phật, Bồ-tát dạy phương pháp cho bạn, dạy những đạo lý này cho bạn, những gì trong bộ kinh này nói bạn hiểu rõ ràng, bạn tin tưởng lời dạy của đức Phật, hiểu tường tận, bạn làm theo phương pháp đó, như vậy mới gọi là tu hành, bạn mới có thể tiêu được nghiệp chướng. Phương pháp tiêu nghiệp chướng căn bản nhất, có hiệu quả nhất chính là “hiếu”, do đó kinh Địa Tạng cũng là kinh căn bản, đạo lý ở chỗ này. Chúng ta có thể hiếu thuận cha mẹ, hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính cha mẹ, tôn kính hết thảy chúng sanh thì nghiệp chướng gì cũng đều tiêu trừ. Thật sự có tâm hiếu kính thì còn tạo tội nghiệp hay sao? Còn dùng ác ý đối xử với hết thảy chúng sanh hay sao? Không thể nào, đó chân thật là đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, do đó bạn mới biết được hiếu kính là căn bản. Tại sao trong kinh này đức Phật lại dạy chúng ta “trước nên chiêm lễ tượng Đại sĩ”, đạo lý ở chỗ này. Cho nên nguyện rất tốt, Phật, Bồ-tát cũng chăm sóc bạn, nhưng bạn đọc kinh vẫn là một mặt đọc một mặt quên, cho dù nghe nhiều cũng không thể khai ngộ, người này có nghiệp chướng, mê hoặc cho nên không thể đọc tụng, ghi nhớ kinh Đại thừa. Sau đó đức Phật dạy chúng ta phương pháp:
Cúng dường Địa Tạng dĩ hương hoa, Y phục, ẩm thực chư ngoạn cụ.
Văn trường hàng phần trước đều đã nói qua, dạy cho chúng ta phương pháp tu hành. Việc cúng dường, chư vị nghĩ xem nếu như không có hiếu kính thì làm sao có thể cúng dường? Mười nguyện của Phổ Hiền, nguyện sau phải dựa vào nguyện trước. Giống như chúng ta xây nhà, nguyện thứ nhất là tầng một, nguyện thứ hai là tầng hai, tầng thứ nhất chưa xây xong thì làm sao có thể xây tầng thứ hai? Hai tầng xây xong thì mới xây tầng thứ ba, là một đạo lý. Cho nên, phía sau đều xây dựng từ trên nền tảng phía trước. Sau đó mới biết pháp môn Địa Tạng là nền tảng tu hành của Bồ-tát; Quán Âm là từ bi, từ bi là từ trong Địa Tạng phát ra, nếu bạn không có hiếu kính thì từ bi từ đâu mà có? Từ bi không có hiếu kính là từ bi giả, người như vậy nhất định là có ý đồ, có mục đích. Một người không hiếu thuận cha mẹ mà đi hiếu thuận người khác, đâu có loại đạo lý này? Như vậy là không hợp lý. Không có lễ kính thì làm sao có tán thán? Tán thán mà không có lễ kính, chúng ta biết được đó là giả dối, không phải thật. Cúng dường mà không có lễ kính thì đó là nịnh hót, bợ đỡ. Cho nên hiếu kính là nền tảng, trong thế pháp và Phật pháp muốn có thành tựu thật sự thì phải bắt tay từ chỗ này. Làm thế nào mới thật sự làm được hiếu kính? Phải thấu triệt lý luận trong kinh điển, được vậy thì bạn mới hiểu rõ hiếu kính là tánh đức, là nền tảng của tánh đức, bộ kinh này chính là khai mở tánh đức của chúng ta.
Do đó trong hạnh nguyện Phổ Hiền có lễ kính, có xưng tán rồi sau đó mới có cúng dường. Cúng dường Bồ-tát dùng “hương hoa, y phục, ẩm thực, vật trân ngoạn”, những ý nghĩa biểu pháp này đã được nói ở phía trước. Thời đại hiện nay của chúng ta đúng là nhiều tai nạn, không những chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, chính mình cũng có nghiệp chướng sâu nặng giống như vậy. Chúng ta cần phải nghĩ xem làm thế nào giúp chính mình, làm thế nào giúp người khác, nghĩ xem mình tu học thuận tiện như thế nào thì cũng phải tạo sự thuận tiện cho người khác. Phải biết Phật pháp không có định pháp, trong kinh thường dạy chúng ta nguyên tắc “tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp”, “tùy” chính là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, nếu bạn không thuận, không tùy thì không những không thể độ chúng sanh mà cũng không thể độ chính mình. Tại sao không thể độ chính mình? Không thể “tùy” chính là chấp trước, chính là phân biệt, chấp trước, tâm chấp trước không thể phá trừ thì không ra khỏi lục đạo, chúng ta phải hiểu được đạo lý này, do đó phải biết tùy thuận. Chướng duyên trong thế gian đích thật rất nhiều, yêu ma quỷ quái, ma chướng có hữu hình, có vô hình, vô hình là quỷ thần, hữu hình chính là hết thảy người, việc, vật. Tại sao lại sanh ra ma chướng? Đều là những ác nghiệp của mình đã tạo từ vô lượng kiếp tới nay, ác nghiệp sẽ tạo thành chướng ngại, thiện nghiệp cũng tạo thành chướng ngại, thiện nghiệp là ái duyên. Chúng tôi thường nghe các đồng tu nói: “Phật dạy chúng ta phải xả, phải buông xuống, nhưng tôi không buông xuống được con cháu”. Đó là gì? Ái duyên. Oan gia đối đầu, oán hận buông không được, ý niệm báo thù buông không được, ái duyên cũng là không buông được, tất cả đều trở thành chướng ngại. Đây là những nghiệp đã tạo đời trước hoặc đời này, chính chúng ta phải biết, phải hiểu rõ, phải giác ngộ.
Như thế nào mới là thật sự giác ngộ? Biết được “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, trong kinh Kim Cang dạy rất hay: “Ta, người, chúng sanh, thọ giả đều là giả, đều không thể được”. Cho nên nếu như bạn có trí tuệ bát-nhã, biết được vạn vật đều không, biết được nhân quả bất không, biết được hết thảy pháp hữu vi là mộng, huyễn, bọt, bóng thì tâm bạn sẽ thanh tịnh. Đối với hết thảy pháp không lấy, không bỏ thì ma không có tác dụng gì với bạn, không thể chướng ngại bạn. Lúc này giống như những gì trong kinh Lăng Nghiêm nói, bạn có thể chuyển cảnh giới, không bị cảnh giới chuyển: “Nếu chuyển được cảnh tức đồng Như Lai”, như vậy mới thật sự vĩnh viễn xa lìa ma não. Do đó có thể biết vĩnh viễn xa lìa ma não không phải đến nơi nào đó trốn tránh, trốn không nổi; vĩnh viễn xa lìa ma não chính là nhìn thấu chân tướng sự thật, toàn là giả, một khoảng không, một giấc mộng. Cho dù những tà ma vô hình này cũng không chạm đến được mép ngoài của bạn, tại sao không chạm đến được? Vì bạn không có mép ngoài, bạn có mép thì họ mới chạm được. Vì bạn không có mép, đạo lý này chúng ta phải hiểu. Bạn có ta thì bạn liền bị hại, nếu không có ta thì ai bị hại? Vô ngã thì sẽ không bị hại. Vì sao hết thảy chúng sanh phải bị chướng ngại này? Vì có ta. Oán gia đối đầu muốn báo thù, “mày ở đâu tao cũng tìm được mày, tao đến báo thù mày”. Nếu như bạn không còn nữa, mình không còn nữa, họ tìm cũng tìm không ra.
Lúc trước khi lão hòa thượng Đạo Nguyên truyền giới, ngài kể cho chúng tôi một câu chuyện, Ngài nói thời xưa có một vị thiền sư, tôi không nhớ tên vị thiền sư này. Công phu thiền định của thiền sư rất khá, sau khi nhập định tâm cảnh đều không. Thọ mạng của ngài đã đến, vua Diêm-la phái hai tiểu quỷ đến bắt ngài, bởi vì ngài nhập định tâm cảnh đều không nên tiểu quỷ tìm không ra. Quỷ hỏi người ta thiền sư đi đâu rồi? Thiền sư ngồi ở đó nhưng quỷ tìm không thấy. Bởi vì ở trong định thì tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thảy đều không còn. Có người nói vật thiền sư thích nhất chính là cái bát của ngài, tiểu quỷ biết được nên gõ vào bát, vừa gõ thì thiền sư xuất định, ngay lập tức bị quỷ bắt đi. Đây là thiền sư còn một chút chấp trước nên bị người ta bắt đi. Cho nên, hễ có ưa thích thì đều có phiền phức, hay nói cách khác, bạn không thoát khỏi con mắt của tiểu quỷ, bất cứ lúc nào nó cũng có thể túm chặt bạn. Đây chính là không buông xuống triệt để, chúng ta phải biết đức Phật nói với chúng ta ngay cả Phật pháp cũng không thật, trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Pháp còn phải xả huống hồ phi pháp”. Phật pháp cũng không thể chấp trước, phải hiểu đạo lý này, huống hồ là pháp thế gian! Pháp thế gian và xuất thế gian đều không giữ trong tâm, tôi dùng nó nhưng tôi không chấp trước nó, tôi dùng nó nhưng tôi cũng không phân biệt nó, để tâm vĩnh viễn thanh tịnh, bố thí cúng dường như vậy mới thật sự được phước, phước vô lượng vô biên, phước này xứng tánh. Nếu như còn có phân biệt chấp trước thì phước đó liền không xứng tánh, trong kinh gọi là “phước báo hữu lậu”, biến thành phước báo hữu lậu trong tam giới.
Trong tu học, các bạn đồng tu hãy nghĩ xem nếu không phải mỗi ngày ở cùng nhau nghiên cứu, mỗi ngày ở cùng nhau thảo luận, mỗi ngày huân tập, nghiệp chướng tập khí của chúng ta rất nặng, vừa quay đầu liền mê ngay. Cho nên đạo tràng thời xưa tốt, tốt ở chỗ huân tập lâu dài, tốt là tốt ở chỗ này. Mỗi ngày giảng kinh, thời gian giảng kinh dài. Hiện nay, chúng ta giảng kinh mỗi ngày hai tiếng đồng hồ, đã giảm phân nửa so với người xưa. Nếu như y theo tiêu chuẩn của đức Phật, trong kinh Nhân Vương nói “hai thời giảng kinh”, đây là nói mọi người ở cùng nhau học tập, nghiên cứu, thảo luận, hạ công phu trên giáo, lý, hạnh, quả, hai thời là tám tiếng đồng hồ hiện nay. Kinh Phật nói hai thời là nói Ấn Độ thời xưa, mỗi ngày sáng tối chia thành sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời, cho nên mỗi thời bằng bốn tiếng đồng hồ hiện nay của chúng ta, hai thời chính là tám tiếng đồng hồ. Cho nên thuở đức Phật còn tại thế, những người tu hành theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni làm sao không chứng quả cho được? Mỗi ngày tám tiếng đồng hồ thảo luận kinh giáo, họ còn thời gian đâu mà khởi vọng tưởng? Ngày nay, chúng ta chỉ bằng một phần tư của họ, chỉ học hai tiếng đồng hồ. Nói thật ra là không đủ, mức độ thấp nhất phải có bốn tiếng đồng hồ, mỗi ngày có bốn tiếng đồng hồ nỗ lực nghiên cứu thảo luận, chí ít cũng nên có bốn tiếng đồng hồ niệm Phật, đây là ít tới mức không thể ít hơn được nữa. Tu hành, ngày nay chúng ta hiểu rõ chỉ có pháp môn niệm Phật là đáng tin cậy, các pháp môn khác nói trên lý là bình đẳng, không có khác biệt, nhưng nói trên sự thì khó! Không dễ dàng. Hay nói cách khác, không phải căn cơ của chúng ta, nghiệp chướng chúng ta quá nặng, chỉ có niệm Phật mang nghiệp vãng sanh thì chúng ta mới có thể làm được. Chỉ cần thật sự làm thì không có ai không thành tựu.
Tối hôm trước tôi tới Hồng Các dùng cơm, nghe nói việc buôn bán của họ hiện nay không tốt, tôi đi thăm họ, hiện nay tương đối không tốt. Ở nơi đó xem thấy có một đĩa CD nói về tử tù vãng sanh, chúng tôi đã mang vài đĩa về và nói với hội trưởng Lý, ông Lý nói ông cũng biết về việc này. Sau khi người tử tù này chết, hậu sự cũng là do ông lý lo. Tôi hỏi có phải là ông Lý nói chuyện trong CD đó không, ông Lý nói không phải, mà do một cư sĩ họ Tô nói, nghe nói cư sĩ Tô hiện nay cũng hồi đầu chuyên tâm niệm Phật, vì ông tận mắt nhìn thấy việc này. Cho nên, cư sĩ Lý đã độ được không ít người trong tù được vãng sanh thật sự. Cư sĩ Tô quen biết với người này, chăm sóc cho tử tù này, dặn dò ông ta ba điều. Thứ nhất là lúc bị xử tử phải lớn tiếng niệm Phật, ông bảo “được, tôi làm được”. Thứ hai lúc ông ra đi phải có tướng lành, bảy lỗ trên không được chảy máu, vì đây là bị xử treo cổ, ông bảo “được, tôi cũng đồng ý”. Thứ ba ông phải lưu lại xá lợi cho chúng tôi để làm chứng minh. “Được, hết thảy tôi đều đồng ý”. Kết quả là sau khi ông ta chết đều quả nhiên làm được. Sau khi ông bị treo cổ, sắc mặt ông rất đẹp, rất bình thường, cùng với người tử hình thông thường là hoàn toàn không giống nhau, sau khi hỏa thiêu thật sự có xá lợi.
Cho nên có bạn đồng tu hỏi: “Có phải là ông đó tự biết?” Không phải vậy, do nguyện hạnh, họ có nguyện lực thì có thể làm được. Ngay một người tử tội cũng có tướng lành như vậy, ông ta thật sự vãng sanh, niệm cuối cùng đó của ông là niệm A-di-đà Phật mà đi, một chút cũng không giả. Ông cũng biết trước ngày nào thọ hình, niệm Phật mà đi. Trong kinh nói, niệm cuối cùng là một câu Phật hiệu thì nhất định vãng sanh. Lúc sanh tiền có tạo tội nghiệp gì, có phạm sai lầm gì, nếu trước khi chết bạn thật sự có thể hối cải, sám hối vãng sanh, trong kinh Phật có thí dụ. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói vua A-xà-thế tạo tội ngũ nghịch, lâm chung sám hối, trong kinh A-xà-thế Vương Tử, đức Phật nói với chúng ta vua vãng sanh là thượng phẩm trung sanh. Chúng ta đọc xong cũng rất ngạc nhiên, vua tạo tội nặng như vậy, tội đọa địa ngục A-tỳ, chúng ta nghĩ chắc vua vãng sanh có lẽ là hạ phẩm, vãng sanh về ba phẩm hạ chúng ta cảm thấy cũng rất bình thường, không biết là vua vãng sanh thượng phẩm trung sanh, cho nên sức mạnh của sám hối không thể nghĩ bàn. Đây là vua gặp được thiện tri thức chân thật dạy cho vua, thiện căn phước đức của vua trong đời quá khứ hiện tiền, sau khi nghe xong khởi lên tâm sám hối chân thật. Đây là việc chúng ta phải nên học tập, bạn tu hành chân thật thì sẽ có cảm ứng chân thật. Đây là chúng ta nói đến việc cúng dường, phải sanh khởi từ trong tâm hiếu kính, phẩm vật cúng dường đều là biểu pháp. Sau đó:
Dĩ tịnh thủy an Đại sĩ tiền, Nhất nhật nhất dạ cầu phục chi.
Phía trước cũng nói qua, đây là cầu cảm ứng. “Tịnh thủy” là do oai thần của Bồ-tát gia trì, bạn cúng một ngày một đêm, bạn hết lòng tu học như pháp thì mới được cảm ứng. Phía sau còn hai đoạn:
Phát ân trọng tâm, thận ngũ tân, Tửu nhục tà dâm cập vọng ngữ, Tam thất nhật nội vật sát hại Chí tâm tư niệm Đại sĩ danh.
Đây là nói bạn chuyên tu, định kỳ hạn cầu chứng, phải tu pháp này 3 tuần, 21 ngày, trong thời gian này phải phát tâm sâu nặng, tu học trong khoảng thời gian này phải cữ ngũ tân. Phía trước trong chú giải có nói về ngũ tân, chỗ này sẽ lược bớt, ở đây trích dẫn lời trong kinh Lăng Nghiêm nói cho chúng ta biết tại sao phải kiêng ngũ tân, câu cuối trong hàng thứ nhất trong chú giải: “Lăng Nghiêm nói: Ăn chín sẽ sanh lòng dâm, ăn sống sẽ tăng nóng giận”, đây là lời đức Phật dạy cho người sơ học, tại sao? Những thứ này đối với sinh lý sanh ra chướng ngại, là đạo lý như vậy. Nếu chúng ta muốn giảm bớt chướng ngại thì đối với thức ăn không thể không lựa chọn. Nhưng phải biết năm xưa lúc Thế Tôn còn tại thế là bưng bát khất thực, khi khất thực người ta cho cái gì thì ăn cái đó, tuyệt đối không có phân biệt, chấp trước. Lúc bạn đi khất thực những người cúng dường này chưa chắc đều là người học Phật, cũng chưa chắc đã hiểu Phật pháp, cho nên họ cúng dường cái gì thì ăn cái đó. Nhưng khi thật sự tu theo pháp thì chúng ta không thể không lưu ý. Ngày nay, người trong thế gian nói tới ăn uống chỉ biết chú trọng vệ sinh, “sinh” là sinh lý, cữ ngũ tân là bảo vệ sinh lý, không những là sinh lý mà còn có tính tình, con người biết chú trọng bảo vệ sinh lý, còn bảo vệ tính tình thì không nhiều. Người chú trọng vệ sinh thì rất nhiều, rất phổ biến, còn người biết bảo vệ tính tình của mình thì rất ít. Tính chất của ngũ tân không tốt, sẽ ảnh hưởng tâm tình của chúng ta, những thứ này ăn chín thì sẽ làm kích thích hormone, sẽ dẫn tới việc xung động tình dục, là phát dâm, đây là nói ăn chín; khi ăn sống thì dễ dẫn tới nóng tính, sanh ra nóng nảy, đạo lý ở chỗ này. Tại vì sao đức Phật nói năm loại này không thể ăn, đạo lý ở chỗ này. Chúng ra xem thấy Hoa Nghiêm, trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, năm loại này có trở ngại hay không? Năm loại này cũng không trở ngại, nhưng vì công phu của bạn không đủ, công phu chưa tới thì nó sẽ sanh ra chướng ngại cho bạn, nếu bạn có công phu thật sự thì nó sẽ không gây trở ngại; đây là điều nhất định phải hiểu rõ, phải cữ ngũ tân.
Sau đó là “rượu thịt”, đây là tanh hôi, huân tinh, đây là nói rõ về ăn chay. “Tà dâm và nói dối”, câu này chính là nói về thập thiện nghiệp, nhất định phải đoạn thập ác nghiệp, tu thập thiện nghiệp, bạn trong vòng 3 tuần, 21 ngày trì giới niệm Phật, ở đây nói niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát. Hay nói cách khác, ngày nay gọi là đả Địa Tạng thất, kỳ hạn Địa Tạng thất là 3 tuần, 21 ngày chuyên trì danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát. Chữ mấu chốt ở đây là “chí tâm tư niệm”, không phải niệm bằng miệng, tâm phải chân thành tới cực điểm. Niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát, danh tương ưng với đức thì bạn niệm liền tương ưng. Niệm danh liền nghĩ tới đức, không phải là niệm suông câu danh hiệu này, phải nghĩ tới hành nghi của Địa Tạng Bồ-tát, lòng từ bi của Địa Tạng Bồ-tát, lời dạy bảo của Địa Tạng Bồ-tát, bạn phải nghĩ tới cái này. Nghe danh bạn có thể nghĩ tới để nhắc nhở chính mình, thấy tượng cũng có thể nghĩ tới, chúng ta luôn nghĩ tới y giáo phụng hành, như vậy mới tương ưng. Cổ đức dạy “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, bạn phải niệm được tương ưng. Nếu như chỉ niệm danh hiệu của Bồ-tát mà vẫn khởi vọng tưởng như cũ, vẫn tạo tội nghiệp như cũ vậy thì niệm có tác dụng gì? Ngày xưa Hàn Sơn, Thập Đắc chế giễu những vị tăng ở chùa Quốc Thanh niệm Phật là “hét bể cổ họng cũng uổng công”, nguyên nhân là gì vậy? Không tương ưng. Phải niệm tới tương ưng! Từ trong danh nhất định phải nghĩ tới giáo – lý – hạnh – quả, đây là chánh niệm, cho nên khi niệm danh hiệu này, trong đó có đầy đủ tín – giải – hành – chứng, bạn nghĩ xem công đức này bao lớn. Nếu như niệm câu danh hiệu này không liên quan gì với tín – giải – hành – chứng thì đó chính là “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Bất luận tu học pháp môn nào chúng ta cũng phải hiểu rõ nguyên lý này. Đoạn sau cùng này nói về quả báo:
Tức ư mộng trung kiến vô biên.
“Vô biên” chính là vô biên thân của Địa Tạng Bồ-tát, vô biên thân là nói hóa thân của Địa Tạng Bồ-tát, vô biên là nhiều, vô lượng vô biên. Chúng sanh có cảm thì Phật, Bồ-tát có ứng, trong mộng bạn sẽ thấy hóa thân của Địa Tạng Bồ-tát, ngài sẽ xoa đảnh thọ ký cho bạn.
Giác lai tiện đắc lợi căn nhĩ.
Cảm ứng đạo giao, sau khi tỉnh giấc bạn sẽ thông minh, căn tánh của bạn sẽ lanh lợi, những gì bạn mong cầu liền cảm ứng.
Ứng thị kinh giáo lịch nhĩ văn.
Sau này khi bạn đọc kinh, nghe giảng kinh.
Thiên vạn sanh trung vĩnh bất vong.
Câu nào cũng có thể ghi nhớ, có thể nhớ lâu, cũng có thể y giáo phụng hành. Cho nên, phía trước chữ quan trọng nhất của việc tu học là “chí tâm tư niệm”, chính ở bốn chữ này. Ngày nay, chúng ta y theo phương pháp này tu học tại sao không có hiệu quả? Vì chúng ta không làm được bốn chữ này, ngày nay chúng ta chỉ làm trên hình thức, đả một Địa Tạng thất cũng rất có dáng vẻ nhưng thực chất trong tâm suy nghĩ lung tung, không có thành tâm, cho nên những gì mong cầu không thể tương ưng. Đừng nói đả ba thất không tương ưng, ba mươi thất vẫn là không tương ưng, trong kinh nói không sai nhưng chúng ta đã làm sai. Nếu như tương ưng thì thật ra mà nói người xưa trai giới tế lễ ba ngày liền có cảm ứng, đâu có đạo lý hai mươi mốt ngày không có cảm ứng?
Dĩ thị Đại sĩ bất tư nghị, Năng sử tư nhân hoạch thử huệ.
Đây là oai thần không thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ-tát gia trì, thật ra cũng là chính mình chí tâm nên cảm được, phía trước đã nói với chư vị chân thành tới cực điểm thì tánh đức lưu lộ cho nên mới có hiệu quả như vậy, ở trên lý có thể nói được thông. Đây là phương pháp cầu trí tuệ. Mời xem kinh văn, Khoa Chú quyển hạ trang 85, kinh văn hàng thứ 3:
Bần cùng chúng sanh cập tật bệnh, Gia trạch hung suy quyến thuộc ly, Thùy mộng chi trung tất bất an, Cầu giả quai vi vô xứng toại.
Đoạn này là kệ chuyển tai nạn. Những gì trong kinh nói chính là những gì chúng ta thường gặp hiện nay, cho nên phẩm kinh văn này sau khi đọc xong chúng ta sẽ có cảm xúc sâu vô cùng, chữ nào câu nào cũng là nói về tình trạng hiện thực của chúng ta, Phật, Bồ-tát dạy chúng ta phương pháp tu học, làm thế nào thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, chuyển đổi nghiệp chướng của chúng ta. Do đó, trong phẩm này chúng ta cũng thấy được lòng từ bi vô hạn của Thế Tôn, phần trường hàng đã nói rõ ràng cho chúng ta, sau đó còn dùng kệ tụng nhắc lại một lần nữa, chẳng qua là giúp chúng ta có ấn tượng sâu thêm. Bài kệ này nói về sự thật của tai nạn, hiện nay người nghèo khổ trong thế gian này nhiều, người giàu sang chỉ là thiểu số, chúng ta phải thường nghĩ đến những chúng sanh nghèo cùng khổ nạn này. Bệnh tình của họ không chỉ là thân bệnh, tâm tình bất an, trí tuệ không mở, đây là tâm bệnh, còn nghiêm trọng hơn so với thân bệnh. Thân bệnh cần có thuốc men để chữa trị, để điều dưỡng, tâm bệnh cần Phật pháp; Phật pháp có thể giúp chúng ta phá mê khai ngộ. Phật dạy chúng ta “hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, câu này là chân lý, một câu này đã nói toạc ra nguyên do của y báo, chánh báo trang nghiêm trong hư không pháp giới, một lời nói rõ “từ tâm tưởng sanh”. Tâm thiện, nghĩ thiện thì cảnh giới liền tốt, tâm mê hoặc, tư tưởng tà ác thì hoàn cảnh liền xấu ác, đây là lời Phật nói trạng huống chân thật cho chúng ta, đó là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Thật sự rõ ràng giác ngộ thì họ sẽ sửa đổi từ trong tâm địa, trừ bỏ sạch sẽ những ý niệm ác trước đây, dưỡng thành tâm thuần thiện, đơn thuần là tâm lợi ích hết thảy chúng sanh, cảnh giới trước mắt của chúng ta sẽ dần dần chuyển tốt, hơn nữa tốc độ chuyển sẽ rất nhanh, sau đó những gì mong cầu đều được mãn nguyện. Bài kệ tiếp theo là dạy chúng ta phương pháp tu hành:
Chí tâm chiêm lễ Địa Tạng tượng.
Mấu chốt là ở “chí tâm”. “Chiêm lễ tượng Địa Tạng” chính là tu hiếu kính, thật tâm học theo tâm đại hiếu đại kính của Địa Tạng Bồ-tát.
Nhất thiết ác sự giai tiêu diệt.
Đây là tâm chuyển cảnh giới, không bị cảnh giới chuyển trở lại.
Chí ư mộng trung tận đắc an.
Bạn ngủ được an ổn.
Y thực phong nhiêu thần quỷ hộ.
Những nguyện vọng của bạn đều có thể toại nguyện. Mấu chốt của tu hành chính ở việc học theo Địa Tạng Bồ-tát, học tập đại hiếu đại kính của Địa Tạng Bồ-tát, hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính hết thảy chúng sanh. Chúng sanh bao gồm hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật, vậy mới có thể nhanh chóng chuyển trở lại. Chú giải trang 86, hàng thứ nhất ghi “y thực phong nhiêu”, chỗ này có một chữ in sai, “y phong phong túc” chữ “phong” thứ nhất phải sửa thành chữ “thực”, y thực. Chúng ta lại xem bài kệ tiếp theo:
Dục nhập sơn lâm cập độ hải Độc ác cầm thú cập ác nhân Ác thần ác quỷ tinh ác phong Nhất thiết chư nạn chư khổ não.
Đây là trùng tụng phần ra ngoài đi xa thường gặp phải một số tai nạn. Khi bạn đi xa sẽ đi ngang vùng rừng núi, những nơi này đều có rắn độc, thú dữ, đạo tặc thường ẩn nấp nơi ấy. “Và vượt biển”, biển lớn sẽ có sóng to, thời xưa thuyền bè cũng không lớn. Phía sau là “ác thần, ác quỷ và ác phong”, ác phong là chỉ cho khi vượt biển dễ gặp phải những tai nạn này. “Ác thần ác quỷ”, chuyện này cũng có thật, lần trước cư sĩ Lôi ở đây đã kể nhiều câu chuyện với các bạn, đều là chuyện mà đích thân ông gặp được. Tại sao lại gặp phải những ác quỷ này? Tại sao người khác không gặp? Do đó mới biết, trong định luật nhân quả vẫn là “một miếng ăn, một hớp nước, không gì không định trước”, trong đời quá khứ những ác thần ác quỷ này không có ác duyên với bạn thì họ sẽ không tìm tới gây phiền phức; họ tới là vì đời trước hoặc đời này bạn đã mạo phạm họ, bạn đắc tội với họ nên họ mới tìm bạn gây phiền phức. Nếu bản thân không có tu trì, không có đức hạnh thì họ sẽ không tôn trọng bạn, cho nên dễ gặp những chuyện này, những chuyện này đều có thật. Ở chỗ này đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu hành:
Đản đương chiêm lễ cập cúng dường, Địa Tạng Bồ-tát Đại sĩ tượng, Như thị sơn lâm đại hải trung, Ứng thị chư ác giai tiêu diệt.
Trong văn trường hàng nói được rất rõ ràng, trước khi chúng ta đi xa, lúc chưa đi hãy đọc kinh Địa Tạng, niệm đủ một vạn danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát; tu học phải “chí tâm xưng niệm”, bốn chữ này vô cùng trọng yếu! Chân tâm xưng niệm, suy nghĩ về công đức của Bồ-tát, học theo hành nghi của Bồ-tát, quỷ thần không những không não hại bạn mà còn bảo vệ bạn. Tại sao vậy? Vì họ tôn kính bạn. Đây đều là những việc mà hiện nay chúng ta thường thấy, thường ra ngoài đi xa thì nhất định phải biết. Sau cùng là tổng kết:
Quán Âm chí tâm thính ngô thuyết, Địa Tạng vô tận bất tư nghị, Bá thiên vạn kiếp thuyết bất chu, Quảng tuyên Đại sĩ như thị lực.
Trong Khoa Phán có ghi “kết tụng phổ cáo lưu bố”. Thế Tôn khuyên bảo Quán Thế Âm Bồ-tát lưu thông bộ kinh này, đương nhiên Quán Thế Âm Bồ-tát sẽ đi khắp nơi giới thiệu cho mọi người về hành nghi của Địa Tạng Bồ-tát, tại sao vậy? Nếu không có cơ sở của Địa Tạng Bồ-tát thì lòng từ bi của Quán Âm Bồ-tát sẽ không có nơi nương tựa, lòng từ bi của Quán Âm Bồ-tát từ đâu mà có? Từ hiếu đạo mở rộng ra. Tạo dựng hình tượng trong Phật pháp Đại thừa ở Trung Quốc rất có đạo lý, dùng tứ đại Bồ-tát để biểu pháp, do đó Đại thừa bắt đầu học từ chỗ nào? Bắt đầu học từ Địa Tạng, địa là tâm địa, hiện nay chúng ta gọi là xây dựng tâm lý, xây dựng tâm lý là căn bản. Ngày nay, khoa học kỹ thuật trong thế gian ngày càng đổi mới, trong mỗi một thành phố lớn đều có xây dựng tòa nhà cao ốc, tòa nhà cao hơn một trăm tầng có nhiều trong các thành phố lớn, chúng ta có thể nhìn thấy. Nhưng tại sao xã hội vẫn không thể an định? Tại sao đời sống không thể hạnh phúc? Vì đã lơ là xây dựng tâm lý, không có tâm lý khoẻ mạnh, con người tùy thuận phiền não tập khí của chính mình, mọi người đều tranh danh đoạt lợi. Mạnh phu tử nói rất hay: “Nếu trên dưới tranh giành lợi thì quốc gia ấy sẽ lâm nguy!” Chúng ta hãy xem thế giới hiện nay, đúng như câu nói trên của Mạnh phu tử, người thông thường tin hay không? Không tin. Sợ rằng cuối thế kỷ mới tính sổ một thể, đây là điều chúng ta thường lo sợ. Muốn tiêu trừ tai nạn thì nhất định phải nhờ vào xây dựng tâm lý, mỗi người đều biết hiếu đạo, đều tán thành hiếu đạo, đều dùng tâm hiếu kính để đối nhân xử thế, dùng tâm đại từ đại bi giúp đỡ hết thảy chúng sanh thì tai nạn trong thế gian lập tức liền hóa giải, sẽ tan tành mây khói.
Cho nên chúng ta biết được Địa Tạng Bồ-tát, pháp môn Địa Tạng là cội rễ, tôi đã từng nói qua rất nhiều lần. Phật pháp không có gì khác ngoài chữ “hiếu”. Hơn nữa văn tự Trung Quốc, nói thật ra đã hiển thị pháp môn này không thể nghĩ bàn. Chữ hiếu của Trung Quốc là chữ “hội ý”, chúng ta thể hội được ý nghĩa của chữ này. Trong chữ hiếu bao hàm ý nghĩa gì? Tận hư không, khắp pháp giới là một thể, đây là hàm nghĩa của chữ hiếu. Phần trên của nó là chữ “lão” (老), phần dưới là chữ “tử” (子), lão là đời trước, tử là đời sau, đời trước còn có đời trước nữa, quá khứ vô thỉ; đời sau còn có đời sau nữa, vị lai vô chung, vô thỉ vô chung này hợp thành một thể, đây là hiếu. Trong kinh Phật thường nói hư không và pháp giới là một thể, Phật dạy chúng ta tâm lượng phải “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, đây là ý nghĩa của hiếu. “Dọc cùng khắp ba đời, ngang trọn khắp mười phương” cũng là ý nghĩa của hiếu, chữ hiếu này bao hàm chân thật không thể nghĩ bàn! Cho nên, tu học trong nhà Phật bắt đầu từ hiếu đạo, sau cùng thành Phật là viên mãn hiếu đạo, đây gọi là thành Phật, Đẳng giác Bồ-tát vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá nên hiếu đạo còn khiếm khuyết một phần. Ai có thể làm được viên mãn hiếu đạo? Chư Phật Như Lai mới chân thật làm viên mãn hiếu đạo.
Sau khi Thế Tôn diệt độ, ngài giao phó trọng trách giáo hóa chúng sanh cho Địa Tạng Bồ-tát, đạo lý chính là ở chỗ này. Ai là Địa Tạng Bồ-tát? Ai hiểu được hiếu đạo, ai có thể tu hiếu đạo, ai có thể phát dương hiếu đạo thì người đó chính là Địa Tạng Bồ-tát. Địa Tạng Bồ-tát rất nhiều! Trong kinh chúng ta đọc thấy “Đại sĩ vô biên thân”, vô lượng vô biên đều là Địa Tạng Bồ-tát. Đại từ đại bi của Quán Thế Âm Bồ-tát là từ hiếu hạnh của Địa Tạng Bồ-tát phát dương quang đại. Chúng ta nói về tâm hiếu thân tôn sư, hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính hết thảy chúng sanh thì tâm đó liền biến thành Quán Thế Âm Bồ-tát. Hiếu kính phải dựa vào lý tánh, không thể dựa vào cảm tình, đây chính là Văn-thù Bồ-tát. Văn-thù tiêu biểu trí tuệ, cho nên trong đời sống của chúng ta, xử sự, đối người, tiếp vật phải dùng lý trí, không thể dùng cảm tình, tình là mê, tình là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tình tạo tội nghiệp. Tình thức biến hiện ra lục đạo tam đồ, trí tuệ biến hiện ra tứ thánh pháp giới, nhất chân pháp giới, khác biệt chính ở tình và trí. người thế gian chúng ta cũng thường nói phải có lý tánh, phải có lý trí, không thể dùng cảm tình làm việc, Văn-thù Bồ-tát dạy chúng ta những điều này. Phổ Hiền Bồ-tát là thực tiễn cả ba điều này: Hiếu thân tôn sư, đại từ đại bi, trí tuệ thực hiện ở trong đời sống, đây chính là Phổ Hiền Bồ-tát. Đây là đặc sắc của Phật pháp Trung Quốc, dùng tứ đại Bồ-tát làm bốn gốc cột của giáo học Phật pháp Đại thừa, làm thành một cung điện nguy nga đẹp đẽ, bốn gốc cột này thiếu một cũng không thể được, cho nên chúng ta phải biết được bắt đầu tu học Phật pháp từ đâu.
Thế Tôn dặn dò Quán Thế Âm Bồ-tát lưu thông cũng chính là dạy chúng ta, đặc biệt là trong thời mạt pháp, tại sao vậy? Những việc nói trong kinh hoàn toàn là sự thật trước mắt chúng ta, chúng ta không có biện pháp giải quyết, phải nhờ những người giác ngộ tuyên dương giảng rõ cho hết thảy đại chúng. Không những chúng ta phải giảng giải rõ ràng, chính chúng ta cũng phải thật sự làm được, tiêu trừ nghiệp chướng, tai nạn của mình, sau đó chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác, những gì chúng ta nói mới có y cứ sự thật chân chánh. Khi tai nạn xảy ra, chúng ta sẽ may mắn tránh được, chúng ta làm sao tránh được? Vì y giáo tu học. Những chuyện ma quỷ nhập thân thường có, người học Phật chúng ta gọi là bị ma dựa, ma dựa là gì? Chính là tà mị nhập thân. Hầu như nơi nào chúng tôi cũng đều xem thấy, chúng ta có bị hay không? Cũng có, nhưng không nghiêm trọng lắm. Rất nhiều bạn đồng tu buổi tối ngủ thường bị quỷ đè, rất nhiều người có kinh nghiệm này. Hồi trước tôi cũng thường bị quỷ đè, lúc đó trong tâm rất rõ ràng nhưng không nhúc nhích gì được, sau khi học Phật thì không còn nữa. Lúc trước thầy Lý nói, chúng ta gọi đó là ma dựa, trong kinh Phật cũng có nói tới. Lúc vận khí con người suy thì quỷ lấn hiếp con người, còn lúc vận khí con người rất hưng vượng thì quỷ không dám lại gần, lúc bạn gặp vận suy thì quỷ sẽ hiếp đáp bạn, quỷ sẽ tới đè bạn. Từ những chuyện này chúng ta biết được đó là chuyện có thật, không phải giả. Hiện nay ở Trung Quốc, nước ngoài cũng có, nước Mỹ có, người Trung Quốc gọi là công năng đặc biệt, chúng ta ở Mỹ cũng xem thấy, họ có con mắt thứ ba, họ có thể nhìn thấy những chuyện kỳ quái này, mắt của người thông thường như chúng ta không thấy, họ có thể thấy. Họ có thể thấy những ma quỷ này nhập thân, họ có năng lực nhìn thấy, họ cũng có thể thấy nội tạng bị bệnh của người nào đó.
Trước kia tôi ở Miami đã gặp mấy người Mỹ, Miami là một nơi rất kỳ quái, rất nhiều người kỳ lạ cư trú ở đó. Lúc ấy người tiếp đãi chúng tôi là cư sĩ Tăng Hiến Vĩ, ông ta ở đó thành lập một Niệm Phật Xã và mời tôi đến giảng kinh. Cư sĩ Tăng đã học Thiền, cũng đã theo học Mật với một số vị Lạt-ma, đối với những chuyện này ông rất hiếu kỳ, rất ưa thích, cho nên ông thường tiếp xúc nhiều người như vậy. Chúng tôi thường nghe ông kể những chuyện này, chuyện có thật. Có sợ hay không? Không cần phải sợ, sợ cũng không giúp được gì, không thể nói bạn sợ thì họ không tới, càng sợ thì họ càng làm dữ, vậy thì sợ làm gì. Nếu bạn không sợ thì họ không dọa bạn được, họ dùng hết thủ đoạn [mà bạn không sợ] thì tự nhiên họ sẽ bỏ đi. Nếu bạn thật sự sợ họ thì họ cảm thấy rất có hiệu quả, vậy họ sẽ khống chế bạn, nếu bạn không sợ họ, không để ý tới họ thì họ không có cách gì khống chế bạn. Đặc biệt là chúng ta tu tâm thanh tịnh, cảnh giới cao nhất là vô ngã, đúng như trong kinh Kim Cang nói, phá được bốn tướng rồi thì hết thảy yêu ma quỷ quái đều không có, ngay cả mép ngoài cũng không chạm tới được. Chúng ta hiểu được đạo lý này, biết được những sự thật này, biết chính mình phải nên tu học như thế nào, thành tựu công đức chân thật, thành tựu chính mình, lợi ích chúng sanh.
Quỷ thần, Ma Vương cũng như vậy, lúc họ không có cách gì quấy nhiễu bạn thì họ sẽ quay lại quy y hộ pháp, chúng ta xem Ma Vương Ba-tuần làm hộ pháp cho đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Họ muốn phá hoại Phật pháp, thật ra là vì tỳ-kheo thời mạt pháp không thể y giáo phụng hành, họ đến gây phiền phức. Người thật sự có tu, có học thì họ cũng sẽ tôn kính hộ trì, ma cũng hộ pháp. Đây chính là điều nói trong kinh Phật: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”, ma cũng có Phật tánh, Mạnh tử có nói “con người đều có lòng trắc ẩn”, nói như vậy rất có đạo lý. Người có ác tới đâu khi nhìn người ta chịu khổ đôi lúc cũng sanh tâm đồng cảm, cũng có thể sanh khởi tâm thương xót, người ác còn có thể sanh tâm ấy huống hồ người thiện? Cho nên, tự hành có thể cảm hóa hết thảy người ác, ác quỷ ác thần đều sẽ được cảm hóa. Chúng ta xem kinh văn tiếp theo:
Địa Tạng danh tự nhân nhược văn, Nãi chí kiến tượng chiêm lễ giả, Hương hoa y phục ẩm thực phụng, Cúng dường bách thiên thọ diệu lạc, Nhược năng dĩ thử hồi pháp giới, Tất cánh thành Phật siêu sanh tử.
Chúng ta đọc đoạn kinh này mới biết công đức tạo tượng thù thắng không thể nghĩ bàn, nguyên nhân ở chỗ nào? Giúp cho hết thảy chúng sanh có cơ duyên nghe danh, thấy tượng, bạn tạo cơ hội này cho họ, cho nên công đức ấy rất thù thắng. Nhưng trong đây có một việc chúng ta nhất định phải biết, lúc Phật pháp thịnh hành thì mới có công đức thù thắng, tại sao vậy? Mọi người nhận biết, nghe tới danh hiệu Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Địa Tạng sẽ sanh khởi tâm hiếu thuận, sanh khởi tâm tôn sư trọng đạo, sanh khởi tâm học theo hạnh nguyện của Bồ-tát, đây là danh hiệu hình tượng khởi phát thiện niệm của chúng sanh, công đức đó quá thù thắng. Nếu như Phật pháp suy vi, không có người tuyên dương, mọi người đều xem hình tượng của Phật, Bồ-tát thành ngẫu tượng, xem thành mê tín, không thể nói là không có công đức, nhưng công đức này hiện nay sẽ không đạt được, hiện nay đạt được là gì? Khiến cho hết thảy chúng sanh tạo nghiệp, khiến cho xã hội đại chúng nghĩ rằng quý vị đề xướng mê tín, quý vị sùng bái ngẫu tượng. Tuy tạo tội nghiệp nhưng hình tượng này một phen lọt vào nhãn căn, danh hiệu một phen lọt vào nhĩ căn sẽ vĩnh viễn làm hạt giống đạo, công đức là ở chỗ này. Nhưng những tội nghiệp mà họ tạo, họ phải chịu quả báo hay không? Phải chịu quả báo, quả báo của tội nghiệp ở tam đồ, ở tam đồ chịu hết quả báo rồi thoát ra, khi thoát khỏi gặp được thiện duyên, lúc đó thiện căn của họ chín muồi, nhờ nhân duyên đó mới được độ, chúng ta phải hiểu những đạo lý này.
Lúc nào là lúc thích hợp nhất để tạo tượng Phật? Sau khi kinh giáo được phổ biến tuyên dương, mọi người đều biết thì việc đắp nặn hình tượng Phật, Bồ-tát sẽ đem lại chánh tri chánh kiến cho người đời, công đức này vô lượng vô biên. Bởi vậy, chúng ta có nghĩa vụ phải làm cơ hội giáo dục, việc này quan trọng vô cùng! Hiện nay ở các nơi trên thế giới, hết thảy những kiến trúc Phật giáo, bất luận là cổ đại hay hiện đại hơn phân nửa đều biến thành những điểm tham quan du lịch, người đi du lịch thường tới những chỗ này tham quan ngắm cảnh. Nếu như ở trong những nơi này có thiện tri thức bất luận là xuất gia hay tại gia chỉ cần đem ý nghĩa biểu pháp của hình tượng Phật, Bồ-tát giới thiệu đơn giản, đây là cơ hội giáo dục. Họ đến tham quan đạo tràng, trong đạo tràng có thờ những hình tượng Phật, Bồ-tát, giới thiệu từng vị cho họ biết, mỗi vị biểu thị ý nghĩa gì, làm vậy cũng như giảng một bài học cho người đi du lịch, giúp họ không đến nỗi hiểu lầm Phật pháp. Nói cho họ biết đó tuyệt đối không phải là thờ ngẫu tượng. Hết thảy những xếp đặt trong nhà Phật đều chứa đựng ý nghĩa giáo học sâu sắc trong đó. Không những chỉ là hình tượng Phật, Bồ-tát, mà ngay cả các kiến trúc, tất cả bày biện ở trong đều là biểu pháp. Chúng ta nói về phẩm vật để cúng như hương, hoa, tràng phan, bảo cái đều là biểu pháp. Dùng danh từ giáo dục hiện nay mà nói thì đây là giáo cụ, công cụ dạy học. Để khi sáu căn chúng ta tiếp xúc tới liền nghĩ về ý nghĩa của vật đó, mình cần phải học tập như thế nào, dùng những vật này để thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta, vì sợ chúng ta quên mất, sợ chúng ta trong đời sống hằng ngày lại mê hoặc, dùng những phương pháp nghệ thuật này khiến cho chúng ta vừa vui thích, vừa lại có thể nhắc nhở chúng ta. Đây là nghệ thuật dạy học cao độ, không phải là mê tín. Mê tín là quý vị hiểu lầm, hiểu sai, tại sao quý vị lại hiểu lầm? Tại sao lại hiểu sai? Vì không có ai đem chân tướng sự thật nói rõ ràng cho quý vị, do đó sự hiểu lầm của đại chúng trong xã hội về tình thì có thể bỏ qua. Lỗi lầm là của người làm đệ tử Phật như chúng ta, hai chúng tại gia và xuất gia đã không làm tròn trách nhiệm, không đem việc này nói rõ ràng, nói tường tận cho xã hội đại chúng. Vì sao nghe danh, thấy tượng sẽ được lợi ích, rốt cuộc họ được lợi ích bao lớn chúng ta đều phải rõ ràng, đều phải tường tận.
Hai câu cuối này rất hay, “nếu đem công đức hồi pháp giới”, hồi hướng pháp giới, làm thế nào hồi hướng pháp giới? Nói thật ra thì chỉ là mở rộng tâm lượng mà thôi. Chúng sanh trong thế gian niệm niệm đều vì lợi ích của chính mình, do đó mâu thuẫn xung đột với xã hội, với chúng sanh sẽ vĩnh viễn không thể tránh khỏi. Nếu như bạn mở rộng tâm lượng thì vấn đề này sẽ được giải quyết. Chúng ta nêu ra một thí dụ, chư vị từ trong thí dụ này hãy suy nghĩ tỉ mỉ, chúng ta sống ở nhà mình dù không ra đường cũng thường phát sinh xung đột với hàng xóm, bạn bè thân thích. Lúc rời khỏi quê nhà đi đến nơi khác sinh sống, gặp được người cùng quê, sẽ cảm thấy đồng hương này rất thân thiết, khác hẳn với lúc ở quê nhà. Lúc còn ở quê nhà thì bạn có xích mích, còn khi xa quê thì cảm thấy thân thiết, phạm vi này lớn thêm một chút, đây là người cùng quê với mình. Nếu như ra nước ngoài gặp được người nước mình thì thân tình đó sẽ càng khác hơn nữa, người đó không phải cùng quê, cũng không phải cùng tỉnh, mà là cùng một quốc gia, tâm trạng ấy liền không giống nhau. Nếu như tâm lượng của bạn mở rộng, xem tận hư không khắp pháp giới là một nhà, khi bạn gặp bất cứ một chúng sanh từ cõi Phật nào bạn đều cảm thấy rất thân thiết, ý nghĩa của hồi hướng là ở chỗ này. Cho nên sự hiểu lầm nhỏ, xích mích nhỏ thảy đều được hóa giải. Chỗ vĩ đại của đức Phật là ngài xem tận hư không khắp pháp giới đều là nhà mình, người nhà hiểu lầm ngài chứ ngài không có hiểu lầm người nhà, đây là thật không phải giả. Tận hư không, khắp pháp giới là chính mình, tôi nói nhà thì vẫn còn có chỗ chưa được chuẩn xác. Tận hư không khắp pháp giới là chính mình, đây là nói lời chân thật với bạn, muôn vàn chính xác, một chút cũng không giả.
Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là thân tướng của chính mình, đó là thân gì? Là pháp thân. Lúc nào chúng ta mới chứng được pháp thân thanh tịnh? Đến một ngày nào đó bạn đột nhiên giác ngộ, thấy tận hư không khắp pháp giới là chính mình thì bạn chứng được pháp thân thanh tịnh. Lúc bạn chứng được Pháp thân thanh tịnh, thân hiện nay của bạn là thân nghiệp báo, thân nghiệp báo này liền chuyển biến thành báo thân viên mãn. Báo thân viên mãn là gì? Trí tuệ hiện tiền, báo thân viên mãn là thân trí tuệ, bạn sinh sống trong trí tuệ chân thật, chúng tôi thường nói là bạn trải qua đời sống trí tuệ cao độ, thân đó chính là báo thân. Bạn sẽ dùng lòng thương yêu của bạn giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đó là hóa thân, thiên vạn ức hóa thân; bạn xem thấy chúng sanh có căn tánh khác nhau, chủng tộc khác nhau, nguyện vọng khác nhau, bạn dùng phương pháp khác nhau đều có thể hài lòng họ, đều có thể chăm sóc họ, đều có thể lợi ích họ, đây chính là trăm ngàn ức hóa thân.
Phẩm kinh này đọc tới đây là kết thúc, những gì nói trong phẩm này hoàn toàn là hoàn cảnh sinh hoạt, chân tướng sự thật của chúng ta hiện nay. Những lý luận phương pháp mà đức Phật dạy chúng ta cũng chính là điều chúng ta vô cùng cần thiết, ngày nay chúng ta sinh sống trong hoàn cảnh này, mỗi ngày vất vả mệt mỏi cũng không nghĩ ra phương pháp giải quyết, ở chỗ này đức Phật thảy đều nói ra cho chúng ta, từ bi tới tột cùng. Chín ngàn mạt pháp chỉ có pháp môn này có thể cứu độ, đây là thật không phải giả. Dùng pháp này làm nền tảng, nền tảng thật sự, lúc khai kinh chúng tôi đã nói với chư vị, những gì giảng trong bộ kinh này là phước thứ nhất trong Tam Phước dạy trong Quán Kinh, xem toàn kinh thì thấy mười một câu Tam Phước trong Quán Kinh đều viên mãn đầy đủ. Pháp môn Tịnh tông là dùng điều này làm nền tảng, dùng nền tảng này để niệm Phật cầu vãng sanh, nhất định được sanh Tịnh độ, hơn nữa có thể khẳng định vãng sanh bậc thượng, trong ba bậc thì chắc chắn là vãng sanh bậc thượng. Rời khỏi nền tảng này thì vãng sanh sẽ không chắc chắn, lúc đó hoàn toàn là xem cơ duyên, người thế gian gọi là xem vận may, bạn có thể may mắn gặp được bạn tốt hay không? Cơ duyên không phải có được một cách ngẫu nhiên, vẫn phải nhờ thiện căn phước đức đời trước chín muồi, gặp được duyên mới hữu dụng, đến lúc lâm chung mới có thể tin, có thể nguyện, có thể hành, vậy người đó mới có thể hối cải. Nếu như đặt cơ sở từ kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện thì nền tảng này của bạn rất kiên cố, kiên định. Cho nên, “nếu đem công đức hồi pháp giới, cuối cùng thành Phật thoát sanh tử”, chúng ta có thể tiếp nhận câu này, có thể tin tưởng, có thể khẳng định.
Thị cố Quán Âm nhữ đương tri. Phổ cáo Hằng sa chư quốc độ.
Chúng ta yêu kính Quán Thế Âm Bồ-tát thì phải nên học theo Quán Thế Âm Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát đối với hằng sa cõi nước đều phổ biến tuyên dương kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, chúng ta phải nên học tập, phải nên tuyên dương. Đặc biệt là chú giải của pháp sư Thanh Liên chú được hay vô cùng, chúng ta học tập bộ kinh này, hoặc hoằng dương bộ kinh này, có cuốn chú giải này làm tài liệu tham khảo là đủ rồi, trong đây trích dẫn kinh điển, sưu tập rất nhiều tài liệu. Khi chúng ta khuyên giải người khác, chúng ta có thể sưu tập những câu chuyện cảm ứng gần đây nhất mà trong kinh có nói, càng tăng thêm lòng tin cho thính chúng.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng tới đây.