ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Thời gian: Tháng 05, năm 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
TẬP 30
Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 110, kinh văn phía trước có nêu một thí dụ, thí dụ rất đơn giản, tương đối dễ hiểu, kinh văn phía sau là pháp hợp, hợp lại với đoạn thí dụ này để nói. Mời xem kinh văn, hàng thứ nhất:
Thị cố Địa Tạng Bồ-tát cụ đại từ bi cứu bạt tội khổ chúng sanh, sanh nhân thiên trung linh thọ diệu lạc, thị chư tội chúng tri nghiệp đạo khổ, thoát đắc xuất ly vĩnh bất tái lịch.
Đoạn văn này, rất đáng để chúng ta cảnh tỉnh. Bồ-tát ở trong tam ác đạo khuyên dạy hết thảy chúng sanh, giúp họ giác ngộ, giúp họ sám hối, giúp họ quay đầu. Phàm là ở trong ác đạo có thể khởi lên một niệm sám hối chân thật đề lập tức được thoát khỏi ác đạo, chúng ta thấy những việc này [được ghi chép] trong kinh điển rất nhiều. Có rất nhiều đồng tu sau khi xem xong nhưng không thể khởi lòng tin, cứ cho rằng cả đời đã tạo rất nhiều tội nghiệp, đọa vào ác đạo thì rất khó thoát ra, trong kinh này cũng nói đọa vào ác đạo rất khó thoát ra. Tại sao một niệm chân thành sám hối thì họ thoát ra dễ dàng như vậy? Nói thật ra chính là chúng sanh tạo ác nghiệp, một chút ý niệm chân thành sám hối đó thật không dễ gì sanh khởi, đạo lý ở chỗ này. Họ có thể khởi lên một ý niệm, họ thật sám hối, không phải là giả, thật sự quay đầu. Ngạn ngữ thời xưa ở Trung Quốc nói “lãng tử quay đầu vàng không đổi”, một khi họ quay đầu thì là người tốt trong người tốt, vô cùng hiếm có! Vấn đề là họ ở trong ác đạo. Trong cõi người chúng ta có mấy người khởi được ý niệm thật lòng quay đầu? Đầu óc con người tỉnh táo hơn đầu óc của chúng sanh trong tam ác đạo rất nhiều. Chúng ta cũng có thể nói theo cách này, trong thập pháp giới càng lên cao thì đầu óc càng tỉnh táo không mê; càng đi xuống thì càng mê hoặc, càng không tỉnh táo, ở cõi địa ngục thì mê đến tột cùng. Trong hoàn cảnh ấy, họ muốn khởi một ý niệm thanh tịnh, một ý niệm sám hối thì bạn phải biết đây là việc hiếm có khó được biết bao nhiêu. Thế nên Phật mới nói ác đạo rất khó thoát ra, đạo lý ở chỗ này. Cùng một đạo lý, tại sao chúng ta đọa lạc trong luân hồi, vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp đều không thoát khỏi lục đạo luân hồi, nguyên nhân là gì? [Từ đây] bạn mới biết một niệm chân tâm sám hối ấy khó phát khởi vô cùng, đạo lý là như vậy.
Phàm thánh thật sự chỉ cách nhau ở một niệm, một niệm giác thì siêu phàm nhập thánh, một niệm mê thì vĩnh viễn trong luân hồi, chỉ ở trong khoảng một niệm mà thôi. Phật, Bồ-tát cứu độ chúng sanh không có gì khác ngoài việc khuyên chúng sanh khởi một niệm giác, vừa khởi một niệm giác thì họ liền siêu sanh. Siêu sanh đến cảnh giới gì? Vậy thì phải xem mức độ giác ngộ của họ. Nếu như là triệt để giác ngộ, từ địa ngục liền có thể thành Phật, bạn tin hay không? Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ thì sẽ tin, 48 nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ có thể làm cho chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng thành Phật, đây là điểm thù thắng của pháp môn này, công đức lợi ích của pháp môn này không thể nghĩ bàn. Nếu Phật không thể dạy cho chúng sanh trong địa ngục lập tức thành Phật thì trí tuệ, khả năng đó của Phật đáng để cho chúng ta hoài nghi, Phật còn có việc gì mà không thể làm được? Đức Phật thật sự có thể làm được, vấn đề là chúng sanh trong địa ngục có chịu hợp tác hay không? Nếu không chịu hợp tác, không chịu tin tưởng, không chịu y giáo phụng hành thì Phật cũng chẳng còn cách gì. Đây không phải là năng lực của Phật không đủ, mà là đối phương có chướng ngại, có nghiệp chướng. Mọi người hiểu rõ đạo lý này xong thì mới biết được chân tâm đáng quý. Ngày nay chúng ta sống trong xã hội, bạn đã học Phật rồi, như thế nào gọi là học Phật? Bạn là thật học Phật Hay là giả học Phật. Thật sự học Phật thì không có gì khác là dùng chân tâm, không gạt chính mình, không gạt chúng sanh, bạn là dùng chân tâm. Nếu như vẫn là gạt mình gạt người, một ngày bạn niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không có tác dụng, đúng như cổ đức nói “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Chúng ta bước vào niệm Phật đường có mấy người đạt được nhất tâm, mấy người có thể vãng sanh phẩm vị cao, phải xem tâm của họ dùng là gì. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, bạn sanh vào phẩm nào cũng là xem bạn dùng tâm gì. Nếu như bạn dùng tâm chân thành cứu cánh viên mãn thì bạn nhất định sẽ sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ, thượng phẩm thượng sanh. Chư vị phải biết, Thật Báo Độ thượng phẩm thượng sanh, đến nơi đó làm làm Phật, liền thành Phật. Do đó phải xem mức độ dùng chân tâm của bạn.
Chân tâm còn có khác biệt nữa ư? Có chứ, làm sao không khác biệt cho được! Trong kinh Hoa Nghiêm nói về 41 giai vị Pháp thân Đại sĩ đều là dùng chân tâm, dùng chân tâm nhiều ít không giống nhau. Chỉ dùng một ít, dùng một chút chân tâm, thì đó là Viên giáo Sơ trụ Bồ-tát; thêm một chút nữa thì đó là Nhị trụ Bồ-tát. Do đó, chân tâm cứu cánh viên mãn thì bạn sẽ ở quả vị Phật, quả vị Như Lai. Trong chân tâm của Đẳng giác Bồ-tát còn xen tạp một phẩm vọng, 41 phẩm hư vọng này gọi là vô minh, 41 phẩm vô minh, các ngài còn một phần vô minh chưa đoạn thì vẫn chưa viên mãn. Cho nên việc này hoàn toàn phải xem chúng ta dùng chân tâm được bao nhiêu phần. Khi hiểu được đạo lý này, hiểu được sự thật này thì tại sao không hoàn toàn dùng chân tâm? Chúng ta dùng tâm chân thành để cư xử với người, dùng đức báo đức, dùng đức báo oán, đây là Bồ-tát đạo. Vong ân phụ nghĩa, dùng oán báo oán, đây là chúng sanh trong ác đạo, ở trong lục đạo không phải là tam thiện đạo mà là tam ác đạo. Dùng vọng tâm thì sẽ đọa ác đạo, lục đạo đều là ác đạo, dùng chân tâm thì siêu phàm nhập thánh. Do đó, cho dù người ta dùng tâm gì đối xử với chúng ta, họ dùng vọng tâm, thậm chí hủy báng mình, sỉ nhục mình, hãm hại mình, thì mình cũng vui vẻ tiếp nhận, vẫn cứ dùng tâm chân thành đối với họ y như cũ. Tại sao vậy? Mình muốn làm Phật, mình muốn vãng sanh phẩm vị cao; họ không muốn làm Phật, họ muốn vào tam ác đạo. Đây chính là “sanh tử sự đại” mà tôi thường nhắc đến, sau khi chết mười pháp giới bày ra trước mặt, chúng ta chọn cõi nào? Việc này rất quan trọng. Tôi chọn cõi Phật, Bồ-tát, họ vẫn làm việc lục đạo y như cũ, họ làm việc của họ, tôi đi đường của tôi. Không thể vì họ vu oan chúng ta, họ hãm hại chúng ta thì chúng ta nhất định phải báo thù; họ có tư tưởng này, hành vi này, họ làm việc tam ác đạo, [nếu báo thù thì] mình cùng với họ sau này cũng đọa vào tam ác đạo, đây là người ngu.
Chư Phật, Bồ-tát đại từ đại bi dạy bảo chúng ta, đây chính là hai câu nói trong kinh “cụ đại từ bi, cứu bạt tội khổ chúng sanh”. Bởi vì tâm họ dùng không phải là tâm chân thành, cái thiện tâm trong vọng tâm ấy cũng không tệ lắm, họ không dùng tâm ác mà dùng tâm thiện, một ý niệm thiện này khởi lên, họ có thể thoát khỏi tam ác đạo, sanh đến cõi trời, người. Đến cõi trời người, chư Phật, Bồ-tát vẫn không rời bỏ họ y như cũ, đây gọi là đại từ bi. “Trong cửa nhà Phật không xả một ai”, có phải là sự việc như vậy hay không? Đúng vậy, chư Phật, Bồ-tát luôn chăm sóc chúng ta, giúp đỡ mỗi người chúng ta; nhưng chúng ta giống như thí dụ trong kinh nói, sanh đến cõi trời người rất dễ bị mê hoặc, rất dễ bị đọa lạc. Cõi trời người vui sướng hơn tam ác đạo nhiều, nhưng nếu hưởng vui trong cõi trời, người thì sẽ mê trở lại. Do đó khi Phật, Bồ-tát chăm sóc thì chúng ta nhất định phải hợp tác với các ngài, cũng là nói khi gặp nhân duyên thì tự mình phải biết nắm lấy, đừng bỏ qua, sau đó những sự an lạc mà chúng ta thọ nhận mới gọi là “diệu lạc”. Diệu lạc là sự thọ dụng trong một đời vẫn niệm niệm giác chứ không mê, “lạc” như vậy mới là “diệu”. Nếu như trong sự hưởng lạc mà mê thì đó không phải là diệu, rốt cuộc mê thì nhiều còn giác thì ít; người giác, họ chân thật biết được lạc, người mê không có lạc. Người thế gian đều cho rằng hưởng thụ ngũ dục lục trần gọi là lạc. Trong ngũ dục lục trần khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không lạc nữa. Ở nơi nào cũng tính toán với người ta, những gì người khác có thì mình cũng có, người khác không có thì mình cũng muốn có, có rồi còn muốn vượt hơn người khác, cái lạc như vậy sẽ không diệu. Cái lạc này đối với tinh thần, vật chất của chính mình đều có áp lực rất lớn, cái lạc như vậy đâu có diệu gì!
Nếu như chúng ta so sánh giữa người Trung Quốc và người ngoại quốc thì sẽ thấy được rất rõ ràng. Người Trung Quốc ngưỡng mộ người ngoại quốc, họ ở nhà lầu, mỗi người đều có xe hơi, đi ra đường đều có xe, đồ trong nhà đều là dùng thiết bị điện, gia đình hiện đại hóa, sinh sống rất thoải mái. Người Trung Quốc nhìn thấy rất ngưỡng mộ, cứ cho rằng mình rất lạc hậu, tự mình cảm thấy đời sống chật vật, cảm thấy rất khổ. Bạn chỉ nhìn thấy bề ngoài, không có nhìn sâu thêm một tầng; nếu vào sâu thêm một tầng sẽ thấy người Trung Quốc vui sướng, người ngoại quốc rất khổ, như vậy bạn mới nhìn thấy chân tướng sự thật. Tại sao nói người ngoại quốc khổ? Hết thảy những hưởng thụ của họ đều là mua trả góp, ngân hàng cho vay, công ty bảo hiểm cho vay để mua chịu, đều gánh rất nhiều nợ nần trên thân, họ đâu có vui sướng gì? Mỗi ngày làm như trâu như ngựa, cực khổ làm việc để kiếm tiền trả nợ, họ sống cuộc đời như vậy đó. Tuy người Trung Quốc trải qua đời sống cơm canh đạm bạc, sống trong nhà tranh nhỏ, xây bức tường gạch, lợp mái nhà lá nhưng không mắc nợ, không nợ thì thân khỏe. Cuộc sống như vậy người ngoại quốc nằm mơ cũng không nghĩ tới. Người Trung Quốc sau khi xong công việc, về nhà tâm tình rất nhàn nhã, rất tự tại, mấy người bạn ngồi lại với nhau nói chuyện vui vẻ, ăn vài hạt đậu phộng, nhâm nhi ly rượu, vui vẻ vô cùng. Người ngoại quốc đâu có được sự hưởng thụ này? Khi nghỉ phép thì họ đi tìm kích thích, tìm kích thích cũng như hút thuốc phiện, làm cho đời sống của họ thư giãn một chút. Vĩnh viễn đang khẩn trương, luôn mắc nợ, trả nợ, bị nợ nần bức bách, có vui sướng gì đâu? Tôi sống ở Mỹ hết 15 năm, tôi cảm thấy người Mỹ không vui sướng bằng người Trung Quốc, đây là vì văn hóa khác nhau, bối cảnh lịch sử khác nhau. Đương nhiên chúng ta cũng nên nâng cao chất lượng đời sống, càng phải nên nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.
Tôi còn nhớ lúc tôi thọ giới, đây là việc chừng 40 năm trước. Đắc Giới Hòa Thượng của tôi là Lão pháp sư Đạo Nguyên, trong giới đàn ngài kể cho chúng tôi một câu chuyện, chúng tôi có ấn tượng rất sâu, đây là chuyện thật, không phải giả. Ngài là người Tô Bắc, lúc nhỏ xuất gia làm tiểu sa-di, chỗ ngài ở có một người ăn xin, con trai của người ăn xin này là thương nhân trong vùng, thương nhân này rất giàu có, buôn bán phát tài. Con cái phát tài, còn người cha thì ở bên ngoài xin ăn, ra ngoài đi ăn xin; cho nên bạn bè thân thích thấy vậy ai cũng trách mắng người con, người con cảm thấy rất xấu hổ, mất thể diện, nên đã cử rất nhiều người đi khắp nơi tìm cha mình, khó khăn lắm mới tìm được người cha này. Đón về nhà xong, thay quần áo mới cho ông, chăm sóc ông rất tốt, mượn mấy người phục vụ ông, để ông được hưởng phước. Nhưng mà người cha này rất kỳ lạ, đại khái là ở nhà gần một tháng, thừa lúc không ai để ý ông ta lại lén trốn đi, trốn ra bên ngoài đi ăn xin như cũ. Về sau người ta cảm thấy rất hiếu kỳ nên hỏi ông: “Con cái đón ông về nhà là để hưởng phước, tại sao ông lại trốn đi?” Ông nói: “Tôi về đó cũng như chịu tội vậy, giống như bị người ta nhốt trong lồng, giống như con chim bị người ta nhốt trong lồng, mỗi ngày được người đút cơm, ngày tháng như vậy rất khó chịu”. Ông nói tiếp “Tôi ra ngoài ăn xin, trên thân tôi không có gì hết, đến đâu cũng có cơm ăn, ngày nào cũng du sơn ngoạn thủy, mệt thì tìm chỗ nghỉ ngơi, ngày tháng như vậy vô cùng vui vẻ!” Người này hiểu được “thọ diệu lạc”. Do đó có thể biết, người ta mỗi ngày ở nhà hưởng những thọ dụng vật chất, đó không phải là diệu lạc, đó là tục lạc, tục là phàm tục, là vui như vậy, đâu biết được diệu lạc?
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện cho chúng ta, ba y một bát, ngài thọ dụng là diệu lạc. Những nhu cầu đời sống của con người như ăn no, mặc ấm là đủ rồi. Thật sự biết sống, chân thật là phải du sơn ngoạn thủy, tiêu diêu tự tại, vậy mới gọi là nhân sanh, gọi là vui vẻ. Có duyên thì tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh, giúp đỡ xã hội, hy sinh phụng hiến cũng là diệu lạc. Không cần danh, không cần lợi, không cần uy quyền, không cần địa vị, ngày nay gọi là làm việc thiện nguyện, bất luận ở địa vị nào cũng đều là làm việc thiện nguyện, trong đó có niềm vui chân thật, đó gọi là diệu lạc. Trong kinh Phật nói được quá nhiều, quá nhiều, đáng tiếc là chúng ta nghe xong, đọc xong vẫn không giác ngộ như cũ, vẫn bị phiền não trói buộc y như cũ. Lỗi lầm này là ở tại chúng ta, không thể oán trời, trách người. Đời người rất ngắn ngủi, mấy mươi năm chỉ như một khảy ngón tay, nhất định phải giác ngộ, nhất định phải biết làm thế nào sống qua ngày, sinh hoạt như thế nào mới là chính xác, đức Phật dạy cho chúng là chính xác nhất. Nhất định phải nhìn thấu thế tục, phải thoát ly thế tục, đây chính là siêu phàm nhập thánh mà nhà Phật hay nói, phải nhìn thấu thế tục, siêu việt thế tục.
“Thị chư tội chúng, tri nghiệp đạo khổ”, hai câu này vô cùng quan trọng. Kinh này vừa mở đầu, hết thảy chư Phật tán thán đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong ngũ trược ác thế thị hiện thành Phật, “tri khổ lạc pháp”. Đức Phật biết pháp gì là khổ, pháp gì là vui. Chúng ta nghe lời dạy của đức Phật thì phải biết nghiệp đạo khổ. Nghiệp đạo là gì? Tạo nghiệp mà không giác ngộ thì gọi là nghiệp đạo. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm là mê mà không giác, tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh thì gọi là nghiệp đạo. Ngược lại, khi chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm thì đó gọi là Bồ-tát đạo, đó là Phật đạo. Phật đạo và nghiệp đạo ở trên sự không có khác nhau, khác nhau là ở ý niệm, một niệm giác thì là Phật, Bồ-tát, một niệm mê thì là nghiệp đạo khổ. Làm thế nào mới có thể “thoát đắc xuất ly”? Thoát là thoát khỏi ác đạo. Không những thoát khỏi tam ác đạo, mà cũng phải thoát khỏi lục đạo. Khi nào thoát khỏi? Bây giờ thoát khỏi. Bây giờ thoát khỏi như thế nào? Trong tâm đối với hết thảy pháp không phân biệt, không chấp trước thì thoát khỏi rồi.
Thoát khỏi không phải là thoát khỏi hoàn cảnh này, không phải ý này, không phải nói bạn chạy trốn thế gian này, đó là sai lầm; ngay trong thế gian thoát khỏi thế gian. Chúng ta ăn cơm, ăn cơm cũng là thoát ly. Người thế gian ăn cơm, đối với ăn cơm có phân biệt chấp trước, đó là nhiễm, là mê. Sống đời sống mê, tà, nhiễm, ăn cơm vẫn là tương ứng với mê, tà, nhiễm, vậy là tạo nghiệp lục đạo, tạo nghiệp tam ác đạo, đó là nghiệp đạo khổ. Ăn cơm như thế nào mới thoát ly? Không có phân biệt, không có chấp trước, cái gì cũng ngon hết. Nhạt có vị của nhạt, mặn có vị của mặn, không có phân biệt, không có chấp trước. Trong ăn cơm đã thoát ly lục đạo; trong lúc mặc áo cũng vậy, nghĩa là từng ly từng tí trong đời sống hằng ngày, sinh hoạt không khác với mọi người; một người thì sống đời sống lục đạo, còn người kia thì sống đời sống thoát ly; một bên thì phân biệt chấp trước, một bên thì không có phân biệt, chấp trước; một người tâm không thanh tịnh, còn người kia thì tâm vô cùng thanh tịnh. Có thể vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh, vĩnh viễn không sanh phân biệt, chấp trước, đó là “vĩnh bất tái lịch”, bạn sẽ không trở lại con đường cũ, vĩnh viễn thoát ly lục đạo, lục đạo đều là ác đạo. Nói thêm với quý vị thập pháp giới cũng là ác đạo. Phật, Bồ-tát dạy chúng ta, chúng ta thật sự đã nghe rõ ràng, thật sự nghe sáng tỏ, tại sao không chịu làm? Chúng ta xem tiếp kinh văn:
Như mê lộ nhân ngộ nhập hiểm đạo.
Việc này phù hợp với thí dụ ở trên, giống như bạn đi đường, bạn bị lạc phương hướng. “Ngộ nhập hiểm đạo”, trên đường có sư tử, sói, hổ, báo, rắn độc, thú dữ, rất nguy hiểm.
Ngộ thiện tri thức dẫn tiếp linh xuất, vĩnh bất phục nhập.
Đây là bạn gặp một người tốt, ông ta hiểu rõ các thứ nguy hiểm trên đường, khuyên bạn không nên đi theo con đường ấy. Bạn biết được, hiểu rõ rồi nên đổi hướng đi, đi con đường khác, không cần phải mạo hiểm. Sau khi bạn biết được, thấy kẻ khác đi vào con đường ác này thì bạn cũng phải khuyên họ.
Phùng kiến tha nhân phục khuyến mạc nhập.
Đây là dạy lại cho người khác.
Tự ngôn: “Nhân thị mê cố, đắc giải thoát cánh tiện bất phục nhập”.
Nói với người ấy, con đường họ đi hiện nay, lúc trước tôi đã từng lạc đường, đi lạc vào đường này, gặp được một vị thiện tri thức, vị ấy khuyên tôi, tôi quay đầu lại. Giúp đỡ người khác quay đầu, từ đâu quay trở lại? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quay trở lại, từ thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn quay trở lại, đều là ác đạo. Chúng ta gặp Phật, Bồ-tát, thiện tri thức này, Phật, Bồ-tát dạy những đạo lý này cho chúng ta, chúng ta giác ngộ, chúng ta cũng quan sát rõ ràng những sự tướng mà họ nói, chúng ta sẽ không đi lạc vào đường đó nữa. Trong mọi lúc, mọi nơi, khi đối người, đối việc, đối vật nhất định không mê hoặc nữa, sẽ không khởi tâm động niệm, không phân biệt chấp trước nữa thì bạn đã giác ngộ rồi. Nếu bạn còn khởi tâm động niệm, còn phân biệt chấp trước thì bạn lại sai lầm nữa rồi, lại đi lạc vào đường ác nữa. Cảnh giới trong đây vô cùng vi tế, e rằng mọi người nghe xong sẽ sanh ra hiểu lầm. Như vậy có phải là hết thảy người, hết thảy vật trên thế gian này đều mặc kệ phải không? Tôi không có nói bạn bỏ mặc, tôi không có bảo bạn không làm, chỉ là bảo bạn không khởi phân biệt, không khởi chấp trước, chứ không phải bảo bạn không ăn cơm. Vẫn ăn cơm như thường, một ngày vẫn ăn ba bữa, không thiếu bữa nào. Phật dạy chúng ta ăn cơm đừng khởi phân biệt, đừng kén chọn, đâu có bảo bạn không ăn cơm? Đối với xã hội, đối với hết thảy chúng sanh, Bồ-tát đại từ đại bi, tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, không phải chư Phật, Bồ-tát bận rộn nhưng vẫn vui vẻ hay sao! Các ngài không phải không làm, các ngài cái gì cũng làm, thị hiện trong các ngành các nghề, trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta xem thấy, trong ngành nghề nào cũng đều làm ra thành tích tốt nhất, làm tấm gương cho hết thảy chúng sanh, đâu phải họ không làm; họ đều làm hết.
Trên sự thì làm viên mãn như vậy, nhưng trong tâm sạch sẽ mảy trần không nhiễm. Người thế gian chúng ta làm xong thì kể công, kiêu ngạo, [cho rằng] tôi đã làm nhiều việc tốt như vậy, đối với xã hội, đối với chúng sanh có nhiều cống hiến như vậy. Vậy là đã bị ô nhiễm, bạn sẽ không ra khỏi lục đạo; làm càng nhiều việc tốt, hưởng phước báo trong lục đạo thì phước báo đó không phải là diệu lạc. Chư Phật, Bồ-tát thị hiện dù làm nhiều việc tốt hơn nữa, trong tâm của mình ngay cả một chút dấu vết cũng không có, đúng như câu nói “làm mà không làm, không làm mà làm”, đó mới là diệu. Khi làm thì chúng ta tận tâm tận lực mà làm, còn không làm nghĩa là tâm địa thanh tịnh, tuyệt đối không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. Ý nghĩa này nhất định phải làm cho rõ ràng, phải làm cho sáng tỏ, sau đó mới không đến nỗi sanh ra hiểu lầm. Những gì mình làm đều vì hết thảy chúng sanh, chúng ta tuyệt đối tận tâm tận lực, làm thành công thì chúng sanh có phước, không phải tôi có công, tôi có công gì đâu? Nếu không thành công thì phước đức nhân duyên của chúng sanh chưa chín muồi, tôi cũng không có lỗi. Do đó tự hành, hóa tha đều là tùy duyên mà không phan duyên, phan duyên nghĩa là gì? Chấp tướng thì sẽ phan duyên, ly tướng chính là tùy duyên; có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là phan duyên, rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là tùy duyên. [Chúng ta] phải làm rõ những sự, lý này, phải làm sáng tỏ mới không đến nỗi sanh ra hiểu lầm. Xem tiếp kinh văn bên dưới:
Nhược tái lý tiễn do thượng mê ngộ, bất giác cựu tằng sở lạc hiểm đạo, hoặc trí thất mạng như đọa ác thú.
Đây là nói kết hợp với thí dụ ở phần trước, tập khí ác của chúng ta quá nặng, rất khó khắc phục. “Nhược tái lý tiễn, do thượng mê ngộ”, hai câu này nghĩa là tính cảnh giác của chúng ta không đủ, mặc áo ăn cơm lại khởi phân biệt, còn phải kén chọn. Chúng ta làm từ những việc nhỏ nhất, mỗi ngày bạn ăn cơm, hôm nay kén chọn món này ăn ngon, ngày mai kén chọn món kia, bạn phải biết đó là nghiệp đạo khổ. Tham khẩu vị, tham hưởng thụ là bạn đang tạo nghiệp, bạn không giác ngộ. Khi chúng ta ăn cơm, lúc chắp tay niệm chú cúng dường, cúng dường Phật hãy nghĩ đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni năm xưa đi trì bát, người ta cho gì thì ăn món đó. Ngài có kén chọn hay không? “Hôm nay bạn cho tôi đồ ăn không ngon, không hợp khẩu vị của tôi”. Phật có nói như vậy bao giờ chưa? Đệ tử Phật có khởi ý niệm như vậy hay không? Không có. Ngày nay chúng ta cái gì cũng kén chọn, chúng ta đang tạo nghiệp nhưng chính mình không biết. Uống trà phải chọn trà nào ngon, tôi chưa từng biết trà nào là trà ngon, trà nào là không ngon, tôi không biết. Người ta tặng trà cho tôi, tôi đều chuyển tặng cho người khác. Tặng đồ quý giá gì cho tôi đều rất uổng, tại sao vậy? Vì tôi không biết giá trị, không biết sang hay hèn, có ăn là tốt rồi, có mặc là tốt rồi. Nhất định phải thực tiễn những lời dạy này vào trong đời sống, phải bắt đầu tu từ đâu? Mỗi ngày vẫn phải ăn cơm, mỗi ngày vẫn phải mặc áo, mỗi ngày vẫn phải làm việc, nhưng từ trong đời sống hiện thực mà phản tỉnh, từ trong đời sống hiện thực mà quay đầu, quay đầu là bờ, sửa thói quen, sửa tật xấu.
“Bất giác cựu tằng sở lạc hiểm đạo”, đây là vì bạn không giác ngộ, trong quá khứ chúng ta đã từng trải qua trong tam ác đạo, không những chỉ là từng trải qua, mà đã trải qua vô số lần. Ngày nay chúng ta có thể thoát khỏi tam ác đạo được thân người, không phải là Địa Tạng Bồ-tát cứu vớt hay sao? Hết thảy chư Phật, Bồ-tát thị hiện trong cõi ngạ quỷ, địa ngục để độ chúng sanh đều gọi là Địa Tạng Bồ-tát. Tương lai chúng ta thành tựu, nhìn thấy chúng sanh chịu khổ trong địa ngục, chúng ta cũng sẽ hóa thân đến địa ngục độ hóa chúng sanh, người trong địa ngục cũng xưng chúng ta là Địa Tạng Bồ-tát; Địa Tạng Bồ-tát là tên chung, không phải tên riêng của một người nào. Ngày nay, chúng ta được thân người [nhưng] đã quên sạch sẽ những đau khổ trong tam ác đạo. Khi chúng ta thấy chúng sanh trong tam ác đạo có khởi tâm giác ngộ hay không? Nhìn thấy súc sanh, súc sanh khổ, tôi đã từng làm súc sanh. Nhìn thấy ngạ quỷ, địa ngục; ngạ quỷ, địa ngục khổ, tôi đã từng đọa vào địa ngục, đã từng làm ngạ quỷ, còn muốn làm thêm nữa hay không? Tại sao chúng biến thành súc sanh? Vì ngu si. Tại sao đọa ngạ quỷ? Vì tham dục. Tại sao đọa địa ngục? Vì sân giận. Tham, sân, si sẽ đọa vào tam ác đạo, ngày nay trong tâm bạn vẫn thường khởi tham, sân, si thì bạn đã “nhược tái lý tiễn”, bạn đã đi ngược vào đường cũ rồi.
Không dễ gì thoát khỏi tam ác đạo và được thân người, được thân người xong vẫn không ngừng tạo nghiệp tam ác đạo, một khi bạn mất thân người thì liền trở lại tam ác đạo. Không phải giống như đã nói trong đoạn kinh phía trên sao? Mới thoát khỏi ác đạo chưa được bao lâu, đi một vòng lại trở về nữa. Chênh lệch thời gian của cõi người chúng ta và tam ác đạo là rất lớn, thông thường nói một tháng ở nhân gian bằng một ngày ở cõi ngạ quỷ; thật ra thì cõi ngạ quỷ, cõi súc sanh, cõi địa ngục, chênh lệch thời gian ở trong mỗi đường là khác nhau. Trong địa ngục, có chỗ một ngày bằng mấy trăm năm ở nhân gian, có chỗ bằng mấy ngàn năm ở nhân gian, khác biệt rất lớn. Chúng ta tính thời gian khác biệt nhỏ thôi, chỉ tính một trăm năm, bạn thoát ra khỏi địa ngục được thân người, cho dù bạn sống đến một trăm tuổi, bạn lại tạo tội ngũ nghịch thập ác, sau khi thọ mạng một trăm năm hết lại phải đọa vào địa ngục nữa; lúc đó những người trong địa ngục nhìn thấy bạn, bạn chỉ mới ra khỏi một ngày tại sao lại trở về nữa? Chính là tình hình như vậy. Quên sạch sẽ những lời dạy bảo của Bồ-tát. Xem tiếp kinh văn bên dưới:
Địa Tạng Bồ-tát, phương tiện lực cố, sử linh giải thoát, sanh nhân thiên trung, toàn hựu tái nhập.
Đây chính là thí dụ mà vừa rồi tôi mới nói. “Toàn” là rất nhanh, vừa thoát ra liền quay trở lại. Nếu như theo cách nói thông thường, lúc trước lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam trong Đại Chuyên Phật Học Giảng Tọa nói tình hình trong địa ngục cho chúng tôi nghe. Thầy nói một ngày trong địa ngục bằng 2.700 năm ở nhân gian chúng ta, một ngày trong địa ngục là nhân gian chúng ta đã trải qua 2.700 năm. Chẳng phải là bạn đến nhân gian, cho dù sống một trăm tuổi, hai trăm tuổi [thì so với địa ngục] không phải mấy phút đã quay trở lại hay sao? Vừa ra khỏi địa ngục hít một hơi liền quay trở lại, thật đúng là như vậy. Đây là nhờ bạn học Phật tương đối có gốc rễ, Địa Tạng Bồ-tát vừa khuyên bạn, bạn liền khởi lên một tâm niệm thiện thì bạn thoát ra, vừa thoát khỏi xong lập tức mê trở lại.
Nhược nghiệp kết trọng, vĩnh xứ địa ngục, vô giải thoát thời.
Đây là nói nghiệp của bạn rất nặng, Địa Tạng Bồ-tát ở nơi đó dạy nhưng bạn không nghe, bạn không tin. Ở trong địa ngục có nghiệp chướng nặng như vậy, Địa Tạng Bồ-tát thường vào địa ngục giáo hóa thì bạn cũng không nhận ra, bạn gặp Bồ-tát mà cũng bỏ qua. Chư Phật, Bồ-tát dù ở cõi nào giáo hóa chúng sanh thì nhất định sẽ thị hiện thân đồng loại với cõi đó, vậy thì mới có thể giáo hóa. Các ngài không dùng thân có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân này người không có phước báo sẽ không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy thân giống với mình, thân giống mình thì rất khó phát hiện. Chư Phật, Bồ-tát ứng hóa trong thế gian chúng ta rất nhiều, thời xưa nhiều, ngày nay càng nhiều hơn. Tại sao nói ngày nay càng nhiều hơn? Ngày nay chúng sanh khổ hơn thì Phật, Bồ-tát nhất định sẽ thị hiện nhiều hơn. Nhưng thị hiện thân giống như chúng ta thì chúng ta không nhận ra. Người nào là Phật? Người nào là Bồ-tát? Chúng ta làm sao biết được. Nhất định phải hiểu sâu Phật pháp, đối với lý của Phật pháp bạn hiểu được tương đối thấu triệt, tâm địa thanh tịnh, tính cảnh giác cao, dần dần bạn sẽ phát hiện ở xung quanh bạn thật sự có rất nhiều Phật, Bồ-tát thường luôn chăm sóc cho chúng ta. Hình tướng của những vị Phật, Bồ-tát này thị hiện không giống nhau, có thiện, có ác, cảnh giới thị hiện có thuận cảnh, có nghịch cảnh, không có gì không phải là giúp cho chúng ta giác ngộ, giúp chúng ta quay đầu. Trong thuận cảnh giúp chúng ta đoạn tham, đoạn tham ái, trong nghịch cảnh giúp chúng ta đoạn sân giận, để cho tâm chúng ta trong cảnh giới thiện ác, thuận nghịch được tâm thanh tịnh, được tâm bình đẳng. Trong thuận cảnh chúng ta khởi tham ái, trong nghịch cảnh khởi tâm sân giận, trong kinh nói như vậy là mê rồi, lại đọa lạc rồi, thoát ra khỏi ác đạo không được mấy ngày liền quay trở lại. Đây cũng chính là trong kinh đức Phật thường nói chỉ cần trong lục đạo luân hồi thì nhất định thời gian ở trong tam ác đạo dài, thời gian trong tam thiện đạo ngắn, đây là đạo lý nhất định. Nếu như bạn không thể nhận biết rõ hoàn cảnh, không tiếp nhận lời giáo huấn thì đó là nghiệp chướng của bạn quá nặng, “ở mãi trong địa ngục, không có lúc nào được giải thoát”. Đây là chân tướng sự thật, cho nên đọa trong địa ngục thì thọ mạng là vô lượng kiếp. Xem tiếp kinh văn:
Nhĩ thời Ác Độc Quỷ Vương hiệp chưởng cung kính bạch Phật ngôn: “Thế Tôn, ngã đẳng chư quỷ vương, kỳ số vô lượng tại Diêm-phù-đề, hoặc lợi ích nhân, hoặc tổn hại nhân, các các bất đồng, nhiên thị nghiệp báo sử ngã quyến thuộc du hành thế giới, đa ác thiểu thiện”.
Phía trước chúng ta đã đọc thấy những đại quỷ vương trong hội này, trong kinh nêu ra mười mấy vị, Ác Độc Quỷ Vương là dẫn đầu, vị này là đại biểu, tên xếp đầu tiên. Phật nói với chúng ta những đại quỷ vương này đều là Pháp thân Đại sĩ, đều là chư Phật, Bồ-tát thị hiện, không phải là quỷ vương thật. Nếu thật sự từ cõi ngạ quỷ thì đâu có thể tham gia pháp hội thù thắng của đức Phật Thích-ca Mâu-ni được? Ngài thị hiện thân quỷ vương trong cõi quỷ để độ chúng sanh, trên thực tế thì ngài là Bồ-tát. Giống như trong nhà Phật thường có phóng Diệm Khẩu, đối diện bàn Diệm Khẩu thì thường dùng giấy làm thành tượng một quỷ vương, mặt xanh răng nhọn, hình dạng rất dễ sợ, gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ. Vị này là ai? Quán Thế Âm Bồ-tát. Quán Thế Âm Bồ-tát ở trong cõi quỷ cũng là thị hiện thân phận quỷ vương, nếu ngài thị hiện thân người, trời thì sẽ không độ nổi những chúng sanh này, trong cõi quỷ nhất định phải hiện thân ngạ quỷ, đó là Quán Thế Âm Bồ-tát.
Quỷ Vương “hiệp chưởng cung kính”, đây là nói với đức Phật; phía trước là lễ tiết, chúng ta cũng không cần nói chi tiết. “Thế Tôn” là tôn xưng đức Phật Thích-ca Mâu-ni. “Ngã đẳng quỷ vương, kỳ số vô lượng, tại Diêm-phù-đề”, số lượng trên thế gian này quá nhiều, quỷ còn nhiều hơn người. Nói thật ra, phàm là nơi có người ở thì cũng có quỷ ở đó, người và quỷ cùng ở một nơi, chúng ta sinh sống trong hai không gian khác nhau cho nên có thể ở chồng lên nhau, không gây trở ngại lẫn nhau; nhà của người cùng với nhà của quỷ có thể chồng lên nhau mà mỗi bên không có trở ngại. Tường vách của chúng ta không chướng ngại đối với quỷ, họ có thể đi xuyên qua, nhưng nhà của họ thì họ không thể đi xuyên qua; cũng giống vậy, tường nhà của quỷ chúng ta có thể đi xuyên qua mà không có chướng ngại, còn họ thì có chướng ngại. Đây là hai thời không khác nhau, cùng chồng lên nhau. Nói thật ra, con người chúng ta có nhiều khi nhìn thấy quỷ, nếu như chúng ta bình tĩnh nghĩ thử, chính mình nhất định cũng đã từng gặp qua quỷ. Nhiều khi chúng ta ở trong nhà, hoặc ở bên ngoài đột nhiên cảm thấy không thoải mái, lông tóc dựng đứng, đó là gì? Đó là gặp quỷ, bị ảnh hưởng bởi sóng của quỷ phát ra, hiện nay nhà khoa học gọi là từ trường. Từ trường của chúng ta tiếp xúc với từ trường của họ, nếu như từ trường của ta mạnh thì sẽ không bị quấy nhiễu, nếu như từ trường của ta yếu thì sẽ bị quấy nhiễu, bị quấy nhiễu sẽ cảm thấy không thoải mái. Họ có thể quấy nhiễu chúng ta, chúng ta cũng có thể quấy nhiễu họ, lúc từ trường của chúng ta quá mạnh thì họ sẽ tránh xa, họ sẽ không đến gần, tại sao vậy? Đến gần thì họ cũng không thoải mái.
Thế nên trong Phật pháp, trong kinh điển thường nói một người tu hành, chân thật công phu tu hành đắc lực thì trong phạm vi bốn mươi dặm những ác quỷ, ác thần đều tránh xa, tại vì sao? Từ trường của người ấy quá mạnh, khi họ đi vào liền cảm thấy khó chịu, sức mạnh của từ trường ấy có thể khống chế trong phạm vi lớn bốn mươi dặm, họ đều phải tránh né. Người tu hành vẫn còn gặp quỷ, hay nói cách khác, công phu tu hành của bạn quá kém, quỷ cũng ức hiếp bạn, cũng cười bạn. Công phu tu hành đó của bạn là giả, không phải thật, chỉ là hình dáng bề ngoài còn trong tâm vẫn là tham, sân, si, mạn, thế nên quỷ cũng coi thường bạn, đạo lý chính là như vậy. Người sợ quỷ, quỷ càng sợ người, chẳng phải thường nghe câu nói như vậy hay sao, “người sợ quỷ ba phần, quỷ sợ người bảy phần”, nhưng rất nhiều người thường sợ quỷ, không phải kỳ lạ hay sao! Lẽ ra quỷ phải sợ người mới đúng, tại sao người lại sợ quỷ? Tâm địa ngay thẳng thì quỷ cũng phải tránh bạn ba phần, quỷ tôn kính người tốt. Tâm địa ngay thẳng, thanh tịnh, từ bi, quỷ thần đều tôn kính bạn, làm sao dám hại bạn! Quỷ thần ủng hộ bạn thì đó là lợi ích người, quỷ thần đến phá hoại bạn thì đó là làm hại người, mỗi loại khác nhau. Chúng ta muốn hỏi, quỷ thần làm lợi người nhiều hay làm hại người nhiều? Vấn đề này không ở tại họ mà ở tại bản thân chúng ta. Nếu bản thân chúng ta giữ tâm tốt, làm việc tốt, lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng thì quỷ thần nhất định sẽ làm lợi ích cho bạn, hộ niệm bạn, ủng hộ bạn. Nếu như khởi tâm động niệm của chúng ta là tà ác, làm bất cứ chuyện gì đều là tổn hại người khác, tổn hại xã hội, chỉ lo cho lợi ích của mình, thì quỷ thần sẽ làm hại chúng ta. Do đó không phải ở đối phương mà là ở chính mình. Đoạn sau ngài nói rất hay, “nhiên thị nghiệp báo, sử ngã quyến thuộc, du hành thế giới, đa ác thiểu thiện”, “ác nhiều thiện ít” nghĩa là nói rõ người thế gian tạo ác nghiệp nhiều, ác giao cảm với ác, thiện cảm ứng với thiện. Tiêu chuẩn của thiện ác, tiêu chuẩn đơn giản nhất là ngũ giới thập thiện. Sau đó lại nêu ra thí dụ, những lời này đều do Ác Độc Quỷ Vương nói:
Quá nhân gia đình, hoặc thành ấp tụ lạc, trang viên phòng xá, hoặc hữu nam tử nữ nhân tu mao phát thiện sự, nãi chí huyền nhất phan nhất cái, thiểu hương thiểu hoa, cúng dường Phật tượng cập Bồ-tát tượng, hoặc chuyển độc tôn kinh, thiêu hương cúng dường nhất cú nhất kệ.
Đây là quỷ thần nhìn thấy người tu thiện, chúng ta nói sơ lược về đoạn này. Quỷ thần đi qua nhà người ta, đây là chuyện bình thường, rất thường xảy ra, hầu như mỗi ngày đều có. “Thành ấp tụ lạc” là nói về thành thị của chúng ta, trong đô thị có quỷ thần, ban ngày trên đường dương khí quá thịnh nên họ tránh né, phàm là quỷ thần đều sợ ánh sáng mặt trời, cho nên khi họ xuất hiện đều là lúc trời tối. Thông thường đến hoàng hôn, lúc mặt trời lặn thì quỷ thần liền xuất hiện, nhưng số lượng rất ít, giống như trời tờ mờ sáng, lúc bốn, năm giờ trời vừa mới sáng, có một số ít người đi ra ngoài vận động, đa phần còn đang ngủ chưa đi ra ngoài. Lúc nào nhiều nhất? Đại khái mười một, mười hai giờ khuya, trên đường có rất đông quỷ thần, rất náo nhiệt, trên đường đều là quỷ. Con người chúng ta có hàng quán, có đường phố, quỷ cũng có hàng quán, có đường phố của họ. Lần trước cư sĩ Lôi ở đây báo cáo với quý vị, [những chuyện] đó đều là thật, không phải giả, người thật việc thật, người và quỷ cùng ở một nơi. “Trang viên xá trạch”, đây là những chỗ họ đi qua, thôn xóm vườn cây, những nhà cửa mà có người ở. Họ thấy có người hành thiện nơi đó, đây là một ý niệm thiện, họ đang làm việc này. “Hoặc hữu nam tử nữ nhân, tu mao phát thiện sự”, việc thiện nhỏ, ở đây làm một chút việc thiện nhỏ.
Những việc thiện nào? Sau đó nêu ra vài việc, “nãi chí huyền nhất phan nhất cái”, ý nghĩa của “phan cái” đã nói phía trước; thời xưa treo phan, treo tràng là việc mà ngày nay chúng ta gọi là tuyên truyền Phật pháp, thời trước dùng cách này để thông báo tin tức, nói cho mọi người biết chỗ này có giảng kinh, có pháp hội, mọi người biết được, ai muốn thì có thể đến tham dự, đây là phát ra thông báo. Hiện nay không cần nữa, ngày nay thông tin phát triển, cách làm tiến bộ hơn, thù thắng hơn, nhanh chóng hơn ngày xưa. Nhưng những thứ như “phan” và “cái” này đối với quỷ thần vẫn có lợi ích, còn đối với người thì đã không còn tác dụng nữa, vẫn còn tác dụng đối với quỷ thần. Nhưng chư vị nên nhớ đây là để truyền tải thông tin. “Thiểu hương thiểu hoa” là tiêu biểu tu hành, một cây nhang, một cánh hoa, không phải là bông, chỉ là một cánh hoa, tiêu biểu cái gì? Tiêu biểu tu hành. Mọi người đều biết hương tiêu biểu giới định, hoa tiêu biểu Lục độ, họ khởi một niệm giới định, Lục độ, chúng ta đốt hương, cúng hoa sẽ phát sinh ra lợi ích chân thật. Tuy một niệm này rất yếu ớt, việc thiện nhỏ như sợi lông, cọng tóc, nhưng đó thật sự là một niệm, là một niệm thiện. Tuy niệm thiện này rất yếu, thời gian khởi niệm thiện rất ngắn nhưng cũng đáng được tán thán; khởi lên một niệm thiện không dễ gì, vì những ý niệm lúc bình thường đều là ác niệm.
“Cúng dường Phật tượng, cập Bồ-tát tượng”, cúng dường là chiêm lễ, chiêm ngưỡng, lễ bái. Hoặc là “chuyển độc tôn kinh”, là bạn đang đọc kinh. “Thiêu hương cúng dường nhất cú nhất kệ”, lúc đọc kinh có thể đốt hương, đốt hương là cúng dường Pháp bảo. Lúc bạn đọc kinh có quỷ thần nghe, người thời xưa đọc kinh thường đốt hương, hiện nay người đọc kinh rất ít đốt hương. Chúng ta chỉ đốt hương lúc cúng Phật, lúc đọc kinh chúng ta rất ít đốt hương. Nhưng lúc đọc kinh niệm Phật không ở niệm Phật đường, ở trong những trường hợp khác, chúng ta đọc kinh niệm Phật có khi ngửi thấy mùi hương lạ, ngửi được mùi hương thoang thoảng, không giống với những loại hương chúng ta thường đốt, mùi hương rất nồng, sẽ có tình huống này xảy ra. Đây là việc gì? Đây là lúc chúng ta đọc kinh, có những thiên thần đi ngang qua, quỷ thần đi ngang qua, họ cung kính cúng dường, chúng ta rất khó nhận biết. Thiên thần đi ngang qua, họ nhìn thấy nên họ dừng lại ở đó chắp tay, trên thân người trời có mùi thơm, cho nên bạn ngửi được mùi thơm, hiện tượng này rất hay xảy ra, có nhiều đồng tu đều đã trải qua. Chúng ta gặp những cảnh giới này cũng không cần sanh tâm vui mừng, đây là chuyện rất phổ thông, chuyện rất bình thường. Nếu như bạn gặp những chuyện này, bạn cảm thấy kỳ lạ, cảm thấy không bình thường, cảm thấy rất vui thích rồi sanh tâm cống cao ngã mạn, vậy thì bạn sai rồi, bạn bị ma chọc phá rồi. Nếu dùng tâm bình thường để đối đãi thì đây là cảnh giới tốt. Xem tiếp đoạn kinh văn tiếp theo:
Ngã đẳng quỷ vương kính lễ thị nhân.
Đối với người tu thiện, những quỷ thần này đều tôn kính, đều hành lễ với bạn.
Như quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật.
Họ đối với người tu thiện, đương nhiên đây không phải là quỷ thông thường, quỷ thông thường không có cảnh giới này. Con người khởi một niệm thiện, làm một chút việc thiện nhỏ thì liền xem người đó giống như chư Phật để đối đãi, đây là thật không phải giả. Cho nên tôi thường nói những đại chúng niệm Phật trong niệm Phật đường này, mỗi người đều là Phật, không khác gì với lời nói trong kinh này. Bởi vì lúc bạn ở trong niệm Phật đường vạn duyên buông xuống, nhất tâm chuyên niệm A-di-đà Phật, bạn tương ứng với A-di-đà Phật, “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, vậy bạn không phải là Phật thì ai là Phật? Ngày nay những người hộ trì, hộ pháp, người cúng dường, chúng ta là thật sự đang cúng dường chư Phật Như Lai, phước này bao lớn! Khi bạn ra khỏi niệm Phật đường, tiếp xúc với tất cả người, việc và vật lại khởi tâm động niệm, vậy thì bạn đã quay lại rồi, bạn đã thoái chuyển rồi, tu hành như vậy là tiến tiến thoái thoái. Nhưng hiện nay bạn còn chưa đến tam ác đạo, bạn thoái chuyển xong lại tạo nghiệp tam đồ, quả báo tam đồ còn chưa hiện ra, vậy thì chưa quan trọng lắm. Thế nên, thời gian huân tập trong niệm Phật đường, trong giảng đường càng dài càng tốt.
Tương lai chúng tôi hy vọng làng Di-đà xây xong, người niệm Phật trong niệm Phật đường mỗi ngày 24 tiếng không gián đoạn, hiện nay đã làm được 12 tiếng đồng hồ, tương lai hy vọng làm được 24 tiếng. Đạo tràng như vậy, nếu như ở đó an định tâm xuống, ở đó ba năm thì đâu có lý nào không thành tựu cho được! Đây chính là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, sức mạnh này rất lớn, ba năm đến năm năm nhất định thành tựu. Pháp môn Tịnh tông đích thực có thể làm cho hết thảy chúng sanh tội khổ một đời thành Phật, pháp môn này thù thắng vô cùng. Chúng ta đều là chúng sanh tội khổ, tại sao chúng ta một đời không thể thành tựu? Vì duyên không đủ, không có cơ hội. Nói thật ra có thiện căn, có phước đức nhưng không có nhân duyên. Ngày nay xây dựng niệm Phật đường, xây dựng làng Di-đà chính là xây dựng nhân duyên đắc độ cho hết thảy chúng sanh, giúp cho thiện căn, phước đức, nhân duyên cả ba điều kiện thảy đều đầy đủ thì bạn sẽ thành tựu. Có thể nắm chắc ngay trong đời này vãng sanh bất thoái thành Phật thì đời này sẽ thành tựu. Thế nên, chúng ta biết khởi lên một ý niệm thiện, quỷ thần đều đối đãi với bạn như đối với Phật, bạn là chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, họ xem bạn như chư Phật ba đời.
Sắc chư tiểu quỷ các hữu đại lực, cập Thổ Địa phân tiện linh vệ hộ.
Đại quỷ vương nhìn thấy, sai các tiểu quỷ đi chăm sóc. “Cập Thổ Địa phân”, Thổ Địa, chúng ta gọi là Thổ Công; [đại quỷ vương] sai những tiểu quỷ, phái thần Thổ Địa đi hộ vệ, thông thường gọi là bảo vệ. Họ không phải là bảo vệ người, tại vì bạn làm việc thiện nên họ mới bảo vệ. Việc thiện này nhất định là một chút tâm thiện đó, một chút tâm thiện đó đã cảm động quỷ thần đến bảo vệ bạn. Thế nhưng người thế gian thường hiểu sai ý nghĩa, họ mong cầu quỷ thần bảo hộ, bảo hộ cái gì? Bảo hộ tâm tham sân si của họ, vậy là sai rồi. Bảo hộ cho họ thăng quan, bảo hộ cho họ phát tài, phát đại tài xong họ sẽ cúng dường quỷ thần, ra điều kiện với quỷ thần: “Nếu ông giúp tôi có 100 triệu, tôi sẽ lấy 1 triệu cúng dường ông.” Đây chính là gì? Hối lộ quỷ thần. Họ làm việc ác, hy vọng quỷ thần giúp họ, giúp họ làm chuyện ác, như thế thì không những không được quỷ thần giúp đỡ, [trái lại] quỷ thần còn gây tai họa cho họ, thế nên quỷ thần làm ác cũng rất nhiều. Như vậy sẽ cảm được ác quỷ ác thần, cũng có thể giúp bạn phát tài, phát tài xong lại làm cho bạn tán gia bại sản. Vị thần bạn cảm được không phải chánh thần, đó là tà thần, tà mỵ, là yêu ma quỷ quái. Chánh thần sẽ tránh xa bạn, không bảo hộ bạn, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Việc thiện của bạn nhất định phải là tâm thiện, nhất định phải là niệm thiện, khác nhau chính ở chỗ này. Nếu tâm địa tà ác, mỗi ngày lạy thần, mỗi ngày lạy Bồ-tát đều không có ích gì, tuyệt đối sẽ không tương ứng. Thế nên một đạo tràng, người chủ trì đạo tràng, tâm đại chúng ở trong đạo tràng không ở tại đạo, trong tâm đều là danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, thử hỏi xem đạo tràng này có Phật, Bồ-tát hay không? Không có. [Hình tượng] nặn đúc là hình tượng Phật, Bồ-tát, [nhưng thật sự thì] Phật, Bồ-tát không bao giờ đến đạo tràng đó. Những ai sẽ đến? Yêu ma quỷ quái giả mạo Phật, Bồ-tát, ở nơi đó lừa gạt chúng sanh. Bạn sẽ cảm được yêu ma quỷ quái, bạn là lạy yêu ma quỷ quái, không phải là Phật, Bồ-tát. Những quỷ thần này bảo hộ bạn, đoạn tiếp theo nói:
Bất linh ác sự hoành sự, ác bệnh hoành bệnh, nãi chí bất như ý sự, cận ư thử xá đẳng xứ, hà huống nhập môn.
Đều ở một niệm chân thiện, thiện cảm ứng cùng thiện, bạn có quỷ thần bảo hộ bạn. Trong Giới Kinh, Phật có nói khi bạn có thể thọ trì Tam quy thì có 36 vị thần hộ pháp ngày đêm bảo hộ bạn. Bạn trì ngũ giới, trì một giới liền có 5 vị thần hộ giới bảo hộ bạn, trì hết năm giới thì có hai 25 vị thần hộ giới bảo hộ bạn. Bạn tu thập thiện, chính là trong kinh này nói những quỷ vương này sai tiểu quỷ, Thổ Địa bảo vệ bạn. Chúng ta đều đã thọ Tam quy y, cũng thọ ngũ giới, thọ Bồ-tát giới, có những thần hộ pháp này bảo hộ hay không? Không thấy. Tại sao nói không thấy? Những gì bạn thọ là giới trên danh tự, là hình thức chứ không phải thực chất. Bạn thọ Tam quy, bạn có “quy” hay không? Có “y” hay không? Nếu chỉ là mời một vị pháp sư làm nghi thức cho bạn, trên thực tế bạn không có quay đầu, cũng không có nương tựa, bạn vẫn giống như lúc trước, như vậy thì không có thần hộ pháp. Tam quy, “quy” là thật sự quay đầu, “y” là từ nay trở về sau đích thật đã có nơi nương tựa, phải tương ứng với những gì bạn nương tựa, được vậy thì bạn mới chân thật quy y, bạn mới có thể cảm được thần hộ pháp bảo hộ bạn; không phải nói làm trên hình thức, hình thức thì không có tác dụng.
Cho nên, từ đoạn kinh văn này chúng ta liền thể hội được, [cảm ứng] đều ở tại một niệm chân tâm, dứt khoát không phải hư vọng. Quy là quay đầu, từ đâu quay đầu? Từ mê, tà, nhiễm quay đầu, phải nương vào giác, chánh, tịnh, đây là điều kiện cơ bản, nguyên tắc cơ bản khi học Phật. Quy y Phật, Phật ý nghĩa là giác, chúng ta từ mê hoặc quay trở lại nương vào giác, giác mà không mê; đối người, đối việc, đối vật mọi lúc mọi nơi giác mà không mê thì bạn mới gọi là quy y Phật. Trong Tam quy bạn đã thọ nhận một điều, ở mọi lúc mọi nơi, chúng ta vừa mới nói qua, khi khởi tâm động niệm nếu phân biệt chấp trước chính là mê, không phải giác; không khởi tâm, không phân biệt, không chấp trước là giác, đó là không mê. Chúng ta có làm được hay không? Làm được thì bạn mới chân chánh quy y. Pháp là chánh tri chánh kiến, Phật tri Phật kiến, không phải vọng tưởng, vọng tưởng là tà tri tà kiến, từ tà tri tà kiến quay trở lại nương vào chánh tri chánh kiến, đây gọi là quy y Pháp. Tăng ý nghĩa là thanh tịnh, là hòa hợp. Không những phải lục căn thanh tịnh, với lại lúc chung sống với tất cả đại chúng nhất định phải tuân thủ Lục hòa kính; người khác có giữ hay không thì không liên quan gì đến mình, còn mình nhất định phải tuân thủ. Được vậy thì mới gọi là Tam quy, danh xứng với thực, bạn mới được 36 vị thần hộ pháp bảo hộ bạn. Nếu như chỉ quy y trên hình thức, vẫn mê mà không giác như cũ, tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh, thì một vị thần hộ pháp cũng không có. Thần hộ pháp sẽ xem bạn có phải thật sự quy y hay không! Nếu thật sự quy y, tuy không có hình thức nhưng thần hộ pháp cũng hộ trì bạn, thần hộ pháp chỉ dựa trên thực tế chứ không dựa trên hình thức. Trên hình thức, cho dù có tu hành, cho dù có cao tăng đại đức nổi tiếng hơn đến làm nghi thức cho bạn cũng không có tác dụng, vấn đề là bạn phải thật sự làm được, không có người làm nghi thức quy y cho bạn cũng có tác dụng.
Năm xưa lúc tôi mới học Phật, Đại sư Chương Gia đã dạy tôi như vậy. Đại sư Chương Gia bảo tôi học giới, làm được một điều thì bạn chân thật thọ một điều, không ở chỗ đăng đàn hình thức, cái đó không dùng được. Ngài bảo tôi đi học giới, nhất định phải thật sự làm được, làm được một điều, một điều này bạn liền chân thật đắc được một điều giới, bạn sẽ cảm được thần hộ giới bảo hộ bạn. Thọ giới trên hình thức mà không thể thọ trì, không thể làm được, đó là phạm hết hai tội: Một là bạn phạm tội làm ác, hai là bạn phạm tội phá giới, cho nên tạo tội nặng gấp đôi. Nhất định phải làm cho được, hết lòng nỗ lực mà làm, từng giây từng phút cảnh tỉnh chính mình. Cho nên ngày nay, đọc tụng Đại thừa vô cùng quan trọng, Tam phước trong Quán Kinh nói “tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa”, đối với người thời nay mà nói là quá quan trọng, tuyệt đối không thể xem thường. Bời vì mỗi ngày bạn đều đọc thì bạn mới biết mình phải nên làm như thế nào, nếu không đọc thì bạn làm sao biết được? Tin sâu nhân quả thì tâm cảnh giác của bạn sẽ cao, mới thật sự làm được không mê, không tà, không nhiễm, tin sâu nhân quả; phải biết mê, tà, nhiễm chắc chắn sẽ đọa tam ác đạo. Sinh mạng của chúng ta quá ngắn tạm, mấy mươi năm trôi qua như khảy ngón tay, hà tất phải tạo tội nghiệp làm gì? Hà tất phải chuốc lấy quả báo khổ sở như vậy? Thế nên bạn thật sự tin tưởng thì bạn sẽ không làm những chuyện này. Trước mắt cho dù đời sống cực khổ một chút thì cũng có thể cắn chặt răng chịu đựng qua ngày, không hề gì! Một chút khổ này tính vào đâu? Sau này được đại tự tại, được niềm vui to lớn, nếu tham một chút tiện nghi trước mắt, sau này phải chịu khổ vô cùng. Cho nên người không hiểu nhân quả, người không tin nhân quả mới dám làm; người tin nhân quả họ tuyệt đối sẽ không làm. Quỷ vương nói, họ đối với những người có tâm thiện, người làm việc thiện, họ dùng tâm thái như thế nào để [đối xử], ở đây chúng ta hiểu được. Tâm thiện hạnh thiện thì ác quỷ cũng ủng hộ bạn, sẽ không làm hại bạn.
Phật tán quỷ vương: “Thiện tai, thiện tai”.
Phật nghe họ báo cáo xong vô cùng hoan hỷ, và cũng khen ngợi họ.
Nhữ đẳng cập dữ Diêm-la.
Diêm-la là quỷ vương lớn nhất.
Năng như thị ủng hộ thiện nam nữ đẳng.
Họ tham dự pháp hội ở cung trời Đao-lợi này, pháp hội này của Như Lai là pháp hội chân thật, lời nói của mỗi người, biểu hiện của mỗi người trong ấy đều là từ trong tâm chân thành lưu lộ ra, tuyệt đối không có mảy may hư vọng. Do đó những biểu hiện này của họ được đức Phật khen ngợi. Đức Phật khích lệ họ và cũng đem lại lợi ích cho những quỷ vương này.
Ngô diệc cáo Phạm Vương, Đế Thích linh vệ hộ nhữ.
Đây là quả báo của họ, họ có thể phát tâm hộ niệm những người thiện này, đức Phật cũng khuyên bảo Đại Phạm thiên vương, Đao-lợi thiên chủ hộ vệ họ. Đây là làm thiện được quả báo thiện, nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Chúng ta phải hiểu thật sâu đạo lý này, hiểu qua loa không được, phải hiểu thật sâu rồi sau đó bạn mới biết tu thiện, biết được chỗ tốt của tu thiện, lợi ích của tu thiện, nên bạn mới chịu làm theo. Sự việc bày ngay trước mắt chúng ta, người thời nay bất luận là Trung Quốc hay ngoại quốc, có ai không ưa thích tiền tài? Đều bị tiền tài làm mê. Trước đây, khi thời tôi còn trẻ, đại khái là trước ba mươi tuổi, những người trẻ tuổi như tôi đối với tài, sắc, danh, thực, thùy đều xem rất nhạt nhẽo, họ đều có khát vọng muốn lập công cho quốc gia, dân tộc, làm một việc gì đó, họ có suy nghĩ như vậy. Bạn hãy hỏi thử những người trẻ tuổi hiện nay xem họ nghĩ gì? Phát tài là đệ nhất, làm thế nào kiếm tiền, cách suy nghĩ của họ hoàn toàn khác hẳn với thế hệ chúng tôi lúc trước. Đừng nói là hiểu chuyện, trên hai mươi tuổi hiểu chuyện rồi, đầu óc mỗi người đều suy nghĩ làm thế nào kiếm tiền? Vào trường học, họ phải học ngành nào kiếm được tiền, phải học những ngành này, tương lai vào trong xã hội nhất định phải làm những công việc kiếm được tiền, không kiếm được tiền thì không làm. Nếu như bạn quan sát kỹ càng, bạn hỏi thử những học sinh tiểu học, những học sinh lớp một, lớp hai làm sao kiếm tiền? Việc kiếm tiền được đặt ở hàng đầu, vậy thì làm sao được! Đây là giáo dục hoàn toàn thất bại. Tự tư tự lợi đạt đến mức cực điểm, xã hội còn có thể an định được sao? Mạnh Phu Tử có nói “trên dưới cùng tranh lợi, quốc gia như vậy sẽ rất nguy hiểm”.
Xã hội hiện nay đích thực từ trên xuống dưới đều như thế nào? Lợi được đặt ở hàng đầu, đạo không còn, nghĩa không còn, lễ cũng không còn, cái gì cũng không muốn chỉ muốn tranh lợi mà thôi. Mỗi người đều tranh lợi, như vậy không phải sẽ đánh nhau vỡ đầu chảy máu hay sao? Xã hội hiện nay, chúng ta xem thấy trong tin tức, mỗi khu vực đều có bạo động, cướp giật, làm gì vậy? Tranh lợi, tranh không được thì giật. Đều làm chuyện gì? Làm việc tổn người lợi mình. Câu “tổn người lợi mình” là sai rồi, không thể nói như vậy, nếu như mọi người đều nói như vậy thì mỗi người đều làm việc tổn người lợi mình cả. Chúng ta phải sửa lại câu này cho đúng, tổn người không lợi mình, tổn người là hại mình. Mọi người vừa nghe thấy tổn người hại mình thì họ sẽ không làm việc tổn hại người nữa. Tại sao vậy? Họ sẽ không hại chính họ. Tổn người lợi mình thì không sao cả, giết thêm vài người cũng không sao, mình tôi giàu có [là được], sai rồi! Tổn người chắc chắn không lợi mình, không lợi mình vẫn là ở phía sau, tương lai nhất định sẽ đọa tam ác đạo.
Chuyện nhân quả trong Phật pháp nói được rất thấu triệt, nói được rất rõ ràng, thiếu tiền nhất định phải trả tiền, nợ mạng nhất định phải đền mạng, bạn giết người thì tương lai nhất định sẽ bị người giết, trốn không thoát. Bạn giết thêm một người, giết thêm một chúng sanh, tương lai bạn sẽ bị họ giết thêm một lần. Ngay cả động vật cực nhỏ cũng không thể giết; chúng có sinh mạng, chúng cũng có tâm sân giận. Bạn giết chúng, tương lai khi chúng có thế lực, chúng nhất định sẽ giết bạn. Phật dạy rất hay, “lúc nhân duyên hội tụ, quả báo vẫn tự thọ”. Bạn gạt kẻ khác thì nhất định bạn sẽ gặp người khác gạt lại bạn; bạn hiếp đáp người khác thì người khác nhất định sẽ hiếp đáp bạn; gieo nhân gì thì chắc chắn sẽ được quả báo đó. Chúng ta hiểu đạo lý này một cách sâu xa thì tại sao không làm người tốt? Tại sao không làm thêm việc tốt? Làm người tốt, làm việc tốt thì bạn sẽ có quả báo tốt. Việc tốt là gì? Tiêu chuẩn của việc tốt là gì? Nhất định phải đọc kinh Đại thừa thì bạn mới biết việc gì là việc tốt, quả báo của việc tốt là gì.
Việc tốt thật sự trong thế gian là sự nghiệp của Bồ-tát, ngày nay chúng ta thông thường gọi là Phật sự, Phật sự là việc tốt chân thật. Nhưng dùng danh từ Phật sự sợ người ta hiểu lầm, Phật sự là gì? Tụng kinh cho người chết gọi là Phật sự? Vậy thì đã lệch đến mức nào rồi! Thế nên, hiện nay thuyết pháp vô cùng khó khăn, thường khiến mọi người nghe xong sinh ra hiểu lầm. Chữ “Phật” là Phạn ngữ Ấn Độ dịch âm qua, ý nghĩa của nó là trí tuệ, là giác ngộ, “Phật sự” chính là trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta, hết thảy những việc làm của bạn đều có trí tuệ, đều có giác ngộ thì hết thảy những việc đó đều gọi là Phật sự. Chúng ta nhất định phải hiểu thật rõ ràng tường tận những danh từ thuật ngữ này. Chúng ta đối với người, với việc, với vật đều dựa vào trí tuệ cao độ, dùng lời nói hiện nay là dùng lý trí không dùng cảm tình, cảm tình là mê, lý trí là giác; khi xử sự đối người tiếp vật chúng ta có lý trí, không dùng cảm tình. Trong đời sống chúng ta dùng trí tuệ cao độ thì [mọi việc] đều gọi là Phật sự, Phật sự như vậy thì mọi người đều vui vẻ, ai nấy đều vui thích, chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Thế nên trong tất cả tâm hạnh, sự tướng, mọi việc làm của Phật, Bồ-tát đều là viên mãn, thù thắng nhất. Những gì Phật, Bồ-tát làm cùng với đời sống hiện thực của chúng ta không có gì khác, chỉ là chuyển đổi ý niệm trở lại, chuyển đổi mê, tà, nhiễm trở thành giác, chánh, tịnh. Đời sống của bạn là Phật sự, công việc của bạn là Phật sự, bạn xử sự, đối người, tiếp vật hết thảy đều là Phật sự. Quả báo của Phật sự vô cùng thù thắng. Hạnh phúc, mỹ mãn chân thật chính là trải qua đời sống của Phật, Bồ-tát.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây thôi.