dị dụ

Phật Quang Đại Từ Điển


(異喻) Phạm: vaidharmya-dfwỉànta. Tiếng dùng trong Nhân minh, đối lại với Đồng dụ. Cũng gọi Dị phẩm, Dị pháp, Dị pháp dụ. Một trong hai dụ Nhân minh. Là thí dụ nêu lên sự vật khác hẩm loại với Tông (mệnh đề) và Nhân (lí do), đồng thời, từ đó xác định Đồng dụ có chính xác hay không. Chẳng hạn như lập luận thức: Tông: Âm thanh là vô thường. Nhân: Vì có tính được tạo ra. Đồng dụ: Những vật có tính được tạo ra đều vô thường, như cái lọ v.v… Dị dụ: Những vật thường trụ đều không có tính được tạo ra, như hư không… Trong hai thí dụ trên thì Đồng dụ là từ chính diện trực tiếp suy đoán tông, còn Dị dụ thì từ phản diện gián tiếp xác định sự suy đoán của Đồng dụ có đúng hay không. Bởi thế, Đồng dụ phải cùng một phẩm loại với Tông và Nhân, Dị dụ phải khác phẩm loại với Tông và Nhân. Tức là, trong ba điều kiện của Nhân, Đồng dụ biểu hiện điều kiện Đồng phẩm hoàn toàn có cùng tính chất với Nhân (Đồng phẩm biến hữu tính), còn Dị dụ thì biểu hiện điều kiện Dị phẩm hoàn toàn khác với tính chất của Nhân (Dị phẩm biến vô tính). Lại nữa, trong Nhân minh, nếu dùng Dị dụ để lập luận thức thì gọi là Li tác pháp, nội dung phải theo qui định Tông trước Nhân sau, nếu Dị dụ không hoàn toàn thì trở thành Tự dị dụ (dị dụ tựa hồ như đúng mà sai) sẽ phát sinh năm lỗi gọi là Dị dụ ngũ quá, gồm: 1. Sở lập pháp bất khiển quá. 2. Tăng lập pháp bất khiển quá. 3. Câu bất khiển quá. 4. Bất li quá. 5. Đảo li quá. [X. Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.3; Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề)]. (xt. Nhân Minh, Tự Dị Dụ Ngũ Quá).