NHỮNG LÁ THƯ THẦY
Thích nữ Hải Triều Âm

 

Ngày bố tát cuối cùng mùa an cư 1985

Thân gởi Liên Hoa, Viên ThôngHoa Nghiêm

Oai đức Hòa-thượng thật không thể nghĩ bàn. Mùa hạ vừa qua Thầy liên tiếp thắp hương.

Một nén cúng mười phương Phật cầu cho mười phương chúng sanh phát tâm Bồ-đề.
Một nén cúng lịch đại Tổ sư cầu Phật pháp hưng long.
Một nén vì bốn ân cúng dường Tam-bảo.
Một nén vì mười phương vong linh cúng dường Tam-bảo.
Một nén cúng đức Dược Sư cầu cho Viên Thông tròn đủ ba tụ tịnh giới.
Một nén cúng hải hội Hoa Nghiêm cầu cho 4 chị em bình an tu hành.
Một nén cúng đức Địa Tạng cầu cho Ni Liên vĩnh viễn là đất Tam-bảo.
Một nén cúng đức Quán Âm cầu cho Q và L trở về chánh pháp.
Một nén cúng cây Bồ-đề cầu được ngồi tòa Bồ-đề như đức Bổn Sư.

Chín nén liên tiếp suốt ngày. Một lần thắp hương là một lần khấn cầu. Hóa ra Thầy liên tiếp phát Bồ-đề tâm. Thầy mới cảm niệm được rõ ràng công đức của Hòa-thượng. Thầy mới thấm thía nhận ra công đức vô tác mà bất tư nghì của chư Tăng. Cứ một mảy mún gì mình vì Hòa-thượng làm là mình tự hưởng vô vàn lợi ích vừa thâm sâu, vừa quảng rộng, vừa lâu bền mãi mãi muôn kiếp vị lai.

Năm 1980, Thầy đánh liều, mặc cho thôn xóm um sùm, cứ về Liên Hoa đảnh lễ tiếp đón Hòa-thượng. Một chút công thế thôi, mà kết quả ngày nay có 4 bức ảnh: Phản văn, Tứ Niệm Xứ, Học chúng và Giới đàn.

Năm nay 1985, Thầy chỉ nghĩ rằng “nên thay Hòa-thượng thắp những nén nhang này để khỏi phụ tâm thí chủ”. Vì thế Thầy rất kỹ lưỡng, không để một nén nào cháy dở dang. Ngay trong lúc khấn niệm, Thầy tự thấy mình được lợi ích quá lớn. Xem kinh Hoa Nghiêm lại càng rõ ràng công đức phát tâm Bồ-đề.

Số hương của Hòa-thượng vừa hết. Thầy tụng Dược Sư 7 ngày lễ tạ cho Viên Thông. Vừa hay bé DV lên cho dầu, Thầy mới dám thắp 7 ngày 7 đêm 7 ngọn đèn. Tiếp, Thầy cho cô P học Lăng Nghiêm, vội vàng một lượt vừa xong thì cô được tin gọi về gấp. Hôm nay thiên hạ về Sài Gòn cả, Thầy bắt đầu tụng Hoa Nghiêm để lễ tạ cho chị em nhà BT. Còn Địa Tạng thì cô TĐ tự phát nguyện tụng trọn tháng 7 để tạ ơn đã được chính thức trở về hộ khẩu. Xin ghi ơn Sư cô H và bà CT đã có công đem bao hương từ Hà Nội lên Phú An. Xong Hoa Nghiêm, Thầy sẽ lễ tạ đức Quán Thế Âm cho BQ. Thế là vừa tròn ba tháng hạ.

Vừa tụng Hoa Nghiêm tới phẩm này thì nghe Sư cô H sửa soạn về Sài Gòn. Thầy ngưng tụng để chép lời các Bồ-tát gởi về cho mấy em. Ai cũng có kinh, nhưng lẩy ra vài lời, ta dễ nhớ.

KINH HOA NGHIÊM
BỒ-TÁT VẤN MINH, PHẨM 10:

1- Hỏi: Tâm tánh vốn một, hiện các pháp sai khác. Các pháp sao chẳng biết nhau?

Giác Thủ Bồ-tát đáp:

Vạn sóng một dòng sông,
Không hề biết đến nhau.

– Các pháp không tác dụng,
Cũng không có thể tánh
Xoay vần nương tựa nhau
Mà đều chẳng biết nhau.

– Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
Tâm ý sáu tình căn
Do đây thường lưu chuyển
Mà vẫn không năng chuyển.

– Pháp tánh vốn vô sanh
Thị hiện mà có sanh
Trong đây không năng hiện
Cũng không vật sở hiện.

– Sáu tình căn vô tánh
Pháp nhãn bất tư nghì
Thế gian cùng xuất thế
Chỉ là giả ngôn thuyết.

2- Hỏi: Như Lai thế nào tùy thuận chúng sanh hiện thân giáo hóa?

Tài Thủ đáp:

Thân này là giả tạo
Chỗ trụ không nơi xứ.

– Mạng sống nhân gì có?
Rồi nhân gì tan đi?
Khác nào vòng lửa xoay
Đầu đuôi chẳng thể biết.

– Người trí khéo quan sát
Rõ tướng đều vô thường
Các báo tùy nghiệp sanh
Giả dối như giấc mơ.

– Các pháp hiện ở đời
Chỉ do tâm làm chủ
Tùy hiểu mà chấp thủ
Toàn điên đảo phân biệt.

– Sức năng duyên sở duyên
Sanh ra những pháp tướng
Mau diệt chẳng tạm ngừng
Niệm niệm hằng vô ngã.

3- Hỏi: Đã không ngã và ngã sở, do đâu có những khác biệt tốt xấu, khổ vui mà pháp giới vẫn bất động?

Bảo Thủ đáp:

Cứ theo nghiệp mà hiện,
Quả báo không tác giả
Gương tùy cảnh hiện bóng
Ruộng tùy giống mọc cây.
Như người gỗ có máy
Hay vang ra âm thanh
Thật không ngã, ngã sở
Nghiệp tánh là như vậy.

– Chim từ trứng nở sanh
Tiếng kêu tùy loại khác
Căn thân từ thai tạng
Thể tướng không từ đâu.

– Bảy báu Chuyển Luân Vương
Hỏi từ đâu mà có?
Kiếp hỏa thiêu thế giới
Lửa này từ đâu đến?

– Do nghiệp sanh quả báo
Đây là lời chư Phật.

4- Hỏi: Giác ngộ là pháp duy nhất, sao hiển thị vô biên cảnh giới?

Đức Thủ đáp:

Cũng như một đại hải,
Tùy phương mà nổi sóng
Có lăn tăn nhẹ khởi,
Có ba đào trào lộng.
Cũng như mặt đất kia,
Mọc lên nhiều mầm mộng
Người trí biết nghĩa này
Chăm chứa công đức Phật.

5- Hỏi: Như Lai một phước điền, sao cúng dàng quả báo không đồng?

Mục Thủ đáp:

Như mặt gương sáng sạch,
Theo hình mà hiện bóng
Phật phước điền có một,
Do tâm người thành khác.

6- Hỏi: Pháp Phật có khả năng dứt sạch phiền não. Sao có Phật tử chẳng được xuất ly?

Cần Thủ đáp:

Như cọ cây lấy lửa,
Chưa cháy mà đã nghỉ
Thiếu dũng mãnh tinh tấn,
Giải đãi khó giải thoát.
Như người không tay chân,
Muốn dùng cỏ làm tên,
Bắn phá cả đại địa.
Người giải đãi cũng vậy,
Không thể dứt hoặc-nghiệp.

7- Hỏi: Có người chăm chỉ thọ trì kinh pháp. Mà sao vẫn bị phiền não xoay chuyển?

Pháp Thủ đáp:

Chẳng phải chỉ đa văn
Mà vào được Phật pháp
Chết khát giữa dòng sông.
Đếm châu báu hộ người.
Mải lo bầy vật thực,
Quên ăn nên vẫn đói.
Điếc, chăm tấu âm nhạc
Mù, cầm đuốc giơ cao.
Chỉ học mà không tu
Bị phiền não ngự trị.

8- Hỏi: Phật pháp lấy Tuệ làm gốc, cớ sao phải tu những 10 ba la mật?

Trí Thủ đáp:

Tâm chúng sanh không đồng
Tùy kham thọ, thí pháp.
Bá thí độ xan tham,
Trì giới sạch lỗi lầm,
Nhiều sân thời khuyên nhẫn,
Tinh tấn cứu biếng lười,
Tán loạn cần thiền định,
Ngu si học Bát Nhã.
Bất nhân tập từ mẫn,
Giận hại khuyên luyện Bi,
Hỉ chữa bệnh lo rầu,
Xả dạy cởi cố chấp.
Tuần tự tu như vậy
Lần đủ các Phật pháp.
Như trước xây nền móng
Rồi sau tạo nhà cửa.

9- Hỏi: Phật pháp chỉ có một mục đích là giải thoát, cớ sao các quốc độ Phật lại không đồng?

Hiền Thủ đáp:

Tất cả các cõi Phật
Trang nghiêm đều viên mãn
Tùy chúng sanh hạnh khác
Tự thấy cảnh chẳng đồng.

10- Hỏi: Cảnh giới Phật thế nào?

Văn Thù kết đáp:

Như Lai cảnh giới sâu
Lượng đó khắp hư không
Tất cả chúng sanh vào,
Mà thật không chỗ vào.

Tạm biệt tất cả chị em, 5 tháng thu đông sắp tới, Thầy phải lo học bộ luật của Hòa-thượng gửi Sư cô Hạnh đem về cho Ni chúng miền Nam. Mong rằng, nương đức Hòa-thượng bộ luật này sẽ đưa chúng ta về cõi Phật A Di Đà.

Hẹn ngày xả y công đức sẽ có tin tức.