NHỮNG LÁ THƯ THẦY
Thích nữ Hải Triều Âm

 

Đáp án bức tranh Tiếng Cười Học Sinh

Ngày 1-10-1987 Đinh Mão

Thầy gởi Viên Thông!

Hôm nay rảnh rang mới xem văn Viên Thông kỹ càng. Thầy có chiếc khăn đẹp, định để thưởng ông Thầy nào đoán quẻ hay nhất.

Nhưng đọc cả lượt, Thầy rất mừng. Văn chương, triết lý nhà ta thì quả chẳng bằng ai. Nhưng các con lòng dạ thanh tịnh, ai ai cũng nghĩ đến tu tâm sửa tính.

Vậy chiếc khăn này, xin phần vị nào trong lớp Sadini, ba tháng Thu (7, 8, 9) được hơn điểm về mọi mặt mà toàn ban chức sự cũng như toàn chúng đồng ý.

Cám ơn các con đã cố tình chuyển quẻ hạ hạ thành thượng thượng. Mớ văn đoán quẻ của Viên Thông toàn là giảng kinh Lăng Nghiêm. Duy CT không đoán quẻ mà chỉ tìm cách an ủi Thầy: “Tuy chưa nhất tâm ra khỏi Diêm-phù-đề, chớ cũng hơn người ở chỗ biết mình đang nhảy dù”. Các con hãy nghe phẩm Vấn Minh, kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Cần Thủ nói thẳng:

Phật tử khéo lắng nghe:

Tôi nay cứ thật đáp
Muốn dứt trừ lỗi ác
Giải lũy kiếp oan khiên
Phải như giọt nước nhỏ
Tiếp tục không gián đoạn
Nhỏ mãi cũng thủng đá.
Nếu chỉ chút ít lửa
Muốn đốt núi củi ướt
Thì ở trong ba cõi
Hẳn phải khó xuất ly
(Huống chi cầu Cực Lạc).
Người mong cầu tuệ đạo
Như cọ cây lấy lửa
Chưa nóng đã ngủ khò
Giải thoát hay giải đãi?
Đã có ngọc nhật châu
Biết hướng về mặt trời
Để cầu lửa Bồ-đề
Mà lại không bùi nhùi.
Cũng như đứa trẻ nít
Nhắm chặt đôi mắt lại
Phiền trách ông mặt trời
Làm sao không chiếu sáng?
Như với một gáo nước
Muốn tắt lửa kiếp hỏa.
Như lấy một sợi lông
Muốn chấm khô biển cả.
Như người không tay chân
Muốn dùng cỏ làm tên
Bắn phá cả đại địa
Tu sĩ lười cũng vậy.

Thánh đạo dùng lửa tuệ đốt kiến-hoặc tư-hoặc, phá phiền não chướng, sở tri chướng. Hai ngôi Noãn và Đỉnh gọi là sắp nóng. Ngôi A-la-hán mới thật đủ lửa. Thầy trò mình ăn ngủ ê a qua ngày, ai động đến liền thả rông cho sân si múa nhảy. Đau bệnh, bốn đại dương uy bắt nằm bẹp, thì chỉ biết rên hừ hừ, nhăn nhó, đâu có nhớ niệm Phật. Văn tuệ thường nghỉ, minh giải chẳng khai. Tư tuệ thường nghỉ, chân trí không sanh. Trong tâm, tuy ham Thánh pháp nhưng phàm tâm sở vẫn ngự trị. Dù đã gặp mặt trời giáo lý, dù đã xuất gia có giới phẩm minh châu, nhưng chẳng có văn, tư, tu làm bùi nhùi mà cứ tơ tưởng Niết-bàn Cực Lạc thì chính là chú bé khò khò. Chướng có cạn sâu, căn cơ có sanh chín, duyên có khuyết đủ, trí có sáng muội, công có hậu bạc nên giải thoát phải có kẻ chậm người mau. Nhưng quyết định với người chăm tu thì Phật giáo có ích. Với người lười biếng thì Phật giáo vô ích.

Đây là 5 tướng tinh tấn:

1- Phát đại thệ nguyện.
2- Dũng kiện tinh chuyên.
3- Bền gan (nóng rét muỗi mòng không khuynh động).
4- Luôn luôn gắng sức.
5- Không bao giờ tự mãn.

Khò khò mơ điểm 10
Như người ngó hư không
Ngồi yên không rời chỗ
Tưởng đã bay khắp vòng.

Bên thiền, ví với kẻ tăng thượng mạn, mới ý thức được một chút lý không, chưa tu nói chi chứng mà cứ mơ mộng ta đã được ngã pháp đều không.

Bên tịnh, ví như cả ngày nhan nhản nói đi về Cực Lạc trong khi xâu chuỗi mốc meo.

Còn Viên Thông đây là lời Tổ dạy: “Nắm giữ lấy nghĩa, chớ đắm trước lời văn”. Có 4 pháp thiết yếu cho người tu:

1- Thân cận bạn lành (cả bộ Hoa Nghiêm hết 1/10 nói về công đức gần người chánh kiến, thiện tri thức cần cho người tu như cơm cần cho sự sống).
2- Chuyên tâm nghe pháp.
3- Suy ngẫm kỹ càng.
4- Như pháp tu hành.

Thầy khuyên thêm:

– Lớp Sadini tận tình phục vụ Tam-bảo, tập quên mình để trên kính dưới hòa, gắng thực hiện 10 giới và 24 oai nghi. Các vị trên hay dở ra sao tùy ý, mình cứ một bề quay về tự xét đã thật vào khuôn đúc của Phật Tổ chưa? Thầy học Hoa Nghiêm thấy công đức Thánh Hiền rực rỡ bao nhiêu, mới biết lớp Sadini thật cần thật quý. Thềm bực của cả pháp giới Hoa Nghiêm, Thầy biết đảnh lễ bao nhiêu cho xứng đáng?

– Thức xoa là gì? – Học Nữ – Học cái   gì? Trước kia Thầy cứ nghĩ quan trọng là học hành pháp để tập làm Tỳ-kheo-ni. Nhưng nay nhân 3 việc:

1- Khi trao giới tướng cho Thức xoa chỉ nói 6 pháp (trong khi Sadini giới tướng những 10, ngũ giới cũng đã đủ 5).
2- Thầy để ý kỹ văn giới về 6 pháp của Thức xoa rõ ràng “Nếu phạm, phải thọ giới lại, 2 năm không phạm mới cho thọ Tỳ-kheo-ni”. Nghĩa là 2 năm chuyên ròng để thử thân tâm đã được thanh tịnh hoàn toàn 6 pháp mới cho thọ giới Tỳ-kheo-ni. Còn Sadini coi như tập học phạm rồi sám hối, tiếp tục tu tập.
3- Xét tư cách hành vi, phong thái của các tân và cựu Tỳ-kheo-ni, quả tình 6 pháp này cần phải học kỹ, dù ở thời phong kiến hay cách mạng.

Thảo nào bên Tăng không phải 2 năm học giới. Còn bên Ni Phật bắt buộc đủ 2 năm Thức xoa. Bởi vì 6 giới này có tinh vi mới có thể đủ tư cách làm rường cột Phật pháp, mới mong phá trừ kiến hoặc, tư hoặc mà thoát luân hồi. Thảo nào từ xưa, thời Phật, không hề có giới bổn Thức xoa. Chính vì Phật chú trọng đến 6 pháp. Sáu việc này đã băng sương thì các hành pháp mới đủ phước duyên thành tựu. Ngẫm nghĩ chỗ thâm thúy của Phật. Minh nhãn thấy rõ nặng nghiệp của người nữ chúng ta. Thầy rất mong các con, nay đủ duyên để tu học, nên hết lòng y giáo phụng hành. Lấy chỗ chú trọng của Phật làm căn bản sự học và tu.

– Còn Tỳ-kheo-ni? Các con đã là chị lớn trong nhà. Gắng sao bổ túc những chỗ còn thiếu sót và học thêm những bổn phận ngày mai.

Tòa sư tử của Phật, theo kinh Hoa Nghiêm nói, có phủ một màng lưới hoa sen. Tổ giảng là “không bị nhiễm cảnh bởi vì giao ánh đều không”. Chánh báo y báo hiện nay là do tu nhân từ lịch kiếp, đã giác ngộ được sáu trần là không, là ảo ảnh, nên không bị nhiễm cảnh trần.

Chính chỗ ngồi là ngọc ma ni (viên tịnh minh triệt: giới định tuệ). Vòng quanh nạm tạp bảo các màu: căn bản trí đối ngoại thành nhiều quyền trí. Bốn phía giác ý diệu hoa rủ thành tràng (tứ nhiếp pháp lân mẫn chúng sanh).

Sư tử: Chúa sơn lâm, không sợ một loài thú nào.

Tòa sư tử: Tòa sư tử của loài người ngồi, tòa giảng Bát Nhã chân không, ban vô úy cho thế gian (phải nhớ không tòa nào, không lâu đài nào, không xây dựng trên 10 giới và 24 uy nghi của Sadini).

Tỳ-kheo-ni chúng ta là những người đang sửa soạn tòa sư tử tương lai. Viên Thông là nơi, bé có chỗ học và hành, lớn đủ duyên để thực hiện tâm Bồ-đề. Viên Thông là nơi để luyện trí đức (rõ biết các pháp) và đoạn đức (đoạn các phiền não). Còn ân đức là phần của Liên Hoa. Bệnh nhân được nương tựa, người già được chăm sóc, tiếp dẫn vãng sanh, lễ nghi trà tỳ v.v… thật là Phật xếp đặt cho chúng ta đủ cả. Chỉ còn Thái Bình của Q và TH mà quay ra thành một Tu viện cho một số người chuyên tu cầu Thánh vị nữa thì thật là tuyệt vời.