đạo tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(道藏) Kho kinh sách của Đạo Giáo. Vua Đường Huyền tông ban lệnh chính thức biên tập toàn bộ kinh sách của Đạo giáo thành Tam động quỳnh cương, đây tức là Đạo tạng. Sau, trải qua các cuộc biến loạn ở cuối đời Đường đầu đời Ngũ đại, những kinh sách này phần lớn đã bị thất lạc. Năm Đại trung tường phù thứ 3 (1010) đời Tống, vua Chân tông ra lệnh cho Vương khâm nhược làm chủ biên tập kinh điển Đạo giáo, sau 6 năm mới xong và đặt tên Bảo văn thống lục. Năm Đại trung tường phù thứ 5 (1012), Trương quân phòng vâng mệnh vua sửa chữa Đạo tạng, phân loại theo Tam động tứ phụ và sắp xếp thứ tự theo Thiên tự văn, đến năm Thiên hi thứ 3 (1019) thì biên chép thành 7 bộ gọi là Đại tống thiên cung bảo tạng, gồm 4565 quyển, đặt nền tảng cho thể chế biên soạn Đạo tạng về sau. Trong năm Sùng ninh (1102 – 1106) đời Tống Huy tông, Đạo tạng lại được kiểm xét và bổ túc thêm rồi đặt tên là: Sùng ninh trùng giáo Đạo tạng. Khoảng năm Chính hòa (1111 – 1118), cục Kinh tạng được thiết lập, sửa chữa Đạo tạng, khắc bản và ấn hành, gọi là Chính hòa vạn thọ Đạo tạng. Đến đây Đạo tạng mới có bản in. Từ đó về sau, các đời Kim, Nguyên đều lấy bộ Đạo tạng Chính hòa vạn thọ này làm gốc mà biên soạn các bộ: Đại kim huyền đô bảo tạng (đời Kim) và Huyền đô bảo tạng (đời Tống). Nhưng, qua các cuộc binh lửa và sự tranh chấp giữa Phật giáo và Đạo giáo ở đời Nguyên, những bộ Đạo tạng kể trên đều đã thất lạc. Bộ Đạo tạng hiện còn là bộ Chính thống đạo tạng gồm 5.305 quyển, khắc in vào năm Chính thống thứ 10 (1445) đời Minh, được cất giữ ở Bạch vân quán tại Bắc bình, và bộ Vạn lịch tục Đạo tạng gồm 181 quyển, ấn hành vào năm Vạn lịch 35 (1607) đời vua Thần tông nhà Minh, tổng cộng 2 bộ là 5.486 quyển. Đến đời nhà Thanh, có Bành định cầu biên tập Đạo tạng tập yếu, Mẫn nhất đắc biên soạn Đạo tạng tục biên tập 1, và thời gần đây, Thủ nhất tử biên soạn Đạo tạng tinh hoa lục, đều có bổ sung thêm. Đạo tạng thu tập rộng rãi tất cả kinh sách của các phái thuộc Đạo giáo, cho nên nội dung rất là phức tạp; sự biên soạn được dựa theo nguyên tắc phân loại về Tam động, Tứ phụ, Thập nhị loại. – Tam động: Động thứ 1 là Chân bộ, động thứ 2 là Huyền bộ, động thứ 3 là Thần bộ, đều do các Thần quân khác nhau nói ra. – Tứ phụ: Nghĩa là giúp đỡ Tam động, trong đó, Thái huyền bộ, Thái bình bộ và Thái thanh bộ thì mỗi bộ giúp đỡ mỗi động, riêng có Chính nhất bộ thì giúp đỡcả Tam động. – Thập nhị loại: Trong Tam động mỗi động đều chia ra 12 loại là: Bản văn, Thần phù, Ngọc quyết, Linh đồ, Phổ lục, Giới luật, Uy nghi, Phương pháp, Chúng thuật, Kí truyện, Tán tụng, Chương biểu, cộng tất cả là 36 bộ. Trong Tứ phụ thì không chia bộ. Nội dung của Đạo tạng bao hàm cả xã hội, đạo đức, khoa học v.v… đại khái có thể chia làm 4 bộ môn chính: 1. Giáo nghĩa: Chủ trương Đạo sinh thành ra vũ trụ, là nguồn gốc của muôn vật, kể cả các cõi trời và địa ngục v.v… 2. Phương thuật: Các pháp thuật bùa chú và lập đàn tràng cúng tế xua đuổi tà ma, trừ diệt ách nạn, là bộ phận rất thực dụng trong Đạo tạng. 3. Y thuật: Chia ra hệ thống nội đơn, ngoại đơn, tức là luyện đơn, dưỡng khí, điều hòa hơi thở, là kho báu về hóa học và vệ sinh học đời xưa. 4. Luân lí: Qui luật của Đạo giáo và luân lí, đạo đức của thế tục v.v… Đạo tạng có ảnh hưởng rất sâu đối với xã hội dân gian, là nguồn sử liệu giá trị đối với việc nghiên cứu xã hội cổ đại.