ĐẠO PHẬT

Nguyên tác:What is Buddhism
Tác giả: Geshe Kelsang Gyatso.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển

 

Khai sáng Đạo Phật là Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni người đã sống và giảng dạy ở Ấn Độ khoảng hai nghìn năm trăm năm trước. Từ đó hàng triệu người khắp thế giới đã đi theo con đường tâm linh mà Ngài đã khai mở. Cung cách của Đạo Phật về lối sống của hòa bình, yêu thương, và tuệ trí liên hệ với chúng ta ngày nay giống như đã từng tác động đến Ấn Độ cổ xưa. Đức Phật giải thích rằng tất cả mọi vấn nạn và khổ đau của chúng ta phát sinh từ những thể trạng rối rắm và tiêu cực của tâm thức, và tất cả hạnh phúc và thịnh vượng phát khởi từ những thể trạng hòa bình và tích cực của tâm thức. Ngài đã dạy những phương pháp để dần dần vượt thắng những tâm thức tiêu cực chẳng hạn như sân hận, ganh tỵ cùng si mê, và phát triển những tâm thức tích cực của chúng ta như từ ái, bi mẫn và tuệ trí. Qua cung cách này chúng ta sẽ đi đến trải nghiệm sự hòa bình và hạnh phúc bền lâu. Những phương pháp này hiệu quả cho bất cứ người nào, bất cứ quốc gia nào, và bất cứ tuổi tác nào. Một khi chúng ta đã trải nghiệm chúng cho chính tự thân thì chúng ta có thể trao truyền cho người khác để họ cũng có thể hưởng thụ cùng những lợi lạc như vậy.

HÀNH THIỀN

Thiền tập là trái tim của cung cách sống Phật giáo. Một cách căn bản đó là một phương pháp để thấu hiểu và hoạt động trên tâm thức của chúng ta. Trước tiên chúng ta họ để nhận ra những tình trạng tinh thần tiêu cực khác nhau của chúng ta được biết như là “các vọng tưởng”, và học làm thế nào để phát triển những tình trạng hòa bình và tích cực của tâm thức hay “những tâm thức đạo đức.”

Rồi thì trong thiền tập chúng ta sẽ vượt thắng những phiền não của chúng ta bằng việc làm quen thuộc với những tâm thức đạo đức. Qua hành thiền chúng ta cố gắng để duy trì những tâm thức đạo đức mà chúng ta đã phát triển và sử dụng tuệ trí để giải quyết những vấn nạn trong đời sống hàng ngày. Khi tâm thức chúng ta trở nên tích cực hơn thì hành động của chúng ta sẽ trở nên xây dựng hơn, và trải nghiệm của chúng ta về đời sống sẽ trở nên hài lòng và lợi lạc hơn cho người khác.

Mọi người đều có thể học tập những kỷ năng hành thiền căn bản và trải nghiệm những lợi lạc lớn lao, nhưng đối với tiến trình thiền tập xa hơn căn bản đòi hỏi niềm tin vào Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng già. Thông thường người ta thấy điều này phát triển một cách tự nhiên khi họ trải nghiệm những lợi lạc trong sự hành thiền của họ.

CON ĐƯỜNG TÂM LINH

Giáo huấn của Đức Phật khai mở con đường từng bước một đến hạnh phúc bền lâu. Bằng việc đi theo con đường này, mọi người có thể dần dần chuyển hóa tâm thức của người ấy từ tình trạng rối rắm và vị kỷ hiện tại đến tâm thức toàn hảo của Đức Phật.

Như Geshe Kelsang nói trong quyển sách phổ biến của ngài Tám Bước Đến Hạnh Phúc:

Mọi chúng sanh đều có khả năng để trở thành một Đức Phật, là một người nào đó đã hoàn toàn tịnh hóa tâm thức của họ về tất cả những lỗi lầm và giới hạn và đã hoàn thành tất cả những phẩm chất tốt lành đến hoàn thiện. Tâm thức chúng ta như một bầu trời mây, vốn là bản chất trong sáng và tinh khiết nhưng bị bao phủ bởi những đám mây của vọng tưởng.

Giống như khi những đám mây dày đặc cuối cùng tan biến, cũng thế ngay cả những vọng tưởng nặng nề nhất cũng có thể được xua tan khỏi tâm thức chúng ta. Những vọng tưởng phiền não như thù hận, tham lam, và si mê không phải là bản chất cố hữu của tâm thức. Nếu chúng ta áp dụng những phương pháp thích đáng thì chúng có thể hoàn toàn bị tiêu trừ, và chúng ta sẽ trải nghiệm niềm hạnh phúc siêu việt của sự Giác Ngộ hoàn toàn.

Đã đạt đến Giác Ngộ chúng ta sẽ có tất cả những phẩm chất cần thiết – từ ái và bi mẫn phổ quát, tuệ trí toàn tri và năng lực tâm linh vô han – để hướng dẫn tất cả chúng sanh đến cùng thể trạng tôn quý nhất. Đây là mục tiêu tối hậu của Đại Thừa Phật giáo.

Để tìm hiểu thêm về Phật Lý Căn Bản, hãy đọc Giới Thiệu Đạo Phật (Introduction to Buddhism) của Geshe Kelsang Gyatso.

Ẩn Tâm Lộ Wednesday, December 7, 2016

Bài liên hệ

Niềm Tin Phật Giáo