danh sắc

Phật Quang Đại Từ Điển


(名色) Phạm, Pàli: nàma-rùpa. Là từ gọi chung danh và sắc, là chi thứ tư trong 12 chi nhân duyên. Cũng gọi danh sắc chi. Thông thường gọi một cách tổng quát tất cả tinh thần (danh) và vật chất (sắc). Danh nói về phương diện tâm, sắc chỉ phương diện vật. Danh sắc cũng chỉ chung cho năm uẩn. Trong năm uẩn, Thụ, Tưởng, Hành, Thức là tâm pháp; tâm không có hình thể, phải nhờ danh biểu hiện, cho nên gọi Thụ, Tưởng, Hành, Thức là danh. Sắc uẩn do cực vi tạo thành, là vật thể có chất ngại, nên gọi là sắc. Về ý nghĩa của danh sắc, giữa các tông phái có sự giải thích khác nhau. Hữu bộ đứng trên lập trường Thai sinh học để lí giải 12 duyên khởi, chủ trương mỗi chi trong 12 chi duyên khởi đều lấy năm uẩn làm thể. Trong đó, năm uẩn của sát na đầu tiên lúc thụ thai kết sinh, gọi là thức, chi Thức. Sau khi thụ thai, bốn sắc căn: mắt, tai, mũi, lưỡi chưa thành, sáu chỗ chưa đủ, gọi là danh sắc, chi Danh sắc. Nhưng tông Duy thức thì cho chi Danh sắc là chủng tử của dị thục uẩn, tức là năm chi thức v.v… nhờ chi Vô minh và chi Hành giúp đỡ mà dẫn sinh ra quả ở vị lai, gọi là Chủng tử danh ngôn của Dị thục vô kí, trong đó, ngoại trừ chủng tử của bản thức, sáu căn, xúc, thụ, còn lại đều là danh sắc. Hoặc có thuyết nói, chủng tử của năm uẩn đều là danh sắc. Ngoài ra, nếu giải thích 12 duyên khởi trên quan điểm luận lí và quan hệ, thì duyên thức mà có danh sắc, duyên danh sắc mà có lục xứ, tức danh sắc là đối tượng của thức nương vào cơ năng của lục xứ, rồi do thức nhận biết tất cả pháp. [X. Trường a hàm Q.10 kinh Đại duyên phương tiện; luận Đại tì bà sa Q.23; luận Câu xá Q.9; luận Thành duy thức Q.8; luận Du già sư địa Q.9, Q.56, Q.93; luận Thuận chính lí Q.26; Đại thừa nghĩa chương Q.4; Đại thừa pháp tướng tông danh mục Q.1 phần dưới]. (xt. Thập Nhị Nhân Duyên).