Đ a n g t i d l i u . . .
Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Sớ (pdf)

Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Sớ
大毘盧遮那成佛經疏
Đại Đường Thiên Trúc Tam Tạng Thiện Vô Úy,
sa-môn Nhất Hạnh dịch kinh
Đường sa-môn Nhất Hạnh A-xà-lê ký
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong và Huệ Trang

 

Kinh Đại Nhật (tên gọi đầy đủ là Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh, Mahāvairocanābhi-saṃbodhi-vikurvitā-dhiṣṭhāna-vaipulya-sūtren-drarāja-nāmadharma-paryāya) cùng với kinh Kim Cang Đảnh là hai bộ kinh trọng yếu trong Đông Mật. Từ các giáo nghĩa trong kinh Đại Nhật mà lưu xuất Thai Tạng Mạn Đà La. Do không tu tập Mật Tông, đối với giáo nghĩa của Mật Tông, mạt nhân chỉ hiểu biết sơ sài về mặt văn tự, lại không có cơ duyên tìm học và lãnh hội Mật Tông. Do vậy, mạt nhân rất ngần ngại khi phải chuyển ngữ các tác phẩm liên quan đến Mật Tông. Chỉ vì trước kia do lòng tham pháp mà đua đòi chuyển ngữ, lại được một số đạo hữu lầm tin tưởng, chẳng chấp nhặt văn từ vụng dại, chữ nghĩa quê kệch, cứ cổ vũ mạt nhân tiếp tục làm chuyện quá sức mình, đến nỗi một người bạn đạo vong niên cũng lầm tưởng mạt nhân đủ khả năng, nhiều lần yêu cầu dịch bộ chú giải kinh Đại Nhật này. Anh nói: “Kinh Mật Tông đã được dịch rất nhiều, nhưng không hiểu vì sao không ai dịch các tác phẩm chú giải, chú hãy giúp anh được đọc chú giải của bộ kinh này trước khi nhắm mắt xuôi tay”. Mạt nhân cũng thử tìm kiếm trên Internet, chắc là do quá low-tech, chưa tìm thấy bản dịch nào. Do cả nể và từ chối mãi chẳng được, cũng như thấy vị đạo huynh ấy tuổi ngày một cao, đành phải cắn răng làm liều, dùng kiến thức chấp vá, văn phong quê kệch để chuyển ngữ tác phẩm trọng yếu này cho xong trách nhiệm.

Xét trong Đại Tạng Kinh và Tục Tạng Kinh, ngài Nhất Hạnh để lại hai tác phẩm: Một là Đại Nhật Kinh Sớ (gồm 20 quyển), và một phiên bản khác là Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Nghĩa Thích (14 quyển), mạt nhân chọn bản dài hơn (tức bản Đại Nhật Kinh Sớ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, phiên bản điện tử của CBETA). Ngoài ra, do lời Sớ chỉ trích dẫn đại lược các đoạn chánh kinh, chúng tôi cũng dựa theo chánh kinh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh để trích dẫn nguyên văn các đoạn kinh được giảng giải ngõ hầu người đọc dễ đối chiếu lời chú giải với chánh kinh. Đối với những chữ sai khác đôi chút giữa bản chú giải và chánh kinh, chúng tôi sửa theo chữ ghi trong bản chú giải của ngài Nhất Hạnh. Hơn nữa, tuy bản chú giải chia thành hai mươi quyển, nhưng do thấy nhiều khi chưa giảng hết ý trong một đoạn mà đã sang quyển khác, chúng tôi lược đi, không chia thành quyển để mạch văn được liên tục. Kính mong Tam Bảo từ bi gia hộ, khiến cho con không đến nỗi chuyển ngữ sai lạc ý Phật, ý Tổ, cũng như mong rằng bản dịch quê kệch này sẽ phần nào hữu ích đối với các hành nhân sơ cơ có dịp hiểu đôi chút về giáo nghĩa Mật Tông. Nếu có chút công đức nào, đều xin hồi hướng về pháp giới chúng sanh, lịch đại tổ tiên, oán thân trái chủ, hiện tiền và quá khứ phụ mẫu, sư trưởng, thiện ác tri thức cũng như mười phương chúng sanh đều cùng sanh về Cực Lạc, diện kiến A Di Đà Phật, cùng nghe pháp, tấn tu, cùng chứng Bồ Đề.

Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa đê đầu kính bạch

 

Đôi nét về sa-môn Nhất Hạnh

Sa-môn Nhất Hạnh (683-727), còn gọi là Nhất Hạnh A-xà-lê, pháp hiệu Kính Hiền, là một vị cao tăng Mật giáo, đồng thời là một nhà thiên văn kiêm lịch pháp gia lỗi lạc thời Đường. Ngài được tôn là một trong năm vị tổ của Đông Mật (Long Thọ, Kim Cang Trí, Thiện Vô Úy, Bất Không, và Nhất Hạnh). Ngài quê ở Cự Lộc (nay là huyện Cự Lộc tỉnh Hà Bắc. Có sách chép Ngài quê ở Xương Lạc thuộc Ngụy Châu, nay là huyện Lạc thuộc tỉnh Hà Nam), họ ngoài đời là Trương, tên Toại. Xuất thân từ một gia tộc hiển hách, oai quyền (Ngài là hậu duệ của công thần Trương Công Cẩn thời Sơ Đường, nhưng đến thời ông nội Ngài là Trương Đại Tố, đang làm Môn Hạ Tỉnh Đông Đài Xá Nhân thì do phạm lỗi, bị biếm làm Trưởng Sử ở Hoài Châu, gia đạo bắt đầu suy vi). Lúc mười hai tuổi, Ngài đã làu thông kinh sử, nổi tiếng nhớ dai, bất cứ sách vở nào hễ đọc qua một lượt đều nhớ kỹ không sai. Năm hai mươi tuổi, Ngài đã tinh thông các học thuyết lịch tượng, âm dương, ngũ hành. Sau khi đọc bộ Thái Huyền Kinh của Dương Hùng, Ngài đã biên soạn hai tác phẩm Đại Diễn Đồ Quyết và Nghĩa Quyết trong vòng mấy ngày, được các bậc hành gia đương thời đánh giá rất cao.

Khi đó, Vũ Tam Tư (cháu của Vũ Tắc Thiên) đang thao túng triều chánh, nhiều lượt toan kết giao với Ngài để tăng thêm thanh thế. Thấy vậy, Ngài lánh về phương Nam, và bắt đầu chú ý đến Phật pháp. Sau khi song thân đều mất, Ngài gặp Hoằng Cảnh Thiền Sư ở chùa Ngọc Tuyền thuộc Kinh Châu (lúc đó Ngài hai mươi mốt tuổi) giảng pháp, bèn manh nha ý niệm xuất gia. Về sau, do theo học Thiền với ngài Tung Sơn Phổ Tịch, Sư bèn xuất gia làm Tăng (lúc đó Ngài khoảng hai mươi bốn tuổi). Do Ngài thâm nhập Nhất Hạnh tam-muội, thầy liền ban pháp danh là Nhất Hạnh. Sư lại còn theo ngài Đương Dương Ngộ Chân học Luật. Ngài từng thâu thập những điều trọng yếu trong luật tạng và kinh tạng, soạn thành bộ sách Nhiếp Điều Phục Tạng gồm mười quyển, được đánh giá rất cao. Năm Khai Nguyên thứ năm (717), dưới sự khẩn khoản yêu cầu của chú ruột đang làm Lễ Bộ Lang Trung trong triều, Ngài nhập cung, chuẩn bị giúp ngài Thiện Vô Úy dịch kinh Mật giáo. Đồng thời, Ngài cũng theo học Mật pháp với cả hai vị cao tăng Mật Tông thuở đó là Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí, được thọ quán đảnh.

Ngoài ra, Ngài cũng tinh thông Đạo giáo, toán học, lịch pháp, đặc biệt là Phạn văn và toán pháp của Ấn Độ. Năm Khai Nguyên thứ chín (721), Ngài vâng sắc chỉ của Đường Huyền Tông, đính chánh lịch pháp, biên soạn bộ Đại Diễn Lịch Pháp gồm năm mươi hai quyển (hoàn thành vào năm Khai Nguyên thứ 15, tức năm 727). Để giúp các nhà lịch pháp đương thời tính toán lịch pháp dễ dàng hơn, Ngài soạn các bộ Lịch Nghị (mười quyển), Lịch Lập Thành (mười hai quyển), Lịch Thảo (hai mươi bốn quyển), Thất Chánh Trường Lịch (ba quyển) để thuyết minh các nguyên tắc tính toán lịch số. Ngài lại cùng với Binh Tào Tham Quân Lương Linh Toản chế ra dụng cụ Hoàng Đạo Du Nghi để tính toán vị trí chánh xác của một trăm năm mươi mấy hằng tinh, đo lường chánh xác độ dài của kinh tuyến trái đất, khảo sát sự vận hành của mặt trăng v.v… Từ các kết quả trắc lượng, Ngài vẽ thành ba mươi sáu bộ bản đồ tinh tú. Ngài và các cộng sự như Lương Linh Toản chế ra Hỗn Thiên Nghi là dụng cụ trọng yếu để nghiên cứu thiên văn của cổ Trung Hoa, tính toán chuẩn xác quỹ đạo của các tinh tú.

Ngài lại ghi chép những điều do ngài Thiện Vô Úy giảng về kinh Đại Nhật thành bộ Đại Nhật Kinh Sớ (gồm hai mươi quyển), cũng như vận dụng rất nhiều kinh sách khác để giảng rộng ý nghĩa chánh kinh. Có lẽ do quá lao lực, Ngài qua đời khi mới bốn mươi lăm tuổi, thụy hiệu là Đại Huệ Thiền Sư. Ngài để lại một số trước tác như Tú Diệu Nghi Quỹ, Phạm Thiên Hỏa La Nghi Quỹ, Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Tiêu Tai Trừ Nạn Niệm Tụng Nghi Quỹ, Hoa Nghiêm Kinh Hải Ấn Đạo Tràng Sám Nghi (bốn mươi hai quyển, soạn chung với đệ tử là Huệ Giác), Thích Thị Hệ Lục (một quyển), Đại Tỳ Lô Giá Na Phật Nhãn Tu Hành Nghi Quỹ, Mạn Thù Thất Lợi Diễm Mạn Đức Ca Niệm Tụng Nghi Quỹ, Bắc Đẩu Tinh Quân Hộ Ma Pháp…

Trong đó, theo ghi chép, sau khi bộ Đại Nhật Kinh được dịch xong vào năm Khai Nguyên 12 (724), ngài Nhất Hạnh cung thỉnh ngài Thiện Vô Úy giảng giải nghĩa lý trọng yếu, chép lại những điều trọng yếu gọi là Nghĩa Thích (gồm mười bốn quyển). Hiện thời, có các phiên bản gồm bảy quyển, mười quyển, mười một quyển, mười bốn quyển và hai mươi quyển, nội dung cũng sai khác đôi chút.

Ngoài ra, theo các sách Khai Nguyên Thích Giáo Lục và Tục Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ, ngài Nhất Hạnh đã cung thỉnh A-xà-lê Kim Cang Trí dịch Kim Cang Đảnh Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng Pháp (bốn quyển), Phật Thuyết Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề Đại Minh Đà La Ni Kinh (một quyển) và được thọ quán đảnh. Do vậy, Ngài là bậc A-xà-lê hoằng truyền của hai bộ Thai Tạng Giới và Kim Cang Giới Mạn Đà La.

 

Quyển 1 II Quyển 2

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến