CỰC LẠC DU LÃM KÝ
Pháp sư Khoan Tịnh trần thuật
Cư sĩ Lưu Thế Hoa ghi chép
Cố Hòa thượng Thích thượng Thiền Hạ Tâm soạn dịch

 

QUY TẮC TU HỌC
LỜI KHAI THỊ CỦA ẤN QUANG ĐẠI SƯ

Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được, thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp.

Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của ngưòi. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm Phật hiệu không gián đoạn, hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm.

Ngoài việc niệm Phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm, phải tức thời bỏ ngay. Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối. Nếu đã tu trì, phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương, chi nên chăm sóc việc nhà mình mà đừng nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dáng tốt đẹp mà đừng để mắt tới hình dạng xấu xa bại hoại. Hãy coi mọi người là Bồ-tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu.

Nếu quả có thể tu hành được như những điều kể trên, thì nhất định được sinh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Từ quang Phật thánh chiếu ta bà,
Hóa hiện kim kiều nối cõi hoa,
Thanh sách cảnh mầu kì đẹp diệu,
Thiên cung lạc khúc quảng huyền sa.

DẪN NGÔN

Có người cho thế giới Cực Lạc là huyễn dụ để dẫn người ưa thích cảnh đẹp vui, tiến bước vào cửa Phật pháp, hoặc có kẻ tuy tin cõi Tịnh Độ là hiện hữu nhưng diễn đạt một cách sai lầm, nhóm tu học trên đại khái gồm 3 dạng:

1. Các ngoại phái cho Tịnh Độ là cảnh thiên tiên có lầu các, ao sen, cây báu hoặc Tịnh Độ Cực Lạc là một thế giới ở bầu Kim tinh thuộc phương Tây, cho nên những vị ấy đã đề vịnh:

Trong động bích sa trời đất khác,
Bên cành hồng thọ tháng ngày dài.

Hay

Đạo đức từ bi những bấy chầy,
Thanh nhàn Cực Lạc ở phương Tây.

Nhưng cõi Tây Phương Tịnh Độ cách thế giới ta bà này mười muôn ức Phật sát, số ức ở ấn độ thời xưa trung bình là một triệu, tức một trăm tỉ cõi Phật. Đức Thích-ca mâu ni lấy một tỉ thái dương hệ thuộc cõi ta bà này làm một Phật sát để phân thân hóa độ gọi là đại thiên thế giới, một Phật sát có thể rộng từ một cõi đại thiên. Như trong Kinh Pháp Hoa Đức Thế Tôn thọ ký cho Ngài Phú Lâu Na về sau thành Phật lấy hằng hà sa cõi đại thiên làm một Phật độ, cho nên Kim tinh hay cảnh giới của thiên tiên chỉ là ở trong phạm vi một thái dương hệ, không phải là cõi Cực Lạc.

2. Hàng Thanh Văn không tin có cõi Cực Lạc hoặc chư Bồ-tát nào khác, ngoại trừ Đức Thích-ca và Di Lặc, điều ấy không chi lạ bởi cực quả của Thanh Văn thừa là ngôi A La Hán, đạo nhãn[tầm nhìn] của A La Hán chỉ thấy suốt trong phạm vi một đại thiên thế giới, không thấy được cõi Cực Lạc ngoài mười muôn ức Phật độ, nên họ không tin.

3. Hàng tu học đại thừa nhưng không có căn lành về Tịnh Độ, chưa tham cứu sâu về hoa tạng thế giới, chưa có kiến thức rộng về các kinh điển đại thừa, không tin có cõi Cực Lạc. Các vị ấy lý thuyết hóa cảnh địa ngục, thiên đường, Tịnh Độ, cho đến chư Phật Bồ-tát đều do tâm thức. Đại khái họ bảo tâm tham sân si, khổ não là địa ngục, tâm sáng suốt, lành vui là thiên đường, tâm thanh tịnh là Tịnh Độ, A Di Đà là thể tánh vô lượng quang thọ sáng suốt thường hằng, địa tạng là tâm địa, tánh tạng, chứ không có Đức A Di Đà và địa tạng nào khác. Đồ hoạ cảnh địa ngục có quỷ ngưu đầu, mã diện, lò lửa, vạt dầu là để răn người làm ác, đồ hoạ cõi Cực Lạc có ao sen, cây báu, lầu ngọc, đất vàng là để khuyến tấn dẫn dụ người làm lành. Lối lý thuyết ấy chỉ đưa người học Phật vào cái chấp thiên không tà kiến, bác phá nhân quả, khiến cho hành Phật tử mê mờ lầm lạc, thậm chí họ thấy ai niệm Phật, niệm Quán Âm, tụng kinh điển đại thừa đều dẫn lời chư Tổ xưa tìm cách bác phá. Tổ nói với một ý khác họ lại vin vào đó dẫn giải theo thiên kiến của mình với một ý khác, thật đáng buồn cười thương xót.

Các vị đó đâu biết rằng, Trí Giả Đại sư là bậc khai sáng tông Thiên Thai[Cũng gọi là Pháp Hoa tông, thế kỉ thứ 6.] khi lâm chung niệm Phật và bảo chúng rằng: “Tây Phương Tam Thánh và các đồng bạn đã vãng sanh của ta đã đến, đứng chờ giữa hư không để tiếp dẫn”, vĩnh Minh Đại sư đời nhà Tống, một bậc long tượng bên Thiền tông, mỗi ngày đều niệm mười muôn câu Phật làm thường khóa, và gần đây Hư Vân Đại sư (thế kỉ 19-20) là hàng thiền bá trong tông môn cũng khuyên người niệm Phật, Ấn Quang Đại sư (thế kỉ 19-20) một trong các vị tôn đức thuộc cận đại đã bảo:

Tâm tức Phật, ý hợp thinh,
Như như niệm, vô vô minh,
Điểm trần chẳng nhiễm căn tánh tình,
Ba tạng giáo, mười hai kinh,
Muôn tám công án lộ chân hình
Phật, Tổ dạy, nhiệm mầu linh.

Trở lại vấn đề cõi Cực Lạc có hay không? Theo Phật học, bậc trí thức muốn khám phá điểm này phải căn cứ với 3 điều kiện:

1. Tỉ thẩm lượng: đây là trí lường xét qua sự so sánh, suy gẫm, không phái chờ mắt thấy tai nghe rồi mới xác nhận. Thí dụ như ở thế gian người đức hạnh lành, chí công học hỏi, siêng cần làm việc sẽ được kết quả giàu sang hoặc ít nữa là danh tốt lưu truyền, trái lại, kẻ hung gian, độc hiểm, dốt nát, lười biếng, làm điều trái phép sẽ bị nghèo khổ, tù đày, dù có được no ấm bình an cũng chỉ trong vòng tạm bợ nhất thời. Nếu người công đức lành quá lớn, kẻ tâm hạnh ác quá to tất phải có cảnh Cực Lạc, thiên đường hay ngạ quỷ, địa ngục để trả đền, như thế mới họp với lý nhân quả, chớ không đợi tận mắt trông thấy rồi mới tin. Xin tạm trích ra đây một đoạn vấn đáp trong Phật điển giữa vua Milinda (Di Lan Đà) và tôn giả Nãgasena (Na Tiên):

– Bạch Tôn Đức, Trẫm không thấy cảnh địa ngục thì sao tin được rằng có cõi ấy!

– Thưa Đại vương, Ngài có trông thấy dòng nước rộng, hai bên bờ nhiều kì hoa dị thảo tươi đẹp của con sông U Há trên dãy Hi Mã Lạp Sơn[Himalaya] hay không?

– Bạch Tôn Đức, Trẫm không trông thấy.

– Thưa Đại vương, nếu như vậy thì không có con sông U Há.

Bạch Tôn Đức, Trẫm tuy không thấy nhưng đã có nhiều người chứng kiến về nói lại nên Trẫm tin có con sông U Há.

– Thưa Đại vương, sự hiện hữu của địa ngục cũng như thế, nên lấy trí cân nhắc suy xét, phải tin rằng có cõi địa ngục chứ không cần đợi trông thấy.

2. Hiện thực lượng: từ xưa đến nay có nhiều Phật tử ở Ấn Độ, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam tu Tịnh Độ, hiện tiền hay lúc lâm chung họ đã thấy những thắng tướng của cõi Cực Lạc, cho đến Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn vãng sanh. Đây là sự hiện thực rõ ràng có ghi vào sử sách, nếu bảo Cực Lạc là cảnh huyễn dụ làm sao có những tướng trạng ấy.

3. Thánh ngôn lượng: chẳng những trong Tịnh Độ tam kinh Đức Thích-ca đã nói sự trang nghiêm ở Cực Lạc, mà trong các kinh đại thừa khác như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bảo Tích, Phật cũng từng đề cập đến sự việc này. Và trong nhiều bộ luận chư Tổ đã hằng dẫn giải về môn niệm Phật cùng cõi Cực Lạc, chẳng hạn như trong Đại Thừa Khởi Tín Luận của Tổ Mã Minh, Đại Trí Độ Luận của Tổ Long Thọ, Tịnh Độ Thập Nghi Luận của Tổ Thiên Thai Tri Giả, cho đến Vãng Sanh Luận, Niệm Phật Viên Tông Luận v.v… Người học Phật phải lấy lời của Phật, Tổ làm mực thước mà lượng định, nếu đem chỗ thấy biết cạn hẹp của mình vội bác phá Tịnh Độ đó chính là bác phá Phật và Tổ, kẻ ấy không phải là đệ tử của Phật.

Ấn Quang Đại sư nói: “Phàm phu vì mê mờ không tin có địa ngục nên chư Bồ-tát, Thánh thần thường dùng phương tiện đưa biết bao người đến cõi địa ngục cho thấy biết rồi trở về thuật lại để người đời kinh sợ mà dứt dữ làm lành”. Chẳng hạn như khi xưa đã có truyện Địa Ngục Ký của Sư cô Huệ Hiền tục gọi Cô Ba Cháo Gà ở  tại chọ Vòng Nhỏ, tỉnh Mỹ Tho[Nay là tỉnh Tiền Giang], đây là truyện nơi Việt Nam, còn riêng ở Trung Hoa thì không biết bao nhiêu trường hợp tương tợ như thế. Trong bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ở Trung Quốc vào đời nhà Minh có truyện Viên Tông Đạo được anh là Viên Hoàng Đạo đã vãng sanh đưa hồn sang Cực Lạc để khuyến tấn tu hành, cảnh của Tông Đạo thấy biết chỉ là một phần sự tướng nơi Tịnh Độ, không đầy đủ bằng chuyện gần đây của Khoan Tịnh Pháp sư ở Trung Hoa được Quán Thế Âm Bồ-tát dẫn sang Cực Lạc cho thấy cả chín phẩm vãng sanh, câu chuyện này rất li kì do chính Pháp sư trần thuật lại và đệ tử của Ngài là Cư sĩ Lưu Thế Hoa ghi chép. Cư sĩ cho đây là tiếng vang chấn động xưa nay, tiết lộ ra những điều mà người khác chưa từng nói đến.

Có lẻ Đức Đại bi Quán Thế Âm cùng chư Thánh thương xót chúng sanh cuối thời mạt pháp, chỉ nương pháp môn Tịnh Độ mới hợp thời cơ để tu tiến và đảm bảo được sự giải thoát nên dùng phương tiện khéo mà hoằng hóa cứu độ đó chăng? Điều này nếu suy ngẫm đọc kỉ độc giả sẽ tự hiểu. Thời gian trước Nguyễn Công Trứ đã nói:

Lỡ duyên với rượu khôn từ chén,
Trót nợ cùng thi phải chuốc bài.

Nhưng lời ông chỉ nêu lên cái nghiệp dĩ về thơ rưọu của mình mà thôi, riêng bút giả thấy người đời có lắm nổi khổ, già, bệnh, chết, lần lượt diễn tiễn mà phần đông hãy còn ướ mơ tham vọng, cố hái hoa hạnh phúc trong vườn trần mộng huyễn, nên bỗng động lòng từ bi mẫn thế, muốn nhắc gọi đồng nhân thức tỉnh mới phiên dịch ra quyển này, xin tạm mượn hai câu sau để biểu lộ mối cảm hoài ấy:

Mắt lệ đã mờ sầu biển lụy,
Hoa tươi còn luyến bóng xuân trần.

Và tiếp theo xin nhường lời lại cho Lưu Thế Hoa Cư sỉ.

Tệ nạp
Vô Nhất

LỜI ĐẦU

Khoan Tịnh Pháp sư quê quán ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Sanh nhằm ngày mùng 7 tháng 7 năm Giáp Tý (ngày 7-8-1924), thân phụ Ngài nguyên họ Phan là một Cư sĩ sùng tín đạo Phật, nhà ở số 140 đại lộ Quang Đông Trấn tại huyện Thành (huyện lỵ Châu Thành).

Vào buổi chiều lúc Ngài sinh ra đời, hai bên phương trời Đông và Tây kim quang chiếu rạng, mặt đất như vàng ròng chiếu sáng huy hoàng, do nhân duyên đó cha mẹ mới đặt tên cho là Phan Kim Vinh. Lúc bé theo thân phụ chỉ dạy học ở nhà, năm lên 7 do căn lành thúc giục, Ngài năn nỉ xin cha mẹ cho tới ở chùa Giáo Trung, tỉnh Phước Kiến nên không có nhân duyên đến trường lớp thế tục. Tuy nhiên Pháp sư thiên tư đỉnh ngộ hơn người, thầy dạy kinh, luật đến đâu liền nhớ đến đó, chỗ giải ngộ lại hơn các đồng bạn. Mãi đến năm 15 tuổi, Ngài mới được thế độ xuống tóc với Hư Vân lão Hòa thượng ở chùa Tổ đình Nam Bình Khai cũng thuộc tỉnh nhà. Năm 17 tuổi, Hư Vân Thiền sư thấy Ngài là bậc pháp khí, đặc biệt cho thọ giới cụ túc nơi chùa Nam Hoa, tỉnh Quảng Đông.

Kế tiếp, Pháp sư lại chuyển đến chùa Vân Cư, tỉnh Giang Tây để tiện bề tu học. Ngài được Hư Vân lão Hòa thượng truyền chánh pháp nhãn tạng làm vị thừa kế đời thứ 48 tông phái Đổng Vân[Tào Động và Vân Môn hợp nhất], từ đó về sau Pháp sư lần lượt làm trụ trì trải qua các tự viện[Chùa, viện tu học] : Khanh Để Bình, Tiên Phật, Năng Nhân, Khai Bình, Mạch Tà Nham, Tam Hội.

Lúc làm trụ trì chùa Tam Hội, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Phước Kiến, Pháp sư tọa thiền từ ngày 23 tháng chạp ngồi luôn đến ngày 29 mới xuất định, kể tất cả là 7 ngày, việc xảy ra vào năm 1980 làm toàn huyện xôn xao náo động, hàng đạo tâm đến xin quy y hơn 3.000 người.

Năm 1982, Ngài sang nước Mỹ làm vị tăng hành cước tại thành phố Nữu Ước[New York] để tuyên dương Phật pháp, Ngài được Phật Giáo Hội ở Bắc Mỹ cử làm đổng sự trưởng danh dự chùa Lạc Na thành phố Cựu Kim Sơn[San Francisco], kế đến làm đổng sự trưởng chùa Quán Thế Âm ỏ Los Angeles.

Trên đây là vài nét đơn giản giới thiệu Khoan Tịnh Pháp sư, một bậc cao tăng hiện đại. Điểm chánh yếu của tập ký sự này là ghi lại quá trình chính bản thân của Ngài đã kinh lịch[Kinh nghiệm thực chứng] sang cõi Cực Lạc tham quan chín phẩm hoa sen ở Tây Phương với những chi tiết li kì của thế giới thanh tịnh bên ấy. Việc trên đây xảy ra vào ngày 25 tháng 10 Âm lịch năm Đinh Mùi (ngày 26-11-1967), lúc đó Pháp sư đang ngồi thiền ở chùa Mạch Tà Nham đột nhiên được thần lực của Đức Quán Thế Âm đưa sắc thân Ngài đến tạm ẩn nơi động Di Lặc rồi dẫn thần thức sang Cực Lạc. Pháp sư có cảm giác thời gian du lãm trên chỉ trải qua một ngày một đêm, nhưng khi trở về nhân gian đã là ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch nàm Quý Sửu (ngày 10-5-1973), tính ra khoảng 6 năm 6 tháng. Việc này dường như vượt quá sự hiểu biết thông thường nhưng đối với môn vũ trụ học thì không gian và thời gian tùy mỗi thế giới vẫn có những điểm bất đồng sai khác. Theo các tích truyền kì thời xưa, có khi ở cõi tiên một ngày, nhân thế phải qua nhiều năm tháng, như một vị vua xứ Ai Cập mộng thấy mình lên cõi trên chỉ có 3 giờ nhưng khi hồn trở về nhập xác, nhân gian đã trải qua 8 ngày đêm, điều này người đủ chút kiến thức về Phật học đều có thể lý giải.

Khi Pháp sư bỗng nhiên mất tích ỏ Mạch Tà Nham tự, toàn thể tăng tín trong chùa đều tản ra tìm khắp hơn 100 động lớn nhỏ thuộc vùng dân cư, lại có người nól mới thấy Ngài trên đường đi đến động Di Lặc ở núi Cửu Tiên, đại chúng cũng lên đó tuần tra mà không gặp. Thậm chí nhiều người xuất tiền nhờ thủy quân lặn dò các ao đầm trong vùng, mướn đội tuần thám đến xét hỏi ở huyện Thành cùng các thành phố Tuyền Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Nam Bình, và đánh điện nhờ người ở các huyện xung quanh, như Vĩnh Thái, Vĩnh Xuân, Đức Hoa, Phước Thanh để hỏi han. Như thế trước sau vài năm cũng bặc vô âm tín, do đó hàng Phật tử đều cho rằng Pháp sư đã lìa trần, trong lòng bùi ngùi thương cảm.

Kì thực nhục thể của Pháp sư trước sau vẫn không rời động Di Lặc nửa bước, do thần lực chư Thánh duy trì ẩn dấu, khiến cho thân chẳng bị phát hiện và hư hoại. Pháp sư là một bậc cao tăng đắc định, giữ giới luật, tin nhân quả, quyết không khi nào nói dối, đây hiển nhiên là Phật, Bồ-tát vì lòng từ bi muốn cứu vớt và thức tỉnh chúng sanh thời mạt hậu đã dùng phương tiện khéo truyền đạt lời giáo huấn qua bản thân Ngài mà thôi.

Sự kinh lịch của Pháp sư không phải là mộng cảnh, cũng không đồng cảnh giới thấy biết của thiền định vì chúng ta sẽ thấy những tình tiết qua sự vấn đáp, những điểm kì diệu qua nhận thức riêng của Ngài khác hẳn.

Và sau đây là tất cả điều quan yếu do tôi ghi lại trong thời diễn giảng của Pháp sư ở chùa Nam Hải, Phổ Đà Sơn tại Tân Gia Ba[Singapore] vào tháng 4 Âm lịch năm Đinh Mão (tháng 5-1987).

Lưu Thế Hoa Cư sĩ kính ghi

Ai hỏi nhà sư sự nghiệp chi?
Thưa rằng giải thoát với từ bi.
Niệm Phật là phương mầu giải thoát,
Năm thừa lại mở cửa từ bi.

DUYÊN KHỞI 

Nam-mô A Di Đà Phật

Trình chư Tôn Đức Tăng Ni, thưa chư quý Phật tử, Khoan Tịnh xin gửi lời chúc nguyện an lành đến tất cả chư quý vị.

Hôm nay chúng ta có duyên lành hội ngộ nơi đây, tôi nghỉ đó là túc nhân Phật pháp tiền sanh hoặc các kiếp quá khứ về trước. Đề mục tôi sắp diễn giảng chính là thuật lại việc bản thân đã kinh lịch sang thế giới Cực Lạc Phương Tây, đem các tình cảnh mắt thấy tai nghe tỏ bày cho chư vị cùng được rõ. Xin chia lịch trình này qua 7 phần, mỗi phần gồm nhiều giai đoạn:

1. Diễn tiến tôi đến Cực Lạc như thế nào?

2. Tình hình thực tế trải qua ra sao?

3. Thuật lại các cảnh giới tôi đã trước sau kinh lịch gồm các nơi: La Hán động, cõi Tứ Thiên Vương, cõi Trời Đao Lợi, Đâu Suất thiên cung.

4. Hoa sen hạ phẩm gồm có 3: Hạ thượng, Hạ trung và Hạ hạ phẩm.

5. Hoa sen trung phẩm lại gồm 3: Trung thượng, Trung trung và Trung hạ phẩm.

6. Hoa sen thượng phẩm cũng gồm 3: Thượng thượng, Thượng trung và Thượng hạ phẩm.

7. Trên đường trở lại nhân gian.

Và sau đây là các diễn tiến ấy.

PHẦN 1:
DIỄN TIẾN TRÊN BƯỚC KHỞI HÀNH

1. Từ chùa Mạch Tà Nham đến Di Lặc Động

Năm 1967, tôi đang đảm nhiệm chức trụ trì tại Mạch Tà Nham Tự. Vào ngày 25 tháng 10 Âm lịch, lúc quá nửa đêm, tôi đang ngồi thiền bỗng phưởng phức nghe có tiếng gọi pháp danh mình bảo: “Đi mau”, vừa khi ấy tự có cảm giác như bị đẩy tới phía trước.

Không kịp chuẩn bị, tôi bước xuống pháp tòa rồi như bị sức thu hút không rõ nguyên do, rảo đi thật nhanh ra khỏi tự viện. Bấy giờ trong tâm tự biết mình sẽ phải đến động Di Lặc thuộc vùng núi cửu Tiên, huyện Đức Hòa, cách chùa độ hơn 20 dặm. Tuy đi rất mau như thế nhưng không cảm thấy đói khát, mỏi nhọc, cũng không dừng nghỉ.

Lúc ấy ỏ Trung Hoa nhằm phong trào Đại Cách Mạng Văn Hóa (năm 1966 đến 1976), Hồng Vệ Binh tuần tra khắp nơi. Bấy giờ vào khoảng 3 giờ sáng, trong màn đêm đầy sương mù tôi nghe tiếng dân chúng đi trên đường nói:

– Nay là ngày 25 tháng 10 Âm lịch, nhằm thời kì Văn Cách, địa phương rối loạn, chúng ta phải đổi hành trình vào ban đêm mới thuận tiện yên ổn.

2. Duyên hạnh ngộ

Đi tới gần sáng, đột nhiên thần trí tôi thanh tỉnh trở lại. Vừa khi đó, tôi chợt gặp một lão Hòa thượng trang phục như mình, hai bên vái chào cùng thông tri tên họ. Hòa thượng tự giới thiệu mình là Viên Quán Pháp sư muốn đến núi cửu Tiên, động Di Lặc. Gặp bạn đồng hành tôi vui vẻ tán thành, rồi vừa rảo bước đi vừa trò chuyện.

Pháp sư tợ hồ biết rõ nhân quả mấy kiếp về trước của tôi, tuần tự thuật lại từng đời, như: Sanh ở đâu? Cha mẹ là ai? Tên họ gì? Ngài nói rõ ra mỗi điểm, nghe dường như truyện huyền thoại, điều lạ lùng là mỗi chi tiết Pháp sư nói ra tôi đều ghi nhớ rõ không quên. Bảy năm sau (năm 1974), tôi tìm và hỏi về thời gian và địa điểm đó thì tất cả đều chuẩn xác. Đại khái, các đời ấy tôi đều xuất gia làm Hòa thượng, chỉ có một kiếp làm Cư sĩ tại gia vào triều vua Khang Hi, đời nhà Thanh, ở thôn Phương Quế Cách, huyện Dẫm Thượng, tên là Trịnh Viễn Tư, sanh 6 trai, 2 gái, trong ấy có một đứa con thi đổ tiến sĩ. Đến nay hậu duệ của dòng đó hãy còn.

Đường đi rút ngắn rất mau, dường như có ai làm phép Hồ Công Xuất Địa[Hồ Công Xuất Địa: phép thâu ngắn đường đi cùa loài hồ.]. Không bao lâu, chúng tôi đã đến chân núi Cửu Tiên, một sơn lãnh cao nhất của tỉnh Phước Kiến. Trên núi này có hang động to rộng, trong ấy duy thờ một tượng Di Lặc nên gọi là Di Lặc Động. Lúc chúng tôi tiến lên đến lưng chừng núi thì trời đã hừng sáng.

PHẦN 2:
BƯỚC KÌ LẠ TỪ DI LẶC ĐỘNG

3. Đường từ Di Lặc Động đên cảnh Trung Thiên La Hán

Bấy giờ, cảnh trí kì diễm[Đẹp lạ] bỗng xuất hiện trước mắt. Tôi thấy đường sá không giống như lối cũ mà mình đã từng trải qua, lộ trình biến thành rộng rãi, lót toàn bằng đá đẹp, phát ra ánh sáng chớp chớp. Khi đi đến hang động thì nơi đây cũng biến đối trang nghiêm, khác với động Di Lặc lúc xưa.

Chúng tôi bước vào lễ tượng Bồ-tát rồi cùng ngồi nhắm mắt dưỡng thần trong giây phút. Khi ấy, tôi nghe Hòa thượng Viên Quán gọi, bảo ra sau núi du lãm, tôi vội bước chân theo Ngài thì một bầu trời đất khác bỗng lại xuất hiện. Trước tầm mắt tôi, một tòa nhà cổ nguy nga đứng lồ lộ, nét huy hoàng tráng lệ còn hơn cố cung Tử Cấm Thành của vua nhà Thanh ở Bắc Bình[Tên gọi thành phố Bắc Kinh từ nâm 1928 đến năm 1949.]. Hai bên ngôi chùa to rộng ấy có hai tòa bảo tháp đẹp cao đồ sộ. Chúng tôi lần tiến bước đến sơn môn, thấy cửa tam quan này làm toàn bằng đá hoa trắng, lối kiến trúc thật hùng vỉ oai nghiêm. Trên cổng vào có tấm biển lớn khảm chữ vàng chiếu ánh chói ngời, 4 kim tự nơi biển ngạch không phải chữ Trung Hoa, chữ Anh hay chữ Phạn, tôi hoàn toàn không hiểu thấu.

Trước sơn môn có 4 vị Hòa thượng đã đứng sẵn đón chờ, mình đắp y đỏ, lưng thắt đai vàng, pháp tướng cao lớn trang nghiêm. Khi thấy chúng tôi đến, họ vái chào, tôi và Hòa thượng Viên Quán cũng vội vàng đáp lễ. Lúc đó, trong tâm tôi có chút nghi vấn, tự hỏi: “Trang phục của mấy vị này mình chưa từng thấy qua, có lẽ họ là những vị Lạt Ma chăng?”. Các vị ấy dường như biết, chỉ mỉm cười bảo: “Đã đến đây rồi xin hoan nghinh”, rồi mời chúng tôi vào. Khi vào khỏi cổng chùa trải qua vài tòa điện vũ[Hội trường], tôi thấy đền đài xinh đẹp tráng lệ. Điểm kì diệu là mọi vật đều phát ra ánh sáng, xung quanh các điện đều có hành lang rộng bao vòng, ngoài hành lang nhiều sắc kì hoa dị thảo điểm tô, ra xa hơn là những hàng cây lạ cao vút. Vào chùa nhìn qua cửa song, vẫn có thể trông thấy bảo tháp và các tòa kiến trúc.

Trong viện trưng bày rất nhiều đồ cổ ngoạn khéo đẹp kì lạ. Lần bước lên tới ngôi đại điện thứ nhất, ngước trông thấy là bốn kim tự lớn sáng chói, loại như kiểu đã thấy bên ngoài, tôi hỏi Viên Quán lão Hòa thượng, Ngài đáp:

– Đó là bốn chữ “Trung Thiên La Hán”.

Lòng thầm nghỉ: “Thì ra đây là Trung Thiên La Hán Tự, nơi các vị A La Hán tu trì, một thế giới thần tiên ở nửa lừng trời. Chỗ này không còn là cảnh nhân gian nữa, thảo nào mà mọi vật chẳng đều khác lạ phi phàm”.

Bốn đại tự ấy hiện tại tôi nhớ được một hình chữ khuôn hoa, riêng ba chữ kia thì đã mờ trong kí ức.

4. Quang cảnh động La Hán

Bấy giờ, khung trời sáng rạng rỡ, xung quanh núi non, mây rán[Mây ừng màu nắng] đẹp bao vòng. Chỉ thấy trong và ngoài đông đảo người ra vào, gồm nhiều sắc da, như: vàng, trắng, hồng, ngâm ngâm đen, màu cam sẫm, nam nữ, trẻ già đều đủ cả, trong ấy người da vàng chiếm đa số. Y trang của họ cũng kì lạ, tùy màu sắc phát ra nhiều ánh sáng khác nhau. Dường như nơi đây, ngoài chư vị A La Hán còn có các vị thần tiên đến tham quan hoặc học đạo.

Đại chúng kết họp thành nhiều đoàn, như: nam giới tập luyện võ thuật, nữ giới trổi nhạc múa ca, mấy lão nhân thì chăm chú nơi cuộc cờ, xung quanh một số người theo dõi, ngoài ra có vị lại ngồi tỉnh tọa dưỡng thần. Tất cả đều hiện sắc thái an nhàn vui vẻ. Khi thấy chúng tôi đến, họ ngẩng đầu lộ nét thân thiết, mỉm cười gật đầu chào đón, nhưng mỗi người theo phần việc của mình không giao tiếp hỏi han.

Lúc đến tòa đại điện, tôi lại thấy một hoàng kim tự lớn, Viên Quán Pháp sư bảo đó là bốn chữ “Đại Hùng Bảo Điện”. Từ trong điện bước ra, hai lão Hòa thượng chắp tay nghinh tiếp, thoáng mắt nhìn qua tôi ghi nhận một vị râu dài bạc trắng, còn vị kia không để râu. Hai lão Hòa thượng thấy Viên Quán Pháp sư liền vội gieo năm vóc thi hành đại lễ. Thấy tình huống đó, tôi thầm nghĩ: “Trung Thiên La Hán đối với Viên Quán Pháp sư mà lễ bái như thể, tất Ngài không phải là bậc tầm thường rồi”.

Liếc mắt nhìn quanh, ngôi chánh điện thật rộng rãi trang nghiêm, nền lót đá hoa trắng phát ra ánh sáng, điểm kì lạ nơi đây không có một tượng Phật nào cả nhưng cúng phẩm thì rất nhiều, những chiếc bình to phô bày hoa tươi đẹp đủ màu, mỗi đóa hoa lớn bằng chiếc nón, ngoài ra còn có những đèn treo, gồm lắm hình thái kì diệu, các hạt minh châu trong đèn tỏa ra ánh sáng muôn sắc. Lòng tôi như lạc lõng ngây ngất, chỉ cảm biết hương lạ tỏa thơm ngào ngạt quanh mình, ánh sáng tạp sắc xoay chuyển chớp ngòi. Có lẽ nơi đây vẫn đầy đủ tượng Phật nhưng do nguyên nhân nào đó khiến tôi không thấy được chăng, nếu chẳng thế thì sao chốn này gọi là Đại Hùng Bảo Điện?

Sau khi tham lễ nơi đại điện, hai lão nhân mời chúng tôi sang khách sảnh[Phòng khách, nhà khách.]. Vào nhà khách, vừa ngồi xong một lão Hòa thượng nhìn đồng tử hầu cận ra ý bảo: “Đem hai chén nước giải khát”. Đồng tử này đầu kết hai búi tóc, gương mặt hồng hào rạng rỡ, mình khoát y lục, lưng thắt đai vàng, tướng mạo rất thanh đẹp. Nước trong chén sóng sánh màu bạc, thơm ngọt khác thường. Tôi uống hơn nửa chén, Viên Quán Pháp sư đưa mắt tỏ ý bảo dùng hết, tôi vâng lời, cảm biết trong người tươi khỏe, tinh thần bội phần thanh sảng, không còn một điểm mỏi nhọc.

Kế đó, Viên Quán Pháp sư cùng lão Hòa thượng nói với nhau bằng một ngôn ngữ lạ mà tôi không biết được. Tiếp theo, Hòa thượng sai đồng tử đưa tôi qua hậu phòng tắm rửa. Vừa bước vào, tôi thấy nơi đó có sẳn một bồn nước trong, gần bên vắt chiếc khăn và bộ y phục màu lam của nhà chùa để thay đổi. Sau khi tắm gội lau mình xong, thâm tâm tôi mười phần tươi tính nhẹ nhàng, lòng thầm nghĩ: “Hôm nay quyết định mình đã đến Thánh cảnh rồi đây”. Tâm tràn ngập niềm an vui thật khó diễn tả.

5. Thưa thỉnh về hiên tình và tương lai Phật giáo

Khi trở lại khách sảnh, tôi đến trước hai lão Hòa thượng cúi xuống lễ ba lạy rồi chắp tay cầu xin chỉ điểm về hiện tình và tưong lai của Phật giáo. Vị Hòa thượng râu dài không đáp, cầm bút lông viết 8 chữ trên giấy như sau:

PHẬT TỰ TÂM TÁC GIÁO DO MA CHỦ

Viết xong, Ngài đưa tờ giấy trao sang. Tôi xem qua không thấu hiểu hết ý của 8 chữ, lại cầu xin khai thị cho rõ thêm. Vị Hòa thượng kia thay lời giải đáp:

– Tám chữ ấy, ông có thể sắp song song, xem ngang, nhìn dọc, từ trái sang mặt, từ mặt sang trái, đảo lộn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, như phân ra thành 36 câu, có thể hiểu rõ tình huống Phật giáo từ đây (khoảng năm 1970) đến một trăm năm về sau. Nếu lại diễn đạt rộng 36 câu thành 840 câu, tất biết được tình hình suy thạnh về tương lai Phật giáo của toàn thế giới, cho đến khi Chánh pháp của Đức Thích-ca hoàn toàn mất tích nơi cõi Diêm Phù. Khi trở về nhân gian, ông nên suy ngẫm cho tinh tường sẽ tự thông hiểu.

Theo thiển ý, đại khái vào thời mạt hậu, tà ma ngoại đạo xen lẩn vào làm lệch lạc Chánh pháp. Cho nên, người tu Phật phải chính chắn đề phòng, chớ chấp mê theo hình thức, cũng đừng vội phế bỏ hình thức, hãy cẩn thận suy nghĩ, gạn lọc kẻo sai lầm. Đó là ý nghĩa: Chánh giáo do ma làm chủ động, Phật quả tự tâm mình liễu đạt tu hành. Còn về phần 840 câu, đợi tưong lai khi có thành thục sẽ công bố. Nếu chư vị muốn được sớm hiểu biết nên khởi công nghiên cứu. Đây thiết tưởng cũng là một điểm lý thú về văn nghệ.

Sau khi giải sơ lược mấy điều xong, lão Hòa thượng bảo tiếu đồng đưa tôi vào phòng tạm yên nghỉ. Lúc bước vào, tôi thấy trong phòng không kê giường nằm, chỉ có một chiếc ghế kiểu trạm trổ rất thanh nhã, trên lót nệm ngồi. Tôi bước lên tĩnh tọa, cảm giác thân tâm thanh nhẹ, thần trí lâng lâng.

Ngồi chưa bao lâu đã nghe tiếng Viên Quán lão Pháp sư kêu gọi. Tôi mở mắt bước xuống ra khỏi phòng, lão nhân nói:

– Ngay bây giờ, tôi đưa ông vượt qua cõi trời Tứ Thiên Vương và Đao Lợi, đi thẳng lên Đâu Suất thiên cung bái kiến Di Lặc Bồ-tát và để gặp thầy của ông là Hư Vân Thiền sư.

Tôi đáp:

– Rất hân hạnh, xin vô cùng cảm tạ.

Lúc rời khỏi đại điện, tôi bỗng chợt nhớ muốn trở lại giã từ hai lão Hòa thượng, Pháp sư bảo:

– Không cần thiết phải cáo từ, thời giờ chẳng còn nhiều nữa.

Tôi chỉ biết yên lặng rảo bước theo Ngài.

PHẦN 3:
TỪ LA HÁN ĐỘNG ĐẾN CÁC CÕI TRỜI

Trên đường đi, nhiều ngân điện, kim lâu, cùng bảo tháp tráng lệ, hùng vỉ trải qua tầm mắt, mỗi tòa đều phóng ra ánh sáng nhiều màu. Nhưng vì lão Pháp sư cứ nhắc bảo tiến bước mau nên tôi không rảnh rỏi đế quan sát. Con lộ chúng tôi đi toàn là đá trắng ngần ngòi chớp, hai bên triền núi kì hoa dị thảo theo gió đong đưa, hương thanh ngào ngạt khiến cho người lâng lâng vui đẹp. Mà sau này tôi mới chú ý, vì thời gian ở thượng giới không đồng cõi tục, không nên dần dà chậm trể, nếu chẳng thế khi trở về nhân gian có thể trải qua vài trăm năm hoặc vài ngàn năm không chừng.

Chuyển qua vài đoạn quanh co, trước mặt tôi bỗng xuất hiện một chiếc cầu rộng rãi vỉ đại. Nhưng kì lạ, cây cầu to lớn này chỉ có đoạn giữa nối lơ lửng nơi hư không, còn đầu và đuôi cầu không tiếp giáp với đường lộ, nhìn xuống dưới là vực sâu muôn trượng. Tôi tự nói lẩm bẩm: “Làm thế nào qua khỏi chiếc cầu như thế này?”.

Viên Quán Pháp sư dường như hiểu được tâm niệm ngần ngại của tôi, liền hỏi:

– Hằng ngày, ông trì niệm những kinh chú nào?

Tôi đáp:

– Bình nhật giảng bối thường tụng kinh Pháp Hoa và chú Lăng Nghiêm.

Ngài đáp:

– Tốt lắm, ông hãy tụng chú Lăng Nghiêm đi.

Tôi vâng lời niệm nho nhỏ. Chú Lăng Nghiêm có hơn 3.000 chữ, tôi vừa mới tụng được mấy câu, trước mắt bỗng hiện ra cảnh tượng lạ, chiếc cầu dài to bỏng biến thành vàng ròng, bảo sắc chiếu sáng, hai đầu nối liền với đường đi. Dường như chiếc bóng thất bảo cong vòng lên giữa hư không xinh đẹp không thể tả. Hai bên lan can cầu có nhiều lòng đèn châu ngọc treo lơ lửng phóng những tia sáng nhiều màu. Đầu cầu có 5 kim tự lớn giống như kiểu chữ ở đại điện, tôi thầm nghỉ: “Đây nhất định là mấy chữ TRUNG THIÊN LA HÁN KIỀU”.

Qua khỏi cầu, chúng tôi vào trong kiều đình[Mộ kiểu nhà nghỉ chân ở gần chân cầu.] ngồi nghỉ giây phút, nhân cơ hội đó tôi hỏi Viên lão Pháp sư:

– Tại sao trước kia không thấy hai đầu cầu, đợi niệm chú rồi mới thấy?

Ngài đáp:

– Trước kia, chân tánh của ông do vô minh nghiệp chướng bao vây, nên thị tuyến[Đường truyền của thị giác.]bị che lấp. Khi khởi niệm chú, nghiệp chướng bị sức Đà-ra-ni công phá, như mây mù gặp gió thổi tan, tự nhiên Thánh cảnh lộ bày. Đó là đạo lý:

Biển lặng ngàn tầm in rán đẹp,
Mây tan muôn dặm lộ trời xanh.

6. Từ cõi Tứ Thiên Vương đến trời Đao Lợi

Đáp xong câu đó, Ngài dạy tôi vẫn niệm chú và tiếp tục lên đường. Tôi vâng lời, vừa đứng lên niệm mấy câu, dưới đôi chân bỗng có hai tòa sen trong suốt như thủy tinh, phát ánh sáng xanh hiện ra đỡ gót, các cánh của hoa nở bày và phóng những tia sáng lạ. Nhờ liên tòa nâng đỡ, tôi vượt lên hư không như cỡi mây mù bay lướt đi, chỉ nghe bên tai tiếng gió thổi vi vu, nhưng nơi thân không cảm thấy có hơi gió và lần lần lại ấm áp. Tốc độ bay như tia chớp, còn bội phần lẹ hơn phi cơ, nhiều cảnh tượng liên tiếp xuất hiện rồi như vụt chạy mau ra sau.

Không bao lâu, trước mắt tôi bỗng lộ ra một cảnh tượng như cổng Thiên An Môn[Ở Bắc Kinh], nhưng to rộng, hùng vĩ và trang nghiêm hơn nhiều. Trụ đá nơi cổng trạm trổ long phụng chớp chớp sáng ngời, nóc cổng tựa như hình thức cung điện, toàn thể đều trắng bạc, tất cả như một tòa bạch ngân thành, mười phần tráng lệ. Trên cổng thành có tấm biển lộ kim tự lớn, gồm 5 loại chữ, trong đó có chữ Trung Hoa đề: NAM THIÊN MÔN. Do xem kinh giáo, tôi biết đây là một trong 4 cửa vào cõi trời Tứ Thiên Vương, thuộc quyền cai quản của Tăng Trưởng Thiên Vương.

Nơi Nam Thiên Môn có nhiều chư Thiên cao lớn, mình mặc giáp phục, tay cầm binh trượng, đây là hàng võ tướng đang đứng giữ thành. Ngoài ra còn có những vị trang sức quan phục như cổ triều nhà Thanh, song hoa lệ khác thường. Từ các chiến y, giáp phục, cho đến những vũ khí đều phát ra ánh sáng, trông mười phần oai nghiêm.

Chư Thiên bày đội hình chỉnh tề đứng trên đầu thành chắp tay nhìn chúng tôi tỏ vẻ hoan nghinh, song chẳng hỏi han chi cả. Vượt qua cửa thành độ 10 trượng[Khoảng 50 mét.], một mặt gương to rộng, trong sáng lộ bày, trong gương chiếu hiện tất cả cảnh tượng lành dữ, biến đổi dưới cõi trần.

Bay tiếp lên cao, vô số cảnh vật kì lạ rực rỡ như cầu vòng, chiếc bóng, xoay tròn như quả cầu, đẹp như hoa, sáng như điện, vượt lui mau qua sau thân chúng tôi. Trong những tầng mây rán[Mây ửng màu nắng, lạ.], ẩn hiện vô lượng đền đài lầu các, những chóp đinh tháp hoặc xa hoặc gần chẳng đồng. Viên Quán Pháp sư giới thiệu:

– Đây là Đao Lợi Thiên Cung, tầng trời thứ hai của Dục Giới, vượt cao hơn cõi Tứ Thiên Vương và cũng nghiêm đẹp hơn. Cảnh giới này thuộc vùng của Thích Đề Hoàn Nhân, thống lãnh tất cả 33 cung trời, người trần gọi Ngài là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

7. Từ Đao Lợi Thiên đến cõi Đâu Suất

Không có thời giờ dừng lại chiêm quan[Tham quan, chiêm ngưỡng.], chúng tôi lại tiếp tục bay lên, vượt qua một tầng trời nữa. Viên lão Pháp sư nói:

– Hiện tại đã đến cõi Đâu-suất-đà (Tusità), tầng trời thứ tư của Dục Giới.

Chớp mắt, chúng tôi đã đứng trước cổng một tòa điện các. Chỉ thấy hơn vài mươi vị thân tướng cao lớn trang nghiêm đến nghinh tiếp chúng tôi, trong đó nhìn kĩ tôi nhận ra một vị chính là ân sư của mình, Hư Vân lão Hòa thượng, còn hai vị nữa là Diệu Liên Hòa thượng và Phước Vinh Đại sư, hai Tôn Đức này đều đã sanh lên Đâu Suất Nội Viện. Tất cả đều đắp cà-sa đỏ, màu sáng chói, tươi đẹp khác thường.

Thấy ân sư, tôi vội vàng tới trước đảnh lễ, tiếp đến bái kiến hai vị Tôn Đức kia. Cách xa lâu ngày mới được gặp, tôi không ngăn được lòng bùi ngùi cảm xúc, ân sư bảo:

– Hãy bình tĩnh, đâu có điều chi đáng thương cảm. Ngươi có biết vị nào đã đưa mình hôm nay đến đây chăng?

Tôi đáp:

– Bạch sư phụ, đó là Viên Quán lão Pháp sư.

Sư phụ nhìn tôi với đôi mắt nghiêm nghị, bảo:

– Đây là vị mà mỗi ngày ngươi thường lễ niệm, Đức Đại từ bi Cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát đó.

Nghe qua, tôi chợt kinh động, vội quay lại đảnh lễ Viên Quán lão Pháp sư 12 lạy, rồi đứng lên chắp tay kính cẩn, không biết nói năng gì. Lúc ấy, Diệu Liên Hòa thượng nhìn tôi, nói:

– Ở đây, thân người cao lớn, nghiêm đẹp gấp bội hơn các cõi dưới, cảnh trí cũng kì diệu tráng lệ hơn. Những chúng sanh phước kém, không thấy được cảnh giới chư Thiên, nếu có phước cũng chỉ thấy theo sở kiến phước phận của mình. Chúng ta phải tạm hiện thân cũ để cho ông dễ nhận biết đó thôi.

Tôi nhìn lại, thấy thân của Viên Quán Pháp sư và mình cũng chợt hóa ra cao lớn, đồng như sắc thể chư vị nơi đây. Ân sư tôi dạy:

– Khi ngươi trở về cõi trần, phải gắng cần khổ tu hành, bền nhẫn trải qua những sự khảo đảo của nghiệp chướng, mới có thể lần lượt thắng phục vọng tâm. Lại còn phải lập công bổi đức, tu tạo chùa am, tiếp tăng độ chúng, để xây nền phước huệ.

Liếc mắt nhìn quanh, tôi thấy chư Thiên ở cõi Đâu Suất, nam, nữ, lớn, bé đều có, tướng mạo nghiêm đẹp, trang phục như triều đại thời xưa nhưng mỹ lệ hơn nhiều. Kế tiếp, Viên lão Pháp sư đưa tôi vào Đâu Suất Nội Viện để tham bái Đức Di Lặc.

Nơi Bồ-tát ngự là một tòa đại bảo điện rộng rải thênh thang, gồm nhiều thứ châu ngọc lạ, tạo thành sự kì xảo tráng lệ không bút mực nào có thể diễn tả được. Trên cửa điện có đại tự gồm 5 loại văn mà hàng Hoa văn là bốn chữ “ĐÂU SUẤT NỘI VIỆN”. Tiến vào 49 lớp cửa có giăng màn châu lưới ngọc, Thiên Thần canh giữ, chúng tôi đến một đại sảnh trang nghiêm, trong đó sự thiết kế thật là mỹ lệ diệu kì không thể nói hết ra đây được.

8. Lời khai thị của Đức Di Lặc

Dung tướng Di Lặc Bồ-tát không đồng với hóa thân của Ngài là Bố Đại Hòa thượng, trán nhăn, thấp, bụng to rộng, thân mập mạp, miệng lúc nào cũng nở nụ cười như người đời hằng thờ phụng. Báo thân của Ngài gồm 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, đầu đội thiên quang, mình mặc thiên y, cổ mang chuổi Anh Lạc, hai cổ tay và chân đều có đeo những vàng ngọc, gương trăng sáng rõ đủ nét từ-bi-hỉ-xá, đẹp nghiêm thật phi thường mỹ diệu khó đổi hình dung.

Bồ-tát ngự trên đài sen báu cao lớn, bên dưới là các hàng Bồ-tát, mỗi vị đều ngồi tòa sen. Chư Bồ-tát hoặc mặc tăng phục hoặc trang phục theo chư Thiên, mỗi Ngài một vẻ nhưng số khoác cà-sa đỏ chiếm phần đông. Đại chúng có đến mấy muôn vị.

Tôi giữ dáng nghiêm kính, chắp tay từ từ tiến bước tới trước, đảnh lễ Bồ-tát 12 lạy, rồi quỳ xuống cầu xin khai thị. Ngài dạy:

– Khi ngươi trở về trần thế, khuyên chúng sanh nên cố gắng song tu phước huệ. Trong tương lai, nơi cõi người trải qua độ 60 vạn ức năm nữa, châu Nam Thiệm Bộ sẽ biến thành Nhân Gian Tịnh Độ. Lúc ấy, người nào đã tu nhân lành, tất được gặp ta trong 3 hội Long Hoa và sẽ đắc độ. Hiện tại, ngươi về khuyên người trần giới nên ái hộ lẫn nhau, chớ sanh lòng tham sân si, ganh tị, hơn thua, phỉ báng, chẳng những riêng các tông phái Phật giáo mà đối với các đạo khác cũng không nên tranh chấp dèm pha.

Bồ-tát còn nói mấy lời pháp ngữ, song vì ngại sức ghi nhớ của mình chưa được hoàn chỉnh nên tôi không dám trần thuật ra đây.

Sau khi bái tạ Đức Di Lặc lui ra, tôi được sư phụ là Hư Vân lão Hòa thượng cùng Phước Vinh Đại Sư dẫn đến một tòa đại lâu các. Trước lầu có vị mặc giáp phục oai nghiêm, nhưng tôi biết không phải là đức Vi Đà Hộ Pháp, vị võ tướng này đưa chúng tôi vào điện các và mời ngồi nơi bảo ỷ[Ghế quý báu.]. Bên trong, 3 Thiên nữ bưng chén ngọc đựng chất nước màu hồng, bay mùi thơm ngát ra chiêu đãi. Tôi thử dùng một hớp cảm thấy ngọt mát lạ thường, tinh thần trở nên tươi tỉnh. Phước Vinh Đại Sư bảo:

– Đây là nước mật hoa cõi trời, uống vào trừ bệnh, lại được sống lâu, đổi già hóa trẻ. Ông nên dùng cho hết sẽ thấy lắm điều hay về sau.

Cho đến hiện tại, tôi vẫn thấy tinh thần, trí lực gia tăng, thể chất nhẹ nhàng khỏe mạnh như chưa từng dùng tới thuốc. Đại sư nói tiếp:

– Vì cảnh vui nơi cõi trời rất tế diệu, nên chư Thiên dễ bị say đắm, khó đỏi tu hành, ví như ở nhân gian những người quyền thế giàu sang, tài năng, khỏe đẹp không mấy ai chịu xuất gia, cam khổ nhọc nhằn tu tiến. Phước trời rồi phải hết, phước người có bấy nhiêu, họ đâu chịu suy nghỉ: “Sau khi hưởng hết phước sẽ bị luân hồi trong 3 cõi, 6 đường không biết chừng nào thoát li được biển khổ!”. Chúng ta may mắn được hóa sanh nơi Đâu Suất Nội Viện, thường nghe pháp âm, gần gũi bậc tri thức, tương lai khi Đức Di Lặc giáng sanh thành Phật hóa độ nhân gian, chúng ta sẽ theo Ngài xuống trần, chừng ấy mới chính thức tiến lên ngôi vị Bồ-tát, đủ sức bi nhẫn để giải thoát những kẻ trầm luân.

Tiếp theo, Hư Vân sư phụ nói lời khai thị rằng:

– Vào cuối thời mạt pháp hiện nay, người tu nên giữ vững giới luật, gắng sức độ sanh giữa hoàn cảnh đầy ác liệt, chớ nên tham mê danh lợi, làm điều lỗi lầm hoặc thoái tâm khi đối phó chướng duyên thường nghịch. Phải tùy trường hợp mà thanh tịnh tiến tu, độ mình độ người, giữ gìn mạng mạch của Chánh pháp mới đích thực là hành Bồ-tát đạo. Ta phó chúc cho ngươi, sau khi trở về trần thế nên cố gắng khuyến tấn những người tu Phật, đặc biệt là các huynh đệ đồng bạn, phải lấy giới luật làm thầy, tu trì như lệ cũ, chẳng nên duy tân hoặc cải cách tăng chế. Hiện nay, ở nhân gian có lắm kẻ bảo các kinh chú Đại Thừa là giả tạo hoặc do chư Tổ đặt bày, không phải của Phật nói, lại có người sửa đổi tăng phục, không tin nhân quả, nói các thứ trứng là đồ chay chẳng phải máu huyết ăn không có tội, họ không chịu kham khổ tu hành đế cảm hóa quần sanh, trở lại dùng tà pháp mê hoặc người, đem kinh Phật diễn giảng sai lầm, như mưa sa gió loạn dối gạt tín chúng để mong sự cúng dường. Những bọn đó toàn là tà ma ngoại đạo lẫn vào trong Chánh pháp, làm đứt mất huệ mạng của Như Lai, thật đáng xót thương. Vậy ngươi phải noi theo chí nguyện Sư phụ, hộ trì những đại già lam của ta đã tu chỉnh lúc còn sanh tiền. Trong tương lai, khi đến các nước thuyết pháp giáo hóa, nên thực hành theo lời dạy của ta. Bởi duyên ấy, lúc mới truyền pháp ta đặt cho ngươi hiệu là Phục Hưng, chính do nói dụng ý đó, ngươi có hiểu chăng?

Dừng lại giây phút, sư phụ tôi bỗng thốt lên giọng rổn rảng, nhấn mạnh từng tiếng một:

Chí tùng một sắc trời sương tuyết,
Nguyện biển ba ngàn nước lặng trong.

Sau khi sư phụ dứt lòi, Viên Quán Pháp sư[Hóa thân của Đức Quán Thế Âm.] đưa tôi ra ngoại viện cõi Đâu Suất để tham quan cho biết. Chỉ thấy mọi nơi ánh sáng đẹp giao xen, các đoàn tiên cầm, dị điểu nhiều màu so cánh múa hát, giọng thảnh thót dịu dàng dễ gợi lòng rung cảm. Tiếng thiên nhạc xa gần, thanh điệu du dương, các điệp âm chuyển khúc rất là tuyệt vời. Chư Thiên nam, Thiên nữ, Thiên đồng mặc đủ sắc y phục, trang sức nhiều thứ bảo trân, thước tha như mây trắng, lớp dạy đàn múa hát, lớp bày đội chỉnh tề, du nhàn tự tại, khắp nơi hoa tiên sắc lạ như gấm đua nhau tươi nở, vẻ kì diễm thật vô cùng. Đó đây ẩn hiện những tháp báu, đình đài, lầu các, cung điện phóng lên tia sáng chói lòa. Đại khái thật là phong cảnh thiên tiên siêu tuyệt hồng trần, nhân gian khó sánh được trong muôn một.

Tôi một mặt thưởng ngoạn, một mặt chỉ biết nức nở khen ngợi. Đức Quán Thế Âm chỉ một tòa bảo tháp ở xa xa, cao lớn như núi Côn Lôn, phóng ra trăm sắc kì quang, bảo:

– Đó là chỗ Thái Thượng Lão Quân ở, gọi là Luyện Đơn Đại Tháp.

Tôi phóng tầm mắt nhìn xa, thấy một tòa điện tháp to như núi, kì tuyệt tráng lệ chợt ẩn chợt hiện, bởi các lớp mây che giăng nên không biết bao nhiêu tầng, chỉ thấy bề ngoài chẳng được rõ bên trong. Bồ-tát lại bảo:

– Tòa tháp này là chỗ tiến tu của các Trung Thượng tiên, xung quanh có nhiều hàng linh nguyên thọ, bốn thời đều đom hoa kết quả. Hàng đạo gia luyện đơn, khi tu hành thanh tịnh, duyên phước huệ tốt đẹp, hương thần trổ hoa thành cây Đinh Nguyên ở thiên giới. Lúc công quả viên mãn, sẽ tiến lên ngôi Thượng tiên, nếu sức tu biếng trể lơ là, cây đó lần lần héo khô rồi ẩn mất.

Nói xong, Ngài lại thôi thúc:

– Thời gian không còn nhiều, bây giờ ta đưa ngươi sang thế giới Cực Lạc ỏ phương Tây. Nơi đó còn siêu thắng hơn đây bội phần, riêng cõi nhân gian thì kém xa, chẳng thể nào đem so sánh luận bàn được.

PHẦN 4:
HOA SEN HẠ PHẨM

9. Từ Đâu Suất Thiên Cung đến cõi Cực Lạc

Lúc ấy, tôi lại tiếp tục trì chú Lăng Nghiêm, hoa sen lại hiện ra đỡ gót đưa thân hình bay bổng lên hư không, bên tai liên tục vang tiếng vo vo không ngớt nhưng tôi không cảm biết là có gió. Tốc độ vượt mau như điện chớp, tất cả cảnh đẹp cõi trời lướt nhanh qua thân mình như bị hốt vứt ra đằng sau.

Ước độ nửa giờ, tôi nhìn xuống phía dưới thấy vàng ròng trải đất, cây báu bảy hàng, cao không biết mấy mươi trượng. Đức Quán Thế Âm dạy:

– Đã đến nơi rồi, nên ngưng trì chú cho tòa sen hạ xuống.

Bảo thọ[Cây quý] ở nơi đây là toàn do các thứ kì trân hiện thành, hoặc lưu ly lá bạch ngân, hoặc cành tử kim lá bích ngọc. Lá cây lại có nhiều hình thái, hoặc hình tròn, hình dài, hình cánh sen, hình bảo bình, hoặc hình tam giác, ngũ giác, lục giác, bát giác. Hoa lá xen nhau tuôn ra các tia sáng đủ màu.

Các loài chim báu thân sắc tươi đẹp cũng phát quang tùy mỗi vẻ. Ngoài những phi cầm mà người trần có thể biết được như: bạch yến, hồng hạc, hoàng ly, châu tước, thanh phượng, tạp sắc anh vũ, còn có những loài chim lạ như: hai đầu, ba đầu, bảy đầu, hai cánh, bốn cánh, hoặc sáu cánh. Loài trân cầm[Loài chim quý] tự do bay lượn múa hát, hoặc niệm Thánh hiệu chư Phật, hoặc xướng kinh văn. Các nơi đều có lan can báu vây quanh tùy mỗi khu vực.

Đức Quán Thế Âm bảo:

– Kinh Phật nói: “bảy lớp lưới châu, bảy lớp hàng cây”, là đề cập sơ lược qua cảnh giới này.

Bên tai tôi còn nghe những ngữ âm khác lạ giảng diễn, nhưng hoàn toàn không thông hiểu được. Bồ-tát nói:

– Đức Phật và chư Thánh chúng nơi đây đều nghe hiểu các thứ tiếng đó.

Trên đường, rảo bước đi tôi thấy nhiều bảo tháp, lầu các lạ đẹp nhiệm mầu, hoặc ở bặt bảo điện, hoặc lo lửng giữa hư không có mây nâng đỡ. Trong giây phút, tôi đến một tòa đại kim sơn sáng rỡ, so với núi Nga My ở Trung Quốc còn cao lớn hơn vạn bội. Không một điểm nghi ngờ, tôi biết mình đã đến trung tâm thế giới Cực Lạc.

10. Tình huống khi gặp Phật

Lúc ấy, Đức Quán Thế Âm đưa tay chỉ, bảo:

– Đã đến chỗ Phật ngự, Đức A Di Đà đang ở trước mặt, ngươi có trông thấy chăng?

Tôi ngơ ngác thưa:

– Con chỉ thấy một tòa vách đá vàng cao mà thôi

Bồ-tát nói:

– Hiện thời, ngươi đang đứng trước đầu ngón chân của Phật đó.

Lời của Ngài vượt ngoài ước đoán, làm cho tôi kinh hải, vội hỏi:

– Thân Phật cao lớn như thế làm sao con có thể chiêm ngưỡng được?

Thật ra, tình cảnh này chẳng khác chi con kiến đang đứng trước những tầng nhà lầu cao chọc trời của nước Mỹ, dù cho ngẩng đầu hết mức nhìn lên cũng không thể nào thấy toàn thể được. Đức Quán Thế Âm dạy:

– Ngươi mau quỳ xuống cầu xin Đức Phật A Di Đà gia bị và cảm tạ ân Ngài đã hộ niệm đưa mình đến thế giới Cực Lạc.

Tôi vâng lời, vội quỳ xuống chí tâm cảm ân cầu nguyện. Trong giây phút, đột nhiên tôi cảm thấy mình to lớn không ngừng, cho đến khi tôi cao tới rốn cùa Ngài, ở mức độ này tôi mới nhận biết được Phật đang ngự trước mặt mình. Lúc ấy, Ngài đang đứng trên đài sen báu to lớn, không biết rõ cao bao nhiêu tầng cánh, mỗi cánh hoa ở mỗi tầng đều có bảo tháp đẹp mầu, phóng ra muôn ngàn sắc quang minh, trong ánh sáng lại có vô số hóa Phật ngồi đài báo liên. Đồng thời, tôi lại thấy hiện ra một tòa đại điện, sắc kim bích giao xen huy hoàng tráng lệ. Lại phóng xa tầm mắt nhìn ra xung quanh, một vùng gồm những cây ngọc, ao báu, đường vàng, trân cầm, lưới châu, mưa hoa, thiên nhạc, lầu các, câu lơn, khiến cho tôi nhận thức được khái quát phần nào toàn cảnh Cực Lạc.

Bấy giờ, Viên Quán lão Pháp sư cũng hồi phục chân hình Quán Thế Âm Bồ-tát, toàn thân sắc hoàng hồng chói suốt, từ bảo thể, y phục, kim quang phát ra trăm ngàn loại ánh sáng, dung mạo tuyệt đẹp, khó nhận biết được là nam hay nữ. Thân tướng của Ngài cao lớn hơn tôi rất nhiều, ước độ tới ngang vai của Phật A Di Đà.

Tôi đứng giữa bao nhiêu cảnh đẹp thắng diệu ấy, mắt nhìn ngơ ngẩn. Hiện tại, nếu muốn đem cảnh giới đó trình diễn ra, e rằng trong bảy ngày đêm thuật cũng không hết, chỉ riêng pháp tướng trang nghiêm khó sánh ví của Đức A Di Đà, dù nói nửa ngày vẫn chưa xong. Chẳng hạn, như đôi mắt cánh hoa sen xanh biếc của Phật, rộng mênh mang như biển cả, hàm ẩn những nhiệm mầu, nói ra sợ người trần không tin nhưng sự thật là thế.

Chiếu theo kinh nói: “Thế giới Cực Lạc phương Tây, cách cõi Ta Bà phương Đông này 10 muôn ức Phật độ”, nếu dùng quang niên[Quãng đường ánh sáng đi trong một năm, cứ một giây ánh sáng đi khoảng 300 ngàn cây số .] tính kể không biết bao nhiêu ức triệu năm ánh sáng cũng không thể đi đến, vì một Phật độ có khi gồm nhiều cõi Đại Thiên. Tây Phương Tam Thánh quang lâm 10 phưong để tiếp dẫn chúng sanh thuộc về ý sanh thân, tưởng đến đâu là hiện thân đến đó, không thật có tướng đến cùng đi, ý tưởng đi rất nhanh trong nháy mắt nó đã đi đến tận sâu thẳm của vũ trụ. Và thần thức của chúng sanh tới được Cực Lạc đều do thần thông của Phật, cùng nguyện lực của mình. Sự tới được Cực Lạc của tôi hoàn toàn do sức hộ niệm của Phật và thần lực của Đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

Sau khi chiêm ngưỡng từ dung của Đức A Di Đà, tôi chí thành đánh lễ rồi quỳ xuống cầu xin chỉ dạy. Đức Phật bảo:

– Bồ-tát Quán Thế Âm đưa ngươi đến đây là để ngươi tận mắt trông thấy Thánh cảnh, rồi trở về Ta Bà thuật lại, khuyến tấn chúng sanh nơi đó tu hành. Vậy ngươi hãy mau đi tham quan các nơi vì thời gian không còn nhiều nữa.

Lúc ấy, tôi đang kinh ngạc vì cảnh thù thắng ở Tây Phương, lại cảm ngộ vì cõi nhân gian nhiều thống khổ, liền tha thiết yêu cầu:

– Bạch Thế Tôn, ở Cực Lạc an lành dễ tiến tu, con không màng trở lại cõi ngưòi. Xin Đức Thế Tôn xót thương cho con lưu trụ.

Phật bảo:

– Chẳng phải ta thiếu từ bi không cho ngươi ở lại, nhưng vì trách vụ của ngươi còn phải trở về hóa độ cõi nhân hoàn. Vã lại, 2 kiếp về trước, ngươi đã được chư Thánh đến nghênh tiếp vãng sanh về nơi đây, song vì ngươi còn chí nguyện muốn ở lại Ta Bà để độ thân quyến, cứu đời, nên do tiền duyên ngươi phải trở về để hoàn thành tâm nguyện đó.

Tiếp theo, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Kiếp trước vãng sanh đã được duyên,
Vì muốn cứu đời, độ cửu huyền,
Cho nên nay phải hoàn tâm nguyện,
Sau sẽ đồng về cửu phẩm liên.

11. Bảo điện Đức Phật ngự

Sau khi nghe kệ, toàn thân tôi rung động, liền nhớ lại tình cảnh sắp vãng sanh đời trước như hiện trước mắt, tự nhiên im lặng không nói lời chi được. Đức A Di Đà bảo Quán Thế Âm Bồ-tát:

– Ông mau đem sa môn này đi tham quan các nơi.

Tôi đảnh lễ tạ ơn Phật rồi cùng Bồ-tát bước lui ra. Xung quanh tòa đại điện tôi đã thấy khi trước, từ bảo thọ, bờ ao, lan can, đều do các thứ báu họp thành, tuôn ánh sáng rực rỡ như đèn điện[Đèn ne-on]. Điều rất kì lạ, những sắc tướng đó tuy hữu hình nhưng có lẽ là như ý bảo[Bảo vật như ý.] nên không chướng ngăn, muốn qua có thể đi xuyên qua, muốn chất ngại[Chất cản trở] liền thành chất ngại. Trên cổng đại điện hiện bốn kim tự lớn, hai bên có liễn đối, tôi chỉ nhớ được một chữ, còn ba chữ kia thì không sao ghi nhận rõ. Đức Quán Thế Âm bảo:

– Nếu dùng Hoa văn để giải thích, bốn chữ đó có thể đọc là ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN hoặc VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT.

Tòa đại điện kim bích huy hoàng ấy, rộng lớn vô tỉ, có đến mấy muôn vạn Bồ-tát, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc ở trong hay ngoài điện, toàn thể chư vị đều thân kim sắc đẹp sáng, chiều cao so với Phật chỉ kém một chút. Do sự giới thiệu của Đức Quán Thế Âm, tôi được biết nhiều vị Bồ-tát như: Đại Thế Chí, Mạn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Thường Tinh Tấn, Vô Tận Ý, Bảo Đàn Hoa.

Đức Quán Thế Âm lại bảo:

– Như thế cũng đã tạm đủ, bây giờ ta lần lượt đưa ngươi đi chiêm quan từ Hạ phẩm đến Trung phẩm rồi Thượng phẩm.

Trang 1 2 3