Công Phu Sâu Dày, Không Ngủ Vẫn Tỉnh, Chẳng Khởi Một Niệm Vọng
Trưởng lão Thiệu Vân khai thị
Hư Thân chuyển ngữ

“Công phu nhập đường, không một vọng niệm, mấy ngày mấy đêm không ngủ mà không chút buồn ngủ.”

Kinh điển có dạy:

“Ngươi an trụ đạo tràng, tiêu dung các niệm; nếu các niệm tiêu tận, thì trong lìa mọi niệm, hết thảy sáng suốt, động tĩnh chẳng lay, nhớ quên như một.”

Chỉ tám chữ “động tĩnh bất di, ức vong như nhất” (động hay tĩnh đều không dao động, nhớ hay quên đều như một) tám chữ ấy không dễ gì đạt đến!

“Động tĩnh bất di” nghĩa là: dù ở trong động hay tĩnh, đều không dao động.

“Ức vong như nhất” là: ban ngày nhớ những việc xảy ra, ban đêm ngủ rồi thì quên đi – nhưng công phu thuần thục, dù lúc ngủ cũng như lúc tỉnh, trạng thái “nhớ quên như một” hiển hiện.

Kinh lại dạy:

“Nên trụ nơi đây, nhập Tam-ma-địa, như người mắt sáng, ở nơi tối tăm lớn, tánh sáng vi diệu, tâm chưa phát quang, đây gọi là khu vực của sắc ấm.”

Nghĩa là: chúng ta vẫn còn chưa phá được sắc ấm.

Khi Hòa thượng Hư Vân còn tại thế, chúng tôi thỉnh hỏi Ngài:

– “Trong cảnh giới: ‘Động tĩnh bất di, ức vong như nhất; tánh sáng vi diệu, tâm chưa phát quang – đây là khu vực sắc ấm’… Trước khi Ngài khai ngộ, có phải từng trải qua cảnh giới ấy chăng?”

Ngài đáp:

– “Cảnh giới ấy, trước khi ngộ, nhất định phải trải qua.”

Tức là, công phu rơi vào thiền đường, không còn một vọng niệm, mấy ngày mấy đêm không ngủ mà không buồn ngủ.

Cảnh giới chứng nghiệm

Lúc Ngài ở Cao Mân thiền tự nhập thất thiền thất, ban đêm sau khi lệnh tắt chuông trống, Ngài vẫn ngồi thiền trong phòng.
Khoảng hơn một giờ khuya, Ngài nhìn thấy vị hương đăng tiểu tiện bên ngoài, sau năm sáu bức tường, ngay góc tường.

Hôm sau, Ngài hỏi vị hương đăng:

– “Đêm qua thầy tiểu tiện ở góc tường phải không?”

Vị ấy ngạc nhiên:

– “Sao Hòa thượng biết? Lúc đó đã quá nửa đêm rồi mà…”

Ngài không đáp, chỉ mỉm cười.

Tức là: đến cảnh giới đó, tường vách không thể ngăn che được tầm nhìn. Năm sáu lớp tường vẫn thấy rõ ràng.

Ngài ngồi thiền trong thiền đường Cao Mân, mà có thể nhìn thấy con thuyền trên sông Tam Xoa cách xa hơn trăm dặm, lướt đi rõ ràng.

Cho nên nói: khi định lực đạt đến mức sâu dày, thì mọi chướng ngại đều chẳng còn.

Kinh dạy tiếp:

“Nếu mắt sáng rực, mười phương thấu mở, không còn u tối, gọi là sắc ấm đã tận.”

Sắc ấm đã tận, tức là phá được bản tham.

Do vậy, lão Hòa thượng có bài kệ khai ngộ rằng:

“Bỏng tay, vỡ chén, nhà tan, người mất,  lời chẳng mở; Xuân đến hương hoa rộ khắp nơi, núi sông đại địa chính là Như Lai.”

Núi sông đại địa, chốn nào chẳng phải là Phật?

Cảnh giới này, chính là lúc vừa phá bản tham.

Pháp môn Tổ sư thiền, là pháp tối thượng thừa.

Thượng thừa ở đâu?

Chính là: đạt đến cảnh giới ấy, thì đã siêu vượt mười tín, mười trụ, mười hạnh, mười hồi hướng.

Phát tâm dài lâu, tinh tấn không lui

Cho nên, đối với pháp tham thiền này, chúng ta phải phát khởi một niềm tin chân thật, bất hoại, lại thêm tâm dài lâu.

– Năm nay chưa ngộ, thì năm sau;

– Năm sau chưa ngộ, thì năm sau nữa…

– Nếu đời này chưa ngộ, thì nguyện đời sau sẽ ngộ;

– Đời sau chưa ngộ, nguyện tiếp đời nữa.

Tổ sư Quy Sơn từng nói:

“Ba đời không thoái chuyển, quả vị Phật quyết định khả kỳ.”

Nghĩa là: nếu ba đời đều không lui sụt, đối với một câu thoại đầu ấy một mực khẩn thiết truy cứu, không lui, không chuyển, không lìa, thì quả vị Phật quyết định có thể đạt được, nhất định có thể phá bản tham, khai đại ngộ.