Có Ý Định Tự Tử Vì Thủ Dâm Ám Ảnh

Quảng Tánh

HỎI: Tôi là Phật tử, sống độc thân. Vì tâm ái dục mãnh liệt tôi không cưỡng lại được nên đã thủ dâm khoảng gần 8 năm. Tôi biết là mình đã phạm tội tà dâm, tội này sau khi chết quả báo rất nặng. Gần đây tôi đã quyết bỏ, không còn thủ dâm được gần ba tháng. Nhưng trong tâm tôi hay nghĩ đến cảnh ái dục không kiểm soát được, nhất là nghĩ đến những đối tượng không thể chấp nhận được. Tôi biết như vậy là trời không dung đất không tha. Tôi đã cố gắng niệm Phật để cho lòng thanh tịnh lại nhưng không ngăn được. Đôi lúc tôi đã có ý định tự tử để kết thúc cuộc đời oan trái này. Tôi phải làm sao đây?

(CAO LONG, longcao7…@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Cao Long thân mến!

Sinh ra trong cõi Dục nên ái dục là thuộc tính căn bản của con người. Ai cũng bị ái dục xâm chiếm và chi phối. Trong ba nghiệp căn bản (tham dục, sân hận, si mê), mỗi người đều có đầy đủ nhưng biểu hiện nặng nhẹ khác nhau. Có người tham dục ít nhưng sân si lại nhiều. Riêng bạn, có thể xem là nghiệp ái dục khá nặng nề.

Ban đầu, thủ dâm là hành vi có tính bản năng, không nên xem đó là tội lỗi. Theo các nhà sinh lý và tâm thần học, thủ dâm không chỉ hoàn toàn có hại cho sức khỏe hay quá xấu xa về tâm hồn, trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định, hành vi ấy được xem như cần thiết và vô hại.

Bạn là Phật tử nên cần lưu ý rằng, theo đạo Phật, thủ dâm không phải là nội dung chính yếu của tội tà dâm. Trọng tâm của giới thứ ba là, người Phật tử đã lập gia đình mà có quan hệ nam nữ ngoài giá thú mới phạm tội tà dâm. Bạn cần hiểu rõ là, giáo lý đạo Phật không xem thủ dâm là tội nặng đến mức “trời không dung đất không tha”, “sau khi chết quả báo rất nặng” như bạn đã nghĩ. Nói cách khác, với người Phật tử, hành vi thủ dâm chỉ khuyết giới thứ ba, nếu bạn “đã quyết bỏ” thì có thể sám hối để thân tâm trở thành thanh tịnh.

Vì thế bạn hãy bỏ ngay ý niệm tự tử vì tội nghiệp bạn đã tạo ra không nặng lắm. Kế đến cần nhận thức rõ rằng, cho dù có cố tình “kết thúc cuộc đời oan trái này” thì nghiệp ái dục ấy vẫn y nguyên, còn mang thêm tội giết người (tự sát) nữa, có tái sinh vào đâu thì tội nghiệp ấy càng nặng thêm. Theo đạo Phật, tự tử không phải là xong, chấm dứt mọi chuyện; hành vi thiếu trí tuệ ấy chẳng những không giải quyết được vấn đề mà khiến cho tội chướng nặng nề hơn.

Bạn hãy nương vào Phật pháp và nỗ lực tự thân để cứu lấy đời mình. Đạo Phật có nhiều phương thức để trị liệu phiền não, chuyển hóa khổ đau hữu hiệu cho con người. Ái dục là một phiền não sâu dày nhưng có thể chuyển hóa được.

Bạn đã thực tập niệm Phật nhưng chưa chế ngự tâm ái dục thì hãy thay đổi đề mục niệm. Đầu tiên, bạn cần tu tập “điều thân” vì thân tâm ảnh hưởng lẫn nhau. Bạn hãy nói không với rượu bia và các chất say, tránh ăn nhiều ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu), hạn chế ăn no vào buổi tối, không xem nghe các ấn phẩm kích dục. Mặt khác, bạn hãy tăng cường vận động thể dục thể thao, tham gia các sinh hoạt xã hội, giao lưu cùng bạn bè. Những điều chỉnh về ăn uống và lối sống như trên sẽ có tác dụng tốt trong việc chuyển hóa ái dục.

Kế đến, bạn hãy quán niệm về đề mục “Thân bất tịnh”. Thân mình và người (đối tượng ham muốn) đều không sạch, là một túi da chứa các đồ bất tịnh bên trong. Hãy nhìn thật rõ như nó đang là, không cần tự ám thị hay thêm bớt. Ngoài việc thấy rõ máu mủ phẩn tiểu thịt xương… nhơ nhớp, ngay cả khi thân được xem là sạch sẽ nhất thì vẫn có 9 cửa (cửu khiếu) luôn thải ra những vật bất tịnh. Cấp độ mạnh hơn là quán “Tử thi”, quán sát một thây chết bị quăng bỏ trong nghĩa địa từ tím tái, sình trương, phân hủy, thối rữa cho đến khi còn lại xương trắng, cát bụi trở về với cát bụi.

Hai pháp quán này mang đến một tuệ giác thấy rõ như thật về thân mình và người đều bất tịnh. Hiệu ứng trước mắt là lắng dịu bớt tâm ái dục. Nếu duy trì thường trực tuệ quán này, cùng với nỗ lực điều thân, thành tâm sám hối nghiệp chướng ái dục nặng nề, nguyện “quyết bỏ”, thì chắc chắn ái dục sẽ được chuyển hóa.

Chúc bạn tinh tấn!