cổ nhân minh

Phật Quang Đại Từ Điển

(古因明) Chỉ Nhân minh cũ trước thời ngài Trần na. Nhân minh đã khởi nguồn ở Ấn độ từ rất sớm, cứ theo truyền thì do ngài Mục túc (Phạm: Akwapàda), tổ của học phái Ni dạ da (Phạm:Nyàya) trong sáu phái triết học đặt ra, để nghiên cứu điểm chính (chính xác không lầm), điểm tự (tựa hồ như đúng mà sai) v.v… của Nhân (lí do), để bác bỏ luận điểm của đối phương (địch giả) mà kiến lập học thuyết của chính mình. Sau khi hưng khởi, Nhân minh đã được các phái coi trọng và vận dụng. Lúc mới được đặt ra, Nhân minh thành lập năm phần tác pháp, tức là: Tông (mệnh đề), Nhân (lí do), Dụ (thí dụ), Hợp (lí do tương phản), Kết (mệnh đề tương phản), còn đặt ra những qui định chín câu Nhân, mười bốn loại lỗi v.v… thể hệ rất là phiền tạp, mà nội dung lại không hoàn bị. Đến khoảng thế kỉ thứ V Tây lịch, một học giả Phật giáo là ngài Trần na mới cải cách Nhân minh đương thời, xác lập thuyết ba tướng Nhân, đổi năm chi tác pháp làm ba chi tác pháp Tông, Nhân, Dụ, đơn giản hóa thể hệ, trình bày lại nội dung, khiến lí luận Nhân minh chặt chẽ chu toàn, đến đây, Nhân minh mới trở thành môn luận lí học hoàn chỉnh. Các nhà Nhân minh học gọi Nhân minh từ ngài Trần na trở về trước là Cổ Nhân minh, và gọi Nhân minh từ khi ngài Trần na cải cách trở về sau là Tân Nhân minh. [X. luận Du già sư địa Q.15 – luận Hiển dương thánh giáo Q.11 – Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.1 – Nhân minh luận sớ Thụy nguyên kí Q.1]. (xt. Nhân Minh).