chuyển pháp luân

Phật Quang Đại Từ Điển

(轉法輪) Phạm: Dharma-cakra-pravartana – Pàli: Dhamma-cakka-ppavattana. Còn gọi là Chuyển phạm luân. Là một trong tám tướng thành đạo. Sự hóa hiện của một đời đức Phật tóm lại có tám thứ tướng, trong đó, Chuyển pháp luân là chỉ sự thuyết pháp của đức Thích tôn khiến cho chúng sinh được đạo. Chữ Cakra vốn là chiến xa của Ấn độ thời xưa, vì quay chuyển chiến xa có thể nghiền nát kẻ địch, thí dụ giáo pháp do đức Phật nói, quay chuyển trong chúng sinh, tức có thể phá tan sự mê mờ của chúng sinh.Lại Chuyển luân thánh vương chuyển động bánh xe vàng để hàng phục quân địch – mà đức Thích tôn thì nói pháp để hàng phục ác ma, cho nên gọi là Chuyển pháp luân. Sau khi thành đạo, lần đầu tiên đức Thích tôn nói pháp Tứ đế cho năm vị tỉ khưu gồm Kiều trần như v.v… tại vườn Lộc dã, đó là bắt đầu chuyển pháp luân, gọi là Sơ chuyển pháp luân. Về ngày giờ Sơ chuyển pháp luân, thì kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 3, kinh Pháp hoa quyển 1 phẩm Phương tiện, bảo là ba cái bảy ngày (tức hai mươi mốt ngày) sau đức Phật thành đạo. Thập địa kinh luận quyển 1 thì nói sau bảy ngày thứ hai. Luật Tứ phần quyển 31 chép là sau sáu cái bảy ngày. Kinh Phương quảng đại trang nghiêm quyển 10, nói sau bảy cái bảy ngày. Luật Ngũ phần quyển 15 bảo sau tám cái bảy ngày. Luận Đại trí độ quyển 7, quyển 34 thì chép là sau năm mươi cái bảy ngày. Đối lại với Sơ chuyển pháp luân tại vườn Lộc dã, các kinh điển Đại thừa bảo kinh Đại thừa là Chuyển pháp luân lần thứ hai hoặc thứ ba. Kinh Đại bát nhã quyển 12 phẩm Vô tác chép, pháp luân Tứ đế ở vườn Lộc dã là Sơ chuyển, nói pháp Bát nhã là chuyển pháp luân lần thứ hai. Kinh Giải thâm mật quyển 2 phẩm Vô tự tính tướng chép, nói pháp Tứ đế ở Lộc dã là thời đầu, nói Bát nhã đều không là thời thứ hai – giáo thâm mật Trung đạo là thời thứ ba. Lại các ngài Chân đế và Huyền trang lập thuyết Tam pháp luân, Hữu giáo thời kì đầu là Chuyển pháp luân, Không giáo thời thứ hai là Chiếu pháp luân, Trung đạo giáo thời thứ ba là Trì pháp luân. Trong Pháp hoa du ý, ngài Cát tạng lại y cứ vào kinh văn trong kinh Pháp hoa quyển 2 mà lập riêng Tam pháp luân, bảo rằng giáo Nhất thừa Hoa nghiêm là Căn bản pháp luân, giáo ba thừa ở khoảng giữa là Chi mạt pháp luận, Hội tam qui nhất của Pháp hoa là Nhiếp mạt qui bản pháp luân. Trên đây đều là căn cứ vào nội dung nói pháp của đức Thích tôn mà lập ra các Chuyển pháp luân khác nhau. Ngoài ra, các kinh luận cũng dựa vào sự thuyết pháp bất đồng của chư Phật và Bồ tát, mà lập các tên pháp luân, như kinh Hải long vương quyển 3 phẩm Nữ bảo cẩm thụ quyết, nói Bảo cẩm nữ quay các bánh xe pháp như: bánh xe không động, bánh xe vốn không, bánh xe không dứt, bánh xe không dính, bánh xe không hai, bánh xe không lời, bánh xe trong sạch, bánh xe dứt những pháp không điều hòa, bánh xe không rối loạn, bánh xe chí thành, bánh xe không vô v.v… Kinh Bi hoa quyển 5 chép, Bồ tát thành tựu bốn pháp thanh tịnh, quay bánh xe pháp hư không, bánh xe pháp chẳng thể nghĩ bàn, bánh xe pháp không thể tính lường, bánh xe pháp vô ngã, bánh xe pháp không nói năng, bánh xe pháp xuất thế, bánh xe pháp thông suốt v.v… Kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) quyển 31 chép, hết thảy chư Phật quay bánh xe pháp mầu nhiệm, bánh xe pháp vô lượng, bánh xe pháp hết thảy giác, bánh xe pháp biết hết thảy pháp tạng, bánh xe pháp vô trước, bánh xe pháp vô ngại, bánh xe pháp đèn của hết thảy thế gian, bánh xe pháp thị hiện hết thảy trí, bánh xe pháp hết thảy chư Phật đồng nhất v.v… Kinh Hoa nghiêm (bản dịch mới) quyển 59 nói, Như lai quay bánh xe pháp có mười việc: 1. Bốn vô úy đầy đủ thanh tịnh. 2. Phát ra âm thanh thuận theo bốn biện tài. 3. Khéo léo mở bày tướng bốn chân đế. 4. Thuận theo sự giải thoát vô ngại của chư Phật. 5. Có thể khiến cho tâm chúng sinh đều có niềm tin trong sạch. 6. Có thể nhổ mũi tên độc đau khổ của chúng sinh. 7. Gia trì sức bi nguyện lớn. 8. Âm thanh phát ra vang khắp hết thảy thế giới trong mười phương. 9. A tăng kì kiếp nói pháp không dứt. 10. Tùy pháp được nói, đều có thể sinh khởi các pháp căn lực giác đạo Thiền định giải thoát tam muội v.v…… Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 1 phần đầu, Pháp hoa kinh quyển 2, quyển 4, đứng về phương diện năm môn mà phân biệt thể của pháp luân, tức là: tám Thánh đạo là thể của pháp luân – các pháp bốn Thánh đế, mười hai nhân duyên, ba tính là cảnh của pháp luân – công đức năm uẩn là quyến thuộc của pháp luân – ba tuệ văn tư tu là nhân của pháp luân – Bồ đề Niết bàn là quả của pháp luân. Còn tượng chuyển pháp luân của đức Thích tôn, gọi là Chuyển pháp luân tượng, cái tòa cao ngài ngồi nói pháp, gọi là Chuyển pháp luân tọa, ngôi nhà trong đó ngài nói pháp, gọi là Chuyển pháp luân đường. [X. kinh Tạp a hàm Q.15 – kinh Trường a hàm Q.1 – kinh Tăng nhất a hàm Q.10, Q.14 – kinh Trung bản khởi Q. thượng – kinh Duy ma cật sở thuyết Q.thượng phẩm Phật quốc – kinh Bồ tát xử thai Q.5 – kinh Như lai bất khả tư nghị bí mật đại thừa Q.11, Q.12 – luật Tứ phần Q.32 – luận Đại tì bà sa Q.41, Q.82 – luận Đại trí độ Q.1, Q.52, Q.65 – luận Du già sư địa Q.49, Q.95 – Chuyển pháp luân kinh Ưu ba đề xá – Câu xá luận quang kí Q.24]. (xt. Pháp Luân).