NHỮNG LÁ THƯ THẦY
Thích nữ Hải Triều Âm

 

Chuyện Nguyễn Trãi

Đêm ngày 29-5 Đinh Mão (1987)

Thân gởi toàn chúng Viên Thông!

Thầy suy nghĩ nhiều về việc ĐN và CT. Bỏ thì thương, vương thì tội, nên 12 giờ đêm Thầy viết cho các con những dòng này để sớm mai Sư cô VL kịp về Sài Gòn. Sách chép rằng:

– I –

Thời Nguyễn Trãi bị oan, có họ Lê, ở thôn Trạch, vịnh Cây Tùng bị mưa gió làm gẫy:

Bình sinh bạn cùng băng tuyết
Thân cao thẳng như cột đá
Cành lá mượt tỏa lọng xanh
Che khuất mặt trời mặt trăng…

Tác phong phẩm chất như vậy, nay đem chặt đầu, bỏ không dùng, thật đáng ngậm ngùi!

Phẩm giá con người, khí phách tu sĩ, tâm Bồ-đề khải phát, mười phương Phật vui mừng, mười phương quỷ thần khâm phục, mười phương chúng sanh hy vọng. Âm điệu anh hùng vang ca khắp hư không, trí tuệ Bát Nhã cùng khắp ánh sáng. Những mong nghiền nát hết kết sử, năm ấm, tám vạn bốn ngàn trần lao. Vậy mà phũ phàng một cơn gió vô minh, cây Bồ-đề đành gãy gục để lá cành ủ rũ, rơi rụng, về đất, thành không.

Ngày xuân vẫn cứ lần lần đi qua… Sự nghiệp hóa thành việc viết hai chữ: Chà! Chà! Đáng tiếc, đáng thương, đáng lo, đáng sợ, biết ngần nào!

Tuy nhiên, cây Bồ-đề mới gãy chớ chưa mất hẳn.

May gốc rễ hãy còn
Mầm non sẽ nảy chồi
Mai đây tỏa tàng lọng
Che mát khách mười phương.

Cây Bồ-đề, đức Phật ngồi thành đạo được 1500 tuổi thì bị giặc Hồi chặt sát tận gốc. Chồi nảy lên thành cây Bồ-đề khác tới nay đã hơn 1000 tuổi. Cành lá chia đi trồng ở khắp vòng quanh trái đất.

Bông hoa hiện điềm lành
Năm cánh lạc phương xa.
Trao pháp tạng đất Ấn,
Tôn thờ tại Trung Hoa,
Việt Nam trồng giống Thánh,
Kết quả hằng hà sa……

Chúng ta tin rằng: Nếu còn giữ vững được chí nguyện thì “Hồi đầu thị ngạn”. Chỉ cần tỉnh ra, sám hối, quyết tâm sống lại là xong. Đây là chỗ mười phương Phật, mười phương Bồ-tát, thiện thần, mẹ cha, thầy bạn đợi chờ.

Hỡi các em đã đi lạc điệu trong bản nhạc lục hòa, hãy suy nghĩ kỹ.

– II –

Hồ Nguyên Trừng, người Thanh Hóa, Bắc Việt, là con trai cả của Hồ Quý Ly. Tuy không được truyền ngôi, Trừng vẫn hiếu với cha, vui vẻ phò tá em là Hồ Hán Thương lên làm Vua nước Việt Nam năm 1400. Tới 1405, trước nguy cơ xâm lược của nhà Minh, Hồ Hán Thương hỏi ý kiến quần thần. Trong số những người chủ trương đánh chớ không hàng có Hồ Nguyên Trừng.

Nhưng Trừng nói trước rằng: “Đánh thì không khó, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. (Chính ở Việt sử Thông giám Cương mục.)

Thua trận, cha con Hồ Quý Ly bị đi đày ở bên Tàu. Về sau, vì tài năng văn chương và tư cách đạo đức nên được nhà Minh trọng dụng trở lại, cho làm quan ngay trong triều, chỉ cấm không được một giao du nào với quê hương. Trừng viết cuốn “Nam Ông Mộng Lục” năm 1438. Sách này lưu hành ở bên Tàu, nay có bản in ở thư viện khoa học Hà Nội (ký hiệu P.521). Lục là ghi chép. Nam Ông Mộng Lục ghi chép giấc mộng của ông già phương Nam, thể hiện tâm sự nhớ quê nhà của tác giả, mối hoài niệm về văn vật của Việt Nam. Sách gồm 28 truyện ngắn miêu tả những sự việc đời Trần Nghệ Tông, dũng lực thần di của Lê Phụng Hiếu phá giặc, thần thông của Giác Hải thiền sư, Khổng Minh Không chữa bệnh Hổ, khí phách các nhân sĩ đời Trần như Chu An v.v… Tuy được viết trong cảnh lưu vong ở nước ngoài, nhưng lời văn súc tích ngắn gọn, đúng là lối văn chép sử, bút pháp linh động đã chiếm một vị trí nhất định trong lịch sử văn học cổ Việt Nam. Đây là một chuyện nói về ảnh hưởng lợi sanh của đạo Phật trong nhân gian đời nhà Trần:

Ông Lang khéo dùng thời giờ. Ông ngoại Hồ Nguyên Trừng tên là Phạm Công Bản, làm quan triều vua Trần Anh Vương. Ông đem hết của cải trong nhà dành dụm mua thuốc tốt và tích trữ thóc gạo. Ai đói khổ côi cút tật bệnh, ông cho trú trong nhà, cơm cháo thuốc men, dù máu mủ nhầy nhụa cũng không ngại tránh. Bỗng mấy năm liền, dân đói kém, bệnh dịch bùng lên, ông làm phòng xá cứu người phải lấy số ngàn mà đếm.

Một hôm có một người khẩn cấp mời ông: “Vợ tôi băng huyết”. Ông vội đi ngay. Vừa ra tới cổng, gặp Sứ nhà vua cũng cho gọi gấp. Ông thưa: “Xin cho tôi đi cứu người kia tánh mạng đang nguy”. Quan Trung Sứ tức giận hỏi: “Kẻ bề tôi phải trọn đạo. Sao lại có thể Vua vời mà chậm trễ. Ông lo cứu tánh mạng kẻ khác mà không lo cho tánh mạng mình sao?”. Ông đáp: “Đã đành là tôi có tội với Vua rồi, nhưng người kia chậm trễ ắt chết không còn trông cậy vào đâu. Tánh mạng của tôi còn có chỗ trông cậy là lòng từ của đức Vua có thể tha cho tôi tội chết. Tội chết may ra được miễn. Còn ngài hành tôi tội gì tôi đành cam chịu.” Người đàn bà kia may quá được cứu sống.

Ông xong việc vào cung, Vua quở trách, ông bỏ mũ ra xin chịu tội và trình bày tự sự. Vua mừng rỡ nói rằng: “Nhà ngươi quả là bậc lương y. Đã giỏi chữa thuốc lại dày lòng nhân đức, để chăm sóc cho đám con đỏ của trẫm. Thật là đã đáp ứng lòng mong mỏi của Trẫm vậy”.

Tất cả các em là con đỏ của Phật, ban chức sự hàng ngày lo chăm sóc cho các em thoát khổ vô minh, tiến về cảnh giới an vui, lành mạnh của Thánh hiền. Khi sẵng khi ngọt, tùy bệnh cho thuốc. Dĩ nhiên đã là thuốc thì đắng nhiều ngọt ít. Chúng sanh nào mà chẳng đầy điên đảo, thân bất tịnh mà cứ cho là thơm quý; thọ thì khổ mà cứ muốn nhiều nhiều; tâm vô thường biến hóa nga khoảnh cứ tưởng hôm qua mình hay, hôm nay vẫn thế; pháp vô ngã như bọt nổi cứ chấp là cồn Thái sơn. Bệnh kinh niên làm sao khỏi ngay? Các ông lang chẳng những cần giỏi nghề thuốc mà lại còn giàu lòng nhân, mới đáp đúng bản hoài của Phật. Chữa bệnh là cứu sống, đầy lòng nhân là tận tình làm cho được sống. Tâm Bồ-đề chỉ sống nếu được uống thuốc giới định tuệ, có bao nhiêu ham muốn của chúng sanh, Bồ-tát đều tìm cách phá trừ, cho nên thường bị chúng sanh oán ghét. Nếu Bồ-tát không tận tâm như ông lang kia, dù bị chê ghét thù oán cho đến mạng sống cheo leo, cũng không quản ngại thì khó mà đủ dũng lực bắt buộc chúng sanh an định trong kỷ cương, để xa lìa điên đảo vọng tưởng tiến tới Niết-bàn.

– III –

Còn đây là chuyện giành cho cả đại chúng, Phật dạy: Tăng ly chúng Tăng tàn. Tăng là chúng, chúng là Tăng, rời chúng không còn Tăng. Đại chúng là chỗ nương tựa lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, sám hối lẫn nhau, kiểm điểm lẫn nhau, xây dựng lẫn nhau. Do đây ngôi Tam-bảo trụ thế. Nên mỗi người đều có trách nhiệm đối với nhau.

Bà CT kể rằng: Năm 1960, bà đi du lịch các nước, đến Thụy Sĩ, thấy phong tục đúng là thần tiên. Nơi nơi có những sạp bán sách báo không cần người coi. Ai muốn mua gì, cứ việc lấy, tự xem giá tiền, tự bỏ tiền vào két. Cần tiền thối lại bao nhiêu, cứ việc mở ngăn kéo lấy v.v… mà chẳng bao giờ mất cắp. Bà kể tiếp 4 – 5 chuyện để chứng minh, nền văn minh của một nước mà lòng người rất nhẹ nghiệp tham sân.

Thầy cũng đọc trong sách có một chuyện: Ở một miền quê, vì vệ sinh chung, có lệnh cấm không cho nuôi vịt ngỗng trong các ao đầm. Một chú bé nuôi 8 con ngỗng con. Mọi người cho là trò chơi trẻ nít không quan tâm.

Dần dần ngỗng lớn, mọi người quên để ý. Một con chó săn ở đâu tới, thấy đàn ngỗng trắng thích quá, nhảy tùm xuống ao đuổi bắt. Ngỗng bay loạn xạ, chó rứt được lông khiến tung với gió. Tiếng quang quác vang trời. Thằng bé giận quá, vác súng nhắm đầu chó bắn, chủ chó từ xa, nhìn thấy đứng tim, chợt từ trong bụi cây, một cánh tay nhỏ bé đập cây súng, khiến mũi chúc xuống hòn đạn lạc xuống nước, một tiếng nói thiếu nhi dõng dạc: “Chó đuổi ngỗng không phạm pháp vì ngỗng nuôi trái pháp”. Con chó chạy vội tới chủ. Chủ mừng như chính mình thoát chết, vuốt ve an ủi chó. Trên mặt ao, 8 con ngỗng đã trở về bình tĩnh, nối nhau bơi. Chủ chó mong được cám ơn ân nhân, nên đi thẳng tới trường làng, tìm ông hiệu trưởng, nhờ hỏi hộ xem cậu học sinh nào đã đập chúi khẩu súng kia. Vì cánh tay ấy và những lời nói kia nhất định chỉ là của những cậu còn ở nhà trường. Hôm sau người chủ tới xin lời đáp, thì ông hiệu trưởng lắc đầu: “Chắc trẻ nó nhút nhát nên không dám ra mặt”. Người chủ năn nỉ nhờ ông hiệu trưởng phát giác cho ra, vì ông đã mua một cuốn sách đầy tranh ảnh, nhiều màu rất đẹp, định làm quà tặng. Ông hiệu trưởng dặn dò: “Mai chiều ông tới đây vào giờ tan học, ông nhớ là nhất định có 8 con ngỗng”.

Hôm sau, hiệu trưởng ra lệnh tất cả nhóm họp và yêu cầu người chủ kể lại hết câu chuyện chó đuổi ngỗng. Người chủ y lời và nói tiếp: “Nay tôi tới đây để tìm em nào đã cứu con chó yêu quý của tôi, để tôi được hân hạnh tặng món quà nhỏ này”. Vừa nói ông vừa đưa cao cuốn sách màu đầy tranh ảnh rất hấp dẫn.

Nhưng im lặng khắp, em nọ nhìn em kia, như muốn tìm cho ra vị anh hùng. Đợi một lát, ông hiệu trưởng hỏi: Có mấy con ngỗng? Người chủ đáp: 8 con ngỗng. Ông hiệu trưởng dằn giọng: Sai rồi, 15 con. Ông chủ: Rõ ràng có 8 con, 8 con ngỗng làm sao mà lẫn? Ông hiệu trưởng khẳng định là 15 con. Trong hàng trẻ có tiếng động, một em đứng lên: “Thưa chỉ có 8 con thôi”. Ông chủ mừng rỡ cầm ngay cuốn sách đến tận chỗ trao cho cậu.

LỜI BÌNH:

Tiếng khen, lời cám ơn em nhút nhát không dám đứng ra nhận.

Món quà tặng thật hấp dẫn em vẫn không màng. Nhưng khi cần bảo vệ sự thật thì không nhút nhát nữa, em quên tất cả, quên mình ưa kín đáo, quên việc cãi lời thầy hiệu trưởng là một không lợi cho học sinh.

Học sinh thế gian còn biết đặt sự thật lên trên tất cả. Bảo vệ sự thật là một quyết định không đợi ngần ngừ, không sợ quyền lực. Danh và lợi buông đi như không. Nhưng sự thật không được để bóp méo.

Quả là một khí tiết trong sáng như trăng thu. Các nữ tu sĩ tu bát chánh đạo, liệu có được như em, thẳng thắn tâm miệng không trái nhau, cùng thành thật mỗi người một lời, một phương tiện giúp đỡ cho Sư cô VL và toàn ban chức sự, xử đoán việc ĐN và CT cho đúng hai chữ Nghiêm Minh để chùa Viên Thông chúng ta:

“Tông phong vĩnh chấn,
Tổ ấn trùng quang”.

***

Thân gởi Viên Thông!

Được thơ sám hối của hai em ĐN và CT, Thầy nhẹ bớt lo âu. Nay Thầy chỉ biết rất cám ơn Sư cô tri chúng đã tận tình nhắc nhở các em việc gần cũng như việc xa, thật lỗi cũng như đề phòng. Và thứ nhất là cứng rắn để bắt các em vào khuôn phép. Cô BG đã đau quỵ rồi. TG một mình gánh cả hai nhiệm vụ học vấn và giáo dục toàn chúng. Tuổi nhỏ, việc đời cũng như việc đạo, cô còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Chỉ vì cờ đến tay thì phải phất. Nếu cô không cố gắng thì chùa Viên Thông chúng ta, trong những ngày ấy sẽ làm sao? Đáng lẽ các em phải thấu đáo hoàn cảnh mình mà vui vẻ bảo nhau tùy thuận ban chức sự, để đỡ mỏi nhọc cho quý vị. Dù có những sự trái ý cũng phải nhẫn chịu để đỡ những trục trặc, để bánh xe pháp luân vượt qua được vạn chông gai. Chớ có đâu Thức xoa ma na mà hiện tướng vô lễ với Tỳ-kheo-ni, huống chi lại thẳng thừng ngay với Tri chúng. Bức thơ sám hối của CT, lời lẽ chân thành. Thầy tin rằng con có thể sửa mình được. Bức thơ của ĐN, có những lời ước mong được ở trong vỗ về đầm ấm, chăm sóc trìu mến của Sư cô Tri chúng, Thầy e con sẽ thất vọng. Vì xuất gia cắt ái từ thân, cầu đạo giải thoát, xả ngã chấp và pháp chấp, làm sao còn mong được âu yếm chiều chuộng. Thương con cho roi cho vọt. Ghét con cho ngọt cho bùi. Thế gian còn thế, huống chi đạo xuất trần.