THOÁT VÒNG TỤC LỤY
Tác giả: Hòa Thượng Thích Tinh Vân
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Quảng Độ
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1987
Chương Mười Bảy
Mặc dầu được tôn làm Quốc Sư, song Ngọc Lâm không có ý niệm cho đó là vinh dự. Mấy năm gần đây, bao nhiêu tai nạn, nghiệp chướng dồn dập xẩy đến đã khiến ngài thể nghiệm được giáo lý của Đức Phật một cách sâu xa. Hoàng cung tráng lệ, nguy nga, cao lương, mỹ vị, đối với ngài chẳng khác gì người gỗ ngắm chim hoa, thanh danh lợi lộc không làm ngài động tâm.
Sau khi được tôn làm Quốc Sư, trí tuệ và lòng từ bi của ngài càng tăng thêm. Tính tình hiếu thắng và ngạo nghễ của tuổi trẻ, giờ đây cũng đã tan thành mây khói. Bao nhiêu việc bất bình ở quá khứ và những năm, tháng xa xưa, giờ đây không còn làm bận tâm ngài, hàng ngày, chuỗi tràng trong tay, tấm cà sa trên mình, ngài trông như một quả núi, không gì có thể lay chuyển, như một bông sen tỏa hương thơm phức.
Sống trong hoàng cung, Ngọc Lâm Quốc Sư thấy mình đã ly khai với đời, ngài tưởng đến sư phụ và sư huynh, nhưng cung cấm thâm nghiêm, dễ gì gặp được. Có lúc ngài nhìn những làn mây kéo tiếp nhau lướt qua khung cửa, bỗng ngài lại nhớ đến những việc đã qua khi ngài mới vào tướng phủ, rồi hôm Ngô Sư Gia kiếm chuyện ở Thiên Hoa Am, lại nghĩ đến nỗi khổ đau, oan uổng do chính chúng sinh gây nên, lòng ngài không khỏi cảm khái, nhìn trời than thở.Ngọc Lâm Quốc Sư sống cuộc đời lặng lẽ như giòng nước chảy lừ đừ ấy vào khoảng nửa năm, một hôm, nhân Thuận Trị Hoàng Đế vào thăm ngài, ngài nói:
– Bệ Hạ! Ngày mai tôi định lên đường vân du các nơi, xin cáo từ bệ hạ trước.
Thuận Trị Hoàng Đế ngạc nhiên, hỏi:
– Quốc sư, có lẽ quả nhân có điều gì không phải? Tại sao Quốc Sư đi cho khổ thân?
Ngọc Lâm Quốc Sư biết nhà vua hiểu lầm, nên ngài giải thích:
– Bệ hạ là vì vua mở nước, hùng tài, đức độ, không những thương yêu dân như con, mà đối với Phật pháp cũng hết lòng ủng hộ; bệ hạ không có gì không phải cả, chỉ vì tôi nghĩ đến sứ mệnh Hoằng Pháp, Lợi Sinh của người xuất gia, nên mới muốn đi các nơi hành hóa.
– Vậy xin Quốc Sư hãy thuyết pháp trong cung đã, khi nào Pháp Hội trong cung viên mãn, Quốc Sư muốn đi đâu, quả nhân xin cho người hộ tống.Ngọc Lâm Quốc Sư không biết làm thế nào, đành phải ở lại và bắt đầu mở hội giảng kinh Hoa Nghiêm. Khi giảng xong bộ Hoa Nghiêm, Thuận Trị Hoàng Đế sai sắp đặt các đồ hành trang, xếp vào mười mấy cái rương lớn, và cho hơn một trăm người đi theo Quốc Sư.
Ngọc Lâm Quốc Sư từ chối một cách trang trọng:
– Bệ Hạ, bệ hạ làm thế này sẽ trái với lời Phật dạy; khi xưa Phật Thích Ca bỏ ngôi Thái Tử đi xuất gia, lang thang đây đó, chỉ có ba tấm cà sa và một chiếc bình bát, bệ hạ cho tôi những thứ này mang theo để làm gì?
– Không! Thuận Trị Hoàng Đế giải thích – Quả nhân không để cho Quốc Sư phải mang, đã có người đi theo Quốc Sư.
– Người đi theo? Tôi cần người đi theo làm gì? Tôi đi các nơi để tiện Hoằng Pháp, nếu nhiều người đi theo không khỏi có chỗ phiền phức.
– Vậy ít nhất Quốc Sư cũng phải cho mười người đi theo để hầu hạ.
Ngọc Lâm Quốc Sư lại trả lời một cách cương quyết và trịnh trọng:
– Phật dạy ba tấm cà sa và một chiếc bát là đủ rồi, không cần một người nào đi với tôi hết!
Mặc dầu Ngọc Lâm Quốc Sư nhất định cự tuyệt, song Thuận Trị Hoàng Đế, vì danh nghĩa của Quốc Sư, không thể để như thế được, nhà vua không nói gì thêm, chỉ cúi đầu làm lễ cáo lui.
Sáng hôm sau, Ngọc Lâm Quốc Sư lặng lẽ ra khỏi hoàng cung, đi bằng cách nào, tuyệt không ai biết. Các thứ Thuận Trị Hoàng Đế sắp đặt để cúng dâng, vẫn còn nguyên đấy, Ngọc Lâm Quốc Sư chỉ đem theo con dấu bằng vàng của Quốc Sư mà thôi.Thuận Trị Hoàng Đế biết không thể làm thay đổi được ý chí của Quốc Sư, đối với phong cách cao khiết của ngài, nhà vua lại càng kính ngưỡng hơn. Thuận Trị cũng không sai người đi đuổi theo Quốc Sư, nhưng lập tức truyền chỉ cho toàn quốc, báo cho các quan lại khắp nơi, hễ biết Quốc Sư Hoằng Pháp ở chỗ nào, phải hết lòng giúp đỡ, và phải tâu về triều đình ngay. Thuận Trị Hoàng Đế tưởng nhớ Quốc Sư không lúc nào nguôi. Một hôm, có một nước nhỏ ở phương Nam, đưa các đồ triều cống đến, trong đó có một chiếc quạt bằng ngà, Thuận Trị Hoàng Đế tự tay viết bốn chữ: “Như Trẫm thân lâm” (Quốc Sư đến đâu tức là Trẫm ở đó) vào chiếc quạt, đợi khi nào biết tin Quốc Sư ở đâu thì cho người mang đến dâng ngài. Vì nhà vua cho rằng nếu Quốc Sư mang theo chiếc quạt đó thì bất cứ đi tới đâu ngài cũng sẽ được đón tiếp long trọng.
Sau khi rời hoàng cung, Ngọc Lâm Quốc Sư sống cuộc đời nay đây, mai đó, một manh áo nâu, một đôi dép cỏ, vượt núi băng ngàn, dầm sương dãi nắng, cất bước lãng du khắp miền Giang Nam, Giang Bắc; lúc vào tá túc trong cảnh đại tùng lâm, cũng có khi yên giấc bên bờ sông, sườn núi. Ngài đến thăm viếng các bậc lão hòa thượng để hỏi đạo, cũng có khi ngài tùy duyên thuyết pháp, dẫn dắt cho mọi người, nhưng không một ai biết vị sư trẻ tuổi, uy nghiêm ấy là Quốc Sư của đương triều!Dĩ nhiên cũng có nhiều người hoài nghi khi thấy tướng mạo phi phàm của ngài, song ngài lại càng cố tỏ ra quê mùa để người khác đừng chú ý. Có mỗi một lần ở chùa Thiên Đồng tại Triết Giang, ngài ngồi trong đám thính chíng nghe vị Thủ tọa hòa thượng thuyết pháp, hòa thượng nói: “Một người xuất gia mà không để cho danh vọng, vinh hoa làm động tâm thì hiếm có lắm! Song nếu quá chán ghét và xa lánh danh vọng, vinh hoa, thì cũng lại thành ra cố chấp, hẹp hòi. Đối với đời, theo hạnh bi nguyện của Đại Thừa thì không nên chấp mà cũng không nên xa. Trong đám thính chúng đây, chắc thế nào chả có một người phi phàm từ phương xa đến, vị ấy hãy nên nghĩ lại, Phật pháp tuy xa lìa danh vọng và địa vị, song cũng có lúc phải nhờ danh vọng và địa vị để hoằng dương!”. Hòa thượng vừa nói vừa đưa mắt nhìn thẳng vào Ngọc Lâm Quốc Sư.Ngọc Lâm cúi đầu, không dám nhìn lại vị hòa thượng chủ tọa, nhưng những lời hòa thượng nói đã làm ngài xúc động, ngài biết những
lời nói ấy rõ ràng ám chỉ vào ngài.Ngọc Lâm Quốc Sư không dám ở lại nữa, vì ngài không muốn những người đồng đạo trong tăng đoàn biết ngài là một vị Quốc Sư, bởi thế ngài lẳng lặng xách khăn gói lên đường.
Dọc đường, hình ảnh và lời nói của vị thủ tọa hòa thượng cứ quay cuồng trong đầu óc ngài, điều đó ngài đã được nghe sư huynh Ngọc Lam nói qua rồi. Ngài vẫn có bi nguyện và nhiệt tình đối với đời và chúng sinh, chỉ vì ngài biết là thời cơ Hoằng Pháp, Lợi Sinh chưa đến. Song hiện giờ ngài đã được tôn làm Quốc Sư, ngài tự biết sức học của ngài không xứng đáng với chức vị ấy, giá như sư huynh trí tuệ và đạo đức đầy đủ, hoặc như vị thủ tọa hòa thượng tuổi tác và đạo đức cũng hiếm có, mà đảm nhiệm chức vị ấy thì xứng đáng biết chừng nào! Khốn nỗi, họ không muốn xuất đầu lộ diện, không muốn khoe khoang tài đức của họ.
Ngày tháng thoi đưa, Ngọc Lâm Quốc Sư lê gót bốn phương trời, lần lữa đã bốn năm qua. Một hôm, ngài qua một nơi hẻo lánh, trời đã tối mà chung quanh thì không có một cảnh chùa hay làng mạc nào, ngài phải nghỉ lại dưới một gốc cây. Lúc ngài đang ngồi nhắm mắt tư duy, bỗng một bọn cướp đi ngang qua, thấy ngài, một tên dơ dao lên, nói:
– Người là ai? Có tiền cho chúng ta vay tạm một ít tiêu đây!
Dưới ánh trăng mờ, Ngọc Lâm Quốc Sư thấy bọn họ rất đông, nhưng ngài không hề bối rối, sợ hãi, ngài chậm rãi nói:
– Tôi là người lỡ đường, tiền không có mà trong người cũng chẳng có gì để biếu các ông, song nếu các ông chịu chấp nhận lời yêu cầu của tôi, tôi sẽ cho các ông một vật rất quý giá.
Bọn cướp đồng thanh nói:
– Yêu cầu gì? Nói mau!
– Tôi yêu cầu các ông từ nay đừng làm giặc cướp nữa!
Nghe xong, một tên hằm hằm, hổ hổ nói:
– Đừng láo! Điều đó không thể được, không làm giặc cướp thì chúng ta làm gì?
Tên khác nhận ra Ngọc Lâm Quốc Sư là người xuất gia, y rất thán phục thái độ bình tĩnh của ngài, y gạt mọi tên khác ra rồi đến trước nói:
– À, té ra ông là một vị sư, xin ông nói trước, chúng tôi không làm giặc cướp thỉ ông cho chúng tôi vật gì?
Ngọc Lâm vẫn cứ cứng rắn:
– Tôi muốn các ông phải nhận trước với tôi là các ông sẽ không làm giặc cướp!
– Không làm giặc cướp, chỉ cầu ông cho chúng tôi ăn, vậy ông có dám bảo đảm không?
– Tôi có một thỏi vàng, nặng chừng hai ba cân, nếu từ nay các ông đừng đi ăn cướp, tôi sẽ cho các ông đem về bán đi, lấy tiền chia
nhau làm vốn buôn bán mà sinh sống, đừng làm nghề tội ác ấy nữa, như thế có sung sướng không?Bọn cướp đều nhận lời rầm rĩ:
– Thế thì tốt lắm, ông đưa ngay đây cho chúng tôi, chúng tôi đều nhận lời.
Ngọc Lâm yên lặng đưa con dấu bằng vàng ra, lúc giao cho tên đầu đảng, ngài nói với đồng bọn:
– Tôi cần dặn trước các ông là khi nào đem bán thỏi vàng này, các ông phải cạo chữ ở trên mặt đi đã, đó là lòng tốt của tôi, bảo mấy ông biết trước, vì tôi không muốn các ông phải liên lụy!Khi bọn cướp hứa sẽ không ăn cướp nữa, Ngọc Lâm Quốc Sư rất hoan hỉ, ngài đưa ngay con dấu Quốc Sư có khắc mấy chữ “Đại Giác phổ Tế Năng Nhân Ngọc Lâm Quốc Sư” cho bọn cướp, ngài tự nghĩ dùng thỏi vàng ấy làm cho mấy chục người không còn gây tai hại cho xã hội, không cướp bóc những khách đi đường thế là đáng giá lắm rồi.Sau khi được thỏi vàng, bọn cướp cười nói huyên thuyên một hồi rồi đi. Trên vòm trời, mặt trăng lẩn khuất sau đám mây, mấy vì sao lấp lánh tỏa ra một ánh sáng mờ mờ, bốn bề tịch mịch, không một tiếng động, Ngọc Lâm Quốc Sư lại ngồi yên lặng dưới gốc cây như không có gì vừa mới xẩy ra.
Sau khi về tới sào huyệt, bọn cướp dỡ vàng ra xem, đó là một con dấu bằng vàng, hình vuông, sáng chói, mấy tên biết chữ, xem con dấu rồi hoảng hốt kêu lên:
– Ái chà! Đây là bậc thầy của Thiên Tử! Các anh có nhìn rõ mấy chữ “Đại Giác phổ Tế Năng Nhân Ngọc Lâm Quốc Sư”trên con dấu không? Chết rồi! Chúng ta đã ăn cướp Quốc Sư, thật tội phanh thây rồi!
– Không phải đâu, đừng nói bậy! Tôi xem ông ta không có vẻ là Quốc Sư, nghe tiếng của ông ta thì người chỉ khoảng gần ba mươi tuổi thôi. Quốc Sư đâu có đến chỗ núi non hẻo lánh này làm gì.
– Tôi xem lão ta có lẽ cũng là đồng nghiệp của chúng mình, chắc lão đã lấy được ấn vàng của Quốc Sư, định đem vào núi dấu, không may lại gặp mình, sợ quá nên phải giao lại cho mình chăng?
– Tôi thấy ông ấy chả có vẻ gì sợ hãi cả, dáng người trang nghiêm, tiếng nói hiền dịu, có thể là Quốc Sư lắm!
Bọn cướp cứ bàn tán phân vân, sau tên đầu đảng là Vương Đức Thịnh dơ hai tay lên bảo mọi người im lặng, rồi y nói:
– Anh em! Chúng ta thật coi trời bằng vung, dám cướp ấn vàng của Quốc Sư, triều đình mà biết, thì liệu đời chúng ta còn không? Giữa đường gặp Quốc Sư mà ta cũng không vái chào, thật có mắt cũng như mù. Bây giờ chúng ta lại đến, nhất định Quốc Sư còn đây, nếu thật là Quốc Sư, chúng ta hoàn lại ấn vàng, và xin thờ ngài làm thầy, bằng không, cũng nên buông tha người, vì đó chỉ là một người tu hành, không biết ý anh em thế nào?
Mọi người đều giơ tay tán thành, thậm chí còn có người nói, nếu quả thật được gặp Quốc Sư thì từ nay y sẽ bỏ nghề ăn cướp, và xin thế phát đi tu.
Núi rừng trùng điệp, cây cối um tùm ngoài tiếng tiếng gió rì rào qua các kẽ lá ra, không mộtâm thanh nào khác; bọn cướp cũng đi trong yên lặng, không ai dám nói một lời, những ý niệm độc ác, hung tàn, giờ đây đã biến thành những ý niệm hiền lương nhân đạo; lúc ấy họ không còn là những kẻ giặc cướp, mà là một đoàn người xuyên qua núi rừng để đi cầu đạo, họ đều mang một tấm lòng kính cẩn, khẩn thành, mong được bái kiến một đấng Quốc Sư.
Khoảng đường không phải gần gũi, vừa đi vừa về cũng tới năm, sáu mươi dặm, lúc bọn cướp vừa trở lại đến chỗ Quốc Sư đang ngồi thì từ góc trời phía Đông cũng bắt đầu hừng sáng: bình minh đã xuất hiện.
Mọi người thấy Ngọc Lâm Quốc Sư vẫn còn ngồi đấy, họ quỳ xuống, cúi đầu, run sợ hỏi:
– Ngài có phải là đương triều Quốc Sư?
Ngọc Lâm Quốc Sư thấy vẻ kính cẩn của họ, biết họ đến để ăn năn thú tội, nhưng ngài thấy hơi khó trả lời câu hỏi của họ, vì từ khi rời khỏi hoàng cung cho đến nay vẫn chưa ai biết ngài là Quốc Sư, chỉ mới có vị thủ tọa hòa thượng ở chùa Thiên Đồng nhờ có thần thông mới biết, song ngài cũng không dám nhận, mà cáo biệt ngay. Mấy năm nay, sống cuộc đời trôi nổi, lang thang khắp đó đây, ngài chưa dám cho ai biết ngài là Quốc Sư, sợ làm náo động lòng người. Nhưng giờ đây, bọn cướp hỏi ngài, ngài tự nghĩ không nói không được. Bởi thế sau một phút ngần ngừ, ngài đáp:
– Phải ta chính là Ngọc Lâm Quốc Sư của đương kim Thiên Tử song các người không được nói cho người khác biết, sợ làm trở ngại việc vân du của ta.Tên đầu đảng Vương Đức Thịnh kêu lên thất kinh:
– Quốc Sư! Chúng con có mắt như mù, không biết Quốc Sư đến, muôn vàn tội chết, cúi xin Quốc Sư rủ lòng từ bi xá tội cho chúng con, và cho chúng con được theo làm đệ tử!Vương Đức Thịnh nói xong, tất cả đồng bọn đều quỳ xuống, ai cầu:
– Chúng con đều xin Quốc Sư rủ lòng thương nhận chúng con làm đồ đệ!
Ngọc Lâm Quốc Sư:
– Điều đó không được, không thể vừa là đệ tử Phật, vừa là giặc cướp!
– Chúng con đã hối cải, chỉ mong được Quốc Sư nhận làm đồ đệ, chúng con sẽ theo Quốc Sư đi xuất gia, thề không trộm cướp nữa!
Vương Đức Thịnh đại biểu cho cả bọn tuyên thệ, sau đó, bọn cướp đồng thanh lập lại:
– Phát nguyện xuất gia, thề không trộm cướp!
Ngọc Lâm Quốc Sư thấy khó xử:
– Theo ta xuất gia, chính ta cũng không có chùa cảnh gì cả, ta đi hành hóa, chính Hoàng Thượng cũng không biết đi đâu.
Bọn cướp tỏ ra rất cương quyết nói:
– Chỉ mong Quốc Sư thu nhận cho chúng con xuất gia, chúng con sẽ biến sào huyệt của chúng con thành một cảnh chùa, thỉnh Quốc Sư trụ trì để dạy bảo chúng con tu hành, trên núi có đất đai, chúng con sẽ ra sức trồng trọt để sinh sống.Ngọc Lâm Quốc Sư rất vui mừng. Ngài tự nghĩ độ cho người thiện tu hành thì dễ rồi, còn độ cho kẻ ác tu hành mới khó; hiện giờ
những kẻ cướp tỏ ý ăn năn, lại phát nguyện xuất gia, ngài không thể bỏ chúng sinh, bởi thế ngài nói rõ những giới điều mà một người xuất gia phải tuân theo cho họ nghe, họ đều tỏ lòng ưng thuận, vâng theo, cho nên Ngọc Lâm Quốc Sư nhận lời thỉnh cầu của họ.
Trời đã sáng hẳn, chim chóc kêu ríu rít trên cành cây, từ phương Đông, vừng hồng đang nhô lên, tất cả như đang ca ngợi và đón mừng cuộc đời mới của bọn cướp.Ngọc Lâm Quốc Sư đứng dậy, mọi người, tiền hô, hậu ủng, đưa ngài lên núi.
Khi đến sơn trại, việc đầu tiên mà Ngọc Lâm Quốc Sư bảo bọn cướp làm là biến ngay căn nhà hội họp của họ thành Đại Hùng Bảo Điện để thờ Phật, rồi sau mới đến các việc khác.
Mọi người đều hớn hở, Ngọc Lâm Quốc Sư cũng hoan hỉ, ngài nhận thấy sơn trại đó có thể kiến thiết thành một nơi tùng lâm. Sau khi căn nhà hội họp được đổi thành Đại Hùng Bảo Điện. Ngọc Lâm Quốc Sư hỏi Vương Đức Thịnh về tình hình trong núi:
– Ở vùng này có bao nhiêu người?
– Có tất cả 74 người. Vương Đức Thịnh đáp.
– Núi này kêu là núi gì?
– Vì cách xa dân chúng quá, nên núi này gần như không có tên. Cách đây bốn năm, khi chúng con đến quần tụ ở nơi này, chúng con mới gọi là núi Quần Anh.
– Con hãy may lấy gấp 74 chiếc áo nâu, hôm nay là 14 tháng 8, đến 19 tháng 9 ngày kỷ niệm xuất gia của Bồ Tát Quan Âm, thầy sẽ làm lễ thế phát, quy y cho các con!Vương Đức Thịnh cung kính vâng lời, Ngọc Lâm Quốc Sư cho triệu tập tất cả mọi người đến, rồi bảo họ từ đây về sau gọi núi này là núi Chính Giác, chùa đặt hiệu là chùa Chính Giác, ngài lại phân chia cho họ mỗi người một chức vụ trong chùa. Ngài còn đặt pháp danh cho họ, Vương Đức Thịnh được gọi là Giác Đạo. Ngài khuyến khích họ gia sức khai khẩn đất đai, trồng trọt hoa trái và rau dưa, ai cũng vui lòng theo Ngọc Lâm Quốc Sư sống cuộc đời tu hành thanh đạm. Ngọc Lâm Quốc Sư ở đấy thấy lòng rất giải thoát.